Chia sẻ với bạn câu chuyện về thời niên thiếu của một nhà bác học Nhà phát minh 6 tuổi - Tiếng Việt 4 Kết nối tri thức
Chia sẻ với bạn câu chuyện về thời niên thiếu của một nhà bác học gồm 4 mẫu hay nhất, giúp các em học sinh lớp 4 có thêm nhiều bài học bổ ích, quý báu để cố gắng rèn luyện, phấn đấu.
Với 4 câu chuyện kể về thời niên thiếu của nhà bác học Đác-uyn, nhà khoa học Albert Einstein, Edison, nhà phát minh Nikola Tesla dưới đây, các em nhanh chóng trả lời câu hỏi khởi động tiết Đọc: Nhà phát minh 6 tuổi - SGK Tiếng Việt 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống trang 51.
Đề bài: Chia sẻ với bạn câu chuyện về thời niên thiếu của một nhà bác học mà em đã được đọc hoặc được nghe kể.
Chia sẻ với bạn câu chuyện về thời niên thiếu của một nhà bác học
Câu chuyện về thời niên thiếu của nhà phát minh Nikola Tesla
Nikola Tesla là một nhà phát minh thiên tài. Từ nhỏ, ông đã đặt sự quan tâm vào việc phát minh, sáng chế. Điều này được ảnh hưởng từ mẹ của ông - một người thường xuyên chế tạo các thiết bị gia dụng trong nhà khi rảnh rỗi. Tesla luôn giữ đam mê với các môn khoa học, bất chấp việc cha định hướng ông gia nhập giáo hội. Bằng tài năng cùng lòng nhiệt huyết của mình, Tesla đã mang đến nhiều phát minh quan trọng như máy phát điện, động cơ cảm ứng, hệ thống điện xoay chiều,...
Câu chuyện về thời niên thiếu của nhà khoa học Đác-uyn
Đác-uyn là nhà bác học nổi tiếng người Anh. Ông chính là "cha đẻ" của thuyết tiến hóa. Khi còn nhỏ, ông rất tinh nghịch, hiếu động và chểnh mảng đối với những môn như Hóa học và Văn học. Sau này, ông được tiếp cận với những nguồn kiến thức về Sinh học. Từ đó, Đác-uyn dần hiểu hơn về sự sinh sôi cũng như mối quan hệ giữa các loài động vật. Đây chính là cơ sở để ông tìm tòi, khám phá và nghiên cứu ra "Thuyết tiến hóa", đặt nền móng cho sự phát triển của khoa học nhân loại sau này.
Câu chuyện về thời niên thiếu của một nhà khoa học Albert Einstein
Albert Einstein (1879 - 1955) là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất của nhân loại, người khai sinh ra “Thuyết tương đối”. Ông cùng với Newton chính là 2 tri thức lỗi lạc quyết định đến sự phát triển của lý thuyết vật lý hiện đại.
Thế nhưng khi còn nhỏ, Einstein không hề có biểu hiện gì nổi trội, thậm chí là phát triển trí tuệ rất chậm. Năm 4 tuổi, ông vẫn chưa biết nói, cha của Einstein đã tìm mọi cách để giúp con mình phát triển như những đứa trẻ khác.
Trong thời gian đi học, sức học của Einstein rất kém, đuối hơn nhiều so với các bạn bè khác. Thầy Hiệu trưởng trường Einstein theo học cũng quả quyết với cha cậu rằng “thằng bé này mai sau lớn lên sẽ chẳng làm được gì đâu”.
Những lời giễu cợt và sự trêu đùa ác ý của mọi người xung quanh khiến cho cậu bé Einstein rất buồn tủi. Cậu trở nên sợ phải đến trường, sợ phải đối mặt với các thầy cô và bạn bè. Cậu cũng cho rằng mình đúng là đứa trẻ ngốc nghếch thật sự.
Thế nhưng nhờ sự động viên rất lớn của mẹ - một người phụ nữ thông minh, xinh đẹp và có học vấn cao, trí tuệ Einstein phát triển nhanh chóng, cậu bé còn dần khắc phục được tính tự ti và trở nên lạc quan, vui vẻ.
Einstein rất hay nêu ra những câu hỏi lạ lùng, thậm chí có phần quái dị, chẳng hạn như: Tại sao kim nam châm lại chỉ về hướng Nam? Thời gian là gì? Không gian là gì?... Mọi người đều cho rằng cậu bé này là người đầu óc có vấn đề.
Nhưng họ không ngờ rằng, chính những câu hỏi có vấn đề ấy của cậu bé đã giúp Einstein có được thành công sau này.
Câu chuyện về thời niên thiếu của một nhà khoa học Edison
Edison là con út trong một gia đình có 7 anh chị em. Bố ông, Samuel Edison là người Hà Lan, bà mẹ Nancy của ông là một giáo viên tiểu học người Scotland. Ông là Người đàn ông sở hữu 1907 bằng phát minh, một kỉ lục vô tiền khoáng hậu trong giới khoa học. Ông cũng đã đọc tới hơn 10.000 cuốn sách và mỗi ngày ông có thể đọc hết 3 cuốn sách. Tưởng nhớ đến ông, chúng ta cùng tìm hiểu về những câu chuyện ngộ nghĩnh của nhà bác học "ngốc" này ...
Edison đã từng ở trong một túp lều tranh, cậu bé nằm sấp trên một đống cỏ tranh, đầu tóc rối bù, dưới bụng là mấy quả trứng gà. Cậu cứ thế nằm im, vẻ mặt đầy chăm chú. Khi mẹ của cậu bé là Bà Nancy tìm hiểu sự việc, thực ra Edison đã nhìn thấy gà mẹ ấp trứng nở thành gà con nên tò mò muốn thử tự mình ấp xem có nở ra gà con được không.
Đến năm 7 tuổi, Edison được cha mẹ cho đi học ở ngôi trường độc nhất trong vùng trường, chỉ có một lớp học 40 học sinh lớn bé đủ cả. Edison được xếp ngồi gần thầy nhất, đó vốn là chỗ cho những học sinh kém cỏi nhất. Trong khi học, Edison không chú tâm trả lời câu hỏi của thầy giáo mà thường đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa với thầy giáo. Vì thế, cậu thường đội sổ và bị bè bạn chê cười.
Thầy giáo của Edison đã từng nói về cậu: “Học trò này điên khùng, không đáng ngồi học lâu hơn”. Từ đó, Edison không đến trường nữa mà ở nhà tự học cùng mẹ.
Thậm chí, thầy hiệu trưởng từng viết những dòng nhận xét: "... trò T. Edison, con trai ông, là một trò dốt, lười và hư. Tốt nhất là nên cho trò ấy đi chăn lợn thì hơn vì chúng tôi thấy rằng trò ấy có học nữa thì sau này cũng không nên trò trống gì... "
Edison khi thấy thí nghiệm khí cầu bay của bố và cậu đã miệt mài tự chế ra mấy loại chất hóa học và bảo người làm thuê của bố là Max thử uống. Sau khi uống thứ thuốc Edison đưa cho, Max gần như ngất lịm người. Nhưng Edison vẫn một mực cho rằng: “Không bay lên được là thất bại của anh ta chứ không phải của mình”!
Năm 12 tuổi, Edison làm nghề bán báo và bán kẹo dạo trên tàu hỏa. Ngày ngày, vừa bán báo, Edison vừa tự mày mò nghiên cứu khoa học. Một lần, trong khi làm thí nghiệm, do không cẩn thận, Edison đã làm cháy toa tàu. Kết quả là cậu bị nhân viên soát vé tàu tát cho một cái ù tai và đuổi khỏi tàu, đồng thời cấm lai vãng đến đường ray nữa. Sự việc này đã khiến cho khả năng thính giác của Edison ngày một kém dần cho đến mãi về sau.
Trong suốt cuộc đời cống hiến tận tụy của mình với những phát minh vĩ đại, nổi tiếng nhất là bóng đèn điện. Edison như là một nhà khoa học tiêu biểu nhất của nước Mỹ và thế giới.