Cách mở bài nghị luận văn học Mở bài nghị luận văn học

Trong một bài văn, phần mở bài trong một bài văn nghị luận xã hội có vai trò gợi mở, định hướng vấn đề. Chúng ta có thể mở bài theo hai cách: trực tiếp và gián tiếp. Để giúp học sinh có thêm ý tưởng cho phần mở bài, Download.vn sẽ cung cấp tài liệu Cách mở bài nghị luận văn học, hướng dẫn cách viết phần mở bài nghị luận văn học.

Cách mở bài nghị luận văn học
Cách mở bài nghị luận văn học

Tài liệu này sẽ hướng dẫn cách mở bài cho bài văn nghị luận văn học, cùng với một số công thức mở bài nghị luận văn học. Mời tham khảo chi tiết ngay sau đây.

I. Hướng dẫn cách mở bài nghị luận văn học

- Phần mở bài trong một bài văn nghị luận xã hội có vai trò gợi mở, định hướng vấn đề. Có hai cách mở bài:

  • Trực tiếp: Đi thẳng vào vấn đề cần nghị luận. Khi mở bài trực tiếp cần phải tập trung vào vấn đề nghị luận, tránh lan man.
  • Gián tiếp: Từ vấn đề liên quan dẫn dắt đến vấn đề cần nghị luận. Khi mở bài gián tiếp cần phải tạo được sự hấp dẫn, linh hoạt. Có thể mở bài gián tiếp bằng cách dẫn dắt từ một câu nói, ý kiến, nhận định để đi đến vấn đề cần nghị luận.

- Cấu trúc của một mở bài sẽ gồm các phần:

  • Dẫn dắt vấn đề: Đi từ vấn đề liên quan (một câu nói, ý kiến, nhận định…) để dẫn người đọc, người nghe vào vấn đề bàn luận hay tình huống có vấn đề đặt ra ở đề bài.
  • Nêu vấn đề: Nêu vấn đề một cách ngắn gọn, chú ý nêu đúng vấn đề đặt ra trong đề bài và phải nêu một cách khái quát.
  • Giới hạn vấn đề: Nêu được phạm vi bàn luận (1 đề tài, 1 tác phẩm hay nhiều tác phẩm, 1 đoạn/khổ trong tác phẩm...)
  • Nhận định về tầm quan trọng của vấn đề, ý nghĩa của vấn đề đối với cuộc sống, xã hội (không nhất thiết phải có, tùy thuộc vào từng nội dung).

II. Làm thế nào để có một một mở bài hay?

Để có một bài hay, người viết cần tuân thủ các yêu cầu sau:

a. Ngắn gọn (khoảng 3 đến 4 câu văn): Mở bài cần ngắn gọn, tránh dài dòng, lan man dễ gây lạc đề.

b. Đầy đủ: Nêu được vấn đề cần nghị luận; phạm vi tư liệu, thao tác nghị luận chính.

c. Độc đáo: Tạo ra sự chú ý cho người đọc về vấn đề cần nghị luận bằng những liên tưởng khác lạ, hoặc dẫn dắt những câu trích dẫn ý nghĩa.

d. Tự nhiên: Ngôn từ giản dị, mộc mạc, tránh sáo rỗng, tránh gượng ép.

III. Các cách mở bài nghị luận văn học

1. Nêu phản đề

- Tạo ra tình huống đối lập, tương phản với vấn đề được nêu ra trong mở bài.

- Ví dụ: Khi nhận xét về Tây Tiến của Quang Dũng, có nhà phê bình văn học đã đánh giá tác phẩm mang cái “buồn rớt, mộng rớt” của giai cấp tiểu tư sản. Điều đó còn mang cái nhìn chủ quan, phiến diện một thời. Ở khổ thơ thứ ba, Quang Dũng đã cho người đọc cảm nhận được về hình ảnh người lính hiện lên với vẻ đẹp bi tráng, hào hùng.

2. So sánh

- Đối chiếu hai hay nhiều đối tượng với nhau, giúp cho người đọc thấy được bản chất của vấn đề được đề cập đến trong tương quan với đối tượng khác.

- Ví dụ: Thơ ca Việt Nam ba mươi năm chiến tranh là một dàn hợp xướng những khúc ca, giai điệu ngọt ngào về đất nước. Ta không thể nào quên một “đất nước hình tia chớp” trong thơ Trần Mạnh Hảo hay một đất nước như “bà mẹ sớm chiều gánh nặng nhẫn nại nuôi con một đời im lặng” trong thơ Tố Hữu. Nhắc đến đề tài Đất nước trong văn học cách mạng sẽ thật là không đầy đủ nếu như ta không nhắc đến Đất nước trích trong chương V của Trường ca mặt đường khát vọng với tư tưởng nhân văn tiến bộ: “Đất nước của nhân dân”.

3. Từ đề tài

- Mỗi tác phẩm văn học đều thuộc một mảng đề tài nhất định. Việc dẫn dắt từ đề tài sẽ giúp cho người đọc có cái nhìn khái quát đến cụ thể về tác phẩm.

- Đề tài là phạm vị hiện thực được phản ánh trong tác phẩm (Ví dụ: Truyện ngắn Lão Hạc, Chí Phèo của Nam Cao thuộc mảng đề tài viết về người nông dân).

- Ví dụ: Từ trước đến nay, tình yêu luôn là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người. Xuân Diệu đã từng viết:

“Làm sao sống được mà ko yêu
Không nhớ không thương một kẻ nào”

( Bài thơ tuổi nhỏ, Xuân Diệu)

Đó cũng là lý do tình yêu được đưa rất nhiều vào trong thơ ca và nghệ thuật, trở thành nguồn cảm hứng bất tận với nhiều thi nhân. Nổi bật trong đó là Xuân Quỳnh với bài thơ “Sóng”. Tác phẩm đã gợi cho người đọc những cảm nhận thật tinh tế về vẻ đẹp tâm hồn của người con gái trong tình yêu.

4. Từ chủ đề

- Chủ đề là nội dung chính được tác giả gửi gắm trong tác phẩm.

- Ví dụ: Nguyễn Trung Thành với tác phẩm Rừng xà nu đã thông qua câu chuyện về những con người ở một bản làng hẻo lánh để đặt ra một vấn đề lớn lao của dân tộc. Để cho sự sống của đất nước và nhân dân mãi trường tồn, không có cách nào khác là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí chống lại kẻ thù. Tác phẩm chính là bản anh hùng ca của mảnh đất Tây Nguyên anh hùng.

5. Từ nhân vật hoặc hình tượng trung tâm

- Hình tượng trung tâm có thể là nhân vật chính, hay một hình tượng được nhà văn xây dựng.

- Ví dụ: “Tây Tiến” là một đơn vị quân đội được thành lập vào năm 1947 với nhiệm vụ chính là phối hợp với bộ đội Lào chống lại thực dân Pháp. Đa phần những người lính trong binh đoàn Tây Tiến đều là học sinh sinh viên, trong đó có nhà thơ Quang Dũng. Năm 1948, sau khi chuyển sang đơn vị khác, nhà thơ đã nhớ về binh đoàn Tây Tiến và sáng tác ra “Tây Tiến”. Bài thơ đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

6. Từ giai đoạn văn học hoặc hoàn cảnh sáng tác

- Mỗi thời kì lịch sử đều có bối cảnh xã hội, lịch sử khác nhau có ảnh hưởng đến nội dung của từng tác phẩm. Mỗi giai đoạn chi phối đến nhà văn, bạn đọc và tác phẩm.

- Đồng thời, mỗi tác phẩm văn học thường sẽ có hoàn cảnh sáng tác riêng.

- Ví dụ:

Hôm nay sáng mồng hai tháng chín
Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình
Muôn triệu tim chờ... chim cũng nín
Bỗng vang lên tiếng hát ân tình”

(Theo chân Bác, Tố Hữu)

Đó là sáng mùa thu lịch sử Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Văn chính luận của Người nói chung, “Tuyên ngôn độc lập” của Người nói riêng thể hiện một tư duy sắc sảo, một ngòi bút giàu tính luận chiến và tài nghệ lập luận kiệt xuất của Hồ Chí Minh.

7. Từ tác giả

- Tác giả có vai trò quan trọng đối với mỗi tác phẩm - những đứa con tinh thần của nhà văn. Muốn mở bài đi từ tác giả cần nhớ được phong cách sáng tác của tác giả.

- Ví dụ: Nhà văn Nguyên Ngọc đã đánh giá “Nguyễn Minh Châu là cây bút mở đường tinh anh và tài năng nhất”. Các sáng tác của ông đều thể hiện được những quan niệm mới mẻ về cuộc sống. Trong số đó có truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” được in trong tập truyện ngắn cùng tên, xuất bản năm 1987. Truyện đã mang một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cái nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng.

8. Từ thể loại

- Mỗi tác phẩm đều thuộc một thể loại văn học (thơ, truyện ngắn…) với những đặc trưng khác nhau. Học sinh cần nắm rõ nội dung của tác phẩm (thuộc thơ, đọc tác phẩm) để nắm rõ thể loại.

- Ví dụ: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là bài bút kí đặc sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bằng những tình cảm chân thành, sâu nặng với xứ Huế, tác giả đã lột tả trọn vẹn vẻ đẹp và linh hồn của dòng sông Hương - con sông mang dáng hình và dấu ấn của xứ Huế mộng mơ. Tác phẩm đã thể hiện được phong cách của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

9. Trích dẫn một nhận định, đánh giá văn học

- Trích dẫn một nhận định, đánh giá văn học, từ đó dẫn dắt đến nội dung vấn đề cần nghị luận.

- Ví dụ: M.Gorki đã từng khẳng định: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Chỉ một chi tiết nhỏ nhưng lại gửi gắm được nhiều giá trị sâu sắc. Và trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình, Nguyễn Thi đã xây dựng được một chi tiết như vậy, đó chính là chi tiết Việt và Chiến cùng khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm.

IV. Một số công thức mở bài nghị luận văn học

Công thức số 1

Thời gian là một một vòng tuần hoàn vô tận. Vạn vật dường như không thể bất biến với thời gian. Nhưng những gì là văn, thơ thì vẫn luôn còn nguyên vẹn giá trị. Tác phẩm B của nhà văn/nhà thơ A là một trong số đó.

Công thức số 2

Đề tài C vốn rất phổ biến trong nền văn học Việt Nam. Nổi bật trong đó là nhà văn/nhà thơ A, với tác phẩm B. Tác phẩm đã gợi cho người đọc những ấn tượng sâu sắc về (vấn đề cần nghị luận).

Công thức số 3

Văn học chính là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Một tác phẩm văn học lưu giữ những dấu ấn của thời đại. Tất cả những giá trị vĩnh cửu đó đã thăng hoa cùng ngòi bút của nhà văn/nhà thơ A để tác phẩm B ra đời. Nổi bật trong đó là đoạn trích/nhân vật…

Công thức số 4

Hiện thực chắp cánh để văn học thăng hoa. Mỗi tác phẩm xuất phát từ hiện thực đều gửi gắm tư tưởng nhân văn cao đẹp. Chính vì vậy, bức tranh hiện thực trong tác phẩm B của nhà văn/nhà thơ A đã gây ấn tượng đặc biệt sâu sắc trong lòng bạn đọc.

Công thức số 5

Một tác phẩm hay gửi gắm nhiều giá trị sâu sắc. Và tác phẩm B của nhà văn A chính là một trong số đó. Tác phẩm đã giúp người đọc hiểu rõ hơn về (vấn đề nghị luận).

Công thức số 6

Để xây dựng được một tác phẩm hay có sức lay động đến sâu thẳm trái tim con người là điều vô cùng khó khăn. Thế nhưng, nhà văn/nhà thơ A đã làm được điều đó qua tác phẩm B, với dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc.

Công thức số 7

Tác phẩm B của nhà văn/nhà thơ A được coi là một trong những kiệt tác của nền văn học giai đoạn C. Yếu tố quan trọng để góp phần làm nên tác phẩm này chính là việc nhà văn/nhà thơ A đã xây dựng thành công (vấn đề cần nghị luận).

Công thức số 8

Nhà văn A là một cây bút chuyên về (thể loại văn học). Tác giả đã rất thành công ở các tác phẩm khai thác đề tài C. Một trong những tác phẩm tiêu biểu là tác phẩm B. Tác phẩm khắc họa/xây dựng thành công (vấn đề nghị luận).

Công thức số 9

M.Goóc-ki đã khẳng định rằng: “Văn học là nhân học”. Một tác phẩm văn chương giàu giá trị phải gửi gắm được những tư tưởng nhân văn sâu sắc. Và tác phẩm B của nhà văn A cũng vậy.

Công thức số 10

An-đéc-xen, một nhà văn người Đan Mạch đã từng khẳng định rằng: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết ra”. Quả vậy, hiện thực cuộc sống được coi là cái nền cho những cảm hứng nghệ thuật chắp cánh và đâm chồi. Vì vậy, bức tranh hiện thực về cuộc sống; con người trong tác phẩm B của nhà văn/nhà thơ A đã gây ấn tượng đặc biệt sâu đậm trong lòng người đọc.

Công thức số 11

Nhà văn Thạch Lam đã từng khẳng định rằng: “Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc bài học trông nhìn và thưởng thức”. Và nhà văn/nhà thơ A đã làm được điều đó qua tác phẩm B.

Công thức số 12

Đại thi hào Nga - Puskin từng viết: “Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây cỏ sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút”. Chính nhà thơ/ nhà văn A đã để tiếng lòng của mình được cất lên qua tác phẩm B. Khi đọc tác phẩm này, chúng ta đã cảm thấy ấn tượng với… (vấn đề cần nghị luận).

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Hy
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 368
  • Lượt xem: 79.364
  • Dung lượng: 45 KB
Liên kết tải về

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
    Chỉ từ 79.000đ trải nghiệm Download không quảng cáotải toàn bộ tài liệu trên Download với tốc độ cao. Tìm hiểu thêm
    Hoặc không cần đăng nhập và tải nhanh tài liệu Cách mở bài nghị luận văn học