Đề cương ôn tập học kì 1 môn Ngữ văn 7 sách Chân trời sáng tạo Ôn tập cuối kì 1 Ngữ văn 7 năm 2023 - 2024

Đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo năm 2023 - 2024 là tài liệu hữu ích mà Download.vn giới thiệu đến quý thầy cô và các bạn học sinh lớp 7 tham khảo.

Đề cương ôn thi cuối kì 1 Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo gồm các dạng bài tập trắc nghiệm và tự luận kèm theo. Qua đó giúp các bạn làm quen với các dạng bài tập, nâng cao kỹ năng làm bài và rút kinh nghiệm cho bài thi học kì 1 lớp 7 sắp tới. Vậy sau đây đề cương ôn thi học kì 1 Ngữ văn 7 sách Chân trời sáng tạo, mời các bạn cùng tải tại đây. Bên cạnh đó các bạn xem thêm đề cương ôn tập học kì 1 Khoa học tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo, đề cương ôn tập học kì 1 Lịch sử Địa lí 7 Chân trời sáng tạo.

Đề cương ôn tập cuối kì 1 Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo

I. KIẾN THỨC VĂN BẢN

THỂ LOẠI

ĐẶC ĐIỂM

Tùy bút

+ Là một thể trong ký, dùng để ghi chép, miêu tả.

+ Thể hiện cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ của tác giả trước các hiện tượng và vấn đề của cuộc sống.

Tản văn

+ Là loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc có cách thể hiện đa dạng.

+ Mang tính chất chấm phá, bộc lộ trực tiếp suy nghĩ, cảm xúc của người viết qua các hiện tượng đời sống thường nhật, giàu ý nghĩa xã hội.

Văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học

+ Thuộc thể nghị luận văn học, được viết ra để bàn về một tác phẩm văn học.

+ Thể hiện rõ ý kiến của người viết về tác phẩm cần bàn luận, có thể là nhân vật, chi tiết, ngôn ngữ, đề tài, chủ đề,..

+ Trình bày những lí lẽ, bằng chứng để thuyết phục người đọc, người nghe.

+ Các ý kiến, lí lẽ, dẫn chứng được sắp xếp theo trình tự hợp lý.

II. KIẾN THỨC TIẾNG VIỆT

KHÁI NIỆM

PHÂN LOẠI

CHỨC NĂNG/ CÔNG DỤNG

Phó từ

- Phó từ là những từ chuyên đi kèm với danh từ, động từ, tính từ. Có thể chia phó từ thành hai nhóm sau:

- Nhóm phó từ chuyên đi kèm trước danh từ, bổ sung ý nghĩa về số lượng cho danh từ, chẳng hạn: những, các, mọi, mỗi, từng,…

- Nhóm phó từ chuyên đi kèm trước hoặc sau động từ, tính từ, chẳng hạn: đã, sẽ, đang, vẫn, còn, cứ, không, chưa, chẳng, rất, quá, lắm,…

- Khi đứng trước động từ, tính từ, phó từ thường bổ sung cho hành động, trạng thái, đặc điểm, tính chất được nêu ở động từ, tính từ một số ý nghĩa như: quan hệ thời gian, mức độ, sự tiếp diễn tương tự, sự phủ định, sự cầu khiến,…

- Khi đứng sau động từ, tính từ, phó từ thường bổ sung cho động từ, tính từ đó một số ý nghĩa như: mức độ, khả năng, kết quả và phương hướng,…

Dấu chấm lửng

Dấu chấm lửng được kí hiệu bởi ba dấu chấm (…), còn gọi là dấu ba chấm, là một trong những loại dấu câu thường gặp trong văn viết.

- Biểu đạt ý còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết khi kết hợp với dấu phẩy đứng trước nó.

- Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng.

- Làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ hay hài hước, châm biếm.

- Biểu thị lời trích dẫn bị lược bớt.

- Mô phỏng âm thanh kéo dài, ngắt quãng.

Thuật ngữ

Thuật ngữ là từ, ngữ biểu thị khái niệm khoa học, công nghệ, thường được dùng trong các văn bản thông tin thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và văn bản nghị luận.

+ Thứ nhất, trong một lĩnh vực khoa học, công nghệ, mỗi thuật ngữ chỉ biểu thị một khái niệm và ngược lại, mỗi khái niệm chỉ được biểu thị bằng một thuật ngữ.

+Thứ hai, thuật ngữ không có tính biểu cảm. Ví dụ: Muối là một thuật ngữ Khoa học Tự nhiên, không có sắc thái biểu cảm: “Muối là một hợp chất mà phân tử gồm có một hay nhiều nguyên tử kim loại liên kết với một hay nhiều gốc axit. ”

- Chức năng của thuật ngữ. Thuật ngữ được dùng để biểu thị các khái niệm khoa học, công nghệ.

LƯU Ý MỘT SỐ BIỆN PHÁP TU TỪ THÔNG DỤNG:

SO SÁNH: So sánh là đối chiếu 2 hay nhiều sự vật, sự việc mà giữa chúng có những nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời văn.

VD: “Người ta là hoa đất”; “Cô ấy đẹp như hoa”

NHÂN HÓA:Nhân hóa là biện pháp tu từ sử dụng những từ ngữ chỉ hoạt động, tính cách, suy nghĩ, tên gọi ... vốn chỉ dành cho con người để miêu tả đồ vật, sự vật, con vật, cây cối khiến cho chúng trở nên sinh động, gần gũi, có hồn hơn.

Các kiểu nhân hóa:

- Dùng những từ vốn gọi người để gọi sự vật: Chị ong nâu, Ông mặt trời, Bác giun, Chị gió,…

- Dùng những từ vốn chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ hoạt động tính chất của vật:“Heo hút cồn mây súng ngửi trời”

- Trò chuyện với vật như với người: “Trâu ơi ta bảo trâu này”

ẨN DỤ: Ẩn dụ là BPTT gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Có bốn kiểu ẩn dụ thường gặp:

+ Ẩn dụ hình thức - tương đồng về hình thức: “Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”

+ Ẩn dụ phẩm chất - tương đồng về phẩm chất: “Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”

+ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác - chuyển từ cảm giác này sang cảm giác khác, cảm nhận bằng giác quan khác.

“Ngoài thêm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”

ĐIỆP TỪ, ĐIỆP NGỮ: Là BPTT nhắc đi nhắc lại nhiều lần một từ, cụm từ có dụng ý làm tăng cường hiệu quả diễn đạt: nhấm mạnh, tạo ấn tượng, gợi liên tưởng, cảm xúc… và tạo nhịp điệu cho câu/ đoạn văn bản.

“Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín”

LIỆT KÊ: Là sắp xếp nối tiếp hàng loạt từ hay cụm từ cùng loại để diễn tả đầy đủ, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế hay tư tưởng, tình cảm.

“Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!”

Yếu tố Hán Việt

- Nghĩa của một số yếu tố Hán Việt thông dụng và nghĩa của những từ có yếu tố Hán Việt:

+ Quốc: nước

+ Gia1: nhà; Gia2: tăng thêm

+ Biến: (1) thay đổi; (2) biến cố, tai họa

+ Hội: họp lại, tụ lại, hợp lại

+ Hưu: có

+ Hóa: biến đổi

- Các yếu tố Hán Việt thông dụng này có thể kết hợp với nhau, hoặc kết hợp với các yếu tố khác để tạo thành từ Hán Việt. Ví dụ:

+ Quốc biến (quốc: nước; biến: biến cố, tai họa): tai họa, biến cố xảy ra trong nước.

+ Gia biến (gia: nhà; biến: biến cố, tai họa): tai họa, biến cố xảy ra trong gia đình.

+ Biến hóa (biến: thay đổi; hóa: biến đổi): biến đổi thành thứ khác.

+ Quốc gia (quốc: nước; gia: nhà): nước, nước nhà.

+ Quốc hội (quốc: nước; hội: họp lại): cơ quan lập pháp tối cao của một nước, do nhân dân trong nước bầu ra.

- Bên cạnh các từ Hán Việt có một nghĩa duy nhất như quốc gia, quốc biến, gia biến, còn có các từ Hán Việt có hai hay nhiều nghĩa khác nhau. Chẳng hạn từ biến sắc (biến: thay đổi; sắc: màu) có hai nghĩa là: (1) thay đổi màu sắc (ví dụ: Con tắc kè hoa có khả năng biến sắc theo cảnh vật), (2) đổi sắc mặt đột ngột ( ví dụ: Mặt nó biến sắc).

Mạch lạc trong văn bản

- Văn bản cần phải mạch lạc. Một văn bản mạch lạc có các đặc điểm sau:

+ Các phần, các đoạn, các câu trong văn bản đều cùng nói về một chủ đề.

+ Các phần, các đoạn, các câu trong văn bản được sắp xếp theo một trình tự hợp lí. Sự tiếp nối này có thể được thực hiện dựa trên mối liên hệ về thời gian, không gian, tâm lý, ý nghĩa.

- Sự mạch lạc làm cho chủ đề trong văn bản liền mạch và gợi được hứng thú cho người đọc, người nghe.

Ngôn ngữ của các vùng miền

- Dựa vào đặc điểm cách phát âm, chúng ta có thể nhận ra giọng miền Bắc, giọng miền Nam, giọng miền Trung. Chẳng hạn, cách phát âm của một số địa phương miền Nam và miền Trung thường không phân biệt hai thanh điệu “hỏi” và “ngã” giống miền Bắc.

- Sự khác biệt về ngôn ngữ giữa các vùng miền không chỉ thể hiện ở ngữ âm mà còn thể hiện ở mặt từ vựng. Chẳng hạn, cùng là một vật dụng dùng để ăn cơm nhưng miền Bắc gọi là “bát”, miền Nam gọi là “chén”, miền Trung gọi là “đọi”…

- Sự khác biệt về ngôn ngữ giữa các vùng miền góp phần làm cho tiếng Việt thêm giàu đẹp. Trân trọng sự khác biệt về ngôn ngữ cũng chính là trân trọng sự khác biệt về văn hóa giữa các vùng miền.

III. KIẾN THỨC PHẦN VIẾT

DẠNG 2: VIẾT BÀI VĂN BIỂU CẢM VỀ CON NGƯỜI (NGƯỜI THÂN, BẠN BÈ…)

DÀN Ý

I. Mở bài

– Vai trò của gia đình (nếu đối tượng biểu cảm là cha mẹ, anh chị…) đối với mỗi người.

– Giới thiệu về người thân mà em yêu quý: Người đó là ai?

– Khái quát những tình cảm mà em dành cho người thân đó: yêu quý, kính trọng, ngưỡng mộ,… (ông bà, cha mẹ,…) / yêu mên, cảm phục (anh chị, bạn bè,…)

II. Thân bài

– Cảm nghĩ những nét ấn tượng nhất về ngoại hình người thân đó:

+ yêu…(làn da, mái tóc, giọng nói…),

+ thương…(bàn tay gầy gò, chai sần lúc nào cũng vất vả…)

+ thích…(nhìn ngắm…, nghe hát/ kể chuyện…)

+ nhớ…(những câu chuyện … kể, nhớ kỉ niệm …nhớ những lời dặn dò…)

(kết hợp biểu cảm trực tiếp với biểu cảm gián tiếp).

– Biểu cảm những nét tiêu biểu về tính cách, sở thích, lối sống:

+ vui vẻ

+ nghiêm túc

+ luôn quan tâm yêu thương chăm sóc mọi người trong gia đình

+ sống như thế nào?

+ sở thích

– Cảm nghĩ về 1 kỉ niệm giữa tôi và người được biểu cảm (vd: một lần mắc lỗi được mẹ bảo ban, nhắc nhở / được cha động viên về một thành công trong học tập.)

– Cảm nghĩ về ảnh hưởng của người đó tới cuộc sống của em và những thành viên khác trong gia đình

III. Kết bài

- Những cảm xúc về tình mẫu tử / tình phụ tử,… và khẳng định tình yêu, lòng quý trọng, sự tôn kính,… đối với người thân của mình. MONG ƯỚC, HỨA HẸN.

Biểu cảm về mẹ

Trong cuốn sổ tay, em dành trang đầu tiên để viết về câu ca dao mà mình yêu thích nhất:

Đố ai đếm được lá rừng
Đố ai đếm được hết từng trời cao
Đố ai đếm được vì sao
Đố ai đếm được công lao mẹ già.

Câu ca dao ấy đã lột tả được những vất vả, hi sinh, được công ơn lớn hơn trời bể của mẹ - người phụ nữ mà em kính yêu nhất trong cuộc đời này.

Mẹ tôi năm nay đã bốn mươi tuổi. Nhưng mẹ vẫn còn trẻ trung và xinh đẹp lắm. Dáng người của mẹ mảnh mai. Mái tóc đen nhánh, mềm mại và rất dài. Làn da vẫn còn trắng hồng như ngày nào. Đôi mắt hiền từ luôn nhìn tôi thật trìu mến. Đôi bàn tay mềm mại. Mẹ có một khuôn mặt phúc hậu, ai nhìn cũng cảm thấy quý mến. Đối với tôi, mẹ là người phụ nữ xinh đẹp nhất.

Mọi công việc trong gia đình đều do mẹ chăm lo. Từ giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa hay nấu ăn. Có khi rảnh rỗi, mẹ lại sáng tạo ra những món ăn độc đáo để cho em và bố cùng thưởng thức và đánh giá. Mẹ còn dạy cho tôi cách nấu một vài món ăn đơn giản. Khi thấy mẹ vất vả chăm lo cho gia đình, tôi cảm thấy rất thương mẹ.

Mẹ là một người phụ nữ hiền dịu. Còn nhớ có một lần, trên đường đi học về thì trời đổ mưa rất to. Do chủ quan nên tôi đã không mang áo mưa, mà trường lai cách nhà khá xa. Khi về nhà, tôi đã bị ốm. Thấy tôi như vậy, mẹ đã rất lo lắng. Đêm hôm đó, mẹ luôn ở bên cạnh để chăm sóc cho tôi. Nhìn khuôn mặt lo âu của mẹ lúc đó, tôi cảm thấy rất áy náy. Tôi đã không nghe lời mẹ dặn phải mang áo mưa. Qua kỷ niệm lần đó, tôi đã hiểu ra được sự quan tâm, lo lắng của mẹ và không còn bướng bỉnh nữa.

Hiểu được sự vất vả của mẹ, tôi tự hứa sẽ cố gắng học hành chăm chỉ hơn. Thỉnh thoảng, những lúc rảnh rỗi, tôi còn giúp đỡ mẹ những công việc nhà. Mùng 8 tháng 3 năm nay, tôi và bố đã có một kế hoạch để khiến cho mẹ bất ngờ. Đó cũng là lời cảm ơn dành cho mẹ vì đã vất vả với những công việc nhà trong suốt thời gian qua. Món quà bất ngờ là một bữa ăn do chính tay hai bố con chuẩn bị. Tôi tin chắc mẹ sẽ rất cảm động vì món quà này.

“Lòng mẹ bao la như biển thái bình” - tình yêu của mẹ lớn lao đến biết bao. Mẹ chính là điểm tựa lớn lao nhất để giúp tôi có thể vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

...............

Tải file tài liệu để xem thêm Đề cương ôn tập cuối kì 1 Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 649
  • Lượt xem: 6.400
  • Dung lượng: 239,8 KB
Sắp xếp theo