Văn mẫu lớp 9: Nghị luận xã hội về văn hóa xếp hàng của người Việt Nam Dàn ý & 4 mẫu nghị luận xã hội hay nhất
Nghị luận về văn hóa xếp hàng của người Việt Nam gồm 4 mẫu hay nhất, kèm theo dàn ý chi tiết, giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ vai trò, ý nghĩa của văn hóa xếp hàng trong cuộc sống của con người.
Văn hóa xếp hàng chỉ là một hành động rất nhỏ, nhưng sẽ cho thấy ý thức của mỗi người. Xếp hàng đúng vị trí, tôn trọng người xung quanh, những hành động ấy chính là thước đo ý thức, văn hóa ứng xử của mỗi con người. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để ngày càng học tốt môn Văn 9:
Nghị luận về văn hóa xếp hàng của người Việt Nam
Dàn ý Nghị luận về văn hóa xếp hàng của người Việt Nam
I. Mở bài:
- Xếp hàng được xem là thước đo ý thức công dân về văn hoá ứng xử của các nước nhưng hiện nay đã bị nhiều người xem thường, bỏ quên, đặc biệt việc xếp hàng của đại đa số người dân Việt Nam đang là bài toán nan gian giải...
II. Thân bài
1. Thực trạng hiện nay:
- Chen lấn, xô đẩy, gây mất trật tự, đứng không đúng vị trí ở những nơi công cộng
- Chen lấn khi mua vé tàu xe, vé xem phim, thủ tục hành chính, dân sự...
2. Nguyên nhân:
- Ý thức cá nhân kém, ai cũng muốn hơn thua, muốn đấu đá, cạnh tranh để giành phần hơn từ những việc nhỏ nhất hòng tìm một vị trí đẹp, thuận lợi cho công việc của mình.
- Tư tưởng ăn thua cay cú, muốn mình được ưu tiên trước mà không mất thời gian chờ đợi.
- Các cấp quản lí chưa có những biện pháp và hình thức xử lí cụ thể, thường xem nhẹ và bỏ quên việc xếp hàng...
3. Hậu quả:
- Gây ùn tắc, hỗn loạn và phát sinh nhiều vấn đề tệ nạn: móc túi, trộm cắp, thậm chí gây thương vong
- Dẫn chứng
+ Cảnh tượng chen lấn giành giật chỉ để giành những chai nước, phần thức ăn miễn phí đã trở thành một tì vết trong văn hoá ứng xử của người Việt.
+ Cảnh chen lấn, giành giật áo mưa tại UBND quận Ba Đình, Hà Nội khi đại sứ quán Hà Lan phát 3000 áo mưa miễn phí cho người Việt, người người xô đẩy, hỗn loạn cốt chỉ để lấy một cái áo mưa, đáng buồn hơn là những khuôn mặt đầy thanh tú cũng “tích cực giành những chiến lợi phẩm” - một cảnh tượng xấu xí mà có lẽ không một người Việt có ý thức nào muốn nhìn thấy.
+ Hình ảnh xấu nhất và trở thành một đề tài được bàn tán sôi nổi trong năm 2015, một "vết nhơ" về văn hoá ứng xử của người Việt là cảnh tượng hàng ngàn người chen lấn, xô đẩy, thậm chí giẫm đạp lên nhau, trèo rào để được vào công viên Hồ Tây tắm miễn phí. Thật đáng buồn trước những cảnh trạng đó!
- Số người Việt kém ý thức và văn hoá "lùn" không nhiều, vẫn còn đâu đó những ý thức xếp hàng.
- Thiết nghĩ người Việt nên học hỏi văn hoá xếp hàng từ láng giềng Nhật Bản, một điểm sáng đáng tự hào của con người xứ sở Phù Tang. Thế giới đã thấy rõ điều này khi hội chợ thương mại Expo quốc tế Nagoya kết thúc tại Aichi, Nhật Bản. Người ta thống kê được rằng trong 185 ngày hội chợ có tới 22 triệu lượt khách tham quan trong số đó 95% là người Nhật. Trong khi những người nước ngoài chẳng hề quan tâm thì người Nhật lại xếp hàng dài để xem người ta nói về các con thú trên gian hàng của Hitachi.
- Tạo ấn tượng xấu trong mắt bạn bè quốc tế, những du khách nước ngoài khi sang Việt Nam ấn tượng đầu tiên của họ là Người Việt thật hiếu khách và thân thiện!”, “Cảnh sắc đẹp tuyệt vời!”, “Một nền văn hiến đáng tự hào",... thì than ôi chỉ bởi cái văn hoá xếp hàng mà vô hình chung họ sẽ có những cái nhìn không mấy thiện cảm.
- “Xếp hàng không đơn thuần là đúng hàng lối, ngay thẳng, trật tự, đúng vị trí mà còn mang ý nghĩa nội hàm là sự bất công, thiếu công bằng và minh bạch. Đơn cử là vấn đề xin việc trong một cơ quan, tổ chức nào đó. Nếu họ có tiền, có mối quan hệ tốt thì chỉ cần một cú điện thoại, một cuộc hẹn “xã giao và nghiễm nhiên họ sẽ xen ngang" và cướp mất đi cơ hội của những người đường đường chính chính, có năng lực đang chờ đợi mòn mỏi những mong được một vị trí trong công việc. Thế mới thấy văn hoá xếp hàng đã tồn tại và ăn sâu vào tư duy của nhiều người ngay từ những việc cỏn con để rồi len lỏi vào trong mọi ngõ ngách cuộc sống.
4. Biện pháp:
Để xây phục hồi lại văn hoá xếp hàng vốn đã trở thành một nếp cũ xưa đẹp của người Việt Nam những năm sau giải phóng 1975, thời mà mua bất cứ hàng hoá nào cũng phải đợi đúng số, đúng tên quả thật không khó.
- Các nhà quản lí các cấp cần tạo cho công dân chỗ xếp hàng - những nơi thường tụ tập đông đúc
- Đối với các hành vi chen lấn, vượt rào ban đầu có thể nhắc nhở, cảnh cáo, thậm chí buộc phải lùi về vị trí sau cùng. Có thế mới thấy được cái thiệt rước vào thân cũng chỉ bởi một chút hơn thua, lần sau cũng phải suy xét trước khi hành động.
- Thiết lập một xã hội công bằng trong tất cả các lĩnh vực, thực hiện đồng bộ thì có lẽ văn hoá Việt sẽ có được một diện mạo mới, một cái nhìn thiện cảm từ bạn bè quốc tế.
5. Bài học nhận thức – hành động
- Nhận thức: Xếp hàng là một nét văn hoá ứng xử tốt đẹp cần phải được coi trọng và phát huy.
- Hành động:
- Xếp hàng nơi công cộng, đông người
- Ưu tiên vị trí cho những người thật sự cần, trong những tình huống khẩn cấp
III. Kết bài
- Xếp hàng đôi khi mất nhiều thời gian, tạo cảm giác chờ đợi mệt mỏi nhưng hãy thử kiên nhẫn để tạo một hình ảnh tốt đẹp, thiện cảm, đặc biệt là sự công bằng cho mỗi người. Nhưng với một thói quen cố hữu và ăn sâu để thay đổi có lẽ phải mất nhiều thời gian.
Nghị luận xã hội về văn hóa xếp hàng - Mẫu 1
Không chỉ cần những chiến công lừng lẫy, những phát minh vĩ đại, những nghĩa cử lớn lao, những cá nhân kiệt xuất, cuộc sống này còn cần cả những cử chỉ nhỏ bé mà văn minh của tất cả mọi người để trở nên tươi đẹp, an lành. Một trong những điều tưởng chừng giản dị mà rất đỗi cần thiết ấy là văn hóa xếp hàng. Bạn sẽ chẳng cảm thấy vui vẻ nếu rơi vào những tình huống chen lấn, cãi vã vì chuyện xếp hàng mà việc giành chỗ của người khác để được thanh toán trước trong siêu thị được nêu ở đề bài là một ví dụ thường gặp.
Trước hết, chúng ta dễ dàng nhận thấy tình huống giả định trong đề' bài là tình huống khá phổ biến trong đời sống. Mỗi người có thể đã gặp tình huống này ở đâu đó như ở cây rút tiền ATM, tại cửa hàng ăn uống, trong rạp chiếu phim... Nhưng dù ở bất kì đâu, hành động chen lấn và giành chỗ của người khác mà không chịu xếp hàng theo thứ tự luôn là hành vi khiếm nhã, thiếu văn hóa. Nếu rơi vào tình huống trên, chúng ta không nên mất bình tĩnh và cũng không được im lặng mà phải xử lí một cách nhanh chóng, thẳng thắn. Không những vậy, việc xử lí có thể còn phải diễn ra ở nhiều mức độ. Đầu tiên, em sẽ đề nghị bạn một cách nhẹ nhàng “Mình đến trước, bạn đến sau, bạn nên vẽ đúng vị trí của mình để được thanh toán”. Nếu bạn cố tình bỏ qua, em sẽ dùng lời nói mạnh mẽ hơn “Ở nơi công cộng, ai cũng phải xếp hàng để công bằng và nhanh chóng. Khi mất thời gian ở chỗ này là bạn cũng mất luôn vị trí tốt hơn ở phía sau”. Nhưng khi lời nói không có tác dụng, em sẽ nhờ đến sự can thiệp của các cô chú nhân viên ở siêu thị và những người cùng xếp hàng với mình để bạn tuân thủ sự văn minh, công bằng nơi công cộng. Hi vọng, qua tình huống này, bạn sẽ hiểu văn hóa xếp hàng và không lặp lại hành động tương tự ở nơi khác.
Văn hóa xếp hàng đơn giản là việc cộng đồng cùng tuân thủ việc xếp hàng theo thứ tự, có người trước, người sau theo một trật tự nhất định ở nơi công cộng. Ngoài ra, văn hóa xếp hàng còn thể hiện qua thái độ văn minh khi biết giữ trật tự, không gây lộn xộn và hành động đẹp khi giúp đỡ hoặc nhường lối cho người cao tuổi, phụ nữ có thai, em nhỏ, người khuyết tật... Người Việt đã từng có hình ảnh đẹp về văn hóa xếp hàng thời kì bao cấp, khi người ta xếp hàng từ hai, ba giờ sáng để mua cân gạo, miếng thịt... nhưng vẫn luôn tuần tự và tôn trọng những người xung quanh, không để xảy ra chuyện tranh giành, cãi vã. Thực tế, nhiều người trong cộng đồng cũng có được ý thức tốt đẹp này. Điều đáng tiếc là ý thức đẹp ấy chưa phải là số đông. Bởi vậy, lâu nay chuyện xếp hàng của người Việt đã tốn nhiều giấy mực của báo chí, khiến cho hình ảnh người Việt xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế. Thật không khỏi hổ thẹn khi nhìn lại cảnh hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy nhau để có được miếng miễn phí trên phố Đoàn Trẩn Nghiệp (Hà Nội) năm 2013; cảnh trèo rào, chen lấn để được tắm miễn phí trong công viên nước Hồ Tây năm 2015... Và hàng ngày, thầy cô vẫn phải nhắc nhở học sinh xếp hàng ngay ngắn, vắng các chú cảnh sát giao thông là đường tắc và tiếng còi xe inh ỏi trên đường phố của những đô thị được coi là phát triển văn minh, hay ngay cả Ban tổ chức đã nỗ lực hết sức cũng không thể ngăn được hàng nghìn, hàng triệu người dẫm đạp lên nhau tại các lễ hội lớn...
Văn hóa xếp hàng vừa là nét đẹp của đời sống con người nói chung, bất kì kể là thời kì xưa cũ hay thời kì hiện đại, vừa là một kỉ luật vô cùng cần thiết để chúng ta gìn giữ được cuộc sống văn minh, tiến bộ. xếp hàng đúng vị trí, tôn trọng người xung quanh, những hành động ấy tuy nhỏ nhưng lại có vai trò và ý nghĩa to lớn. Trước hết, xếp hàng có văn hóa giúp mọi việc diễn ra trôi chảy, nhanh chóng và công bằng. Điều đó còn giúp tiết kiệm thời gian, giúp phòng tránh những cảm xúc tiêu cực và những sự việc đáng tiếc. Sở dĩ văn hóa xếp hàng còn yếu trong cộng đồng chúng ta vì nhiều nguyên nhân mà đầu tiên và quan trọng nhất là ý thức kém của mỗi người. Thói ích kỉ, sự thiếu kiên nhẫn cùng tâm lý đám đông đã khiến hành vi xấu xí này nhân rộng và ăn sâu trong cộng đồng. Hậu quả là, tất cả tạo nên bức tranh cảnh quan cộng đồng lộn xộn và ẩn chứa nguy cơ bất hòa, vũ lực.
Đáng trách hơn, có những người sẵn sàng nổi nóng khi người khác giành chỗ của mình nhưng lại thản nhiên chen lên trước người khác. Thậm chí, có những người sẵn sàng nói dối, ngụy biện bằng những lí do cá nhân như “Tôi có việc gấp” để phá vỡ trật tự xếp hàng. Và thật đáng xấu hổ khi đó không phải là hiện tượng đơn lẻ mà là hiện tượng phổ biến. Sự dễ dãi, tâm lí quen chộp giật, được việc mình trong cách xếp hàng còn góp phần di căn tạo nên thói quen chạy chọt cửa sau, phong cách làm việc thiếu chuyên nghiệp cùng nhiều bất công trong các lĩnh vực khác.
Để giải quyết thực trạng trên, cẩn có sức mạnh cộng đồng thể hiện trong ý thức kỉ luật chung và hành động chung chống lại bất kì hành vi thiếu văn hóa nào; cần có sức mạnh giáo dục của nhà trường, xã hội và cần có khao khát sống tử tế, sống có nhân cách của mỗi người. Thế giới đã cho chúng ta những tấm gương tuyệt vời như cách người Nhật xếp hàng nhận cứu trợ sau thảm họa kép động đất - sóng thần năm 2011; cách người Pháp, người Thụy Điển, người Hàn Quốc xếp hàng thực hiện nếp sống văn minh. Và không ở đâu xa, ngay trong ngôi trường chúng ta học, ngay trong khu phố chúng ta sống và ngay ở bất kì nơi công cộng nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy bên cạnh những người ý thức kém là những người nhẫn nại xếp hàng. Để bảo vệ sự công bằng để những người có ý thức tốt và chính chúng ta không phải chờ đợi hay khó chịu vì những người thiếu ý thức, cần có văn hóa xếp hàng của cộng đồng, của dân tộc.
Lịch sử đã ghi nhận những chiến công hiển hách của cha ông ta trong quá trình đấu tranh chống thực dân, phát xít, đế quốc. Hãy để bạn bè quốc tế thấy rằng bên cạnh hình ảnh người Việt anh hùng còn là người Việt văn minh, người Việt khiêm nhường, xóa nhòa hình ảnh người Việt xấu xí hiện nay. Quan trọng hơn cả, sống có văn hóa.
Nghị luận xã hội về văn hóa xếp hàng - Mẫu 2
Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa phát triển trong nền văn minh lúa nước. Chúng ta đã trải qua và phát triển hàng nghìn năm mới phát triển đến được ngày hôm nay. Tuy nhiên có những vấn đề về văn hóa mà chúng ta cần phải nhìn nhận và đánh giá lại mà một trong số đó là văn hóa xếp hàng. Từ xa xưa cha ông đã khuyên chúng ta, phải biết yêu thương chia sẻ lẫn nhau “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “lá lành đùm lá rách”, thì giờ đây chúng ta lại ngậm ngùi vì những hiện tượng chen lấn xô đẩy, giằng xé ganh đua lẫn nhau, kể cả rất nhiều nơi không đáng chen lấn.
Chúng ta chưa thể quên được những hình ảnh chen lấn nhau tại lễ hội đền Hùng năm 2016, khi mà chốn linh thiêng thì con người ta lại chen nhau, xô đẩy nhau để được thắp hương. Hay cảnh tượng chen lấn tại nhà ga, siêu thị… Dường như người Việt chúng ta quá quen thuộc với cảnh chen lấn nhau, người sau chen người trước mạnh ai nấy thắng. Thi thoảng chúng ta lại chứng kiến cảnh tượng người ta đánh nhau vì người này lên trước, chị kia lên sau. Hiện nạy, chúng ta đã quên đi những nét đẹp xếp hàng thời bao cấp, cái thời cái ăn còn chưa no nhưng chúng ta đã biết xếp hàng chờ đợi để được mua tem phiếu. Không chen lấn xô đẩy, ai đến trước thì được mua trước, có khi còn nhường cho các cụ già được lên mua trước. Nét văn hóa này đã lùi xa và hiện nay chúng ta chẳng còn biết xếp hàng như ngày xưa nữa. Ngay cả học sinh chúng ta cũng vậy xếp hàng phải có thầy cô giáo đứng bên cạnh thì mới có thể xếp hàng ngay thẳng được. Văn hóa xếp hàng chính là một trong những điểm nóng mà chúng ta cần quan tâm, và lên án. Nhìn lại ở những nước phát triển khác như Nhật Bản, Mỹ… dù có trong hoàn cảnh nào thì họ vẫn có trật tự trước sau, xếp hàng đầy đủ. Chúng ta hẳn chưa quên vụ nổ nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản cách đây mấy năm trước tuy nhiên không có bất kỳ một hiện tượng chen lấn xô đẩy nào mà tất cả mọi người đều xếp hàng một cách ngay ngắn để nhận hàng viện trợ từ chính phủ.
Tại sao văn hóa Việt Nam chúng ta lại kém như vậy? Đầu tiên phải kể đến ý thức của con người, tính ích kỷ đã dẫn đến những hiện tượng chen lấn, xô đẩy, không có văn hóa xếp hàng. Và cũng do một phần do nền văn minh lúa nước đã ảnh hưởng rất nhiều đến văn hóa xếp hàng của đại đa số người Việt chúng ta.
Tuy nhiên, không phải ai trong số những người Việt Nam chúng ta đều không có văn hóa xếp hàng, có rất nhiều người có rất có ý thức trong việc xếp hàng. Đây chính là những tấm gương sáng mà chúng ta cần học tập, noi theo để tạo nên một xã hội văn minh có văn hóa xếp hàng. Xây dựng một xã hội văn minh tốt đẹp thì chúng ta có những biện pháp nhất định để ai cũng có thể xếp hàng một cách văn minh hơn.
Nghị luận xã hội về văn hóa xếp hàng - Mẫu 3
Văn hóa xếp hàng đơn giản là việc cộng đồng cùng tuân thủ việc xếp hàng theo thứ tự, có người trước, người sau theo một trật tự nhất định ở nơi công cộng. Ngoài ra, văn hóa xếp hàng còn thể hiện qua thái độ văn minh khi biết giữ trật tự, không gây lộn xộn và hành động đẹp khi giúp đỡ hoặc nhường lối cho người cao tuổi, phụ nữ có thai, em nhỏ, người khuyết tật.
Người Việt đã từng có hình ảnh đẹp về văn hóa xếp hàng thời kì bao cấp, khi người ta xếp hàng từ hai, ba giờ sáng để mua cân gạo, miếng thịt nhưng vẫn luôn tuần tự và tôn trọng những người xung quanh, không để xảy ra chuyện tranh giành, cãi vã. Thực tế, nhiều người trong cộng đồng cũng có được ý thức tốt đẹp này. Điều đáng tiếc là ý thức đẹp ấy chưa phải là số đông. Bởi vậy, lâu nay chuyện xếp hàng của người Việt đã tốn nhiều giấy mực của báo chí, khiến cho hình ảnh người Việt xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế. Thật không khỏi hổ thẹn khi nhìn lại cảnh hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy nhau để có được miếng sushi miễn phí trên phố Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội) năm 2013; cảnh trèo rào, chen lấn để được tắm miễn phí trong công viên nước Hồ Tây năm 2015. Và hàng ngày, thầy cô vẫn phải nhắc nhở học sinh xếp hàng ngay ngắn, vắng các chú cảnh sát giao thông là đường tắc và tiếng còi xe inh ỏi trên đường phố của những đô thị được coi là phát triển văn minh, hay ngay cả ban tổ chức đã nỗ lực hết sức cũng không thể ngăn được hàng nghìn, hàng triệu người dẫm đạp lên nhau tại các lễ hội lớn... Văn hóa xếp hàng vừa là nét đẹp của đời sống con người nói chung, bất kể là thời kì xưa cũ hay thời kì hiện đại, vừa là một kỉ luật vô cùng cần thiết để chúng ta gìn giữ được cuộc sống văn minh, tiến bộ.
Xếp hàng đúng vị trí, tôn trọng người xung quanh, những hành động ấy tuy nhỏ nhưng lại có vai trò và ý nghĩa to lớn. Trước hết, xếp hàng có văn hóa giúp mọi việc diễn ra trôi chảy, nhanh chóng và công bằng. Điều đó còn giúp tiết kiệm thời gian, giúp phòng tránh những cảm xúc tiêu cực và những sự việc đáng tiếc. Sở dĩ văn hóa xếp hàng còn yếu trong cộng đồng chúng ta vì nhiều nguyên nhân mà đầu tiên và quan trọng nhất là ý thức kém của mỗi người. Thói ích kỉ, sự thiếu kiên nhẫn cùng tâm lý đám đông đã khiến hành vi xấu xí này nhân rộng và ăn sâu trong cộng đồng. Hậu quả là, tất cả tạo nên bức tranh cảnh quan cộng đồng lộn xộn và ẩn chứa nguy cơ bất hòa, vũ lực. Hãy là một người Việt Nam có văn hóa!
Nghị luận xã hội về văn hóa xếp hàng - Mẫu 4
Qua các phương tiện báo đài, truyền thông đại chúng, chúng ta hoàn toàn có thể thấy được văn hóa xếp hàng của người Việt Nam đã từng tệ hại như thế nào vào khoảng chục năm về trước.
Những gì mà chúng ta chứng kiến vào thời điểm trước đây đó là một đám đông hỗn loạn, đông đúc, chen lấn xô đẩy, không có tổ chức, chen lấn xô đẩy, tranh cướp lẫn nhau vì một món hời nào đó. Theo em, đây thực sự là một hành động kém văn minh, kém văn hóa của người Việt Nam. Chính vì hành động này mà những năm đó, người Việt Nam thực sự bị tai tiếng rất nhiều trong con mắt của bạn bè quốc tế. Chúng ta bị đánh giá là những con người kém văn minh, không có tổ chức, không có kỉ luật, và không có sự kết nối, đoàn kết trong cộng đồng. Và thực sự, hành động chen lấn xô đẩy khi xếp hàng ở Việt Nam đã từng thực sự rất tệ hại như thế. Lấy ví dụ người Nhật trong thảm họa sóng thần và hạt nhân hồi năm 2010. Mọi người dân chờ để lấy đồ ăn cứu trợ nhưng vẫn xếp hàng ngay ngắn, tạo nên một khung cảnh yên bình như chưa từng có gì xảy ra sau thảm họa kinh hoàng ấy. Mọi người dân Nhật Bản vẫn hoàn toàn chờ đợi cho đến khi đến lượt mình, hoàn toàn không có cảnh chen lấn, xô đẩy, cướp bóc.
Vào khoảng mấy năm trở lại đây, một tín hiệu đáng mừng đó là văn hóa xếp hàng đã được xây dựng và hình thành khá tốt trong xã hội Việt Nam. Một nếp sống văn minh cũng đủ để lan tỏa sự tốt đẹp trong cuộc sống. Nay mọi người đều xếp hàng ngay ngắn để mua hàng, hay học sinh sinh viên xếp hàng thẳng lối để đi thang máy ở các trường đại học. Có được hiện tượng đáng mừng như vậy là nhờ sự tuyên truyền, giáo dục của nhà nước. Tóm lại, văn hóa xếp hàng của người Việt Nam cần được tiếp tục phát triển và duy trì.