Văn mẫu lớp 9: Ý nghĩa nhan đề bài thơ Viếng lăng Bác (7 mẫu) Bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương
Ý nghĩa nhan đề bài thơ Viếng lăng Bác gồm 7 mẫu hay, đặc sắc nhất, cung cấp cho các em những thông tin hữu ích để hiểu rõ hơn về ý nghĩa, những điều mà nhà thơ Viễn Phương muốn gửi gắm thông qua đó.
Thông qua cách đặt nhan đề thể hiện rõ nét phong cách sáng tác của Viễn Phương, giúp các em hiểu rõ hơn về nội dung, cảm hứng sáng tác, cũng như dụng ý nghệ thuật. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để ngày càng học tốt môn Văn 9.
Ý nghĩa nhan đề bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương
Ý nghĩa nhan đề Viếng lăng Bác siêu ngắn
Từ "viếng" khẳng định sự ra đi mãi mãi của Bác với dân tộc Việt Nam. Và nhan đề cũng đã nói lên tất cả nỗi lòng biết ơn, thành kính, xót thương của tác giả cũng như hàng triệu triệu con người Việt.
Ý nghĩa nhan đề bài thơ Viếng lăng Bác ngắn gọn
Bài thơ Viếng lăng Bác là tiếng lòng thành kính, xót thương, biết ơn vô hạn của nhà thơ cũng như của đồng bào miền Nam đối với vị lãnh tụ – người cha già kính yêu của dân tộc. Viếng là đến chia buồn với thân nhân người đã mất. Thăm là đến gặp gỡ, hỏi han trò chuyện với người còn sống. Nhan đề dùng từ viếng theo đúng nghĩa đen khẳng định một sự thật: Bác đã đi xa. Trong câu thơ đầu dùng từ thăm là ngụ ý nói giảm. Bác như vẫn còn đang sống trong lòng mọi người đặc biệt là trong lòng nhân dân miền Nam.
Ý nghĩa nhan đề Viếng lăng Bác
"Viếng lăng Bác" là một bài thơ đầy xúc động của tác giả Viễn Phương. Nhan đề bài thơ với ba chữ ngắn gọn đã thể hiện rõ nét chủ đề của tác phẩm. Tác giả dùng từ "viếng", có ý nghĩa là bày tỏ lòng thương tiếc trước người đã khuất. Điều đó đã nhắc đến sự thật đau buồn rằng Bác đã đi xa. "Viếng lăng Bác" như là lời thông báo về việc tác giả từ miền Nam ra thăm lăng Bác để nguôi ngoai đi nỗi nhớ về Người. Qua đó, chúng ta có thể cảm nhận rõ nét tình cảm của tác giả cũng như toàn thể dân tộc Việt Nam dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Dù Người đã đi xa nhưng vẫn còn sống mãi trong triệu trái tim của người dân Việt Nam. Đồng thời, nhan đề cũng hé mở mạch cảm xúc được triển khai trong bài thơ: gắn với hành trình cuộc viếng thăm lăng. Như vậy, nhan đề "Viếng lăng Bác" tuy ngắn gọn nhưng đã thể hiện nổi bật, sâu sắc chủ đề, tư tưởng tác phẩm.
Ý nghĩa bài thơ Viếng lăng Bác
Bài thơ "Viếng lăng Bác" đã để lại trong lòng bạn đọc những cảm xúc sâu lắng và tha thiết. Với những hình ảnh ẩn dụ độc đáo và những biện pháp tu từ đặc sắc, Viễn Phương đã thể hiện một hồn thơ rất riêng. Qua bài thơ, Viễn Phương đã thay nhân dân miền Nam nói riêng và nhân dân cả nước nói chung dâng lên Bác niềm cảm xúc chân thành, lòng tôn kính thiêng liêng. Bài thơ sẽ tiếp tục sống trong lòng người đọc, gợi nhắc cho những thế hệ kế tục thành quả rực rỡ của cách mạng cách sống sao cho xứng đáng với sự hi sinh của một con người vĩ đại mà giản dị- Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã sống trọn một đời:
"Chỉ biết quên mình cho hết thảy
Như dòng sông chảy nặng phù sa"
Ý nghĩa nhan đề bài thơ Viếng lăng Bác đầy đủ
Mỗi một tác phẩm, một bài thơ – “đứa con tinh thần” của người nghệ sĩ – đều được nâng niu, trân trọng, mang theo một cái tên đầy ý nghĩa và những quan điểm, triết lí của tác giả về cuộc đời – ấy chính là nhan đề tác phẩm. Bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương cũng vậy. Chỉ đơn giản 3 chữ thôi, tưởng chừng như chỉ đơn giản là một lời thông báo về hành động ra lăng Bác viếng thăm của nhân vật trữ tình, hay cũng chính là tác giả, nhưng ẩn chứa bên trong lại chính là tiếng lòng thành kính, xót thương, trân trọng cùng biết ơn của chính Viễn Phương – nhà thơ, cũng như là của chính những đồng bào miền Nam đối với Bác – vị lãnh tụ, vị Cha già kính yêu của dân tộc. Cách lựa chọn từ để đặt nhan đề của tác giả rất đặc biệt. “Viếng” chính là từ dùng để chỉ hành động đến chia buồn với người đã mất; ấy nhưng ở câu thơ đầu bài thơ, tác giả lại dùng từ “thăm” chứ không phải là “viếng”. “Thăm” lại là hành động đến thăm hỏi, trò chuyện và gặp gỡ với người còn sống. Còn “lăng Bác” là nơi vị Cha già ấy yên nghỉ. Nhan đề bài thơ đã đề cập đến một sự thật đau lòng rằng Người đã nhắm mắt, đã đi xa. Nhưng khi nó kết hợp với cách dùng từ ở câu thơ đầu tiên đã mở ra một tầng ý nghĩa sâu rộng hơn cả bên trong tình cảm thiêng liêng của tác giả, người dân Việt Nam với Bác: đó không chỉ đơn giản là biết ơn, là kính trọng, mà với người dân miền Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, Bác vẫn còn sống mãi trong lòng con dân.
Ý nghĩa nhan đề bài thơ Viếng lăng Bác chi tiết
“Viếng lăng Bác” là một bài thơ đầy ý nghĩa của Viễn Phương. Nhan đề bài thơ tuy chỉ có 3 chữ ngắn gọn, đơn giản cùng dễ hiểu nhưng đó là khi ta chỉ nhìn bề nổi ý nghĩa của nó. Nhan đề bài thơ không chỉ là một lời thông báo về việc nhân vật trữ tình hay chính là tác giả ra Hà Nội, đến với lăng Bác để bày tỏ lòng mình, mà trong đó còn là tình cảm sâu nặng, là tấm lòng hướng về vị Cha già dân tộc của tác giả nói riêng, của những người dân miền Nam nói chung. Có lẽ đến đây, ta ngỡ rằng mình đã khám phá hết các tầng ý nghĩa của nhan đề bài thơ. Ấy nhưng không phải. Nếu để ý kĩ, ở câu thơ đầu tiên, Viễn Phương lại không dùng từ “viếng” như ở nhan đề mà lại là từ “thăm” – hành động hỏi thăm, trò chuyện, gặp gỡ người còn sống. Kết hợp hai cách dùng từ này lại, ta có thể hiểu được rằng, nhan đề bài thơ không chỉ chan chứa tình cảm biết ơn, trân trọng, kính cẩn của người dân miền Nam với vị lãnh tụ của dân tộc, mà còn mang theo một lời khẳng định chắc nịch rằng: Dù Người đã đi xa, nhưng trong trái tim, trong lòng người dân miền Nam nói riêng, con dân Việt Nam nói chung, Người vẫn sống mãi, vẫn mãi luôn như ngày nào.
Phân tích ý nghĩa nhan đề bài thơ Viếng lăng Bác
Viếng lăng Bác của Viễn Phương là một trong những bài thơ gây xúc động nhất viết về Bác sau ngày Bác đi xa.
Bài thơ ra đời trong không khí xúc động của nhân dân ta lúc công trình lăng Bác được hoàn thành sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, đồng bào miền Nam có thể thực hiện ước nguyện được ra viếng lăng Bác.
Bài thơ là tiếng lòng thành kính, xót thương, biết ơn vô hạn của nhà thơ cũng như của đồng bào miền Nam đối với vị lãnh tụ – người cha già kính yêu của dân tộc.
- Viếng là đến chia buồn với thân nhân người đã mất.
- Thăm là đến gặp gỡ, hỏi han trò chuyện với người còn sống.
- Nhan đề dùng từ viếng theo đúng nghĩa đen khẳng định một sự thật: Bác đã đi xa.
- Trong câu thơ đầu dùng từ thăm là ngụ ý nói giảm. Bác như vẫn còn đang sống trong lòng mọi người đặc biệt là trong lòng nhân dân miền Nam.