Đề cương ôn tập học kì 1 môn Tin học 7 sách Chân trời sáng tạo Ôn tập cuối kì 1 Tin 7 năm 2023 - 2024

Đề cương ôn tập học kì 1 môn Tin học 7 Chân trời sáng tạo năm 2023 - 2024 giúp các em học sinh hệ thống toàn bộ kiến thức trọng tâm trong chương trình học kì 1, để ôn thi cuối kì 1 năm 2023 - 2024 đạt kết quả cao.

Đề cương ôn tập học kì 1 Tin học 7 Chân trời sáng tạo bao gồm 10 trang tổng hợp kiến thức lý thuyết kèm theo các dạng bài tập trắc nghiệm trong tâm theo từng chủ đề rất chi tiết cụ thể. Thông qua đề cương ôn tập cuối kì 1 Tin học 7 giúp các bạn làm quen với các dạng bài tập, nâng cao kỹ năng làm bài để không còn bỡ ngỡ khi bước vào kì thi chính thức. Ngoài ra các bạn xem thêm đề cương ôn tập học kì 1 Toán 7 Chân trời sáng tạo.

Đề cương ôn tập học kì 1 môn Tin học 7 Chân trời sáng tạo

I. Lý thuyết ôn thi học kì 1 Tin học 7

Chủ đề

Nội dung

Kiến thức cần nhớ

1.Máy tính và cộng đồng

  • Thiết bị vào và thiết bị ra

- Có nhiều loại thiết bị vào như bàn phím, chuột, màn hình cảm ứng, micro, máy quét, ... để tiếp nhận thông tin vào ở những dạng khác nhau như văn bản, âm thanh, hình ảnh, tiếp xúc, chuyển động.

- Có nhiều loại thiết bị ra như màn hình, loa, máy in, máy chiếu, ... để đưa thông tin ra ở những dạng khác nhau như văn bản, âm thanh, hình ảnh.

⇒ Các thiết bị vào – ra được thiết kế đa dạng phù hợp với nhu cầu sử dụng khác nhau của người dùng.

- Lắp ráp và sử dụng thiết bị an toàn:

+ Khi lắp ráp thiết bị vào máy tính, ta thực hiện lần lượt như sau:

· Chuẩn bị cáp nối, thiết bị cần được kết nối.

· Lựa chọn cổng kết nối có hình dạng, cấu tạo, kích thước vừa khớp với đầu nối.

· Đưa đầu nối sát vào cổng chỉnh vừa khớp, sau đó ấn nhẹ nhàng đầu nối khớp với cổng kết nối.

+ Láp ráp, sử dụng thiết bị không đúng sẽ gây ra lỗi, hư hỏng thiết bị, hệ thống máy tính.

+ Cần phải đọc kĩ và làm theo hướng dẫn khi lắp ráp, sử dụng thiết bị.

  • Hệ điều hành và phần mềm ứng dụng

- Hệ điều hành là phần mềm hệ thống, điều khiển và quản lí mọi hoạt động của máy tính; cung cấp, quản lí môi trường chạy các phần mềm ứng dụng, trao đổi thông tin giữa người dùng và máy tính; tổ chức lưu trữ và quản lí dữ liệu trong máy tính

- Phần mềm ứng dụng là chương trình máy tính hỗ trợ con máy tính người xử lí công việc trên máy tính.

  • Thực hành thao tác với tệp và thư mục

- Tạo thư mục: Nháy chuột phải chọn New, tiếp theo chọn Folder -> đặt tên thư mục

- Đổi tên thư mục: nháy chuột phải vào thư mục cần đổi tên -> nháy chọn Rename, xóa tên cũ và đặt tên mới

- Sao chép thư mục: nháy chuột phải vào thư mục cần sao chép -> nháy chọn lệnh Copy (hoặc nhấn tổ hợp Ctrl + C) -> chọn vị trí cần lưu thư mục đã sao chép, nháy chuột phải chọn Paste (hoặc Ctrl + V).

- Tạo file mới: nháy chuột phải chọn New -> chọn File cần tạo

- Di chuyển thư mục: nháy chuột phải vào thư mục cần sao chép-> nháy chọn lệnh Cut (hoặc nhấn tổ hợp Ctrl + X) -> chọn vị trí cần lưu thư mục đã sao chép, nháy chuột phải chọn Paste (hoặc Ctrl + V).

  • Phân loại tệp và bảo vệ dữ liệu trong máy tính

- Tệp được phân loại theo dịnh dạng của tệp. Phần mở rộng của tệp giúp hệ diều hành và người sử dụng biết tệp thuộc loại nào.

- Sao lưu dữ liệu và phòng chống virus là hai biện pháp thường dùng để bảo vệ dữ liệu.

2. Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin

  • Mạng xã hội

- Một số kênh trao đổi thông tin thông dụng trên Internet: thư điện tử, nhắn tin, gọi điện, diễn đàn, mạng xã hội.

- Các dạng thông tin có thể trao đổi trên Internet như: văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, …

- Chức năng cơ bản của mạng xã hội: kết nối người dùng, trò chuyện, trao đổi, chia sẻ, tìm kiếm và lưu trữ thông tin

- Mạng xã hội thường được tổ chức ở dạng website. Mỗi mạng xã hội hướng tới một số chức năng và loại thông tin nhất định như: trò chuyện, thảo luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh, video, …

- Một số chức năng cơ bản của facebook: tạo, cập nhật hồ sơ cá nhân; tạo, đăng tải bài viết mới; bình luận, chia sẻ bài viết đã có; tìm kiếm, kết bạn và trò chuyện

- Việc sử dụng thông tin vào mục đích sai trái, chia sẻ thông tin sai trái, thông tin từ nguồn không tin cậy có thể gây hậu quả cho người khác và chính bản thân.

- Cần tuân thủ các quy định khi sử dụng mạng xã hội và các kênh trao đổi thông tin trên Internet.

3. Đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số

  • Văn hóa ứng xử qua phương tiện truyền thông số

- Giao tiếp qua mạng xã hội:

+ Cần thể hiện là người có văn hoá, lịch sự khi giao tiếp qua mạng.

+ Nhờ sự hỗ trợ của người lớn đáng tin cậy, cơ quan chức năng khi bị bắt nạt qua mạng.

- Truy cập không hợp lệ:

+ Truy cập vào một ứng dụng thông qua tài khoản của người khác, sử dụng thiết bị của người khác, kết nối vào mạng của người khác khi chưa được phép.

+ Truy cập vào các nguồn thông tin không phù hợp.

- Khi gặp thông tin xấu, không phù hợp thì thực hiện xoá, chặn, không phát tán, chia sẻ.

- Nghiện Internet có thể dẫn đến một số hậu quả như: Thị lực, sức khoẻ và kết quả học tập giảm sút; Bị phụ thuộc vào thế giới ảo, thờ ơ, vô cảm với xung quanh, dễ bị tự ki, trầm cảm; Trốn học, nói dối, trộm cắp để có thời gian và tiến bạc cho việc sử dụng Internet, tham gia trò chơi trực tuyến; Ít vận động thể chất, ngại giao lưu, ngại trò chuyện với những người xung quanh.

- Cách phòng tránh:

+ Tự mình xác định rõ mục đích, thời điểm và thời lượng truy cập Internet một cách hợp lí, tự giác và nghiêm túc thực hiện.

+ Chỉ truy cập Internet để phục vụ việc học tập, giải trí lành mạnh.

+ Không để hình thành thói quen truy cập Internet mọi lúc, mọi nơi, không có mục đích cụ thể, phụ thuộc vào Internet.

+ Tích cực tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất, vui chơi ngoài trời, giao lưu lành mạnh, trò chuyện với bạn bè, người thân.

4. Ứng dụng tin học

  • Phần mềm bảng tính

- Vùng làm việc của bảng tính gồm các cột và các hàng. Giao giữa một cột và một hàng tạo thành một ô tính. Địa chỉ của một ô tính được xác định bởi tên cột và tên hàng

- Nhập, chỉnh sửa và trình bày dữ liệu

+ chọn ô tính: nháy chuột vào ô tính hoặc dùng phím mũi tên di chuyển đến ô tính cần chọn,

+ Chọn khối ô tính: chọn ô tính góc trái trên (hoặc góc phải dưới), sau đó kéo thả chuột đến góc phải dưới (hoặc góc trái trên) của khối ô tính

+ việc nhập và chỉnh sửa dữ liệu có thể thực hiện tại ô tính hoặc tại vùng nhập dữ liệu

+ Định dạng dữ liệu: chọn ô hoặc khối ô tính, vào Home, nháy vào mũi tên góc phải dưới của nhóm lệnh Number, trong hộp thoại Format Cells thực hiện lựa chọn khuôn dạng trình bày dữ liệu. Có thể sử dụng nhóm lệnh Home>Number để định dạng dữ liệu kiểu số.

- Trong MS Excel, công thức được bắt đầu bởi dấu bằng (=), tiếp theo là biểu thức đại số để thực hiện tính toán.

  • Sử dụng địa chỉ ô tính trong công thức

- Khi nhập công thức tính toán, ta nên sử dụng địa chỉ của ô tính (hay khối ô tính) thay cho dữ liệu chứa trong đó. Phần mềm bảng tính sẽ tự động tính toán lại mỗi khi dữ liệu trong các ô tính (hay khối ô tính) này thay đổi, như vậy ta luôn có kết quả đúng.

- Khi sao chép (hay di chuyển) công thức, vị trí tương đối giữa các ô tính trong công thức và ô tính chứa công thức không thay đổi.

- Cách tính của công thức không thay đổi khi sao chép

II. Một số câu hỏi ôn tập

Câu 1: Ngày nay, các thiết bị ngoại vi như bàn phím, chuột, tai nghe, loa, micro,... có thể được kết nối với thân máy tính thông qua các chuẩn kết nối không dây như

A. Bluetooth
B. Sóng hồng ngoại
C. Sóng vô tuyến
D. Tất cả các phương án trên.

Câu 2: Điền vào chỗ trống “Thiết bị vào thực hiện....thông tin dạng thường gặp (văn bản, hình ảnh, âm thanh, tiếp xúc, chuyển động),....thành dữ liệu số (dãy các bit) và....trong máy tính.”

A. tiếp nhận/ chuyển đổi/ đưa vào
B. chuyển đổi/ đưa vào/ tiếp nhận
C. đưa vào/ tiếp nhận/ chuyển đổi
D. trong máy tính/chức năng chuyển đổi/ tiếp nhận

Câu 3: Thiết bị ra thực hiện chuyển đổi dữ liệu trong máy tính thành dạng thông tin thường gặp

A. Trong văn bản
B. Hình ảnh
C. Âm thanh.
D. Tất cả các phương án trên.

Câu 4: Ổ đĩa cứng không được coi là thiết bị vào – ra vì chúng không thực hiện

A. Tiếp nhận thông tin trong máy tính
B. Chức năng chuyển đổi dạng thông tin thường gặp thành dữ liệu số trong máy tính và ngược lại.
C. Cả hai phương án trên đều sai
D. Cả hai phương án trên đều đúng.

Câu 5: Một số cổng kết nối thường gặp trên các máy tính hiện nay là

A. USB
B. HDMI
C. VGA
D. Tất cả các phương án trên.

Câu 6: HDMI (High - Definition Multimedia Interface) là thiết bị gì?

A. Là chuẩn kết nối cho phép truyền tải hình ảnh, âm thanh chất lượng cao qua dây cáp đến màn hình, loa.
B. Là chuẩn kết nối thông dụng cho rất nhiều thiết bị hiện nay (như bàn phím, chuột, loa, màn hình, máy in,...).
C. Là thiết bị cho phép thu thập, lưu trữ và thực hiện.
D. Là thiết bị ra thực hiện chuyển đổi dữ liệu trong máy tính thành dạng thông tin âm thanh.

Câu 7: Hiện tại, chuẩn HDMI có 3 loại phổ biến là

A. HDMI – A
B. HDMI – C
C. HDMI – D
D. Tất cả 3 loại trên.

Câu 8: USB (Universal Serial Bus) là thiết bị gì?

A. Là thiết bị ra thực hiện chuyển đổi dữ liệu trong máy tính thành dạng thông tin âm thanh.
B. Là chuẩn kết nối thông dụng cho rất nhiều thiết bị hiện nay (như bàn phím, chuột, loa, màn hình, máy in,...).
C. Là thiết bị cho phép thu thập, lưu trữ và thực hiện.
D. Là chuẩn kết nối cho phép truyền tải hình ảnh, âm thanh chất lượng cao qua dây cáp đến màn hình, loa.

Câu 9: Chuẩn USB có 3 loại (type) phổ biến là gì?

A. USB - A
B. USB - B
C. USB - C.
D. Tất cả các phương án trên.

Câu 10: Các thiết bị vào – ra được thiết kế đa dạng phù hợp với

A. Nhu cầu sử dụng khác nhau của người dùng
B. Tính thẩm mỹ
C. Thiết kế của máy tính
D. Chi phí sản xuất

Câu 11: Đặc điểm của máy ảnh kĩ thuật số, máy ghi hình kĩ thuật số là

A. Thiết bị cho phép thu thập, lưu trữ và thực hiện xử lí tệp ảnh, tệp video đơn giản.
B. Khi được kết nối với máy tính, chúng trở thành thiết bị vào và trao đối dữ liệu với máy tính.
C. Tương tác với người dùng qua giọng nói như hỏi, đáp về thời tiết, giờ.
D. Cả hai phương án A, B đều đúng.

Câu 12: Đặc điểm của máy tính bảng, điện thoại thông minh là gì?

A. Màn hình cảm ứng liền khối với thân máy, micro, loa, camera cũng được tích hợp ngay trên thân máy.
B. Bàn phím ảo sẽ xuất hiện trên màn hình khi cần sử dụng
C. Người dùng có thể điều khiển bằng cách dùng ngón tay chạm trực tiếp vào màn hình cảm ứng.
D. Tất cả các phương án trên.

Câu 13: Mỗi phần mềm ứng dụng hỗ trợ tạo và xử lí một số loại dữ liệu nhất định, với định dạng tệp riêng, được nhận ra nhờ

A. Phần mở rộng
B. Phần cứng
C. Phần mềm
D. Cả hai phương án B, C đều đúng.

Câu 14: Điền vào chỗ trống: “Phần mềm ứng dụng tương tác với phần cứng thông qua hệ điều hành. Hệ điều hành trực tiếp quản lí và vận hành....”

A. Phần cứng như bàn phím, chuột, màn hình, máy in.
B. Phần mềm ứng dụng
C. Cả hai phương án trên đều đúng
D. Cả hai phương án trên đều sai.

Câu 15: Mỗi phần mềm ứng dụng hỗ trợ tạo và xử lí

A. Một số loại dữ liệu nhất định, với định dạng tệp riêng, được nhận ra nhờ phần mở rộng.
B. Một số loại dữ liệu khác nhau, với định dạng tệp riêng, được nhận ra nhờ phần mở rộng.
C. Đạ dạng các loại dữ liệu với định dạng tệp riêng, được nhận ra nhờ phần mở rộng.
D. Cả hai phương án A, B đều đúng.

Câu 16: Chức năng của hệ điều hành là gì?

A. Quản lí các tệp dữ liệu trên đĩa.
B. Tạo và chỉnh sửa nội dung một tệp hình ảnh.
C. Điều khiển các thiết bị vào - ra.
D. Cả hai phương án A, C đều đúng

Câu 17: Hệ điều hành là gì?

A. Phần mềm hệ thống
B. Phần mềm công cụ
C. Phần mềm ứng dụng
D. Phần mềm tiện ích

Câu 18: Phần mềm tiện ích

A. Giúp làm việc với máy tính thuận lợi hơn
B. Tạo môi trường làm việc cho các phần mềm khác
C. Giải quyết những công việc thường gặp
D. Hỗ trợ việc làm ra các sản phẩm phần mềm khác

Câu 19: Điền vào chỗ trống “Không thể thực hiện một... mà không cần...”

A. Phần mềm tiện ích, phần mềm công cụ
B. Phần mềm ứng dụng, hệ điều hành
C. Phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng
D. Hệ điều hành, phần mềm tiện ích

Câu 20: Phần mềm soạn thảo văn bản (Microsoft Word) là

A. Phần mềm hệ thống
B. Phần mềm công cụ
C. Phần mềm tiện ích
D. Phần mềm ứng dụng

Câu 21: Phần mềm công cụ có chức năng là

A. Tạo môi trường làm việc cho các phần mềm khác
B. Hỗ trợ việc làm ra các sản phẩm phần mềm khá
C. Giúp làm việc với máy tính thuận lợi hơn
D. Giải quyết những công việc thường gặp

Câu 22: Sao lưu dữ liệu là việc sao chép

A. thực hiện sao lưu, cập nhật bản sao, khôi phục dữ liệu dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng.
B. cần có kết nối Internet. Có thể bị đánh cắp, mất dữ liệu nếu sử dụng dịch vụ không tin cậy.
C. dữ liệu cần bảo vệ (bản gốc) sang một nơi khác (bản sao).
D. bản sao được lưu trữ ở ngoài máy tính chứa bản gốc.

Câu 23: Để bảo vệ dữ liệu trong máy tính của mình, em nên làm gì?

A. Cần nắm vững các nguyên tắc sử dụng máy tính để đảm bảo an toàn dữ liệu.
B. Thường xuyên sao lưu dữ liệu định kì.
C. Cập nhật bản vá lỗi hệ điều hành.
D. Tất cả các phương án trên.

Câu 24: Tệp được phân loại theo

A. định dạng của tệp
B. dữ liệu đầu vào
C. phần mềm máy tính
D. hệ điều hành máy tính

Câu 25: Để ngăn ngừa và tiêu diệt phần mềm độc hại phá hoại dữ liệu, máy tính, chúng ta cần phải

A. Thường xuyên được vệ sinh, lau chùi, bảo dưỡng cẩn thận
B. Luôn luôn cài đặt và sử dụng phần mềm diệt virus.
C. Truy cập các liên kết hoặc tải dữ liệu từ Internet khi chưa rõ độ tin cậy.
D. Thực hiện sao lưu dữ liệu.

Câu 26: Những việc làm nào sau đây có thể giúp bảo vệ dữ liệu ?

A. Thực hiện sao lưu dữ liệu.
B. Cài đặt phần mềm diệt virus cho máy tính.
C. Bật chức năng tường lửa của hệ điều hành.
D. Cả A, B, C

Câu 27: Biện pháp nào sau đây thường dùng để bảo vệ dữ liệu?

A. Sao lưu dữ liệu
B. Cài phần mềm phòng chống virus
C. Cả hai phương án trên đều đúng
D. Cả hai phương án trên đều sai.

Câu 28: Tường lửa là gì?

A. Tường lửa là công cụ để chống lại sự truy cập trái phép qua mạng máy tính, giúp bảo vệ dữ liệu.
B. Bật chức năng tường lửa trong ms windows là windows defender firewall
C. Là một biện pháp để hạn chế sự tấn công của phần mềm độc hại.
D. Tất cả phương án trên.

Câu 29: Để ngăn chặn phần mềm độc hại, người sử dụng máy tính cần lưu ý

A. Luôn cập nhật bản sửa lỗi phần mềm để cải thiện tính năng bảo mật của hệ thống
B. Nháy chuột vào các liên kết hoặc tải dữ liệu từ Internet.
C. Mở tệp đính kèm trong thư điện tử từ địa chỉ lạ gửi đến.
D. Sao chép dữ liệu từ các thiết bị lưu trữ ngoài.

Câu 30: Phần mềm độc hại (malware) có thể

A. Xóa dữ liệu lưu trữ trong máy tính
B. Làm hỏng dữ liệu lưu trữ trong máy tính
C. Lấy cắp dữ liệu lưu trữ trong máy tính hay trên Internet
D. Tất cả các phương án trên.

Câu 31: Ưu điểm của sao lưu nội bộ là gì?

A. Thực hiện sao lưu, cập nhật bản sao, khôi phục dữ liệu dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng.
B. Khi máy tính bị sự cố thì chỉ mất bản gốc, có thể khôi phục từ bản sao.
C. Phải có máy tính khác hay thiết bị nhớ rời, sử dụng đĩa quang thì cần có ổ ghi CD, DVD.
D. Các thiết bị nhớ rời dễ thất lạc, hư hỏng.

Câu 32: Đâu là việc không nên làm khi tham gia vào mạng xã hội?

A. Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật; Cung cấp, chia sẻ thông tin kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội.
B. Xuyên tạc, vu khống, xúc phạm, làm hạ uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
C. Nhắn tin quấy rối, đe doạ, bắt nạt người khác.
D. Tất cả các phương án A, B, C.

Câu 33: Phát biểu nào sau đây là sai?

A. Mạng xã hội giúp kết nối, duy trì mối quan hệ với người thân, bạn bè.
B. Mạng xã hội được sử dụng miễn phí và có thể dễ dàng truy cập ở bất cứ nơi đâu khi có mạng internet.
C. Sử dụng mạng xã hội là cách duy nhất để trao đổi thông tin trên internet.
D. Sử dụng mạng xã hội quá nhiều sẽ dẫn đến nghiện mạng xã hội.

Câu 34: Đâu là hậu quả của sự thiếu hiểu biết trong sử dụng thông tin trên mạng xã hội?

A. Sống ảo, mất đi kĩ năng xã hội.
B. Bị áp lực từ những bình luận tiêu cực dẫn đến lo lắng, căng thẳng, trần cảm
C. Trao đổi, thảo luận về các chủ đề học tập và cuộc sống.
D. Cả A và B

Câu 35: Trong các câu nói sau, câu nào là không đúng khi nói về mạng xã hội?

A. Mạng xã hội giúp mọi người tương tác với nhau mà không cần gặp mặt.
B. Tất cả các website đều là mạng xã hội.
C. Người xấu có thể đưa tin giả lên mạng xã hội. Vì vậy chỉ nên trò chuyện với người mình quen biết.
D. Một số mạng xã hội quy định độ tuổi được phép tham gia là thành viên.

Câu 36: Những ý kiến nào sau đây về Facebook là đúng?

A. Là ứng dụng có hàng tỉ người dùng trên thế giới.
B. Việt Nam đứng trong top 10 những quốc gia có số người sử dụng Facebook đông nhất trên thế giới.
C. Là công cụ giúp cập nhật, chia sẻ các thông tin, hình ảnh cá nhân.
D. Tất cả các ý kiến trên.

Câu 37 Đâu không phải là điểm tích cực khi tham gia mạng xã hội?

A. Bày tỏ quan niệm cá nhân
B. Chia sẻ mọi thông tin cá nhân
C. Giới thiệu bản thân mình với mọi người
D. Kết nối bạn bè

Câu 38: Trong các câu sau, câu nào đúng về mạng xã hội?

A. Người dùng không thể đưa thông tin lên mạng xã hội
B. Số lượng người tham gia kết bạn trên mạng xã hội được giới hạn dưới 10 người
C. Người dùng chỉ có thể chia sẻ bài viết dạng văn bản cho bạn bè trên mạng xã hội.
D. Mạng xã hội là một ứng dụng web

Câu 39: Thông tin xấu có thể được phát tán qua những kênh thông tin nào?

A. Thư điện tử
B. Mạng xã hội
C. Tin nhắn điện thoại
D. Cả A, B, C

Câu 40: Đối với học sinh, cách tốt nhất nên làm khi bị ai đó bắt nạt trên mạng là?

A. Nói lời xúc phạm người đó.
B. Cố gắng quên đi và tiếp tục chịu đựng.
C. Nhờ bố mẹ, thầy cô giáo giúp đỡ, tư vấn.
D. Đe dọa người bắt nạt mình.

Câu 41: Nghiện chơi game trên mạng là gì?

A. Là tình trạng dành quá nhiều thời gian vào các trò chơi trên máy tính, trên mạng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày
B. Là tình trạng chơi game liên tục không kiểm soát được, dù biết điều này đang tổn hại đến sức khỏe của chúng
C. Tiếp tục hoặc chơi game ngày càng nhiều, bất chấp sự xuất hiện của những hậu quả tiêu cực
D. Tất cả các đáp án trên

Câu 42: Mục tiêu của giao tiếp qua mạng là gì?

A. Giúp người khác hiểu em một cách rõ ràng
B. Hiểu người khác một cách rõ ràng.
C. Giữ mối quan hệ tết để có thể tiếp tục giao tiếp.
D. Tất cả những điều trên.

Câu 43: Để tham gia mạng an toàn em nên thực hiện những điều gì?

A. Không cung cấp thông tin cá nhân.
B. Không tin tưởng tuyệt đối người tham gia trò chuyện.
C. Sử dụng tên tài khoản trung lập, không quá đặc biệt.
D. Tất cả các phương án trên

Câu 44: Tác hại của việc nghiện chơi game trên mạng là gì?

A. Rối loạn giấc ngủ, đau đầu
B. Luôn cảm thấy mệt mỏi, buồn chán, bi quan, cảm thấy cô đơn, bất an
C. Mất hứng thú với các thú vui, sở thích cũ, mọi thứ chỉ dồn vào game, học hành chểnh mảng.
D. Tất cả đáp án trên

Câu 45: Thực hiện những điều nào sau đây sẽ giúp em phòng tránh nghiện Internet

A. Chỉ truy cập Internet khi có mục đích rõ ràng.
B. Tự giác tuân thủ quy định về thời gian sửu dụng Internet một cách hợp lí của bản thân.
C. Không thức khuya, trốn học để lên mạng.
D. Cả A, B, C

Câu 46: Phát biểu nào trong các phát biểu sau là sai?

A. Công thức trong MS Excel được bắt đầu bởi dấu bằng ( =), tiếp theo là biểu thức đại số.
B. Trình tự thực hiện các phép toán trong MS Excel tuân thủ đúng theo quy tắc Toán học.
C. Khi nhập công thức cho ô tính ta bắt buộc phải nhập thông qua vùng nhập liệu.
D. Có thể nhập trực tiếp công thức vào ô tính.

Câu 47: Phát biểu nào dưới đây sai?

A. Trong ô tính, mặc định dữ liệu kiểu kí tự được tự động căn lề phải, dữ liệu kiểu số, kiểu ngày được tự động căn lề trái.
B. Dữ liệu kiểu số có thể là số nguyên, số thập phân, gồm các số từ 0 đến 9 và kí hiệu số âm (-), số dương (+), dấu thập phân.
C. Dữ liệu kiểu kí tự có thể gồm các chữ cái, chữ số và các kí hiệu soạn thảo.
D. Mặc định dữ liệu kiểu ngày được nhập vào ô tính theo định dạng là tháng/ngày/năm.

Câu 48: Phát biểu nào dưới đây sai?

A. Có thể nhập dữ liệu trực tiếp vào ô tính.
B. Có thể nhập dữ liệu cho ô tính thông qua vùng nhập liệu.
C. Để hoàn tất nhập dữ liệu cho ô tính, ta gõ phím Enter hoặc nháy chuột vào ô tính khác.
D. Chỉ có thể nhập trực tiếp vào ô tính một số kiểu dữ liệu.

Câu 49 Phát biểu nào dưới đây sai?

A. Khối ô tính là một vùng hình chữ nhật gồm nhiều ô tính liền kề nhau.
B. Khối ô tính có thể là một ô tính, một hàng, một cột.
C. Khối ô tính phải nằm trên nhiều hàng, nhiều cột.
D. Có nhiều cách để chọn khối ô tính.

Câu 50: Phát biểu nào sau đây sai?

A. Bảng tính mới được tạo mặc định có một trang tính có tên là Sheet1.
B. Mỗi bảng tính chỉ có tối đa một trang tính và có tên là Sheet1
C. Mỗi bảng tính có thể có nhiều trang tính.
D. Có thể đổi tên trang tính.

Câu 51: Phát biểu đúng về tính năng của phần mềm bảng tính?

A. Cho phép người dùng tạo ra những trang trình chiếu phục vụ thuyết trình.
B. Xử lí thông tin được trình bày ở dạng bảng như tính toán, tìm kiếm, sắp xếp hay tạo biểu đồ, đồ thị biểu diễn dữ liệu.
C. Cho phép thao tác soạn thảo các văn bản thô, định dạng phông chữ, màu sắc cùng với hình ảnh minh hoạ.
D. Là phần mềm thiết kế đồ hoạ, chỉnh sửa ảnh.

Câu 52 Phát biểu nào sau đây là sai?

A. Trong MS Excel, công thức phải bắt đầu bằng dấu (=).
B. Trình tự thực hiện các phép toán trong phần mềm bảng tính tuân thủ đúng theo quy tắc Toán học.
C. Có thể nhập công thức trực tiếp vào ô tính hoặc thông qua vùng nhập dữ liệu.
D. Sau khi nhập xong, công thức được hiển thị tại ô tính.

Câu 53: Phát biểu nào dưới đây là sai?

A. Khối tính bắt buộc phải nằm trên nhiều
B. Có thể nhập dữ liệu trực tiếp tại ô tính hoặc thông qua vùng nhập liệu.
C. Sau khi đã nhập dữ liệu thì không chỉnh sửa được dữ liệu trong ô tính.
D. Cả A, C

Câu 54: Phát biểu nào sau đây là sai?

A. Vùng nhập liệu hiển thị dữ liệu trong ô tính đang được chọn và có thể dùng để nhập dữ liệu cho ô tính.
B. Mỗi bảng tính chỉ có tối đa một trang tính.
C. Địa chỉ của môi ô tính được xác định bởi tên cột và tên hàng.
D. Cả A, B, C

Câu 55: Phát biểu nào dưới đây đúng?

A. Chỉ có thể sử dụng các phím mũi tên trên bàn phím để chọn ô tính.
B. Chỉ có thể sử dụng chuột để chọn ô tính.
C. Chỉ sử dụng phím Tab để chọn ô tính.
D. Có thể sử dùng chuột, các phím mũi tên trên bàn phím hay phím Tab để chọn ô tính.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 189
  • Lượt xem: 2.259
  • Dung lượng: 208,8 KB
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Khôi Đăng
    Khôi Đăng

    có đáp án không ạ

    Thích Phản hồi 23:37 21/12
    • Trịnh Thị Thanh
      Trịnh Thị Thanh

      Đề cương hiện chưa có đáp án bạn ạ

      Thích Phản hồi 08:01 22/12