Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về quan điểm Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học Dàn ý & 7 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất
Nghị luận về quan điểm Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học gồm 7 mẫu hay nhất, giúp các em học sinh lớp 9 hiểu hơn về ý nghĩa, tác dụng của việc học để không ngừng cố gắng, hoàn thiện bản thân.
Câu ngạn ngữ "Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học" như một lời nhắc nhở chúng ta hãy tự tin thú nhận những điều mình chưa biết, cố gắng học tập, trau dồi kiến thức bởi việc học vô cùng quan trọng. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Nghị luận về quan điểm Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học
- Dàn ý Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học
- Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học - Mẫu 1
- Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học - Mẫu 2
- Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học - Mẫu 3
- Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học - Mẫu 4
- Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học - Mẫu 5
- Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học - Mẫu 6
- Suy nghĩ về câu nói Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học
Dàn ý Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học
I. Mở bài
- Kiến thức là vô hạn, mỗi người không thể hiểu biết tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống.
- Dẫn dắt đến quan điểm: Chính vì vậy, “Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học”.
II. Thân bài
1. Giải thích
- “Xấu hổ” là trạng thái tâm lý của con người khi cảm thấy hổ thẹn do mắc phải lỗi lầm hoặc cảm thấy thấp kém hơn người khác.
- “Không biết” được hiểu là chưa có kiến thức ở một lĩnh vực nào đó, còn “không học” là trạng thái con người không còn học hỏi, tiếp thu kiến thức.
=> Như vậy, quan điểm trên đã chỉ rõ sự khác biệt giữa việc “không biết” và “không học”. Có thể con người không thể hiểu biết được hết mọi kiến thức và điều đó không đáng phải xấu hổ. Nhưng nếu chúng ta không chịu học hỏi để bản thân hoàn thiện bản thân thì đó là điều nên cảm thấy tự hổ thẹn.
2. Chứng minh
- Tri thức của nhân loại là vô tận, mà khả năng của con người lại có hạn. Chính vì vậy không ai là có thể biết hết tất cả mọi lĩnh vực.
Ví dụ: Những nhà khoa học họ cũng chỉ thành công trên một lĩnh vực nhất định.
=> “Không biết” là một chuyện hết sức bình thường.
- Việc học tập có vai trò quan trọng với con người:
- Cung cấp kiến thức, kĩ năng.
- Giáo dục nhân cách đạo đức.
- Bước đến con đường thành công dễ dàng hơn.
=> “Không học” là thể hiện sự lười biếng và sự vô trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
3. Bình luận
- Trong thời đại khoa học - kĩ thuật bùng nổ, việc học tập trở nên dễ dàng hơn.
- Cũng có nhiều người giấu dốt, không chịu cố gắng học hỏi hoặc tự kiêu khi cho rằng bản thân đã biết nhiều thứ.
4. Liên hệ bản thân
- Đối với một học sinh thì việc học tập là quan trọng nhất.
- Mỗi học sinh cần rèn luyện ý thức tự giác học, không giấu dốt mà cần thẳng thắn nêu ra những điều mình chưa biết để hoàn thiện.
III. Kết bài
- Như vậy, quan điểm trên hoàn toàn đúng đắn.
- Mỗi người cần cố gắng học hỏi không ngừng để hoàn thiện bản thân.
Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học - Mẫu 1
Việc học và có được những hiểu biết luôn là điều mỗi người luôn luôn cố gắng và phấn đấu có được. Nhưng kiến thức của nhân loại luôn rộng lớn biết bao nhiêu, mỗi người chỉ là một giọt nước của đại dương mênh mông đó thôi. Chính vì thế phải luôn luôn cố gắng tích lũy kiến thức để có thể học hỏi thật tốt. Chính vì lượng kiến thức nhân loại lớn như vậy nên có một câu nói rất hay đó là “Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học”.
Đầu tiên ta như phải hiểu được ý nghĩa của câu đó là gì. Ta như biết được rằng chính từ “xấu hổ” ở đây như muốn nói đó chính là trạng thái tâm lí bình thường của con người khi cảm thấy ngượng ngùng, và có cả sự e thẹn hoặc hổ thẹn khi thấy kém cỏi trước người khác. Khi mình kém cỏi hơn người khác về một lĩnh vực cụ thể nhưng không có nghĩa là mình kém cỏi về nhiều lĩnh vực. Vốn tri thức của nhân loại thật rộng lớn biết bao nhiêu, cho nên mỗi người hãy học tập và tự trau dồi những kiến thức cho chính bản thân của mình.
Nói tóm lại ta như thấy được cả nghĩa cả câu ngạn ngữ trên dường như cũng đã chỉ ra sự khác nhau giữa sự “không biết” và "không học”. Quan trọng hơn câu tục ngữ đường như cũng đã đồng thời khuyên con người phải ham học hỏi và biết “xấu hổ khi không học”.
Thông qua câu tục ngữ ta như thấy được những thắc mắc nhất định, đó chính là tại sao lại nói được rằng “Đừng xấu hổ khi không biết”? Ta dường như cũng thấy được tri thức của nhân loại là vô hạn, thực sự mà nói ta như biết được rằng chính khả năng nhận thức của con người là hữu hạn. Thực sự trên trái đất này không ai có thể biết được mọi thứ, và ta cũng nên biết được không ai tự nhiên mà biết được. Con người chúng ta không biết vì chưa học là một điều bình thường, không có gì phải xấu hổ cả.
Còn ý thứ hai trong câu tục ngữ đó chính là tại sao nói được rằng “chỉ xấu hổ khi không học”? Quả thật ta như thấy được cũng chính vì việc học có vai trò rất quan trọng đối với con người trong nhận thức. Ta dường như cũng đã thấy được rằng cũng chính trong sự hình thành nhân cách, trong sự thành đạt, trong cách đối nhân xử thế và trong việc cống hiến đối với xã hội. Ta dường như thấy được nếu như ta mà không học thể hiện sự lười nhác về lao động. Bản thân của chính chúng ta dường như cũng lại bị thiếu ý chí cầu tiến, thiếu trách nhiệm với bản thân và quan trọng hơn nữa ta như thấy được chính xã hội. Thực sự ta như biết được rằng chính việc học là một nhu cầu thường xuyên, phổ biến trong xã hội từ xưa đến nay, từ việc nhỏ như câu tục ngữ các bậc tiền nhân xưa kia như cũng đã khuyên đó chính là “Học ăn, học nói, học gói, học mở” đến những việc lớn lao và thật to lớn biết bao nhiêu như “kinh bang tế thế”. Và ta dường như cũng đã thấy được ta càng đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, đồng thời ta như biết được rằng chính sự phát triển vũ bão về khoa học công nghệ như hiện nay. Việc học giúp chúng ta sống tốt hơn, đẹp hơn, và hơn hết đó cũng chính là phải được hoàn hảo hơn.
Qua câu nói ta như thấy được nó như phê phán những hiện tượng sai trái như “giấu” dốt đi. Nếu như chúng ta không dám nhìn nhận ra những sự thiếu hụt của mình thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ tiến bộ được. Thực sự để mà nói thì mỗi con người dường như mà lại muốn việc học có kết quả, cần có phương thức học tập đúng đắn, cũng như phải thật là phong phú. Việc chúng ta học ở trường, ở gia đình, ở xã hội, và học ở bạn bè, trong thực tế, trong sách vở, trong phim ảnh. Việc học ta dường như phải kết hợp với hành biến nó trở thành sức mạnh phục vụ cho cuộc sống của chính mình và xã hội, ta dường như thấy được nếu như có như vậy, việc học mới có ý nghĩa thực sự đúng đắn nhất. Chúng ta không ngại thú nhận những điều mình chưa biết để có thể mà từ đó cố gắng học tập, tích cực rèn luyện, và không ngừng vươn lên chính trong cuộc sống của mỗi chúng ta.
Việc học luôn vô cùng quan trọng, không chịu học là điều đáng xấu hổ mà thôi. Vì kiến thức nhân loại nhiều như vậy. Thì nếu như muốn sống trong xã hội hiện đại, bạn muốn hòa nhập bạn phải có kiến thức. Qua câu nói trên ta như thấy được đó cũng chính là những định ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ và những bài học mà bản thân cần ghi nhớ từ câu tục ngữ trên muốn nhắn gửi với chúng ta.
Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học - Mẫu 2
Sự học đối với mỗi con người dường như là điều tối thiểu, và là điều thúc tiến con người theo đuổi đến suốt cuộc đời. Kiến thức nhân loại là điều mênh mông, những con người phải bước qua giới hạn bản thân mà đến với nơi đó thật đáng quý. Câu tục ngữ muôn thuở đã đề cập đến nội dung ấy "Đừng xấu hổ khi không biết chỉ xấu hổ khi không học” khiến ta không thể dừng suy ngẫm, và đưa ra hướng đi cho riêng mình.
Kho tàng tri thức của nhân loại được ví như biển mênh mông, nó là sự đúc kết của lớp lớp con người, các nhà khoa học,... Chúng ta ngày ngày được lĩnh hội các kiến thức mới thông qua những người lớn, bạn bè, gia đình, trường lớp, xã hội, sách vở, internet,... đó là sự cần thiết để giúp tương lai mỗi người hoàn thiện, đẹp đẽ hơn từng ngày. Con người ta là có giới hạn so với toàn nhân loại, kiến thức của ta dẫu có nhiều đến đâu cũng bị hạn cuộc, vẫn còn thiếu sót so với những điều chưa biết ở ngoài đời kia. Câu tục ngữ đã ở đây, đề như một lời khuyên của cha ông ta khích lệ tinh thần cho con người luôn biết phấn đấu, nỗ lực không “xấu hổ” e dè khi mà không biết, không hiểu một vấn đề gì, xung quanh cuộc sống, đáng khen hơn nữa đã mạnh dạn muốn tìm lời giải đáp cho điều đó. Chỉ khi liên tục bổ sung những kiến thức mới, ham hiểu biết con người ta mới trở nên thông minh, sáng suốt hơn, dễ tiếp cận được đến sự thành công mà nhân loại cùng hướng tới.
Trong cuộc đời, có rất nhiều việc để ta phải “xấu hổ” trước người khác, nó thường gắn với những sự sai lầm của bản thân khi những hành động không đúng mực,... Sự xấu hổ không được với sự học bởi vì khi con người ta mong muốn tìm tòi, phá vỡ giới hạn của bản thân, thì làm sao ta có thể trách họ được, vì điều đó không có gì là xấu cả.
“Học” ở đây bao hàm rất rộng, ai cũng cần phải học, nếu không học ta chắc chắn sẽ bị thụt lùi so với xã hội. Thử hỏi xem nếu không tự chủ động nuôi dưỡng, ham tìm kiếm điều mới, học hỏi thì trí óc ta thui chột, mài mòn dần. Không ai muốn mình của hôm nay lại giống như hôm qua mà không có gì mới lạ, cuộc sống trở nên ngắn ngủi, phí hoài lặng lẽ trôi, lúc đó ta mới thực sự cảm thấy “xấu hổ” với những người khác, thầm trách, so sánh với người khác rằng: “Sao họ làm được mình làm không được?", “sao họ trưởng thành, chín chắn mà mình chưa?”,…
Đã có bao người nhận thức được tầm quan trọng của việc tiếp nhận sự giáo dục mà đã không ngừng nghỉ đầu tư thời gian, sức lực lao vào học và làm để tìm kiếm kiến thức bao nhiêu năm tháng đằng đẵng, để rồi đón nhận một trong vô số phần thưởng của kiến thức mang lại là tiền, phục vụ cho cuộc sống tương lai phồn thịnh của họ, của xã hội. Có những nhà khoa học, ngày đêm cần mẫn chăm chỉ sáng tạo, phát minh ra những điều mới cống hiến cho xã hội, không phải họ có sẵn tài năng bẩm sinh, nếu như họ không chịu chăm chỉ, yêu thích tìm tòi, nghiên cứu, không biết “xấu hổ” khi dám nêu ra những điều mình còn hạn chế để từ đó khắc phục thì con người đó chẳng bao giờ giỏi được, sẽ không có ngày thành công.
Trong lĩnh vực đào tạo, nhà nước và xã hội ta hiện nay đang càng ngày càng quan tâm đến việc giáo dục thế hệ học sinh, đã có nơi thường xuyên dùng những câu tục ngữ như thế này để khuyên chúng phải dám chấp nhận, vượt qua sự “xấu hổ” vốn tưởng như mặc định mỗi khi chúng có điều gì thắc mắc, dám tự tin nói, trình bày với người lớn, bạn bè để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nhìn nhận đúng giá trị, tầm hiểu biết, học thức của con người để đưa ra những biện pháp giáo dục, tìm hiểu, khích lệ chúng hăng say hơn trong việc học, phát triển kiến thức của bản thân một cách chủ động nhất.
Câu tục ngữ là một chân lý đúng đắn cho mỗi người, nó tồn tại vĩnh viễn, bất biến dù có trải qua bao nhiêu lâu. Cho ta hiểu rằng, có học ta sẽ có tất cả, ta hoàn toàn có được điều đó nhờ quá trình liên tục không ngừng nghỉ đốc thúc bản thân phải có ý thức vượt qua sự xấu hổ về những điều mình chưa biết, và không ngừng tự bồi dưỡng, trau dồi thêm những kiến thức mới, vì nếu dừng lại ta sẽ tiến gần hơn đến sự chịu đầu hàng những thất bại trong cuộc sống, luôn sống trong hối tiếc, xấu hổ thực sự vì không nâng cao được giá trị bản thân, không đóng góp được cho gia đình, xã hội.
Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học - Mẫu 3
Nếu ví kiến thức là một đại dương thì những gì con người học được chỉ là một giọt nước giữa đại dương ấy. Chính vì vậy, quan điểm: “Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học” là hoàn toàn đúng đắn.
Không phải lẽ dĩ nhiên mà từ “xấu hổ” được nhắc tới hai lần. Tuy trong hai hoàn cảnh khác nhau nhưng nó đều mang một ý nghĩa. “Xấu hổ” là một trạng thái tâm lý của con người. Đó là khi chúng ta cảm thấy hổ thẹn do mắc phải lỗi lầm hoặc cảm thấy bản thân thấp kém hơn người khác. Sự xấu hổ thông thường xuất hiện khi chúng ta so sánh bản thân mình với người khác. Với cụm từ “không biết” được dùng khi chúng ta muốn nói rằng bản thân mình chưa có kiến thức ở một lĩnh vực nào đó. Còn cụm từ “không học” được dùng để nói đến trạng thái không còn tiếp thu kiến thức mà bản thân không biết. Như vậy, câu nói trên đã chỉ rõ sự khác biệt giữa việc “không biết” và “không học”. Quan điểm trên đã cho thấy tầm quan trọng của việc học tập không ngừng.
Kho tàng tri thức của nhân loại được vun đắp qua hàng trăm triệu năm đã trở nên vô tận. Nhưng khả năng cũng như thời gian của mỗi con người lại có hạn. Điều đó khiến cho việc có những điều mà chúng ta không biết hết sức bình thường. Cho dù là một người vĩ đại như các nhà bác học, cũng có một lĩnh vực nào đó mà họ không thể hiểu được hay biết được. Việc chúng ta hiểu biết sâu trong một lĩnh vực cụ thể sẽ dễ dàng hơn là hiểu biết rộng trên mọi lĩnh vực.
Học tập chính là quá trình tiếp thu, tìm kiếm và ghi nhớ những kiến thức, kĩ năng. Con người từ khi sinh ra không phải đã biết được hết mọi thứ. Rất rõ ràng, học tập có vai trò rất lớn trong việc cung cấp kiến thức, kĩ năng mà con người chưa biết. Ngoài ra, trong quá trình học tập, chúng ta cũng được giáo dục nhân cách và rèn luyện đạo đức. Nhờ có học hỏi không ngừng mà con đường bước đến thành công trở nên dễ dàng hơn. Chính vì vậy, nếu như không học là chúng ta đang thể hiện sự vô trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Cũng giống như việc lười lao động, điều này khiến cho bản thân trở nên trì trệ và lạc hậu. Chẳng phải bây giờ con người mới ý thức được ý nghĩa của việc học. Từ xa xưa, ông cha ta đã ý thức được vai trò của việc học để rồi đưa ra lời khuyên: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Đến ngày nay, khi thời đại khoa học công nghệ phát triển, muốn học hỏi một điều gì mới cũng trở nên dễ dàng hơn. Chính vì vậy, nếu “không học” có nghĩa là tự khiến cho bản thân thua kém so với người khác. Và lẽ dĩ nhiên, tự chúng ta phải cảm thấy xấu hổ.
Câu nói trên còn cho chúng ta thấy được một hiện tượng sai trái, đó là giấu dốt. Nếu con người không dám nhìn nhận vào sự thiếu hụt của bản thân, thì sẽ không cố gắng để hoàn thiện nó. Từ đó chúng ta không thể tốt hơn mà chỉ có thụt lùi đi. Điều cần làm là phải thể hiện ra những cái mình chưa biết, để có cơ hội học hỏi không ngừng. Đối với một học sinh như tôi, chắc chắn học tập là một điều vô cùng quan trọng. Ý thức được điều đó, tôi luôn cố gắng học tập chăm chỉ khi đến lớp, cũng như tự học thêm những kiến thức bên ngoài sách vở để tăng thêm vốn hiểu biết. Để sau này, tôi có thể cảm thấy tự hào vì mình luôn cố gắng học hỏi không ngừng.
Qua phân tích trên, mỗi người dễ nhận thấy quan điểm trên là đúng đắn. Chúng ta có thể không cảm thấy xấu hổ khi không biết, nhưng hãy tự thấy xấu hổ khi không chịu học hỏi.
Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học - Mẫu 4
Có ai đã từng nói rằng: “Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học”. Quả thật, câu nói trên đã để lại trong lòng mỗi người một bài học ý nghĩa.
Trong cuộc đời của mỗi con người, có nhiều lúc chúng ta cảm thấy xấu hổ trước người khác. Đó có thể là khi ta mắc phải những lỗi lầm nào đó, hay khi làm những việc sai trái. Ở về thứ nhất “đừng xấu hổ khi không biết” là lời khuyên nhủ chúng ta không nên tự ti, xấu hổ khi bản thân không biết một kiến thức nào đó. Vì kiến thức là vô tận mà thời gian và sức lực của mỗi người là có hạn. Việc chúng ta không biết là hết sức bình thường trong cuộc sống. Ngay cả những tấm gương đã thành công trong cuộc sống, họ cũng chỉ hiểu biết sâu rộng ở một lĩnh vực cụ thể.
Nhưng nếu như chúng ta “không học” thì điều đó lại đáng xấu hổ vô cùng. Học tập là một quá trình tiếp thu và ghi nhớ kiến thức của con người. Từ xưa cho đến nay, không có bất cứ ai muốn thành công mà không phải trải qua quá trình khổ luyện của học hỏi. Chúng ta từng biết đến Mạc Đĩnh Chi - vị Lưỡng Quốc Trạng Nguyên nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Tương truyền ông mồ côi cha từ nhỏ, hàng ngày phải vào rừng chặt củi nuôi mẹ kiếm sống. Vì dáng người thấp bé, dung mạo xấu xí nên ông thường bị trêu chọc, khinh rẻ. Ngay từ khi còn nhỏ, Mạc Đĩnh Chi đã ra sức học tập vì ông biết chỉ có học vấn mới giúp ông thoát khỏi cảnh sống nghèo hèn. Với văn tài của mình, ông được Chiêu Quốc Vương nhận là môn đồ, chu cấp tiền cho ăn học thành tài. Năm 1304 đời vua Trần Hưng Tông, triều đình mở khoa thi. Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên. Khi mới đỗ nhà vua chê ông xấu, Mạc Đĩnh Chi bèn làm bài phú “Ngọc tỉnh liên” (Sen trong giếng ngọc) để tự ví mình với sen. Vua Trần Anh Tông xem rồi khen hay, sau này ông được vua cử đi sứ sang Trung Quốc và được phong là Lưỡng Quốc Trạng Nguyên. Hay như tấm gương của một con người vĩ đại - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt hành trình ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Người luôn không ngừng học hỏi từ những công việc để kiếm sống đến tiếng nói của những nước mà người từng đi qua... Và đến ngày hôm nay, thế giới biết đến tên người là nhắc tới một danh nhân văn hóa thế giới. Học tập đã giúp con người thành công. Vậy nên, khi chúng ta không chịu cố gắng học hỏi là đang thể hiện sự vô trách nhiệm với gia đình và xã hội, đặc biệt là với chính bản thân.
Trong thời đại khoa học công nghệ bùng nổ, việc học tập chưa bao giờ trở nên dễ dàng như lúc này. Nhưng vẫn có những người không chịu cố gắng học hành. Phần lớn là ở đối tượng học sinh sinh viên - những người đang giành phần lớn thời gian của mình cho công việc học tập. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chính những học sinh, sinh viên ấy. Vì có lẽ, không có con đường nào đến với thành công nhanh hơn con đường học vấn. Ngoài ra, có những hiện tượng, nhiều người vì tính sĩ diện mà giấu dốt. Họ luôn tỏ ra là mình biết tất cả mọi thứ nhưng trên thực tế lại chẳng hiểu biết được bao nhiêu. Điều đó là không nên, nếu chúng ta dám nhìn nhận thẳng vào sự thiếu hụt của bản thân để hoàn thiện mới có thể ngày càng tốt hơn.
Đối với một học sinh như tôi, chắc chắn học tập là một điều vô cùng quan trọng. Khi đọc được quan điểm trên, bản thân tôi đã thấy vô cùng tâm đắc. Ý thức được điều đó, tôi không ngại thể hiện ra những điều mà bản thân chưa biết để có cơ hội được học hỏi thêm. Trong quá trình học trên lớp, tôi cũng tích cực trao đổi với thầy cô về những vấn đề mình còn thắc mắc. Ngoài ra, tôi cũng chăm chỉ đọc sách vì sách chính là kho tri thức khổng lồ của nhân loại. Mỗi khi đọc xong một cuốn sách, tôi lại biết thêm được nhiều điều thú vị. Quả thật, nếu không biết, chúng ta còn có thể học hỏi. Nhưng nếu không học hỏi, chúng ta sẽ chẳng biết được gì.
Tóm lại, quan điểm trên đã thể hiện được tầm quan trọng của việc học tập. Và mỗi chúng ta hãy luôn ý thức được rằng: “Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc”.
Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học - Mẫu 5
Giữa kho tàng tri thức lớn của nhân loại, con người phải luôn ý thức được việc học hỏi không ngừng. Giống như quan điểm: “Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học”.
Trong câu nói trên, từ “xấu hổ” được nhắc lại tới hai lần, nhưng mang hai ý nghĩa khác nhau. Nhưng “xấu hổ” vẫn là từ dùng để chỉ một trạng thái tâm lý của con người. Chúng ta cảm thấy xấu hổ khi mắc phải lỗi lầm hoặc cảm thấy bản thân thấp kém hơn người khác. Thông thường nhất, xấu hổ xuất phát khi con người tự so sánh mình với người khác và cảm thấy bản thân: không xinh đẹp như họ, không giàu có như họ hay không thành công như họ…
Trong về câu thứ nhất “đừng xấu hổ khi không biết” muốn khuyên nhủ chúng ta không nên cảm thấy quá tự ti và xấu hổ khi bản thân không biết một kiến thức nào đó. Bởi vì, kiến thức của nhân loại quả thật quá rộng lớn. Những con người thành công trong lịch sử đa số đều được nhắc tới ở một lĩnh vực tiêu biểu. Chúng ta đều biết đến: Albert Einstein là một nhà vật lý học, Beethoven là một nhà soạn nhạc thiên tài hay Vincent Willem van Gogh là một danh họa nổi tiếng. Tất cả họ thành công chỉ ở lĩnh vực mà họ am hiểu.
Đến về thứ hai “chỉ xấu hổ khi không học” là một lời cảnh tỉnh cho những con người lười học tập. Từ xưa cho đến nay có biết bao nhiêu tấm gương hiếu học được vinh danh. Trạng Lường - Lương Thế Vinh là một trong những hiền tài nổi tiếng trong lịch sử nước ta. Là một cậu bé có tư chất thông minh, ham học hỏi, ngay từ nhỏ ông đã ham học hỏi và thích tìm tòi. Năm 20 tuổi, ông đã nổi tiếng là có học thức uyên bác. Đến năm 1463, Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên khoa thi Quý Mùi. Được vua tin tưởng, thường giao cho trọng trách soạn thảo văn từ bang giao và đón tiếp sứ thần nước ngoài. Ông hiểu biết sâu rộng, trở thành một nhà bác học khá toàn diện của Việt Nam. Ông còn dạy cho người dân nhiều thứ: từ phép cửu chương (tính nhân) tiến lên phép bình phương, cách đo bóng (đo bóng cây tính chiều cao của cây), hệ thống đo lượng đương thời (tiền, vải, thóc, gạo). Hay “cậu bé Google” - Phan Đăng Nhật Minh (THPT Hải Lăng, Quảng Trị) với khả năng trả lời nhanh và chính xác. Minh gây ấn tượng với khán giả truyền hình cả nước khi tham gia chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 17 và giành 400 điểm trong vòng thi tuần, san bằng kỷ lục 460 điểm của chương trình trong vòng thi tháng và chiến thắng thuyết phục ở vòng thi quý, trở thành nhà leo núi đầu tiên có mặt trong cuộc thi chung kết năm. Để có được thành tích như vậy, không chỉ do tài năng mà còn do việc nỗ lực học hỏi.
Sự học cũng đòi hỏi chúng ta luôn phải kiên trì, giống như Lênin đã từng nói: “Học, học nữa, học mãi”. Hay như lời của Bác Hồ từng dạy: “Chúng ta phải học, phải cố gắng học nhiều. Không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Những lời dạy này quả thật đầy thấm thía.
Khi khoa học công nghệ phát triển, con người có thể học tập một cách dễ dàng hơn. Nhưng điều đó cũng khiến nhiều người trở nên lười học hỏi hơn. Phần lớn là trong số đó là ở đối tượng học sinh sinh viên, những người đang giành phần lớn thời gian của mình cho công việc học tập. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chính những học sinh, sinh viên ấy. Vì có lẽ, không có con đường nào đến với thành công nhanh hơn con đường học vấn. Ngoài ra, có những hiện tượng, nhiều người vì tính sĩ diện mà giấu dốt. Họ luôn tỏ ra là mình biết tất cả mọi thứ nhưng trên thực tế lại chẳng hiểu biết được bao nhiêu. Điều đó là không nên, nếu chúng ta dám nhìn nhận thẳng vào sự thiếu hụt của bản thân để hoàn thiện mới có thể ngày càng tốt hơn.
Đối với một học sinh như tôi, chắc chắn học tập là một điều vô cùng quan trọng. Khi đọc được quan điểm trên, bản thân tôi đã thấy vô cùng tâm đắc. Ý thức được điều đó, tôi không ngại thể hiện ra những điều mà bản thân chưa biết để có cơ hội được học hỏi thêm. Trong quá trình học trên lớp, tôi cũng tích cực trao đổi với thầy cô về những vấn đề mình còn thắc mắc. Ngoài ra, tôi cũng tích cực đọc sách vì sách chính là kho tri thức khổng lồ của nhân loại. Mỗi khi đọc xong một cuốn sách, tôi lại biết thêm được nhiều điều thú vị. Quả thật, nếu không biết, chúng ta còn có thể học hỏi. Nhưng nếu không học hỏi, chúng ta sẽ chẳng biết được gì cả.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng học hỏi là một điều cần thiết trong cuộc sống. Những điều mà con người không biết vẫn còn rất nhiều, và chỉ khi nào chúng ta không chịu học hỏi mới phải cảm thấy xấu hổ.
Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học - Mẫu 6
Nếu chúng ta tưởng tượng kiến thức như một đại dương rộng lớn, thì những gì con người có thể học chỉ là những giọt nước bé xíu trong biển lớn đó. Chính vì điều này, câu ngạn ngữ quen thuộc "Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học" trở nên vô cùng hợp lý.
Sự lặp lại của từ "xấu hổ" trong câu nói không phải là ngẫu nhiên. Trong hai hoàn cảnh khác nhau, từ này mang ý nghĩa sâu xa. "Xấu hổ" là một trạng thái tâm lý của con người, một cảm giác ngượng ngùng khi chúng ta mắc phải sai lầm hoặc cảm thấy thấp kém so với người khác. Sự xấu hổ thường xuất hiện khi chúng ta tự so sánh bản thân với người khác. "Không biết" ám chỉ sự thiếu kiến thức trong một lĩnh vực cụ thể, trong khi "không học" ám chỉ việc từ chối tiếp thu kiến thức mới. Do đó, câu nói đã rõ ràng phân biệt giữa "không biết" và "không học" và nhấn mạnh sự quan trọng của việc không ngừng học hỏi.
Kho tàng kiến thức của nhân loại đã được xây dựng và tích luỹ trong hàng triệu năm, trở nên vô tận. Nhưng khả năng và thời gian của mỗi người có hạn. Điều này khiến cho việc không biết một điều gì đó là điều tất yếu. Ngay cả những nhà học giả vĩ đại nhất cũng có lĩnh vực mà họ không thể hiểu rõ hoặc biết hết. Việc hiểu biết sâu về một lĩnh vực cụ thể thường dễ dàng hơn so với việc biết rộng trên nhiều lĩnh vực.
Học tập là quá trình tiếp thu, tìm hiểu và ghi nhớ kiến thức và kỹ năng. Con người không sinh ra đã biết mọi thứ. Học tập chính là cách chúng ta cung cấp kiến thức và kỹ năng mà chưa biết. Ngoài ra, trong quá trình học tập, chúng ta cũng được giáo dục về nhân cách và đạo đức. Nhờ việc không ngừng học hỏi mà con người có cơ hội phát triển và thành công dễ dàng hơn. Do đó, nếu chúng ta từ chối học tập, chúng ta đang tự tạo ra sự bất trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Việc không học cũng tương đương với lười biếng, khiến bản thân trở nên lặn hậu và kém phát triển. Không còn lý do nào khiến con người không nhận ra tầm quan trọng của việc học. Từ thời xa xưa, lời khuyên của ông cha ta "Học ăn, học nói, học gói, học mở" đã truyền đạt tầm quan trọng của việc học hỏi. Ngày nay, trong thời đại của công nghệ và thông tin, việc học hỏi trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Do đó, nếu chúng ta từ chối học tập, chúng ta tự làm mình thua kém so với người khác. Và tất nhiên, chúng ta phải cảm thấy xấu hổ vì điều đó.
Câu nói này không chỉ phản ánh sự khác biệt giữa "không biết" và "không học", mà còn chỉ ra sự sai trái của việc giấu dốt. Nếu chúng ta không dám thừa nhận sự thiếu hụt của mình, chúng ta sẽ không bao giờ nâng cao được bản thân. Chúng ta cần mở cửa lòng mình, thừa nhận những điều chúng ta chưa biết để có cơ hội học hỏi không ngừng. Với một người học sinh, việc học tập là điều vô cùng quan trọng. Ý thức về điều này khiến tôi luôn nỗ lực học hỏi khi ở trường và tự học thêm kiến thức ngoài giờ học để mở rộng tầm hiểu biết của mình. Điều này giúp tôi tự hào về việc luôn không ngừng học hỏi và phát triển bản thân. Qua tất cả những điều này, chúng ta có thể thấy rằng việc học hỏi không ngừng không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của mỗi người.
Suy nghĩ về câu nói Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học
Con người ta có thể phân hơn thua nhau ở học vấn, trình độ một cách rạch ròi, nhưng khó thể chắc rằng hiểu biết hơn nhau, bởi tri thức của nhân loại là vô tận, có vô vàn thứ trên đời mà có người biết về lĩnh vực này, người lại biết về lĩnh vực khác, khó có thể so bì. Chính vì vậy, chúng ta không ngại việc không biết cái người ta đã biết, chỉ ngại ta không chịu học để biết được cái đó, người xưa đã có câu "Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học". Tri thức vô biên của nhân loại đang chờ đợi chúng ta tìm đến, ai cũng phải học mới biết đến chúng, chúng ta không thể trách mình không biết, chỉ trách bản thân chúng ta không chịu học.
"Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học", trong câu nói này, "xấu hổ" được nhắc đến trong hai hoàn cảnh khác nhau nhưng lại cùng mang một ý nghĩa, đó là một trạng thái của cảm xúc tự thấy khó chịu, thẹn thùng trước một điều gì đó, các cảm xúc này thường liên quan đến những đánh giá, nhận xét tiêu cực về bản thân hoặc tự bản thân nhận thấy kém cỏi hơn so với những người khác. Sự xấu hổ thường bắt nguồn từ việc so sánh hành động của bản thân với tiêu chuẩn của bản thân hay tiêu chuẩn của bối cảnh xã hội đương thời. Trong câu nói, "không biết" được hiểu là kém hiểu biết, chưa có kiến thức về một vấn đề, lĩnh vực nào đó, "không học" là trạng thái không muốn tìm hiểu, học hỏi và tiếp thu tri thức, kiến thức. Như vậy, câu nói trên đã chỉ ra rõ sự khác nhau giữa không biết và không học, không nên xấu hổ nếu không biết, nhưng đã không học thì nên xấu hổ, đồng thời nhắc nhở con người về ý nghĩa của việc học, đừng để bản thân phải xấu hổ vì không học. Vậy tại sao lại "đừng xấu hổ khi không biết"? Thực ra rất dễ hiểu, bởi tri thức của nhân loại suốt hàng nghìn năm nay rất bao la vô tận, ngược lại khả năng nhận thức và tiếp thu của con người lại có hạn, không ai có thể biết hết được tất cả những tri thức. Con người cũng không tự nhiên nắm được tri thức nếu không học, tri thức không tự đi vào đầu nếu con người không tiếp thu, ghi nhớ và học hỏi, nếu chưa học thì điều dĩ nhiên là chưa biết, và đó là một điều phù hợp với lẽ tự nhiên, không có gì khiến ta phải xấu hổ. Nhưng đặt vào trường hợp không học, quả thực chúng ta rất đáng phải tự xấu hổ về bản thân mình. Học là quá trình tự tìm kiếm, thu nhận và tiếp thu tri thức, nó có vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thiện con người và đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Toàn bộ những tri thức của nhân loại đều có thể tiếp thu được nếu con người chịu học hỏi, chỉ khi không học mới nằm ngoài luồng tri thức, khi người ta đã học và biết đến còn ta vì không học mà "mù thông tin", "mù tin tức" đó mới là lỗi ở chính ta, ta phải xấu hổ vì bản thân quá lười nhác, không có ý thức học tập. Việc chúng ta không học đồng nghĩa với việc chúng ta mãi tụt hậu, không có sự tiến bộ, không theo kịp được xu thế của xã hội thì sớm muộn chúng ta cũng bị đào thải bởi xã hội. Bản thân chúng ta muốn phát triển, cầu tiến và có tương lai xán lạn, bắt buộc phải không ngừng học tập, nếu không học là ta đang vô trách nhiệm với chính mình. Xã hội đang thay đổi từng ngày, nếu ta không học cũng không thể biết được tầm hiểu biết của mình đến đâu, đang thiếu sót những gì và cần phải học tập thêm những gì. Khi không biết cái gì phải học cái đó, không được bỏ qua, không được giấu dốt, tuy nhiên, cũng phải biết lựa chọn cái hay, cái tốt để học tập, tránh học tập những thứ tiêu cực, đồi bại và vô văn hóa. Có nghĩa là phải học tập một cách có chọn lọc, có phương pháp và toàn diện.
Câu tục ngữ như một lời động viên và nhắc nhở chúng ta hãy tự tin thú nhận những thứ mình chưa biết và phải cố gắng học tập để tìm đến với những thứ đó. Người học sinh chúng ta đang được đặt trên vai nghĩa vụ học tập cao cả, nếu như không chịu học tức là chối bỏ nghĩa vụ đó, khi ấy chính chúng ta khiến mình phải xấu hổ với bạn bè, thầy cô, có lỗi với chính mình, gia đình và xã hội.
- Lượt tải: 104
- Lượt xem: 110.764
- Dung lượng: 409,6 KB