Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động lớp 7 3 Dàn ý & 18 bài văn mẫu lớp 7

Download.vn muốn giới thiệu về Bài văn mẫu lớp 7: Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động.

Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi

Nội dung sẽ bao gồm 3 dàn ý và 18 bài văn mẫu dành cho các bạn học sinh lớp 7 thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động.

Dàn ý thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ

Dàn ý chi tiết số 1

Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi

Dàn ý chi tiết số 2

1. Mở bài

Giới thiệu hoạt động hay trò chơi sẽ thuyết minh.

2. Thân bài

- Giới thiệu khái quát về trò chơi hay hoạt động: không gian, thời gian…

- Giới thiệu chi tiết các quy tắc, luật lệ của hoạt động hay trò chơi theo một trật tự nhất định:

  • Đối tượng tham gia hoạt động/trò chơi gồm bao nhiêu người?
  • Hoạt động/trò chơi cần phải tuân thủ những quy tắc, luật lệ gì?
  • Giá trị, ý nghĩa của hoạt động/trò chơi?

3. Kết bài

Nêu giá trị và ý nghĩa của hoạt động hay trò chơi được thuyết minh.

Thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi nhảy bao bố

Mẫu 1

Từ xưa đến nay, rất nhiều trò chơi dân gian đã được lưu truyền, trở thành một nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trong đó, nhảy bao bố là một trò chơi độc đáo, thú vị.

Vào các dịp lễ hội, các trò chơi dân gian thường được tổ chức, trong đó có nhảy bao bố. Về dụng cụ, chúng ta cần chuẩn bị cái bao bố (hay chính là bao tải thường được dùng để đựng thóc, gạo). Bao bố phải có kích thước rộng. Ngoài ra, bao bố cần có một độ dày để khi nhảy không bị rách hoặc bục ra. Điều này nhằm đảm bảo an toàn khi chơi.

Về luật chơi, trò chơi bao bố có thể được chơi cá nhân hoặc theo đội. Thường ở các lễ hội, ban tổ chức sẽ yêu cầu người chơi theo đội. Những người tham gia chơi sẽ được chia làm các đội. Mỗi đội gồm hai người. Người chơi đứng sẵn ở vạch xuất phát. Hai chân của người chơi để trong bao bố, hai tay cầm sẵn vành bao. Sau tiếng còi của trọng tài, người chơi sẽ dùng sức bật hai chân lên để nhảy về phía trước, sao cho không rơi ra ngoài bao. Đặc biệt, hai người trong đội phải nhảy làm sao cho khớp nhau. Nếu trên đường đua, người chơi bị rơi ra ngoài bao thì cần trở về vạch đích để nhảy lại từ đầu. Người đến đích trước sẽ giành chiến thắng chung cuộc. Phần thưởng dành cho người thắng tùy theo ban tổ chức cuộc chơi.

Lưu ý khi chơi trò bao bố là cần đảm bảo an toàn khi chơi. Người chơi cần phải cẩn thận khi nhảy trong bao, giữ được thăng bằng. Vì trò chơi này khiến hai chân bị giới hạn trong cái bao bố, dễ gây vướng víu, mất cân bằng khi nhảy.

Trò chơi nhảy bao bố giúp chúng ta giải trí sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng. Đây là một trong những trò chơi dân gian thú vị, hấp dẫn.

Mẫu 2

Trò chơi dân gian là một trong những nét văn hóa đặc sắc của đất nước Việt Nam. Rất nhiều trò chơi vẫn còn được phổ biến cho đến ngày nay. Một trong số đó có thể kể đến nhảy bao bố.

Nhảy bao bố thường được tổ chức chơi trong các dịp lễ hội. Như các trò chơi khác thì trò chơi này cũng có những luật lệ riêng. Về dụng cụ, để chơi trò này, mỗi người chơi đều cần có một cái bao bố (hay chính là bao tải thường được dùng để đựng thóc, gạo). Bao bố được lựa chọn để chơi cần phải có kích thước đủ rộng, chiều cao tối thiểu đến ngang bụng người chơi. Ngoài ra, nó cũng cần có một độ dày để khi nhảy không bị rách hoặc bục ra gây cản trở và nguy hiểm cho người chơi.

Luật chơi bao bố rất đơn giản và dễ hiểu. Những người tham gia chơi sẽ thi đấu với nhau. Người chơi cần đứng sẵn ở vạch xuất phát. Hai chân để trong bao bố, hai tay cầm sẵn vành bao. Sau tiếng còi của trọng tài, người chơi cần dùng sức bật hai chân lên để nhảy về phía trước, sao cho không rơi ra ngoài bao. Nếu trên đường đua, người chơi bị rơi ra ngoài bao thì cần trở về vạch đích để nhảy lại từ đầu. Người đến đích trước sẽ giành chiến thắng chung cuộc. Phần thưởng dành cho người thắng tùy theo ban tổ chức cuộc chơi.

Lưu ý khi chơi trò bao bố là cần đảm bảo an toàn khi chơi. Người chơi cần phải cẩn thận khi nhảy trong bao, giữ được thăng bằng. Vì trò chơi này khiến hai chân bị giới hạn trong cái bao bố, dễ gây vướng víu, mất cân bằng khi nhảy. Chúng ta không nên quá vội vàng, mà cần ưu tiên sự chắc chắn. Trò chơi này giúp chúng ta giải trí sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng. Bên cạnh đó, con người sẽ rèn luyện được sự khéo léo, kiên nhẫn và kiên trì.

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều trò chơi điện tử hấp dẫn đã ra đời. Các trò chơi dân gian ít được chơi hơn. Điều này đã đặt ra một vấn đề về việc giữ gìn các trò chơi dân gian trong đời sống sinh hoạt của con người. Chúng ta cần phải giữ gìn và tích cực quảng bá để trò chơi dân gian luôn gần gũi với cuộc sống của con người.

Mẫu 3

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều trò chơi điện tử ra đời giúp con người giải trí, thư giãn. Tuy nhiên, những trò chơi dân gian vẫn còn hấp dẫn, bởi những giá trị riêng. Một trong số đó cần phải kể đến nhảy bao bố.

Đầu tiên, trò chơi nhảy bao bố thường được chơi vào các dịp lễ hội. Vì vậy, trò chơi được tổ chức ở những nơi có không gian rộng lớn, sạch sẽ. Để có thể chơi, chúng ta cần phải chuẩn bị bao bố (hay chính là bao tải thường được dùng để đựng thóc, gạo). Bao bố được lựa chọn để chơi cần phải có kích thước đủ rộng, chiều cao tối thiểu đến ngang bụng người chơi. Ngoài ra, nó cũng cần có một độ dày để khi nhảy không bị rách hoặc bục ra gây cản trở và nguy hiểm cho người chơi.

Số lượng người chơi nhảy bao bố không giới hạn. Với đông người chơi, chúng ta có thể chia đội để thi đấu. Về luật chơi, người chơi cần đứng sẵn ở vạch xuất phát. Hai chân để trong bao bố, hai tay cầm sẵn vành bao. Khi tiếng còi của trọng tài vang lên, người chơi cần dùng sức bật hai chân lên để nhảy về phía trước, sao cho không rơi ra ngoài bao. Trên đường đua, người chơi bị rơi ra ngoài bao thì cần trở về vạch đích để nhảy lại từ đầu. Người đến đích trước sẽ giành chiến thắng. Nếu có nhiều lượt thi đấu thì cần tìm ra người chiến thắng ở mỗi lượt. Sau đó, những người chơi đó sẽ thi đấu với nhau để tìm ra người chiến thắng chung cuộc.

Một lưu ý quan trọng, người chơi cần đảm bảo an toàn. Chúng ta cần phải cẩn thận khi nhảy trong bao, giữ được thăng bằng. Vì trò chơi này khiến hai chân bị giới hạn trong cái bao bố, dễ gây vướng víu, mất cân bằng khi nhảy.

Trò chơi nhảy bao bố này giúp chúng ta giải trí sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng. Trò chơi mang tính cá nhân nhưng sẽ giúp con người sẽ rèn luyện được sự khéo léo, kiên trì và nhẫn nại.

Có thể khẳng định rằng, nhảy bao bố là một trò chơi dân gian thú vị, hấp dẫn. Mỗi người cần gìn giữ để trò chơi này không bị mai một theo thời gian.

Thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi trốn tìm

Mẫu 1

Các trò chơi dân gian phổ biến như bịt mắt bắt dê, trốn tìm, ô ăn quan, nhảy dây… Trong đó, trốn tìm là một trong những trò chơi được yêu thích nhất.

Trò chơi trốn tìm còn có một tên gọi khác là “trò ú tim” ở khu vực miền Trung và “trò năm mươi năm mươi” ở khu vực miền Nam. Từ thuở xưa, những đứa trẻ trong xóm, làng sẽ tập trung lại để cùng nhau chơi vào buổi chiều, tối. Địa điểm chơi thường là không gian rộng rãi, nhưng phải có chỗ ẩn nấp.

Số lượng người chơi trốn tìm không giới hạn, nhưng thường khá đông từ sáu đến hơn chục người. Tất cả người chơi sẽ cùng oẳn tù xì. Ai thua sẽ bị mọi người bịt mắt lại bằng một tấm vải hoặc một chiếc khăn để người bị bịt mắt không nhìn thấy mọi người. Sau đó, người bị bịt mắt sẽ phải đứng im một chỗ, đếm từ một đến ba mươi. Trong khoảng thời gian đó, những người còn lại sẽ đi trốn.

Sau ba mươi giây, người đi tìm sẽ được tháo bịt mắt và đi tìm những người khác. Người bị tìm thấy sẽ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi. Nếu như toàn bộ người chơi bị tìm ra thì người đi tìm sẽ sống sót và người đầu tiên bị tìm thấy sẽ tiếp tục thay người đi tìm chơi tiếp. Nếu người đi tìm không phát hiện ra mọi người trốn ở đâu, người đó có thể hô “tha gà” và người đó sẽ là người đi tìm ở lượt chơi tiếp theo cho đến lúc tìm thấy người thay thế.

Theo luật chơi, người bị tìm thấy đầu tiên sẽ là người đi tìm ở lượt chơi tiếp theo. Trong quá trình chơi, người trốn có thể bất ngờ đến đập vào vai người đi tìm. Khi đó, người trốn sẽ thắng và có quyền cứu những người đã bị tìm thấy.

Trò chơi trốn tìm giúp con người thư giãn, giải trí sau những giờ học tập, lao động căng thẳng, mệt mỏi. Không chỉ vậy, trò chơi này còn giúp tăng thêm sự gắn kết giữa người chơi. Ngày nay, với sự xuất hiện của nhiều trò chơi điện tử thì các trò chơi dân gian như trốn tìm đang mất đi trong đời sống của con người. Điều này đã đặt ra một vấn đề về việc giữ gìn các trò chơi dân gian.

Chúng ta cần phải giữ gìn và tích cực quảng bá để trò chơi dân gian, trong đó có trò chơi trốn tìm luôn gần gũi với cuộc sống của con người.

Mẫu 2

Các trò chơi dân gian đã giúp con người, đặc biệt là trẻ em giải trí, thư giãn. Một trong những trò chơi thú vị, hấp dẫn nhất mà chắc hẳn nhiều người sẽ biết đến là trốn tìm.

Trốn tìm còn có tên gọi khác là “trò ú tim” (cách gọi ở miền Trung) và “trò năm mươi năm mươi” (cách gọi ở miền Nam). Trò chơi này thường được diễn ra vào buổi chiều tối, tại những không gian rộng lớn nhưng phải có nhiều chỗ ẩn nấp. Điều này sẽ tăng thêm độ khó cho người tìm.

Số lượng người chơi trốn tìm sẽ không bị giới hạn, khoảng từ sáu đến mười người. Đầu tiên, người chơi cần oẳn tù xì. Ai thua sẽ phải đi tìm. Người đó cần bịt mắt lại, đứng im một chỗ và đếm từ một đến ba mươi. Trong khoảng thời gian đó, những người còn lại sẽ đi trốn.

Sau ba mươi giây, người đi tìm sẽ mở mắt, bắt đầu quá trình tìm kiếm. Người bị tìm thấy sẽ thua cuộc. Nếu như toàn bộ người chơi bị tìm ra thì người đi tìm sẽ chiến thắng. Theo luật, người bị tìm thấy đầu tiên sẽ phải là người đi tìm tiếp theo. Còn người đi tìm không thấy mọi người trốn ở đâu, người đó sẽ phải hô “tha gà” và chấp nhận thua cuộc. Ở lượt chơi tiếp theo, người đi tìm này sẽ tiếp tục phải làm. Trong quá trình chơi, người trốn có thể bất ngờ đến đập vào vai người đi tìm. Khi đó, người trốn sẽ thắng và có quyền cứu những người đã bị tìm thấy.

Cần lưu ý khi chơi trốn tìm là không trốn quá xa khỏi không gian diễn ra trò chơi. Trò chơi trốn tìm giúp con người có những phút giây thư giãn. Không chỉ vậy, trò chơi này còn giúp tăng thêm sự gắn kết giữa người chơi.

Như vậy, trốn tìm là một trò chơi dân gian bổ ích. Chúng ta cần có những biện pháp tích cực để giữ gìn những trò chơi dân gian như trốn tìm.

Mẫu 3

Một trong những trò chơi dân gian đã có từ lâu đời là trốn tìm (hay còn gọi là ý tim). Trò chơi này rất thú vị và bổ ích.

Trốn tìm có từ rất sớm trong đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam. Trò chơi còn có tên gọi khác là ú tim (theo cách gọi ở khu vực miền Trung) và năm mươi năm mươi (theo cách gọi ở khu vực miền Nam). Địa điểm chơi thường là nơi rộng rãi như đầu làng, gốc đa, ngoài đồng,...

Trò chơi này phải chơi theo tập thể, khoảng từ năm người trở lên. Người chơi sẽ cùng oẳn tù xì. Ai thua phải đi tìm. Người đi tìm sẽ nhắm mắt lại, đếm từ một đến ba mươi. Những người chơi còn lại sẽ đi trốn ở xung quanh. Hết ba mươi giây, người đi tìm sẽ đi xung quanh khu vực chơi để tìm những những người khác. Những người bị tìm thấy sẽ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi. Nếu toàn bộ người chơi bị tìm ra thì người đi tìm sẽ thắng và người đầu tiên bị tìm thấy sẽ phải làm thay. Nếu người đi tìm không phát hiện ra mọi người trốn ở đâu, người đó có thể hô “tha gà” và vẫn phải làm tiếp.

Trò chơi trốn tìm dường như rất phổ biến và trở thành một nét văn hóa ở nông thôn. Trò chơi này giúp con người thư giãn, giải trí sau những giờ học tập, lao động căng thẳng, mệt mỏi. Người chơi cũng được vận động nhiều hơn, tăng thêm sự gắn bó giữa mọi người.

Khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều trò chơi điện tử mới lại, hấp dẫn ra đời. Trẻ em ít chơi trốn tìm hơn, điều này đặt ra vấn đề làm thế nào để giữ gìn các trò chơi dân gian.

Mẫu 4

Những trò chơi giúp con người thư giãn, giải trí. Một trong số đó có thể kể đến trò chơi trốn tìm.

Trốn tìm hay còn gọi là “trò ú tim” ở khu vực miền Trung và “trò năm mươi năm mươi” ở khu vực miền Nam. Đây là một trong những trò chơi dân gian khá phổ biến. Đối tượng chơi thường là trẻ em. Địa điểm chơi thường là không gian rộng rãi, nhưng phải có chỗ ẩn nấp.

Số lượng người chơi thường rất đông vì như vậy thì trò chơi mới hấp dẫn. Đầu tiên, người chơi sẽ oẳn tù xì để tìm ra người đi tìm. Ai thua sẽ phải đi tìm. Người đó sẽ bịt mắt lại để không nhìn thấy khi mọi người đi trốn. Người đó sẽ đếm từ một đến khoảng ba mươi. Những người chơi còn lại có nhiệm vụ đi trốn.

Kết thúc khoảng thời gian đó, người đi tìm sẽ được mở mắt để đi tìm những người chơi khác. Người bị tìm thấy sẽ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi. Nếu như toàn bộ người chơi bị tìm ra thì người đi tìm sẽ chiến thắng. Còn người đầu tiên bị tìm thấy sẽ phải thay thế người đi tìm. Nếu người đi tìm không phát hiện ra mọi người trốn ở đâu, người đó có thể hô “tha gà” và người đó sẽ là người đi tìm ở lượt chơi tiếp theo cho đến lúc tìm thấy người thay thế. Trong quá trình chơi, người trốn có thể bất ngờ đến đập vào vai người đi tìm. Khi đó, người trốn sẽ thắng và có quyền cứu những người đã bị tìm thấy.

Trò chơi trốn tìm giúp con người có khoảng thời gian vui vẻ, thư giãn sau những giờ học tập, lao động căng thẳng, mệt mỏi. Không chỉ vậy, người chơi cũng sẽ tăng thêm gắn kết, tình cảm hơn.

Trốn tìm là một trò chơi dân gian thú vị. Chúng ta cần phải bảo tồn các trò chơi dân gian như một nét đẹp văn hóa truyền thống đáng giữ gìn.

Thuyết minh về quy tắc, luật lệ trong trò chơi rồng rắn lên mây

Mẫu 1

Từ xưa đến nay, các trò chơi dân gian đã trở thành một phần giải trí không thể thiếu. Một trong những trò chơi thú vị có thể kể đến đó là rồng rắn lên mây.

Không thể khẳng định chắc chắn rằng trò chơi rồng rắn lên mây xuất hiện từ bao giờ. Nhưng có thể khẳng định, trò chơi này đã xuất hiện từ rất lâu, được trẻ con yêu thích. Đây cũng là trò chơi đã được phổ biến rộng rãi ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Điểm khác nhau giữa ba miền là bài hát đồng dao dùng để hát khi chơi.

Số lượng người chơi phải từ năm người trở lên, càng đông sẽ càng vui. Người chơi cần phải oẳn tù tì hoặc bốc thăm để chọn người làm thầy thuốc. Những người còn sẽ xếp thành một hàng. Người sau túm lấy áo người trước. Người đứng đầu gọi là đầu đàn (còn gọi là khúc đầu). Người này cần phải có ngoại hình cao to, khỏe mạnh để bảo vệ được những người đứng sau. Người đứng cuối gọi là khúc đuôi. Những người còn lại ở giữa gọi là khúc giữa. Thầy thuốc sẽ đứng đối diện với đội rồng rắn, có nhiệm vụ phải bắt được người cuối cùng của đội rồng rắn. Người đi đầu phải giang rộng hai tay để ngăn thầy thuốc, không cho thầy bắt được khúc đuôi. Những người làm khúc giữa phải túm chặt áo và chạy nhanh chân để che khúc đuôi. Người làm khúc đuôi phải chạy thật nhanh để tránh thầy thuốc bắt được.

Khi trò chơi bắt đầu, tất cả người chơi trong đội rồng rắn hát bài đồng dao sau:

“Rồng rắn lên mây
Có cây núc nác
Có nhà điểm binh
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?”

Nếu thầy thuốc trả lời là không, với một lí do nào đó thì đoàn rồng rắn sẽ lại tiếp tục hát bài đồng dao. Nếu thầy thuốc trả lời là có, thầy thuốc và đoàn rồng sẽ thay phiên nhau hỏi đáp:

“Thầy thuốc: Có, mẹ con rồng rắn đi đâu?

Rồng rắn: Rồng rắn đi lấy thuốc cho con.

Thầy thuốc: Con lên mấy?

Rồng rắn: Con lên một.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên hai.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên ba.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên bốn.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên năm.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên sáu.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên bảy.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên tám.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên chín.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên mười.

Thầy thuốc: Thuốc ngon vậy, xin khúc đầu.

Rồng rắn: Cùng xương cùng xẩu.

Thầy thuốc: Xin khúc giữa.

Rồng rắn: Cùng máu cùng me.

Thầy thuốc: Xin khúc đuôi

Rồng rắn: Tha hồ mà đuổi.”

Khi đoàn rồng rắn hát tới câu “tha hồ mà đuổi” thì thầy thuốc bắt đầu đuổi đoàn rồng rắn. Thầy thuốc cần phải chạm được khúc đuôi, có nghĩa là chạm vào người cuối cùng của đoàn rồng rắn để loại người đó. Cả những người bị đứt ra khỏi đoàn rồng rắn, cũng được xem như là thua cuộc và bị loại khỏi cuộc chơi.

Trò chơi rồng rắn lên mây giúp rèn luyện phản xạ, sự nhanh nhẹn. Đồng thời, trò chơi này còn tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó. Đây là một trò chơi thú vị, hấp dẫn.

Mẫu 2

Một trong những trò chơi dân gian vô cùng hấp dẫn là rồng rắn lên mây. Đây là trò chơi được thiếu nhi đặc biệt yêu thích.

Rồng rắn lên mây thường được chơi ở những nơi có không gian rộng rãi. Số lượng người chơi phải trên năm người, càng đông sẽ càng vui.

Luật chơi khá đơn giản. Đầu tiên, người chơi cần phải oẳn tù tì để chọn người làm thầy thuốc. Những người còn lại làm thành đoàn rồng rắn, xếp thành một hàng. Người sau túm lấy áo người trước. Người đứng đầu gọi là khúc đầu. Người đứng cuối gọi là khúc đuôi. Những người còn lại ở giữa gọi là khúc giữa. Thầy thuốc có nhiệm vụ phải bắt được người cuối cùng (khúc đuôi) của đội rồng rắn. Người đứng đầu cần khỏe mạnh, to lớn để bảo vệ được đoàn rồng rắn. Những người làm khúc giữa phải túm chặt áo và chạy nhanh chân để che khúc đuôi. Người làm khúc đuôi phải chạy thật nhanh để tránh thầy thuốc bắt được.

Khi trò chơi bắt đầu, tất cả người chơi trong đội rồng rắn hát bài đồng dao sau:

“Rồng rắn lên mây
Có cây núc nác
Có nhà điểm binh
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?”

Khi thầy thuốc trả lời là không, với một lí do nào đó thì đoàn rồng rắn sẽ lại tiếp tục hát bài đồng dào. Còn thầy thuốc trả lời là có, thầy thuốc và đoàn rồng sẽ thay phiên nhau hỏi đáp:

“Thầy thuốc: Có, mẹ con rồng rắn đi đâu?

Rồng rắn: Rồng rắn đi lấy thuốc cho con.

Thầy thuốc: Con lên mấy?

Rồng rắn: Con lên một.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên hai.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Lần lượt đến, con lên mười. Thầy thuốc sẽ nói:

Thuốc ngon vậy, xin khúc đầu.

Rồng rắn: Cùng xương cùng xẩu.

Thầy thuốc: Xin khúc giữa.

Rồng rắn: Cùng máu cùng me.

Thầy thuốc: Xin khúc đuôi

Rồng rắn: Tha hồ mà đuổi”

Lúc này, thầy thuốc bắt đầu đuổi đoàn rồng rắn. Thầy thuốc cần phải chạm được khúc đuôi, có nghĩa là chạm vào người cuối cùng của đoàn rồng rắn. Khi đó, thầy thuốc sẽ chiến thắng. Đoàn rồng rắn sẽ thua cuộc.

Rồng rắn lên mây là trò chơi thú vị, đem lại cho con người những phút giây giải trí, thư giãn thoải mái, dễ chịu.

Mẫu 3

Rồng rắn lên mây là một trò chơi dân gian đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Cũng giống như các trò chơi khác, rồng rắn lên mây cũng có những luật lệ riêng.

Trò chơi này đã xuất hiện từ lâu đời, được chơi phổ biến trên khắp đất nước. Luật lệ chơi ở từng vùng thì khá giống nhau. Điểm khác nhau là bài hát đồng dao dùng để hát khi chơi.

Về chuẩn bị, số lượng người chơi không giới hạn, nhưng phải trên năm người. Càng đông người chơi sẽ càng sôi động, thú vị. Không gian chơi thường là nơi rộng rãi, để người chơi thoải mái chạy nhảy. Những ai tham gia chơi cần phải oẳn tù tì hoặc bốc thăm để chọn người làm thầy thuốc. Số lượng người còn lại sẽ xếp thành đoàn rồng rắn. Người sau túm lấy áo người trước. Người đứng đầu gọi là đầu đàn (còn gọi là khúc đầu). Người đứng cuối gọi là khúc đuôi. Những người còn lại ở giữa gọi là khúc giữa.

Về luật lệ, đầu tiên, thầy thuốc sẽ đứng đối diện với đội rồng rắn. Thầy thuốc có nhiệm vụ phải bắt người cuối cùng của đội rồng rắn. Người đi đầu có nhiệm vụ ngăn chặn thầy thuốc bắt được khúc đuôi. Những người khúc giữa phải bám chặt nhau. Còn người làm khúc đuôi phải chạy thật nhanh để tránh thầy thuốc bắt được.

Trò chơi bắt đầu, đoàn rồng rắn sẽ hát bài đồng dao sau:

“Rồng rắn lên mây
Có cây núc nác
Có nhà điểm binh
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?”

Thầy thuốc có thể trả lời là không hoặc có. Nếu câu trả lời là không, kèm theo lí do, thì đoàn rồng rắn sẽ tiếp tục hát bài đồng dao. Còn nếu thầy thuốc trả lời là có, thầy thuốc và đoàn rồng sẽ thay phiên nhau hỏi đáp như sau:

Thầy thuốc: Có, mẹ con rồng rắn đi đâu?

Rồng rắn: Rồng rắn đi lấy thuốc cho con.

Thầy thuốc: Con lên mấy?

Rồng rắn: Con lên một.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên hai.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên ba.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên bốn.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên năm.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên sáu.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên bảy.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên tám.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên chín.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên mười.

Thầy thuốc: Thuốc ngon vậy, xin khúc đầu.

Rồng rắn: Cùng xương cùng xẩu.

Thầy thuốc: Xin khúc giữa.

Rồng rắn: Cùng máu cùng me.

Thầy thuốc: Xin khúc đuôi

Rồng rắn: Tha hồ mà đuổi.”

Cứ như vậy cho đến câu cuối cùng của đoàn rồng rắn là “tha hồ mà đuổi” thì thầy thuốc bắt đầu đuổi đoàn rồng rắn. Thầy thuốc bắt được khúc đuôi (người cuối cùng) thì sẽ thắng, ngược lại sẽ thua và trò chơi lại tiếp tục. Người chơi bị đứt ra khỏi đoàn rồng rắn được xem như là thua cuộc và bị loại khỏi cuộc chơi.

Lưu ý rằng trò chơi không kết thúc ngay lập tức, mà sẽ bắt đầu lượt chơi mới. Những người bị loại ở lượt trước sẽ không được tham gia chơi nữa. Trò chơi diễn ra cho đến khi thầy thuốc thắng (bắt được khúc đuôi) hoặc chỉ còn một người chơi với một thầy thuốc.

Trò chơi rồng rắn lên mây giúp rèn luyện phản xạ, sự nhanh nhẹn và tăng thêm tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa người chơi.

Rồng rắn lên mây là một trò chơi thú vị, hấp dẫn. Chúng ta cần giữ gìn trò chơi rồng rắn lên mây nói riêng, cũng như các trò chơi dân gian nói chung.

Thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi cướp cờ

Mẫu 1

Từ xưa, các trò chơi dân gian đã giúp con người, đặc biệt là trẻ em giải trí, thư giãn. Một trong những trò chơi thú vị, hấp dẫn nhất mà chắc hẳn nhiều người sẽ biết đến là cướp cờ.

Trò chơi cướp cờ có quy tắc, luật chơi khá đơn giản. Về số lượng người, trò chơi này không hạn chế. Tuy nhiên, người chơi phải chia làm hai đội nên tổng số người chơi phải là chẵn. Mỗi đội thường có từ ba đến năm thành viên. Một người sẽ được cử làm quản trò.

Không gian chơi thường ở những nơi rộng rãi, thoáng mát và bằng phẳng như sân trường, nhà thể chất… Đầu tiên, người chơi sẽ phải chọn vật làm “cờ”. Đây là vật mà hai bên đội sẽ phải cạnh tranh để giành được. Người chơi thể sử dụng khăn đỏ, cành cây… làm “cờ”. Tiếp đến, người chơi sẽ phải kẻ sân chơi. Giữa sân chơi vẽ một vòng tròn có đường kính khoảng 20 - 25cm. Ở giữa vòng tròn, đặt vật làm cờ. Ở mỗi đầu sân, kẻ hai đường thẳng song song, đối xứng với nhau qua vòng tròn. Đây là vị trí đứng của mỗi đội.

Sau khi chuẩn bị xong, trò chơi sẽ được bắt đầu. Mỗi đội sẽ đứng theo đường đã kẻ. Các thành viên lần lượt điểm danh từ một đến hết và phải nhớ chính xác số của mình. Quản trò đứng giữa sân chơi, là người có vai trò điều khiển, sẽ lần lượt hô các số của các người chơi. Khi quản trò hô tới số nào, thành viên nào ở hai đội có số tương ứng sẽ là được quyền chạy qua vạch tới đường tròn giữa sân để giành lấy “cờ”. Quản trò có thể được phép gọi nhiều số cùng lên. Hoặc gọi hai ba số cùng về. Người đầu tiên cướp được “cờ” phải nhanh chóng chạy lại về vạch xuất phát của đội mình. Người chơi còn lại phải tìm cách đuổi theo và chạm vào người đang cầm “cờ”. Nhưng đảm bảo chỉ được người chơi cùng số mới được chạm vào nhau. Nếu chạm được vào người đó, điểm sẽ thuộc về đội của người chơi đuổi theo. Còn không, để cho đội cướp cờ về đích an toàn, đội cướp cờ giành được điểm. Quản trò tiếp tục tiến hành các lượt chơi tiếp theo. Số lượt chơi sẽ được giới hạn nhất định. Sau một số lượt nhất định, cộng điểm thắng mỗi đội lại. Đội nào giành được nhiều điểm hơn là đội chiến thắng chung cuộc.

Một số lưu ý khi chơi cướp cờ như: Chỉ có người chơi được gọi số đúng với số của mình mới được chạy lên cướp cờ. Người chơi chạy sai số sẽ trừ một điểm vào điểm của đội mình. Nếu người chơi đã qua vạch đích, không được tiến hành đập vào người nữa…

Trò chơi cướp cờ giúp rèn luyện phản xạ, sự dẻo dai và nhanh nhẹn của mỗi người. Không chỉ vậy, trò chơi này còn giúp rèn luyện tinh thần đồng đội, khả năng hợp tác của mỗi người. Đây là một trò chơi rất hấp dẫn, thú vị.

Mẫu 2

Các trò chơi dân gian không chỉ giúp con người giải trí, mà còn đem lại nhiều lợi ích. Một trong những trò chơi dân gian được yêu thích có thể kể đến như cướp cờ.

Trò chơi cướp cờ được chơi ở nơi rộng rãi, sạch sẽ. Ví dụ như các khoảng sân, khu vui chơi… Về số lượng, trò chơi này không hạn chế người chơi. Tuy nhiên, người chơi cần chia làm hai đội để thi đấu nên số người chơi cần phải chẵn. Mỗi đội chơi gồm có khoảng ba đến năm thành viên. Một người được cử làm quản trò.

Luật chơi cướp cờ khá đơn giản. Đầu tiên, chúng ta cần chuẩn bị cờ (có thể sử dụng vật thay thế như khăn đỏ, cành cây nhỏ…). Tiếp đến, việc cần làm là kẻ sân chơi: vẽ một vòng tròn nhỏ giữa sân có đường kính khoảng 20 - 25cm, giữa vòng tròn sẽ đặt cờ. Ở mỗi đầu sân, kẻ hai đường thẳng song song, đối xứng với nhau qua vòng tròn, đó sẽ là vị trí xuất phát của mỗi đội.

Về cách chơi, đầu tiên, người chơi của hai đội sẽ đứng thành hàng ngang theo thứ tự trước vạch mốc tại hai đầu sân chơi. Các thành viên lần lượt điểm danh từ một đến hết và phải nhớ chính xác số của mình. Khi quản trò sẽ hô số thứ tự nào, thì người chơi có số thứ tự đó của mỗi đội sẽ cùng chạy thật nhanh lên vị trí cắm cờ, tìm cách để giật được cờ. Người chơi cướp được cờ thi rồi chạy thật nhanh về phía đội mình. Người của đội bạn sẽ tìm cách chặn lại để cướp cờ bằng cách đập (vỗ) vào người chạy cầm cờ. Người cầm cờ bị đập (vỗ) phải bỏ cờ xuống đất và người kia cướp cờ chạy về đội của mình. Cuộc rượt đuổi cứ thế tiếp tục, cho đến khi người chơi nào về đến đội của mình với cờ trên tay là thắng cuộc và được tính điểm.Sau đó, cờ được đặt lại vị trí đã quy định để trọng tài gọi người chơi tiếp theo của hai đội. Trò chơi tiếp tục, lần lượt đến khi hết người chơi của hai đội.

Một số lưu ý khi chơi cướp cờ như: Người chơi chỉ được chạy lên khi được gọi số đúng với số của mình. Chỉ được đập (vỗ) nhẹ vào người chơi đối phương khi họ đang cầm cờ. Khi người chơi đã cầm cờ chạy qua được vạch của đội mình thì người chơi của đội kia không được đập vào người bạn chơi. Người chơi chạy sai số sẽ trừ một điểm vào điểm của đội mình. Quản trò có thể gọi nhiều cặp đôi của hai đội cùng lên cướp cờ. Kết thúc cuộc chơi, đội nào được nhiều điểm hơn sẽ thắng cuộc.

Như vậy, cờ giúp rèn luyện phản xạ, sự dẻo dai và nhanh nhẹn của mỗi người. Không chỉ vậy, trò chơi này còn giúp rèn luyện tinh thần đồng đội, khả năng hợp tác của mỗi người.

Cướp cờ là một trò chơi thú vị, hấp dẫn. Chúng ta cần phải tích cực gìn giữ trò chơi dân gian này, để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Mẫu 3

Trò chơi dân gian rất đa dạng. Mỗi trò đều có quy tắc và luật lệ riêng. Một trong những trò chơi dân gian mà tôi đặc biệt ấn tượng là cướp cờ.

Về chuẩn bị, trò chơi cướp cờ được chơi ở những khu vực rộng rãi. Số lượng người tham gia chơi có thể từ tám đến mười người được chia làm hai đội. Một người được gọi là quản trò, điều hành trận đấu. Mỗi người chơi ở hai đội sẽ được đánh số thứ tự từ một đến hết. Một vòng tròn nhỏ sẽ được vẽ trên sân chơi, ở giữa đặt một cây cờ hoặc chiếc khăn, cành lá,… tượng trưng cho cờ. Sau đó, chúng ta sẽ kẻ vạch mốc xuất phát tại mỗi đầu sân chơi, khoảng cách từ vòng tròn giữa sân đến các vạch mốc ấy phải bằng nhau.

Về luật chơi, người chơi của hai đội đứng thành hàng ngang theo thứ tự trước vạch mốc tại hai đầu sân chơi. Khi quản trò gọi, người chơi có số thứ tự được gọi mới được lên cướp cờ. Người chơi của đội nào cướp được cờ thì chạy thật nhanh về đội mình. Người chơi của đội khác sẽ tìm cách chặn để cướp lại cây cờ bằng cách đập (vỗ) vào người chạy cầm cờ. Người cầm cờ bị đập (vỗ) phải bỏ cờ xuống đất. Còn khi người chơi đã cầm cờ chạy qua được vạch của đội mình thì người chơi của các đội khác không được đập vào người đó. Kết thúc cuộc chơi, đội nào được nhiều điểm hơn thì thắng cuộc. Phần thưởng cho đội thắng theo quy định của ban tổ chức.

Lưu ý rằng người chơi chỉ được chạy lên khi được gọi số đúng với số của mình. Chúng ta cũng chỉ được đập (vỗ) nhẹ vào người đang cầm cờ. Người chơi chạy sai số sẽ trừ một điểm vào điểm của đội mình. Quản trò có thể gọi nhiều cặp đôi của hai đội cùng lên cướp cờ. Kết thúc cuộc chơi, đội nào được nhiều điểm hơn sẽ thắng cuộc.

Trò chơi cướp cờ tạo không khí sôi động, tăng thêm tình thần gắn kết giữa giữa người chơi. Chính vì vậy, chúng ta cần lưu giữ trò chơi cướp cờ nói riêng, cũng như những trò chơi dân gian nói chung.

Thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi bịt mắt bắt dê

Dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống văn hóa. Điều đó được thể hiện qua nhiều phương diện khác nhau. Một trong số đó có thể kể đến các trò chơi dân gian.

Bịt mắt bắt dê là một trò chơi đã xuất hiện từ lâu. Trong những bức tranh xưa, chúng ta đã thấy được hình ảnh cô bé, cậu bé đang trò này. Đây là một trò chơi mang tính tập thể cao, với sự tham gia của nhiều người chơi. Cách gọi “bắt dê” cũng có ý nghĩa riêng. Loài dê có bản tính hiền lành, nhút nhát nhưng khá linh hoạt và rất thích vận động. Vì vậy, người bắt được dê cần có sự nhanh nhẹn, tinh ý và chiến thuật. Mở mắt để bắt dê đã khó, bịt mắt để bắt được dê lại càng khó khăn hơn.

Trò chơi này thường được chơi ở những nơi rộng rãi, ví dụ như sân trường, công viên… Những người chơi sẽ nắm tay nhau để tạo ra một vòng tròn. Tất cả những người chơi sẽ oẳn tù xì để quyết định xem ai là người làm. Người thua sẽ phải bịt mắt lại bằng một chiếc khăn để không nhìn thấy. Những người còn lại đứng thành vòng tròn quanh người bị bịt mắt. Mọi người chạy xung quanh người bị bịt mắt đến khi nào người đó hô “đứng lại” thì họ phải đứng lại, không được di chuyển nữa. Nếu người làm bắt được “dê” và đoán đúng tên thì người đó sẽ phải ra “bắt dê”.

Bịt mắt bắt dê là trò chơi giúp rèn luyện phản xạ, cũng như sự nhanh nhẹn của người chơi. Không chỉ vậy, trò chơi này còn giúp gắn kết mọi người với nhau.

Thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi nhảy dây

Những trò chơi không chỉ mang tính giải trí mà còn giúp rèn luyện sức khỏe. Một trong những trò chơi rất phổ biến đối với học sinh là nhảy dây tập thể.

Cũng như những trò chơi khác, nhảy dây tập thể có luật lệ riêng. Về dụng cụ, trò chơi này sẽ sử dụng một sợi dây thừng có bề ngang bằng ngón tay cái, dài khoảng tám đến mười mét.

Về số lượng người tham gia không giới hạn. Nhưng mỗi lần chơi sẽ có tối đa mười người. Hai người phụ trách quay dây, những người còn lại sẽ tham gia nhảy. Người chơi cần có sức khỏe, sự linh hoạt và sức bền tốt. Khi tham gia chơi, người chơi cần mặc trang phục gọn gàng, thoải mái.

Trò chơi này có luật chơi khá đơn giản. Người chơi sẽ chia làm các đội để thi đấu với nhau. Mỗi đội có mười thành viên. Hai bạn phụ trách quay dây theo chiều kim đồng hồ. Tám bạn còn lại sẽ lần lượt nhảy vào theo thứ tự. Người trước thành công nhảy vào dây, nhảy tại chỗ được năm cái thì người thứ hai mới được nhảy vào. Cứ như vậy lần lượt đến khi cả tám thành viên đều đã vào được dây, cùng nhảy tại chỗ năm lần thì thành công. Đội thành công với số lần thử ít nhất sẽ là đội dành chiến thắng.

Trò chơi nhảy dây tập thể giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, sự khéo léo và bền bỉ. Không chỉ vậy, trò chơi còn giúp củng cố tinh thần đoàn kết giữa người chơi bởi đây là trò chơi có tính tập thể cao.

Trò chơi nhảy dây tập thể được nhiều học sinh yêu thích, lựa chọn chơi vào mỗi giờ giải lao bởi những lợi ích của trò chơi này.

Thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi thổi cơm thi

Hội thi thổi cơm ở Đồng Vân tổ chức vào ngày rằm tháng giêng (âm lịch) hằng năm, tại làng Đồng Vân, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng.

Nguồn gốc là từ các cuộc trẩy quân đánh giặc của người Việt cổ bên dòng sông Đáy xưa. Những người tham dự được tuyển chọn từ các xóm trong làng, chia thành các nhiều đội. Đây là dịp trai gái trong làng đua tài khỏe mạnh, thông minh khi lấy lửa, dịp trai gái thể hiện bàn tay khéo léo để có cơm dẻo tiếp binh lương.

Mở đầu, trống chiêng điểm ba hồi, các đội hình dự thi xếp hàng trang nghiêm làm lễ dâng hương trước cửa đình để tưởng nhớ vị thành hoàng làng có công cứu dân độ quốc. Quá trình thổi cơm bắt đầu bằng việc lấy lửa trên ngọn cây chuối cao. Tiếng trống hiệu vang lên, bốn thanh niên của bốn đội sẽ leo lên thân cây chuối được bôi mỡ. Khi lấy được nén hương mang xuống, ban tổ chức phát cho ba que diêm châm vào hương chảy thành ngọn lửa. Những người khác thì giã thóc, giần sàng thành gạo, lấy nước và thổi cơm. Những nồi cơm nho nhỏ treo dưới những cành cong hình cánh cung được cắm rất khéo léo từ dây lưng uốn về trước mặt. Tay cầm cần, tay cầm đuốc đung đưa cho ánh lửa bập bùng. Sau một giờ, những nồi cơm lần lượt được đem trình bày. Tiêu chí chấm điểm theo ba tiêu chuẩn: gạo trắng, cơm dẻo và không có cơm cháy.

Hội thi là một nét đẹp văn hóa truyền thống, thể hiện nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc Việt. Đồng thời, chúng ta cũng thấy được truyền thống đánh giặc ngoại xâm cùng với tinh thần đoàn kết của nhân dân ta.

Thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi kéo co

Một số trò chơi phổ biến như bịt mắt bắt dê, trốn tìm, ô ăn quan, nhảy dây… Trong đó, kéo co là một trò chơi được đặc biệt yêu thích.

Ở trò chơi kéo co, số lượng người chơi sẽ tùy thuộc vào số lượng người tham gia. Mỗi lượt thi đấu có hai đội, mỗi đội có từ 5 đến 10 người trở lên. Những đội chơi thường chọn những người cao to, có sức khỏe, có kĩ thuật hoặc kinh nghiệm thi đấu. Khi trò chơi mang tính thi đấu sẽ có ban tổ chức. Trước khi thi đấu, các đội tham gia sẽ được hướng dẫn về cách thức thi đấu. Mỗi đội thường đại diện cho một đơn vị tập thể, thường sẽ có đồng phục riêng. Chơi cân sức là hai đội có người chơi toàn nam hoặc toàn nữ, có khi đan xen cả nam nữ. Trẻ em thi đấu với trẻ em, người lớn thi đấu với người lớn. Chơi không cân sức là hai đội chơi chấp nhau, số lượng không bằng nhau, tương quan lực lượng có sự chênh lệch.

Trước khi chơi, cần chuẩn bị một sợi dây dài, to, dẻo và chắc; giữa hai đội vẽ hai đường mức dài cách nhau 1m rồi đặt sợi dây nằm trên hai mức, cắt hai đường mức theo dạng dấu cộng và cho tâm điểm nằm giữa hai mức.

Về cách chơi, mỗi đội tự đặt tên và cử người lên bốc thăm thi đấu. Khi các đội bước vào vị trí kéo, người đứng sau sẽ móc chân mình vào chân người đứng trước, hai chân dang rộng để giữ thăng bằng và làm trụ cho vững chắc; mỗi người trong đội đứng so le, chia đều người đứng đối diện để kéo. Khi trọng tài hô “bắt đầu” thì hai đội ra sức kéo để di chuyển tâm điểm về phía đội mình. Khán giả đến xem sẽ hô vang: “Cố lên” để cổ vũ cho đội kéo co của mình.
Nếu có hai đội chơi, tâm điểm về phía đội nào, đội đó chiến thắng. Nếu có nhiều đội chơi, các đội còn lại thi đấu tương tự, đội thắng sẽ thi đấu với nhau để tranh giải nhất, nhì và ba.

Trò chơi kéo co giúp rèn luyện sức khỏe, tinh thần đoàn kết cũng như giúp giải trí sau những giờ học tập, làm việc mệt mỏi. Đây quả là một trò chơi hữu ích.

Thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi chơi chuyền

Những trò chơi giúp con người thư giãn, giải trí. Mỗi trò chơi đều có những quy tắc và luật lệ riêng, trò chơi chuyền cũng vậy.

Chơi chuyền, hay còn gọi là đánh chắt, đánh thẻ là một trò chơi dân gian phổ biến với trẻ em, nhưng chủ yếu là các bạn nữ. Trò chơi này xuất hiện từ rất lâu về trước và có luật chơi khá đơn giản.

Số lượng người chơi c ó thể là một người, hoặc có thể từ hai đến năm người chơi thay phiên nhau. Để chơi chuyền cần chuẩn bị dụng chơi bao gồm mười que nhỏ gọi là que chuyền và một quả nặng. Que chuyền có thể được vót bằng tre hoặc nứa, thân nhỏ và dài. Quả nặng để chơi chuyền ngày xưa được sử dụng bằng quả cà, quả bưởi còn nhỏ...

Người chơi chuyền chỉ cần ngồi tại chỗ không cần di chuyển. Vì vậy, trò chơi ở bất cứ đâu như trong nhà, lớp học hoặc sân trường… Tuy nhiên trò chơi chuyền có hành động tung và đỡ bóng nên cần tránh các không gian bị vướng ở phía trên, để bóng không đánh trúng.

Trò chơi chuyền gắn liền với bài đồng dao cùng tên với lời thơ khá dài. Vì vậy trước khi chơi, người chơi nên được học thuộc trước lời đồng dao. Khi chơi, chúng ta sẽ oẳn tù tì để sắp xếp thứ tự chơi. Ở mỗi lượt, người chơi cần trải qua mười bàn chuyền một tay và mười bàn chuyền hai tay.

Mỗi bàn chuyền một tay cần tiến hành hai hành động là giải que truyền xuống chân và nhặt que truyền. Giải que chuyền là hành động đầu tiên của mỗi bàn. Người chơi sẽ duỗi thẳng một chân, dùng tay ngược lại với chân cầm cả quả nặng và mười que chuyền. Sau đó, người chơi sẽ tung quả nặng lên cao (nhưng không làm rơi que chuyền). Trong lúc quả nặng bay lên không trung, người chơi nhanh chóng dùng tay chải mười que chuyền dọc ống chân đang duỗi. Khi quả nặng rơi xuống, lại nhanh tay dùng chính tay ban đầu để đỡ quả nặng. Tiếp đến, người chơi cần tiến hành nhặt que chuyền. Quả nặng được cầm ở một tay, sau đó tung lên không trung. Trong lúc quả nặng trên không trung, người chơi nhanh chóng dùng chính tay vừa cầm để lấy số que cần nhặt ở mỗi bàn. Sau khi hết mười bàn chuyền một tay, người chơi sẽ chuyển sang chuyền bằng hai tay cũng bằng cách tung quả năng lên cao, đồng thời dùng hai tay nắm mười que chuyền ở giữa và xoay một đến hai vòng tại chỗ. Bàn chuyền này cũng sẽ thực hiện mười lần.

Trò chơi chuyền giúp rèn luyện trí nhớ, tư duy và cùng với đó mang đến cho trẻ sự nhanh nhẹn, dẻo dai, khéo léo. Có thể khẳng định, chơi chuyền là một trò chơi bổ ích, thú vị.

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Thu
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Tìm thêm: Văn mẫu lớp 7
3 Bình luận
Sắp xếp theo
👨
  • KIRAS KAZAKEN
    KIRAS KAZAKEN

    🙃


    Thích Phản hồi 08/01/23
    • Kim Hannie
      Kim Hannie

      Trò Chơi Bịt Mắt Bắt Dê: Nét Đặc Trưng Của Sự Tích Cực và Sắc Sảo

      Trò chơi bịt mắt bắt dê là một trò chơi truyền thống có từ rất lâu đời, thường được tổ chức trong các buổi dã ngoại, các sự kiện văn hóa, hoặc đơn giản chỉ là trong các cuộc gặp gỡ bạn bè. Dường như đơn giản nhưng trò chơi này ẩn chứa nhiều quy tắc và luật lệ mà người chơi cần tuân thủ để trò chơi diễn ra một cách hấp dẫn và công bằng.

      Trò chơi bắt dê thường được tổ chức ngoài trời, tại một không gian mở như cánh đồng, công viên, hoặc sân trường. Các người chơi sẽ hình thành thành một vòng tròn, một người sẽ đóng vai "người bắt" và bịt mắt, còn những người còn lại sẽ là "dê". Quy tắc cơ bản nhất của trò chơi là người bắt phải tiếp cận gần "dê" mà không bị nó trốn hoặc chạy ra khỏi vòng tròn.

      Mặc dù là một trò chơi vui nhộn, nhưng an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Các người chơi cần phải chắc chắn rằng không có vật cản nguy hiểm nào trong vùng chơi. Ngoài ra, cần có người giám sát để đảm bảo rằng mọi người chơi đều tuân thủ quy tắc và tránh tai nạn không mong muốn.

      Mặc dù "người bắt" bị bịt mắt, nhưng trò chơi không chỉ dừng lại ở việc chạy. Người chơi đó cũng phải sử dụng trí thông minh và sắc sảo để bắt được dê. Còn "dê" có thể thay đổi hướng di chuyển, tạo ra các bước nhảy góp nhặt hoặc thậm chí là gây ra những tiếng ồn để làm rối loạn người bắt.

      Trong trò chơi này, sự tích cực và tôn trọng đối với người chơi khác là rất quan trọng. Không nên quấy rối hoặc cản trở người chơi khác một cách cố ý. Mỗi người chơi đều có quyền được tham gia một cách thoải mái và vui vẻ.

      Trò chơi bịt mắt bắt dê không chỉ là một trò chơi giải trí đơn giản mà còn là một cách tuyệt vời để kích thích sự sáng tạo và tinh thần đồng đội. Bằng cách tuân thủ các quy tắc và luật lệ, chúng ta có thể tạo ra một trải nghiệm thú vị và an toàn cho tất cả mọi người tham gia.

      Thích Phản hồi 14:33 15/04
      • Phạm Hồng
        Phạm Hồng

        😍i

        Thích Phản hồi 06/12/23
        Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm