Văn mẫu lớp 9: So sánh ước nguyện của Thanh Hải trong Mùa xuân nho nhỏ và ước nguyện của Viễn Phương trong Viếng lăng Bác Dàn ý & 6 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất
So sánh ước nguyện của Thanh Hải trong Mùa Xuân nho nhỏ và ước nguyện của Viễn Phương trong Viếng lăng Bác gồm 6 mẫu hay nhất, giúp các em học sinh có thêm nhiều ý tưởng, viết bài văn thật hay.
Qua 2 bài thơ Viếng lăng Bác và Mùa xuân nho nhỏ, đã cho chúng ta thấy rõ ước nguyện chân thành, tha thiết được hoà nhập, được cống hiến cho cuộc đời. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để có thêm nhiều vốn từ, ngày càng học tốt môn Văn 9:
So sánh ước nguyện của Thanh Hải và Viễn Phương
- Dàn ý so sánh ước nguyện của Thanh Hải và Viễn Phương
- Chỉ ra điểm Giống nhau và Khác nhau về ước muốn của Thanh Hải và Viễn Phương qua 2 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ và Viếng Lăng Bác
- So sánh ước nguyện của Thanh Hải và Viễn Phương
- So sánh ước nguyện của Thanh Hải và Viễn Phương - Mẫu 1
- So sánh ước nguyện của Thanh Hải và Viễn Phương - Mẫu 2
- So sánh ước nguyện của Thanh Hải và Viễn Phương - Mẫu 3
- So sánh ước nguyện của Thanh Hải và Viễn Phương - Mẫu 4
Dàn ý so sánh ước nguyện của Thanh Hải và Viễn Phương
I. Mở bài: giới thiệu chung về 2 tác giả và 2 tác phẩm
Ai cũng có những ước muốn của riêng mình, ước muốn ấy có thể bình thường, giản dị nhưng cũng có thể là khao khát nguyện vọng thực hiện được khi thoát khỏi cái tôi cá nhân hóa thân, hòa nhập vào cộng đồng. Đứng trước thiên nhiên tươi đẹp của mùa xuân xứ Huế, Thanh Hải đã thể hiện khát vọng dâng hiến mùa xuân của mình vào mùa xuân chung đất nước qua bài thơ Mùa Xuân nho nhỏ. Hay đó là niềm thành kính, nỗi xúc động chân thành của Viễn Phương lần đầu ra thăm lăng Bác được bộc lộ qua bài thơ Viếng lăng Bác.
II. Thân bài:
- Khổ 4,5 của bài Mùa xuân nho nhỏ: màu xuân gợi cho con người niềm tha thiết và hi vọng, dù ở cái tuổi gần đất xa trời và những ngày trên giường bệnh nhưng Thanh Hải vẫn bộc bạch tâm niệm của mình:
Ta làm con chim hót,
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca,
Một nốt trầm xao xuyến
- Điệp ngữ “ta làm” cộng với nhịp thơ dồn dập diễn tả khát vọng thôi thúc mãnh liệt trong lòng nhà thơ. Đó là khát vọng góp một phần nhỏ bé của mình để tô điểm cho mùa xuân quê hương.
Ước nguyện làm con chim để mang tiếng hát cho đời thêm rộn ràng, một cành hoa để khoe sắc trước ánh mặt trời tô điểm cho vẻ đẹp của cuộc sống, một nốt trầm góp nên bản hòa ca xao xuyến. Những nguyện ước ấy không cao xa, không ồn ào chứng tỏ nhà thơ rất khiêm tốn và mong muốn được cống hiến lặng thầm đời mình. Tiếng chim ấy, cành hòa ấy, khúc ca ấy đều là tấm lòng của nhà thơ để mừng cho ngày xuân thống nhất của quê hương, mừng cho xứ Huế thanh bình, mỗi ngày càng phát triển.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
- Thái độ sống tích cực, lạc quan của một nhà thơ đã nhiều đóng góp cho nền thơ ca Việt Nam và cho cả cuộc kháng chiến vẫn cho sự cống hiến của mình là lặng lẽ. Dẫu qua cái tuổi xuân của cuộc đời vẫn muốn cống hiến sức lực của mình.
- Điệp ngữ “dù là” là lời nhắc nhở bản thân luôn cố gắng để đối đầu với tuổi già, bệnh tật. Theo nhà thơ, không chỉ tuổi trẻ mới có nghĩa vụ đóng góp cho xã hội mà đó là nghĩa vụ của tất cả mọi người.
- Hình ảnh thơ gần gũi, mộc mạc, giọng thơ nhẹ nhàng, ngọt ngào như tiếng lòng thủ thỉ của chính nhà thơ. Ước nguyện đó là ước nguyện cao đẹp không cho riêng mình mà dành riêng cho cuộc đời.
Khổ thơ cuối Viếng lăng Bác
Mai về miền Nam, thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng
Muốn làm bông hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
- Mặc dù đang đứng trước hình hài người lãnh tụ nhưng Viễn Phương đã lo sợ khi mai phải lìa xa nơi này. Nỗi thôi thúc trong lòng thành kính và tình cảm vô bờ đối với người lãnh tụ đã khiến nhà thơ bật lên thành tiếng khóc “thương trào nước mắt” ý thơ mộc mạc mà chân thành.
- Điệp ngữ “muốn làm” nhấn mạnh khát vọng được hóa thân để ở bên cạnh Người. Viễn phương muốn làm con chim để hót chào bình minh thức dậy trước lăng và mang tiếng hát say sưa cho Bác ngủ yên bình, muốn làm đóa hoa trước lăng khoe sắc, muốn làm cây tre canh giữ sự thiêng liêng. Hình ảnh cây tre Việt Nam được lặp lại phần đầu thêm vào phẩm chất trung hiếu để hoàn thiện tính cách của người Việt Nam: kiên cường, bất khuất, trung hiếu.
- Viễn Phương sử dụng ngôn ngữ giản dị nhưng giàu sức gợi cảm, tinh tế và khéo léo trong chọn lựa hình ảnh để bày tỏ tấm lòng thành kín của đứa con miền Nam khi đứng trước lăng Bác. Bài thơ truyền cho người đọc tình yêu mến vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân và thái độ sống ơn nghĩa, trung hiếu đối với đất nước.
* So sánh:
- Điểm giống nhau:
- Cả hai đoạn thơ đều thể hiện ước nguyện chân thành, tha thiết được hoà nhập, cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước, nhân dân… Ước nguyện khiêm nhường, bình dị muốn được góp phần dù nhỏ bé vào cuộc đời chung.
- Các nhà thơ đều dùng những hình ảnh đẹp của thiên nhiên là biểu tượng thể hiện ước nguyện của mình.
- Khác nhau:
- Thanh Hải viết về đề tài thiên nhiên đất nước và khát vọng hòa nhập dâng hiến cho cuộc đời.
- Viễn Phương viết về đề tài lãnh tụ, thể hiện niềm xúc động thiêng liêng, tấm lòng tha thiết thành kính khi tác giả từ miền Nam vừa được giải phóng ra viếng Bác Hồ.
III. Kết bài: Dù ngày Viễn Phương ra viếng lăng Bác đã rất xa, Thanh Hải thì không còn nhìn thấy mùa xuân quê hương mình nữa. Nhưng mỗi nhà thơ đều để lại những dòng thơ chan chứa, ấm áp về tình người, tình cảm sâu nặng với quê hương, xứ sở.
Chỉ ra điểm Giống nhau và Khác nhau về ước muốn của Thanh Hải và Viễn Phương qua 2 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ và Viếng Lăng Bác
- Khác nhau:
- Thanh Hải viết về đề tài thiên nhiên đất nước và khát vọng hoà nhập dâng hiến cho cuộc đời.
- Viễn Phương viết về đề tài lãnh tụ, thể hiện niềm xúc động thiêng liêng, tấm lòng tha thiết thành kính khi tác giả từ miền Nam vừa được giải phóng ra viếng Bác Hồ.
- Giống nhau:
- Cả hai đoạn thơ đều thể hiện ước nguyện chân thành, tha thiết được hoà nhập, cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước, nhân dân... Ước nguyện khiêm nhường, bình dị muốn được góp phần dù nhỏ bé vào cuộc đời chung.
- Các nhà thơ đều dùng những hình ảnh đẹp của thiên nhiên là biểu tượng thể hiện ước nguyện của mình.
So sánh ước nguyện của Thanh Hải và Viễn Phương
Giống nhau:
Cả hai ước nguyện của nhà thơ đều đến từ sự chân thành, xuất phát từ trái tim và cùng muốn hoá thân thành những thứ tưởng chừng là nhỏ bé, đời thường nhưng lại rất ý nghĩa, muốn được góp phần dù nhỏ bé vào cuộc đời chung.
Khác nhau:
- Tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải:
- Thanh Hải viết về đề tài thiên nhiên đất nước nên ước nguyện của ông mang tính xã hội, đất nước
- Ước nguyện của ông là muốn cống hiến cả cuộc đời và sức lực của mình cho đất nước.
- Tác phẩm Viếng Lăng Bác của Viễn Phương:
- Viễn Phương viết về đề tài lãnh tụ và ước nguyện của ông dành cho riêng Bác và đó cũng như thay mặt nhân dân.
- Ước nguyện của ông là hoá thân thành những thứ xung quanh lăng Bác để mãi bên Bác, không bao giờ rời xa.
So sánh ước nguyện của Thanh Hải và Viễn Phương - Mẫu 1
Như chúng ta đã biết có rất nhiều nhà văn, nhà thơ đã viết về ước nguyện cống hiến cho cuộc đời. Thế nhưng, có lẽ chưa có ai viết một cách thật chân tình, thân thương như trong khổ bốn bài thơ “Viếng lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương:
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này."
Và khổ bốn và năm trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của thi sĩ Thanh Hải:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc. ”
Qua hai tác phẩm trên, ta có suy nghĩ gì về ước nguyện cống hiến của các tác giả? Ở đầu khổ thơ bốn trong bài “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương đã mở đầu bằng: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt".
Nếu ở khổ thơ thứ nhất nói về hình ảnh hàng tre xanh xanh quen thuộc của làng quê Việt Nam, ở khổ thơ thứ hai nói về hình ảnh mặt trời cùng dòng người đi vào lăng viếng Bác thể hiện niềm tôn kính của nhà thơ và cũng là của mọi người đối với Bác, ở khổ thơ thứ ba thì nói về tâm trạng và sự xúc động khi ở trong lăng Bác thì đến khổ thơ thứ tư này, nhà thơ đã bộc lộ rõ nét nhất về tình cảm của mình khi phải rời xa lăng Bác để trở về với những công việc của mình. Qua cụm từ “thương trào nước mắt”, tác giả dường như khóc rất nhiều khi phải nói lời chia tay với Bác và sau đó nhà thơ đã nêu:
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này"
Điệp ngữ “muốn làm” kết hợp với nghệ thuật liệt kê, những chi tiết gợi tả “con chim, đóa hoa, cây tre” với nhịp thơ dồn dập đã nói lên ước nguyện của nhà thơ Viễn Phương muốn hóa thân vào cảnh vật quanh lăng Bác. Tác giả muốn làm con chim hót ru Bác ngủ, muốn làm đóa hoa tỏa hương bát ngát, muốn làm cây tre canh giữ giấc ngủ bình yên cho Người. Kết cấu đầu, cuối tương ứng thật độc đáo và khéo léo, bài thơ mở ra hình ảnh hàng tre xanh xanh Việt Nam và kết lại bằng hình ảnh “‘cây tre trung hiếu”. Nếu hàng tre là đại diện cho dân tộc Việt Nam thì cây tre trung hiếu đại diện cho nhà thơ. Tác giả muốn làm một công dân trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh bại. Và tác giả muốn đi theo con đường cách mạng làm theo lời Bác. Đó cũng là ước nguyện của toàn nhân dân ta. Sang đến đoạn thơ thứ hai, khố bốn, năm trong bài “Mùa xuân nho nhỏ” của thi sĩ Thanh Hải, ông đã viết:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”
Nếu ở khổ một là bức tranh thiên nhiên của mùa xuân xứ Huế, ở khổ hai và khổ ba là mùa xuân thiên nhiên của đất nước thì đến đây là ước nguyện cống hiến của nhà thơ:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến."
Với những dòng thơ như tâm tình, thủ thỉ, kết hợp với điệp ngữ “ta làm” đã thể hiện được ước nguyện của nhà thơ. Dù lặp lại hai hình ảnh “con chim, cành hoa” ở khổ một để tạo kết cấu chặt chẽ trong bài thơ nhưng ở khổ một lại là hình ảnh của thiên nhiên thì ở đây được nâng lên là hai hình ảnh ẩn dụ nói lên ước nguyện của nhà thơ. Nếu con chim mang tiếng hát cho đời thêm vui, cành hoa tỏa hương sắc làm đẹp cho đời thì nhà thơ cũng nguyện đem những gì tốt đẹp nhất cho đời. Tác giả còn muốn làm “một nốt trầm xao xuyến”. “Nốt trầm” là nốt thấp trong một bản nhạc nhưng sự hiện diện của nó góp phần làm tăng bậc cao của những nốt còn lại, tạo sự luyến láy làm cho bản đại hòa tấu thêm rộn ràng, tươi vui. Nếu ở khổ đầu tác giả sử dụng đại từ “tôi” nghĩa là chỉ mình ông cảm nhận vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên thì đến đây ông dùng đại từ “ta” vừa chỉ số ít, vừa chỉ số nhiều nghĩa là không phải chỉ ước nguyện của riêng nhà thơ mà là của toàn dân Việt Nam. Sự hài hòa giữa “tôi” và “ta”, sự gắn bó giữa cái chung và cái riêng.
Và sang khổ thơ thứ năm, nhà thơ lại tiếp tục nói về ước nguyện cống hiến của mình:
"Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”
Nhiều nhà thơ dùng nhiều định ngữ mùa xuân: mùa xuân xanh, mùa xuân chín, xuân lòng…Nhưng “mùa xuân nho nhỏ” là một hình ảnh ẩn dụ, sáng tạo độc đáo, một phát hiện mới của Thanh Hải. Nếu mùa xuân mang đến những thay đổi kì diệu cho đất nước thì nhà thơ cũng nguyện làm mùa xuân sống đẹp, sống với tất cả nhựa sống đang có để góp vào mùa xuân lớn của dân tộc, của cuộc đời chung. Từ láy gợi cảm “lặng lẽ” được đảo lên đầu câu thơ kết hợp từ “dâng” gợi cảm đã thể hiện sự âm thầm không phô trương, nói lên một thái độ cống hiến, một cách cống hiến rất riêng Thanh Hải. Điệp ngữ “dù là” kết hợp hai hình ảnh hoán dụ “tuổi hai mươi” và “tóc bạc” đã thể hiện được ước nguyện cống hiến của nhà thơ dù đó là tuổi trẻ đầy thanh xuân hay dù cho đã luống tuổi.
Qua phần phân tích trên, ta cảm nhận ở hai thi phẩm có những nét chung về nội dung và nghệ thuật. Xét về cơ bản, cả hai tác phẩm đều thể hiện ước nguyện sống và cống hiến cao đẹp, mang lại cho đời những gì tốt đẹp nhất và đặc biệt ở hai tác giả, ta thấy những cảm xúc đó đều xuất phát từ tình cảm chân thành yêu cuộc sống, yêu đất nước dạt dào. Còn về mặt nghệ thuật, cả hai bài thơ đều mượn những hình ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và giàu ý nghĩa.
Tóm lại, hai thi phẩm, hai tác giả nhưng chung một suy nghĩ, chung một ước nguyện. Những điều đó thật đáng cho chúng ta – những thế hệ sau này – trân trọng. Riêng bản thân tôi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng sẽ luôn nuôi dưỡng trong lòng mình những đức tính tốt, trui rèn đạo đức, kiến thức để mai sau có thể xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, vững mạnh.
So sánh ước nguyện của Thanh Hải và Viễn Phương - Mẫu 2
Trong văn học hiện đại, có rất nhiều nhà văn, nhà thơ đã thể hiện mong muốn được cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước thông qua các tác phẩm của mình. Trong số các tác phẩm ấy, có thể nói khổ bốn bài thơ “Viếng Lăng Bác” của Viễn Phương và khổ bốn, năm bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải đã thể hiện mong muốn ấy một cách độc đáo, sâu sắc nhất. Vậy ta có suy nghĩ gì về ước nguyện cống hiến của hai nhà thơ trong các đoạn thơ ấy?
Ở “Viếng lăng Bác, nếu khổ một miêu tả hàng tre bên lăng Bác, khổ hai miêu tả mặt trời và đoàn người đến viếng lăng Bác, khổ ba miêu tả cảnh Bác nằm trong giấc ngủ bình yên thì khổ bốn thể hiện ước nguyện của tác giả qua việc miêu tả cảnh vật xung quanh lăng:
“Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này. ”
Bằng việc liệt kê các hình ảnh chọn lọc “con chim”, “đoá hoa”, “cây tre”, điệp ngữ “Muốn làm” và nhịp thơ nhanh, đoạn thơ đã thể hiện ước nguyện cống hiến của tác giả. Đây là những hình ảnh ẩn dụ đẹp thể hiện ước nguyện của nhà thơ muốn làm “con chim” đem lại niềm vui cho Bác, làm “đoá hoa” điểm tô cho lăng Bác và làm “cây tre” hoà nhập vào hàng tre bát ngát trước lăng Bác. Ở đây ta thấy có sự kết cấu đầu đuôi tương ứng: bài thơ mở ra bằng hình ảnh “hàng tre” và kết thúc bằng hình ảnh “cây tre trung hiếu”. “Cây tre trung hiếu” thể hiện mong muốn của tác giả được “trung với nước, hiếu với dân” như lời Bác dạy. Đây cũng là lời hứa của tác giả trước anh linh của Bác, hứa sẽ luôn giữ phẩm chất, cốt cách người Việt Nam, hứa sẽ sống như Bác và đi tiếp con đường cách mạng của Bác. Tác giả nói lên ước muốn của mình, hay phải chăng đã nói hộ ước muốn của tất cả chúng ta?
Còn ở bài “Mùa xuân nho nhỏ”, nếu khổ một miêu tả cảm xúc của nhà thơ về mùa xuân thiên nhiên xứ Huế, khổ hai, ba nói về cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân của đất nước thì ở khổ bốn, tác giả đã nói lên ước nguyện chân thành:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến ”
Bằng giọng thơ nhỏ nhẹ, tha thiết, các hình ảnh chọn lọc “con chim”, “cành hoa”, “nốt trầm” và điệp ngữ “ta làm”, khổ thơ trên đã thể hiện ước nguyện cống hiến của Thanh Hải. Nhà thơ muốn làm “con chim” để mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mọi người, muốn làm “cành hoa” là muốn đem lại những gì đẹp nhất cho đời, muốn làm “nốt trầm” là muốn hoà nhập với cuộc đời chung, vì cuộc sống là một bản hoà ca mà mỗi người trong đó đều là một nốt nhạc phải sống trong bản hoà ca đó, không thể lỗi nhịp được. Nhưng tác giả chỉ vì mình như một nốt trầm thôi. Nốt trầm ấy tuy nhỏ bé nhưng lại góp phần quan trọng để làm bản hoà ca trở nên du dương, làm xao xuyến lòng người. Tất cả đã thể hiện rằng tác giả muốn sống đẹp, muốn cống hiến những điều tốt đẹp nhất dù là nhỏ bé, sống với tất cả sức sống của mình như con chim cho tiếng hót hay, cành hoa toả hương sắc cho đời. Ta còn thấy ở đây có một sự chuyển đổi ngôi nhân xưng từ “tôi” sang “ta”. Ở khổ một, tác giả dùng đại từ “tôi” để miêu tả cảm xúc riêng của mình, còn ở đây ông dùng đại từ ta với hai nghĩa: nghĩa số ít và nghĩa số nhiều. Điều này chứng tỏ đó không chỉ là ước nguyện riêng của tác giả mà còn là ước nguyện chung của mọi người. Ước nguyện cống hiến ở trên được thể hiện rõ hơn ở khổ năm:
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Từ láy “nho nhỏ” và điệp ngữ “lặng lẽ” đã thể hiện sự khiêm tốn của tác giả. Động từ “dâng” đã nói lên thái độ tự nguyện, chân thành cống hiến cho đất nước suốt cuộc đời mình. Không chỉ vậy, các hình ảnh hoán dụ “tuổi hai mươi” và “khi tóc bạc” đã nói lên rằng dù trẻ hay già thì mọi người đều có thể cống hiến cho đời: Điệp ngữ “dù là” như muốn thách thức thời gian, tuổi già và bệnh tật. Biết rằng tác giả đang nằm trên giường bệnh khi sáng tác bài thơ này và thấy được thái độ lạc quan, những khát vọng của ông; ta cảm thấy ông thật đáng quý, đáng khâm phục biết bao.
Sự cảm nhận trên đã cho ta thấy ở các đoạn thơ có một số sự tương đồng về nội dung và nghệ thuật, về nội dung, xét về mặt cơ bản, cả hai đoạn thơ đều nói về ước nguyện sống đẹp, sống cống hiến của tác giả và của tất cả mọi người. Hơn nữa, chúng đều xuất phát từ những cảm xúc chân thành nhất của các tác giả và tình yêu của họ đối với cuộc sống, đất nước với vị lãnh tụ kính yêu. về nghệ thuật, cả hai tác giả đã sử dụng những hình ảnh mộc mạc, giản dị trong thiên nhiên và nâng chúng lên thành những khát vọng cống hiến cao đẹp. Không chỉ thế, cả hai đoạn thơ còn sử dụng những hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ mới mẻ, sáng tạo độc đáo, làm chúng trở nên thật lôi cuốn, gây nhiều cảm xúc cho người đọc.
Tuy nhiên, hai đoạn thơ cũng có sự khác nhau về nội dung và nghệ thuật, về nội dung, sự khác nhau ấy chính là cảm hứng, hoàn cảnh sáng tác bài thơ. Thanh Hải đã sáng tác “Mùa xuân nho nhỏ” lúc đang lâm bệnh, không còn sống được lâu nữa nhưng vẫn rất muốn cống hiến một thứ gì đó cho đời. Còn bài “Viếng lăng Bác” được Viễn Phương sáng tác sau khi vào Hà Nội thăm lăng Bác, thể hiện cảm xúc, tâm tư của ông sau chuyến đi ấy. Về nghệ thuật, khổ bốn, năm “Mùa xuân nho nhỏ” được viết theo thể thơ năm chữ, giọng thơ nhẹ nhàng, tha thiết, tâm tình, bộc lộ tấm chân tình của tác giả trong khi khổ bốn của “Viếng lăng Bác” được viết theo thể thơ tám chữ, giọng thơ trang nghiêm, thành kính, nhịp thơ dồn dập gây cho người đọc nhiều cảm xúc về Bác Hồ.
Với tất cả những sự giống nhau và khác nhau đó, mỗi đoạn thơ đều có những âm hưởng riêng, phong cách riêng đã đem lại cái hay, cái đặc sắc riêng của từng bài khiến cho ta vô cùng xúc động trước ước nguyện cống hiến của tác giả và lối sống đẹp đẽ, đầy trách nhiệm của họ, và cũng là lối sống của con người Việt Nam, như Tố Hữu đã từng viết:
“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”
Là học sinh, sau khi hiểu được các đoạn thơ trên, tôi sẽ cố gắng rèn luyện cho mình lối sống đẹp và có trách nhiệm, cố gắng cống hiến những gì tốt đẹp nhất của mình cho quê hương, đất nước.
So sánh ước nguyện của Thanh Hải và Viễn Phương - Mẫu 3
Chúng ta sống trong xã hội có con người và thiên nhiên ,nên chăng phải biết quý mến thiên nhiên và con người phải không bạn nhỉ? Với Thanh Hải xúc cảm trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời đến mùa xuân của mỗi con người trong mùa xuân lớn của đất nước, thể hiện khát vọng được dâng hiến "mùa xuân nho nhỏ" của mình vào mùa xuân lớn của cuộc đời chung và ta cũng thấy niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và tự hào xen lẫn nỗi đau xót khi tác giả Viễn Phương vào lăng viếng Bác được thể hiện qua giọng điệu vừa tha thiết, vừa trang nghiêm của nhà thơ, ở cả 2 bài thơ ước nguyện không chỉ của riêng..
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Thanh Hải lựa chọn mùa xuân để khởi nguồn cảm hứng. Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước thường gợi lên ở mỗi con người niềm khát khao và hi vọng. Với Thanh Hải cũng thế, đây chính là thời điểm mà ông nhìn lại cuộc đời và bộc bạch tâm niệm thiết tha của một nhà cách mạng, một nhà thơ đã gắn bó trọn đời với đất nước, quê hương với một khát vọng chân thành và tha thiết:
"Ta làm con chim hót,
Ta làm một cành hoa.
Ta nhập vào hoà ca,
Một nốt trầm xao xuyến"
Nhịp thơ dồn dập và điệp từ "ta làm" diễn tả rõ nét khát vọng cống hiến của nhà thơ. Đó là khát vọng sống hoà nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp, dù nhỏ bé, của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước. Điều tâm niệm ấy được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh tự nhiên giàu sức gợi tả, gây xúc động sâu xa trong lòng người đọc. Ước nguyện được làm một tiếng chim, một cành hoa để góp vào vườn hoa muôn hương muôn sắc, rộn rã tiếng chim, để đem lại hương sắc, tô điểm cho mùa xuân thêm tươi đẹp. Nhà thơ nguyện cầu được làm một “nốt trầm xao xuyến” không ồn ào, không cao điệu mà chỉ âm thầm, lặng lẽ để “nhập” vào khúc ca, tiếng hát của nhân dân vui mừng đón xuân về. Được tô điểm cho mùa xuân, được góp phần tạo dựng mùa xuân là tác giả đã nguyện hi sinh, nguyện cống hiến cho sự phồn vinh của đất nước. Một ước mơ nho nhỏ, chân tình, không cao siêu vĩ đại mà gần gũi quá, khiêm tốn và đáng yêu quá! Hình ảnh nhuần nhị, tự nhiên, chân thành, giọng thơ nhè nhẹ, êm ái, ngọt ngào của những thanh bằng liên tiếp kết hợp với cách cấu tứ lặp lại như vậy đã mang một ý nghĩa mới nhấn mạnh thêm mong ước được sống có ích cho đời, cống hiến cho đất nước như một lẽ tự nhiên. Điệp từ “ta” như một lời khẳng định, vừa như một tiếng lòng, như một lời tâm sự nhỏ nhẹ, chân tình. Ước nguyện đó đã được đẩy lên cao thành một lẽ sống cao đẹp, không chỉ cho riêng nhà thơ mà cho tất cả mọi người, cho thời đại của chúng ta. Đó là lẽ sống cống hiến cho đời lặng lẽ, khiếm tốn, không kể gì đến tuổi tác:
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Thái độ “lặng lẽ dâng cho đời” nói lên ý nguyện thật khiêm nhường nhưng hết sức bền bỉ và vô cùng đáng quý vì đó là những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Thật cảm động làm sao trước ao ước của nhà thơ dẫu đã qua tuổi xuân của cuộc đời, vẫn được làm một mùa xuân nhỏ trong cái mùa xuân lớn lao ấy. Điệp ngữ “dù là” ở đây như một lời tự khẳng định để nhủ với lương tâm sẽ phải kiên trì, thử thách với thời gian tuổi già, bệnh tật để mãi mãi làm một mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân rộng lớn của quê hương đất nước. Giọng thơ vẫn nhỏ nhẹ, chân tình nhưng mang sức khái quát lớn. Chính vì vậy, hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” như ánh lên, toả sức xuân tâm hồn trong toàn bài thơ.
Thật cảm động và kính phục biết bao khi đọc những vần thơ như lời tổng kết của cuộc đời. "Dù là tuổi hai mươi" khi mới tham gia kháng chiến cho đến khi tóc bạc là thời điểm hiện thời vẫn lặng lẽ dâng hiến cho đời và những câu thơ này là một trong những câu thơ cuối cùng. "Một mùa xuân nho nhỏ" cuối cùng của Thanh Hải dâng tặng cho đời trước lúc ông bước vào thế giới cực lạc, chuẩn bị ra đi mãi mãi.
Và “Viếng lăng Bác”, bài thơ gây một xúc cảm đặc biệt. Viễn Phương bằng một ngôn ngữ tinh tế, giàu cảm xúc sâu lắng đã diễn tả niềm kính yêu, sự xót thương và lòng biết ơn vô hạn của nhà thơ đối với lãnh tụ. Từ tình cảm thành kính, ngưỡng mộ mà toàn dân tộc Việt Nam dành cho Bác nhà thơ đã truyền cảm xúc của mình đến với người đọc khi nguyện làm tiếng chim hót , làm bông hoa đẹp, làm cây tre trung hiếu và sẵn sàng làm muôn ngàn công việc tốt để kính dâng Người:
Mai về miền Nam, thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng
Muốn làm bông hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
Mặc dù hiện tại nhà thơ đang đứng bên lăng Người, trong lăng Người nhưng khi nghĩ đến những ngày phải rời miền Bắc, ngày xa Bác Viễn Phương thấy bịn rịn không muốn rời. Tình cảm trong những ngày được sống bên Bác luôn luôn sâu lắng từng giây từng phút. Tác giả không thể nào ngăn được nữa những dòng nước mắt trào dâng và tha thiết.
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Câu thơ thật bình dị nhưng chứa chan tình thương ấp ủ sâu lắng tận đáy lòng làm cho mỗi chúng ta khi đọc lên cảm thấy vô cùng xúc động. Đây là một cách nói không hoa mỹ mà là một cách nói rất chân thành của người dân Nam Bộ nhưng lại lắng đọng trong lòng người không gì có thể nói và tả được. Cũng xuất phát từ tình cảm đó cho nên nhà thơ có ước nguyện thành kính và đây có thể là ước vọng chung của tất cả mọi người đã một lần hoặc chưa một lần gặp Bác.
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
Điệp ngữ “Muốn làm” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong đoạn thơ thể hiện ước nguyện muốn tự nguyện tự giác của Viễn Phương. Nhà thơ muốn làm con chim hót dâng tiếng hót vui. Muốn làm bông hoa dâng hương thơm và sắc đẹp. muốn làm cây tre trung hiếu canh giữ cho lăng Bác ngày đêm. Hình ảnh cây tre lại xuất hiện ở đoạn cuối bài thơ làm nhiệm vụ khép lại bài thơ một cách khéo léo, tạo cho người đọc một ấn tượng mạnh mẽ khó phai mờ. Hình tượng tre được chuyển hóa: “Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”. Khổ thơ đầu là hàng tre, khổ thơ cuối là cây tre. Nghĩa là muốn hóa thân thành một cây tre trong hàng tre kia để luôn được ở bên Bác, bộc lộ một tình cảm quyến luyến. Đó là tấm lòng yêu mến và sự tôn kính đối với Bác Hồ. Và thật cao đẹp biết bao khi nhà thơ muốn hóa thân làm cây tre trung hiếu, trong muôn ngàn cây tre quanh lăng Bác, để được ở mãi bên Bác. Hình ảnh cây tre ở khổ thơ thứ nhất được lặp lại trong khổ thơ cuối tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng, giúp hoàn thiện biểu tượng cây tre Việt Nam. Nếu ở khổ thơ thứ nhất, tre là hình ảnh tượng trưng cho phẩm chất kiên cường, bất khuất; thì ở khổ thơ cuối, hình ảnh cây tre được lặp lại nhưng là để tượng trưng cho phẩm chất trung hiếu. Cây tre đã trở thành biểu tượng toàn vẹn cho phẩm chất của con người và dân tộc Việt Nam.
Bài thơ "Viếng lăng Bác" đã để lại trong lòng bạn đọc những cảm xúc sâu lắng và tha thiết. Bài thơ sẽ tiếp tục sống trong lòng người đọc, gợi nhắc cho những thế hệ kế tục thành quả rực rỡ của cách mạng cách sống sao cho xứng đáng với sự hi sinh của một con người vĩ đại mà giản dị- Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã sống trọn một đời:
"Chỉ biết quên mình cho hết thảy
Như dòng sông chảy nặng phù sa"
So sánh ước nguyện của Thanh Hải và Viễn Phương - Mẫu 4
Trong kho tàng văn học Việt Nam, có rất nhiều tác phẩm thơ ca, truyện,… thể hiện những mong muốn, nguyện ước của tác giả dành cho cuộc đời, cho đất nước. Tiêu biểu trong số đó có thể kể tới hai bài thơ rất hay là Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải và Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương. Thông qua khổ bốn của bài thơ Viếng lăng Bác cũng như hai khổ thơ bốn và năm của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, hai nhà thơ đã thể hiện những mong ước, khát vọng của mình một cách hết sức độc đáo và sâu sắc.
Hai bài thơ Mùa xuân nho nhỏ và Viếng lăng Bác đều được sáng tác ở hai thời điểm rất đặc biệt. Nếu bài thơ Viếng lăng Bác được nhà thơ Viễn Phương viết khi ông lần đầu từ miền Nam xa xôi tới thăm lăng Bác Hồ ngay sau khi lăng được khánh thành vào tháng 4 năm 1976 thì bài thơ Mùa xuân nho nhỏ lại được nhà thơ Thanh Hải sáng tác vào tháng 11 năm 1980, trước khi ông qua đời không lâu. Vậy nên khi đọc hai bài thơ, chúng ta có thể cảm nhận được những suy tư, những cảm nhận rất chân thành, tha thiết của hai tác giả, đồng thời, ta cũng thấy được những nguyện ước vô cùng đẹp đẽ của cả hai thi nhân.
Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được nhà thơ Thanh Hải sáng tác ngay trên giường bệnh của mình vào mùa đông năm 1980. Thế nhưng với người thi nhân, đó đã là thời điểm mà mùa xuân rục rịch chuyển mình, bước vào cuộc sống của ông. Vậy nên những vần thơ của ông là sắc xuân ngập tràn trên đất trời xứ Huế và nổi bật trên nền cảnh đó là hình ảnh của những con người lao động, những chiến sĩ đang cống hiến hết mình cho Tổ quốc thân yêu. Trong từng vần thơ, ta thấy được một tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu đất nước vô cùng tha thiết của Thanh Hải, và tới những vần thơ cuối, ông đã nói lên khát vọng nhỏ bé mà chân thành của mình:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
Mùa xuân đã về mang theo nguồn nhựa sống tràn trề, Thanh Hải khi ấy đang nằm trên giường bệnh nhưng ông khao khát vô cùng được sống, được hòa nhập, được hoá thành một phần của mùa xuân kia, dù đó chỉ là một chú chim nhỏ, một “cành hoa” xinh hay một “nốt trầm” trong bản hoà ca của cuộc đời. Những khát vọng ấy, ước mong ấy thật nhỏ nhoi biết bao nhưng cũng thật tha thiết, đẹp đẽ. Qua đó, ta cảm nhận được niềm khao khát được cống hiến, khao khát được hòa nhập đến cháy bỏng của nhà thơ. Đặc biệt là điệp từ “làm” được lặp lại liên tiếp ở khổ thơ thứ tư như khẳng định nỗi khát khao đến cháy bỏng của ông. Nếu như ở khổ 1, Thanh Hải chỉ sử dụng từ “tôi” để chỉ cá nhân mình thì ở khổ thơ này, ông sử dụng liên tiếp ba lần điệp từ “ta” để chỉ chung mọi người, là cái chung cho muôn người trên đất nước Việt Nam. Tất cả đều mong muốn được hiến dâng sức lực của mình cho mùa xuân của dân tộc. Còn đối với Thanh Hải, nhà thơ muốn một lần nữa trở thành “một mùa xuân nho nhỏ” để cống hiến cho đời, cho sự nghiệp của đất nước. Chỉ cần “lặng lẽ dâng cho đời” chứ chẳng cần phô trương, cũng chẳng cần hào nhoáng, bất kể là lúc nào, khi còn trẻ “hai mươi” hay khi đã về già “tóc bạc”. Điệp từ “dù là” lặp lại hai lần như để nhấn mạnh khát vọng mãnh liệt của nhà thơ. Chỉ với hai khổ thơ ngắn, nhưng nó đã gửi gắm biết bao tình yêu cuộc đời, yêu đất nước cùng ước nguyện chân thành mà cháy bỏng của nhà thơ, nguyện hiến dâng cho đời những thanh âm trong trẻo nhất. Và nhà thơ dù đang trên giường bệnh nhưng chưa bao giờ ông thôi khao khát được cống hiến cho sự nghiệp của nước nhà.
Đến với bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương, ta lại bắt gặp một tình yêu khác, đó là tình yêu, niềm kính trọng với vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của dân tộc Việt Nam – Bác Hồ. Bài thơ được viết năm 1976, khi nhà thơ lần đầu từ miền Nam ra thăm lăng Bác khi lăng Bác vừa mới được khánh thành. Trong ngày vui, hạnh phúc đó, nhà thơ đã hòa mình cùng dòng người vào lăng thăm viếng Bác. Và ông đã viết lên những cảm xúc vô cùng chân thành của mình, thể hiện sự thành kính, niềm xúc động vô vàn của mình cũng như mọi người đối với Bác. Cuối bài thơ, khi phải rời xa Người để trở về phương Nam, Viễn Phương đã vô cùng nghẹn ngào, lưu luyến vậy nên ông ước nguyện rằng:
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”
Chỉ ngày mai thôi, Viễn Phương đã phải trở về miền Nam, rời xa vị Cha già của dân tộc, trong khoảnh khắc xúc động ấy, ông đã ước mình được trở thành chú“chim” nhỏ, thành “ đoá hoa” thơm, thành “cây tre”, dù là nhỏ bé thôi nhưng ngày ngày sẽ được bầu bạn, được gần cạnh Người cha già của dân tộc. Ước nguyện tuy bé nhỏ nhưng thật cháy bỏng, thật chân thành, điều đó được thể hiện qua điệp ngữ “muốn làm” lặp lại ba lần trong khổ thơ cuối. Nhịp thơ chậm rãi như muốn kéo dài giây phút chia xa Bác của nhà thơ. Nhà thơ muốn trở thành chú chim nhỏ hót lên những tiếng ca vui tươi, muốn trở thành một bông hoa nhỏ “tỏa hương” ngát thơm cho Người. Và hình ảnh cuối cùng xuất hiện trong ước vọng của nhà thơ là “cây tre trung hiếu”. Cây tre – loài cây tượng trưng cho dân tộc Việt Nam, trung dũng, kiên cường, bất khuất, không bao giờ chịu khuất phục trước mọi kẻ thù. Và nhà thơ muốn mình được trở thành một “cây tre” nhỏ ở quanh lăng Bác để “trung hiếu” với Bác cũng là để Bác soi sáng, dẫn đường và đưa lối cho mình. Ước nguyện đó cũng là sự khẳng định sự tin tưởng, sự trung thành của nhà thơ, của mỗi người dân Việt Nam đối với Bác, với chân lý mà Bác đã mang về cho dân tộc ta.
Đọc xong những vần thơ thể hiện ước nguyện của hai nhà thơ Thanh Hải và Viễn Phương, ta chợt thấy rằng ước nguyện của họ thật đẹp. Đó đều là những ước nguyện chân thành, giản dị, mong muốn được cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước Việt Nam, dù chỉ là những điều thật nhỏ bé, thật khiêm nhường. Hai thi nhân cũng khéo léo sử dụng những hình ảnh rất đẹp của thiên nhiên như “hoa”, như “chim”, như “mùa xuân”, … để thể hiện niềm ước vọng của mình, làm nên những vần thơ thật đặc biệt, thật xúc động.
Thế nhưng, vì được sáng tác trong hai hoàn cảnh và cảm hứng khác biệt, vậy nên mỗi ước nguyện của hai thi nhân lại mang những nét riêng biệt, không thể pha lẫn. Với Thanh Hải, ông chọn đề tài về thiên nhiên, đất nước bởi bài thơ được ra đời khi đất nước ta đang bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều đó đã khơi gợi niềm cảm hứng để ông viết lên bài thơ này, cũng là niềm cảm hứng để ông thể hiện khát vọng của mình là được hòa nhập, được cống hiến cuộc đời riêng của mình cho cuộc đời chung của đất nước, non sông.
Còn với nhà thơ Viễn Phương, niềm cảm hứng của nhà thơ đến với ông khi ông lần đầu từ miền Nam xa xôi tới thăm lăng Bác vào năm 1976. Chính vì vậy, bài thơ Viếng lăng Bác của ông ông viết về Bác Hồ, về vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta để thể hiện những cảm xúc chân thành, thiêng liêng đối với Người. Chính vì được viết trong thời điểm khác nhau, đề tài khác nhau nên khát vọng của Viễn Phương cũng không giống Thanh Hải, ông khát khao được ở lại, được hòa nhập với thiên nhiên quanh lăng Bác Hồ để được mãi mãi ở gần bên cạnh Bác.
Tuy mỗi đoạn thơ đều có những nét tương đồng và riêng biệt, thế nhưng chúng đều khiến cho người đọc chúng ta vô cùng xúc động trước những nguyện ước chân thành của cả hai nhà thơ. Mượn những hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ, Viễn Phương và Thanh Hải đã giúp chúng ta thấu hiểu được những khát vọng của những thi nhân chân chính, của những con người khát khao được hoà mình vào cuộc đời chung, cống hiến cho cuộc sống tươi đẹp này.
Có thể nói rằng, tuy hai ước nguyện là khác nhau, thế nhưng ước nguyện của Thanh Hải trong Mùa xuân nho nhỏ hay của Viễn Phương trong Viếng lăng Bác đều chung hướng đến khát vọng là được cống hiến, được dâng tặng cuộc đời riêng của mình cho non sông, cho Tổ quốc. Những điều đó thật đáng trân trọng và đó cũng là tấm gương để thế hệ chúng ta học tập, noi theo mà cố gắng hết mình để dựng xây quê hương, đất nước ngày thêm tươi đẹp.