Văn mẫu lớp 12: Phân tích chi tiết nụ cười của Tràng và giọt nước mắt của bà cụ Tứ Dàn ý & 3 bài văn mẫu lớp 12

TOP 3 mẫu Phân tích chi tiết nụ cười của Tràng và giọt nước mắt của bà cụ Tứ trong Vợ nhặt của Kim Lân dưới đây sẽ là tư liệu cực kì hữu ích với các bạn học sinh lớp 12. Với 3 bài văn phân tích giọt nước mắt của bà cụ Tứ sẽ giúp các bạn nắm được các luận điểm, luận cứ rõ ràng, rành mạch.

Phân tích chi tiết nụ cười của Tràng và giọt nước mắt của bà cụ Tứ

Hình ảnh nụ cười của Tràng và giọt nước mắt của bà cụ Tứ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Kim Lân đã khéo léo gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình dành cho nhân vật. Qua đó, tư tưởng nhân đạo sâu sắc, sự đồng cảm, sẻ chia và niềm tin của Kim Lân với nhân vật lại càng ngời sáng.

Dàn ý phân tích chi tiết nụ cười của Tràng và giọt nước mắt của bà cụ Tứ

I. Mở bài:

Chi tiết nụ cười của nhân vật Tràng và giọt nước mắt của bà cụ Tứ đã để lại nhiều nỗi niềm trong lòng người đọc Trong "Vợ nhặt" của Kim Lân

II. Thân bài: 

- Nụ cười của Tràng xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm

  • Khi đẩy xe bọ
  • Khi cùng thị về
  • Trong căn nhà đơn sơ, nghèo nàn
  • Nụ cười làm vơi bớt những cây đắng của thực tại
  • Nụ cười trong niềm hạnh phúc thực sự->mang hy vọng và niềm tin vào ngày mai.

- Giọt nước mắt của bà cụ Tứ khiến lòng ta thổn thức, trăn trở khôn nguôi

  • Đó là giọt nước mắt của tình thương mang tấm lòng bao la của một người mẹ
  • Giọt nước mắt chứa chan nỗi niềm, vừa mừng vừa tủi của cụ khi con mình lấy được vợ
  • Giọt nước mắt của cụ là niềm đớn đau khôn tả, nỗi lòng đắng cay
  • Giọt nước mắt tố cáo tội ác chiến tranh

III. Kết bài:

- Bằng cảm quan của một nghệ sĩ đầy nhạy cảm, Kim Lân đã đưa nụ cười và giọt nước mắt vào tác phẩm trở nên đầy ý nghĩa và giàu giá trị.

Phân tích chi tiết nụ cười của Tràng và giọt nước mắt của bà cụ Tứ - Mẫu 1

Chọn nạn đói năm 1945 – trang sử bi thương nhất của lịch sử dân tộc làm bối cảnh của câu chuyện, Kim Lân đã kể cho ta nghe một câu chuyện lạ lùng nhất trong cuộc sống : chuyện anh Tràng bỗng nhiên có người đàn bà về trong những ngày tối sầm vì đói khát ấy. Chính tình huống độc đáo và éo le ấy đã nảy sinh bao nét tâm lý ngổn ngang, bao niềm vui, nỗi buồn. Và hình ảnh nụ cười, nước mắt trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm được coi là những chi tiết nghệ thuật đặc sắc góp phần thể hiện tài năng của Kim Lân trong việc khắc họa tâm lí nhân vật và thể hiện tư tưởng nhà văn, chủ đề tác phẩm.

Hình ảnh nụ cười được nhà văn nhắc đến nhiều lần khi khắc họa chân dung nhân vật Tràng. Khi đẩy xe bò thóc hắn vuốt mồ hôi trên mặt cười, trên đường dẫn người vợ nhặt về: hắn tủm tỉm cười, hai con mắt sáng lên lấp lánh,khi trẻ con trêu chọc Tràng bật cười Bố ranh. Khi người vợ nén tiếng thở dài trước quang cảnh của nhà Tràng, hắn “quay lại nhìn thị cười cười”. Bà cụ Tứ về, Tràng tươi cười mời mẹ ngồi lên giường…

Nụ cười của Tràng đã góp phần khắc họa tính cách, tâm lý tính cách thuần phác, nhân hậu, yêu đời của gã trai quê mùa, thô kệch; nói cùng ta niềm hạnh phúc, sung sướng của con người trong tận cùng đói khát vẫn không thôi khao khát tình yêu, tổ ấm gia đình. Đặt trong bối cảnh của câu truyện viết về nạn đói thảm thương 1945, hình ảnh nụ cười của Tràng (lặp lại 8 lần) giống như cơn gió mát lành làm dịu đi cái căng thẳng ngột ngạt, cái trăm đắng ngàn cay của con người ngày đói, thể hiện cái nhìn lạc quan, niềm hy vọng của nhà văn vào cuộc sống. Phải chăng, nhà văn đã gửi gắm một thông điệp giản dị: chỉ có tình yêu thương mới có thể mang đến niềm vui, nụ cười hạnh phúc cho con người.

Bên cạnh việc khắc họa tâm lí của Tràng qua nụ cười, Kim Lân cũng chú ý nét tâm lí của nhân vật bà cụ Tứ qua chi tiết giọt nước mắt. Khi hiểu ra cơ sự nhặt vợ của con “ kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt”.Khi lo lắng cho cảnh ngộ đói khát của chúng: bà cụ nghẹn lời không nói, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng. Khi nghe thấy tiếng trống thúc thuế, bà vội ngoảnh mặt đi, bà không muốn để con dâu nhìn thấy bà khóc.

Giọt nước mắt của bà cụ Tứ góp phần thể hiện nỗi xót xa của người mẹ trước cảnh ngộ của con lấy vợ giữa “tao đoạn” và số phận không được bằng người. Việc lấy vợ của con là vui nhưng vì cái cái đói, cái chết mà khiến bà xót xa, tủi thân, tủi phận. Giọt nước mắt khổ đau ấy như lời kết án sâu sắc thực dân Pháp, phát xít Nhật đẩy dân ta đến thảm cảnh cùng cực đó.

Giọt nước mắt cho thấy tấm lòng chan chứa yêu thương con của người mẹ, những giọt nước mắt như cố kìm nén ( rỉ ra hai dòng nước mắt, ngoảnh vội ra ngoài). Thương con, mừng lòng trước hạnh phúc của con, bà đào sâu chôn chặt, dấu đi nỗi lo lắng, bà khóc thầm, khóc vụng, để rồi chỉ nói những lời yêu thương, động viên con.

Nụ cười – nước mắt là biểu hiện của hai trạng thái cảm xúc đối lập nhau nhưng cùng lấp lánh ánh sáng của tình người, của tình yêu thương giữa những ngày đói khát, chúng góp phần thể hiện sự éo le của tình huống truyện, làm nên giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo sâu sắc. Khắc họa hình ảnh giàu ý nghĩa đó, Kim Lân chứng tỏ là nhà văn thấu hiểu tâm lí nhân vật, biệt tài xây dựng những chi tiết nghệ thuật nhỏ nhưng hàm chứa tầng ý nghĩa sâu xa, thể hiện quan niệm sáng tác “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”

Không chỉ thành công ở chi tiết nụ cười, nước mắt, Kim Lân cũng để lại trong ấn tượng đậm nét trong tâm trí người đọc ở hình tượng nồi cháo cám. Nhà văn đã để cho cái đói quay quắt se duyên cho một mối tình nhưng cũng đẩy họ đến bên bờ vực: liệu có nuôi nổi nhau qua cái thì tao đoạn này không. Bữa cơm đón nàng dâu mới minh họa rõ nét hơn cho cái thực trạng thảm thương của những con người khốn khó đó: giữa cái mẹt rách chỉ có niêu cháo loãng, một lùm rau chuối thái rối, đĩa muối trắng và nồi cháo cám. Cháo cám dẫu được mẹ già sang trọng gọi là chè khoán nhưng vẫn không sao xua được cảm giác đắng ngắt, chát xít nơi cổ họng, không sao nén được nỗi tủi hờn dâng lên trong tâm trí mỗi người. Bát cháo cám như đập tan cái không khí vui tươi ở phần đầu bữa ăn. Hiện thực về cái đói vô cùng khốc liệt và ám ảnh một lần nữa xuất hiện, đe dọa hạnh phúc của con người. Thứ hạnh phúc bé nhỏ, mong manh vừa mới nhen nhúm ngay lập tức bị đe dọa bởi cái đói. Nỗi xót xa, buồn tủi thấm trong trang văn của Kim Lân như lan sang người đọc.

Nhưng vượt lên trên nghĩa tả thực, bát cháo cám còn làm ngời sáng trước mắt ta tấm lòng, tình cảm của người mẹ già khốn khó. Bà cụ Tứ vừa múc cháo, vừa đùa vui: “ Chè khoán đây, ngon đáo để cơ”. Nào phải bà không thấu cái vị đắng ngắt, chát xít của cháo cám, đâu phải bà không hay về tương lai mù xám của những đứa con mình? Người mẹ già ấy đã có nén lại nỗi lo lắng thắt lòng cho tương lai đôi trẻ, đã vượt qua mọi sượng sùng, ngần ngại với người con dâu về gia cảnh nhà mình để khơi dậy chút nguồn vui cho không khí gia đình. Bên tận cùng nỗi xót xa, ta lại cảm động vô cùng trước mênh mông tấm lòng người mẹ. Hơn nữa, chẳng phải ngẫu nhiên Kim Lân lại để cho người mẹ già nua tuổi tác, xế bóng ngả chiều lại là người khơi niềm vui trong thảm cảnh ngày đói. Là Kim Lân thấy lửa, khơi lửa và tin rằng có lửa ngay trong đống tro tưởng sắp lụi tàn, thấy mầm xanh sự sống chẳng những vươn lên từ thân non hay một đời cây cường tráng mà còn khỏe khoắn vươn lên từ chính một gốc cây sắp tròn cổ thục. Không nghi ngờ gì nữa, món chè khoán của bà cụ Tứ làm một chi tiết Kim Lân trọn vẹn gởi trao niềm tin và khát vọng sống của con người.

Chi tiết bát cháo cám cũng thể hiện khát khao hạnh phúc gia đình của người đàn bà vô danh. Ta hiểu thị nhắm mắt đưa chân không đơn thuần vì miếng ăn, thị không bỏ đi khi chứng kiến gia cảnh bần hàn của Tràng, nay ta càng thấu hiểu sâu sắc hơn cái khát vọng có một bến đỗ cho con thuyền phiêu dạt, một tổ ấm dừng chân nơi thị trong cái cử chỉ “ điềm nhiên và vào miệng miếng cháo cám”. Cái cử chỉ và thái độ ấy cho thấy thị thật ý tứ, sẵn sàng đồng cam cộng khổ với gia đình Tràng. Hạnh phúc mong manh vừa nhen nhóm ấy, phải chăng cần lắm những đôi bàn tay nâng niu như vậy. Lời nói của bà cụ Tứ và hành động của người con dâu chính là cách những người phụ nữ giữ gìn, bảo vệ và vun đắp cho niềm hạnh phúc vừa mới chớm nở.

Sáng tạo chi tiết bát cháo cám, Kim Lân không chỉ gợi lại sinh động thảm trạng ngày đói năm nào mà nhà văn còn muốn ca ngợi tình người nồng thắm nơi những tấm lòng thuần hậu, chất phác. Trong cảnh đói bi thương ấy, họ vẫn không thôi yêu thương, vẫn nương tựa vào nhau cùng sẻ chia và cùng hy vọng.

Phân tích chi tiết nụ cười của Tràng và giọt nước mắt của bà cụ Tứ - Mẫu 2

Nhắc đến nhà văn Kim Lân , người đọc sẽ nghĩ đến một nhà văn của những người nông dân. Với người lao động, Kim Lân luôn dành cho họ những tình cảm vô cùng đặc biệt, thiết tha. Tác phẩm "Vợ nhặt" là một thành tựu xuất sắc của ông trong dòng văn học hiện thực. Thành công của truyện ngắn này có được là nhờ vào ngòi bút đầy sáng tạo trong việc đưa ra một tình huống đầy éo le và các chi tiết, hình ảnh truyện giàu ý nghĩa. Bên cạnh nồi cháo cám, bát bánh đúc hay câu đùa vô tình thì chi tiết nụ cười của nhân vật Tràng và giọt nước mắt của bà cụ Tứ đã để lại nhiều nỗi niềm trong lòng người đọc.

Nụ cười của Tràng xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm, đó là nụ cười bình dị, giản đơn của anh nông dân có phần ngốc nghếch, thô kệch. Khi đang lao động, đẩy chiếc xe bò dù mệt nhọc nhưng anh cu Tràng vẫn lâu đi những giọt mồ hôi đẫm trên khuôn mặt với nụ cười nhẹ nhàng. Đó là nụ cười thân thương, chân chất bình yên của những người nông dân nghèo. Khi được Thị theo về, cậu cu Tràng cũng tủm tỉm cùng đôi mắt lấp lánh, phải chăng đó là niềm vui, niềm hạnh phúc nhỏ bé mà bấy lâu cậu đã mong đợi, một khát khao hạnh phúc gia đình, có người vợ thương yêu. Lúc qua xóm ngụ cư, Tràng bật cười ranh mãnh trong lòng có vẻ gì đó rất đắc chí, khi về nhà sum họp với người mẹ già, anh cu Tràng cũng bật cười khi nhìn thị, nhìn mẹ. Giữa gian nhà đơn sơ, nghèo khổ, ta vẫn thấy nụ cười ánh lên mạng một niềm hy vọng, niềm tin ở tương lai dẫu chỉ là nhỏ bé. Nụ cười của anh cu Tràng như xua tan đi những lo lắng tủn mủn, cái đói khát cùng cực của đời. Nụ cười đó tưởng như đơn giản mà ai cũng có thể làm được ấy thôi nhưng trong cảnh khốn cùng mới thấy đáng trân trọng và quý giá biết bao. Nụ cười như một nốt nhạc an yên giữa những sự ngột ngạt, tù túng, khi mà " cái đói "đang ngập tràn cả xóm ngụ cư, đó là nụ cười làm vơi bớt những cây đắng của thực tại. Tràng bật cười trong niềm hạnh phúc, sự bất ngờ khi mình bỗng dưng có vợ, hắn thương thị biết bao, phải chăng chỉ có tình thương ,sự cưu mang của những con người dành cho nhau mới mang lại niềm vui chân chính, một nụ cười hạnh phúc thực sự len lỏi trong tâm hồn.

Nếu nụ cười của cu Tràng mang đến cho ta sự nhẹ nhàng ủi an trong tâm hồn khi đọc câu chuyện thì những giọt nước mắt của bà cụ Tứ khiến lòng ta thổn thức, trăn trở khôn nguôi. Lúc đầu là "Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt" rồi dần chảy ròng ròng, tuôn rơi khôn thấu: "bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng". Đó là giọt nước mắt của tình thương, trong dòng nước mắt ấy có niềm vui khi còn mình có được vợ, nhưng hơn hết đó là nỗi thương con vô bờ bến. Trong cảnh nghèo khó, túng quẫn ,khi mà cái ăn không lo nổi thì con bà có vượt qua cái kiếp nạn này không, cụ xót xa, niềm vui mừng hòa trong nỗi lo lắng, buồn tủi. Bao nhiêu tình yêu thương tha thiết nhất cụ dành cho cụ Tràng và người con dâu mới. Những ngổn ngang trong lòng đã cho thấy cụ là người đầy trách nhiệm, một người mẹ lo lắng cho con mình. Hơn ai hết, là một người từng trải, cụ hiểu hơn ai hết những khó khăn của cuộc sống gia đình, đặc biệt là khi đói khát đang hoành hành, mạng người như sợi tóc mỏng manh. Giọt nước mắt của cụ là niềm đớn đau khôn tả, nỗi lòng đắng cay, qua đó còn tố cáo tội ác chiến tranh đã khiến cho bao cảnh gia đình đầy ngang trái. Lẽ ra trong cảnh gia đình cưới vợ cho con phải tràn đầy niềm vui, đầy những lời chúc phúc cùng nụ cười mãn nguyện, hạnh phúc thì lúc này còn có cả những dòng nước mắt chảy dài trong mỗi xót xa, lo lắng. Đó là giọt nước mắt chứng minh cho tình mẫu tử đầy thiêng liêng, lo lắng cho hạnh phúc của đứa con mình.

Chi tiết giọt nước mắt của bà cụ Tứ - Mẫu 3

Nhà văn Kim Lân được mệnh danh là “con đẻ của đồng ruộng””, là nhà văn “một lòng đi về với đất, với trời, với những giá trị thuần hậu nguyên thủy của con người Việt Nam”. Dù xuất hiện vào cuối giai đoạn văn học hiện thực 1930-1945, nhưng Kim Lân lại mang màu sắc khác biệt với các tác giả đi trước. Điển hình và cũng là xuất sắc nhất của ông trong giai đoạn này là truyện ngắn “Vợ nhặt” được in trong tập “Con chó xấu xí”, năm 1962. Tác phẩm là bức tranh chân thực về nạn đói năm 1945, là sự ngợi ca tình người, tình mẫu tử; trân trọng khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của những người nông dân nghèo. Nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn này là đại diện cho vẻ đẹp của người nông dân, người mẹ Việt Nam truyền thống. Tuy không được miêu tả chi tiết về chân dung và ngoại hình nhưng qua chi tiết hai lần bà rơi nước mắt khi Tràng dẫn người vợ nhặt về ra mắt, ta phần nào hiểu được về chân dung và số phận người mẹ nông dân ấy, đồng thời cảm nhận sâu sắc và thêm trân trọng biết bao tình yêu con vô bờ của bà.

Từ nhỏ, do nhà nghèo, Kim Lân đã phải bôn ba khắp nơi, làm nhiều công việc khác nhau như thợ sơn guốc, khắc tranh bình phong… để mưu sinh. Có lẽ vì thế, hơn ai hết, ông thấu hiểu được nỗi vất vả, sự khổ cực của những người dân lao động nghèo. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình ở thể loại truyện ngắn và đến năm 1945, ông viết tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”. Nhưng sau này do mất bản thảo, Kim Lân đã dựa trên cốt truyện cũ để sáng tác truyện ngắn “Vợ nhặt”, một tác phẩm mang sức nặng tư tưởng của cả cuốn tiểu thuyết. Với biệt tài viết truyện độc đáo, mới lạ, nhà văn đã khắc họa thành công từng nhân vật, từ đó làm sáng lên vẻ đẹp tâm hồn của những người nông dân. Kim Lân không chỉ thành công trong việc tạo dựng mạch cảm xúc, diễn biến tâm lý của nhân vật mà ông còn rất xuất sắc trong việc xây dựng các chi tiết nghệ thuật. Chi tiết hai lần bà cụ Tứ khóc: “Bà lão cúi đầu…qua cơn đói khát này hay không” và “kể có ra… thương quá” khi Tràng đưa cô vợ nhặt về ở giữa tác phẩm thực sự là điểm sáng thẩm mỹ cho truyện ngắn “Vợ nhặt”.

Chi tiết được coi như “hạt bụi vàng của tác phẩm”. Đó là túi tiền, chứa đựng cảm xúc, tư tưởng và cái tôi riêng của nhà văn. Chi tiết giọt nước mắt của bà cụ Tứ không chỉ là sự xót thương của Kim Lân cho những con người với số phận bé mọn, lay lắt, mỏng manh mà còn là sự tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến lạc hậu thời bấy giờ. Đây thực sự là điểm nhấn nghệ thuật của tác phẩm.

Bà cụ Tứ là một bà mẹ nghèo, già nua, “lẩm nhẩm tính toán” theo thói quen của người già. Bà là dân ngụ cư và sống cùng với con trai tên là Tràng. Hình ảnh bà cụ Tứ xuất hiện lần đầu ở giữa tác phẩm, trong một buổi chiều chạng vạng. Bà hiện lên với dáng đi “lom khom”, chậm chạp, vừa đi vừa “ho húng hắng”. Từ chân dung, ngoại hình của bà, ta cũng thấy như hiện ra trước mắt cuộc đời của một người phụ nữ tần tảo, yêu thương con vô bờ và đã chai sạn vì những khổ đau, nhọc nhằn trong quá khứ.

Truyện ngắn ‘Vợ nhặt” lấy bối cảnh là nạn đói năm 1945, giữa thời buổi đói khát đến quay quắt, khi con người đang phải đối diện với cái chết, anh Tràng nghèo khổ, xấu xí, ngờ nghệch lại tình cờ “nhặt” được vợ. Trong buổi chiều nắng heo hắt, tối sầm vì đói khát và chết chóc, Tràng đưa cô “vợ nhặt” về nhà. Trước tình huống éo le ấy, bà cụ Tứ đã có những cách ứng xử khéo léo và cả một dòng chảy suy nghĩ phức tạp.

Khi lần đầu gặp gỡ cô vợ nhặt, đứng từ ngoài nhà mà ngó vào trong, bà không thể không bất ngờ khi thấy có cô gái đứng đầu giường con trai bà. Hàng loạt câu hỏi hiện ra trong bà và phải đến khi Tràng thưa chuyện, bà mới vỡ lẽ. Lúc này, trong lòng người mẹ, bao suy nghĩ ào ạt ập tới. Nhưng rốt cuộc, bà lão cũng chỉ “cúi đầu nín lặng”. Bà không chỉ vỡ lẽ mà còn “ngậm ngùi”, “hiểu ra bao nhiêu cơ sự”. Hành động đó của bà là một sự ứng xử khéo léo, độ lượng mà bao dung. Người mẹ đã tế nhị giữa hai người con, đặc biệt là người dâu mới, gỡ bỏ những éo le, tủi nhục trước tình huống nên vợ nên chồng đầy sự chắp vá, bấu víu này. Bà cụ Tứ đã hiểu ra mọi chuyện và dù không nói ra thành lời, bà đã chấp nhận người dâu mới. Đây là trái tim của một người mẹ nhân hậu, hết lòng yêu thương con và là trí tuệ của một người từng trải. Trong nội tâm của bà cụ Tứ lúc này, nỗi ai oán, xót thương, nỗi lo lắng dành cho các con dâng trào. “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái nở mặt sau này. Còn mình thì…”. Câu nói này đã chất chứa bao nỗi tủi hổ, mặc cảm và oán trách bản thân vì đã không làm tròn trách nhiệm người mẹ của bà. Bà xót thương cho con trai mình với biết bao sự thiệt thòi. Đan xen với sự xót xa, oán trách, tủi hổ ấy là nỗi lo dâng đầy dành cho các con của người mẹ này. “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”.

Chữ “lo” ở đây không chỉ gắn với Tràng, con trai bà, mà còn cả người con dâu nữa. Đây là lần đầu tiên bà nhắc đến người con dâu nhưng bà đã nhân hậu, vị tha, coi cô cũng như con ruột mình và cũng lo lắng cho cô. Lòng người mẹ đã thật chân tình nói lên sự yêu thương, xót xa cho số phận ngoặt nghèo của hai con và vừa mong, vừa lo hai con có đùm bọc nhau, cưu mang nhau được qua “cơn đói khát” này không. Lúc này, tất cả những cảm xúc đang chất chứa trong lòng tích lại thành những dòng nước mắt và “rỉ xuống” qua kẽ mắt “kèm nhèm” của bà cụ Tứ. Đây là biểu hiện của nỗi đau khổ, tủi phận, là nỗi lo lắng dành cho hai con canh cánh trong lòng. Giọt nước mắt đã “rỉ xuống” ấy có lẽ còn là sự vui mừng, giọt nước mắt của hạnh phúc khi trong tình cảnh ngoặt nghèo này, con trai bà vẫn có được vợ. Kim Lân đã rất tinh tế khi miêu tả dòng nước mắt của bà cụ Tứ. Nó chỉ “rỉ xuống” chứ không tuôn rơi vì dường như cả cuộc đời của người mẹ tảo tần đã trải qua biết bao khổ đau để bà phải khóc cạn nước mắt của mình. Thế nên, giọt nước nước mắt rỉ xuống lúc này, phải chăng cũng là cảm xúc lắng đọng của gần một đời người đã qua nơi bà? Chân dung và số phận của bà còn được khắc họa qua hình ảnh “kẽ mắt kèm nhèm”. Sự vất vả, khổ cực của bà cụ Tứ có lẽ được thể hiện chân thực và đầy đủ nhất qua chi tiết này, khi người phụ nữ nông dân ấy trải qua đầy những khổ hạnh của cuộc đời. Phải yêu thương con đến nhường nào, người mẹ này mới có thể “rỉ xuống” những giọt nước mắt hiếm hoi của cuộc đời mình? Quả không sai khi nói dòng nước mắt là biểu hiện của tình mẫu tử thiêng liêng, tình yêu với những đứa con vô điều kiện và là biểu hiện của một tấm lòng bao dung, vị tha. Bằng bút pháp nửa trực tiếp và hiện thực tâm lí, kết hợp với giọng văn chậm, đều, ngôn từ giản dị, phù hợp với nhân vật và đặc biệt là sự tinh tế, sắc sảo để thấu hiếu tâm lí con người, Kim Lân đã phác họa chân thực và rõ nét hình ảnh bà cụ Tứ: từng suy nghĩ, cử chỉ của bà đều toát lên dáng vẻ, sự trải đời của bà lão nông dân, dù nghèo khổ nhưng luôn lo lắng, yêu thương con.

Sau khi nói rằng sẽ chấp nhận chuyện hôn nhân éo le của hai con, bà cụ Tứ đã an ủi, động viên vợ chồng Tràng. Dù cuộc hôn nhân này dựa trên sự bấu víu, chắp vá, nhưng bà cụ Tứ vẫn dành sự trân trọng, yêu thương cho người con dâu “nhặt” được này. Bà nhắc đến chuyện làm mâm cỗ cưới để cúng tổ tiên, ra mắt mọi người. Người mẹ này mong ước có thể đường đường chính hính xác nhận với mọi người đây là con dâu của bà, vợ của Tràng. Bà cho người phụ nữ tầm phơ, tầm phào này một mái ấm, một vị trí trong cuộc đời, và trong cả gia đình nhỏ này nữa. Mong muốn chân tình này cho thấy người mẹ nghèo thật sâu sắc, tinh tế và vô cùng bao dung, nhân hậu. Bà chỉ mong sao hai con yêu thương, sống hạnh phúc với nhau. “Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi”.

Thế nhưng, niềm vui chẳng được bao lâu, bà lại bị bủa vây bởi những nỗi lo, sự mặc cảm về số phận “Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá”. Không chỉ là nỗi lo lắng trong đầu như ở đoạn trên mà lúc này đây, bà đã phải thể hiện nỗi lo, nỗi xót thương đến đứt ruột và thốt lên “u thương quá”. Bao cảm xúc như được dồn nén hết trong chữ “thương” để rồi giọt nước mắt của bà lại một lần nữa tuôn rơi. Nhưng không còn chỉ là “rỉ xuống” nữa mà trở thành “chảy xuống ròng ròng”. Nước mắt cứ thế chảy ra mà bà không thể kìm nén được. Hình ảnh này đã thể hiện sự xót xa dâng trào cùng nỗi lo trong lòng người mẹ. Bà không chỉ thương mà còn thấy có lỗi với con. Thân là mẹ nhưng lại không thể lo nổi cho con một mâm cỗ cưới, một đám cưới đàng hoàng. Trước chuyện hệ trọng cả cuộc đời của con trai mình, bà đã không thể làm gì để giúp các con vun vén hạnh phúc. Trong lòng bà ngập tràn niềm hờn tủi. Không còn là ngôn ngữ nửa trực tiếp mà đoạn văn này được Kim Lân sử dụng ngôn ngữ kể, tả rất đời thực. Tuy thế, ông vẫn xây dựng được thành công dòng chảy tâm lý cũng như nét tính cách của nhân vật này. Bà cụ Tứ hiện lên không chỉ với vẻ đẹp tâm hồn mà con tính cách mộc mạc chân thật của người mẹ.

Có thể nói, thông qua hai chi tiết ta thấy được nổi bật lên tình yêu con vô hạn. Trước tình cảnh éo le ấy, bà đã rất tế nhị, cố nén đi nỗi xót xa, tủi hờn để gỡ bỏ những tủi nhục khó nói trong tình huống nên vợ nên chồng của hai con. Nhưng rốt cuộc, nỗi lo lắng, sự xót thương bị đẩy lên đỉnh điểm và bà phải “rỉ xuống” những dòng nước mắt. Người mẹ gạt sự tủi hờn ấy và an ủi, động viên vợ chồng Tràng. Nhưng với sự ai oán, mặc cảm, nỗi lo số phận lại quay lại, đeo bám bà. Giờ đây, bà không còn nén được nữa và dòng nước mắt “chảy xuống ròng ròng” như một giọt nước tràn ly. Giọt nước mắt của người mẹ nghèo này chính là hiện thân của tình mẫu tử thiêng liêng, lòng bao dung, sự hi sinh nhưng cũng là sự bất lực của người mẹ khi không thể làm trọn trách nhiệm với con.

Thông qua những giọt nước mắt của bà cụ Tứ, Kim Lân còn tố cáo hiện thực chiến tranh thảm khốc đã đẩy con người đến những tình cảnh thê lương. Bà cụ Tứ là điển hình của người phụ nữ Việt Nam truyền thống với những phẩm chất tốt đẹp: bao dung, vị tha, giàu tình thương yêu và tinh thần lạc quan. Vẻ đẹp của nhân vật một lần nữa khẳng định chủ đề tư tưởng của tác phẩm: trong cái đói xơ xác, khi con người chỉ nghĩ đến sự đói khái, cái chết đang đến gần, thì tình yêu thương, sẻ chia, đùm bọc, niềm khát khao hạnh phúc gia đình, niềm hi vọng vào tương lai vẫn luôn rực cháy.

Qua hai chi tiết nghệ thuật, tác giả đã khéo léo gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình dành cho nhân vật. Qua đó, tư tưởng nhân đạo sâu sắc, sự đồng cảm, sẻ chia và niềm tin của Kim Lân với nhân vật lại càng ngời sáng. Bằng ngòi bút hiện thực và trái tim nhân hậu của mình, Kim Lân đã miêu tả được chân thực và cảm động cuộc đời và số phận của con người Việt Nam trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Không đi vào miêu tả chi tiết ngoại hình, tính cách của bà cụ Tứ, nhưng bằng dòng chảy nội tâm, bằng dáng vẻ cử chỉ, hành động, ta thấy được hình ảnh bà hiện lên chân thực và sắc nét, mang dáng dấp của người phụ nữ lao động lớn tuổi với những vẻ đẹp tâm hồn của người mẹ. Chi tiết giọt nước mắt đã cho ta thấy sự am hiểu, tinh tường của Kim lân trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật. Nhà văn đã xây dựng rất thành công tình huống éo le, độc đáo và những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, điểm sáng thẩm mỹ của tác phẩm.

M. Gorki từng nói: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Kim Lân quả xứng đáng là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam, khi chỉ từ những chi tiết nhỏ bé mà sâu sắc, ông đã đặt cả một tài năng và tấm lòng nhân đạo của mình vào đó. Cùng với đó, thành công của truyện ngắn “Vợ nhặt” còn phải kể đến việc Kim Lân đã gây ấn tượng mạnh với độc giả bằng lối kể chuyện lôi cuốn, ngôn từ giản dị, phù hợp với mọi lứa tuổi. Có lẽ vì thế cho đến nay, “Vợ nhặt” vẫn để lại dư âm khó phai mờ trong lòng người đọc của nhiều thế hệ.

Chia sẻ bởi: 👨 Đỗ Duyên
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 68
  • Lượt xem: 28.632
  • Dung lượng: 207,4 KB
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨