Văn mẫu lớp 9: Nghị luận Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ (3 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 9 hay nhất

Văn mẫu lớp 9: Nghị luận Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ gồm 3 bài văn mẫu, nhằm đem đến cho các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều tài liệu học tập môn Ngữ văn lớp 9, để ôn thi vào lớp 10 đạt kết quả cao.

Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ

Câu tục ngữ "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ" là bài học vô cùng quý giá về truyền thống tương thân tương ái. Đồng thời, cũng khẳng định rõ tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:

Đề bài: Nghị luận về câu tục ngữ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.

Nghị luận Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ - Mẫu 1

Trong tâm tưởng của con người Việt nam, tình yêu thương luôn là yếu tố quan trọng nhất. Đó cũng là chủ đề đã được các nhà thơ dân gian gói gọn trong đề tài "quan hệ giữa con người trong xã hội" mà tiêu biểu là câu tục ngữ "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ".

Câu tục ngữ đề cập đến tình yêu thương trong cộng đồng. "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ" nghĩa là khi có một con ngựa trong đàn bị đau thì cả chuồng ngựa đều bỏ ăn.Không những thế, câu tục ngữ còn mang tính ẩn dụ cao: "Một con ngựa" ám chỉ một thành viên trong một tập thể, còn "cả tàu" chính là cả tập thể. Vậy nên, câu tục ngữ còn được nâng lên một tầm cao mới, một lớp nghĩa cao hơn. Đó là khi một thành viên trong tập thể gặp hoạn nạn thì cả tập thể đều lo lắng, bất an. Nhà thơ dân gian đã xây dựng câu tục ngữ trên nền chủ đạo là biện pháp đối: đối giữa từ "một" và "cả"; giữa số lượng từ ngữ ở hai vế trong câu; giữa nghĩa của chúng cũng như thanh điệu. Qua câu tục ngữ, ông bà ta đã khuyên con cháu phải biết gắn bó, yêu thương nhau; đề cao lối sống đậm đà tình nghĩa.

Thế nhưng, vì sao ta phải sống yêu thương nhau. Thưa, bởi vì chúng ta là con người, chúng ta được Thượng đế đặc ân ban cho chúng ta trí khôn, ngôn ngữ riêng và đặc biệt là tình yêu thương. Nếu như chúng ta chỉ sống thực dụng, không biết yêu thương nhau thì chẳng khác nào lũ rô-bốt vô tri vô giác. Khi ấy, cả thế giới chỉ còn lại những cỗ máy "cấp cao", chỉ còn chiến tranh, chết chóc. Thật kinh khủng! Câu tục ngữ đã khéo léo mượn hình ảnh "con ngựa"- tượng trưng cho loài vật , nhằm dạy cho ta biết rằng loài vật còn biết thương yêu nhau, huống gì chúng ta là con người thì tình yêu thương lại càng quan trọng hơn nữa. Không chỉ vậy, tình yêu thương sẽ làm cho tâm hồn ta thanh thản, cuộc sống thoải mái và ta sẽ nhận được sự yêu mến, quý trọng, giúp đỡ của mọi người.Ngoài câu tục ngữ trên đây, vẫn còn nhiều câu tục ngữ dạy ta phải biết yêu thương nhau: "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách", "Tay đứt ruột xót",…

Thế nhưng, trong cuộc sống vẫn còn những con người không có lòng yêu thương, sống vị kỷ, chỉ biết có mỗi bản thân. Mặt khác, có người không biết thương người mà còn đi hại người, những thành phần này cần bị lên án và phải kịp thời sửa chữa khi chưa quá muộn.

Bên cạnh đó,tình yêu thương không chỉ tồn tại ở cửa miệng mà cần phải có hành động thực tiễn. Trong cuộc sống, thương người có thể là giúp đỡ nạn nhân gặp thiên tai, quyên tiền giúp đỡ người nghèo khổ,…Đối với học sinh chúng ta, tình yêu thương còn được thể hiện qua một cử chỉ hỏi han, quan tâm chăm sóc những người xung quanh mình. Và còn một điều quan trọng hơn hết, đó là hành động phải xuất phát từ tấm lòng, như vậy mới thật sự có ý nghĩa. Riêng bản thân em, mỗi ngày em sẽ cố gắng hoàn thiện mình hơn, quan tâm những người xung quanh mình hơn để ngày càng trưởng thành và thực hiện đúng lời dạy của người xưa.

Qua câu tục ngữ trên, truyền thống đạo đức, vẻ đẹp của con người Việt Nam đã được bộc lộ rõ nét. Ông bà xưa đã dạy bảo con cháu đời sau phải biết yêu thương nhau qua một lời nói nghệ thuật ngắn gọn, biện pháp ẩn dụ, đối được vận dụng một cách tài tình đã làm cho những triết lý khô khan trở nên dễ thuộc, dễ hiểu.

Nghị luận Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ - Mẫu 2

Tình yêu thương, lòng nhân ái vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Từ bao đời nay, ông bà ta luôn nhắc nhở nhau phải biết “ thương người như thể thương thân”. Vấn đề ấy lại được nhắc nhở thường xuyên qua lời khuyên của cha mẹ, lời giáo huấn của thầy cô trong câu tục ngữ giàu hình ảnh: “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Câu tục ngữ là bài học quý báu luôn sống mãi trong lòng bao thế hệ.

Bằng cách ví von bóng bẩy, câu tục ngữ đưa lên hình ảnh một đàn ngựa đang đau buồn không ăn cỏ vì có một con trong đàn bị đau. Từ đó, ta liên tưởng đến con người: “chúng ta sống chung với nhau phải biết đến tình đồng loại, đồng bào, phải biết yêu thương, giúp đỡ nhau bằng lòng nhân ái.

Lời khuyên là một bài học luôn nhắc nhở chúng ta vấn đề này mọi người đều hiểu rằng không ai có thể sống lẻ loi một mình trên thế gian này được mà phải hòa nhập vào cộng đồng loài người. Vì thế, ta phải có bổn phận xây dựng cộng đồng ấy ngày được tốt đẹp hơn. Muốn được như vậy ta phải biết quan tâm chăm sóc nhau,lo lắng cho nhau nhất là khi những người chung quanh chúng ta gặp khó khăn hoạn nạn. Đây là cách sống và là đạo lý đã có từ ngàn xưa của nhân dân ta, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta.

Nhờ vậy mà dân tộc ta mới vượt nhau qua được mọi khó khăn thử thách có lúc tưởng chừng như không vượt qua nổi. Đã bao lần dân ta phải đối đầu với bọn ngoại xâm,hết kẻ thù này đến kẻ thù khác sang xâm chiếm. chính lúc ấy tinh thần đoàn kết yêu thương nhau, quyết tâm một lòng chống kẻ thù chung đã giúp ông cha ta chiến thắng. Liên tiếp nhiều năm liền đất nước bị thiên tai bão lũ với tình đồng loại, đồng bào nhân dân cả nước đã nhường cơm sẻ áo cho nhau để cứu giúp những người hoạn nạn. trước tình cảnh khó khăn của mọi người đâu ai có thể làm ngơ.

Là loài vật mà đàn ngựa kia còn biết yêu thương nhau qua biểu hiện khi “một con ngựa đau” cả “tàu phải bỏ cỏ” huống chi ta là con người có trái tim, khối óc làm sao ta có thể làm ngơ, có thể không đau lòng trước nỗi đau chung của nhân loại. cũng chính từ những suy nghĩ đó mà các Hội từ thiện ra đời, và đã mở rộng tầm hoạt động ở khắp mọi nơi trên phạm vi toàn thế giới. Nó trở thành tinh thần nhân loại, tình người cao cả. Những người làm công tác từ thiện đó đã mở rộng vòng tay đem tình yêu thương đến những người bất hạnh: những trẻ mồ côi, người bị khuyết tật…. tất cả những việc làm ấy đã làm sáng tỏ câu tục ngữ: “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”

Vậy mà trong thực tế cuộc sống không phải ai cũng hiểu và làm được như vậy. Bên cạnh những tấm lòng đẹp đẽ cao cả ấy lại có những bộ mặt xấu xa của lòng ích kỷ, của sự hẹp hòi. Họ là những kẻ không có nhân đạo, không có lương tâm nên dửng dưng trước nỗi đau của người khác, chỉ lo sống phè phỡn cho bản thân mình. Thật đau lòng biết bao cho những con người mà lại mất tính người, càng suy nghĩ ta càng thấm thía lời dạy của người xưa. Sự cảm thông chia sẻ cho nhau là nhịp cầu nối để cho mọi người đến với nhau tốt đẹp hơn.

Ta cũng nên hiểu rằng khi ta giúp đỡ cho người khác tức là ta đã có cho và có nhận, bởi lẽ mỗi khi bản thân ta giúp đỡ được ai cũng sẽ cảm thấy vui trong lòng như vậy chẳng phải ta đã nhận dduocj điều hạnh phúc đó sao? Nói như vậy, không phải ta giúp người một cách bừa bãi và không suy nghĩ đâu. Giúp người thương người để ta giúp họ được khó khăn hoạn nạn là điều đáng quý nhưng giúp đỡ họ để nuôi dưỡng những thói hư tật xấu như lười biếng lao động, ỷ lại kẻ khác thì đó là điều không nên. Sự yêu thương,lòng thông cảm phải đặt đúng chỗ, đúng đối tượng thì việc làm ấy mới là nghĩa cử cao đẹp, có tác dụng tốt góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh.

Tục ngữ ca dao luôn là lời giáo huấn đáng trân trọng. “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” mãi mãi là lời dạy bảo thiết thực đối với chúng ta. Nhất là trong xu hướng của thời đại hiện nay,mọi người trên hành tinh này đều muốn được sống hòa bình, hạnh phúc thì lời khuyên của câu tục ngữ “phải yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau” lại càng có giá trị vô ngần.

Nghị luận Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ - Mẫu 3

Hình ảnh con ngựa và cả tàu (cả đàn ngựa) đã được sử dụng với nghệ thuật ẩn dụ đã thể hiện một lớp nghĩa rất hay đó là sự gắn bó, đoàn kết. Khi đọc qua câu tục ngữ “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, trước hết, trong chúng ta hiện ra những hình ảnh đơn giản.

Đó chính là hình ảnh một con ngựa bị bệnh thì cả đàn ngựa “cả tàu” lo lắng “ bỏ cỏ”, chăm sóc con ngựa bị ốm.

Đó chỉ là những suy nghĩ đơn giản, thoáng qua và khi ta suy ngẫm thì ta có thể hiểu được một lớp nghĩa hay, chứa đựng một bài học về đạo đức. Một con ngựa biểu trưng cho những cá nhân, riêng lẻ, đơn độc còn cả tàu là biểu trưng cho tập thể lớn, sự đoàn kết, gắn bó. Khi một cá nhân gặp trắc trở thì tất cả tập thể, mọi người xung quanh lo lắng, quan tâm, chăm sóc cho một cá nhân ấy. Một lối sống tốt của người Việt Nam.

Tất cả chúng ta đều biết trong cuộc sống ai cũng gặp những chông gai, sóng gió và để vượt qua được thì chúng ta phải đoàn kết, gắn bó với nhau. Sống, học tập hay làm việc trong một tập thể như gia đình, trường lớp, xã hội hay đất nước,…thì dù chỉ một cá nhân nào gặp khó khăn thì sự đoàn kết, giúp đỡ, quan tâm chính là những cơ sở để vượt qua và chiến thắng. Sự đùm bọc, che chở, giúp đỡ không những giúp cho 1 cá nhân vượt qua được khó khăn mà còn là cơ sở để giúp cả tập thể ngày càng tiến, hoàn thiện hơn, gặt hái được nhiều thành công và trở thành một tập thể, xã hội tiên tiến.

Song sự tương thân tương ái ấy được nhân dân xưa nhắc nhở qua các câu ca dao, thành ngữ và tục ngữ như: Lá lành đùm lá rách; Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết, Thương người như thể thương thân…Câu tục ngữ “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ cũng thế, qua câu tục ngữ, nhân dân khuyên con người khi sống trong một tập thể thì chúng ta phải đoàn kết, gắn bó, hợp tác, quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau thì mới có thể tồn tại, trụ vững và tiến đến những tầm cao vì tất cả mọi thứ, mọi người trong cuộc sống đều có sự liên quan mật thiết với nhau. Là người Việt Nam, chúng ta nên gìn giữ và phát huy tinh thần đoàn kết này để xây dựng một xã hội, đất nước giàu mạnh.

Câu tục ngữ “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” hay, xúc tích. Câu tục ngữ sử dụng hình ảnh ẩn dụ một cách tài tình. Nó nhắc nhở chúng ta cách ứng xử, làm người trong cuộc sống và hướng chúng ta đến một chuẩn mực đạo đức cần có ở con người là sống đoàn kết, quan tâm lẫn nhau. Dù trong thời đại nào thì câu tục ngữ này cũng luôn luôn đúng.

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 35
  • Lượt xem: 9.052
  • Dung lượng: 175,8 KB
Tìm thêm: Văn mẫu lớp 9
Sắp xếp theo

    Chủ đề liên quan