Văn mẫu lớp 9: Nghị luận xã hội về nạn bạo hành trẻ em 3 Dàn ý & 7 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất

TOP 7 bài Nghị luận xã hội về nạn bạo hành trẻ em SIÊU HAY, kèm theo 3 dàn ý chi tiết, giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn những hậu quả nghiêm trọng mà nạn bạo hành trẻ em gây ra.

Bạo hành trẻ em

Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ, nâng niu, chăm sóc. Thế nhưng, hiện nay nạn bạo hành trẻ em có chiều hướng gia tăng khiến chúng ta không khỏi băn khoăn, suy nghĩ. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để  ngày càng học tốt môn Văn 9:

Dàn ý nghị luận về vấn đề bạo hành ở trẻ em hiện nay

Dàn bài số 1

1. Mở bài

  • Dẫn dắt giới thiệu vấn nạn bạo hành trẻ em, nêu quan điểm

2. Thân bài

a. Bạo hành trẻ em là gì?

  • Bạo hành là những hành động và lời nói có tính chất vũ phu, ngang ngược, đôi khi vô cùng độc ác: xúc phạm, chà đạp, đay nghiến, tra tấn đánh đập làm tổn thương thể xác và tinh thần của người khác.
  • Bạo hành trẻ em là những hành động vô nhân tính, độc ác đối với những đứa trẻ.

b. Thực trạng bạo hành trẻ em

  • Trên thế giới và ở Việt Nam những năm gần đây có hàng loạt vụ bạo hành trẻ em, xảy ra ở nhiều địa phương, nhiều môi trường sống
  • Đưa ra những dẫn chứng cụ thể
  • Theo thống kê, trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 2000 trẻ bị xâm hại, bạo hành, 65,88% do người thân trong gia đình gây ra.
  • Bạo hành trẻ em còn biểu hiện qua việc xúc phạm nhân phẩm, mắng nhiếc, dọa nạt khủng bố tinh thần các em.

c. Nguyên nhân của nạn bạo hành

  • Chủ quan là từ sự tàn nhẫn, vô cảm, suy đồi nhân cách của con người.
  • Một số ít nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của cha mẹ khi còn bé, do áp lực cuộc sống...
  • Dù là nguyên nhân nào, bạo hành cũng là hành động vô lương tâm, suy đồi đạo đức, đi ngược lại luật pháp, lí lẽ thông thường.

d. Hậu quả bạo hành trẻ em

  • Với những đứa trẻ là nạn nhân bị bạo hành, ngoài những tổn thương về cơ thể như thương tật, những đứa trẻ thường xuyên bị bạo hành sẽ bị tổn thương về tâm lý.
  • Thể chất suy kiệt, trẻ chậm phát triển, có thể bị trầm cảm, rối loạn hành vi ứng xử.
  • Khi trẻ sống trong môi trường bị cha mẹ đánh đập, xúc phạm, trẻ dễ trở thành kẻ bạo lực, thậm chí tội phạm nguy hiểm của xã hội.

e. Biện pháp giải quyết

  • Gia đình, xã hội và mỗi cá nhân cần có ý thức, biện pháp giáo dục, quan tâm.
  • Nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng về hậu quả của bạo lực đối với trẻ em.
  • Cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo, có trách nhiệm yêu thương, chăm sóc với con cái.
  • Cộng đồng không thờ ơ, vô cảm trước nạn bạo hành con trẻ.

3. Kết bài

  • Khẳng định lại vấn đề nghị luận và liên hệ bản thân

Dàn bài số 2

I. Mở bài

  • Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: bạo hành trẻ em ngày nay đang phổ biến trên đất nước ta.

II. Thân bài

1. Biểu hiện

  • Rất nhiều trẻ em bị ngược đãi cả về thể chất lẫn tinh thần.
  • Các em bị ngược đãi bởi người thân, thầy cô...

2. Nguyên nhân

  • Trình độ dân trí thấp.
  • Ảnh hưởng của tư tưởng truyền thống...

3. Hậu quả

  • Bị tổn thương nặng nề dẫn đến tự kỷ, sợ hãi không dám nói chuyện với ai.
  • Tâm lý căng thẳng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

4. Biện pháp

  • Nhà nước có những tổ chức bảo vệ quyền trẻ em, lên tiếng bảo vệ các em.
  • Có những biện pháp xử lý những người bạo hành trẻ.

III. Kết bài

  • Bảo vệ trẻ để trẻ em có một cuộc sống an toàn, hạnh phúc, phát triển toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần.

Dàn bài số 3

I. Mở bài

Ngày nay, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên phấn đấu cho một chế độ công bằng và văn minh, dân chủ và giàu mạnh. Ấy thế mà trong xã hội vẫn tồn tại một hiện tượng làm nhức nhối trái tim và lương tri của những người lương thiện. Đó là hiện tượng bạo hành trẻ em. Vậy thế nào là bạo hành, hậu quả của nó và thái độ, trách nhiệm của chúng ta ra sao trước vấn nạn này?

II. Thân bài

1. Giải thích 

Bạo hành là hành động và lời nói có tính chất vũ phu, bạo ngược, thậm chí là độc ác như lăng mạ, đay nghiến, xỉ vả, xúc phạm, chà đạp, đánh đập, tra tấn... bất chấp pháp luật, đạo lý, làm tổn thương thể xác và tinh thần của người khác.

2. Chứng minh

- Vừa qua, những phương tiện thông tin đại chúng đã gay gắt lên án những vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở các địa phương trong cả nước, ở các môi trường sống khác nhau.

- Một số ví dụ:

  • Chắc hẳn trong chúng ta không ai không biết và chưa quên trường hợp thật đau lòng của cháu Đan Trân, trường mầm non Thiên Thơ, bị cô bảo mẫu Lê Vi, vì muốn cháu ngừng khóc mà dán băng keo vào miệng và dẫn đến cái chết thương tâm.
  • Bé Hảo mới 4 tuổi đã bị ngay người mẹ “đứt ruột” đẻ ra mình bạo hành. Thấy con nghịch tờ tiền, bà mẹ đã dùng kéo cắt ngón tay để “cảnh cáo”. Một lần bé Hảo không may trèo cây bị ngã. Trước sự việc đó, bà mẹ chẳng những không cứu con, mà thậm chí còn có một hành động tàn ác hơn cả dã thú. Dùng dao phạt đứt gót chân con. Hậu quả là bé Hảo bị mất 41% sức khoẻ, trên mình đầy rẫy vết thương và phải sống như một người tàn phế.
  • Cô bảo mẫu Quản Thị Kim Hoa ở Biên Hoà, Đồng Nai đã dùng bạo lực đánh đập, tát, vả... những đứa trẻ còn rất non yếu do bà ta trông giữ, đến độ bà phải lãnh án tù.
  • Ở trường nọ, có một thầy giáo dạy ngoại ngữ thấy học sinh mình học quá kém, thầy không hề tìm hiểu hoàn cảnh gia đình em vô cùng éo le. Nhà nghèo, bố đạp xích lô, mẹ đi bán vé chui, một mình em gánh trên vai việc chăm sóc ba em nhỏ, nên việc học tập đã bị sa sút, để mà thông cảm và tìm cách giúp đỡ. Đằng này, thầy lại buông lời sỉ vả, xúc phạm: “Ba mày ngu, mẹ mày ngu nên sinh ra mày ngu vậy đó”. Chưa hết, thầy còn lăng mạ, ấn dùi đầu em học sinh ấy để cả lớp cười chê về “tấm gương xấu” này.

- Hình thức bạo hành trong nhà trường còn có nhiều biểu hiện, muôn hình vạn trạng như cô giáo bắt học sinh liếm ghế, thầy giáo đẩy học sinh ngã bị chấn thương, cô giáo cho cả lớp tát học sinh đến nỗi em bị thương nặng phải đi viện....

- Đó là những việc “nổi tiếng”, vì để lại hậu quả nghiêm trọng gây thương tích, chết người nên công luận lên tiếng và mọi người mới biết. Còn những kiểu bạo hành âm thầm “hành” mà không “bạo” như mắng nhiếc, doạ dẫm, “khủng bố” tinh thần và thể xác, không để lại dấu vết, không nhìn thấy bằng mắt, sờ được bằng tay đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên đất nước ta, thì ai mà thống kê hết được?

3. Bình luận

- Bản chất của nạn bạo hành trẻ em hậu quả của nó và thái độ, trách nhiệm của mỗi chúng ta trước vấn nạn này.

- Bạo hành là một hành động xấu xa cần phải lên án: Bác Hồ đã từng viết “Trẻ em ... là bầy con cưng”, “trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ. Biết học hành là ngoan”. Thế mà có những búp non không những bị vùi dập một cách thô bạo, phũ phàng, mà còn bị rẻ rúng, khinh thường.

- Những người bạo hành con cái, trẻ em là những người không yêu con, không yêu trẻ và có cách giáo dục thiếu tình thương: Những câu ca dao, tục ngữ như “Phụ tử tình thâm”, “Hổ dữ cũng không ăn thịt con”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng…” thật đáng suy nghĩ.

- Những đứa trẻ thường xuyên bị bạo hành sẽ có các di chứng như nhiễu tâm lý, trầm cảm, sợ hãi, mất ngủ, thiếu tự tin, thất vọng và hay gây hấn. Đặc biệt ở nhiều gia đình thế hệ con, đã lặp lại hành vi bạo lực gia đình mà khi nhỏ nó được chứng kiến. Theo số liệu điều tra của Uỷ ban dân số gia đình và trẻ em, có đến 80% em bỏ nhà hoặc phạm pháp là do hậu quả của nạn bạo hành.

- Bạo hành trong gia đình gây ra mối bất hoà và ảnh hưởng lớn tới sự bền vững của gia đình và xã hội. Còn bạo hành ngoài xã hội thì ảnh hưởng tới tâm lý, nhận thức, ứng xử của con người.

- Dù bởi nguyên nhân khách quan hay chủ quan, do áp lực của cuộc sống, do đói nghèo, do say rượu thiếu tỉnh táo... hay gì đi nữa. Thì hành động bạo hành cũng là hành động của những con người gần như mất hết lương tri, suy đồi về đạo đức, tha hoá về nhân cách và đi ngược lại truyền thống đạo lý yêu thương nhân ái “Thương người như thể thương thân” vốn rất đẹp và quý báu của dân tộc ta.

III. Kết luận

Việt Nam ta là nước đầu tiên ở Châu Á đã ký kết công ước về đảm bảo quyền trẻ em. Chúng ta hãy nỗ lực thực hiện bằng được cam kết ấy. Và pháp luật, báo chí, toàn xã hội phải góp sức, chung tay cùng lên án hành vi bạo hành trẻ em để có thể mang lại sự bình yên cho gia đình và xã hội, làm cho mọi người được sống trong yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

Nghị luận xã hội về nạn bạo hành trẻ em - Mẫu 1

Trẻ em là những mầm non tương lai của đất nước, là đối tượng mong manh cần được bảo vệ và nâng niu. Thế nhưng hiện nay, trong xã hội xuất hiện nạn bạo hành trẻ em gây bức bối, làm nhức nhối trong dư luận. Vấn nạn này đang ngày có chiều hướng gia tăng khiến chúng ta không khỏi băn khoăn, suy nghĩ.

Vậy thế nào là bạo hành? Bạo hành là những hành động và lời nói có tính chất vũ phu, ngang ngược, đôi khi vô cùng độc ác. Cụ thể như xúc phạm, chà đạp, đay nghiến, tra tấn đánh đập bất chấp luân thường đạo lý, làm tổn thương thể xác và tinh thần của người khác. Bạo hành trẻ em là vấn nạn lên án những hành động vô nhân tính, độc ác đối với những đứa trẻ.

Trên thế giới và ở Việt Nam những năm gần đây đã thống kê hàng loạt vụ bạo hành trẻ em, xảy ra ở nhiều địa phương, nhiều môi trường sống, bao gồm những nơi văn minh như: trường học, quán ăn...thậm chí là trong chính gia đình. Dư luận Trung Quốc từng rúng động trước lời bộc bạch của một học sinh về sự thật cái chết của bạn cùng bàn. Nữ sinh lớp 7 bị bệnh tim nhưng thành tích học tập luôn đứng thứ hạng cao. Do bệnh lý cơ thể nên cô bé thường ngủ nhiều trong giờ học, giáo viên môn Anh Văn biết nhưng luôn đay nghiến, làm khó dễ, thậm chí dùng tay đánh thật mạnh vào lưng cô bé khi em đang ngủ. Kết quả em lên cơn co giật và qua đời.

Trong năm 2020, Việt Nam có rất nhiều vụ bạo hành gây phẫn nộ. Đầu năm, dư luận xôn xao vụ việc một người đàn ông ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng trói và đánh đập tàn nhẫn con gái 6 tuổi.

Khoảng giữa năm, mạng xã hội Facebook đăng tải đoạn clip dài gần 4 phút ghi lại cảnh người cha trói tay, dùng roi đánh, dùng chân đá mạnh vào người con gái ruột 6 tuổi một cách dã man. Theo thống kê, trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 2000 trẻ bị xâm hại, bạo hành ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp. 65,88% trong tổng số vụ bạo hành trẻ em do người thân trong gia đình gây ra.

Không những đánh đập tàn nhẫn, bạo hành trẻ em còn biểu hiện qua việc xúc phạm nhân phẩm, mắng nhiếc, dọa nạt khủng bố tinh thần các em. Hành động này không để lại dấu vết, không nhìn thấy bằng mắt nhưng vẫn đã và đang diễn ra hàng ngày trên đất nước ta.

Bạo hành xuất phát từ nguyên nhân nào? Chủ quan là từ lương tâm, sự tàn nhẫn, suy đồi nhân cách của con người. Làm cha làm mẹ, làm thầy nhưng vì những ích kỷ, bực bội cá nhân mà không ghê tay hành hạ con trẻ. Một số ít nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của cha mẹ khi còn bé, do áp lực cuộc sống... song dù là nguyên nhân nào, bạo hành cũng là hành động vô lương tâm, suy đồi đạo đức, đi ngược lại luật pháp, lí lẽ thông thường.

Hậu quả của vấn nạn nhức nhối xã hội này nguy hiểm như thế nào? Đầu tiên với những đứa trẻ là nạn nhân bị bạo hành, ngoài những tổn thương về cơ thể như thương tật, những đứa trẻ thường xuyên bị bạo hành sẽ bị tổn thương về tâm lý. Các nhà nghiên cứu tâm lý Việt Nam cho biết, bạo hành trẻ em để lại nhiều hệ quả vô cùng tiêu cực, thể chất suy kiệt, trẻ chậm phát triển đồng thời tâm trí có vết thương hằn sâu nghiêm trọng, trẻ luôn trong tình trạng rụt rè nhút nhát. Trẻ có thể bị trầm cảm, rối loạn hành vi ứng xử. Khi trẻ sống trong môi trường bị cha mẹ đánh đập, xúc phạm, trẻ dễ có suy nghĩ tiêu cực và hình thành tư tưởng sai trái, dễ trở thành kẻ bạo lực, thậm chí tội phạm nguy hiểm của xã hội.

Chính từ những nguy hại đó, gia đình, xã hội và mỗi cá nhân cần có ý thức, biện pháp giáo dục, quan tâm. Đầu tiên cần nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng về hậu quả của bạo lực đối với trẻ em. Lưu ý hỗ trợ, nâng cao kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ, người chăm sóc và gia đình. Đặc biệt tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo, có trách nhiệm yêu thương, chăm sóc với con cái. Cộng đồng không thờ ơ, vô cảm trước nạn bạo hành con trẻ.

Nhân cách của trẻ bắt đầu hình thành từ những ngày nhỏ nhất, trách nhiệm bảo vệ yêu thương để trẻ phát triển bình thường là của cả xã hội. Hãy chung tay vì tương lai tươi sáng của những mầm non, những chủ nhân thế hệ mới của đất nước.

Nghị luận xã hội về nạn bạo hành trẻ em - Mẫu 2

Trẻ em là mầm non đất nước. Nhưng hiện nay ở đâu đó nạn bạo hành trẻ em vẫn diễn ra. Đó là những hồi chuông cảnh tỉnh mọi người phải thay đổi thái độ sống, phải quan tâm, chăm sóc nhiều hơn nữa tới trẻ em.

Vừa qua, dư luận lên sóng “sùng sục” bởi nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở mọi địa điểm, môi trường sống: trong gia đình, quán kinh doanh và cả trường học? Điều đáng buồn là trẻ em không những bị bạo hành về thể xác mà còn bị bạo hành về tinh thần. Biểu hiện cho sự bạo hành về thể xác là các hành vi bóc lột sức lao động, đánh đập, ngược đãi trẻ. Báo chí và các phương tiện giao thông đại chúng đưa tin làm cả dư luận xôn xao, bàng hoàng: bé Hảo, bốn tuổi bị ngay chính người mẹ của mình bạo hành. Người mẹ tàn nhẫn ấy thú tội rằng: “Thấy con nghịch tờ tiền, bà dùng kéo cắt ngón tay để cảnh cáo”. Một lần thấy bé ngã khi trèo cây, sẵn con dao trong tay bà phạt đứt ngón chân bé… Hậu quả đau thương, cô bé như con chim non bị mẹ hắt hủi, đánh đập, lạ lẫm ngơ ngác với cuộc đời. Bé Hảo bị mất 41% sức khỏe, có khác chi một người tàn phế, trên mình đầy rẫy những vết thương. Chị Bình sống giữa một nơi đô thị văn minh, mới mười lăm, mười sáu tuổi đầu phải làm việc trong quán phở, bị đánh đập, ngược đãi rất kinh hoàng. Còn trong nhà trường, cô giáo nuôi dạy trẻ dùng băng dính dán miệng học sinh chỉ vì các em khóc quá to…

“Trẻ em như búp trên cành” nhưng có những búp non không những bị vùi dập mà còn bị rẻ rúng, khinh thường. Đó là những hành vi bạo hành trẻ về tinh thần, xúc phạm đến nhân phẩm, lòng tự trọng của trẻ. Trên báo chí đưa tin, thầy giáo dạy ngoại ngữ vì thấy một học sinh học quá kém mà đã buông lời xúc phạm: “Ba mày ngu, mẹ mày ngu nên sinh ra mày ngu vậy đó!” Câu nói đó xoáy sâu vào tâm hồn trẻ dại nỗi đau đớn tủi nhục ê chề. Thầy giáo đó còn nhiều lần lăng mạ, ấn dúi đầu em ấy, bắt cả lớp nhìn vào cười chê, coi đó là gương xấu. Người thầy đó đâu biết rằng gia cảnh bạn đó rất nghèo, ba đạp xích lô, mẹ bán ve chai, một mình gánh trên vai việc chăm sóc ba em nhỏ vì thế mà việc học hành bị sa sút…

Xét theo khía cạnh chủ quan, tâm hồn trẻ em trong sáng, thơ dại hoàn toàn không có lỗi mà nguyên nhân chính là từ phía những người bạo hành trẻ. Đó là những con người mất hết lương tri, suy đồi đạo đức, không yêu trẻ, cách giáo dục thiếu tình thương. Nhất là với những người bạo hành là bậc cha mẹ “phụ tử tình thâm, máu chảy ruột mềm” thử hỏi có còn bằng loài cầm thú nữa hay chăng? Đến “hổ báo cũng chẳng ăn thịt con”. Hoặc có thể những người này không nắm được pháp luật, có nhận thức lệch lạc về cách dạy trẻ “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”? Có những người thì tự bào chữa rằng con tôi, tôi muốn làm gì thì làm

Cũng không thể phủ nhận nguyên nhân từ phía xã hội, khi quyền trẻ em chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Nhiều người còn tư tưởng “ôm rơm rặm bụng” nên thờ ơ trước những hành vi bạo hành đó. Minh chứng rõ nhất là việc chị Bình bị chủ quán phở bạo hành hơn chục năm nay mà chính quyền địa phương mới được biết. Không biết trong quán chục năm nay có bao nhiêu con mắt được chứng kiến mà giả mù, giả điếc cho qua chuyện.

Hành vi bạo hành trẻ em có tác hại to lớn, đè nặng lên tâm lý xã hội. Đó là dấu hiệu xuống cấp về đạo đức, đi ngược lại với truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Thương người như thể thương thân”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”…

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á ký kết công ước về đảm bảo quyền trẻ em. Chúng ta mỗi người công dân Việt Nam cần quan tâm thực hiện bằng được cam kết này. Pháp luật và cả xã hội phải chung tay góp sức, báo chí và các cơ quan ngôn luật phía tuyên truyền giáo dục pháp luật về quyền trẻ em, lên án những hành vi bạo hành trẻ em, các tổ chức bảo vệ quyền lợi trẻ em phải lên tiếng… Tất cả góp thành một làn sóng mạnh mẽ hơn.

Nghị luận xã hội về nạn bạo hành trẻ em - Mẫu 3

Ông cha ta có câu:

“Yêu cho roi, cho vọt
Ghét cho ngọt, cho bùi”

Dường như chính từ những suy nghĩ ấy mà dẫn đến một vấn nạn đang diễn ra ngày càng nhiều trong xã hội: nạn bạo hành trẻ em.

Bạo hành là khi con người có những lời nói hoặc hành động có tính chất lăng mạ, xúc phạm hay tấn công, đánh đập một cách dã man, bất chấp vi phạm đạo đức, pháp luật. Bạo hành trẻ em trong gia đình chính là tình trạng những người cha, người mẹ hoặc những người thân trong gia đình sử dụng những hành động xâm phạm đến thân thể hoặc tinh thần của các em. Đó có thể là hành vi đánh đập, bỏ rơi con cái. Hay đơn giản, đó là những lời chê bai, chửi bới, xúc phạm đến tâm hồn, tinh thần con trẻ.

Xã hội đã từng liên tiếp chứng kiến những vụ việc em bé sơ sinh bị bỏ rơi. Sự việc em bé bị bỏ rơi ở hố ga, ở trong khe tường… thực sự cho thấy sự vô tâm của những bậc làm cha mẹ. Khi mà thứ tình cảm thiêng liêng nhất - tình mẫu tử không thể vượt qua được sự ích kỷ của bản thân. Hậu quả để lại có thể là sự nguy hiểm đến tính mạng của những đứa trẻ. Không chỉ trong gia đình, nạn bạo hành còn có thể diễn ra ở trong nhà trường diễn ra với muôn hình vạn trạng. Hình ảnh một giáo viên mầm non đã xách ngược đầu một bé gái nhấn vào thùng nước để dọa cho bé ăn. Hay như vụ việc một cô giáo nọ phạt học sinh bắt học sinh quỳ xuống để các bạn trong lớp tát liên tiếp vào mặt…

Tất cả những hành vi đó sẽ để lại những hậu quả không nhỏ đến trẻ em. Những cuộc bạo hành về tinh thần hay thể chất đều sẽ để lại những hậu quả không tốt cho trẻ. Những đứa trẻ thường xuyên bị bạo hành sẽ có các di chứng như nhiễu tâm lý, trầm cảm, sợ hãi, mất ngủ, thiếu tự tin, thất vọng và hay gây hấn. Từ đó dễ hình thành cho trẻ những tính cách không tốt như: ưa bạo lực, thích đánh nhau, lầm lì… Đặc biệt ở nhiều gia đình thế hệ con, đã lặp lại hành vi bạo lực gia đình mà khi nhỏ nó được chứng kiến. Theo số liệu điều tra của Uỷ ban dân số gia đình và trẻ em, có đến 80% em bỏ nhà hoặc phạm pháp đều là nạn nhân của nạn bạo hành. Những vết thương về thể xác có thể lành lặn nhưng về tinh thần sẽ rất khó quên đi.

Chính vì vậy, mỗi người cần lên án mạnh mẽ các hành vi bạo hành, mạnh dạn tố giác, không bao che. Nhà nước cần có chính sách pháp luật xử phạt nghiêm minh đối với người bạo hành trẻ em. Những chính sách bảo vệ trẻ cần được đẩy mạnh. Cơ sở, hệ thống giáo dục cần quan tâm tới đào tạo đội ngũ giáo viên chuẩn mực trong cách dạy dỗ, giao tiếp ứng xử đối với học sinh. Xóa bỏ những tiềm thức đã ăn sâu vào nếp sống từ xưa đến nay là khó khăn nhưng cần thay đổi để xã hội trở nên văn minh hơn.

Trẻ em là đống tượng quan tâm hàng đầu của một quốc gia. Chính vì vậy, mỗi người hãy chung tay để bảo vệ các em khỏi nạn bạo hành. Hãy để tuổi thơ của các em được phát triển một cách lành mạnh và toàn diện nhất.

Nghị luận xã hội về nạn bạo hành trẻ em - Mẫu 4

“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan

(Hồ Chí Minh)

Trẻ em - thế hệ mầm non của đất nước luôn cần đến sự nâng niu, chăm sóc của những người xung quanh. Nhưng trong xã hội ngày hôm nay, chúng ta có thể bắt gặp không ít những trường hợp bạo hành trẻ em.

Trước hết, cần hiểu được rằng bạo hành là khi con người có những lời nói hoặc hành động có tính chất lăng mạ, xúc phạm hay tấn công, đánh đập một cách dã man, bất chấp vi phạm đạo đức, pháp luật. Những lời nói và hành vi đó có thể gây ra sự tổn thương sâu sắc về tinh thân cũng như thể xác của người bị bạo hành. Xã hội càng hiện đại, nhưng trình độ dân trí vẫn chưa được nâng cao khiến cho càng nhiều nạn bạo hành xảy ra, trong đó bạo hành trẻ em là phổ biến nhất.

Ông bà ta thường có câu: “Yêu cho roi, cho vọt; Ghét cho ngọt cho bùi”. Có lẽ suy nghĩ ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của con người, khiến cho việc đánh con cái đã trở thành một thói quen với danh nghĩa tình thương. Nhiều bậc phụ huynh chỉ đơn giản nghĩ rằng đứa con do mình sinh ra, mình có quyền dạy dỗ - dù là theo tiêu cực nhất. Họ dùng đòn roi để trừng phạt, dạy dỗ một đứa trẻ. Hay có nhiều người còn nhẫn tâm bỏ rơi con mình. Những ngày qua, dư luận đã dậy sóng trước liên tiếp những vụ việc em bé sơ sinh bị bỏ rơi. Sự việc em bé bị bỏ rơi ở hố ga, ở trong khe tường… thực sự cho thấy sự vô tâm của những bậc làm cha mẹ. Khi mà thứ tình cảm thiêng liêng nhất - tình mẫu tử không thể vượt qua được sự ích kỷ của bản thân. Hậu quả để lại có thể là sự nguy hiểm đến tính mạng của những đứa trẻ. Không chỉ trong gia đình, nạn bạo hành còn có thể diễn ra ở trong nhà trường diễn ra với muôn hình vạn trạng. Chắc hẳn ai cũng từng biết đến vụ việc một cô giáo nọ phạt học sinh bắt học sinh quỳ xuống để các bạn trong lớp tát liên tiếp vào mặt... Ngoài ra, bạo hành không chỉ về thể xác mà còn bạo hành về tinh thần. Việc mắng nhiếc, dọa dẫm đã khiến cho các em cảm thấy sợ hãi, đôi khi còn tạo ra những ám ảnh trong tinh thần ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Cũng như dễ dẫn đến gặp phải chướng ngại tâm lý, trầm cảm... Việc bạo hành như vậy tuy không để lại dấu vết, không nhìn thấy bằng mắt, sờ được bằng tay nhưng để lại hậu khôn lường. Bởi những vết thương về thể xác có thể sẽ lành theo thời gian. Nhưng những vết thương về tinh thần thì sẽ còn ám ảnh con người rất lâu.

Bạo hành là một hành vi vô cùng xấu xa, cần lên án. Bạo hành trong gia đình gây ra mối bất hoà và ảnh hưởng lớn tới sự bền vững của gia đình và xã hội. Còn bạo hành ngoài xã hội thì ảnh hưởng tới tâm lý, nhận thức, ứng xử của con người. Mỗi cá nhân hãy nhận thức được tác hại của hành vi bạo hành trẻ em. Từ đó có ý thức bảo vệ và yêu thương các em. Từ gia đình, nhà trường và xã hội đều cần phải chung tay bảo vệ trẻ em.

Trẻ em là đối tượng cần được nâng niu và bảo vệ. Đừng vì sự nóng giận hoặc sai lầm của bản thân mà giết chết tuổi thơ của các em bằng những hành động bạo hành.

Nghị luận xã hội về nạn bạo hành trẻ em - Mẫu 5

Nạn bạo hành, phần lớn tạo ra bởi chính từ những con người không có lương tâm, dã man mất hết đạo đức của một con người, và điều đáng nói, đáng xót xa hơn nữa; thủ phạm đã gây ra những cảnh bạo hành đó còn là cha là mẹ của các em, những bậc sinh thành đã không thương tiếc hành hạ trên chính thể xác và tinh thần của con mình, thật đáng hổ thẹn cho những bậc làm cha làm mẹ. Có rất nhiều lý do được những người này đưa ra trước cơ quan công an về hành vi dã man của mình. Âu đó cũng là lý do để phủ nhận hành vi, phủ nhận trách nhiệm của mình.

Có lẽ đây là lần đầu tiên dư luận lại có những động thái tích cực đồng loạt mạnh mẽ, có sự quan tâm đặc biệt, và tỏ thái độ gay gắt trước những hành vi đó. Họ trực tiếp đến thăm hỏi, động viên để thấy tận mắt, nhìn tận mặt những nạn nhân của nạn “bạo hành”. Tất cả đều xót xa rơi nước mắt trước những thân thể bầm tím, xanh xao, đầy những vết thương, đó là hậu quả của những trận đòn vô cớ gây nên. Các đối tượng phạm tội khi bị cơ quan công an phát hiện hành vi “bạo hành” của mình thì viện đủ thứ lý do để rũ bỏ trách nhiệm như: “Nó lì quá, tôi đánh nó để dạy nó” (lời của hai vợ chồng chủ trại tôm ở Cà Mau nói), rồi còn ngỡ ngàng trước lời nói của một người mẹ: “Tôi đánh nó vì nó giống cha nó”, trớ trêu thay chỉ vì mâu thuẫn với người cha mà đành lòng hành hạ con trong một thời gian dài như thế; rồi còn có cảnh dở khóc, dở cười, chính người mẹ lại nhốt con vào chuồng chó để răn dạy. Thật đáng buồn cho bậc làm cha làm mẹ.

Một khi nhận thức của các em còn bồng bột và non nớt thì các em làm sao hiểu hết những gì đang xảy ra với chính bản thân mình. Có đi chăng nữa cũng là những cơn đau hằn lên qua những trận đòn. Các em đáng nhận được tình thương yêu, sự đùm bọc, một sự che chở đúng nghĩa, được cắp sách đến trường thì ngược lại, các em bị ngược đãi, bị ghẻ lạnh. Các em bị hành hạ một cách dã man với những thủ đoạn và những dụng cụ nghe qua thì không khỏi rùng mình: Roi tre, dây, chổi, thậm chí những con người mất nhân tính dùng cả nước sôi, thanh sắt nung nóng... Những hành vi “bạo hành” như thế thật đáng để lên án, thật đáng để trừng trị, để răn đe.

Việc đáng nói ở đây là lương tâm, là đạo đức chỉ được dùng như cái vỏ bọc để những người như vợ chồng chủ trại tôm ở (Cà Mau). Bà mẹ có đứa con giống cha hay nhiều trường hợp khác chưa được ánh sáng công lý phát hiện để thực hiện hành vi thú đội lớp người của mình. Loài vật còn biết yêu thương nhau, đùm bọc nhau huống chi họ là một con người của xã hội văn minh, của một đất nước có pháp luật.

Khi xảy ra vụ việc, mà là những vụ được thực hiện trong một thời gian dài như thế mà không bị phát hiện, không bị xử lý, khi phát hiện thì các em đã trong tình trạng nghiêm trọng, do tâm lý sợ sệt, sợ bị liên lụy của người dân. Một sự lạnh lùng đến tàn nhẫn, sự im lặng là dung dưỡng cho cái xấu. Họ đâu biết sự vô tình của họ, lơ là trong công tác quản lý đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng như thế nào. Hằng ngày, các em vẫn phải chịu cảnh hành hạ, mà vẫn phải câm nín trong sự đau đớn của thể xác. Có thật hay không chuyện họ không hay, không biết gì về nạn bạo hành đó, hay họ cho rằng việc bình thường theo quan niệm của người Việt Nam “thương cho roi cho vọt” hay có sự phi lý nào trong cái không hay, không biết, không quan tâm đó.

Câu chuyện của bé Hào Anh (Đầm Dơi - Cà Mau), khi vụ việc bị phát hiện, cơ quan chức năng đến để giải cứu và đưa em đi bệnh viện thì chính vợ chồng thủ phạm (Giang - Thơm) đã dúi vào túi mẹ của bé Hào Anh 1.000.000 đồng đề nghị viết đơn bãi nại, nhưng không được cơ quan công an chấp nhận. Và tiếp theo là 20.000.000 đồng chỉ để có một tấm đơn bãi nại của phía gia đình bé Hào Anh (theo báo công an ra ngày 08.05.2010). Hành vi của Giang - Thơm có thể được coi là một hành vi mà khi hai nhân cách đã không còn lương tâm, không còn biết suy nghĩ, và thua loài cầm thú, không thể chấp nhận dù bất kì lí do gì.

Ở nước ta, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có từ năm 1991, trong đó nêu các quyền cơ bản của trẻ và nghiêm cấm bất kỳ hành vi nào gây tổn hại sức khỏe, tinh thần trẻ. Nghị định 114/2006/NĐ-CP quy định phạt tiền “những kẻ lợi dụng, đánh đập hoặc xâm phạm thân thể, làm đau đớn thể xác và tinh thần trẻ em. Bộ luật Hình sự có điều 110 về tội hành hạ người khác trong đó quy định người nào đối xử tàn ác với trẻ em lệ thuộc mình thì có thể bị phạt tù đến ba năm”. Nhưng thực tế, có rất ít vụ được xử phạt, có cũng chỉ là qua loa, mang nặng hình thức.

Luật phải thật đi vào đời sống người dân, phải thật nghiêm minh, xử phạt đúng người đúng tội. Có như thế thì mới làm giảm bớt nạn “bạo hành” đối với trẻ em đang có chiều hướng gia tăng. Để các em có thể sống trong niềm vui, trong tiếng cười của mọi người thân, của xã hội. Nếu không thì những vết thương thể xác tinh thần sẽ mãi theo các em đến suốt cuộc đời, và sẽ mãi là ác mộng đối với các em.

Nghị luận xã hội về nạn bạo hành trẻ em - Mẫu 6

Gia đình là tổ ấm, là cái nôi nuôi dưỡng con trẻ khôn lớn thành người. Thế nhưng, hiện nay có một thực trạng đáng buồn xảy ra chính là nạn bạo hành trẻ em ở ngay chính trong ngôi nhà của mình. Nếu chúng ta không có những biện pháp can thiệp thì không biết những đứa trẻ tội nghiệp kia còn phải chịu những tổn thương gì và tương lai chúng sẽ ra sao.

Bạo hành là hành động xâm hại đến thể chất cũng như tinh thần của con người. Bạo hành trẻ em trong gia đình chính là tình trạng những người cha, người mẹ hoặc những người thân trong gia đình sử dụng những hành động xâm phạm đến thân thể hoặc tinh thần của các em. Đó có thể là cha mẹ ruột đánh đập con cái. Hay cũng có thể là cảnh mẹ kế, cha dượng ghẻ lạnh, hắt hủi con riêng của vợ hoặc chồng. Hay đơn giản, đó là những lời chê bai, chửi bới, xúc phạm đến tâm hồn, tinh thần con trẻ…

Ngày nay, tình trạng bạo hành trẻ em ngày một có chiều hướng gia tăng. Mỗi ngày, những thông tin về bạo hành trẻ em trong gia đình xuất hiện nhan nhản trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Mới đây nhất, vụ việc bé G.K (được báo chí giấu tên) 10 tuổi, bị chính cha ruột là ông Trần Hoài Nam (Phường Nghĩa Đô – Hà Nội) cùng với mẹ kế đánh đập dã man tới mức phải nhập viện vì gãy xương sườn và rạn sọ não. Không chịu nổi bạo hành trong thời gian dài, bé đã phải bỏ trốn tới cầu cứu ông nội mới thoát thân. Đó chỉ là một trong rất nhiều cảnh thương tâm mà chúng ta phải chứng kiến mỗi ngày.

Bạo hành trẻ em giống như một tội ác khó dung thứ, khi mà nạn nhân chỉ là những đứa trẻ non nớt, vô tội. Bạo hành không chỉ ảnh hưởng tới thân thể mà còn ảnh hưởng tới tâm lý của các em rất nhiều. Những thân thể non nớt với những vết thương rướm máu chằng chịt, những vết bầm tím nối dài khắp cơ thể, những vết sẹo mãi chẳng lành. Như bé G.K trong ví dụ trên, việc gãy xương sườn và sạn sọ não không chỉ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và tính mạng của bé thời điểm đó mà còn để lại những di chứng xấu về sau này. Nếu không được chăm sóc, thể chất bé sẽ không thể phát triển bình thường như bao bạn khác được nữa. Nếu như nỗi đau thể xác ám ảnh, đau đớn ảnh hưởng một thì những tổn thương, những ám ảnh tâm lý ảnh hưởng tới các bé gấp mười lần. Thay vì việc vui cười, chạy nhảy như bao bạn đồng trang lứa khác thì các bé lại sống trong cảnh hoang mang, sợ hãi thường trực với những trận đòn roi không ngớt, những câu mắng chửi ác độc. Dần dần, nó tạo tâm lý trầm cảm, sợ hãi và tự ti cho các bé. Sự phát triển của trẻ ngày một lệch lạc hơn khi chúng không được định hướng đúng đắn. Và rất có thể, sau này khi lớn lên, chúng cũng sẽ lại trở thành những kẻ vũ phu, những kẻ bạo hành người khác… Bản thân những người bạo hành cũng sẽ bị pháp luật xử lý, bị xã hội lên án hay chính lương tâm họ cũng sẽ bị cắn dứt trước những hành động nhẫn tâm của mình.

Để dẫn đến những hậu quả thương tâm ấy, chúng ta có thể kể tới rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể là do hậu quả của việc cha, mẹ say xỉn, mất kiểm soát hành vi của mình. Hay do hoàn cảnh gia đình khó khăn, áp lực công việc đè nặng, trình độ dân trí lại thấp khiến con người bị quá tải, mất khả năng kiểm soát hành động. Bên cạnh đó, còn là sự ích kỉ, nhỏ nhen của một bộ phận những người làm mẹ kế, cha dượng đẩy những đứa trẻ tội nghiệp vào những hoàn cảnh bi thương….

Trước sự việc đó, mỗi chúng ta cần đưa ra những biện pháp để khắc phục và hạn chế tối đa tình trạng bạo hành trẻ em trong gia đình xảy ra. Khi phát hiện ra những trường hợp bạo hành trẻ em, cần can thiệp và báo ngay đến cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. Mỗi người làm cha, làm mẹ hay những người thân của bé cũng nên bình tĩnh cũng như học cách yêu thương con cái mình tốt hơn. Chỉ nên sinh 1 đến 2 con để đảm bảo cho trẻ những điều kiện chăm sóc tốt nhất. Hãy kiên nhẫn với trẻ nhỏ cũng như suy nghĩ trước khi đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến con cái như ly hôn hay tảo hôn….

“Trẻ em như búp trên cành”, trẻ em chính là những chủ nhân tương lai của đất nước. Hãy chăm sóc và bảo vệ trẻ nhỏ vì chúng đáng được nhận mọi sự yêu thương. Đừng để bạo hành trẻ em trong gia đình làm mất đi tương lai của con nhỏ.

Nghị luận xã hội về nạn bạo hành trẻ em - Mẫu 7

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống của con người cũng càng ngày được nâng cao. Bên cạnh những mặt tích cực thì cũng lại có rất nhiều những mặt trái mà xã hội hiện đại mang đến cho con người. Chúng ta cũng nhận thấy được rằng trẻ em là mầm non đất nước. Nhưng thực tế hiện nay ở đâu đó nạn bạo hành trẻ em vẫn diễn ra và ngày càng ở mức độ lớn nữa. Và đây thực sự là một trong những hiện tượng đời sống mà được cả xã hội chú ý đến.

Bạo hành trẻ em được xem chính là một trong những vấn nạn kinh khủng mà nó vẫn đang tồn tại trong xã hội hiện nay. Khi tình trạng này ngày càng xảy ra với mức độ cao thì nó đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh mọi người phải thay đổi thái độ sống, phải quan tâm, chăm sóc nhiều hơn nữa tới trẻ em cũng đồng nghĩa là quan tâm đến chính tương lai của đất nước chúng ta. Bởi trẻ em chính là tương lai của đất nước, chăm lo cho trẻ em chính là chăm lo cho tương lai của nước nhà.

Trong những năm gần đây ta không thể nào không nhắc đến khi mà dư luận lên sóng “sôi sùng sục” bởi đã xuất hiện quá nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở mọi địa điểm. Bạo hành trẻ em xuất hiện ở xung quanh cuộc sống của chúng ta dó thể là trong gia đình, quán kinh doanh và cả trường học,… Tuy nhiên ta cũng nhận thấy được rằng cũng chính những điều đáng buồn là trẻ em không những bị bạo hành về thể xác mà còn bị bạo hành về tinh thần. Thế rồi chính những biểu hiện cho sự bạo hành về thể xác là các hành vi bóc lột sức lao động, hay lại đánh đập, ngược đãi trẻ em đến thậm tệ. Có trường hợp còn đánh đập những trẻ em còn quá nhỏ như mới 2 tháng tuổi chưa có ý thức.

Không thể bỏ qua những ngày vừa qua báo chí và các phương tiện giao thông đại chúng đưa tin làm cả dư luận xôn xao và phải bàng hoàng bé Hảo, 4 tuổi bị ngay chính người mẹ của mình bạo hành một cách tàn nhẫn. Làm sao mà không bất bình trước cảnh người mẹ tàn nhẫn ấy thú tội những lời lạnh tanh: Khi mà thấy con nghịch tờ tiền, bà đã dùng kéo cắt ngón tay để “cảnh cáo” bé. Thực sự đây là một người mẹ vô lương. Thế rồi vụ việc của một người giúp việc trong gia đình đã dùng tay hất tung, đánh liên tiếp vào đứa nhỏ khi đứa nhỏ chưa đầy hai tháng tuổi. Để rồi khi xem camera quay lại bố mẹ bé không thể giữ nổi bình tĩnh và đưa lên cơ quan có thẩm quyền xử lý. Thật không thể nào có thể ngồi im mà xem hết đoạn ghi hình của người giúp việc vốn tự nhận mình rất yêu trẻ con trước mặt bố mẹ cháu, để rồi sau lưng lại có những hành động ghê sợ như vậy. Đoạn clip được lan truyền trên mạng gây ra một làn sóng căm phẫn và thương cho đứa nhỏ. Cho dù sự việc có được giải quyết như thế nào thì tổn thương nhất chính là đứa nhỏ, ngay cả khi bé còn chưa ý thức được. Những kẻ có hành vi đối xử không tốt với trẻ em, như đã lợi dụng trẻ em để hòng kiếm ăn. Họ lợi dụng trẻ em “giả nghèo”, “giả khổ” cho các em ăn uống đạm bạc, mặc những bộ quần áo mỏng tang để đưa đi che mắt thiên hạ. Lợi dụng lòng tốt của mọi người để cho tiền mang về cho những kẻ vô lương kia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Trẻ em như búp trên cành” cho nên chính xã hội phải có trách nhiệm bảo vệ đồng thời cũng phải luôn luôn yêu thương các em. Nhưng sự thật lại rất đáng buồn, bởi lại có những búp non không những bị vùi dập mà còn bị rẻ rúm, khinh thường nữa. Điều này thật chua xót biết bao nhiêu. Đó chính là những hành vi bạo hành trẻ về tinh thần, những kẻ vô lương tâm đã không ngần xúc phạm đến nhân phẩm, lòng tự trọng của trẻ và khiến cho trẻ ngay từ nhỏ đã có những suy nghĩ tiêu cực. Nếu như chúng ta mà xét theo khía cạnh chủ quan, tâm hồn trẻ em trong sáng, trẻ em quả thật là thơ dại hoàn toàn không có lỗi mà nguyên nhân chính là từ phía những người bạo hành trẻ em đang diễn ra với những chiều hướng phức tạp như hiện nay. Thực sự những kẻ đã gây ra nạn bạo hành trẻ em là những kẻ đã mất hết cả lương tâm. Không chỉ vậy đối tượng gây ra bạo hành trẻ em cũng lại có cả những người đã thân sinh ra bé. Học như chẳng khác gì loài cầm thú “Hổ dữ còn không ăn thịt con” vậy mà những bậc làm cha làm mẹ sao lại có thể nhẫn tâm, mất hết nhân tính đọa đày đứa con do chính mình dứt ruột để ra được. Xã hội như ngày càng có những biến tướng đáng lo ngại và vấn nạn bạo hành trẻ em cần được quan tâm hơn nữa. Đất nước, xã hội và bản thân của mỗi chúng ta hãy lên án đanh thép cho những hành vi mất nhân tính đối với trẻ.

Bạo hành trẻ em thực sự là một trong những hiện tượng đời sống mà cả xã hội quan tâm. Hãy chung tay và đẩy lùi nạn bạo hành trẻ em, để tiếng cười của trẻ thật trong sáng, để trẻ sống trong tình yêu thương của cha mẹ và chắc chắn rằng tương lai của đất nước sẽ thực sự tốt đẹp hơn trong tương lai vì một thế hệ trẻ em không có bạo hành.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
94
  • Lượt tải: 738
  • Lượt xem: 167.620
  • Dung lượng: 341,6 KB
Sắp xếp theo

    Chủ đề liên quan