Văn mẫu lớp 9: Cảm nhận khổ cuối bài Sang thu của Hữu Thỉnh Dàn ý & 7 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất

Cảm nhận khổ cuối Sang thu tuyển chọn 7 mẫu hay nhất, kèm dàn ý chi tiết, giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ những cảm nhận tinh tế về mùa thu, cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước cùng tầm tư duy sâu sắc của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Sang thu

Khổ cuối Sang thu, còn cho ta thấy rõ những chiêm nghiệm rất riêng về cuộc đời mà nhà thơ Hữu Thỉnh muốn gửi gắm. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để có thêm thật nhiều ý tưởng mới, ngày càng học tốt môn Văn 9:

Dàn ý cảm nhận khổ thơ cuối Sang thu

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm: Hạ qua thì thu đến. Thu đến mang theo những cảm xúc bất chợt để lại trong lòng người đọc những bồi hồi, xao xuyến về một mùa thu nồng nàn, êm ái. Tất cả những điều đó đã được Hữu Thỉnh thể hiện rất thành công qua khổ cuối bài thơ “Sang thu

2. Thân bài

- Mở đầu khổ thơ vẫn là cái nắng, vẫn là cơn mưa mùa hạ nhưng tất cả đang “với dần”, đang ngày một nhạt đi.

- Mùa hạ như đang níu kéo lại chút không gian cho chính mình nhưng rồi cũng phải giật mình nhận ra rằng thu đã đến và mùa hạ phải nhường chỗ chu thu để đến một chân trời khác.

- Ở hai câu thơ tiếp theo, bằng nghệ thuật ẩn dụ sâu sắc, Hữu Thỉnh đã kết thúc khổ thơ qua hai câu văn thấm đẫm triết lý đáng để ta phải suy ngẫm

- “Sấm” - là hiện tượng quen thuộc của thiên nhiên xuất hiện trước hoặc trong cơn mưa lớn, “cây đứng tuổi” - theo nghĩa dễ hiểu nhất thì đó chỉ là những cái cây đã nhiều tuổi vì sống lâu năm.

-> Từ hai hình ảnh quen thuộc đó, tác giả muốn gửi đến người đọc những chiêm nghiệm, triết lí về cuộc đời.

+ “Sấm” ở đây vừa là một hiện tượng tự nhiên vừa là những thăng trầm, sóng gió của cuộc đời.

+ Còn “hàng cây đứng tuổi” - tức chỉ người từng trải, những con người đã nếm được hết mùi vị ngọt ngào, cay đắng, mặn mà hay chua chát của cuộc sống. Họ là người đã đủ trưởng thành để vượt qua những sóng gió của cuộc đời.

3. Kết bài

Qua bốn câu thơ ta vừa thấy được khả năng quan sát tinh tế vừa thấy được ngòi bút tài năng của tác giả. Đó cũng là lí do khiến “Sang thu” luôn có một chỗ đứng nhất định trong lòng người đọc.

Cảm nhận khổ cuối Sang thu

Cuối hạ đầu thu luôn là thời khắc giao mùa khiến lòng người chất chứa biết bao những cảm xúc bồi hồi, xao xuyến. Mỗi phút trôi qua dù mong manh là thế nhưng vẫn chứa đựng tình cảm lưu luyến khó quên. Dòng cảm xúc bất tận ấy đã được Hữu Thỉnh nắm bắt và thể hiện dưới ngòi bút tài hoa của mình qua bài thơ Sang thu. Đặc biệt, trong khổ thơ cuối của bài thơ, tác giả đã cho thấy tài năng quan sát thiên nhiên mùa thu tinh tế của mình.

"Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Giống như mùa hạ, mùa thu vẫn còn ánh nắng rực rỡ ngập tràn. Nhưng những cơn mưa đã bắt đầu vơi dần đi. Cái nắng gay gắt hay những cơn mưa bất chợt và dồn dập của mùa hạ giờ chỉ còn xuất hiện ít ỏi. Dường như mùa hạ còn luyến tiếc, vương vấn không nỡ rời đi, nó còn muốn lưu lại chút nắng, chút mưa như là hương vị của mình vào đất trời. Nhưng rồi mùa hạ cũng đành chấp nhận một hiện thực rằng nó phải rời đi để nhường chỗ cho thu tới. Mùa thu mang đến cho cảnh vật một hình ảnh mới bằng những đặc trưng riêng của nó.

"Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi"

Sấm sét là một hiện tượng thời tiết tự nhiên. Sấm sét thường xuất hiện sau những cơn mưa. Hàng cây cổ thụ là chỉ những hàng cây lâu năm. Đó là một mô tả thực tế của thiên nhiên. Sau mưa, sấm sét thường xuất hiện ở những cây to, lá rộng - thường là cây cổ thụ. Mùa thu, tiếng sấm không còn tinh nghịch nữa mà đã giảm đi, bởi nó biết rằng mùa thu là thời gian của sự yêu thương, của sự dịu dàng, nhẹ nhàng, êm ả. Nhưng có lẽ đây không phải là ẩn ý duy nhất mà Hữu Thỉnh muốn gửi gắm. Đằng sau lớp ý nghĩa thực này chứa đựng của một tầng ý nghĩa sâu sắc, triết lý sâu xa. Sấm sét và mưa đại diện cho bão tố và khó khăn. Ở đây tác giả dùng hình ảnh "hàng cây" gợi sự liên kết. Hàng cây đứng tuổi là ẩn dụ cho cả một thế hệ, ý nói những người đã đi hết nửa cuộc đời và nếm trải bao đắng cay ngọt bùi mà cuộc đời mang đến cho họ. Chính những trải nghiệm đó đã khiến họ trở nên kiên cường, mạnh mẽ, có thể chống chọi với giông bão, khó khăn, không còn bị lung lay, lay chuyển bởi những tiếng "sấm sét" ồn ào. Với tầm nhìn xa rộng, Hữu Thỉnh muốn gửi gắm vào tác phẩm của mình là tình yêu đất nước thiết tha, nồng nàn, ông bày tỏ lòng ngưỡng mộ, biết ơn của mình, ca ngợi sức mạnh dũng cảm, bất khuất kiên cường và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong những năm tháng đấu tranh gian khổ vì độc lập, tự do và hòa bình của dân tộc. Đoạn thơ trên chứa đựng một cái nhìn sâu sắc về cuộc đời, giống như mùa thu êm đềm tĩnh lặng, con người không bao giờ chết khi chiều muộn đến sau bao năm giông bão đã qua, thật bình tĩnh và nhẹ nhàng để cảm nhận và suy nghĩ.

Chỉ với những câu thơ ngắn, từ ngữ giản dị và bản chất của tâm hồn lãng mạn, Hữu Thỉnh đã vẽ nên một bức tranh mùa thu độc đáo. Linh hồn thực sự của trái đất, hương thơm của thiên đường trên trái đất. Trong khổ thơ trên, Hữu Thỉnh còn đưa vào đó một quan điểm nhân sinh sâu sắc, cũng như mùa thu yên bình, tĩnh lặng, con người ta khi đã trải qua những năm tháng bão giông sẽ chẳng còn những bồng bột, thật bình thản và nhẹ nhàng để cảm nhận và suy tư.

Cảm nhận khổ thơ cuối bài Sang thu - Mẫu 1

Hữu Thỉnh là một nhà thơ trưởng thành từ quân đội. Thơ ông nhẹ nhàng sâu lắng ông mang đến cho người đọc bao cảm xúc bâng khuâng, vấn vương trước đất trời trong trẻo. Ông viết nhiều về những con người ở nông thôn, về mùa thu đặc biệt là bài thơ Sang thu đó là sự chuyển biến nhẹ nhàng giữa mùa hạ và mùa thu được tác giả gợi lên bằng những hình ảnh quen thuộc.

Tiêu biểu là khổ thơ cuối của bài thơ tác giả đã cho người đọc thấy được những suy ngẫm mang tính triết lý về mùa thu về đời người:

"Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Hình ảnh mùa thu hiện ra đậm đà hơn. Vẫn là nắng mưa sấm chớp của mùa hạ nhưng mức độ là khác nhau nó đã giảm dần, nhạt dần qua hai cụm từ "vẫn còn" và "vơi dần". Nắng ở đây vẫn còn nhưng không gay gắt như đầu mùa hạ hay mưa cũng vơi dần đi không còn rào rào xối xả mà thay vào đó là sự nhẹ nhàng còn lại của mùa hạ đón chào mùa thu. Nếu hai câu thơ trước là hình ảnh mang nghĩa tả thực, thì hai câu thơ cuối còn là hình ảnh ẩn dụ ấn tượng, giàu ý nghĩa. Về nghĩa tả thực, hình tượng sấm là hiện tượng thường xuất hiện trước và sau những cơn mưa lớn trong mùa hạ, cây đúng tuổi là những cây già đã sống lâu năm thân to sần sùi cao lớn nhưng dưới con mắt của Hữu Thỉnh nó không chỉ đơn giản đến vậy.

Sấm trong thơ ông chỉ những thăng trầm gian nan của cuộc đời, những khó khăn vất vả giúp chúng ta trưởng thành hơn trong cuộc đời vững vàng hơn còn cây đứng tuổi chỉ những con người từng trải, đã được ném bao nhiêu mùi vị của cuộc đời: mặn, ngọt, đắng, cay của cuộc đời và tất nhiên những con người ấy khi trải qua những khó khăn ấy sẽ không còn vấp ngã lung lay trước sóng gió của cuộc đời.

Hai câu thơ trên tác giả còn muốn gửi gắm đến người đọc ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường, mạnh mẽ chống giặc của dân tộc ta quyết tâm bảo vệ bờ cõi nước nhà.

Qua bài thơ người đọc thấy rõ được sự tinh tế của nhà thơ về sự chuyển đổi của trời đất giữa cuối hạ và đầu thu đồng thời ông còn muốn gửi gắm đến mọi người những triết lý sâu xa về mùa thu về cuộc đời.

Cảm nhận khổ thơ cuối bài Sang thu - Mẫu 2

Mùa thu mang một nét độc đáo cùng những dư vị, cảm xúc trầm buồn, bởi vậy mà có biết bao thi nhân đều rung động trước thu, và viết về thu bằng những hồn thơ đẹp đẽ với tấm lòng yêu thương, trân quý nhất. Hữu Thỉnh cũng đã dành cho thu nhiều thương yêu như thế qua bài thơ " Sang thu". Bài thơ không chỉ khắc hoạ vẻ đẹp của một bức tranh về thiên nhiên thu mà hơn thế còn mang đến cả những chiều sâu về triết lý qua cảnh vật thu, đặc biệt, khổ cuối bài thơ là một khổ thơ hay, đã kết tinh nhiều chiêm nghiệm sâu sắc:

"Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Thu vừa sang nên nhưng dư vị của hạ vẫn còn đó, chỉ có điều nó nhạt dần hơn. Nắng hạ vẫn còn sót lại, vương trên trời thủ thứ ánh sáng mê hoặc, nó không chói chang, không nóng nực như những ngày chính hạ, nắng thu dịu nhẹ, buông xuống dưới hàng cây lọt vào từng kẽ lá ánh vàng rạng rỡ, kiều diễm lạ thường. Những cơn mưa không còn nhiều và nặng hạt nữa, mưa thu mang đến sự nhẹ nhàng ru thiên nhiên và lòng người bằng những tiếng tí tách dịu êm. Mưa vơi dần, nắng cũng nhạt dần nhưng chưa hết hẳn, bởi vậy mà khi bầu trời từ hạ chuyển mình sang thu cũng là lúc mà lòng người dâng lên bao nỗi niềm thương nhớ và cả bao nỗi suy tư:

Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi

Những tiếng sấm khi những cơn mưa đến bao giờ cũng khiến ta không khỏi giật mình, hoảng sợ. Sấm chính là một hiện tượng của thời tiết báo hiệu cơn mưa sắp tới. Những hàng cây đã trưởng thành, khôn lớn, trải qua những mưa nắng, giông bão của thời tiết cũng trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều. Nó không còn bất ngờ với những tia sấm, ánh chớp trên bầu trời rộng lớn kia, nó vẫn đứng hiên ngang trên hành trình phát triển của mình. Bằng nghệ thuật nhân hoá, Hữu Thỉnh đã khiến cho thiên nhiên thu trở nên sinh động, có hồn hơn rất nhiều.

Bên cạnh ý nghĩa thực, khổ thơ cuối còn mang đến cho ta những tầng nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Phải chăng "sấm" kia là những phong ba, bão tố, những thách thức, sóng gió, khó khăn trong cuộc đời mỗi chúng ta. Sấm bất chợt đến không ai biết trước cũng chẳng ai ngờ tới, chỉ là khi còn người ta đã trưởng thành hơn, chín chắn hơn họ sẽ không còn bất ngờ hay sợ hãi với những điều như thế. Khi người ta không còn trẻ nữa, khi mà những trải nghiệm trong cuộc sống đưa đến cho con người những kinh nghiệm và bản lĩnh, tạo cho họ sự vững vàng trong ý chí, dày dặn trong cách nhìn nhận và bình tĩnh hơn trong cách đối diện. Những sự bất ngờ những biến cố không còn khiến lòng người hoang mang nữa, họ chấp nhận và đối diện một cách an nhiên hơn.

Sâu hơn nữa, qua đó, ta còn thấy được hình ảnh của một dân tộc Việt Nam kiên cường, hiên ngang, dũng cảm trong những trận đánh của quân thù, của bè lũ cướp nước giành lại quê hương, Tổ quốc cho dân tộc.

Bốn câu thơ thật nhẹ nhàng mà sao khiến lòng người nhiều nghĩ suy đến thế. Phải chăng, chính tác giả cũng đang suy ngẫm về cuộc đời và con người, về những gì mà một đất nước anh hùng đã trải qua. Vẫn tin rằng sau này và mãi mãi, hồn thơ thu sẽ của Hữu Thỉnh mãi nuôi dưỡng tâm hồn ta trong suốt cuộc hành trình đến với văn học, với đời sống.

Cảm nhận khổ thơ cuối bài Sang thu - Mẫu 3

Sang thu là bài thơ ngũ ngôn của Hữu Thỉnh, từng được nhiều người ưa thích, gồm có ba khổ thơ; mỗi khổ thơ bốn câu là một nét thu đẹp êm đềm của đất trời, tạo vật trong buổi đầu thu - thu mới về, thu chợt đến. Và cái cảm nhận và suy ngẫm của nhà thơ khi nhìn cảnh vật trong những ngày đầu thu:

"Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Nắng, mưa, sấm, những hiện tượng của thiên nhiên trong thời điểm giao mùa: mùa hạ - mùa thu được Hữu Thỉnh cảm nhận một cách tinh tế. Các từ ngữ: “vẫn còn", “đã vơi dần”, “cũng bớt bất ngờ" gợi tả rất hay thời lượng và sự hiện hữu của sự vật, của thiên nhiên như nắng thu, mưa thu, tiếng sấm buổi đầu thu. Mùa hạ như còn níu giữ. Nắng, mưa, sấm mùa hạ như còn vương vấn mùa thu, vương vấn hàng cây và đất trời. Nhìn cảnh vật sang thu buổi giao mùa, từ ngoại cảnh ấy mà nhà thơ suy ngẫm về cuộc đời. “Sấm" và “hàng cây đứng tuổi'' là những ẩn dụ tạo nên tính hàm nghĩa của bài Sang thu. Nắng, mưa, sấm là những biến động của thiên nhiên, còn mang ý nghĩa tượng trưng cho những thay đổi, biến đổi, những khó khăn thử thách trong cuộc đời. Hình ảnh “hàng cây đứng tuổi" là một ẩn dụ nói về lớp người đã từng trải, được tôi luyện trong nhiều gian khổ, khó khăn:

Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.

Hữu Thỉnh viết bài thơ Sang thu vào đầu những năm 80 của thế kỉ trước. Lúc bấy giờ, đất nước ta tuy đã được độc lập và thống nhất, nhưng đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách mới về kinh tế, về xã hội. Hai câu kết bài thơ mang hàm nghĩa khẳng định bản lĩnh cứng cỏi và tốt đẹp của nhân dân ta trong những năm tháng gian khổ, khó khăn ấy.

Sang thu là một bài thơ hay của Hữu Thỉnh, được in trong tập thơ Từ chiến hào tới thành phố xuất bản vào tháng 5 - 1985. Bao cảm xúc dâng đầy, những vần thơ đẹp, hữu tình, nên thơ. Nhà thơ không sử dụng bút màu để vẽ nên những cảnh thu, sắc thu rực rỡ. Chỉ là một số nét chấm phá, tả ít mà gợi nhiều nhưng tác giả đã làm hiện lên cái hồn thu thanh nhẹ, trong sáng, êm đềm, mênh mang… đầy thi vị.

Cảm nhận khổ thơ cuối bài Sang thu - Mẫu 4

Cuối hạ, thu đến mang theo những cảm xúc bất chợt để lại trong lòng ai những bồi hồi, xao xuyến về một mùa thu nồng nàn, êm ái. Ngày hạ đi để nhường chỗ cho nàng thu dịu dàng bước tới, sự chuyển mình giữa hai mùa thật nhẹ nhàng và ngập ngừng như lưu luyến, vấn vương một cái gì đó của thời đã qua.

Khoảnh khắc ấy thật đẹp, nhưng không phải ai cũng dễ dàng nhận thấy. Riêng nhà thơ Hữu Thỉnh thì khác, ông đã có một cái nhìn thật tinh tường, một cảm nhận thật sắc nét và một cách sống hòa hợp với thiên nhiên nên mới có thể vẽ lại bức tranh in dấu sự chuyển mình của đất trời qua bài thơ “Sang Thu” - linh hồn của cả bài thơ chỉ vẻn vẹn trong hai từ thế thôi, song ý nghĩa sâu sắc chất chứa trong hai từ ngắn ngủi ấy lại không hề ít. Và có lẽ những ý nghĩa đó, lại tập trung nhiều hơn vào khổ thơ cuối bài:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Mở đầu khổ thơ vẫn là nắng và mưa của mùa hạ đấy thôi, nhưng chỉ là “vẫn còn” và “vơi dần”, tất cả ngày một nhạt đi, chứ không như cái nắng gay gắt, chói chang cùng cơn mưa ào, xối xả của một mùa hạ sôi động nữa. Dường như vẫn còn luyến tiếc lắm, nhưng cuối cùng hạ vẫn phải chấp nhận rằng: “thu sang” và hạ phải đến một chân trời khác. Bằng nghệ thuật ẩn dụ sâu sắc, Hữu Thỉnh đã kết thúc khổ thơ qua hai câu văn thấm đẫm triết lý đáng để ta phải suy ngẫm:

“Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.”

“Sấm” - đơn thuần là một hiện tượng đặc trưng của mùa hạ khi trước và sau cơn mưa lớn, “cây đứng tuổi” - theo nghĩa dễ hiểu nhất thì đó chỉ là những cái cây đã nhiều tuổi vì sống lâu năm. Nhưng điều mà Hữu Thỉnh muốn gửi đến chúng ta đâu chỉ là những điều giản đơn đến thế, mà “sấm” ở đây cũng được xem là những thăng trầm, sóng gió của vòng đời luôn thay đổi và qua những gian nan, thử thách ấy, con người cũng sẽ đổi thay một cách mạnh mẽ hơn và vững vàng hơn. Hình ảnh “hàng cây đứng tuổi” - tức chỉ người từng trải, những con người đã nếm được hết mùi vị ngọt ngào, cay đắng, mặn mà hay chua chát của cuộc sống, và tất nhiên khi họ đã trải nghiệm qua những khó khăn đó, thì giờ đây sẽ không phải rơi vào tình thế xao động hay lung lay trước những biến cố của vòng xoáy cuộc đời nữa. Nhìn sâu hơn qua hai câu thơ trên, Hữu Thỉnh cũng muốn nói lên sức mạnh của dân tộc Việt Nam thật kiên cường và bất khuất, thật dũng cảm và mạnh mẽ chống lại bọn giặc ngoài xâm để gửi trọn niềm tin yêu đến Tổ quốc, quê hương và bảo vệ bờ cõi nước nhà.

Từ bao nỗi suy tư của mình, Hữu Thỉnh đã góp phần làm cho cả bài thơ và khổ thơ cuối thêm nhiều ý nghĩa sâu sắc, in dấu trong lòng người đọc một ấn tượng khó phai mờ về một mùa thu tha thiết, nồng hậu và cả mùa hạ sôi động của dĩ vãng nữa. Cũng chính vì lẽ đó, mà ta cảm thấy yêu thiên nhiên hơn, yếu cái giao mùa và sự chuyển biến của đất trời trên quê hương mình, cũng như yêu vòng tuần hoàn máu chạy khắp cơ thể qua chính con tim này!

Cảm nhận khổ thơ cuối bài Sang thu - Mẫu 5

Hạ qua thì thu đến. Thu đến mang theo những cảm xúc bất chợt để lại trong lòng người đọc những bồi hồi, xao xuyến về một mùa thu nồng nàn, êm ái. Tất cả những điều đó đã được Hữu Thỉnh thể hiện rất thành công qua khổ cuối bài thơ “Sang thu”:

"Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Mở đầu khổ thơ vẫn là cái nắng, vẫn là cơn mưa mùa hạ nhưng tất cả đang “với dần”, đang ngày một nhạt đi. Nắng đã không còn chói chang, mưa cũng không xối xả như những ngày hè. Mùa hạ như đang níu kéo lại chút không gian cho chính mình nhưng rồi cũng phải giật mình nhận ra rằng thu đã đến và mùa hạ phải nhường chỗ chu thu để đến một chân trời khác. Tác giả đã chọn hai hình ảnh đặc trưng nhất của mùa hạ để chào đón mùa thu. Đó phải chăng vừa là sự lưu luyến mùa hạ vừa là báo hiệu rõ ràng nhất rằng thu đang về?

Ở hai câu thơ tiếp theo, bằng nghệ thuật ẩn dụ sâu sắc, Hữu Thỉnh đã kết thúc khổ thơ qua hai câu văn thấm đẫm triết lý đáng để ta phải suy ngẫm:

“Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.”

“Sấm” - là hiện tượng quen thuộc của thiên nhiên xuất hiện trước hoặc trong cơn mưa lớn, “cây đứng tuổi” - theo nghĩa dễ hiểu nhất thì đó chỉ là những cái cây đã nhiều tuổi vì sống lâu năm. Từ hai hình ảnh quen thuộc đó, tác giả muốn gửi đến người đọc những chiêm nghiệm, triết lí về cuộc đời. “Sấm” ở đây vừa là một hiện tượng tự nhiên vừa là những thăng trầm, sóng gió của cuộc đời. Còn “hàng cây đứng tuổi” - tức chỉ người từng trải, những con người đã nếm được hết mùi vị ngọt ngào, cay đắng, mặn mà hay chua chát của cuộc sống. Họ là người đã đủ trưởng thành để vượt qua những sóng gió của cuộc đời.

Ở đoạn thơ cuối Hữu Thỉnh đã liệt kê hàng loạt những đặc trưng của mùa hạ để thể hiện sự chuyển mình của đất trời. Cái hay của nhà thơ là ông không hề miêu tả cảnh sắc trời thu nhưng vẫn khiến người đọc cảm nhận được thu đang đến rất gần.

Qua bốn câu thơ ta vừa thấy được khả năng quan sát tinh tế vừa thấy được ngòi bút tài năng của tác giả. Đó cũng là lí do khiến “Sang thu” luôn có một chỗ đứng nhất định trong lòng người đọc.

Cảm nhận khổ thơ cuối bài Sang thu - Mẫu 6

Mùa thu là đề tài miên viễn của thơ ca, nhạc họa. Thi nhân xưa viết về mùa thu thường gợi lên trầm mặc, thanh tịnh: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/Một chiếc cần câu bé tẻo teo” (Nguyễn Khuyến). Đến với thơ ca hiện đại, bức tranh mùa thu không chỉ tả cảnh mà còn đậm chất triết lí, suy tư. Điều này được thể hiện qua khổ thơ cuối của “Sang thu” – Hữu Thỉnh.

"Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Ở đây, nhà thơ sử dụng nghệ thuật đối rất tài tình giữa “Vẫn còn” và “vơi dần” để tái hiện sự vận động trái chiều của các hiện tượng tự nhiên. Vẫn là nắng, mưa mùa hạ nhưng đã bớt gay gắt, dữ dội. Những từ chỉ mức độ được sắp xếp theo thứ tự giảm dần đem đến cho người đọc những hình dung cụ thể hơn về sự xuất hiện của mùa thu. Khi thu đến, những tiếng sấm cũng nhỏ lại, không còn đủ sức làm rung động đất trời, cây cối. Hoặc ta cũng có thể rằng hàng cây ấy đã “đứng tuổi”, trải qua nhiều lần giông tố nên không còn thảng thốt, sợ hãi trước những đợt sấm rền. Phải chăng vẻ trầm lặng của hàng cây kia cũng chính là sự sâu sắc, điềm đạm của con người khi đã trở nên dạn dĩ với những sóng gió trong đời?

Không chỉ câu thơ cuối mà tất cả các hình ảnh thiên nhiên trong bài đều gợi ra dáng vẻ con người trong những thời khắc khác nhau của cuộc đời. Con người từng trải ở độ tuổi xế chiều đã mất đi vẻ sôi nổi, táo bạo nhưng lại chín chắn, trưởng thành, biết chiêm nghiệm hơn. Lòng ta vừa quyến luyến, bịn rịn những gì đã qua nhưng cũng cần gấp gáp, vội vã hòa nhịp với cuộc sống mới. “Mỗi con người là một tiểu vũ trụ”. Với bài thơ “Sang thu”, “tiểu vũ trụ” của tác giả đã hòa hợp với vũ trụ rộng lớn của trời đất.

Khổ thơ cuối thể hiện những cảm nhận tinh tế của tác giả về mùa thu, cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước cùng tầm tư duy sâu sắc của nhà thơ Hữu Thỉnh. Để làm nên sự thành công của tác phẩm, nhà thơ đã sử dụng thể thơ năm chữ với nhiều hình ảnh thơ gần gũi mà giàu sức gợi, ngôn ngữ trong sáng cùng các biện pháp nhân hóa, ẩn dụ. Tác phẩm khép lại nhưng những dư vị, âm vang của mùa thu vẫn ngân mãi trong lòng người đọc.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 163
  • Lượt xem: 58.784
  • Dung lượng: 287,8 KB
Sắp xếp theo

    Chủ đề liên quan