Văn mẫu lớp 9: Tổng hợp mở bài Mùa xuân nho nhỏ (46 mẫu) Mở bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

TOP 46 Mở bài Mùa xuân nho nhỏ hay, đặc sắc nhất giúp các em có thêm nhiều ý tưởng mới cho mở bài của mình thêm đặc sắc, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng thầy cô và bạn bè ngay từ đầu.

Mùa xuân nho nhỏ

Mở bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải hay, hấp dẫn sẽ giúp bài văn trở nên ấn tượng hơn. Mời các em tham khảo bài viết dưới đây của Download.vn để viết mở bài  phân tích, cảm nhận, cảm nhận khổ 4 & 5, phân tích khổ cuối... thật hay, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người.

Tổng hợp mở bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

Mở bài chuyên sâu bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Mở bài 1

Thanh Hải là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ, bởi vậy mà những sáng tác của ông trước năm 1975 thường hướng đến phản ánh cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ của dân tộc. Sau năm 1975 hòa chung với không khí giải phóng, những vần thơ của Thanh Hải cũng sôi nổi, tha thiết hơn khi hướng về cuộc sống mới, về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước. "Mùa xuân nho nhỏ" là bài thơ đặc sắc của Thanh Hải viết năm 1980, bài thơ là bức tranh mùa xuân rộn rã, tươi sáng của thiên nhiên, sự sống, đó cũng là lời nguyện ước chân thành, thiết tha của nhà thơ khi muốn góp một mùa xuân nho nhỏ của bản thân để làm nên mùa xuân lớn của đất nước.

Mở bài 2

Mùa xuân nho nhỏ được nhà thơ Thanh Hải sáng tác năm 1980 vào những ngày tháng cuối đời của nhà thơ. Bởi vậy, qua bài thơ độc giả không chỉ cảm nhận được bức tranh mùa xuân tươi tắn, sống động mà còn cảm động bởi tình cảm dạt dào, sâu lắng của nhà thơ dành cho thiên nhiên, đất nước. Tình yêu cuộc sống, tình yêu đất nước của nhà thơ không chỉ thể hiện qua những cảm nhận tinh tế về sự sống bừng nở của vạn vật khi xuân về mà còn là niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước "Đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước" cùng lời nguyện ước chân thành muốn "lặng lẽ dâng cho đời" một mùa xuân nho nhỏ nhưng đầy nhiệt thành, tha thiết.

Mở bài 3

Trong bài Mùa xuân nho nhỏ, nhà thơ Thanh Hải đã mở ra trước mắt người đọc một mùa xuân thật đặc biệt, đó không phải một "mùa xuân là cả một mùa xanh" của Nguyễn Bính, cũng không phải "sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời" trong thơ Hàn Mặc Tử mà là một mùa xuân nho nhỏ với sắc tím của cánh hoa, với tiếng du dương của chim chiền chiện, với cái long lanh của giọt sương. Có lẽ nét đặc biệt nhất trong bức tranh mùa xuân của Thanh Hải đó chính là sự hiện diện của một cái tôi yêu cuộc sống, yêu đất nước đến thiết tha, khắc khoải. Tình yêu ấy không chỉ bộc lộ trong niềm hân hoan, niềm tin trước cuộc sống mới của dân tộc sau giải phóng mà còn kết tinh trong nguyện ước chân thành, muốn dâng hiến mùa xuân nho nhỏ của bản thân để góp phần làm nên vẻ đẹp mùa xuân lớn của đất nước.

Mở bài 4

Mùa xuân là nguồn cảm xúc dạt dào trong thơ ca, bằng tài năng và những cảm nhận tinh tế, các nhà thơ, nhà văn đã đưa mùa xuân vào thế giới nghệ thuật với những đường nét, dáng vẻ thật đẹp, thật độc đáo, đó là "Mùa xuân con én đưa thoi" trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, là mùa xuân căng tràn sức sống ở "thời tươi" nhưng cũng ngắn ngủi, hữu hạn trong Vội vàng của Xuân Diệu "Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua". Thanh Hải cũng đóng góp cho thơ ca một mùa xuân đặc biệt, mùa xuân ấy không quá sức lộng lẫy mà ấn tượng bởi vẻ đẹp giản dị với sắc tím của bông hoa, với âm thanh du dương, vang vọng của chim chiền chiện, và đặc biệt hơn cả mùa xuân ấy còn được điểm tô bởi cái tình của người thi sĩ, tình yêu thiên nhiên, đất nước thiết tha của nhà thơ được thể hiện trong lời nguyện ước chân thành: Muốn làm con chim, cành hoa để làm nên mùa xuân chung của đất nước.

Mở bài 5

Thanh Hải là một nhà thơ được mọi người biết đến như một hiện tượng đặc biệt của thơ ca Việt nam. Là con người tài hoa, giàu sức sống nghệ thuật và lắng nghe được nhiều âm thanh biến thái của cuộc đời, ngay cả những phút giây cận kề cái chết Thanh Hải vẫn khát khao sống, làm việc và cống hiến cho đời chung.

Mở bài 6

Đề tài mùa xuân có lẽ là đề tài muôn thuở mà nhà thơ nào cũng ít nhất đã từng viết về. Viết về đề tài này, mỗi nhà thơ lại có những suy tưởng, những ý nghĩ riêng của mình. Nhiều nhà thơ cũng đã để lại dấu ấn của mình trên diễn đàn văn học Việt với những bài thơ xuân như “Vội vàng” – Xuân Diệu, “Mùa xuân chín” – Hàn Mặc Tử, “Mùa xuân xanh” – Nguyễn Bính, … Nhưng có lẽ mùa xuân để lại trong lòng người đọc cảm xúc nhiều nhất là bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải.

Mở bài phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Mở bài phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 1

Con người được ban tặng cho cuộc sống để sống, tận hưởng đồng thời cần biết tận hiến. Sống một cuộc đời có ý nghĩa là nguồn cảm hứng mãnh liệt nhất thôi thúc nhà thơ Thanh Hải cầm bút viết bài thơ: “Mùa xuân nho nhỏ”. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được sáng tác vào tháng 11 năm 1980. Điều đặc biệt ở chỗ, đó là khoảnh khắc hấp hối của thi nhân trên giường bệnh. Thi phẩm vừa là tiếng lòng thi sĩ, vừa là thông điệp nhân sinh sâu sắc mà Thanh Hải dành tặng cho độc giả hôm nay và cả mai hậu.

Mở bài phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 2

Mùa xuân trong thơ của Thanh hải cũng thật đẹp, thật nhiều ý nghĩa. Không những đẹp từ cảnh thiên nhiên mà đến tâm hồn Thanh Hải cũng thật đẹp. Đó là mùa xuân trong bài “Mùa xuân nho nhỏ” mà tác giả sáng tác không bao lâu trước khi qua đời (1980).

Mở bài phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 3

Núi Ngự sông Hương là quê hương thân yêu của nhà thơ Thanh Hải. Ông là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Mồ anh hoa nở, Những đồng chí trung kiên, Mùa xuân nho nhỏ... là những bài thơ đặc sắc nhất của Thanh Hải.

Mở bài phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 4

Thanh Hải là một nhà thơ trưởng thành trong thời kì đất nước gồng mình kháng chiến chống Mỹ. Cùng hoà mình trong nhịp điệu hào hùng của dân tộc, Thanh Hải có những sáng tác riêng về con người đất nước thời kì này. Năm 1980, khi đất nước đã trải qua thời kì kháng chiến sục sôi được 5 năm và khi đó nhà thơ đang nằm trên giường bệnh, ông đã viết nên những vần thơ trong trẻo, nhiệt huyết về đất nước. Đó là bài thơ tiêu biểu của nền thơ ca Việt Nam thời kì này: “Mùa xuân nho nhỏ”.

Mở bài phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 5

Mùa xuân là mùa hội tụ của cái đẹp, căng tràn nhựa sống vào buổi bình minh với những chồi non lộc biếc, tiếng chim ca vui về làm tổ, với những nàng xuân dịu dàng hát câu quan họ... Có lẽ vì thế mà thi nhân muôn đời yêu mến xuân. Xuân đi vào lăng kính tâm hồn người nghệ sĩ là những trang thơ văn, mà ở đó, xuân là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Ta đã có Mùa xuân xanh (Nguyễn Bính), Mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử), Một khúc ca xuân (Tố Hữu)... và giờ, với Thanh Hải, ta được thưởng thức một Mùa xuân nho nhỏ thân thương, gần gũi.

Mở bài cảm nhận về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Mở bài cảm nhận Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 1

“Mùa xuân nho nhỏ” là một trong những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Thanh Hải. Tác phẩm đã diễn tả được lòng yêu thiên nhiên, đất nước cũng như khát vọng cống hiến chân thành của nhà thơ.

Mở bài cảm nhận Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 2

Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được Thanh Hải sáng tác năm 1980 khi nhà thơ đang nằm trên giường bệnh. Khi đọc bài thơ, người đọc có thể cảm nhận được một tiếng thơ đầy thiết tha mong muốn được cống hiến cho đất nước.

Mở bài cảm nhận Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 3

“Mùa xuân nho nhỏ” đã cho người đọc cảm nhận được tiếng lòng đầy tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, thể hiện ước nguyện chân thành từ tận đáy lòng của Thanh Hải.

Mở bài phân tích khổ thơ đầu Mùa xuân nho nhỏ

Mở bài phân tích khổ thơ đầu Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 1

Nói đến đề tài mùa xuân, người yêu văn thơ nước nhà nhớ ngay đến “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải. Bài thơ này được xem như sợi dây nối tiếp mạch cảm xúc của mấy mươi năm về trước. Thanh Hải viết “Mùa xuân nho nhỏ” vào thời điểm sắp kề cận cát bụi nhưng người đọc tìm thấy một tình yêu thiên nhiên đất trời mãnh liệt, luôn dâng trào ở trái tim tác giả. Ngay ở khổ thơ đầu bài thơ đã toát lên được điều đó.

Mở bài phân tích khổ thơ đầu Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 2

Mùa xuân, mùa của vạn vật, mùa của sự sinh sôi nảy nở muôn loài. Chính bởi vẻ đẹp với những nét riêng biệt mà mùa xuân trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều thi nhân. Xuân Diệu, ông hoàng thơ tình đã có những vần thơ thật táo bạo về mùa xuân qua con mắt của "kẻ si tình".

Mở bài phân tích khổ thơ đầu Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 3

Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải là một bài thơ miêu tả về mùa xuân rất đặc sắc và có ý nghĩa. Đặc biệt trong đoạn đầu tiên của bài thơ càng cho chúng ta thấy được mùa xuân hòa vào trong lòng người đọc rất rõ nét và sâu sắc.

Mở bài phân tích khổ thơ đầu Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 4

Thanh Hải là nhà thơ trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sông Hương Núi Ngự đã nuôi dưỡng tâm hồn nhà thơ trong trẻo mà đằm thắm, suốt đời gắn bó với cách mạng với quê hương đất nước tới hơi thở cuối cùng. Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" là tác phẩm nổi bật của ông. Đọc bài thơ người đọc rất ấn tượng với khổ thơ đầu của bài thơ.

Mở bài phân tích 2 khổ thơ đầu bài Mùa xuân nho nhỏ

Mở bài phân tích 2 khổ thơ đầu Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 1

Mùa xuân là mùa của thiên nhiên thắm tươi, của vạn vật sinh sôi nảy nở. Văn học Việt Nam đã từng không có ít những vần thơ thể hiện cảm xúc rạo rực, trẻ trung trước mùa xuân. Đó là “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử, “Mùa xuân xanh” của Nguyễn Bính, “Chiều xuân” của Anh Thơ,… và Thanh Hải – nhà thơ xứ Huế cũng góp vào đó một "Mùa xuân nho nhỏ”. Ra đời vào tháng 11 năm 1980, không bao lâu trước khi nhà thơ qua đời, bài thơ thể hiện niềm yêu mến thiết tha cuộc sống, đất nước và ước nguyện dâng hiến của tác giả. Để lại nhiều ấn tượng nhất trong lòng người đọc là cảm xúc của thi nhân về mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân đất nước.

Mở bài phân tích 2 khổ thơ đầu Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 2

Mùa xuân là đề tài quen thuộc trong các tác phẩm văn học Việt Nam. Mỗi mùa xuân của mỗi nhà thơ đều mang những phong cách khác nhau, để lại dấu ấn khác nhau trong lòng độc giả. Một trong những bài thơ về mùa xuân nhẹ nhàng, đầy sức sống ấy phải kể đến bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Nhà thơ Thanh Hải. Bài thơ được sáng tác trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, đó là khi đất nước đã thống nhất, non sông thu về một mối, cả đất nước hồi sinh sôi sục khí thế xây dựng, nhưng Thanh Hải lại đang nằm trên giường bệnh vì mắc bệnh hiểm nghèo.

Mở bài phân tích 2 khổ thơ đầu Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 3

Thiên nhiên vạn vật với vẻ đẹp hấp dẫn, phong phú luôn là nguồn đề tài thu hút, khơi nguồn cảm hứng ở các tác giả. Đặc biệt là khoảnh khắc giao mùa, những tâm hồn tinh tế nắm bắt trọn vẹn khoảnh khắc mùa cũ qua đi, mùa mới ghé đến. Bằng tâm hồn nhạy cảm và tinh tế, Thanh Hải đã nắm bắt trọn vẹn vẻ đẹp của mùa xuân xứ Huế mộng mơ. Nó được thể hiện đặc biệt rõ trong hai khổ thơ đầu của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.

Mở bài phân tích 2 khổ thơ đầu Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 4

"Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc"

Tiếng ngâm ngọt ngào, bay bổng của nghệ sĩ Thu Hương trong chương trình "đêm thơ" làm cả nhà em chăm chú, lắng nghe. Một cảm giác lâng lâng đầy xúc cảm chạy khắp cơ thể em. Ôi bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải đấy ư? Đó là một trong những bài thơ đã để lại trong em những ấn tượng đẹp nhất. Mùa xuân nho nhỏ, thật là nho nhỏ khi hai khổ thơ đầu chỉ là những vần thơ giản dị, ngắn, mà chứa đựng cả một mùa xuân thiên nhiên của xứ Huế và mùa xuân Cách mạng của người dân cố đô vào những năm Huế đang ra sức lao động sản xuất để mang lại cuộc sống êm ấm cho quê hương.

Mở bài phân tích 2 khổ thơ đầu Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 5

Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, là mùa muôn vật hồi sinh sự sống. Mùa xuân làm cho con người cuồn cuộn sức sống, thêm yêu đời, yêu vạn vật. Đề tài mùa xuân được xuất hiện trong rất nhiều sáng tác. Trong đó phải kể đến Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.

Mở bài phân tích 3 khổ thơ đầu Mùa xuân nho nhỏ

Mở bài phân tích 2 khổ thơ đầu Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 1

Mùa xuân là mùa của khởi đầu, thường gợi lên trong mỗi chúng ta niềm khát khao và hi vọng. Phải chăng vì thế mà Thanh Hải lựa chọn mùa xuân để khởi nguồn cảm hứng. Niềm khát khao cháy bỏng trong tâm hồn nhà thơ Thanh Hải, được gửi gắm qua bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" (11/1980). Bài thơ như những nốt nhạc trầm bổng, những giai điệu ngân nga cất lên từ đáy lòng của một con người tha thiết được góp phần nhỏ bé vào cuộc đời chung rộng lớn. “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải thể hiện những rung động sâu xa trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, trước những hi sinh và cố gắng say sưa trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc của toàn dân tộc. Đó là “là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời”.

Mở bài phân tích 2 khổ thơ đầu Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 2

Đã từ lâu, mùa xuân vốn là đề tài quen thuộc trong thơ ca, là nguồn thi hứng dạt dào để người nghệ sĩ viết lên những trang thơ đong đầy cảm xúc. Cũng lấy cảm hứng từ mùa xuân, Thanh Hải đã viết lên bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" . Bài thơ bộc lộ cảm xúc của tác giả trước mùa xuân của thiên nhiên đất nước và khát vọng đẹp đẽ muốn làm một “mùa xuân nho nhỏ” dâng hiến cho đời. Đặc biệt ba khổ thơ đầu của bài thơ đã mang đến cho người đọc cảm nhận về mùa xuân của thiên nhiên và mùa xuân đất nước, con người.

Mở bài phân tích 2 khổ thơ đầu Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 3

Thanh Hải là nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca Việt Nam. Trong số những tác phẩm mà ông để lại cho bạn đọc thì nổi bật nhất có lẽ là "Mùa xuân nho nhỏ". Thi phẩm đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên đẹp tuyệt vời của xứ Huế mộng mơ qua đó làm nổi bật nên hình ảnh của mùa xuân đất nước. Điều này được thể hiện rõ nét qua ba khổ thơ đầu "Mọc giữa.... phía trước".

Mở bài cảm nhận khổ thơ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Mở bài cảm nhận khổ thơ 4, 5 - Mẫu 1

“Mùa xuân nhỏ nhỏ” là khúc ca cuối cùng của nhà thơ Thanh Hải để lại cho cuộc đời. Từ cảm hứng về vẻ đẹp và thiên nhiên của xứ huế, nhà thơ liên tưởng đến mùa xuân vĩnh hằng của đất nước, đồng thời thể hiện khát vọng dân hiến mùa xuân cuộc đời cho mùa xuân lớn của đất nước. Tình cảm ấy được thể hiện chân thành và cảm động qua khổ 4 và 5 của bài thơ.

Mở bài cảm nhận khổ thơ 4, 5 - Mẫu 2

Thanh Hải là nhà thơ xứ Huế. Vùng đất hữu tình với con sông Hương thơ mộng và núi Ngự Bình trang nghiêm vun đắp cho hồn thơ Thanh Hải bay cao. Vốn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến, Thanh Hải là người có công đầu trong việc xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam thời chống Mỹ. Những tác phẩm của ông được bao thế hệ bạn đọc nhắc mãi như “ Mồ anh hoa nở”, “Những đồng chí trung kiên”.

Mở bài cảm nhận khổ thơ 4, 5 - Mẫu 3

Thanh Hải là nhà thơ đi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Ông dành cả cuộc đời cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Ngay đến cả những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, Thanh Hải vẫn khát khao được gắn kết với mạch nguồn cuộc sống, với trái tim lớn dân tộc, cống hiến sức lực nhỏ bé của mình trong công cuộc dựng xây đất nước. Ý nguyện cao đẹp ấy được trình bày trong khổ 4 và 5 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, tác phẩm cuối cùng mà nhà thơ gửi lại cho đời.

Mở bài cảm nhận khổ thơ 4, 5 - Mẫu 4

Như chúng ta đã biết, mùa xuân là mùa hội tụ của các thi sĩ, là một mùa mang đậm chất thơ, cũng giống như các nhà thơ khác, nhà thơ Thanh Hải cũng đã cảm nhận được mùa xuân để sáng tác bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” để thể hiện ước nguyện nhỏ nhoi, cuối cùng trong đời của ông trước khi từ trần. Ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam một bài thơ rất đặc sắc, đơn giản mà ấn đậm những dòng cảm xúc, ước nguyện của ông, điển hình qua hai khổ thơ trong bài.

Mở bài cảm nhận khổ thơ 4, 5 - Mẫu 5

Ở thời Lý, người ta còn nhớ Thiền sư Mãn Giác đến lúc bệnh nặng sắp qua đời vẫn có những vần thơ tràn đầy niềm lạc quan, yêu đời, vui sống: “Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết - Đêm qua sân trước một nhành mai”. Thời nay, có Thanh Hải, khi từng giờ từng phút chống chọi với bệnh tật, ông vẫn có những vần thơ như thế! Đó chính là bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”. Thi phẩm thể hiện tiếng lòng của tác giả về mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân đất nước và ước nguyện được sống có ích.

Mở bài phân tích 3 khổ cuối bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Mở bài phân tích 3 khổ cuối Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 1

Mùa xuân là khoảng thời gian quen thuộc gợi lên biết bao xúc cảm, rung động trong tâm hồn người nghệ sĩ. Nếu nhà thơ Xuân Diệu cảm thức về mùa xuân trong nhịp sống "Vội vàng" chạy đua từng ngày với dòng thời gian trôi chảy để bắt trọn từng khoảnh khắc, Nguyễn Bính say sưa trong không gian làng quê thân quen "Từng nhà mở cửa đón vui tươi" qua "Thơ xuân" thì Thanh Hải thưởng thức vẻ đẹp của mùa xuân đất trời trong sự gắn bó chặt chẽ với đất nước cùng những ước nguyện cống hiến. Ba khổ thơ cuối của bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" đã thể hiện rõ điều này.

Mở bài phân tích 3 khổ cuối Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 2

Mùa xuân là đề tài truyền thống trong thơ ca dân tộc. Thanh Hải đã góp cho thơ ca dân tộc một bài thơ xuân đẹp, đậm đà tình nghĩa.Tình yêu mùa xuân gắn liền với tình yêu đất nước, quê hương được Thanh Hải diễn tả một cách sâu sắc, cảm động. Trong đó 3 khổ thơ cuối của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ có những nét đặc sắc về nghệ thuật riêng.

Mở bài phân tích 3 khổ cuối Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 3

“Mùa xuân…Mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ…Lặng lẽ dâng cho đời…” điệp khúc ấy được ngân lên dạt dào biết bao trái tim của những người đang cảm nhận,những người đang sống và làm việc đâu đó trên mảnh đất này. Và phải chăng đó là nguồn cảm hứng lớn của nhà thơ Thanh Hải với tình yêu quê hương, yêu cuộc sống và muốn một lần nữa được dâng hiến cho đời.

Mở bài phân tích 3 khổ cuối Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 4

Mùa xuân là mùa của tình yêu, sức sống dào dạt và cũng là mùa khơi nguồn cho bao áng thi ca, nhạc họa. Nếu chọn những bài thơ hay nhất viết về mùa xuân, tôi tin chắc không thể vắng bóng Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải. Thi phẩm là sự kết tinh, lắng đọng của một tài năng thơ đang độ chín. Bài thơ không chỉ hấp dẫn bạn đọc bởi khung cảnh mùa xuân mộng mơ nơi xứ Huế mà còn bởi khát vọng cống hiến cháy bỏng, dạt dào.

Mở bài phân tích khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Mở bài phân tích khổ 2 và 3 Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 1

Mùa xuân luôn là đề tài bất tận để các nhà thơ tìm cảm hứng và sáng tác. Thông qua những vẻ đẹp trong cảnh sắc mùa xuân, các nhà thơ gửi gắm vào đó những tâm tư tình cảm, những bài học triết lí từ cuộc sống. Mùa xuân trong cách nhìn của Mãn Giác thiền sư, một cao tăng thời Lý, là bài học về sự tuần hoàn của tạo vật, một triết lí sâu xa về nhân quả luân hồi của nhà Phật.

Mở bài phân tích khổ 2 và 3 Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 2

“Mùa xuân nho nhỏ” được sáng tác năm 1980, khi nhà thơ Thanh Hải đang nằm trên giường bệnh. Bài thơ không chỉ là cảm xúc về một mùa xuân tươi xanh mà còn là lẽ sống cao đẹp cùng với tình yêu quê hương, đất nước thiết tha. Lẽ sống và tình yêu ấy được nhà thơ thể hiện hết sức chân thành và cảm động ở khổ thơ 2 và 3 của bài thơ.

Mở bài phân tích khổ 2 và 3 Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 3

Mùa xuân vốn là đề tài truyền thống trong thơ ca dân tộc. Với bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, nhà thơ Thanh Hải đã góp cho thơ ca dân tộc một bài thơ xuân đẹp, đậm đà tình nghĩa. Tình yêu mùa xuân gắn liền với tình yêu đất nước, quê hương được Thanh Hải diễn tả một cách sâu sắc, chân thành và cảm động qua lời thơ bình dị mà hết sức sâu xa.

Mở bài phân tích khổ 2 và 3 Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 4

Mùa xuân đất nước, mùa xuân Cách mạng - Từ mùa xuân thiên nhiên đất trời, nhà thơ cảm nhận về mùa xuân đất nước, mùa xuân Cách mạng. Tác giả hướng tình cảm tới những con người cụ thể - những con người làm nên lịch sử.

Mở bài phân tích khổ 2 và 3 Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 5

Mùa xuân trong thơ của Thanh Hải đem đến cho chúng ta nhiều xúc động. Từng vần thơ nhẹ nhàng trong sáng cứ ngân nga mãi trong lòng người nghe, lôi cuốn ta trước vẻ đẹp của đất nước vào xuân.

Mở bài phân tích khổ thơ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Mở bài phân tích khổ thơ 4, 5 - Mẫu 1

Thanh Hải là một nhà cách mạng, một nhà thơ đã dành cả cuộc đời của mình cho cuộc chiến tranh giành lại độc lập của dân tộc. Ngay cả những ngày tháng cuối cùng của đời mình, ông vẫn nuôi một khát khao mãnh liệt được hòa mình vào cuộc đời, được trở thành một mùa xuân nhỏ điểm tô sắc màu vào mùa xuân vĩ đại của đất nước. Tâm niệm cao đẹp ấy của ông được thể hiện rõ nét qua khổ 4, 5 của tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” - tác phẩm như một khúc ca rộn rã cuối cùng mà Thanh Hải để lại cho cuộc đời.

Mở bài phân tích khổ thơ 4, 5 - Mẫu 2

Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được Thanh Hải viết trên giường bệnh trước khi tác giả mất không lâu sau đó. Bài thơ là tiếng lòng thiết tha, niềm yêu mến vô hạn của nhà thơ đối với cuộc sống đẹp tươi, với đất nước đang từng ngày đổi mới và ước nguyện được gắn kết cuộc đời mình với cuộc đời chung của dân tộc.

Mở bài phân tích khổ thơ 4, 5 - Mẫu 3

Thanh Hải là nhà thơ tiêu biểu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Ông nổi tiếng với rất nhiều tác phẩm mang lời tâm tình tha thiết. Trong đó, Mùa Xuân Nho Nhỏ là tác phẩm nổi bật được nhiều người đọc yêu thích. Bài thơ không chỉ là bức tranh mùa xuân tươi đẹp mà còn là khát vọng cống hiến cho đời một cách chân thành. Khổ thứ thứ 4 và thứ 5 chính là đoạn thể hiện rõ ràng nhất ước vọng của nhà thơ. Ông muốn hiến dâng cuộc đời cho mùa xuân chung của đất nước, dân tộc.

Mở bài phân tích khổ thơ 4, 5 - Mẫu 4

Trong bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông thì có lẽ ai cũng thích mùa xuân của đất trời. Mùa xuân là mùa của những loài hoa nở rộ, là mùa của những chú chim hót trên những cành cây xanh. Tác giả Thanh Hải đã cho ra một bài thơ khi ông đang nằm trên giường bệnh. Một bài thơ nói về mùa xuân thơ mộng, trữ tình đó là bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”. Thanh Hải đã thể hiện tâm nguyện thiết tha, cảm động trong hai khổ thơ bốn và năm.

Mở bài phân tích khổ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ

Mở bài phân tích khổ cuối - Mẫu 1

Xuân, hạ, thu, đông là bốn mùa của đất trời, mỗi mùa đều mang vẻ đẹp, cho nhân gian tiết khí, cảm xúc riêng. Nói về mùa xuân, đây là thời gian khởi đầu cho một năm, là lúc vạn vật thay áo mới, cây cối đâm chồi nảy lộc, không khí vui tươi nhộn nhịp tràn về khắp mọi nơi. Mùa xuân làm con người ta thấy trẻ, khỏe, dồi dào sinh lực từ đó muốn sống và cống hiến cho đời hơn bao giờ hết. Viết về mùa xuân, nhà thơ Thanh Hải đã có những dòng thơ hay, chất chứa nhiều cảm xúc. Phân tích khổ thơ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ ta sẽ thấy rõ được điều đó.

Mở bài phân tích khổ cuối - Mẫu 2

“Mùa xuân nho nhỏ” là một trong những bài thơ tiêu biểu trong gia tài thơ xuân Việt Nam, được nhà thơ Thanh Hải viết trên giường bệnh, trước khi mất chỉ vài ngày. Đó là lời tự bạch chân thành với những tâm niệm đầy tính nhân văn về lẽ sống và đời thơ. Bài thơ nhanh chóng chinh phục người đọc bởi âm hưởng, ngân nga mà sâu lắng, bởi năng lượng cảm xúc dồi dào truyền tải và lan tỏa tình yêu đời, yêu cuộc sống. Nhà thơ Thanh Hải đã từng viết nhiều về đất Huế quê hương, và khúc ca cuối cùng của ông cũng là khúc ca dành cho Huế.

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
73
  • Lượt tải: 157
  • Lượt xem: 247.847
  • Dung lượng: 292,1 KB
Sắp xếp theo

    Chủ đề liên quan