Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về đức tính chăm chỉ (Sơ đồ tư duy) 2 Dàn ý & 13 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất

Chăm chỉ là một đức tính tốt đẹp mà con người ai cũng cần rèn luyện. Với 13 bài Nghị luận về đức tính chăm chỉ hay nhất dưới đây, sẽ giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn ý nghĩa, vai trò của đức tính chăm chỉ.

Chăm chỉ

Chăm chỉ là luôn luôn nỗ lực học tập, lao động không ngừng nghỉ, sẵn sàng tìm tòi, mày mò những điều mới mẻ, cố gắng hơn người khác trong cuộc sống để đạt được những thành công đáng tự hào. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để ngày càng học tốt môn Văn 9.

Sơ đồ tư duy nghị luận về đức tính chăm chỉ

Sơ đồ tư duy nghị luận về đức tính chăm chỉ

Dàn ý nghị luận về đức tính chăm chỉ

Dàn ý 1

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: đức tính chăm chỉ cần cù.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

Chăm chỉ cần cù: nỗ lực học tập, lao động không ngừng nghỉ; luôn sẵn sàng tìm tòi, mày mò những điều mới mẻ, cố gắng hơn người khác trong cuộc sống → là một đức tính tốt đẹp mà con người ai cũng cần rèn luyện.

b. Phân tích

- Biểu hiện của người chăm chỉ cần cù:

Luôn nỗ lực vươn lên trong học tập, trong cuộc sống, tích cực trau dồi bản thân theo chiều hướng tốt đẹp để trở thành một công dân tốt, có ích cho xã hội.

Biết giúp đỡ mọi người xung quanh từ việc nhỏ đến việc lớn trong khả năng của mình: phụ giúp cha mẹ công việc nhà, giúp đỡ bạn bè, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Biết sắp xếp cuộc sống cá nhân của mình, có thời gian biểu hợp lí, không lãng phí thời gian vào những việc vô ích, luôn khiến bản thân mình bận rộn.

- Ý nghĩa của việc chăm chỉ cần cù:

Giúp bản thân ta tốt lên, trau dồi được nhiều đức tính tốt đẹp khác cũng như hoàn thiện mình theo chiều hướng tích cực hơn.

Cần cù chăm chỉ sẽ giúp con người tiến xa hơn trong cuộc sống, sẽ giúp ta hoàn thành công việc một cách tối ưu và khi tối ưu hóa được cuộc sống thì cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Sống cần cù chăm chỉ sẽ góp phần lan tỏa những thông điệp tốt đẹp ra cộng đồng, sẽ giúp cho cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy những dẫn chứng về những con người chăm chỉ, cần cù, biết vươn lên trong cuộc sống để minh họa cho bài làm văn của mình.

d. Phản đề

Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người lười biếng, quen thói dựa dẫm, ỷ lại vào người khác, không chủ động trong cuộc sống của chính mình khiến cho công việc dồn đống không được giải quyết hoặc giải quyết sơ sài.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: đức tính cần cù chăm chỉ, đồng thời rút ra bài học cho bản thân.

Dàn ý 2

I. Mở bài

  • Thomas Edison đã từng nói: “Thiên tài một phần trăm là cảm hứng và chín mươi chín phần trăm là mồ hôi”.
  • Quả vậy, để gặt hái được thành công, con người phải luôn cố gắng không ngừng nghỉ.
  • Đức tính chăm chỉ vô cùng cần thiết trong cuộc sống.

II. Thân bài

1. Giải thích

- Chăm chỉ là sự cố gắng, nỗ lực làm một việc đó để đạt được kết quả tốt.

- Người chăm chỉ, cần cù thì không ngại khó khăn, gian khổ và luôn kiên trì đến khi đạt được thành quả mới dừng lại.

- Biểu hiện:

  • Luôn cố gắng hoàn thành tốt mục tiêu nhiệm vụ cho dù phải mất nhiều thời gian.
  • Không ngừng học hỏi, tìm tòi và rèn luyện đến khi đạt được kết quả tốt nhất.
  • Kiên trì với những mục tiêu mà bản thân đã đề ra và hoàn thành nó.

2. Bình luận

- Chăm chỉ là một đức tính quý giá của con người.

- Ý nghĩa, vai trò của đức tính chăm chỉ:

  • Giúp cho con người đạt được những điều mình mong muốn trong cuộc sống.
  • Rèn luyện đức tính kiên nhẫn cho mỗi người.
  • Ông cha ta có câu “cần cù bù thông minh”, sự kiên trì bền bỉ cũng đóng vai trò quan trọng không kém so với tài năng.

- Tuy nhiên, có những người lười biếng, ỷ lại và không chịu cố gắng thì sẽ không thu được kết quả tốt.

3. Liên hệ bản thân

  • Là một học sinh, bản thân tôi cũng cố gắng học tập thật chăm chỉ.
  • Tích cực rèn luyện nâng cao kiến thức, kĩ năng sống và cả thể chất.

III. Kết bài

  • Quả thật, đức tính cần cù chăm chỉ vô cùng quan trọng, quyết định đến sự thành công hay thất bại của con người.

Nghị luận đức tính chăm chỉ ngắn gọn

Ở đời không ai là tự dưng có được thành công, tất cả đều dựa vào những nỗ lực không ngừng nghỉ từng ngày của con người. Từ đây ta có thể khẳng định đức tính chăm chỉ cần cù có vai trò vô cùng quan trọng góp phần làm nên những giá trị tốt đẹp cho mỗi người. Chăm chỉ cần cù là việc mỗi con người luôn nỗ lực không ngừng nghỉ trong cuộc sống, vượt qua những khó khăn gian khổ để hướng đến những giá trị đẹp đẽ, tuyệt vời nhất.

Chăm chỉ cần cù là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp con người nhanh chóng đạt đến đỉnh cao của thành công. Nếu bạn thông minh, tài giỏi nhưng bạn không chăm chỉ, nỗ lực trong học tập thì lâu dần những kiến thức bạn có sẽ bị mai một đi đồng thời bạn cũng sẽ không tiếp thu thêm được kiến thức mới thì sẽ dễ dàng bị đào thải vì không đáp ứng được nhu cầu phát triển của thời đại. Ngược lại, tuy bạn không quá thông minh, tài năng nhưng bạn luôn cần mẫn, chăm chỉ học tập, tích lũy, chuyển đổi kiến thức chung thành bài học riêng cho bản thân thì thành công sẽ mỉm cười với bạn, con người bạn sẽ không ngừng hoàn thiện và bạn sẽ đến gần hơn với mục tiêu bạn đề ra.

Bên cạnh đó, chăm chỉ cần cù còn giúp bạn cống hiến được những điều tốt đẹp cho xã hội, khi bản thân mỗi người phát triển, có được thành công, làm ra được những giá trị tốt đẹp thì cũng là lúc bạn đang cống hiến cho nước nhà, mỗi một công dân tốt là nền tảng vững chắc để tổ quốc giàu đẹp hơn. Chúng ta không thể phủ định được vai trò to lớn của đức tính chăm chỉ, cần cù mang lại cho con người dù trong bất cứ thời đại nào, chính vì thế ngay từ hôm nay, mỗi người hãy rèn luyện đức tính chăm chỉ, cần cù cho mình bằng cách tự giác làm những việc cá nhân của bản thân mà không để ai nhắc nhở, bên cạnh đó cần nêu cao ý thức học tập, gây dựng tương lai hơn nữa để sớm có được thành công. Cuộc đời vốn đã ngắn ngủi, hãy trở thành một người tốt, tận hiến, tận hưởng để cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của cuộc sống.

Nghị luận về đức tính chăm chỉ ngắn gọn

Chúng ta thường sẽ tiếc nuối những việc nên làm mà không làm, những lời nên nói mà không nói ra, những ước mơ chính đáng nhưng không dám theo đuổi. Và sự chăm chỉ, cần cù là “công cụ” giúp bạn tháo gỡ sự tiếc nuối ấy.

Chăm chỉ, cần cù là sự nỗ lực học tập, lao động không ngừng nghỉ. Người chăm chỉ thường luôn sẵn sàng tìm tòi, mày mò những điều mới mẻ, luôn cố gắng trong cuộc sống. Cuộc sống có rất nhiều những khó khăn, thách thức, con người vì thế không thể tránh khỏi những lúc nản lòng, bị sa vào cám dỗ cuộc đời. Nếu chúng ta không bỏ cuộc mà lựa chọn đối mặt, tìm ra cách giải quyết để vượt qua thì khi chúng ta chiến thắng, đó là chiến thắng của sự chăm chỉ, cần cù đến cùng. Nếu bạn luôn chăm chỉ và trau dồi bản thân ở bất cứ đâu, bạn sẽ có thể thấu hiểu bản thân, biết bản thân trân trọng và mong muốn điều gì. Khi đó, bạn tự khắc sẽ thấy con đường theo đuổi chúng dù có khi vất vả, nhưng luôn khiến mình vui vẻ và tràn đầy nhiệt huyết. Chắc hẳn chúng ta đều biết đến Nguyễn Hiền là - vị trạng nguyên đầu tiên và nhỏ tuổi nhất trong lịch sử nước ta. Cuộc sống thuở nhỏ của Nguyễn Hiền cũng rất khó khăn nhưng ông luôn yêu thích tìm tòi học hỏi và thường lân la ở các lớp học trong làng để có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với chữ nghĩa.

Sự chăm chỉ, cần cù của ông đã khiến người đời kinh ngạc phải gọi ông là ‘’thần đồng’’. Bên cạnh những hình mẫu lý tưởng như vậy, xã hội vẫn còn có nhiều người lười biếng, quen thói dựa dẫm, ỷ lại vào người khác, không chủ động trong cuộc sống của chính mình. Mong rằng tất cả chúng ta đều sẽ vẽ lên một chặng đường nỗ lực đầy nhiệt huyết cho đời mình.

Nghị luận về chăm chỉ hay nhất

Cuộc sống không tự nhiên mà phát triển, cũng không tự nhiên mà tốt đẹp. Tất cả là nhờ vào sự chăm chỉ, cần cù lao động, làm việc của bao nhiêu thế hệ. Chính vì thế, chúng ta có thể khẳng định: tính chăm chỉ, cần cù có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi người cũng như đối với sự phát triển của toàn xã hội.

Chăm chỉ cần cù là việc mỗi chúng ta nỗ lực học tập, lao động không ngừng nghỉ; luôn sẵn sàng tìm tòi, mày mò những điều mới mẻ, cố gắng hơn người khác trong cuộc sống. đây là một đức tính tốt đẹp mà con người ai cũng cần rèn luyện. Việc chăm chỉ cần cù trước hết giúp bản thân ta tốt lên, trau dồi được nhiều đức tính tốt đẹp khác cũng như hoàn thiện mình theo chiều hướng tích cực hơn.

Bên cạnh đó, nó còn giúp con người tiến xa hơn trong cuộc sống, sẽ giúp ta hoàn thành công việc một cách tối ưu và khi tối ưu hóa được cuộc sống thì cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Sống cần cù chăm chỉ sẽ góp phần lan tỏa những thông điệp tốt đẹp ra cộng đồng, sẽ giúp cho cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn. Người chăm chỉ cần cù là người luôn nỗ lực vươn lên trong học tập, trong cuộc sống, tích cực trau dồi bản thân theo chiều hướng tốt đẹp để trở thành một công dân tốt, có ích cho xã hội; biết giúp đỡ mọi người xung quanh từ việc nhỏ đến việc lớn trong khả năng của mình: phụ giúp cha mẹ công việc nhà, giúp đỡ bạn bè, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Họ cũng là những người biết sắp xếp cuộc sống cá nhân của mình, có thời gian biểu hợp lí, không lãng phí thời gian vào những việc vô ích, luôn khiến bản thân mình bận rộn.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có nhiều người lười biếng, quen thói dựa dẫm, ỷ lại vào người khác, không chủ động trong cuộc sống của chính mình khiến cho công việc dồn đống không được giải quyết hoặc giải quyết sơ sài… Những người này cần thay đổi cách nghĩ, cách sống nếu muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Mỗi ngày lười biếng là chúng ta đã mất đi một ngày chăm chỉ, ý nghĩa. Cuộc sống quá ngắn để lãng phí như thế, hãy cố gắng vươn lên, tạo dựng cho bản thân một cuộc sống tốt đẹp nhất và cống hiến cho xã hội ngày càng văn minh hơn.

Nghị luận về đức tính chăm chỉ - Mẫu 1

Để đến được với điểm đích của thành công, con người cần phải có mục tiêu, bản lĩnh lớn, niềm tin vào bản thân và một điều không thể thiếu trong công thức của thành công đó là chăm chỉ. Chăm chỉ chính là một chiếc khóa vàng vạn năng giúp con người đạt những điều mình mong muốn.

Chăm chỉ chính là sự kiên trì, chịu khó làm việc để hoàn thành cũng như để đạt được một mục đích nào đó. Đó là một đức tính tốt để cho chúng ta rèn luyện. Ta rất dễ nhận biết đâu là một người chăm chỉ, chỉ cần nhìn vào hành động của họ. Họ là những người luôn kiên trì, làm việc thường xuyên, liên tục, luôn luôn cố gắng hết sức cho dù có tốn nhiều thời gian. Họ là những con người ham học hỏi, luôn tìm tòi, nghiên cứu vấn đề mình quan tâm, tìm ra các phương án phù hợp cho đến khi có kết quả. Với họ, mục tiêu đã đề ra thì phải kiên trì đến khi thực hiện được mới thôi. Những người có đức tính chăm chỉ này, con đường dẫn đến thành công của họ sẽ ngắn hơn. Bởi khi họ kiên trì với việc mình làm họ sẽ có nhiều kiến thức hơn trong lĩnh vực đó, hiểu biết rộng hơn, tìm ra được lối đi và họ sẽ thành công.

Bỏ công sức, bỏ lao động của mình ra, rồi một ngày ta sẽ nhận lại được thành quả mà mình mong muốn. Từ xa xưa, ông cha ta đã có câu "Có công mài sắt, có ngày nên kim", ý người xưa muốn dạy ta rằng, làm việc gì cũng cần phải có tính chăm chỉ, kiên nhẫn thì mới có thể thành công được. Một học sinh học một ngoại ngữ mới, dù có tố chất họ vẫn cần phải học, vẫn phải rèn luyện ôn tập. Một nghệ sĩ đánh đàn piano sẽ trở nên điêu luyện khi trải qua năm tháng kiên trì luyện tập chăm chỉ. Như ta đã biết "Với những thiên tài, óc sáng tạo chỉ chiếm 1 % còn 99% là lao động cực nhọc" đúng vậy, trên thế giới có bao nhiêu doanh nhân họ thành công như vậy đều có những ngày tháng nỗ lực, kiên nhẫn làm việc không ngừng nghỉ. Vì vậy, có thể nói chăm chỉ tạo một nền tảng vững chắc giúp bạn thành công.

"Cần cù bù thông minh" quả đúng vậy, dù không thông minh nhưng những người chăm chỉ sẽ vẫn giỏi hơn người thông minh ở đức tính cần cù, kiên nhẫn. Tuy nhiên, chăm chỉ thôi thì nó vẫn không đủ để tạo nên được thành công, ta cần phải xác định rõ mục tiêu, lối đi đúng đắn, chăm chỉ một cách đúng cách, tránh quá bảo thủ tạo thành một lối mòn, một đường không có lối ra.

Những người không có đức tính chăm chỉ thì làm việc gì cũng khó, bởi họ đâu có lòng kiên nhẫn, kiên trì với công việc đang làm, họ bỏ cuộc thì bao giờ mới có thành công. Nhiều người không biết rằng, khi họ đang mơ mộng về một thành công nào đó thì có nhiều người khác đã "thức dậy" và làm việc rất cật lực và chăm chỉ.

Là thế hệ trẻ, chúng ta càng cần biết rõ được tầm quan trọng của đức tính này và cần áp dụng ngay nếu muốn thành công. Hãy luôn cố gắng học tập, rèn luyện đức tính chăm chỉ, hãy dành nhiều thời gian để "chăm chỉ" và rồi kết quả sẽ đến với bạn - một thành quả như bạn đã mong ước!

Nghị luận về đức tính chăm chỉ - Mẫu 2

Có lẽ chúng ta chẳng còn xa lạ gì với câu chuyện rùa và thỏ, một câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng. Qua câu chuyện, chúng ta học được một điều quý giá rằng sự cần cù chăm chỉ có thể là cách thức làm việc hiệu quả hơn sự nhanh nhẹn mà chủ quan. Không phải trong cuộc sống này, ai cũng thông minh. Một số người khác tuy không có sự thông minh, nhưng vẫn thành công trong cuộc sống chính vì họ biết “cần cù bù thông minh”.

Vậy câu nói “Cần cù bù thông minh” có ý nghĩa như thế nào? Cần cù chính là sự chăm chỉ kiên nhẫn làm việc một cách thường xuyên. Một người cần cù sẽ luôn cố gắng làm cho mọi việc hoàn tất dù có khó khăn và tốn thời gian biết bao nhiêu. Họ chịu khó, cần mẫn, tìm hiểu một vấn đề cho đến khi hiểu rõ nó. Thông minh chính là sự nhanh nhạy, sự hiểu biết nhanh chóng một vấn đề khi tiếp xúc. Người thông minh thường vượt trội hơn những người khác trong nhiều lĩnh vực. “Cần cù bù thông minh” nghĩa là một người mà biết cần cù, siêng năng chăm chỉ thì sẽ chẳng thua gì những người vốn sẵn thông minh.

Câu nói trên đã nói lên được một sự thật trong cuộc sống và dường như trở thành một chân lí. Sự bền bỉ, tính kiên trì cũng đóng vai trò quan trọng không kém năng khiếu hay sự thông minh. Không phải trong cuộc sống này, người nào cũng thông minh, thay vào đó một số người lại có được tính cần cù. Những người biết sử dụng tính cần cù của mình sẽ có thể bù đắp cho tính thông minh của mình mà vẫn có thể vượt trội hơn bao người khác. Không thông minh không có nghĩa là vô dụng vì thực tế, năng lực tư duy không phải tự nhiên mà có, mà là phải qua một quá trình luyện tập. Trí thông minh chỉ đóng góp một phần nhỏ trong việc đó, giống như nhà phát minh nổi tiếng Ê-đi-xơn đã nói: “Thiên tài và óc sáng tạo chỉ chiếm 1% còn 99% là lao động cực nhọc”.

Cuộc sống ngày nay yêu cầu sự cẩn thận và kiên trì khi làm mọi việc, khi đó những người mà đã quen với tính cần cù thì sẽ dễ dàng thích nghi, trong khi một số người thông minh lại gặp vấn đề trong việc kiên nhẫn làm việc. Trong cuộc sống này không ít những người nổi tiếng từng bị xem là “ngu dốt”, tuy nhiên nhờ có sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, họ đã đạt được thành công, điển hình như Anbe Anhxtanh, cho đến lúc 4 tuổi vẫn chưa biết nói và đến lúc 7 tuổi vẫn không biết đọc. Thầy giáo nhận xét rằng ông “kém trí”, khó gần, luôn luôn sống trong trạng thái lơ lửng với những giấc mơ thiếu thực tế”. Ông bị đuổi khỏi trường Đại học Bách khoa Zurich. Mặc cho cuộc sống có nghiệt ngã đến mấy, ông vẫn cố gắng vươn lên và rồi trở thành một trong những nhà vật lí nổi tiếng của lịch sử nhân loại.

“Cần cù bù thông minh”, thế nhưng nói như thế không có nghĩa rằng ai cũng có thể cần cù. Đó là tổng hợp của một phần bản thân và sự bền bỉ, kiên trì, say mê làm việc. Thế nên một số người có cố gắng, nhưng vẫn không đạt được thành công do bản thân lười biếng hoặc nỗ lực không đúng cách. Khi luyện tập, thất bại là điều thường gặp, nhưng vấn đề là liệu chúng ta có đủ nghị lực để đứng dậy hay không, điều đó mới quan trọng. Cần cù đây không có nghĩa là gặp cái gì cũng cố gắng làm cho bằng được. Chúng ta cần cù làm việc là một việc tốt, nhưng nếu chúng ta không có kiến thức về việc đó, chúng ta có thể trở thành một kẻ phá hoại, vấn đề là chúng ta làm việc gì cũng phải suy nghĩ, tính toán trước khi làm. Trong xã hội, ngoài những người cần cù vươn lên, vẫn có không ít người buông xuôi tất cả. Họ cho rằng mình kém thông minh hơn người ta và tự xem mình như kẻ vô dụng.

Từ những suy nghĩ đó, họ bắt đầu những hành động tiêu cực, buông xuôi và rồi trở thành gánh nặng cho xã hội. “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”, vì vậy những người như thế sẽ khó tồn tại trong cuộc sống. Ngược lại với những người bi quan, lại có những người quá tự tin vào bản thân. Họ cứ ngỡ mình thông minh hơn người khác nên chẳng bao giờ cố gắng, chẳng bao giờ nhìn lại bản thân và xem mình đã trở nên thảm hại đến mức nào. Bản thân là học sinh, chúng ta phải biết được bản chất , thực lực của mình để rồi qua đó, phấn đấu một cách đúng đắn để cải thiện bản thân. Trong trường học, chúng ta phải tập chăm chỉ làm bài, học bài đầy đủ, nếu gặp một vấn đề khó, đừng bao giờ nản lòng mà phải tìm cách giải cho ra bài tập, cũng như lúc ở nhà, ta phải tập làm từ những việc lặt vặt cho đến việc lớn. Mỗi lần chúng ta hoàn tất một việc cũng là mỗi lần chúng ta rèn được tính cần cù của mình.

Qua thời gian và những kinh nghiệm trong cuộc sống, chúng ta thấy rằng cuộc sống không bao giờ dừng lại, cũng như con người phải không ngừng phấn đấu và sự cần cù trở thành một trong những đức tính không thể thiếu của con người. Cần cù không chỉ có nghĩa là miệt mài làm việc, mà còn có ý nghĩa vươn lên, cải thiện bản thân, không tự mãn với những gì mình đang có. Chúng ta phải cố gắng để sự cần cù có thể bù cho trí thông minh của chúng ta.

Nghị luận về đức tính chăm chỉ - Mẫu 3

Tục ngữ có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim” khuyên bảo con người phải biết chăm chỉ, cần cù trong học tập và lao động. Cũng giống như một câu nói mà tôi đã từng nghe được ở đâu đó: “Một tuần lễ với người chăm chỉ có 7 ngày, còn với kẻ lười biếng có 7 ngày mai. Biết cách làm việc, biết cách lao động - đó cũng chính là tài năng. Và là một tài năng lớn lao. Kết quả là sẽ nảy sinh cảm hứng. Chứ không phải là ngược lại”. Đức tính chăm chỉ thực sự cần thiết trong cuộc sống quá khứ hay hiện tại.

Chăm chỉ được hiểu một cách đơn giản là sự cố gắng, nỗ lực của con người. Cũng giống như hành động mài thanh sắt thành cây kim, nếu mỗi ngày bỏ thời gian công sức ra mài thanh sắt sẽ nhỏ đi một ít. Làm việc gì cũng vậy, nếu biết cần cù chịu khó đến cuối cùng sẽ đạt được thành quả. Những người có đức tính chăm chỉ thì không ngại khó khăn, gian khổ và luôn kiên trì đến khi đạt được thành quả mới dừng lại. Họ luôn cố gắng hoàn thành tốt mục tiêu và nhiệm vụ được giao phó cho dù phải mất nhiều thời gian. Họ không ngừng học hỏi, tìm tòi và rèn luyện đến khi đạt được kết quả tốt nhất. Người chăm chỉ thì cũng sẽ rất kiên trì. Kiên trì với những mục tiêu mà bản thân đã đề ra và cố gắng hết sức hết sức để hoàn thành nó.

Một minh chứng đáng tự hào chính là sự cần cù, chăm chỉ của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, nhân dân ta đoàn kết một lòng đánh bại hai kẻ thù lớn của dân tộc. Thắng lợi ấy đến từ sự kiên trì và cần cù chịu khó suốt hơn một trăm năm không lúc nào ngừng nghỉ. Còn nhớ những ngày người dân miền Bắc hừng hực khí thế thực hiện phong trào tăng gia sản xuất phục vụ miền Nam kháng chiến. Biết bao gian khó khổ cực nếm mật nằm gai nhưng cha ông ta vẫn anh dũng vượt qua, đánh bại mọi kẻ thù. Hoặc trong học tập, từ xưa đến nay chúng ta có thể kể đến rất nhiều tấm gương sáng ngời. Nguyễn Hiền là vị trạng nguyên đầu tiên, đồng thời cũng nhỏ tuổi nhất trong lịch sử nước ta (khi đỗ trạng nguyên vừa tròn 12 tuổi). Dù tuổi còn nhưng lại vô cùng hiểu học. Gia đình khó khăn, cha mất sớm, ông phải sống với mẹ tại một ngôi chùa. Nguyễn Hiền là một cậu bé có tư chất thông minh, không ham chơi mà chỉ luôn yêu thích tìm tòi học hỏi. Cậu bé ngày ấy thường lân la ở các lớp học trong làng, để có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với chữ nghĩa, sách vở. Kiến thức Nguyễn Hiền uyên bác, rộng lớn ai hỏi gì cũng đối đáp thông minh vượt xa với số tuổi của ông khiến người đời kinh ngạc phải gọi ông là “thần đồng’’.

Đối với mỗi chúng tôi, khi vẫn còn là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Chăm chỉ học tập chính là điều quan trọng nhất. Việc tiếp thu kiến thức nhanh hay chậm là do khả năng của mỗi người, nhưng cuối cùng kết quả đạt được lại phụ thuộc vào việc có chăm chỉ học tập hay không.

Như vậy, có thể thấy, nhờ có đức tính chăm chỉ mà con người sẽ đạt được thành công trong cuộc sống. Đúng như những lời khuyên từ xưa đến này: “Thành công không phải ngẫu nhiên. Đó là sự chăm chỉ, bền bỉ, học hỏi, nghiên cứu, hy sinh và quan trọng nhất, tình yêu đối với việc mình đang làm”.

Nghị luận về đức tính chăm chỉ - Mẫu 4

Một trong những đức tính cần thiết để tạo nên sự thành công trong cuộc sống đó là chăm chỉ. Và đức tính này đã được người xưa lồng vào câu tục ngữ: Có công mài sắt có ngày nên kim” như để nhắc nhở thế hệ ngày nay về sự quan trọng của sự chăm chỉ.

Câu tục ngữ "Có công mài sắt có ngày nên kim” được hợp thành từ những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu nhưng lại mang một ý nghĩa vô cùng bổ ích và cần thiết cho con người. Về mặt nghĩa đen, câu tục ngữ muốn nói, nếu một người chịu bỏ công sức ra cố gắng mài khối sắt thì một ngày nào đó nó sẽ trở thành một cây kim. Song không chỉ đơn giản như vậy, khối sắt ấy còn được hiểu như những công việc to lớn, khó khăn nhất mà gần như không thể thực hiện được. Và hình tượng cây kim chính là kết quả, sự thành công mà ta đạt được sau một quá trình dài chăm chỉ, quyết tâm với thử thách. Từ đó ta thấy được, nếu biết cố gắng, chăm chỉ, kiên trì thực hiện thì dù là công việc hay thử thách gian nan nhất ta cũng có thể vượt qua được một cách dễ dàng. Vì thế, nói tính chăm chỉ là thành phần không thể thiếu của sự thành công thật đúng đắn.

Mặt khác, đức tính chăm chỉ không những tạo ra sự thành công, mà còn tô đậm thêm được đức tính tốt đẹp, cần thiết của một con người và đặc biệt là đối với một người học sinh. Ta có thể nhận thấy, nếu một người học sinh có sự thông minh, óc tư duy nhạy bén nhưng lại thiếu sự chăm chỉ thì sẽ không bao giờ đạt được thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống. Trong đời sống có rất nhiều tấm gương về sự chăm chỉ và tiêu biểu nhất đó là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta – Bác Hồ. Năm 1941, Bác ra đi tìm đường cứu nước chì với đôi bàn tay trắng, không hề thành thạo về ngôn ngữ của nước bạn nhưng cùng với sự chăm chỉ, Bác đã cố gắng học tiếng của họ. Bác tranh thủ học mọi lúc rảnh rỗi của mình. Từng ngày như thế đều đặn trôi qua, Bác đã rất thông thạo tiếng nước bạn, có thể giao tiếp, nói chuyện một cách thật dễ dàng và thậm chí Bác còn viết báo khi ở nước ngoài nữa. Quả thật là đáng nể đối với một người bình thường, không hề được học qua một trường lớp ngoại ngữ nào mà vẫn có thể sử dụng thành thạo nhiều thứ tiếng, chỉ với một sự trợ giúp đó là đức tính chăm chỉ của Bác.

Câu tục ngữ đã cho ta thấy quan niệm, kinh nghiệm của ông cha ta ngày xưa, chăm chỉ thật sự rất cần thiết cho con người. Ngoài ra vẫn có rất nhiều người không hề coi trọng tính chăm chỉ, đặc biệt là đối với một số học sinh khá giỏi, hay có tính tự cao về khả năng của mình và những học sinh ấy sẽ không thể nào nhận thức được cái hậu quả nghiêm trọng của việc lười biếng, thiếu chăm chỉ, cần cù gây nên. Thật dễ nhận thấy một điều, đó là nếu trong lớp ta không chép bài, làm bài đầy đủ, chỉ nghe cô giáo giảng bài một cách qua loa thì sẽ có một lỗ hổng của kiến thức hiện ra và ngày càng lớn dần. Cho đến một ngày nào đó, kết quả học tập sẽ tồi tệ và khiến ta nản chí trong học tập. Vậy, chỉ vì không chịu khó chăm chỉ mà từ một học sinh khá giỏi có thể dễ dàng trở thành một học sinh yếu kém, và ngược lại. Qua đó, ta thấy tính chăm chỉ quyết định nhiều điều quan trọng mà ta không thể nào nhìn thấy ngay lập tức như sự thành công, vinh quang trong học tập, công việc và cuộc sống.

Là một người học sinh, em sẽ cố gắng phát huy hơn nữa tính chăm chỉ của bản thân thông qua những việc dù là nhỏ nhoi như : học bài, làm bài tập, ghi chép bài học thật đầy đủ và cẩn thận…ngoài ra, tham khảo thêm trong sách cũng có thể phát huy được đức tính này. Có như thế, việc học hành của em mới ngày càng tiến bộ hơn và mong muốn vào Đại Học dù có khó khăn như việc mài sắt thành kim thì cũng sẽ thành công.

Câu tục ngữ "Có công mài sắt có ngày nên kim” là một lời khuyên dạy của ông cha ta về tính quan trọng của sự chăm chỉ, cần cù cho con cháu đời sau. Để chúng ta biết được rằng, muốn đạt được kết quả hoàn mỹ nhất thì phải có tính chăm chỉ và chỉ có tính chăm chỉ mà thôi.

Nghị luận về đức tính chăm chỉ - Mẫu 5

Để thành công trong cuộc sống, mỗi con người cần hình thành và rèn luyện cho mình nhiều đức tính tốt đẹp. Một trong những đức tính cần có là tính chăm chỉ và kiên trì trong công việc. Đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh, những con người trẻ tuổi đang từng ngày kiên trì rèn luyện mình trên ghế nhà trường.

Chăm chỉ trong công việc thể hiện sự cần cù, tự giác, miệt mài trong công việc, làm việc một cách thường xuyên, đều đặn, không tiếc công sức. Trái với siêng năng là tính lười biếng, không muốn làm việc, hay lần lữa, trốn tránh công việc, ỷ lại vào người khác hoặc đùn đẩy việc cho người khác.

Kiên trì trong công việc là quyết tâm làm đến cùng, không bỏ dở giữa chừng mặc dù có khó khăn, gian khổ hoặc trở ngại. Trái với tính kiên trì hay nản lòng, chóng chán, làm được đến đâu hay đến đó, không quyết tâm và thường không đạt được mục đích gì cả.

Người có tính siêng năng và kiên trì trong công việc thường chăm chỉ, cần cù, chịu khó làm việc. Không bao giờ ta thấy họ than vãn hay ngại khó ngại khổ. Trong công việc, họ luôn hoàn thành tốt, hướng đến thành công. Trước những khó khăn, họ kiên nhẫn tìm cách vượt qua. Họ miệt mài lao động với một tình yêu lớn dành cho công việc đang làm. Người có tính siêng năng, kiên trì không bao giờ bỏ cuộc hay đầu hàng khó khăn, thử thách. Họ luôn biết giúp đỡ người khác trong công việc. Họ luôn là động lực để người khác cố gắng. Bởi thế, họ luôn được mọi người yêu mến và giúp đỡ.

Cuộc sống luôn đặt ra những thử thách để con người vượt qua. Không có việc gì dễ làm mà mang lại kết quả lớn. Thử thách càng cao, phần thưởng càng lớn. Bởi thế, đừng mong việc dễ làm mà hãy dũng cảm đối diện thử thách để rèn luyện bản thân và gặt hái thành công. Siêng năng và kiên trì trong công việc giúp con người không chán nản hay bỏ cuộc trước khó khăn, trở ngại. Để làm nên việc lớn, nhất định phải làm tốt việc nhỏ.

Từ những cái nhỏ tích cóp thành cái lớn. Không thành quả nào tự nhiên mà có. Tất cả đều được xây dựng bởi sức lao động cần mẫn của con người. Người có tính siêng năng và kiên trì luôn được người khác yêu mến và giúp đỡ. Bởi thế, họ dễ thành công trong cuộc sống này. Trước hết, phải có ý thức tự rèn luyện bản thân tốt đẹp theo chuẩn mực xã hội. Từ ý thức đi đến hành động cụ thể trong công việc và trong đời sống thường ngày.

Trong học tập, phải biết tuân thủ nộ quy, kỉ luật trường lớp. Đi học chuyên cần, đều đặn, không trốn tiết hay viện lí do để nghỉ học. Gặp bài học khó không nản chí mà phải tìm cách thấu hiểu và giải quyết cho kì được. Trong lao động, phải biết tìm tòi sáng tạo. Mỗi ngày một suy nghĩ mới sẽ làm cho cuộc sống thêm tươi vui, tinh thần vững mạnh. Chăm chỉ làm việc nhà, không ngại khó, tiết kiệm… Tích cực giúp đỡ người khác. Trong việc rèn luyện thân thể, luôn kiên trì tập thể dục thể thao. Tích cực cùng mọi người giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sống lành mạnh, tiến bộ. Kiên trì chống tệ nạn xã hội.

Trái ngược với tính siêng năng, kiên trì là thói lười biếng, ỷ lại. Những người lười biếng, thiếu nhẫn nại thường sống hời hợt, cẩu thả. Trong công việc, họ hay so đo tính toán thiệt hơn, ngại khó ngại khổ và đùn đẩy cái khó cho người khác. Họ luôn sống dựa dẫm, dựa dẫm và ăn bám người thân và bạn bè. Bởi thế, họ thường sống trong nghèo khó và bị mọi người chê cười, xa lánh.

Chăm chỉ và kiên trì giúp con người thành công trong công việc, trong cuộc sống. Là học sinh phải rèn luyện được tính siêng năng, kiên trì để học tập thành công và sống tốt đẹp.

Nếu chăm chỉ mang đến cho chúng ta sự may mắn thì kiên trì giúp ta gặt hái thành công. Những thành tựu vĩ đại không phải được gặt hái bằng sức mạnh mà chính bằng lòng kiên trì. Siêng năng và kiên trì là những đức tính cần thiết mà mỗi học sinh hôm nay cần phải có.

Nghị luận về đức tính chăm chỉ - Mẫu 6

Thomas Edison đã từng nói: “Thiên tài một phần trăm là cảm hứng và chín mươi chín phần trăm là mồ hôi”. Quả vậy, để gặt hái được thành công, con người phải luôn cố gắng không ngừng nghỉ. Và đức tính chăm chỉ thực sự là một điều cần thiết trong cuộc sống.

Chăm chỉ là sự cố gắng, nỗ lực làm một việc nào đó để đạt được kết quả tốt nhất. Những người có đức tính chăm chỉ thì không ngại khó khăn, gian khổ và luôn kiên trì đến khi đạt được thành quả mới dừng lại. Họ luôn cố gắng hoàn thành tốt mục tiêu và nhiệm vụ được giao phó cho dù phải mất nhiều thời gian. Họ không ngừng học hỏi, tìm tòi và rèn luyện đến khi đạt được kết quả tốt nhất. Người chăm chỉ thì cũng sẽ rất kiên trì. Kiên trì với những mục tiêu mà bản thân đã đề ra và cố gắng hết sức hết sức để hoàn thành nó.

Chăm chỉ là một đức tính quý báu của con người. Những người có tài năng nếu không chăm chỉ nỗ lực chưa chắc đã đạt được những thành công trong cuộc sống. Nhưng người chăm chỉ chắc chắn sẽ đạt được những điều mà họ mong muốn. Ví dụ như trong học tập, mỗi học sinh sinh viên đều mong muốn đạt được kết quả cao, tốt nghiệp với một tấm bằng đẹp. Nhưng để đạt được những điều đó thì bản thân phải chăm chỉ. Chăm chỉ học tập, trau dồi vốn kiến thức có trong sách. Tích cực rèn luyện cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong công việc, nếu muốn hoàn thành tốt công việc được giao thì cần tập trung tối đa, để tâm và chịu khó học hỏi mới có thể hoàn thành tốt công việc. Dù ở bất cứ ngành nghề nào thì sự chăm chỉ cũng luôn cần thiết. Nếu chăm chỉ chúng ta cũng rèn luyện được đức tính kiên nhẫn. Thomas Edison, nhà sáng chế tài ba của nhân loại. Trước khi chế tạo thành công chiếc bóng đèn đầu tiên cho nhân loại, chẳng phải ông cũng đã thất bại đến mười nghìn lần. Nếu không nhờ sự cần cù, không chấp nhận thất bại, Edison đã không đem lại ánh sáng cho nhân loại như bây giờ. Hay một con người vĩ đại mà không người dân Việt Nam không biết đến - chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi ra đi tìm đường cứu nước, người chỉ có hai bàn tay trắng. Nhưng Người đã kiếm sống bằng cách làm đủ nghề. Người cũng tự mình học ngoại ngữ, biết được nhiều thứ tiếng như tiếng Pháp, tiếng Trung… Nhân cách Hồ Chí Minh không đến từ tài năng mà đến từ sự cần cù, chăm chỉ không ngại khó khăn gian khổ.

Ông cha ta có câu “cần cù bù thông minh”. Thật vậy, nhiều người trong cuộc sống tuy không quá tài năng, thông minh nhưng họ vẫn trở thành những người có ích cho xã hội. Họ vẫn đạt được những điều mình mong muốn, nhưng con đường của họ phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt. Điều đó khiến mỗi chúng ta thêm trân trọng những con người ấy hơn. Tuy nhiên có những người lại lựa chọn cách sống ỷ lại. Họ lười biếng, không chịu học tập hay lao động. Những con người ấy chỉ biết lợi dụng thành quả của người khác. Hoặc thậm chí còn sa ngã vào những tệ nạn xã hội khiến cuộc đời của mình rơi vào con đường tăm tối. Cũng có nhiều người cho rằng mình đã có tài năng nên không cần chăm chỉ cố gắng nữa. Suy nghĩ đó thực sự rất sai lầm. Tài năng chỉ là yếu tố tiên quyết chứ không phải là quan trọng nhất quyết định thành công của mỗi người. Phần nhiều cần có sự nỗ lực không ngại khó khăn, chăm chỉ rèn luyện mới có thể gặt hái được thành công.

Đối với mỗi chúng tôi, khi vẫn còn là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Chăm chỉ học tập chính là điều quan trọng nhất. Việc tiếp thu kiến thức nhanh hay chậm là do khả năng của mỗi người, nhưng cuối cùng kết quả đạt được lại phụ thuộc vào việc có chăm chỉ học tập hay không. Không chỉ đối với việc học tập, mỗi học sinh cũng nên ý thức rèn luyện thể chất để có một sức khỏe tốt.

Như vậy, trong cuộc sống, chúng ta phải không ngừng cố gắng để vươn tới thành công. Chăm chỉ không chỉ là miệt mài làm việc, mà còn phải vươn lên, cải thiện bản thân, không tự mãn với những gì mình đang có.

Nghị luận về đức tính chăm chỉ - Mẫu 7

Có người đã từng nói rằng: “Người lao động chăm chỉ không bao giờ cần tuyệt vọng, bởi tất cả đều đạt được bằng sự chăm chỉ và lao động”. Quả vậy, đức tính chăm chỉ thực sự cần thiết trong cuộc sống của con người.

Đức tính chăm chỉ là gì? Chăm chỉ là sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của con người nhằm hoàn thành tốt nhất một công việc hay một nhiệm vụ nào đó. Những người chăm chỉ thường không ngại khó khăn, gian khổ. Họ không ngại bỏ thời gian ra học hỏi và tìm tòi để nâng cao kiến thức và kĩ năng của bản thân. Đặc biệt những người chăm chỉ cần cù thường sẽ rèn luyện cho mình được sự kiên nhẫn.

Cần cù, chăm chỉ là một đức tính quý báu của con người. Đối với những người tài năng, chưa chắc họ đã có được thành công nếu không chịu cố gắng. Nhưng đối với những người luôn chăm chỉ, chắc chắn họ sẽ sớm có được thành công. Trong lao động sản xuất, người nông dân Việt Nam luôn được biết đến với đức tính chịu thương chịu khó:

“Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”

Hay:

“Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông nắng trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng”

Có thể thấy, để tạo ra những thành quả lao động quý giá là bát cơm dẻo thơm, người nông dân đã phải mệt nhọc, cần cù sớm hôm trên những cánh đồng. Đó là trong lao động sản xuất, nếu là trong học tập thì sao? Nếu bạn nào chăm chỉ học hành thì thành tích học tập chắc chắn sẽ tốt hơn những bạn khác. Chẳng phải điều đó đã được chứng minh qua câu chuyện “Có công mài sắt, có ngày nên kim” mà chúng ta đã từng được học. Lời bà cụ nói với cậu bé có lẽ vẫn còn vang vọng trong mỗi chúng ta: “Mỗi ngày mài thỏi sắt nhỏ đi một tí, sẽ có ngày nó thành kim. Giống như cháu đi học, mỗi ngày cháu học một ít , sẽ có ngày cháu thành tài”.

Đối với mỗi chúng tôi, khi vẫn còn là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Chăm chỉ học tập chính là điều quan trọng nhất. Việc tiếp thu kiến thức nhanh hay chậm là do khả năng của mỗi người, nhưng cuối cùng kết quả đạt được lại phụ thuộc vào việc có chăm chỉ học tập hay không.

Đức tính chăm chỉ quả thật vô cùng quan trọng đối với con người. Chúng ta phải luôn tự mình nỗ lực không ngừng nghỉ mới có thể đạt được thành công mà mình hướng đến.

Nghị luận về đức tính chăm chỉ - Mẫu 8

Chúng ta thường nói: thiên tài chỉ là 1%, còn 99% là mồ hôi và nước mắt. Đúng vậy, để có được thành công trong bất kì lĩnh vực nào trong cuộc sống, trong nghiên cứu khoa học,… con người cần có sự cố gắng, nỗ lực lao động rất nhiều. Không có sự thành công nào lại đến với chúng ta một cách dễ dàng. Vì thế ông cha ta ngày xua có câu: “Kiến tha lâu đầy tổ” để đề cao đức tính chăm chỉ của con người.

Trước hết ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của câu: ”Kiến tha lâu đầy tổ”. “Kiến” là một loài vật tuy nhỏ bé nhưng rất chăm chỉ, chịu khó. Ở đây có ý chỉ những người cần cù, siêng năng. “Tổ” ở đây muốn chỉ thành quả mà ta đạt được. Ý nghĩa của cả câu muốn nói: Trên con đường đi đến những thành công, đến với đỉnh cao vinh quang, thắng lợi,… thì không thể có những kẻ lười biếng đi được đến đích; mà chỉ có những con người luôn chăm chỉ học tập, lao động để vượt qua mọi khó khăn thử thách, những chông gai trên đường đi,… mới đạt được những gì mình mong muốn. Câu nói rất đúng đắn, sâu sắc khuyên răn con người, ở bất kì lứa tuổi nào, thời đại nào phải nỗ lực lao động, cố gắng hết sức mình để đạt được thành công, niềm vui và hạnh phúc trong công việc cũng như cuộc sống.

Chăm chỉ là một đức tính quý báu của con người. Người có tính chăm chỉ luôn đạt được những gì mình mong muốn trong cuộc sống. Ví dụ như trong học tập, học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường cái đích cuối cùng là tốt nghiệp được các cấp học và ra trường để có ngành nghề, tạo lập cuộc sống cho mình, họ phải vượt qua được những khó khăn, thử thách, chăm chỉ lao động, học tập, nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để đạt được mục đích đó. Trong công việc, nếu ta muốn hoàn thành tốt công việc được giao, ta phải tập trung, cố gắng hoàn tất công việc một cách cẩn thận, thì hiệu quả công việc mới cao được. Trong lao động, nếu ta chịu khó, chăm chỉ thì năng suất lao động sẽ được nâng cao. Một ví dụ điển hình như nhà khoa học Thomas Edison đã tiến hành hơn 1000 thí nghiệm để tìm ra dây tóc cho bóng đèn ngày nay. Ngay cả thiên tài cũng phải lao động miệt mài, cật lực, chăm chỉ mới có thể thành công và đem thành quả của mình để góp phần cho sự phát triển của thế giới.

Trong khi mọi người cố gắng chăm chỉ học tập, cố gắng phấn đấu để đạt được thành công trong cuộc sống thì còn có những người lười biếng, ỷ lại, không phấn đấu trong học tập. Nhiều người cho rằng mình thông minh, là tài năng không cần học chăm chỉ mà chỉ cần học lướt qua, không rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo trong học tập. Đến khi vào công việc, bài học cụ thể thì không giải quyết được đúng quy trình dẫn đến sai kết quả. Cũng có không ít người vì quá ham chơi mà sa ngã vào các tệ nạn xã hội, nhiều người đã phải trả giá rất đắt cho sự lười biếng, không chăm chỉ học tập, lao động,.. của mình.

Để thành công trong cuộc sống, ta phải chăm chỉ học tập, làm việc,.. thì mới có kết quả được như mong muốn. Trong xã hội, thế hệ trẻ có rất nhiều người đã thành công trong học tập, lao động, công tác trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội là nhờ quá trình chăm chỉ học tập, lao động, nghiên cứu,… Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần phải không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, đạo đức để tự thân lập nghiệp, đạt được thành công trong cuộc sống.

Đức tính chăm chỉ là một đức tính quý báu của con người. Vì vậy ta phải siêng năng, chăm chỉ, nỗ lực hết sức để đạt được mục đích sống, niềm vui, hạnh phúc của cuộc đời mình, để thành đạt trong xã hội, làm đất nước thêm phồn vinh, phát triển, sánh ngang với các nước trên thế giới.

Nghị luận về đức tính chăm chỉ - Mẫu 9

Trong cuộc sống của con người chúng ta muốn thành công chúng ta cần có rất nhiều đức tính tốt. Trong đó, một trong những đức tính tốt cần thiết là phải sống chăm chỉ cần cù, chịu thương chịu khó. Bởi người xưa đã có câu rằng “Cần cù bù thông minh”.

Nếu chúng ta không thông minh thì cần cù cũng giúp chúng ta có một cuộc sống đỡ vất vả hơn. Nhưng nếu chúng ta vừa không thông minh vừa không cần cù chịu khó thì sẽ chẳng bao giờ gặp được hạnh phúc, sẽ chỉ là gánh nặng cho toàn xã hội mà thôi. Cũng như người ta thường nói rằng thiên tài chỉ có 1% là sự thông minh còn 99% là đổ mồ hôi. Câu nói này thể hiện để trở thành thiên tài con người cũng phải nỗ lực rất nhiều mới đạt được thành tựu của mình. Vì thành công không bao giờ có được một cách dễ dàng, mà nó đòi hỏi con người phải nỗ lực vượt khó, trải qua nhiều gian nan khổ ải mới có thể thành công được. Như đức tính cần cù của loài kiến. Một con vật nhỏ bé, nhưng nó cứ cần cù chăm chỉ làm việc hết ngày này qua ngày khác nên nó không bao giờ thiếu thức ăn. Đồ ăn lúc nào cũng đầy tổ. Đó là một đức tính vô cùng tốt đẹp về tính cần cù của loài kiến. Hay như chúng ta ai cũng biết câu chuyện chạy đua giữa thỏ và rùa. Thỏ vốn là loài vật nổi tiếng nhanh nhẹn, hoạt bát, trong khi đó rùa chậm chạp, lề mề. Nhưng trong cuộc chạy đua đó, nhờ sự cần cù, vượt khó mà rùa đã thắng thỏ. Còn con thỏ, do chủ quan tự cho mình tài giỏi, khinh địch nên đã nhận hậu quả đích đáng. Nó là một bài học sâu sắc cho mỗi chúng ta Chăm chỉ cần cù là một đức tính quý báu, cần thiết của mỗi con người.

Người có tính chăm chỉ luôn đạt được mục tiêu của cuộc đời mình. Họ sống luôn có những mục đích để hướng tới, sống có ý nghĩa. Còn những kẻ lười nhác thì sống hôm nay biết hôm nay, không nghĩ tới ngày mai. Họ luôn muốn hưởng thụ nhiều hơn là lao động chăm chỉ, khi có việc gì cần làm họ luôn kêu than, oán trách và đùn đẩy trách nhiệm cho người khác không muốn làm việc. Những con người như vậy khó lòng có thể thành công. Trong một tập thể lớp học. Nếu bạn nào chăm chỉ chịu khó học hành thì thành tích học tập luôn tốt hơn những bạn không chăm chỉ. Dù có thể những bạn không chăm chỉ có tố chất thông minh nhưng nếu thông minh mà không chịu khó thì kiến thức cũng mai một theo thời gian. Rồi tới một ngày bạn chỉ còn một cái đầu rỗng mà thôi, làm sao theo kịp những bạn tuy không có tố chất thông minh nhưng lại vô cùng chăm chỉ, dần dần các bạn ấy sẽ thông minh vì biết hết công thức, biết cách giải bài tập…

Trên đời này không có ai chỉ ngồi không mà thuộc bài, hoặc có cái ăn, trừ khi bố mẹ người đó quá giàu khiến cho người đó không cần làm gì cũng có ăn. Nhưng sau khi bố mẹ mất đi, người đó cứ lười biếng mãi, thì miệng ăn núi lở, rồi một ngày cũng không còn gì nữa. Để có một tương lai tốt đẹp hơn, trở thành con ngoan trò giỏi, mai sau xây dựng đất nước giàu mạnh. Thì ngay từ hôm nay, mỗi bạn học sinh cần phải tự rèn luyện tinh thần đạo đức, chăm chỉ học tập để có nhiều kiến thức bổ ích sau này còn góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh hơn.

Việc học tập là quyền lợi nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nghĩa vụ của mỗi người học sinh chúng ta. Đức tính chăm chỉ là một đức tính cần thiết với mỗi con người chúng ta cần nỗ lực để đạt được thành công cho riêng mình, tạo chỗ đứng cho bản thân trong cuộc sống không làm gánh nặng cho gia đình và xã hội bởi tính lười nhác.

Nghị luận về đức tính chăm chỉ - Mẫu 10

Ngay từ những ngày sau cách mạng tháng Tám Hồ Chí Minh đã đặt ra yêu cầu phải xây dựng con người mới nhằm thích ứng với một xã hội mới. Người nêu ra các tiêu chuẩn đạo đức như cần kiệm liêm chính chí công vô tư. Trong đó đức tính cần cù trong lao động được Bác rát đặc biệt coi trọng. Không có một thành quả lao động nào bền vững nếu không được tích tụ vào đó sự cần cù chịu khó và lao động có trí óc của người tạo nên nó. Đó là tầm quan trọng của sự cần cù đã được khắc đúc từ ngàn đời của ông cha ta.

Chăm chỉ còn là lòng nhẫn nại, chịu khó làm việc để hoàn thiện cũng như cố gắng đạt đến một mục đích nào đó. Đó là một đức tính tốt đáng để chúng ta học hỏi. Ta sẽ dễ phân biệt đâu là một người chăm chỉ, chỉ cần nhìn vào việc làm của họ. Họ là những người rất chăm chỉ, làm việc thường xuyên, liên tục và luôn luôn nỗ lực hết mình dù cho có mất nhiều thời giờ. Họ là những con người ham học hỏi, thường xuyên tìm tòi và khám phá vấn đề mình quan tâm để tìm được các giải pháp tối ưu cho đến khi có hiệu quả. Với họ, mục tiêu đã đặt ra thì phải cố gắng đến khi đạt được mới thôi. Những người có đức tính tốt như vậy thì con đường đi đến thành công của họ sẽ dễ dàng hơn bao giờ hết. Bởi khi họ kiên định với việc mình làm họ sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn về lĩnh vực đó, hiểu biết sâu hơn, nhìn thấy rõ hướng đi và họ sẽ thành công. Bỏ thời gian, công sức lao động của mình ra, rồi một ngày ta sẽ thu về những gì như mình mong đợi. Khó khăn là thế gian khổ là thế nhân dân ta vẫn kiên trì vẫn đứng vững và vượt lên trên tất cả để giành lại độc lập cho dân tộc. Trong lịch sử trường kỳ của dân tộc và cho đến ngày nay bạn bè năm châu đã nhiệt tình giúp đỡ ta trên tinh thần quốc tế vô sản và lương tâm của thời đại. Nhưng thực tế trên tinh thần yêu nước và sức mạnh đoàn kết tự lực tự cường thì nhân dân ta đã giành được thắng lợi cuối cùng cho nên, ngày nay sự hợp tác quốc tế với nhân dân ta trong xây dựng đất nước vẫn là cần thiết, nhưng nếu ta không tự lực cánh sinh – bằng sự cần cù lao động và ý chí tự chủ vượt khó thì không thể thay đổi đất nước. Từ xa xưa, ông cha ta đã có câu "Có công mài sắt, có ngày nên kim", ý người xưa muốn nhắc nhở ta rằng, làm việc gì cũng cần phải có sự nỗ lực và kiên trì thì mới mong thành công được. Một học sinh học một ngoại ngữ mới thì cho dù có năng khiếu họ cũng cần phải cố gắng và luôn phải rèn luyện thêm. Một nghệ sĩ chơi đàn piano sẽ trở nên điêu luyện khi trải qua năm tháng kiên trì và chăm chỉ. Như ta đã biết "Với các tỷ phú thì óc sáng tạo chỉ chiếm 1% và 99% là lao động cực khổ" đúng vậy, trên thế giới có bao nhiêu doanh nhân họ thành công cũng đều có những ngày tháng vất vả, kiên trì làm việc không ngừng nghỉ. Vì vậy, có thể nói kiên trì là một nền tảng vững chắc để bạn thành công. "Cần cù bù thông minh" quả đúng như thế, tuy không thông minh nhưng chính người này sẽ lại tài giỏi hơn người khác nhờ đức tính chăm chỉ và chịu khó. Chăm chỉ là một đức tính quý báu của con người. Người có đức tính này sẽ đạt được những điều mình mong ước trong cuộc đời. Ví dụ như trong học tập của học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường cái đích cuối cùng là hoàn thành tất cả các bậc học khi ra trường để có việc làm, tạo lập thu nhập cho bản thân thì họ phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, tích cực lao động, sản xuất, nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo mới đạt đến mục tiêu đó. Trong công việc, nếu ta muốn làm tốt nhất việc được giao, ta phải tập trung, cố gắng hoàn thành công việc thật nhanh, thì hiệu quả công việc mới cao được. Trong lao động, nếu ta cần cù, chăm chỉ thì năng suất lao động sẽ được tăng cao. Một ví dụ điển hình như nhà khoa học Thomas Edison đã thực hiện hơn 1000 thí nghiệm nhằm tạo ra pin cho bóng đèn điện. Ngay cả thiên tài cũng phải lao động cật lực, cần mẫn, thì mới có thể thành công và mạng thành quả của bản thân mình đóng góp vào sự tiến bộ của nhân loại. Tuy nhiên, chăm chỉ thôi thì nó cũng không đủ sức tạo lên được thành công, ta cần phải biết xác định rõ ràng mục đích và lối sống đúng đắn, kiên trì theo đuổi đúng hướng chứ đừng quá cầu toàn tạo thành một lối mòn, một đường không có lối ra. Những người không có đức tính này khi làm việc gì cũng thất bại, vì họ chỉ có sự nhẫn nại và kiên trì với công việc đang làm nếu họ nản chí thì bao giờ mới có thành công. Nhiều người không biết rằng trong khi họ đang mơ ước đến một thành công nào đấy thì có những người cũng đã "thức dậy" và lao động vô cùng miệt mài và hiệu quả.

Là lớp trẻ, chúng ta cũng cần hiểu sâu sắc hơn tầm quan trọng của đức tính trên và cần áp dụng ngay nếu muốn thành công. Thế hệ trẻ như chúng ta ngày nay hiểu rõ sức mạnh to lớn của tinh thần sáng tạo trong lao động thì càng phải phấn đấu học hành thật giỏi chăm chỉ lao động để giúp cho dân giàu nước mạnh. Đất nước mình còn nghèo, lực lượng lao động rất dồi dào nhưng chúng ta vẫn thiếu thốn về cơ sở vật chất. Lao động trong điều kiện hiện nay chắc chắn là phải biết dựa trên tinh thần cần cù, chăm chỉ, đoàn kết và sáng tạo. Việc học tập không ngừng để tiếp thu khoa học kỹ thuật mới là quan trọng. Tinh thần hăng say lao động, lao động "vì mọi người" và phát triển một lực lượng người lao động có trình độ cao là cốt lõi của thành công trong lao động. Hãy tiếp tục cố gắng học tập, rèn luyện đức tính này và hãy có thêm thời gian để "chăm chỉ" làm việc rồi kết quả sẽ đến với bạn – một thành quả mà bạn đã mong đợi!

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Thu
85
  • Lượt tải: 146
  • Lượt xem: 196.553
  • Dung lượng: 468,2 KB
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨

    Chủ đề liên quan