Văn mẫu lớp 12: Đoạn văn suy nghĩ về ý nghĩa của việc hướng về cội nguồn Viết đoạn văn 200 chữ hay nhất
Văn mẫu lớp 12: Đoạn văn suy nghĩ về ý nghĩa của việc hướng về cội nguồn là tài liệu được Download.vn giới thiệu.
Nội dung gồm 4 đoạn văn mẫu lớp 12, bạn đọc hãy cùng theo dõi chi tiết được chúng tôi đăng tải ngay sau đây.
Đoạn văn suy nghĩ về ý nghĩa của việc hướng về cội nguồn
Suy nghĩ về ý nghĩa của việc hướng về cội nguồn - Mẫu 1
Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đã dặn dò thế hệ sau: “Các vua hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam vẫn luôn giữ gìn truyền thống tốt đẹp - uống nước nhớ nguồn. Hướng về cội nguồn của mình, mỗi người đều ý thức được trách nhiệm của bản thân. Tuy nhiên, hiện nay, một số người đã không biết trân trọng cuộc sống, lãng phí thành quả sức lao động của người khác. Hoặc những cá nhân có thái độ sống “sùng ngoại”, hòa nhập mà hòa tan cả những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc. Những đối tượng kể trên thật đáng phê phán. Bởi vậy, chúng ta hãy biết khắc ghi cội nguồn, sống có trách nhiệm hơn.
Suy nghĩ về ý nghĩa của việc hướng về cội nguồn - Mẫu 2
Con người sinh ra đều có nguồn cội. Chúng ta cần biết ơn ông bà, cha mẹ. Những sản phẩm lao động đều do con người lao động mới có. Việc chúng ta biết ơn là thể hiện sự trân trọng. Từ xưa, dân tộc Việt Nam đã có truyền thống biết ơn. Người xưa có tục thờ cúng thần linh, tổ chức các lễ hội để cầu cho mùa màng tốt tươi, thiên nhiên thuận hòa. Hằng năm, người dân lại nô nức tìm về với đền Hùng (Phú Thọ) để thắp nén nhang tưởng nhớ công ơn dựng nước, giữ nước của các vua Hùng. Nhiều ngày lễ lớn ra đời để tri ân công lao, cống hiến của một đối tượng cụ thể. Ví dụ như ngày 27 tháng 7 - ngày Thương binh liệt sĩ lễ tri ân tới các thương binh, liệt sĩ. Ngày 20 tháng 11 - ngày Nhà giáo Việt Nam để bày tỏ lòng biết ơn tới các thầy cô giáo. Ngày 27 tháng 2 - ngày Thầy thuốc Việt Nam dành cho các y bác sĩ. Tuy nhiên, một số người vẫn có lối sống vô ơn. Họ không biết trân trọng cuộc sống, lãng phí thành quả sức lao động của người khác. Hoặc những cá nhân có thái độ sống “sùng ngoại”, hòa nhập mà hòa tan cả những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc. Vì vậy, con người cần ghi nhớ cội nguồn, sống có trách nhiệm hơn.
Suy nghĩ về ý nghĩa của việc hướng về cội nguồn - Mẫu 3
Nguồn cội là nơi ta sinh ra, lớn lên và cũng là nơi để ta trở về sau tất cả những sóng gió bên ngoài. Hướng về nguồn cội là điều mà ai cũng cần có, bởi vì con người không thể nào sống mà quên đi gốc gác của mình. Nguồn cội là gia đình, là quê hương, là đất nước. Ở đó có mẹ có cha, có ông bà, anh chị em và những người thân thuộc. Chúng ta được sinh ra, được nuôi dưỡng từ dòng sữa mẹ, được lớn lên trong sự yêu thương. Quê hương là nơi ta sống, ta cắp sách đến trường, là nơi chứng kiến ta trưởng thành qua từng ngày. Rộng hơn và xa hơn, ta phải luôn ý thức được đất nước mình đang sống được đánh đổi bằng những gì. Biết bao con người bị chôn vùi nơi đất mẹ để đem đến cuộc sống hôm nay. Ta phải biết ơn và trân trọng cuộc sống ấy. Gia đình, quê hương, đất nước là bến đỗ bình yên cho mỗi con người. Dù đi đâu, về đâu cũng sẽ luôn tự nhắc nhở bởi nó theo bước hành trình của ta suốt cuộc đời. Uống nước nhớ nguồn là truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc. Chúng ta, những người trẻ của thế hệ hôm nay, phải tiếp nối và phát huy truyền thống ấy.
Suy nghĩ về ý nghĩa của việc hướng về cội nguồn - Mẫu 4
Mỗi con người khi sinh ra, lớn lên đều có một cội nguồn rõ ràng, xác định. Cội nguồn đó là gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước. "Quê hương mỗi người chỉ một như là chỉ một mẹ thôi". Cội nguồn là không gian sinh tồn và giúp cho sự hình thành, phát triển của mỗi một con người. Nó có tác động to lớn đến con người và giá trị, ý nghĩa đời sống của mỗi người. Vì vậy, mỗi người phải có trách nhiệm đối với nguồn cội của mình : tưởng nhớ tổ tiên, cội nguồn gia đình, dân tộc ; gắn bó, chia sẻ với gia đình, với đất nước những lúc khó khăn, gian khổ; biết yêu thương và hi sinh cho gia đình, đất nước, quê hương. Đối với tuổi học sinh, chúng em sẽ tích cực học tập và rèn luyện, tu dưỡng bản thân, chăm ngoan, nghe lời dạy bảo của cha mẹ, thầy cô để là con ngoan trò giỏi và sau này khi trưởng thành sẽ là người công dân tốt, có ích cho xã hội.