Văn mẫu lớp 9: Cảm nhận khổ 3, 4 bài thơ Đoàn thuyền đánh cá Dàn ý & 4 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất

Cảm nhận khổ 3, 4 bài thơ Đoàn thuyền đánh cá hay nhất của các bạn học sinh giỏi trong cả nước, giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động vùng biển.

Đoàn thuyền đánh cá

Khổ 3, 4 Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận đã để lại bao ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả, khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để có thêm vốn từ, ngày càng học tốt môn Văn 9.

Nội dung Khổ 3, 4 Bài thơ đoàn thuyền đánh cá

Mẫu 1

Khổ 3:

  • Gió căng buồm cùng người lái thuyền vượt sóng, buồm chở trăng vượt biển, lướt mây.
  • Động từ "lướt" được đặt đầu câu cho thấy khí thế phơi phới trong hoạt động lái thuyền, vượt biển.
  • "Ra đậu dặm xa dò bụng biển": tìm kiếm những nguồn cá tôm dồi dào.
  • "Dàn đan thế trận lưới vây giăng": cuộc chinh phục thiên nhiên, cuộc đấu trí

=> Công việc đánh cá hiện lên vừa chân thực lại không kém phần lãng mạn

Khổ 4:

  • Thủ pháp liệt kê: cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song,..... => Biển giàu có - Cá song "lấp lánh đuốc đen hồng" nổi bật trong làn nước của biển đêm, "quẫy - trăng vàng choé": lung linh.
  • Nghệ thuật nhân hoá "em" " "Đêm thở", "sao lùa": sự gần gũi, thân thương

Mẫu 2

* Khổ 3: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển

  • Nghệ thuật ẩn dụ “thuyền ta lái gió với buồm trăng”: thiên nhiên, con người dường như hòa hợp lại làm một.
  • Nghệ thuật phóng đại “lướt giữa mây cao với biển bằng”: con thuyền giống như một tấm ván khổng lồ đang lướt giữa không gian bao la, rộng lớn - tầm vóc vũ trụ.
  • Công việc lao động diễn ra ngay trong đêm: Ra đậu dặm xa dò bụng biển - mặc dù trong đêm tối, ngư dân vẫn miệt mài với công việc đánh cá của mình.
  • “Dàn đan thế trận lưới vây giăng”: Đánh cá dường như trở thành đánh trận, mà con người phải sử dụng mưu trí tạo ra thế trận để đánh bại thiên nhiên.

* Khổ 4: Cảnh biển vào ban đêm

  • Huy Cận đã liệt kê ra một loạt các loài cá quý hiếm của biển cả: cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song - cho thấy sự giàu có của biển cả.
  • Hình ảnh “lấp lánh đuốc đen hồng” gợi ra màu sắc của loài ca song.
  • “Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe”: ánh trăng in bóng dưới mặt biển, những con cá quẫy đuôi làm sóng sánh ánh trăng vàng.
  • “Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”: màn đêm giống như một sinh mệnh, có sự sống.

Dàn ý Cảm nhận khổ 3, 4 bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

1. Mở bài

  • Giới thiệu về tác giả Huy Cận và bài thơ " Đoàn thuyền đánh cá".
  • Giới thiệu nội đoạn thơ thứ 3, thứ 4

2. Thân bài

- Nêu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.

- Khái quát các đoạn thơ trước và dẫn dắt tới nội dung của đoạn thơ thứ ba, thứ tư.

* Cảm nhận nội dung của đoạn thơ thứ 3:

  • Tác giả cho bạn đọc thấy con tàu đánh cá như tàu chiến, những ngư dân như những người anh hùng trên biển khơi:
  • Hình ảnh mạnh mẽ, hùng tráng: con thuyền đi nhanh như “lái gió”, cánh buồm trắng ôm trọn mặt trăng, thuyền đi “giữa mây cao với biển bằng”
  • Động từ “lướt”: cảm giác đi như bay, mạnh mẽ

⇒ Hình ảnh đẹp, con thuyền đi trên biển như thuyền có phép lạ bay trên mây.

Việc đánh cá tài tình và đầy chiến thuật như đánh giặc: thuyền ra “dặm xa dò bụng biển”, “Dàn đan thế trận lưới vây giăng”. Những công việc được thực hiện một cách hào hứng, vui vẻ: ngư dân gõ mạn thuyền cho cá bơi vào lưới, giống như “hát bài ca gọi cá vào”.

* Cảm nhận về vẻ đẹp và sự đa dạng của các loài cá quý trong khổ thơ thứ 4:

  • Tác giả liệt kê tên các loại cá ở biển như cá nhụ, cá chim, cá đé... những loại cá mang giá trị kinh tế
  • Biển không chỉ giàu mà còn đẹp thơ mộng: màu sắc lấp lánh của muôn loài cá (lấp lánh, đen hồng, vàng chóe) tất cả tạo nên tổng thể bức tranh sơn mài tuyệt đẹp của tạo hóa
  • Đêm ở biển được miêu tả sống động, mang hơi thở của cuộc sống (tiếng sóng nước hòa với nhịp gõ thuyền, hòa với sự khoáng đạt của trời cao biển rộng)

→ Như vậy tầm vóc của người và đoàn thuyền được nâng lên, hòa nhập vào kích thước của thiên nhiên, vũ trụ. Không còn cảm giác cô đơn, nhỏ bé của con người khi đối diện với trời rộng, sông dài trong thơ Huy Cận.

3. Kết bài

  • Khẳng định giá trị của hai khổ thơ.
  • Bày tỏ cảm nhận về nội dung bài thơ và niềm vui hăng say của con người lao động trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới.

Cảm nhận khổ 3, 4 bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - Mẫu 1

Huy Cận là một nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Việt Nam. Trước Cách mạng tháng Tám, thơ Huy Cận ảo lão nỗi buồn nhân thế. Nhưng sau cách mạng tháng Tám, thơ Huy Cận tràn đầy một khí thế mới. Đó là niềm vui chiến thắng, là sự hòa nhập và trải nghiệm của tác giả vào cuộc sống của nhân dân. Tác giả hòa cùng nhịp độ lao động của con người trong thời kì xây dựng chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa. "Đoàn thuyền đánh cá" chính là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Huy Cận thể hiện rõ niềm hứng khởi, hăng say lao động của con người trong thời đại mới. Đặc biệt đoạn thơ thứ ba, thứ tư của tác phẩm đã gây ấn tượng sâu đậm với người đọc về bức tranh hoành tráng của con người trong công cuộc chinh phục thiên nhiên.

Ở vị trí phần giữa của tác phẩm, đoạn thơ nổi bật với vẻ đẹp tráng lệ của biển khơi và vẻ đẹp khỏe khoắn, mạnh mẽ của đoàn thuyền, của con người trong lao động. Tất cả được viết lên bằng trí tưởng tượng mãnh liệt, bằng niềm hứng khởi bay bổng và bút pháp tạo hình đầy sáng tạo.

Mở đoạn đoạn thơ là hình ảnh đoàn thuyền lướt nhanh giữa trời cao biển rộng có cái lân lân, sảng khoái lạ thường:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng.
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng”.

Con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé trước biển trời bao la, đã trở thành con thuyền kì vĩ, lớn lao mang tầm vóc vũ trụ. Thuyền có gió làm lái, có trăng làm buồm, lướt giữa mây cao và biển bằng, giữa mây trời và sóng nước với tất cả sức mạnh chinh phục biển cả,chinh phục thiên nhiên. Hình ảnh này thể hiện rất rõ sự thay đổi trong cảm hứng nghệ thuật của Huy Cận trước và sau cách mạng . Chủ nhân con thuyền – những người lao động cũng trở nên lồng lộng giữa biển trời trong tư thế, tầm vóc làm chủ cuộc đời. Con người đã chủ động, mạnh mẽ hòa nhập với kích thước rộng lớn của thiên nhiên, vũ trụ. Không chỉ vậy, họ còn nổi bật ở vị trí trung tâm : ra tận khơi xa dò bụng biển, tìm luồng cá, dàn đan thế trận, bủa lưới vây giăng. Chất lãng mạn bao trùm cả bức tranh lao động biến công việc nặng nhọc trên biển thành một cuộc chiến đấu đầy hăm hở, với khí thế đua tranh. Nếu như ở đoạn đầu, thiên nhiên đã chìm vào trạng thái nghỉ ngơi, thư giãn “mặt trời xuống biển”, "sóng đã cài then”, "đêm sập cửa” thì ở đây, con người đã đánh thức thiên nhiên, khiến thiên nhiên dường như bừng tỉnh, như cùng hòa vào niềm vui trong lao động. Có thể nói, lòng tin yêu thiên nhiên, con người và cảm hứng lãng mạn bay bổng đã giúp nhà thơ xây dựng được một hình ảnh thơ tuyệt đẹp, vừa hoành tráng, lại vừa thơ mộng.

Bức tranh lao động được điểm tô bằng vẻ đẹp của thiên nhiên. Cái nhìn của nhà thơ đối với biển và cá cũng có những sáng tạo bất ngờ, độc đáo:

Cá nhụ cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng.
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe

Thủ pháp liệt kê kết hợp với sự phối sắc tài tình qua việc sử dụng các tính từ chỉ màu sắc “đen hồng”, "vàng chóe”… đã tạo nên một bức tranh sơn mài nhiều màu sắc, ánh sáng, lung linh huyền ảo như trong câu chuyện cổ tích nói về xứ sở thần tiên. Mỗi loài cá là một kiểu dáng, một màu sắc: “Cá nhụ cá chim cùng cá đé/Cá song lấp lánh đuốc đen hồng” làm nên sự giàu đẹp của biển cả quê hương. Như có một hội rước đuốc trong lòng biển đêm sâu thẳm. Mỗi khi: “Cái đuôi em quẫy”, trăng như vàng hơn, rực rỡ hơn, biển cả như sống động hẳn lên. Người xưa thường nói: “Thi trung hữu họa” – nghĩa là trong thơ có hình có ảnh. Quả đúng như thế, mỗi loài cá ở đây là bức kí họa thần tình. Chúng đâu chỉ là sản phẩm vô tri được đánh bắt bởi bàn tay con người. Với họ - những người ngư dân này – cá là bạn, là “em”, là niềm cảm hứng cho con người trong lao động, và cũng chính là đối tượng thẩm mĩ cho thi ca. Cảnh đẹp không chỉ ở màu sắc, ánh sáng, mà còn ở âm thanh. Nhìn bầy cá bơi lội, nhà thơ lắng nghe tiếng sóng vỗ rì rầm:

"Đêm thở: sao lùa nước Hạ long"

Bằng nghệ thuật ẩn dụ kết hợp nhân hóa, biển cả như một sinh thể sống động. Tiếng sóng vỗ dạt dào dâng cao hạ thấp là nhịp thở trong đêm của biển. Thế nhưng nhà thơ lại viết “Đêm thở:sao lùa nước Hạ Long”. Thật ra, là sóng biển đu đưa rì rào va đập vào mạn thuyền. Trăng, sao phản chiếu ánh sáng xuống nước biển, mỗi khi sóng vỗ nhịp tưởng như có bàn tay của sao trời đang“lùa nước Hạ Long”. Đó là sự độc đáo, mới lạ trong sáng tạo nghệ thuật. Có thể nói, bằng tâm hồn hết sức tinh tế, tác giả đã cảm nhận được hơi thở của thiên nhiên, vũ trụ. Chính không khí say sưa xây dựng đất nước của những năm đầu khôi phục và phát triển kinh tế là cơ sở hiện thực của những hình ảnh lãng mạn trên.Bởi thế, bài thơ như một khúc tráng ca mà Huy Cận sáng tác để ca ngợi những con người lao động mới hay chính những con người lao động tự cất lên, tự viết lời cho khúc ca lao động của mình

Có thể nói, với hình ảnh thơ tráng lệ, âm hưởng hào hùng, bút pháp lãng mạn, bay bổng, nhà thơ đã khắc họa thành công một bức tranh thiên nhiên thơ mộng, và vẻ đẹp khỏe khoắn, mạnh mẽ của đoàn thuyền, của con người lao động giữa biển trời bao la. Đọc đoạn thơ, bài thơ ta càng yêu hơn, trân trọng hơn vẻ đẹp của cảm hứng say sưa, niềm vui phơi phới trước cuộc đời và tình yêu thiên nhiên, con người thiết tha của nhà thơ Huy Cận.

Cảm nhận khổ 3, 4 bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - Mẫu 2

Vẻ đẹp của lao động và người lao động được Huy Cận thể hiện trong khung cảnh kì vĩ tráng lệ của thiên nhiên vùng biển:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Cảm hứng lãng mạn của nhà thơ đã tạo nên những hình ảnh rực rỡ và lộng lẫy như những bức tranh sơn mài rộng lớn và huyền ảo nối tiếp nhau trong bài thơ. Cảnh đoàn thuyền lướt đi trên biển đêm trăng và chuẩn bị đánh cá được tả như bức tranh lãng mạn hào hùng. Lái gió với buồm trăng thì trăng, gió, mây đã hòa nhập với con thuyền. Chuẩn bị bao vây, buông lưới như đang dàn đan thế trận, khẩn trương mà phấn khởi, tự tin. Đoàn thuyền đánh cá băng băng lướt sóng, bủa vây điệp trùng. Công việc lao động trên biển như là một cuộc chiến đấu chinh phục thiên nhiên.

Sự giàu có, đẹp đẽ của cá biển được tác giả miêu tả hết sức duyên dáng, lấp lánh màu sắc như bức tranh sơn mài trong bể cá khổng lồ:

Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé,
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.

Thủ pháp liệt kê kết hợp với sự phối sắc tài tình qua việc sử dụng các tính từ chỉ màu sắc “đen hồng”,”vàng chóe”… đã tạo nên một bức tranh sơn mài nhiều màu sắc, ánh sáng, lung linh huyền ảo như trong câu chuyện cổ tích nói về xứ sở thần tiên. Những loài cá khác nhau được gọi tên, được tả với những đặc điểm hình dáng và hoạt động cụ thể. Cái đuôi cá được gọi một cách tình tứ là em, ánh trăng vàng chóe lên, lấp lánh cùng làn nước. Biển đêm với ánh trăng tan, in trong lòng biển. Cảnh vật thật lung linh huyền ảo như thế giới thần tiên, cổ tích. Những người dân lao động đang làm việc trong khung cảnh và niềm vui như thế.

Như vậy, 2 khổ thơ nói riêng và bài thơ nói chung đã thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống.

Cảm nhận khổ 3, 4 bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - Mẫu 3

Ở khổ thơ thứ ba và bốn bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá", Huy Cận không chỉ cho ta thấy được sự hòa hợp giữa thiên nhiên vũ trụ với con người trong lao động mà ông còn ca ngợi biển giàu đẹp như đêm hội.

Thật vậy, hình ảnh con thuyền hiện lên thật đẹp qua hai dòng thơ đầu:

"Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng".

Cùng động từ lái lướt kết hợp với cảm hứng lãng mạn, trí tưởng tượng phong phú, tác giả đã nâng hình ảnh con thuyền lên sánh ngang với tầm vóc vũ trụ khi có gió là người cầm lái, trăng là cánh buồm. Con thuyền thực mà như con thuyền mộng khi lướt giữa một khoảng trời nước mênh mông, cao rộng, khoáng đạt, mây cao, biển bằng, con thuyền đánh cá vốn lam lũ nhỏ bé nay đã trở nên thật lớn lao, nên thơ. Công việc đánh đánh cá vất vả nặng nhọc được miêu tả thật hào hùng bằng các động từ "đậu, dò, dàn đan", khiến công việc như một thế trận mà những người dân chài là những anh hùng chinh phục biển khơi.

Đến đây, tầm vóc của con thuyền và con người không còn cái cảm giác bé nhỏ lẻ loi khi đối diện với biển khơi. Bên cạnh đó, khổ thơ thứ tư chính là lời ngợi ca biển giàu của tác giả:

"Cá nhụ, cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng".

Chim, thu, nhụ, đé,... là những loài cá quý vùng biển nước ta, không chỉ đem lại giá trị về mặt kinh tế mà còn tô điểm thêm cho vẻ đẹp của biển. Hình ảnh ẩn dụ "đuốc đen hồng" đã gợi tả những con cá song giống như ngọn đuốc đang lao đi trong luồng nước lấp lánh cùng với đuôi quẫy trăng vàng chóe là hình ảnh thơ đẹp nhất. Khổ thơ mang nhiều tính từ chỉ màu sắc: "đen, hồng, vàng chóe,.." hòa quyện với nền đen của màu đêm tạo ra bức tranh sơn màu lóng lánh, lãng mạn sắc màu.

Tiếp đến, một hình ảnh lạ, một sáng tạo nghệ thuật của Huy Cận đã làm cho cảnh thiên nhiên thêm sinh động. Đó là hình ảnh "Đêm thở: Sao lùa nước Hạ Long", hình ảnh nhân hóa đẹp, biển đêm được miêu tả như một sinh vật; nó thở, sao lùa nước Hạ Long làm nên tiếng thở của đêm.

Đoạn văn cảm nhận khổ 3, 4 Đoàn thuyền đánh cá

Đoàn thuyền đánh cá là một bài thơ rất hay của tác giả Huy Cận. Với cách dùng những từ ngữ, hình ảnh thú vị, tác giả đã làm nổi bật cái cảnh biển về đêm rộng rãi, thoáng đãng, kì vĩ, lung linh. Đoàn thuyền đánh cá là những chiếc thuyền, ngư dân là các chiến s, thuyền lưới, mái, chèo là vũ khí. Đây có thể nói toàn bộ là những thiết bị khoa học. Với những chi tiết ở khổ 3 thì hình ảnh người lao động làm việc với tư thế dũng cảm, tâm thế hăng say trong lao đồng. Còn khổ 4, với những biện pháp ẩn dụ và so sánh đã làm nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt vời. Tác giả là một người có cảm nhận tinh tế, tưởng tượng rất là phong phú.

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
59
  • Lượt tải: 180
  • Lượt xem: 86.161
  • Dung lượng: 307,6 KB
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨

    Chủ đề liên quan