Bài văn mẫu lớp 9: Suy nghĩ về triết lý sống trong truyện ngắn Bến quê Tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

Nguyễn Minh Châu được xem là một tác giả có cách viết rất độc đáo, bởi trong mỗi tác phẩm của ông đều gửi gắm một triết lý sống sâu sắc. Tác phẩm “Bến quê” là câu chuyện ám ảnh với người đọc về triết lý sống của con người “Con người ta sống trên đời thật khó tránh khỏi những vòng vèo hay chùng chình”.

Sau đây Download.vn xin giới thiệu đến các bạn học sinh lớp 9 dàn ý chi tiết kèm theo 4 bài văn mẫu Suy nghĩ về triết lý sống trong truyện ngắn Bến quê. Hi vọng tài liệu này giúp các bạn tự ôn tập kiến thức ngữ văn phục vụ cho học tập cũng như chuẩn bị cho thi giữa kì, thi cuối kì, thi vào lớp 10. Mời các bạn tham khảo và tải tài liệu tại đây.

Dàn ý phân tích triết lý sống trong truyện ngắn Bến quê

I. Mở bài

- Giới thiệu khái quát tác giả: Nguyễn Minh Châu là cây bút xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Hàng loạt những truyện ngắn trăn trở, day dứt đã ra đời và một thời gây xôn xao dư luận như: Bức tranh, Phiên chợ Giát, ...

- Giới thiệu tác phẩm: Bến quê là một truyện ngắn xuất sắc trong tập truyện ngắn cùng tên được xuất bản năm 1985, bốn năm trước khi nhà văn từ giã cõi đời.

II. Thân bài

1. Những cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật Nhĩ trên giường bệnh

* Cảm nhận của nhân vật Nhĩ về vẻ đẹp thiên nhiên

- Buổi sáng đầu thu được nhìn từ khung cửa sổ căn phòng mình

- Cảnh vật được miêu tả theo tầm nhìn của Nhĩ, từ gần đến xa, tạo thành một không gian có chiều sâu, rộng: Từ những bông hoa bằng lăng ngay phía ngoài cửa sổ đến con sông Hồng với màu đỏ nhạt lúc đã vào thu, đến vòm trời và sau cùng là bãi bồi bên kia sông.

- Tất cả đều được cảm nhận bằng những cảm xúc tinh tế. Không gian và những cảm xúc ấy vốn quen thuộc, gần gũi nhưng lại rất mới mẻ với Nhĩ, tưởng như lần đầu tiên anh cảm nhận được tất cả vẻ đẹp và sự giàu có của nó.

* Cảm nhận về Liên

- Lần đầu tiên Nhĩ "để ý thấy Liên đang mặc tấm áo vá", cảm nhận "những ngón tay gầy guộc âu yếm vuốt ve bên vai" và Nhĩ nhận ra tất cả tình yêu thương, sự tần tảo và đức hy sinh thầm lặng của vợ.

- Chính trong những ngày cuối đời, Nhĩ mới thực sự thấu hiểu với lòng biết ơn sâu sắc người vợ của mình: "Cũng như cánh bãi bồi đang nằm phơi mình bên kia, tâm hồn Liên vẫn giữ nguyên vẹn những nét tần tảo và chịu đựng hy sinh từ bao đời xưa, và cũng chính nhờ có điều đó mà sau những ngày tháng bôn tẩu tìm kiếm...Nhĩ đã tìm thấy được nơi nương tựa là gia đình trong những ngày này".

* Cảm nhận về bản thân

- Khao khát được đặt chân lên bãi bồi bên kia sông

+ Buổi sáng hôm ấy, lần đầu tiên Nhĩ nhận ra vẻ đẹp của cảnh vật bình dị và gần gũi xung quanh mình. Và trớ trêu thay, với con người "đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất như Nhĩ, cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa nhà mình" lại là "một chân trời gần gũi mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến". Nhĩ khao khát được đặt chân lên bãi bồi bên kia sông. Điều khao khát ấy chính là sự thức tỉnh về những giá trị bền vững, bình thường mà sâu xa của đời sống - những giá trị thường bị người ta lãng quên, vô tình, nhất là lúc còn trẻ, khi con người còn lao theo những ham muốn xa vời. Sự thức nhận này chỉ đến được với người ta ở cái độ đã từng trải, đã thấm thía những sướng vui và cay đắng; và cùng với sự thức tỉnh ấy thường là những ân hận xót xa ...

+ Lại càng trớ trêu hơn nữa khi anh nhờ thằng con trai thực hiện ước muốn của mình, thằng con trai anh cũng không hiểu được niềm khao khát của cha nó, nên làm một cách miễn cưỡng và rồi bị cuốn hút vào trò chơi hấp dẫn nó gặp trên đường đi, để rồi có thể lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày. Từ hoàn cảnh của mình, từ đứa con trai, Nhĩ đã chiêm nghiệm được cái quy luật phổ biến của đời người: "Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái vòng vèo hoặc chùng chình". Anh không trách đứa con trai bởi giống như anh ngày trước, "nó đã thấy có gì hấp dẫn ở bên kia sông đâu".

- Hành động kỳ quặc của Nhĩ cuối truyện khi thấy con đò ngang vừa chạm mũi vào bờ đất bên này sông, Nhĩ đã thu hết tàn lực dồn vào một cử chỉ có vẻ kỳ quặc: "Anh đang cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát - y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó". Anh đang nôn nóng thúc giục cậu con trai hãy mau kẻo lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày. Không nên sa vào những cái vòng vèo, chùng chình trên đường đời dứt ra khỏi, hướng tới những giá trị đích thực giản dị, gần gũi, bền vững. Biểu hiện sự nôn nóng thúc giục cậu con trai hãy mau lên kẻo lỡ chuyến đò càng tô đậm niềm khao khát của anh.

2. Nghệ thuật truyện

- Xây dựng nhân vật tư tưởng:

+ Nhân vật Nhĩ là nhân vật tư tưởng, một loại nhân vật nổi lên trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu giai đoạn sau 1975. Nhà văn đã gửi gắm qua nhân vật nhiều điều quan sát, suy ngẫm, triết lý về cuộc đời và con người. Nhân vật không bị biến thành cái loa phát ngôn cho tác giả. Những chiêm nghiệm, triết lý đã được chuyển hoá vào trong đời sống nội tâm của nhân vật, với diễn biến tâm trạng.

- Hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng

Một đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật truyện: Sáng tạo hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng. Trong “Bến quê”, hầu như mọi hình ảnh đều mang hai lớp nghĩa: nghĩa thực và ý nghĩa biểu tượng.

+ Bãi bồi, bến sông, khung cảnh thiên nhiên: là vẻ đẹp của đời sống trong những cái gần gũi, bình dị, thân thuộc.

+ Bông hoa bằng lăng cuối mùa; tiếng những tảng đất lở ở bờ sông bên này, khi cơn lũ đầu nguồn dồn về, đổ ụp vào trong giấc ngủ của Nhĩ lúc gần sáng: Sự sống của nhân vật Nhĩ đã ở vào những ngày cuối cùng.

+ Đứa con trai của Nhĩ đã sa vào một đám chơi phá cờ thế trên lề đường: Sự chùng chình, vòng vèo mà trên đường đời người ta khó tránh khỏi.

+ Hành động và cử chỉ của Nhĩ: Thức tỉnh con người.

- Miêu tả tâm lý tinh tế

- Cách xây dựng tình huống nghịch lý. Đi hầu hết khắp nơi trên thế giới, bị liệt toàn thân, không thể đi đâu được.

- Trần thuật theo dòng tâm trạng của nhân vật.

III. Kết bài

- Nguyễn Minh Châu là nhà văn đi được xa nhất trên con đường đổi mới văn học.

- Tác phẩm mang tính hiện đại, tính nhân văn sâu sắc.

Phân tích triết lý sống trong truyện ngắn Bến quê - Mẫu 1

Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989), là nhà văn có ngòi bút mang tính biểu tượng sâu sắc. Mỗi tác phẩm của ông đều hướng đến một triết lý, một ý nghĩa nhân sinh. Ông có tầm ảnh hưởng rất lớn đến văn học Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam và thời kỳ đầu đổi mới. Ông có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, mang lại suy nghĩ, sự ám ảnh cho người đọc. Và “Bến quê“ là một tác phẩm như vậy. Truyện muốn gửi gắm đến tất cả chúng ta triết lý sống “con người ta trên đường đời thật khó tránh khỏi những vòng vèo hay chùng chình".

Nhân vật Nhĩ, nhân vật chính của Bến quê đã nhận ra triết lý này, khi anh đứng ở bên kia cái dốc của cuộc đời. Có lẽ đây là triết lý mà chính tác giả đã đúc rút nên, mang tính trải nghiệm, tổng kết cho đời người.

Câu truyện được kể lại theo cái nhìn và tâm trạng của nhân vật Nhĩ, trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Nhĩ làm công việc được đi khắp nơi, “suốt đời Nhĩ từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất”. Thế nhưng đến khi cuối đời, anh lại bị buộc chặt vào giường bệnh và bị hành hạ hàng năm trời với một căn bệnh quái ác. Và thật trớ trêu, dù được đi khắp nơi nhưng Nhĩ lại chưa từng được đặt chân sang bãi bồi bên kia sông Hồng, nơi gần gũi và thân quen nhất với anh. Đọc đến đây, có thể thấy rõ ràng một nghịch lý cuộc sống đáng suy nghĩ. Một người được đi đây đó khắp nơi cả cuộc đời, thế nhưng ngay cái nơi gần gũi nhất, nơi anh sinh ra và lớn lên thì lại chưa có cơ hội được đặt chân tới dù chỉ một lần. Sự trớ trêu, nghịch lý này đã tạo nên sự ân hận và nỗi day dứt sâu sắc trong lòng anh.

Bệnh nặng đã khiến anh không thể làm gì, việc đi lại cũng trở nên khó khăn, ngay việc nhích người đến bên cửa sổ, Nhĩ cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của đám trẻ con hàng xóm. Rồi vào buổi sáng hôm ấy, khi Nhĩ phát hiện ra vẻ đẹp lạ lùng của bãi bồi bên kia sông ngay trước cửa sổ nhà anh, cũng là lúc anh biết rằng, anh sẽ không bao giờ có thể đặt chân lên mảnh đất ấy, dù nó ở ngay trước mắt. Đây tiếp tục lại là một nghịch lý đáng suy ngẫm với người đọc. Và cũng chính lúc ấy, Nhĩ nhận ra mình đã vô tâm với người vợ tần tảo, giàu đức hi sinh và tình yêu dành cho anh. Anh xót xa nhìn lại quá khứ và cảm thấy thật sự biết ơn vợ của mình. Có thể thấy, có những điều rất bình thường trong cuộc sống, nhưng thường bị người ta bỏ qua, lãng quên để tìm đến những ham muốn xa vời hơn. Có lẽ chỉ khi đã từng trải, con người ta mới nhận ra giá trị của những điều đó.

Với Nhĩ, giờ đây khi nằm trên giường bệnh, anh mới nhận ra: “họa chăng chỉ có anh đã từng trải, đã từng in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia”. Anh khao khát được đặt chân đến đó, nhưng biết mình không thể làm được. Nhĩ quyết định nhờ đứa con trai duy nhất sang bên đó, thực hiện thay ước vọng của mình, là được ngắm nhìn bãi bồi phù sa màu mỡ, tươi đẹp. Thế nhưng lại là một nghịch lý đối với Nhĩ, khi đứa con trai không hiểu được điều mà Nhĩ mong muốn. Cậu bé đã bị cám dỗ bởi những người chơi cờ, mải mê vào đó mà có thể sắp phải lỡ mất chuyến đò ngang duy nhất trong ngày. Chính lúc này đây, Nhĩ đã đau đớn nhận ra rằng: “con người ta trên đường đời khó tránh khỏi những điều vòng vèo hay chùng chình.” Sự vòng vèo hay chùng chình ở đây chính là những cám dỗ, những thứ mê hoặc mà nếu con người không có đủ mạnh mẽ, không đủ tỉnh táo thì sẽ dễ dàng bị cuốn vào những thứ cám dỗ đó.

Nhĩ bất lực nhìn con trai qua cửa sổ. Anh cố dùng chút sức lực cuối cùng, đưa tay vẫy vẫy để bảo đứa con hãy đi đi, đừng bị những thứ tầm thường đó cám dỗ. Thế nhưng có lẽ cố gắng đến mấy thì cũng đã muộn, Nhĩ không còn nhiều thời gian nữa.

Qua Bến Quê, chúng ta đã được Nguyễn Minh Châu gieo vào lòng nhiều băn khoăn và sự suy nghĩ sâu sắc. Với triết lý “con người ta trên đường đời khó tránh khỏi những vòng vèo hay chùng chình”, chúng ta sẽ có thêm những nỗi trăn trở khi bước trên đường đời. Rằng mỗi khi sắp làm một việc gì, chúng ta cố gắng có đủ bản lĩnh, đủ tỉnh táo để vược qua những cám dỗ, những ngọt ngào. Những vòng vèo, chùng chình đó có thể sẽ rèn luyện chúng ta trưởng thành hơn, nhưng cũng có thể làm cho chúng ta bỏ lỡ mất những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Phân tích triết lý sống trong truyện ngắn Bến quê - Mẫu 2

Nguyễn Minh Châu được xem là một tác giả có cách viết rất độc đáo, bởi trong mỗi tác phẩm của ông đều gửi gắm một triết lý sống sâu sắc.

Tác phẩm “Bến quê” là câu chuyện ám ảnh với người đọc về triết lý sống của con người “Con người ta sống trên đời thật khó tránh khỏi những vòng vèo hay chùng chình”. Triết lý sống này được nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến quê rút ra trong những ngày anh ta ốm liệt giường đang ở cái dốc bên kia của cuộc đời. Nó cũng chính là triết lý sống mà Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm tới tất cả người đọc sau những gì ông đã đúc kết được trong cuộc sống.

Câu nói này thể hiện sự tinh tế, từng trải của nhà văn Nguyễn Minh Châu với cuộc đời, thể hiện sự thấu hiểu vạn vật nhân sinh xung quanh mình. Thể hiện sự nuối tiếc xót xa hối hận vì những thứ chưa làm được, những điều đã bỏ lỡ.

Truyện ngắn “Bến quê” kể lại nhân vật Nhĩ, một con người khi còn trẻ có thú vui đi đây, đi đó, khám phá cuộc sống để rút ra những điều chiêm nghiệm của mình. Trong tác phẩm của mình Nguyễn Minh Châu đã đặt ra những nghịch lý sống, có thể coi đó là tình huống nghịch cảnh tạo nên triết lý sống sâu sắc nhất cho tác phẩm.

Nhân vật Nhĩ là người mà suốt cuộc đời đã từng đi không sót một xó xỉnh nào, nhưng tới cuối đời khi nằm liệt trên giường vì căn bệnh quái ác, thì anh ta mới phát hiện ra mình chưa từng đặt chân lên bãi bồi bên kia sông Hồng của làng mình, nơi gần gũi thân thiết nhất. Đây chính là nghịch lý đầu tiên mà tác giả Nguyễn Minh Châu đã đặt ra cho tác phẩm cho nhân vật của mình. Cả cuộc đời một con người đi khắp nơi, bôn ba hết nơi này đến nơi khác nhưng nơi gắn bó gần gũi nhất lại chưa từng đặt chân tới lần nào. Sự trêu đùa của số phận tạo nên sự ân hận trong lòng nhân vật Nhĩ cho tới tận ngày cuối đời của mình.

Nhĩ rất muốn sang bãi bồi bên kia sông để tận mắt ngắm nhìn bãi bồi xinh đẹp xanh tươi đó, nhưng anh bị liệt, ngay cả tới gần cửa sổ đứng bằng hai chân anh còn không làm được huống chi sang bên đó phải đi qua một con đò, qua sông. Không tự mình đi được Nhĩ nhờ con trai của mình, một cậu bé tinh nghịch ham chơi mới hơn chục tuổi đầu sang bên đó ngắm nhìn cảnh vật thật chi tiết rồi về kể lại cho Nhĩ nghe.

Cậu bé nghe theo lời ba mình, nhưng trên đường đi có rất nhiều trò chơi hấp dẫn khiến cậu bé ham chơi, sa đà quá mà quên mất lời ba dặn, đến khi giật mình nhớ đến thì đã lỡ chuyến đò sang sông. Cậu bé về nhà kể lại cho ba nghe mọi chuyện diễn ra. Lúc này Nhĩ mới đau đớn kêu lên chua xót "Con người ta sống trên đời thật khó tránh khỏi những vòng vèo hay chùng chình”.

Nghịch lý thứ hai mà nhân vật Nhĩ gặp phải đó chính là người vợ thân yêu của mình. Những ngày còn khỏe mạnh, trai trẻ đi đây đi đó Nhĩ không coi trọng vợ là mấy, anh ta thường xuyên làm khổ vợ.

Nhưng những ngày bị ốm nằm liệt giường Nhĩ mới nhận ra tấm lòng người vợ dành cho mình là vô cùng sâu sắc. Một người vợ hiền thục, tần tảo thương chồng thương con. Lo lắng cho người chồng ốm yếu từng miếng ăn giấc ngủ mà không nửa lời kêu than. Nhĩ cảm thấy mình mắc nợ vợ nhiều quá. Nhưng vợ anh không cảm thấy vậy, cô hạnh phúc khi được quan tâm chăm sóc chồng những ngày cuối đời.

Những triết lý nhân văn sâu sắc đầy ám ảnh mà Nguyễn Minh Châu muốn gửi tới người đọc, làm cho người đọc cảm thấy băn khoăn suy nghĩ rất nhiều. Nó như những thử thách của cuộc sống dành cho mỗi con người vậy, ai muốn đi tới đích thì cần phải có đủ dũng cảm, ý chí vượt qua những cám dỗ, mê hoặc ngoài kia.

Phân tích triết lý sống trong truyện ngắn Bến quê - Mẫu 3

Nguyễn Minh Châu được xem là nhà văn của những biểu tượng bởi rằng mỗi nhân vật, mỗi sự việc trong từng trang viết của ông đều hướng đến một triết lí, một ý nghĩa nhân sinh nào đó. Người đọc cần phải đọc bằng tâm thì mới có thể nhận ra giá trị đó. Truyện ngắn “Bến quê” là một câu chuyện đầy sức ám ảnh mỗi khi gấp trang sách lại. Ở đó Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm triết lí sống “Con người ta trên đường đời thật khó tránh khỏi những vòng vèo hay chùng chình”.

Đây chính là triết lí sống trong truyện ngắn Bến quê, là nhân vật Nhĩ đã nhận ra khi anh đang đứng ở bên kia cái dốc của cuộc đời. Phải chăng đây cũng chính là triết lí mà Nguyễn Minh Châu đúc rút nên, vừa mang tính trải nghiệm, vừa mang tính tổng kết cho một đời người. Hẳn rằng phải có sự tinh tế, sự thấu hiểu cũng như sự từng trải, tác giả mới có thể nhận ra chân lí hiển nhiên nhưng lại đầy chua xót và nuối tiếc như vậy.

“Bến quê” là câu chuyện được kể lại qua cái nhìn, chiêm nghiệm của nhân vật Nhĩ, nhân vật trung tâm, nhân vật mà tác giả gửi gắm rất nhiều tâm tư, nguyện vọng cùng những chiêm nghiệm cuộc sống đáng trăn trở. Nguyễn Minh Châu đã đặt ra những nghịch lí, có thể coi đó là những tình huống tạo nên nghịch lí và tạo nên triết lí cuộc sống sâu sắc nhất. Nhân vật Nhĩ được đặt vào một hoàn cảnh rất trớ trêu “suốt đời Nhĩ từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất” nhưng đến cuối đời căn bệnh quái ác hành hạ, Nhĩ lại chưa từng đặt chân sang bãi bồi bên kia sông Hồng, nơi gần gũi và thân quen nhất. Đây chính là một nghịch lí cuộc sống đáng suy ngẫm. Cả cuộc đời bôn ba khắp nơi, nhưng cái nơi thân quen và gần gũi nhất, ngay trên quê hương mình lại chưa một lần có cơ hội đặt chân tới. Sự trớ trêu này đã tạo nên ân hận và đầy day dứt trong lòng Nhĩ.

Tuy nhiên vào một buổi sáng, Nhĩ nhận ra mọi thứ quá đỗi thân quen qua ô của sổ, Nhĩ nhận ra vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông và muốn được đặt chân đến đó trước khi từ giã cuộc đời. Nhưng số phận khắc nghiệt, cuộc sống trớ trêu, Nhĩ lại không thể tự mình làm được cái việc tưởng chừng đơn giản đó. Đây chính là một nghịch lí thứ hai mà người đọc cảm nhận được.

Cuối cùng Nhĩ đã nhờ đứa con trai sang bên đó hộ mình, để ngắm nhìn bãi bồi màu mỡ, phù sa. Nhưng đứa con trai không thể hiểu được điều mà cha mong muốn nên thực hiện một cách miễn cưỡng nhất. Trên chặng được đi, đứa con trai đã không thể vượt qua được cám dỗ của những người chơi cờ, cậu đã mê mải và sà vào đó, quên mất lời cha, có thể sẽ lỡ mất chuyến đò ngang duy nhất trong ngày. Lúc này Nhĩ mới đau đớn nhận ra “Con người ta trên đường đời khó tránh khỏi những cái vòng vèo hay chùng chình”. Cái sự “vòng vèo hay chùng chình” đó chính là cám dỗ mà con người khó có thể vượt qua được. Nếu không có đủ mạnh mẽ, không biết tỉnh táo thì sẽ rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy đó. Nhĩ bất lực nhìn con trai và cố vươn tới cửa sổ lấy tay vẫy vẫy, Nhĩ cố dồn chút sức lực cuối cùng để bảo đứa con trai hãy đi đi, đừng để những thứ tầm thường xung quanh mình cám dỗ. Đây chính là triết lí mà đi hết một đời Nhĩ mới nhận ra và thấu hiểu. Nhưng tất cả đều đã muộn rồi, cuộc đời Nhĩ sắp không gượng được bao nhiêu nữa.

Với triết lý sống trong truyện ngắn Bến quê sâu sắc và đầy sức ám ảnh đó. Nguyễn Minh Châu đã gieo vào lòng người đọc nhiều băn khoăn, nhiều trăn trở khi đang bước đi trên chặng đường đời. Liệu rẳng chúng ta có đủ bản lĩnh để vượt qua được những cám dỗ ngọt ngào ở bên ngoài kia hay không. Sự vòng vèo, chùng chình đó có cuốn chúng ta vào, và chúng ta có bỏ lỡ những điều bình dị nhưng tốt đẹp ở trong cuộc đời hay không.

Như vậy với triết lí sống đó, mỗi khi nghĩ đến nhân vật Nhĩ, nghĩ đến cái khoát tay ở cuối truyện; người đọc càng thêm thấm thía hơn, càng thêm trận trọng cuộc sống hiện tai. Những thứ tưởng chừng như rất đỗi bình dị nhưng lại có sức ám ảnh lớn với mỗi người.

Phân tích triết lý sống trong truyện ngắn Bến quê - Mẫu 4

Nguyễn Minh Châu là cây bút xuất sắc nhất của văn học Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông đã để lại cho văn học nước nhà một sự nghiệp thơ văn khá đồ sộ như: Bức tranh, Dấu chân người lính, Mảnh trăng cuối rừng…Đây là thời kỳ nhà văn đang “đi tìm những hạt ngọc ẩn dấu trong bề sâu tâm hồn của con người” thời kỳ mà con người Việt Nam dường như chỉ sống trong lý tưởng và sống bằng lý tưởng. Nhưng khi đất nước hòa bình, anh đã rất nhạy cảm và nhìn ra được những thay đổi của con người, những cuộc đời trĩu nặng đau thương nhưng nồng nàn khắc khoải với cuộc sống. “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu đã để lại cho người đọc những ấn tượng sâu đậm.

Tác phẩm được tạo nên bởi cốt truyện thật đơn giản nhưng cũng rất đặc biệt. Tác giả đặt nhân vật của mình vào một căn bệnh hiểm nghèo – đó là bị liệt toàn thân, không thể di chuyển được dù chỉ là nhích người trên giường bệnh. Và anh làm một công việc để có điều kiện đi khắp nơi trên trái đất không xót một xó xỉnh nào. Một cách xây dựng rất tinh tế, ngay mở đầu câu chuyện đã thu hút bạn đọc phải tò mò đọc tiếp những tình huống, chi tiết của truyện.

Nhưng đâu chỉ dừng lại là tình huống trớ trêu ấy mà nhà văn xây dựng lên tình huống khác cũng đầy nghịch lý. Khi Nhĩ phát hiện thấy vẻ đẹp lạ lùng của bãi bồi bên kia sông, ngay phía trước cửa sổ nhà anh, nhưng anh biết rằng mình sẽ không bao giờ được đặt chân lên mảnh đất ấy cho dù nó ở rất gần anh, Nhĩ đã nhờ cậu con trai thực hiện giúp mình cái điều khao khát ấy, nhưng rồi cậu ta lại sa vào một đám chơi cờ trên hè phố và làm lỡ chuyến đò sang sông duy nhất trong ngày. Tạo ra một chuỗi những nghịch lý như trên, tác giả muốn lưu ý người đọc đi đến nhận thức về cuộc đời: đời người chứa nhiều những bất thường, những nghịch lý rất ngẫu nhiên, không ai nói trước và khó tránh được sự vòng vèo đó.

Truyện mở đầu với hình ảnh, Nhĩ từ khung cửa sổ của căn phòng đã nhìn thấy những cảnh vật vô cùng tươi đẹp và tràn trề sức sống. Từ gần tới xa Nhĩ nhận thấy: bông hoa bằng lăng tím, con sông Hồng như rộng ra, vòm trời như cao hơn, bãi bồi bên kia sông sao mà gần gũi thế…Một sự cảm nhận bình dị nhưng qua con mắt của một người đã từng đi khắp nơi nay bị bệnh thì lại khác. Phải chăng, có như vậy tác phẩm mới diễn tả hết được những triết lý của cuộc đời và làm hiện lên một không gian có chiều sâu và chiều rộng. Không gian vẫn như xưa mà Nhĩ cảm thấy mới mẻ và giàu đẹp vô cùng. Qua đó tác phẩm muốn rút ra một triết lý cho cuộc đời: quê hương là máu thịt, là tâm hồn của chúng ta, hãy đừng vô tình mà phải biết gắn bó và trân trọng.

Trong mỗi chúng ta ai cũng biết rằng: gia đình, người thân là chỗ dựa tinh thần quan trọng nhất của cuộc đời ta. Đặc biệt đối với nhân vật Nhĩ thì Liên vợ anh là người chăm sóc, quan tâm đến anh nhiều nhất. Nhìn vợ bước xuống cầu thang anh đã xót xa “suốt cả một đời người đàn bà trên những bậc gỗ mòn lõm”, nhớ đến vợ anh thời con gái còn mặc áo nâu chít khăn mỏ quạ nay đã là một phụ nữ thị thành mà cuộc đời nào có khấm khá gì. Cái nghèo đã không che giấu được của cả gia đình, khi Nhĩ nhìn thấy “Liên đang mặc áo vá”, cảm nhận “những ngón tay gầy guộc âu yếm vuốt ve bên vai”. Và Nhĩ nhận ra tất cả tình yêu, sự tần tảo, đức hy sinh thầm lặng của người vợ. Chính trong những ngày cuối đời, nhân vật mới thực sự thấu hiểu lòng biết ơn sâu sắc người vợ của mình “cũng như cánh bãi bồi đang nằm phơi phới bên kia, tâm hồn Liên vẫn giữ nguyên vẹn những nét tần tảo và chịu đựng hy sinh từ bao đời nay và cũng chính nhờ có điều đó mà sau nhiều ngày tháng bôn tẩu, tìm kiếm…Nhĩ đã tìm thấy được nơi nương tựa là gia đình trong những ngày này.

Sang được bờ bên kia sông với Nhĩ vừa là ước mơ vừa là suy ngẫm về cuộc đời. Hình ảnh con sông Hồng phải chăng là ranh giới giữa cái thực và cái mộng mà chiếc cầu nối là con đò qua lại mỗi ngày chỉ có một chuyến. Nhĩ đã nhờ đứa con trai – niềm hy vọng của vợ chồng anh thực hiện ước mơ ấy. Nhưng đứa con trai đã không hiểu được khát khao của người cha, nên làm một cách miễn cưỡng và rồi lại bị thu hút vào trò chơi hấp dẫn ngay bên hè đường “sà vào đám người chơi phá cờ thế bên hè”, để rồi làm lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày. Hình ảnh đứa con, hình ảnh của ước vọng từ “cái mũ cói rộng vành và chiếc sơ mi màu trứng sáo” cứ chập chờn, khi là đứa con, khi là chính nhân vật. Từ hoàn cảnh của mình, từ đứa con trai Nhĩ đã chiêm nghiệm được cái quy luật phổ biến của đời người “con người ta trên con đường đời thật khó tránh được những cái vòng vèo hoặc chùng chình”. Nên anh cũng không trách đứa con trai của mình. Còn với đám trẻ con và ông giáo Khuyến, Nhĩ cũng đã nhận ra tình làng nghĩa xóm vô cùng ấm áp và cần thiết cho con người.

Miền đất bãi bồi bên kia sông cũng gợi trong Nhĩ bao suy ngẫm về cuộc đời thực. Cuộc đời thực ấy đối lập với sự cầu kỳ mà cần đến sự giản dị. Nhưng để hiểu được ý nghĩa của cuộc đời, người ta phải có “con mắt xanh”, phải “in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia”. Cái nghịch lý ấy không triết luận dài dòng mà nằm ngay trong tâm trạng giày vò “mà lời lẽ không bao giờ giải thích hết giữa say mê và ân hận đau đớn”. Nhưng chặng đường đến với cuộc đời mỗi người lại chọn cho mình một cách riêng, và chặng đường ấy như cuộc chạy tiếp sức từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Có thể nói truyện ngắn “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu chứa đựng những suy ngẫm, những trải nghiệm sâu sắc của tác giả về con người và cuộc đời. Con người cần phải tự ý thức để nhận ra và trân trong những vẻ đẹp bình dị nhưng thiêng liêng bền vững của cuộc sống, của quê hương gia đình. Bên cạnh đó tác giả rất thành cồn ở cách xây dựng tình huống, nhân vật đặc sắc hấp dẫn.Ông như một ngôi sao vút qua bâu trời sáng lòa rồi tan biến vào cõi vĩnh hằng.Nhưng với di sản văn học của ông để lại cho đời, đặc biệt là truyện ngắn trên cũng đáng cho chúng ta tự hào.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm