Văn mẫu lớp 9: Phân tích khổ thơ đầu bài Đoàn thuyền đánh cá 2 Dàn ý & 12 mẫu phân tích khổ 1 Đoàn thuyền đánh cá

TOP 12 mẫu Phân tích Khổ 1 bài thơ Đoàn thuyền đánh cá hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều thông tin hữu ích, thấy rõ hình ảnh con thuyền ra khơi, cùng với câu hát yêu đời của người ngư dân.

Đoàn thuyền đánh cá

Khổ 1 Đoàn thuyền đánh cá đã tái hiện thành công khung cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi tấp nập, giúp người đọc cảm nhận được tình yêu thiên nhiên và con người của nhà thơ Huy Cận. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để ngày càng học tốt môn Văn 9.

Dàn ý phân tích khổ 1 bài Đoàn thuyền đánh cá

Dàn ý 1

1. Mở bài:

  • Giới thiệu về tác giả Huy Cận, tác phẩm "Đoàn thuyền đánh cá" và khổ 1 bài thơ.

2. Thân đoạn:

a. Bức tranh hoàng hôn tráng lệ trên biển (2 câu đầu):

- Mở ra bằng khung cảnh của ngày tàn với hình ảnh của "mặt trời", "sóng" và màn đêm.

  • "Mặt trời": được so sánh như "hòn lửa", đỏ rực đang lặn xuống biển.
  • Những con sóng: gợn lăn tăn như những chiếc then cài cửa của màn đêm.
  • Màn đêm: đang đóng sập cánh cửa của ban ngày.

→ Với nhà thơ, vũ trụ như một ngôi nhà khổng lồ.

  • Tất cả những hình ảnh thiên nhiên được xây dựng bằng trí tưởng tượng phong phú của tác giả, được nhân hoá thành những sự vật quen thuộc.

- Khung cảnh hoàng hôn hiện lên thật tráng lệ, đẹp đẽ và lộng lẫy.

b. Hình ảnh của đoàn thuyền đánh cá:

- Cụm từ "lại ra khơi": Hành động quen thuộc, được lặp đi lặp lại hàng ngày, là một quy luật của những người ngu dân nơi đây.

- Hình ảnh "câu hát căng buồm cùng gió khơi": hình ảnh cụ thể hoá của Huy Cận.

  • Những người ngư dân ra khơi trong tiếng hát hân hoan, trong niềm say mê lao động.
  • Tiếng hát khỏe khoắn ấy hoà cùng gió biển thổi căng cánh buồm để họ tiến ra khơi trong niềm tin sẽ gặt hái được những thành quả to lớn.

c. Đặc sắc nghệ thuật:

  • Những hình ảnh đẹp được dựng lên bằng trí tưởng tượng phong phú.
  • Các biện pháp so sánh, nhân hoá, ẩn dụ cũng làm nên thành công cho khổ thơ.
  • Âm điệu thơ khoẻ khoắn, hào hùng.

3. Kết đoạn:

  • Khẳng định giá trị của khổ thơ, bài thơ.

Dàn ý 2

I. Mở bài:

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích

  • Huy Cận được biết đến là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới.
  • "Đoàn thuyền đánh cá" là một trong những bài thơ tiêu biểu của ông.
  • Bài thơ được mở đầu bằng hình ảnh đoàn thuyền ra khơi lúc chiều tà.

II. Thân bài:

* Hoàn cảnh ra đời:

  • Năm 1958, trong một chuyến đi thực tế của nhà thơ tại Hồng Gia, Cẩm Phả, Quảng Ninh.

* Phân tích đoạn thơ:

- 2 câu thơ đầu: Thời gian ra khơi của đoàn thuyền

  • Mặt trời so sánh với "hòn lửa" → khung cảnh lung linh rực rỡ sắc màu, dù là thời khắc của ngày tàn những hình ảnh đoàn thuyền ra khơi vẫn hiện lên thật đẹp, thật tráng lệ và căng tràn sức sống.
  • Ẩn dụ "sóng - cài then", "đêm - sập cửa" → màn đêm đang dần buông xuống

- Khi vạn vật đã đi vào trạng thái nghỉ ngơi, chỉ có đoàn thuyền là căng tràn sức sống, hăng hái lên đường

- 2 câu thơ sau: không khí ra khơi vui tươi, sôi nổi đầy hứng khởi

  • Từ "lại" → Nhấn mạnh đến nhịp công việc quen thuộc, lặp lại hàng ngày của người dân làng chài.
  • "Câu hát" cùng "gió khơi" và con người với thiên nhiên như đang hòa làm một.

→ Khổ thơ thứ nhất với sự vui tươi cùng hình ảnh thiên nhiên tráng lệ đã thật sự mở ra một bức tranh, một hành trình ra khơi mới

III. Kết bài:

  • Khẳng định lại giá trị của đoạn thơ.

Phân tích khổ thơ đầu Đoàn thuyền đánh cá

Huy Cận là một nhà thơ tiêu biểu của nền thơ Việt Nam. Thơ của ông mang hai phong cách riêng biệt. Trước cách mạng tháng Tám, ông có hồn thơ u sầu, ảo não nhưng sau đó lại tươi trẻ, dạt dào hơn. "Đoàn thuyền đánh cá" là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ ông sau cách mạng. Bài thơ đã diễn tả không khí lao động vui vẻ, phấn khích của người ngư dân. Ở khổ thơ đầu tác giả đã miêu tả rất rõ hình ảnh con thuyền ra khơi cùng với câu hát yêu đời của người ngư dân.

Mở đầu đoạn thơ là hình ảnh đoàn thuyền đánh cá chuẩn bị ra khơi khi hoàng hôn xuống:

"Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa".

Bằng việc sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa và so sánh đặc sắc, nhà thơ Huy Cận đã giúp người đọc hình dung ra hình ảnh mặt trời đỏ rực như hòn lửa từ từ chìm vào đại dương mênh mông. Không gian mặt biển trong giây phút những tia sáng mặt trời cuối cùng giao hòa giữa ánh sáng và bóng tối được khắc họa đầy đủ và thật ấn tượng. Xét về vị trí địa lí thì khi đứng ở vùng biển Quảng Ninh không thể thấy được hình ảnh mặt trời xuống biển. Vậy đó là một điểm nhìn tưởng tượng, hay cũng có thể nhà thơ đang đứng trực tiếp trên con thuyền và hướng mắt về vùng biển thì mới có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp kì vĩ đến vậy. Không chỉ thế, tác giả còn sử dụng biện pháp tu từ liên tưởng, tưởng tượng. Khi trời tối, vũ trụ mang một vẻ đẹp huyền bí. Nó như một ngôi nhà lớn mà màn đêm là cánh cửa và sóng là then cửa. Lúc này vạn vật đang dần chìm vào sự nghỉ ngơi sau một ngày dài. Ở hai câu thơ đầu ta thấy khung cảnh thiên nhiên sinh động hơn chứ không giống như xúc cảm ở bài thơ Tràng Giang: "Sóng gợn Tràng Giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song". Hình ảnh thơ trước cách mạng thật buồn tẻ bởi nó nhuốm màu tâm trạng của con người. Còn sau cách mạng hồn thơ Huy Cận như nảy nở trở lại trở nên vui tươi hơn.

Ở những câu thơ tiếp theo, đó là khung cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi trong buổi chiều tà:

"Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm với gió khơi".

Không chỉ có một, hai chiếc thuyền ra khơi mà có cả đoàn thuyền nối đuôi nhau ra ngoài biển lớn. Không khí lao động của những con người đang đi lên xây dựng đất nước thật hào hùng, hồ hởi, trong lòng họ rạo rực một niềm vui. Bằng việc sử dụng từ "lại", tác giả diễn tả hoạt động thường xuyên liên tục của người ngư dân. Việc ra khơi không phải chỉ diễn ra trong ngày một, ngày hai mà đó là cả một hành trình dài, liên tục. Hoạt động đối lập của con người và thiên nhiên cho ta thấy rõ được thời gian lao động của người ngư dân. Khi mà tất cả mọi vật đều chìm vào sự yên tĩnh thì họ mới ra khơi. Thế nhưng, không vì thế mà người dân cảm thấy mệt mỏi hay chán nản. Họ vẫn cất vang "Câu hát căng buồm với gió khơi". Đó là câu hát yêu đời, hân hoan, hi vọng những lần ra khơi thuận buồm xuôi gió, cá xếp đầy khoang.

Bằng việc sử dụng những biện pháp nghệ thuật đặc sắc kết hợp với trí tưởng tượng phong phú, nhà thơ Huy Cận đã làm nổi bật bức tranh đoàn thuyền đánh cá ra khơi. Từ đó, ngợi ca tinh thần lao động tích cực, nhiệt huyết của người ngư dân trong công cuộc dựng xây đất nước.

Phân tích khổ 1 bài Đoàn thuyền đánh cá - Mẫu 1

Giáo sư Hà Minh Đức nhấn mạnh: Cù Huy Cận không chỉ là một nhà thơ mà còn là một nhà văn hóa, nhà hoạt động chính trị xã hội với những dấu ấn quan trọng”. Trên diễn đàn văn học Việt nam, Huy Cận cũng được mệnh danh là nhà thơ đa tài. Ông biết làm thơ từ năm 14 tuổi, 16 tuổi đã có thơ đăng trên báo và 20 tuổi đã xuất bản tập thơ đầu tay “Lửa thiêng”. Điều quan trọng hơn cả, Huy Cận là người có tầm vóc với sức sáng tạo bền bỉ, cuộc đời ông từ khi là chàng thanh niên mới biết làm thơ cho tới khi rời cõi tạm, ông đều không ngừng sác tác thơ. Một trong những tác phẩm hay tiêu biểu phải kể đến bài thơ Đoàn Thuyền Đánh Cá. Khổ đầu bài thơ là bức tranh thiên nhiên về cảnh hoàng hôn thật huy hoàng tráng lệ và vẻ đẹp của con người lao động hăng say.

Mặt trời xuống biển như hòn lửa,
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

Phân tích khổ thơ đầu bài đoàn thuyền đánh cá – Bức tranh thiên nhiên hiện ra thật huy hoàng tráng lệ. Đó là cảnh hoàng hôn buông xuống, ánh mặt trời không khác gì hòn lửa lớn và chìm dần xuống biển bao la. Có lẽ, lúc này Huy Cận đang đứng ở cửa biển và được chứng kiến cảnh tượng hùng vĩ tuyệt vời này. Trong thơ ca có rất nhiều bài thơ và những câu thơ về hình ảnh mặt trời lặn nhưng để có thể tạo nên hình ảnh huy hoàng như thế này có lẽ hiếm.

Chúng ta có thể bắt gặp một số hình ảnh về mặt trời lặn như:

Con tàu dần khuất hướng tây
Mặt trời lẩn trốn vầng mây bập bềnh
Hoàng hôn ráng đỏ gợi tình.
Cho ai vương vấn bóng hình người ta

Nếu những tác giả khác phải dùng nhiều ngôn từ, nhiều câu thơ mới gợi lên một buổi chiều hoàng hôn thì Huy Cận chỉ sử dụng một câu thơ với hình ảnh mặt trời rực rỡ như ngọn cầu lửa khổng lồ, sau đó chìm dần, chìm dần xuống biển khơi. Cách sử dụng từ rất sống động. Mặt trời được nhân hóa với hành động “xuống”, một sự sáng tạo tuyệt vời trong thơ ca. Người ta thường dùng từ “lặn” cho mặt trời như “Mặt trời lặn vu vơ/ Buồn rất trong/ Lấm tấm mồ hôi gương mặt hoài niệm.” hoặc một số tác giả thường dùng ánh nắng để nói về hoàng hôn thay vì sử dụng hình ảnh mặt trời như “Lom khom nhặt nắng chiều tà/ Hoe vàng cành lá vượt qua cuối trời”

Cách sử dụng từ của Huy cận rất táo bạo và sống động, mới mẻ đầy tính sáng tạo rất đúng với tinh thần sáng tạo của thơ ca. Vì vậy không hề nói quá khi nói ông là nghệ sĩ sáng tạo cả đời từ lúc trưởng thành cho đến khi rời cõi tạm.

Hình ảnh mặt trời xuống núi và đỏ rực như quả cầu lửa chính là miêu tả hoàng hôn rực rỡ ở vùng biển khơi. Tác giả lại biến hóa sự dịch chuyển thời gian nhanh chóng đến đêm với câu thơ: “Sóng đã cài then, đêm sập cửa.” Đều là những hành động rất mạnh, dứt khoát.

Màn đêm dường như đã ập xuống và vũ trợ dường như trở thành một ngôi nhà lớn trong với sóng cài then và đêm thì sập cửa. Thiên nhiên bắt đầu nghỉ ngơi, dọn dẹp sau một ngày mệt mỏi. Những con sóng vẫy vùng dữ tợn ngoài khơi xa dường như cũng thả lỏng nhẹ nhàng hơn. Tất cả đang nghỉ ngơi sau một chu trình hoạt động.

Khi thiên nhiên nghỉ ngơi, con người lại mới bắt đầu làm việc:

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi

Từng đoàn thuyền đánh cá ra khơi mang đến sự hoạt động sôi nổi, mạnh mẽ. Tác giả sử dụng từ “lại” cho thấy đây là một công việc thường xuyên liên tục, diễn ra mỗi ngày và ngày nào cũng vậy. Nó chính là sự đối lập với vũ trụ. Khi vũ trụ chìm trong giấc ngủ là lúc đoàn thuyền sẽ căng buồm ra khơi, khẩn trương mau lẹ, tích cực.

Mặc dù đây là công việc ngày nào cũng như ngày nào nhưng họ luôn ra khơi trong một tâm thế vô cùng hăng say, hăm hở đầy sức sống, náo nhiệt và rộn ràng. Sang câu thơ “Câu hát căng buồm với gió khơi” ta có thể hình dung ra niềm vui lao động của con người. Họ chủ động trong công việc, họ yêu lao động và yêu nghề. Đối với họ, khi màn đêm buông xuống việc ra khơi chính là niềm vui, một nét đẹp trong lao động. Con người hiện lên làm chủ thiên nhiên, làm chủ biển cả. Tiếng hát của họ đã át đi tiếng gió trời thổi phập phồng cánh buồm, đẩy con thuyền ra khơi xa hơn.

Phân tích khổ thơ đầu bài đoàn thuyền đánh cá – Hành trình ra khơi luôn đầy niềm vui và ngập tràn tiếng hát. Bức tranh thiên nhiên hiện lên thật sinh động với tiếng hát và hình ảnh người lao động hăng say, khẩn trương, vui vẻ.

Chỉ với 4 câu thơ nhưng Huy cận đã vẽ lên một bức tranh hoàng hôn rực rỡ và hình ảnh con người lao động say mê với công việc và làm chủ cuộc đời, làm chủ thiên nhiên. Ngôn ngữ thơ có âm điệu vui tươi, khỏe khoắn, bay bổng mang đến sức hấp dẫn cho bài thơ.

Phân tích khổ 1 bài Đoàn thuyền đánh cá - Mẫu 2

“Đoàn thuyền đánh cá” là bài thơ xuất sắc, tiêu biểu cho hồn thơ khỏe khoắn của Huy Cận sau Cách mạng tháng Tám.

Với khổ thơ đầu, tác giả đã mở ra một hình ảnh đẹp về đoàn thuyền ra khơi trong bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ hùng tráng: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa/ Sóng đã cài then, đêm sập cửa”. Khi sắc tối đang từ từ chiếm trọn không gian bao la, mặt trời được ví như một hòn lửa khổng lồ, sáng rực dần lặn xuống mặt biển. Màn đêm buông xuống như tấm cửa khổng lồ với những lượn sóng là chiếc then cài vững chắc. Hình ảnh so sánh kết hợp nhân hóa tạo nên nét huyền diệu, mĩ lệ của thiên nhiên vừa tạo ra sự nhanh chóng, gấp gáp kết thúc một ngày dài. Nhưng đó không phải ngày tàn, u ám như trong bức tranh của tác phẩm Hai đứa trẻ mà là một ngày mới mở ra cho những người con của biển cả: “Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi/ Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.

Đoàn thuyền – tạo ra ấn tượng về sự tấp nập, nhộn nhịp, tinh thần lao động hăng say của những ngư dân. Chữ “lại” vừa khẳng định nhịp điệu lao động ổn định của người dân chài ngày qua ngày, vừa thể hiện sự đối lập giữa sự nghỉ ngơi của đất trời và sự lao động của con người.Câu hát mang theo niềm vui, sự phấn chấn và cũng chất chứa bao hi vọng về những khoang thuyền đầy ắp cá. Tác giả đã tạo nên một hình ảnh khỏe khoắn, tươi vui, căng tràn sức sống và tinh thần say mê lao động.

Đoạn thơ là bức tranh khung cảnh thiên nhiên tráng lệ, hình ảnh đoàn thuyền ra khơi với khí thế hào hứng say mê, tràn đầy sức sống, với tâm hồn lãng mạn của người làm chủ đất nước thật đáng trân trọng tự hào.

Phân tích khổ 1 bài Đoàn thuyền đánh cá - Mẫu 3

Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận được sáng tác vào năm 1958. Trong chuyến đi thực tế ở vùng Hồng Gai, Cẩm Phả, Quảng Ninh của ông. Đây là một sự kết hợp nhuần nhuyễn của hai nguồn cảm hứng:. Cảm hứng lãng mạn tràn ngập niềm vui cuộc sống về lao động và cảm hứng về thiên nhiên vũ trụ. Sự gặp gỡ, phối hợp của hai nguồn cảm hứng này đã tạo nên những hình ảnh rộng lớn, lung linh tráng lệ như những bức tranh sơn mài. Và mở đầu bài thơ là hai câu thơ miêu tả cảnh hoàng hôn trên biển thật độc đáo và thú vị:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.”

Với sự liên tưởng độc đáo, Huy Cận đã miêu tả rất thực sự chuyển đổi thời khắc giữa ngày và đêm thật kỳ vĩ như thần thoại. Vũ trụ như một ngôi nhà rộng lớn mà ở đó màn đêm buông xuống là tấm cửa khổng lồ. Còn những lượn sóng gối đầu lên nhau trên biển là những chiếc then cài cửa.

Câu thơ khắc họa một bức tranh phong cảnh thần kỳ như thể nhà thơ có một cặp mắt thần và một trái tim nhạy cảm. Màn đêm mở ra đã khép lại không gian của một ngày, giữa lúc đất trời đang chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi thì con người lại bắt đầu công việc của mình:.

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.

Hình ảnh ẩn dụ liên tưởng “câu hát căng buồm cùng gió khơi” đã làm rõ sự đối lập này,. Đồng thời cũng làm nổi bật tư thế lao động của con người trước biển cả.

Nhịp thơ nhanh, mạnh như một quyết định dứt khoát, đoàn ngư dân ào xuống, đẩy thuyền ra khơi và cất cao tiếng hát khởi hành. Từ “lại” vừa biểu thị sự lặp lại tuần tự, liên tục thường nhật mỗi ngày của công việc lao động. Vừa biểu thị ý so sánh ngược chiều với câu thơ trên:. Đất trời chìm vào đêm nghỉ ngơi còn con người lại bắt đầu công việc lao động, một công việc không ít vất vả và nặng nhọc.

Hình ảnh “Câu hát căng buồm cùng gió khơi” còn là hình ảnh ẩn dụ tuyệt đẹp. Cánh buồm căng gió ra khơi là ẩn dụ cho tiếng hát của con người có sức mạnh làm căng cánh buồm.

Ngoài ra, câu hát ấy còn là niềm vui, niềm hứng khởi, say sưa của những con người lao động lạc quan, yêu nghề, yêu biển cả. Cảnh ra khơi huy hoàng đầu khí thế, hứa hẹn chuyến đi biển thắng lợi.

Chỉ với bốn câu thơ mà Huy Cận cũng miêu tả cảnh ra khơi thật sinh động và rõ nét. Tuy chỉ là cảnh ngày tàn mà vẫn ấm áp, vẫn tràn đầy niềm vui, niềm lạc quan của người lao động trên biển. Và không khí chung của bốn câu thơ mở đầu này đã chi phối không khí chung của cả bài thơ.

Phân tích khổ 1 bài Đoàn thuyền đánh cá - Mẫu 4

Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” đã khắc họa nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống. Khổ thơ đầu của bài thơ có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng hình ảnh bằng liên tưởng, tưởng tượng phong phú, độc đáo; có âm hưởng khỏe khoắn, hào hùng,lạc quan.

Bài thơ có hai nguồn cảm hứng lớn, song hành, hài hòa và trộn lẫn vào nhau. Đó là cảm hứng về thiên nhiên vũ trụ và cảm hứng về con người lao động trong cuộc sống mới. Thông qua việc miêu tả cảnh lao động đánh cá của người ngư dân vùng biển Hạ Long, bài thơ ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, sự giàu có của biển khơi; ngợi ca khí thế lao động hăng say, yêu đời của người lao động mới đã được giải phóng, đang làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời và đất nước.

Trước hết cảnh hoàng hôn trên biển và cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi được diễn tả rất sinh động ở 2 khổ thơ đầu. Cảnh hoàng hôn trên biển được miêu tả bằng một hình tượng độc đáo.

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa”.

Với sự liên tưởng độc đáo và so sánh thú vị, Huy Cận đã miêu tả rất thực sự chuyển đổi thời khắc giữa ngày và đêm khiến cảnh biển vào đêm thật kỳ vĩ, tráng lệ như thần thoại. Mặt trời xuống biển nhưng dường như không tàn lụi, không tắt. Nó như hòn lửa, một quả cầu lửa đỏ rực, khổng lồ chìm vào đáy nước đại dương. Biển cả bao la như nồng ấm hẳn lên. Phép tu từ so sánh: mặt trời được ví với hòn lửa đem đến cho bức bức tranh hoàng hôn một vẻ đẹp rực rỡ, tráng lệ, và ấm áp chứ không hiu hắt, ảm đạm như trong thơ cổ.

Phép nhân hóa, ẩn dụ “Sóng đã cài then đêm sập cửa” giúp người đọc cảm nhận thiên nhiên, vũ trụ,biển cả như đi vào trạng thái tĩnh lặng, nghỉ ngơi, thư giãn. Vũ trụ giờ đây như một ngôi nhà khổng lồ. Những lượn sóng dài như chiếc then cài, còn màn đêm đang buông xuống là cánh cửa. Hình ảnh thơ cho thấy thiên nhiên vũ trụ bao la mà gần gũi với con người – biển cả hay đó cũng chính là ngôi nhà thân thuộc của mỗi ngư dân. Có thể nói, hai câu thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên và lòng yêu mến cuộc đời của nhà thơ Huy Cận.

Vũ trụ như một ngôi nhà lớn với màn đêm buông xuống là tấm cửa khổng lồ với những lượn sóng hiền hoà gối đầu nhau chạy ngang trên biển như những chiếc then cài cửa. Phác hoạ được một bức tranh phong cảnh kỳ diệu như thế hẳn nhà thơ phải có cặp mắt thần và trái tim nhạy cảm.

Khi thiên nhiên bước vào trạng thái nghỉ ngơi thì con người bắt đầu làm việc:

“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.

Hình ảnh, nhạc điệu trong câu thơ diễn tả khí thế khỏe khoắn, phấn chấn của những người lao động: khẩn trương làm việc bất kể ngày đêm. Màn đêm mở ra đã khép lại không gian của một ngày. Giữa lúc vũ trụ, đất trời như chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi thì ngược lại, con người bắt đầu hoạt động. Sự đối lập này làm nổi bật tư thế lao động của con người trước biển cả.

Nhịp thơ nhanh mạnh như một quyết định dứt khoát. Đoàn ngư dân đã xuống đáy thuyền ra khơi và cất cao tiếng hát khởi hành. Từ “lại” vừa biểu thị sự lặp lại tuần tự, thường nhật, mỗi ngày của công việc lao động, trở thành một nếp sống quen thuộc của những người ngư dân vùng biển vừa biểu thị ý so sánh ngược chiều với câu trên: đất trời vào đêm nghỉ ngơi mà con người bắt đầu lao động, một công việc lao động không ít vất vả.

“Câu hát căng buồm cùng gió khơi” là hình ảnh ẩn dụ mang tính chất khoa trương. Tiếng hát khỏe khoắn tiếp sức cho gió làm căng cánh buồm. Tiếng hát ấy, làm nổi bật khí thế hồ hởi của những người lao động lạc quan yêu nghề, yêu biển và say mê công việc chinh phục biển khơi làm giàu cho Tổ quốc. Tiếng hát ấy còn thể hiện niềm mong ước của người đánh cá: mong ước một chuyến ra khơi đánh bắt được thật nhiều hải sản, nhiều cá tôm giữa sự giàu đẹp của biển khơi:

Khổ thơ đầu bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” có kết cấu gọn gàng, cân đối như một bài tứ tuyệt: hai câu đầu tả cảnh, hai câu sau nói về con người. Cảnh và người tưởng như đối lập song lại hòa hợp, cảnh làm nền để cho hình ảnh con người nổi bật lên như tâm điểm của một bức tranh – bức tranh lao động khỏe khoắn, vui tươi tràn ngập âm thanh và rực rỡ sắc màu.

Phân tích khổ 1 bài Đoàn thuyền đánh cá - Mẫu 5

Đoàn thuyền đánh cá” là bài thơ xuất sắc, tiêu biểu cho hồn thơ khỏe khoắn của Huy Cận sau Cách mạng tháng Tám. Đặc biệt là ở khổ thơ đầu, nhà thơ đã miêu tả khung cảnh thiên nhiên và đoàn thuyền ra khơi mang một vẻ đẹp kì vĩ, hùng tráng.

Trước hết, cảnh biển vào đêm được tác giả miêu tả rất đặc sắc:

“Mặt trời xuống biển….lại ra khơi”

Mặt trời được ví như một hòn lửa khổng lồ đang từ từ lặn xuống mặt biển. Trong hình ảnh liên tưởng này, vũ trụ như một ngôi nhà lớn, với đêm buông xuống là tấm cửa khổng lồ và những lượn sóng là chiếc then cài vững chắc. Hình ảnh so sánh kết hợp nhân hóa, mang đậm chất lãng mạn vừa tạo nên vẻ đẹp huyền ảo cho bức tranh thiên nhiên vừa mở ra thời gian cho bức tranh lao động biển cả, đó chính là lúc màn đêm buông xuống – kết thúc một ngày.

Chính vào thời điểm thiên nhiên bắt đầu trạng thái nghỉ ngơi thì con người lại bắt đầu quá trình lao động của mình:

“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”

Đoàn thuyền chứ không phải chỉ con thuyền ra khơi đã tạo ra sự tấp nập trên biển, gây ấn tượng về một khối lao động đoàn kết vững chãi của con người. Chữ “lại” vừa khẳng định nhịp điệu lao động ổn định của người dân chài ngày qua ngày, vừa thể hiện sự đối lập giữa sự nghỉ ngơi của đất trời và sự lao động của con người. Tác giả đã tạo ra một hình ảnh khỏe, lạ mà vẫn đậm chất hiện thực. Người đánh cá căng buồm và cất câu hát lên, thế nhưng nhà thơ có cảm giác như chính câu hát đó đã làm căng cánh buồm. Câu hát mang theo niềm vui, sự phấn chấn của người lao động trở thành sức mạnh cùng với gió biển làm căng cánh buồm để con thuyền lướt sóng ra khơi. Nghệ thuật ẩn dụ trong hình ảnh thơ lãng mạn này đã góp phần thể hiện một hiện thực. Đó là tâm trạng náo nức, niềm vui phơi phới, tinh thần lạc quan của người dân chài khi ra khơi. Họ ra khơi trong tâm trạng đầy hứng khởi…

Hình ảnh người lao động mới là đề tài quen thuộc của nền văn học hiện đại. Ta đã từng thấy hình ảnh của một anh thanh niên làm công tác khí tượng kiên trì, lặng lẽ trên đỉnh Yên Sơn trong “Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long; hay một khát vọng cống hiến nhỏ bé trong “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải. Mỗi nhân vật tuy khác nhau về nghề nghiệp, hoàn cảnh, nhưng họ có chung với nhau tinh thần cống hiến lặng thầm cho Tổ quốc. Đó chính là vẻ đẹp giản dị nhưng rất cao quý của người lao động trong thời đại mới.

Phân tích khổ 1 bài Đoàn thuyền đánh cá - Mẫu 6

Huy Cận được biết đến là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Ông sáng tác cả trước và sau cách mạng. Người ta biết đến ông với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng. Một trong số đó phải kể đến "Đoàn thuyền đánh cá" - bài thơ mang hơi thở của đất nước sau Cách mạng tháng Tám. Bài thơ được mở ra bằng hình ảnh lao động của những người dân chài lưới một cách rất thơ mộng, trữ tình:

"Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi"

Nếu trước Cách mạng tháng Tám hồn thơ của Huy Cận là một "mối sầu thiên cổ" thì đến giai đoạn sau Cách mạng thơ của ông đã chuyển mình sang âm hưởng vui tươi, lạc quan, tràn đầy tình yêu với thiên nhiên đất trời. Bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" được ra đời vào năm 1958 trong một chuyến đi thực tế của Huy Cận ở vùng mỏ Hồng Gia, Cẩm Phả, Quảng Ninh. Cả bài thơ là không khí tươi vui, hăng say lao động của những người dân chài lưới với tư thế làm chủ thiên nhiên đất trời. Đoạn thơ trên chính là những nét vẽ đầu tiên, mở đầu cho cảnh ra khơi của đoàn thuyền.

Hai câu thơ đầu đã nói lên được thời gian ra khơi của đoàn thuyền - đó là thời khắc của ngày tàn. Ở câu thơ thứ nhất mặt trời đã được so sánh với "hòn lửa"gợi ra một khung cảnh lung linh rực rỡ sắc màu. Dù là thời khắc của ngày tàn nhưng hình ảnh ra khơi qua biện pháp so sánh này vẫn hiện lên thật đẹp, thật tráng lệ và căng tràn sức sống. Trước khi bị nhấn chìm vào dòng nước lạnh lẽo, mặt trời - mái nhà của vũ trụ ấy vẫn kịp tỏa ra những hơi ấm, xua đi cái lạnh lẽo của đêm tối. Nhưng ngay sau đó thôi, biện pháp ẩn dụ đã kéo theo màn đêm đến, bao trùm khắp không gian: "Sóng đã cài then, đêm sập cửa". Từng con sóng nhấp nhô xô vào bờ được Huy Cận ví như những chiếc then cài cửa, cẩn thận khóa lại màn đêm. Màn đêm như một tấm màn được thiên nhiên buông xuống. Tất cả đã đi vào trạng thái nghỉ ngơi, chỉ có đoàn thuyền là căng tràn sức sống, hăng hái lên đường.

Cái tươi vui, hứng khởi của đoạn thơ còn được thể hiện ở chỗ không phải một chiếc thuyền mà là một "đoàn thuyền" cùng nhau ra khơi. Từ "lại" ý nói lên rằng công việc này dường như đã trở thành một thói quen với những người dân nơi đây. Dù ra khơi vào lúc trời chiều nhưng tinh thần, và ý chí không vì thế mà giảm bớt: "Câu hát căng buồm cùng gió khơi". Con người lúc này đã hòa cùng với thiên nhiên, thiên nhiên cũng đang góp sức ủng hộ con người: "câu hát" cùng "gió khơi". Chính những câu hát vui tươi, hóm hỉnh đó cùng với gió khơi là nguồn động lực đưa chiếc thuyền ra khơi, bắt đầu một hành trình mới, một hành trình đầy cam go và thử thách phía trước.

Bằng việc kết hợp khéo léo biện pháp tu từ so sánh với ẩn dụ cùng với những hình ảnh thơ đặc trưng của biển cả, của thiên nhiên đất trời, khổ thơ thứ nhất với sự vui tươi cùng hình ảnh thiên nhiên tráng lệ đã thật sự mở ra một bức tranh, một hành trình ra khơi mới. Niềm vui sự hăng hái khi bắt đầu lao động đã được đáp trả bằng một chuyến ra khơi bội thu được Huy Cận thể hiện ở những khổ thơ sau đó.

Có thể nói, dù chỉ là bốn câu thơ ngắn thôi nhưng cũng đủ để ta thấy sự thay đổi trong hồn thơ của Huy Cận. Cũng chính vui tươi mới mẻ này đã góp thêm sắc màu mới cho phong trào thơ mới - sắc màu của một Huy Cận với hồn thơ đầy lạc quan, yêu đời.

Nghị luận về khổ thơ đầu Đoàn thuyền đánh cá

Huy Cận là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ mới với những vần thơ sầu vũ trụ, nhưng sau cách mạng Huy Cận ấm áp hơi thở cuộc sống. Trong đó, bài thơ Đoàn Thuyền Đánh Cá là bài thơ mang âm điệu ngọt ngào niềm vui và sự say mê của con người lao động. Và phải chăng đó cũng chính là niềm vui của tác giả. Có đọc bài thơ, ta mới cảm nhận sâu sắc điều đó và hẳn rằng hình ảnh mặt trời sẽ chạm khắc trong tâm hồn ta.

"Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi"

Khổ thơ đầu của bài thơ đã gây ấn tượng cho người đọc bởi chất thơ chất lãng mạn theo nhịp điệu tiếng sóng vỗ. Chao ôi, hãy lắng tai nghe âm hưởng của bài ca lao động khỏe khoắn vang lên từ xa. Trông kìa, mặt trời đang xuống biển, cảnh hoàng hôn hiện lên thật đẹp. Với biện pháp so sánh "mặt trời” được ví như “hòn lửa” cùng biện pháp nhân hóa đặc sắc ” Sóng đã cài then, đêm sập cửa.” miêu tả cảnh về đêm thật kỳ vĩ tráng lệ, mặt trời đang lặn dần vào lòng đại dương mênh mông buông xuống. Không xe lạnh mà ngược lại ta còn thấy ấm áp biết nhường nào. Phải chăng bầu trời và mặt biển bao la là ngôi nhà vũ trụ trong khoảnh khắc phủ bóng tối mịt mùng. Dường như lúc đất trời đang đi vào trạng thái nghỉ ngơi cũng là lúc con người bắt đầu một ngày lao động mới, đó là ra khơi đánh cá. Không phải từng chiếc thuyền lẻ tẻ đi biển mà cả đoàn thuyền một sức mạnh của cuộc đời đổi thay, chữ ” lại” trong ý thơ” lại ra khơi” vừa khẳng định nhịp điệu lao động của người dân chài đã đi vào ổn định, nề nếp, khúc hát lên đường vang động, gió biển thổi mạnh, cánh buồm căng gió. Nghệ thuật liên tưởng kết hợp với hình ảnh ẩn dụ thể hiện một hiện thực đó là niềm vui là khí thế phơi phới mạnh mẽ lạc quan của dân chài trên biển.

Đoạn văn phân tích khổ đầu bài Đoàn thuyền đánh cá

Đoạn văn 1

“Đoàn thuyền đánh cá” là bài thơ xuất sắc, tiêu biểu cho hồn thơ khỏe khoắn của Huy Cận sau Cách mạng tháng Tám. Với khổ thơ đầu, tác giả đã mở ra một hình ảnh đẹp về đoàn thuyền ra khơi trong bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ hùng tráng: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa/ Sóng đã cài then, đêm sập cửa”. Khi sắc tối đang từ từ chiếm trọn không gian bao la, mặt trời được ví như một hòn lửa khổng lồ, sáng rực dần lặn xuống mặt biển. Màn đêm buông xuống như tấm cửa khổng lồ với những lượn sóng là chiếc then cài vững chắc. Hình ảnh so sánh kết hợp nhân hóa tạo nên nét huyền diệu, mĩ lệ của thiên nhiên vừa tạo ra sự nhanh chóng, gấp gáp kết thúc một ngày dài. Nhưng đó không phải ngày tàn, u ám như trong bức tranh của tác phẩm Hai đứa trẻ mà là một ngày mới mở ra cho những người con của biển cả: “Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi/ Câu hát căng buồm cùng gió khơi”. Đoàn thuyền – tạo ra ấn tượng về sự tấp nập, nhộn nhịp, tinh thần lao động hăng say của những ngư dân. Chữ “lại” vừa khẳng định nhịp điệu lao động ổn định của người dân chài ngày qua ngày, vừa thể hiện sự đối lập giữa sự nghỉ ngơi của đất trời và sự lao động của con người.Câu hát mang theo niềm vui, sự phấn chấn và cũng chất chứa bao hi vọng về những khoang thuyền đầy ắp cá. Tác giả đã tạo nên một hình ảnh khỏe khoắn, tươi vui, căng tràn sức sống và tinh thần say mê lao động. Đoạn thơ là bức tranh khung cảnh thiên nhiên tráng lệ, hình ảnh đoàn thuyền ra khơi với khí thế hào hứng say mê, tràn đầy sức sống, với tâm hồn lãng mạn của người làm chủ đất nước thật đáng trân trọng tự hào.

Đoạn văn 2

Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” là bài thơ được Huy Cận sáng tác vào năm 1958, nhân một chuyến đi thực tế ở vùng mỏ Hồng Gia - Cẩm Phả - Quảng Ninh. Bài thơ đã dùng được một không khí khẩn trương, hăng say của những người lao động đánh cá trong một đêm trên biển, với tư thế làm chủ thiên nhiên, biển cả. Bốn câu thơ đầu diễn tả cảnh ra khơi của “Đoàn thuyền đánh cá”, mở đầu cho một đêm đánh cá trên biển. Hai câu thơ đầu diễn tả thời điểm ra khơi của “Đoàn thuyền đánh cá”. Thời gian ở đây là lúc ngày tàn, được miêu tả bằng những chi tiết, hình ảnh cụ thể, giàu giá trị gợi cảm: ”Mặt trời xuống biển như hòn lửa-sóng đã cài then đêm sập cửa”. Ơ câu thơ này, tác giả đã sử dụng biện pháp so sánh.Màu đỏ của “mặt trời” được so sánh với “hòn lửa”. Viết về cảnh biển đêm, ngày tàn, nhưng cảnh vẫn không hoang vắng nhờ hình ảnh rực sáng này. Trong cảm quan của Huy Cận, vũ trụ là một ngôi nhà khổng lồ. Khi ngày đã tàn, “Mặt trời xuống biển”, màn đêm buông xuống “Đêm sập cửa” thì sóng biển như “then cài” đóng lại cánh cửa khổng lồ ấy. Những hình ảnh ẩn dụ này chứng tỏ nhà thơ có trí tưởng tượng phong phú.Đối với thiên nhiên thì một ngày đã khép lại, nhưng với đoàn thuyền đánh cá thì đây lại là thời điểm bắt đầu cho công việc đánh cá trên biển trong đêm. “Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi/Câu hát căng buồm cùng gió khơi”. Từ “lại” nói lên rằng hằng ngày vào cái thời điểm ấy, khi trời yên biển lặng, đoàn thuyền ra khơi đã thành một cảnh quen thuộc. Hình ảnh thơ “Câu hát căng buồm cùng gió khơi” là một hình ảnh được xây dựng nhờ một trí tưởng tượng phong phú. Huy Cận đã miêu tả, đã cụ thể hoá tiếng hát của những người lao động. Những người lao động đánh cá ra khơi cùng với tiếng hát khỏe khoắn đến mức tạo nên một sức mạnh (cùng với gió khơi) làm căng những cánh buồm. Họ ra khơi với một niềm phấn khởi, niềm tin vào thành quả lao động. Bốn câu thơ mở đầu miêu tả cảnh ra khơi của “Đoàn thuyền đánh cá”. Cảnh ngày tàn mà vẫn ấm áp, vẫn tràn đầy niềm vui, niềm lạc quan của người lao động. Không khí chung của bốn câu thơ mở đầu này chi phối không khí chung của cả bài thơ.

Đoạn văn 3

Huy Cận là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ Mới. Bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" được ông sáng tác sau chuyến đi thực tế tại vùng mỏ Quảng Ninh. Khổ đầu của bài thơ đã cho ta thấy khung cảnh hoàng hôn tráng lệ trên biển cùng hình ảnh của đoàn thuyền đánh cá. Bức tranh mở ra bài thơ là bức tranh thiên nhiên hoàng hôn vô cùng kỳ vĩ của vũ trụ. Đó là khung cảnh khi mặt trời đỏ rực "như hòn lửa" đang từ từ lặn xuống đường chân trời của biển cả bao la. Vũ trụ với Huy Cận như một ngôi nhà khổng lồ đang dần bước vào thời gian nghỉ ngơi. Khi "mặt trời xuống biển" thì cũng là lúc màn "đêm sập cửa", những con sóng "cài then" đóng lại cánh cửa ánh sáng mở ra một không gian của đêm đen bao phủ. Những hình ảnh nhân hoá, so sánh hết sức sống động của nhà thơ đã tái hiện cho chúng ta hình ảnh của một buổi hoàng hôn trên biển tráng lệ vô cùng. Thế nhưng khi thiên nhiên nghỉ ngơi cũng là lúc con người bước vào công việc quen thuộc của mình "Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi". Cụm từ "lại ra khơi" cho ta thấy công việc đó vô cùng quen thuộc, là một quy luật của những người ngư dân nơi đây. Hình ảnh "câu hát căng buồm cùng gió khơi" là một hình ảnh được Huy Cận cụ thể hoá. Hoà chung trong không khí hân hoan ra khơi, những người lao động cất lên tiếng hát vui mừng. Những tiếng hát khỏe khoắn ấy hoà cùng với ngọn gió thổi "căng"chiếc buồm của con thuyền ra khơi. Những người ngư dân ra khơi với niềm tin rằng họ sẽ mang về những mẻ cá đầy, những thành quả to lớn. Khung cảnh ngày tàn mở ra bài thơ nhưng không hề u sầu, buồn bã mà trái lại vô cùng hân hoan, vui vẻ. Khổ thơ thứ 1 cùng bài thơ Đoàn thuyền đánh cá là khúc tráng ca của con người lao động và thiên nhiên vũ trụ.

Đoạn văn 4

"Đoàn thuyền đánh cá" là bài thơ đặc sắc của nhà thơ Huy Cận viết về người lao động vùng biển. Đặc biệt, ở khổ thơ thứ nhất, tác giả đã tái hiện khung cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi tấp nập. Đầu tiên, Huy Cận đã gợi lên khung cảnh thiên nhiên lúc chiều tà với hình ảnh "Mặt trời xuống biển như hòn lửa". Lúc này, mặt trời đỏ rực như đang dần chìm vào đại dương mênh mông. Ánh sáng của một ngày cũng dần biến mất nhường chỗ cho bóng tối. Bằng việc sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa "Sóng đã cài then, đêm sập cửa", nhà thơ đã gợi lên cảnh vạn vật như đang chìm vào giấc ngủ. Khi mà thiên nhiên đi vào trạng thái nghỉ ngơi thì đó lại là lúc đoàn thuyền đánh cá ra khơi. Từ "lại" đã diễn tả hoạt động lặp lại thường xuyên. Công việc của người ngư dân không phải diễn ra trong ngày một, ngày hai mà đó là cả một hành trình dài. Nhưng không vì thế mà người đi biển nản lòng, họ vẫn cất vang "Câu hát căng buồm với gió khơi". Câu hát mang bao niềm vui, niềm hi vọng về một lần ra khơi thuận buồm xuôi gió. Bằng việc sử dụng biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa đặc sắc, nhà thơ Huy Cận đã khéo léo làm nổi bật cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi với sự hùng vĩ, tráng lệ. Qua đây, người đọc phần nào cảm nhận được tình yêu thiên nhiên và con người của nhà thơ.

Chia sẻ bởi: 👨 Đỗ Duyên
103
  • Lượt tải: 266
  • Lượt xem: 313.182
  • Dung lượng: 333,6 KB
Sắp xếp theo

    Chủ đề liên quan