Đề cương ôn tập học kì 1 môn Ngữ văn 8 sách Kết nối tri thức với cuộc sống Ôn tập cuối kì 1 Ngữ văn 8 (Có đáp án)

Đề cương ôn tập cuối kì 1 Văn 8 Kết nối tri thức hệ thống kiến thức cần nắm, các dạng bài tập trọng tâm kèm theo đề minh họa có đáp án giải chi tiết.

Đề cương ôn tập Ngữ văn 8 Kết nối tri thức học kì 1 năm 2024 bao gồm 15 trang giúp học sinh tự ôn luyện củng cố lại kiến thức, tránh cảm giác hoang mang trước khối lượng kiến thức khổng lồ. Đồng thời một đề cương ôn thi Ngữ văn 8 cuối kì 1 rõ ràng, dễ hiểu giúp các em tự tin hơn trong kì thi học kì 1 sắp tới. Ngoài ra các bạn xem thêm đề cương ôn tập học kì 1 môn Lịch sử Địa lí 8 Kết nối tri thức.

Đề cương cuối học kì 1 Ngữ văn 8 Kết nối tri thức

TRƯỜNG THCS ………

Tổ Văn- Sử

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC KÌ I

NĂM HỌC 2024 – 2025

MÔN: NGỮ VĂN 8

I. Hệ thống kiến thức cần nắm

Văn bản:

- Nhận biết được một số yêu cầu của truyện lịch sử như: cốt truyện, bối cảnh, nhân vật, ngôn ngữ.

- Nhận biết và phân tích được chủ đề, tư tưởng, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản; phân tích được một số căn cứ để xác định chủ đề.

- Nhận biết được một số yếu tố thi luật của thơ thất ngôn bát cú và thơ tứ tuyệt Đường luật như bố cục, niêm, luật, vần, nhịp, đối

- Nhận biết và phân tích được tình cảm, cảm xúc của người viết thể hiện qua văn bản.

- Nhận biết được nội dung bao quát; luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng tiêu biểu trong văn bản nghị luận.

- Phân tích được mối liên hệ giữa luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng; vai trò của luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong việc thể hiện luận đề; phân biệt được lí lẽ, bằng chứng khách quan với ý kiến, đánh giá chủ quan của người viết.

- Liên hệ được nội dung nêu trong văn bản với những vấn đề của xã hội đương đại.

- Nhận biết được một số yếu tố thi luật của thơ thất ngôn bát cú và thơ tứ tuyệt Đường luật như bố cục, niêm, luật, vần, nhịp, đối.

- Nhận biết và phân tích được tác dụng của một số thủ pháp nghệ thuật chung của thơ trào phúng.

- Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của hài kịch: xung đột, hành động, nhân vật, lời thoại, thủ pháp trào phúng.

- Nhận biết được một số yếu tố của truyện cười: cốt truyện, bối cảnh, nhân vật, ngôn ngữ.

Truyện lịch sử

Các yếu tố

Đặc điểm truyện lịch sử

1. Khái niệm

Truyện lịch sử là tác phẩm truyện tái hiện những sự kiện nhân vật ở một thời kỳ, một giai đoạn lịch sử cụ thể. Tình hình chính trị của quốc gia dân tộc; khung cảnh sinh hoạt của con người...Là các yếu tố cơ bản tạo nên bối cảnh lịch sử của câu chuyện. Nhờ khả năng tưởng tượng, hư cấu và cách miêu tả của nhà văn, bối cảnh của một thời đại trong quá khứ trở nên sống động như đang diễn ra.

2. Cốt truyện

Cốt truyện lịch sử thường được xây dựng dựa trên cơ sở các sự kiện đã xảy ra; nhà văn tái tạo hư cấu sắp xếp theo ý đồ nghệ thuật của mình nhằm thể hiện một chủ đề tư tưởng nào đó

3. Nhân vật

Thế giới nhân vật trong truyện lịch sử cũng phong phú như cuộc đời thực. Việc chọn kiểu nhân vật nào để miêu tả trong truyện là dụng ý nghệ thuật của riêng nhà văn.

4. Ngôn ngữ

Ngôn ngữ của nhân vật phải phù hợp với thời đại được miêu tả, thể hiện vị thế xã hội, tính cách riêng của từng đối tượng

5. Nội dung

- Tái hiện lại không khí hào hùng trong công cuộc chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

- Thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc.

Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật

Nội dung

Kiến thức

1. Khái niệm

Thơ Đường luật là thuật ngữ chỉ chung các thể thơ được viết theo quy tắc chặt chẽ (luật) ra đời từ thời nhà Đường Trung Quốc (618 - 907), gồm hai thể chính là thất ngôn bát cú Đường luật và thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, trong đó thất ngôn bát cú (mỗi câu thơ có 7 tiếng, mỗi bài thơ có 8 câu) được xác định là dạng cơ bản nhất. Bài thơ Đường luật có quy định nghiêm ngặt về hoà thanh (phổi hợp, điều hoà thanh điệu), về niêm, đối, vần và nhịp. Ngôn ngữ thơ Đường luật rất cô đọng, hàm súc, bút pháp tả cảnh thiên về gợi và ngụ tình, ý thơ thường gắn với mối liên hệ giữa tình và cảnh, tĩnh và động, thời gian và không gian, quá khứ và hiện tại, hữu hạn và vô hạn...

2. Về bố cục

Bài thơ thất ngôn bát cú gồm bốn cặp câu thơ, tương ứng với bốn phần:

- đề (triển khai ý ẩn chứa trong nhan đề),

- thực (nói rõ các khía cạnh chính của đối tượng được bài thơ đề cập),

- luận (luận giải, mở rộng suy nghĩ về đối tượng),

- kết (thâu tóm tinh thần của cả bài, có thể kết hợp mở ra những ý tưởng mới).

3. Về niêm và luật bằng trắc

- Bài thơ phải sắp xếp thanh bằng, thanh trắc trong từng câu và cả bài theo quy định chặt chẽ. Quy định này được tính từ chữ thứ 2 của câu thứ nhất: Nếu chữ này là thanh bằng thì bải thơ thuộc luật bằng, là thanh trắc thì bài tai liệu của nhung tây thơ thuộc luật trắc. Trong mồi câu, các thanh bằng, trắc đan xen nhau đảm bảo sự hài hoà. cân bằng, luật quy định ở chữ thứ 2, 4, 6, trong mối cặp câu (Hèn), các thanh bằng, trắc phải ngược nhau. Về niêm, hai cặp câu liền nhau được “dính” theo nguyên tắc: Chữ thứ 2 của câu 2 và câu 3, câu 4 và câu 5, câu 6 và câu 7, câu 1 và câu 8 phải cùng thanh.

4. Về vần và nhịp

- Bài thơ thất ngôn bát cú chỉ gieo một vần là vần bằng ở chữ cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8 riêng vần của câu thứ nhất có thể linh hoạt. Câu thơ trong bài thất ngôn bát cú thường ngắt theo nhịp 4/3.

5. Về đối

Bài thơ thất ngôn bát cú chủ yếu sử dụng phép đối ở hai câu thực và hai câu luận. (Câu 3-4 và 5-6).

Thể tứ tuyệt Đường luật

Nội dung

Kiến thức

1. Khái niệm

Mỗi bài tứ tuyệt Đường luật có bốn câu, mỗi câu có năm chữ hoặc bảy chữ.

2. Về bố cục

Nhiều bài thơ tứ tuyệt triển khai theo hướng: khởi (mở ý cho bài thơ), thừa (tiếp nối, phát triển ý thơ), chuyển (chuyển hướng ý thơ), hợp (thâu tóm ý tứ của toàn bài).

3. Về luật thơ

bài thơ tứ tuyệt cơ bản vẫn tuân theo các quy định như ở bài thơ thất ngôn bát cú nhưng không bắt buộc phải đối.

Phần II: Tiếng Việt

Nhận diện và thực hành:

1. Từ láy

2. Biện pháp tu từ

3. Biệt ngữ xã hội

4. Từ tượng thanh, từ tượng hình

Phần III: Viết

1.Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng)

2. Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại)

II. Một số dạng bài tập

I. ĐỌC - HIỂU

Đề 1: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi ở bên dưới:

KẺ NGỐC NHÀ GIÀU

Gia đình phú ông có một người con trai, tuy đã lớn nhưng đầu óc chậm chạp, lại thường xuyên tiêu tiền hoang phí. Vì muốn con mình nên người, phú ông liền nói:

- Con có lớn mà không có khôn, thậm chí còn chẳng phân biệt được hạt kê và hạt lúa. Ta muốn để con ra ngoài học hỏi thì mới mong có ngày khá được.

Người con trai nghe vậy cũng đồng ý. Sau khi rời nhà, anh gặp một người thợ đang tạc hai con sư tử đá. Nhìn dáng vẻ của hai bức tượng, cậu con trai thích chí vô cùng, ngỏ ý muốn mua. Người thợ kia cũng biết cậu ngốc nghếch, bèn cố tình hét giá:

- Con sư tử nhỏ giá 3000 lạng vàng, con sư tử lớn thì 5000 lạng.

Cậu con trai thản nhiên gật đầu, yêu cầu người đó đem tượng đến nhà mình, người kia liền mang theo bức tượng sư tử nhỏ về trước. Khi về tới nhà, cậu vội vàng khoe với cha rằng mình mua được đồ tốt.

Tới khi nhìn thấy tượng con sư tử đá bình thường mà bị hét giá lên tới mấy ngàn lượng vàng, người cha không khỏi than trời mà nói:

- Con bỏ ra số tiền lớn như vậy để mua thứ đồ vô dụng này, thật đúng là đứa con phá gia chi tử. Chẳng trách vì sao mọi người thường bảo ta thế nào cũng gặp báo ứng.
Cậu con trai nghe xong lập tức vỗ tay cười lớn:

- Con nói cha nghe, đây mới chỉ là báo ứng nhỏ thôi, còn một báo ứng lớn đang chờ phía sau kia kìa.

(Nguồn: https://diendan.hocmai.vn/threads/truyen-cuoi-dan-gian-ke-ngoc-nha-giau)

Câu 1: Em hãy cho biết truyện“Kẻ ngốc nhà giàu” thuộc thể loại gì? Dấu hiệu nào giúp em nhận biết được thể loại truyện ấy?

……………………………………………………………

……………………………………………………………

Câu 2: Trong câu chuyện, Người cha có mong muốn gì với người con trai “tuy đã lớn nhưng đầu óc chậm chạp, lại thường xuyên tiêu tiền hoang phí” ?

…………………………………………………………………

Câu 3: Tìm từ hán việt có trong câu sau: “Gia đình phú ông có một người con trai, tuy đã lớn nhưng đầu óc chậm chạp, lại thường xuyên tiêu tiền hoang phí.” ?

…………………………………………………………………

Câu 4: Em hãy giải thích ý nghĩa của từ Hán Việt vừa tìm được trong câu 3.

…………………………………………………………

Câu 5: Theo em, tác giả dân gian sáng tạo câu chuyện trên nhằm mục đích gì?

…………………………………………………………

Câu 6: Theo em, câu nói kết thúc văn bản của người con trai với người cha cho thấy người con trai là người như thế nào?

…………………………………………………………

Câu 7: Em rút ra được bài học gì từ truyện “Kẻ ngốc nhà giàu”? Hãy trình bày suy nghĩ của em bằng một đoạn văn (khoảng 3 đến 5 câu).

……………………………………………………………

……………………………………………………………

Đề 2: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi ở bên dưới:

VUA MI-ĐÁT THÍCH VÀNG

Truyện này là truyện thần thoại Hi Lạp, rất đơn giản, nhưng lại có ý nghĩa sâu xa.

Vua Mi-đát được thần Đi-ô-ni-dốt bằng lòng cho nhà vua bất cứ cái quà tặng gì, kể cả phép thuật. Vua xin cho có phép hễ chạm tay vào vật gì là vật đó biến thành vàng. Nhà vua đã là người giàu sang. Mọi thứ quanh nhà vua đều là vàng là ngọc. Nhà vua thành kẻ giàu sang nhất thế gian ! Nay lại có thể biến muôn vật thành vàng thì ai còn giàu sang hơn nữa. Không ngờ khi được Thần ban cho phép ấy, nhà vua đã khổ sở nhất trần gian. Đụng đến cái gì, cái đó biến thành vàng Không ăn được cơm vì cơm đã thành vàng. Không mặc được áo, vì áo hóa ra vàng ! Cho đến các thứ sử dụng hằng ngày đều hóa ra vàng cả. Cỗ xe vàng không chạy được. Con ngựa vàng không cử động được. Và ôm đứa con trong tay, nó cũng hóa ra cục vàng. Nhà vua sống ở trong một thế giới vàng vô tri vô giác !

Đây là bài học cho nhà vua và cho cả chúng ta. Vàng có giá trị trang trí, tô điểm, trao đổi hàng hóa chứ vàng không thỏa mãn được tất cả các nhu cầu của cuộc sống. Muốn trở lại cuộc sống bình thường thì nhà vua phải xuống sông Pác-tôn tắm, có nghĩa là phải "rửa sạch lòng tham", đừng nghĩ rằng có vàng là có hạnh phúc ! Biết sử dụng vàng thì vàng mới quý. Còn chỉ vì lòng tham thì vàng chỉ đưa đến những tai họa.

(Vũ Ngọc Khánh, Bình giảng Thơ ca – Truyện dân gian)

Câu 1: Em hãy cho biết văn bản trên thuộc thể loại nào mà em đã được học? Dấu hiệu nào giúp em nhận biết được thể loại của văn bản ấy?

……………………………………………………………

……………………………………………………………

Câu 2: Em hãy cho biết văn bản trên bàn về vấn đề gì?

……………………………………………………………………………………………………………

Câu 3: Tìm một từ Hán Việt có trong câu văn sau và giải thích nghĩa của từ Hán Việt vừa tìm được: “Nhà vua sống ở trong một thế giới vàng vô tri vô giác !”.

……………………………………………………………………………………………………………

Câu 4: Em hãy cho biết văn bản trên được viết ra nhằm mục đích gì?

……………………………………………………………………………………………………………

Câu 5: Vua Mi-đát đã xin điều gì từ thần Đi-ô-ni-dốt? Nhà vua có hài lòng và hạnh phúc với điều đã xin hay không? Vì sao?

……………………………………………………………

……………………………………………………………

……………………………………………………………

Câu 6: Qua văn bản trên em rút ra được bài học gì cho bản thân? Hãy trình bày suy nghĩa của em bằng một đoạn văn (3-5 câu).

……………………………………………………………

……………………………………………………………

……………………………………………………………

Đề 3: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi ở bên dưới:

MẤT NGỰA

Có một anh mất một con ngựa quý. Tiếc ngẩn ngơ, anh ta đi lang thang đây đó để tìm. Đến một chợ nọ, giữa ngày phiên, anh ta thấy một người đang bán con ngựa của mình. Anh ta đòi lại. Người kia cãi lấy cãi để. Hai bên to tiếng om sòm chực ẩu đả nhau. Một người thấy thế bảo:

- Anh lấy gì làm chứng?

Anh mất ngựa nhanh ý lấy hai tay bịt hai mắt ngựa lại rồi nói:

- Ngựa tôi chột một mắt, anh nói đúng mắt nào thì tôi chịu mất ngựa.

- Mắt trái – Người trộm ngựa nói.

- Không phải!

- À, quên, mắt bên phải.

Anh ta bỏ hai tay ra:

- Đúng là anh ăn trộm ngựa của tôi nhé. Ngựa của tôi không chột mắt nào cả.

Người kia cứng lưỡi. Anh ta dắt ngựa và người ấy vào cửa quan. Quan giam tên ăn trộm ngựa lại, còn cho anh ta đem ngựa về.

(Theo Truyện cười dân gian Việt Nam – Con rắn vuông, trang 22, Nhà xuất bản Kim Đồng)

Câu 1: Em hãy cho biết văn bản trên thuộc thể loại nào mà em đã được học? Dấu hiệu nào giúp em nhận biết được thể loại truyện ấy?

……………………………………………………………

……………………………………………………………

……………………………………………………………

Câu 2: Trong câu chuyện nhờ đâu anh mất ngựa tìm lại được ngựa của mình?

……………………………………………………………………………………………………………

Câu 3: Xác định từ tượng thanh trong câu “Hai bên to tiếng om sòm chực ẩu đả nhau.”

……………………………………………………………………………………………………………

Câu 4: Nêu tác dụng của từ tượng thanh em vừa tìm được.

……………………………………………………………………………………………………………

Câu 5: Theo em, tác giả dân gian sáng tạo câu chuyện trên nhằm mục đích gì?

……………………………………………………………………………………………………………

Câu 6: Nếu em là người bị mất ngựa em sẽ là gì để lấy lại ngựa của mình?

……………………………………………………………

……………………………………………………………

……………………………………………………………

Câu 7: Sau khi đọc câu chuyện trên, em rút ra được bài học gì cho bản thân? Hãy trình bày suy nghĩa của em bằng một đoạn văn (3-5 câu).

……………………………………………………………

……………………………………………………………

……………………………………………………………

..............

III. Đề thi minh họa

QUÊ HƯƠNG

“…Quê hương là vòng tay ấm
Con nằm ngủ giữa mưa đêm
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
….

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.”

(Trích bài thơ “Quê hương” – Đỗ Trung Quân)

Câu 1 (0,5 điểm). Bài thơ trên thuộc thể thơ nào?

A. Thơ sáu chữ
B. Thơ bảy chữ
C. Thơ lục bát
D. Thơ tự do

Câu 2 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ trên?

A. Tự sự
B. Biểu cảm
C. Nghị luận
D. Thuyết minh

Câu 3 (0,5 điểm). Nội dung chính của đoạn thơ trên là:

A. Nỗi nhớ quê hương tha thiết và sâu nặng của tác giả.
B. Ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước.
C. Tình cảm yêu thương, gắn bó tha thiết, sâu nặng với quê hương của tác giả.
D. Đáp án khác.

Câu 4 (0,5 điểm). Biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong câu thơ

“…Quê hương là vòng tay ấm
Con nằm ngủ giữa mưa đêm”

A. Nhân hóa
B. So sánh
C. Ẩn dụ
D. Hoán dụ

Câu 5 (1,0 điểm) Tìm và phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ có trong đoạn thơ trên.

Câu 6 (2,0 điểm) Qua đoạn thơ tác giả muốn gửi gắm tới người đọc thông điệp gì?

Phần II. Viết (5,0 điểm)

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ sáu chữ, bảy chữ

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần

Câu

Nội dung cần đạt

Điểm

Phần I. Đọc hiểu (5,0 điểm)

Câu 1

A. Thơ sáu chữ

0,5 điểm

Câu 2

B. Biểu cảm

0,5 điểm

Câu 3

C. Tình cảm yêu thương, gắn bó tha thiết, sâu nặng với quê hương của tác giả.

0,5 điểm

Câu 4

B. So sánh

0,5 điểm

Câu 5

- Biện pháp tu từ:

+ Điệp ngữ “quê hương” được lặp lại 4 lần.

+ So sánh: Quê hương là vòng tay ấm; là đêm trăng tỏ; như là chỉ một mẹ thôi.

- Tác dụng:

Nhấn mạnh tình yêu tha thiết, sự gắn bó sâu nặng với quê hương của tác giả. Đồng thời đã làm nổi bật hình ảnh quê hương thật bình dị, mộc mạc nhưng cũng thật ấm áp, gần gũi, thân thương, máu thịt, thắm thiết.

1,0 điểm

Câu 6

- HS trình bày thành một đoạn văn (từ 5-7 câu)

- HS xác định thông điệp có ý nghĩa nhất đối với bản thân:

+ Vai trò của quê hương.

+ Giáo dục tình yêu quê hương.

2,0 điểm

Phần II. Làm văn (5,0 điểm)

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ sáu, bảy chữ.

0,25 điểm

b. Xác định đúng yêu cầu của đề.

Đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ sáu, bảy chữ.

0,25 điểm

c. Yêu cầu đối với đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ sáu, bảy chữ. HS có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:

* Mđoạn: Giới thiệu tác giả và bài thơ; nêu khái quát ấn tượng, cảm xúc về bài thơ.

* Thân đoạn:

+ Nêu ấn tượng, cảm xúc của em về nội dung đặc sắc có trong bài thơ.

+ Nêu ấn tượng, cảm xúc về đặc sắc nghệ thuật….

* Kết đoạn: Khái quát cảm xúc chung về bài thơ, liên hệ….

0,25 điểm

3.5 điểm

0.25 điểm

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25 điểm

e. Sáng tạo: Có sự sáng tạo về dùng từ, diễn đạt, lựa chọn lí lẽ, dẫn chứng để bày tỏ ý kiến một cách thuyết phục.

0,25 điểm

10 điểm

.................

Tải file tài liệu để xem thêm Đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn 8 Kết nối tri thức

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm