Đề cương ôn tập học kì 1 môn Lịch sử - Địa lí 8 sách Chân trời sáng tạo Ôn tập cuối kì 1 Lịch sử Địa lí 8 (Có đáp án)

Đề cương ôn tập học kì 1 môn Lịch sử - Địa lí 8 Chân trời sáng tạo năm 2024 - 2025 hệ thống các dạng câu hỏi trắc nghiệm, tự luận kèm theo đề thi minh họa. Đây là những dạng bài trọng tâm sẽ xuất hiện trong đề thi cuối học kì 1 Lịch sử - Địa lí 8.

Đề cương ôn tập Lịch sử Địa lí 8 Chân trời sáng tạo học kì 1 gồm 28 trang có đáp án kèm theo. Qua đó giúp các bạn thuận tiện đối chiếu với kết quả mình đã làm. Tài liệu được biên soạn rất chi tiết bám sát chương trình học trong sách giáo khoa. Hi vọng qua tài liệu này các em có thêm nhiều tài liệu ôn luyện, làm quen với các dạng bài tập trọng tâm để đạt kết quả cao trong bài thi sắp tới. Ngoài ra các bạn xem thêm: đề cương ôn tập học kì 1 môn Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo, đề thi học kì 1 môn Lịch sử - Địa lí 8 sách Chân trời sáng tạo.

Đề cương học kì 1 môn Lịch sử Địa lí 8 Chân trời sáng tạo

TRƯỜNG THCS ………

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC KỲ I

NĂM HỌC 2024 – 2025

MÔN: LỊCH SỬ ĐỊA LÍ 8

I. Trắc nghiệm ôn thi học kì 1 Lịch sử Địa lí 8

Câu 1. Đến giữa thế kỉ XVIII, chính quyền phong kiến Đàng Ngoài đã

A. hình thành và bước đầu phát triển.
B. phát triển đến đỉnh cao.
C. rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
D. sụp đổ hoàn toàn.

Đáp án đúng là: C

- Giữa thế kỉ XVIII, chính quyền phong kiến Đàng Ngoài rơi vào khủng hoảng trầm trọng:

+ Vua Lê bạc nhược, chúa Trịnh chỉ lo hưởng thụ, tận thu thuế, bóc lột nhân dân.

+ Sản xuất nông nghiệp đình đốn, thủ công nghiệp ngày càng sa sút, các đô thị suy tàn.

+ Đời sống nhân dân cơ cực.

Câu 2. Đoạn tư liệu sau đây phản ánh về vấn đề gì?

Tư liệu. … hễ có ai có nghề nghiệp gì cũng căn cứ vào đấy mà đánh thuế, bèn đi đến chỗ: có người vì phải nộp thuế sơn sống mà đẵn cả cây sơn; vì phải nộp thuế vải lụa mà hủy bỏ khung cửi…; thu thuế cá, thuế tôm mà người ta cất giấu cả vó lưới…” (Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch của Viện sử học), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007)

A. Cuộc sống thanh bình, thịnh trị, ấm no của nhân dân Đàng Ngoài.
B. Sự sa sút của sản xuất nông nghiệp Đàng Ngoài giữa thế kỉ XVIII.
C. Chính quyền phong kiến Đàng Ngoài vơ vét, bóc lột nhân dân.
D. Các chính sách phát triển kinh tế của chính quyền Lê - Trịnh.

Đáp án đúng là: C

Đoạn tư liệu trên đề cập đến chính sách vơ vét, bóc lột nhân dân (thông qua tô thuế) của chính quyền phong kiến Đàng Ngoài ở Đại Việt vào giữa thế kỉ XVIII.

Câu 3. Trong những năm 1739 - 1769, ở Đàng Ngoài đã diễn ra cuộc khởi nghĩa nông dân do ai lãnh đạo?

A. Nguyễn Danh Phương.
B. Hoàng Công Chất.
C. Nguyễn Hữu Cầu.
D. Nguyễn Nhạc.

Đáp án đúng là: B

Trong những năm 1739 - 1769, ở Đàng Ngoài đã diễn ra cuộc khởi nghĩa nông dân do Hoàng Công Chất lãnh đạo.

Câu 4. Năm 1740, Nguyễn Danh Phương tập hợp nghĩa quân, nổi dậy khởi nghĩa ở

A. Việt Trì (Phú Thọ).
B. Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
C. Tiên Du (Bắc Ninh).
D. Tân Trào (Tuyên Quang).

Đáp án đúng là: B

Năm 1740, Nguyễn Danh Phương tập hợp nghĩa quân, nổi dậy khởi nghĩa ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), rồi mở rộng hoạt động ở các trấn Sơn Tây, Tuyên Quang.

Câu 5. Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương kết thúc vào năm nào?

A. 1769.
B. 1751.
C. 1741.
D. 1739.

Đáp án đúng là: B

Năm 1751, trước sự tấn công ồ ạt của quân Trịnh, Nguyễn Danh Phương bị bắt. Cuộc khởi nghĩa kết thúc.

Câu 6. Trận đánh nào có ý nghĩa quyết định tới thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống quân Xiêm của nghĩa quân Tây Sơn (1785)?

A. Tốt Động - Chúc Động.
B. Rạch Gầm - Xoài Mút.
C. Chi Lăng - Xương Giang.
D. Ngọc Hồi - Đống Đa.

Đáp án đúng là: B

Trận đánh Rạch Gầm - Xoài Mút có ý nghĩa quyết định tới thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống quân Xiêm của nghĩa quân Tây Sơn (1785).

Câu 7. Trong cuộc chiến đấu với quân Xiêm (1785), cách đánh của quân Tây Sơn có điểm gì độc đáo?

A. Tấn công trước để chặn thế mạnh của địch.
B. Thực hiện kế sách “vườn không nhà trống”.
C. Triệt để thực hiện kế sách “công tâm”.
D. Nghi binh, lừa địch vào trận địa mai phục.

Đáp án đúng là: D

Trận Rạch Gầm - Xoài Mút diễn ra ngày 19/1/1785. Nghĩa quân Tây Sơn chọn cách đánh nghi binh, lừa quân Xiêm vào trận địa mai phục sau đó bất ngờ chặn đánh, kết hợp dùng thuyền, bè lửa đốt cháy thuyền giặc, khiến quân Xiêm bị tiêu diệt gần hết.

Câu 8. Câu đố dân gian dưới đây đề cập đến anh hùng dân tộc nào?

“ Được tin cấp báo, hỏi ai
Đưa quân ra Bắc diệt loài xâm lăng
Ngọc Hồi khí thế thêm hăng
Mùa xuân chiến thắng dựng bằng uy danh
Bạt hồn tướng tá Mãn Thanh
Nghìn năm văn hiến, sử xanh còn truyền ?”

A. Nguyễn Huệ.
B. Trần Bình Trọng.
C. Bùi Thị Xuân.
D. Trần Quốc Toản.

Đáp án đúng là: A

Câu đố dân gian trên đề cập đến Nguyễn Huệ.

Câu 9. Thắng lợi của quân Tây Sơn trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Mãn Thanh (1789) có ý nghĩa như thế nào?

A. Giành lại chính quyền tự chủ từ tay quân Thanh.
B. Hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.
C. Tạo điều kiện cho sự thống nhất quốc gia.
D. Bảo vệ được nền độc lập của đất nước.

Đáp án đúng là: D

Thắng lợi của quân Tây Sơn trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Mãn Thanh (1789) đã bảo vệ được nền độc lập của đất nước.

Câu 10. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng đóng góp của phong trào Tây Sơn với lịch sử dân tộc Việt Nam?

A. Lật đổ các chính quyền phong kiến Nguyễn, Trịnh, Lê.
B. Xóa bỏ tình trạng chia cắt đất nước ròng rã hơn 250 năm.
C. Đánh bại quân Xiêm, Thanh, bảo vệ độc lập của đất nước.
D. Thống nhất đất nước từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.

Đáp án đúng là: D

- Phong trào Tây Sơn có nhiều đóng góp lớn cho lịch sử dân tộc:

+ Lật đổ các chính quyền phong kiến Nguyễn, Trịnh, Lê, xoá bỏ tình trạng chia cắt đất nước từ đó đặt cơ sở cho việc khôi phục nền thống nhất của quốc gia.

+ Đánh tan các cuộc xâm lược của quân Xiêm, Thanh, bảo vệ vững chắc nền độc lập và chủ quyền của đất nước.

Câu 11. Sau khi chính quyền Na-pô-lê-ông III bị lật đổ, một chính phủ mới của giai cấp tư sản được thành lập, mang tên là

A. Chính phủ Vệ quốc.
B. Chính phủ quốc dân.
C. Chính phủ lâm thời tư sản.
D. Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp.

Đáp án đúng là: A

Sau khi chính quyền Na-pô-lê-ông III bị lật đổ, một chính phủ mới của giai cấp tư sản được thành lập, mang tên là Chính phủ Vệ quốc.

Câu 12. Ngày 18/3/1871, nhân dân Pa-ri nổi dậy khởi nghĩa chống lại chính phủ Vệ quốc dưới sự lãnh đạo của

A. Đảng Cộng sản Pháp.
B. Công xã cách mạng Pa-ri.
C. chính phủ tư sản lâm thời.
D. Ủy ban trung ương Quốc dân quân.

Đáp án đúng là: D

Ngày 18/3/1871, nhân dân Pa-ri nổi dậy khởi nghĩa chống lại chính phủ Vệ quốc dưới sự lãnh đạo của Ủy ban trung ương Quốc dân quân.

Câu 13. Trước cuộc tấn công xâm lược của quân Phổ, nhân dân Pháp có thái độ như thế nào?

A. Ủng hộ quân Phổ lật đổ chính phủ tư sản.
B. Kiên quyết chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc.
C. Chấp nhận kí hòa ước đầu hàng quân Phổ.
D. Phối hợp với chính phủ Vệ quốc để kháng chiến.

Đáp án đúng là: B

Trước cuộc tấn công xâm lược của quân Phổ, và sự đầu hàng nhục nhã của chính phủ Vệ quốc, nhân dân Pháp vẫn kiên quyết chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc.

Câu 14. Cơ quan cao nhất của Công xã Pa-ri là

A. Hội đồng Công xã.
B. Ủy ban An ninh xã hội.
C. Ủy ban Quân sự.
D. Ủy ban Giáo dục.

Đáp án đúng là: A

Cơ quan cao nhất của Công xã Pa-ri là Hội đồng Công xã.

Câu 15. Các chính sách của Công xã Pari nhằm phục vụ quyền lợi cho đối tượng nào?

A. Nhân dân lao động.
B. Giai cấp tư sản
C. Quý tộc phong kiến.
D. Tăng lữ giáo hội.

Đáp án đúng là: A

Các chính sách của Công xã Pari nhằm phục vụ quyền lợi cho nhân dân lao động.

Câu 16. Trên lĩnh vực kinh tế, Hội đồng Công xã Pa-ri đã ban hành chính sách nào sau đây?

A. Giáo dục công miễn phí và không dạy giáo lí trong nhà trường.
B. Giải thể quân đội thường trực, trang bị vũ khí cho dân chúng.
C. Tiếp quản các nhà máy và giao cho công nhân kiểm soát.
D. Giải tán quân đội và bộ máy cảnh sát của chế độ cũ.

Đáp án đúng là: C

- Trên lĩnh vực kinh tế, Hội đồng Công xã Pa-ri đã ban hành chính sách:

+ Tiếp quản các nhà máy và giao cho công nhân kiểm soát

+ Tịch thu và phân chia lại những ngôi nhà không có người ở cho dân nghèo.

+ Bình ổn giá bán bánh mì.

Câu 17. Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế thứ hai (1889) đã quyết định lấy ngày nào làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của vô sản các nước?

A. Mùng 1/5 hằng năm.
B. Mùng 5/1 hằng năm.
C. Ngày 25/6 hằng năm.
D. Ngày 22/12 hằng năm.

Đáp án đúng là: A

Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế thứ hai (1889) đã quyết định lấy ngày 1/5 hằng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của vô sản các nước.

Câu 18. Vào cuối thế kỉ XIX, sự lớn mạnh của phong trào công nhân đã dẫn đến sự ra đời của

A. tổ chức Đồng minh những người Cộng sản.
B. tổ chức Quốc tế Cộng sản (còn gọi là Quốc tế thứ ba).
C. nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới (Nga Xô Viết).
D. nhiều tổ chức chính trị của giai cấp công nhân trên thế giới.

Đáp án đúng là: D

- Cuối thế kỉ XIX, phong trào công nhân diễn ra mạnh mẽ, dẫn tới sự ra đời nhiều tổ chức chính trị của giai cấp công nhân trên thế giới, như: Đảng Xã hội dân chủ Đức (1875), Đảng Công nhân Pháp (1879), nhóm Giải phóng lao động Nga (1883),...

Câu 19. Trong thời gian tồn tại (1864 - 1889), Quốc tế thứ nhất đã tiến hành bao nhiêu kì đại hội?

A. 4 kì đại hội.
B. 5 kì đại hội.
C. 6 kì đại hội.
D. 7 kì đại hội.

Đáp án đúng là: B

Trong thời gian tồn tại (1864 - 1889), Quốc tế thứ nhất đã tiến hành 5 kì đại hội.

Câu 20. Quốc tế thứ 2 bị chia rẽ và tan rã khi Chiến tranh thế giới thứ nhất

A. bùng nổ.
B. bước vào giai đoạn quyết liệt.
C. bước vào giai đoạn kết thúc.
D. kết thúc.

Đáp án đúng là: A

Năm 1889, Quốc tế thứ hai được thành lập với sứ mệnh thúc đẩy sự thành lập của các chính đảng vô sản ở các nước trên toàn thế giới. Tuy nhiên, khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ (1914), Quốc tế thứ hai bị chia rẽ và tan rã.

Câu 21. Hằng năm, nước ta có lượng mưa trung bình khoảng

A. 1500 - 2000mm/năm.
B. 1200 - 1800mm/năm.
C. 1300 - 2000mm/năm.
D. 1400 - 2200mm/năm.

Đáp án đúng là: A

Tính chất ẩm thể hiện qua yếu tố lượng mưa và độ ẩm. Nước ta có lượng mưa trung bình năm lớn, từ 1500 - 2000mm/năm. Ở những khu vực đón gió biển hoặc vùng núi cao, lượng mưa trung bình năm thường nhiều hơn, khoảng 3000 - 4000mm/năm.

Câu 22. Tính chất ẩm của khí hậu nước ta thể hiện qua các yếu tố nào sau đây?

A. Nhiệt độ và số giờ nắng.
B. Lượng mưa và độ ẩm.
C. Độ ẩm và cán cân bức xạ.
D. Ánh sáng và lượng mưa.

Đáp án đúng là: B

Tính chất ẩm thể hiện qua yếu tố lượng mưa và độ ẩm.

- Nước ta có lượng mưa trung bình năm lớn, từ 1500 - 2000mm/năm. Ở những khu vực đón gió biển hoặc vùng núi cao, lượng mưa trung bình năm thường nhiều hơn, khoảng 3000 - 4000mm/năm.

- Cân bằng ẩm luôn dương, độ ẩm không khí cao, trên 80%.

Câu 23. Ở nước ta, loại gió nào sau đây thổi quanh năm?

A. Tín phong.
B. Đông Bắc.
C. Tây Nam.
D. Đông Nam.

Đáp án đúng là: A

Việt Nam nằm trong phạm vi hoạt động của Tín phong bán cầu Bắc. Gió Tín phong là loại gió hoạt động quanh năm ở nước ta. Ngoài ra, nước ta còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các khối khí hoạt động theo mùa với hai mùa gió chính: gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hạ.

.........

II. Câu hỏi tự luận ôn thi học kì 1

Câu 1 

Sự ra đời của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848) có giá trị gì đối với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân?

Trả lời:

- Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là văn kiện có tính chất cương lĩnh đầu tiên của chủ nghĩa xã hội khoa học, đánh dấu bước đầu kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân. Từ đây, giai cấp công nhân đã có lý luận cách mạng soi đường để thực hiện cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản, xây dựng một xã hội công bằng và tốt đẹp hơn.

Câu 2

Theo em, chính sách nào của Hội công Công xã vẫn còn có thể được vận dụng trong xã hội hiện nay?

Trả lời:

- Những chính sách của Hội công Công xã vẫn còn có thể được vận dụng trong xã hội hiện nay:

+ Giáo dục công miễn phí;

+ Tách nhà thờ ra khỏi nhà nước; không dạy giáo lí trong nhà trường.

+ cấm đánh đập, cúp phạt công nhân.

+ Bình ổn giá bán của các mặt hàng thiết yếu.

Câu 3

Phân tích ý nghĩa lịch sử của phong trào nông dân Tây Sơn?

Trả lời 

+ Thắng lợi của phong trào Tây Sơn trong việc lật đổ chính quyền phong kiến thối nát Nguyễn - Trịnh - Lê đã xoá bỏ ranh giới chia cắt đất nước, đặt nền tảng cho việc thống nhất quốc gia.

+ Thắng lợi của phong trào Tây Sơn trong việc chống quân xâm lược Xiêm và Thanh có ý nghĩa lịch sử to lớn: giải phóng đất nước, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, một lần nữa đập tan tham vọng xâm lược nước ta của các đế chế quân chủ phương Bắc.

Câu 4:

Nêu ví dụ ảnh hưởng của một thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp ở nước ta.

Trả lời:

(*) Tham khảo: Ảnh hưởng của mưa lớn đến sản xuất nông nghiệp tại một số huyện thuộc tỉnh Hải Dương.

- Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 7, ngày 11/10/2022, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hải Dương tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, gây ngập úng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp:

+ Tại huyện Bình Giang, có hơn 500ha lúa bị đổ, chủ yếu là lúa nếp ở các xã Thúc Kháng, Long Xuyên và Thái Hòa và hơn 80ha cây vụ đông mới trồng bị ảnh hưởng do mưa úng.

+ Tại huyện Gia Lộc, ghi nhận hơn 450ha lúa mùa đã bị đổ và khoảng 1.100 ha rau màu bị ảnh hưởng do mưa úng.

+ Tại huyện Nam Sách cũng có khoảng 96 ha rau màu bị ngập úng, trong đó có khoảng 38 ha có nguy cơ bị thiệt hại nặng, tập trung ở các xã Thái Tân và Minh Tân.

Câu 5

Sông ngòi nước ta có đặc điểm gì? Hồ đầm và nước ngầm ở nước ta đóng vai trò như thế nào với sản xuất và sinh hoạt?

Trả lời:

- Đặc điểm của sông ngòi nước ta:

+ Mạng lưới sông ngòi dày đặc, phân bố rộng khắp cả nước.

+ Lưu lượng nước lớn, giàu phù sa.

+ Phần lớn sông ngòi chảy theo hai hướng chính là: hướng tây bắc - đông nam và hướng vòng cung.

+ Chế độ nước chảy theo hai mùa rõ rệt.

- Hồ đầm và nước ngầm có vai trò quan trọng đối với đời sống sản xuất và sinh hoạt.

............

III. Đề thi minh họa cuối kì 1 Lịch sử Địa lí 8

I. Trắc nghiệm (4,0 điểm)

Khoanh tròn vào chữ cái ở đầu câu trả lời đúng nhất

Câu 1. Ninh Thuận và Bình Thuận được khai phá vào

A. năm 1611.
B. năm 1597.
C. năm 1757.
D. năm 1693

Câu 2. Trong các thế kỉ XVII - XVIII, sản xuất nông nghiệp ở Đàng Trong có bước phát triển rõ rệt do

A. điều kiện tự nhiên thuận lợi và chính sách khai hoang của chúa Nguyễn.
B. không xảy ra chiến tranh, xung đột, đời sống nhân dân thanh bình.
C. các vua nhà Nguyễn ban hành nhiều chính sách, biện pháp tích cực.
D. chính quyền Lê, Trịnh quan tâm đến việc đắp đê, trị thủy, khai hoang.

Câu 3. Đào Duy Từ là tác giả của bộ sách nào dưới đây?

A. Vạn Kiếp tông bí truyền thư.
B. Gia Định thành thông chí.
C. Binh thư yếu lược.
D. Hổ trướng khu cơ.

Câu 4. Đến giữa thế kỉ XVIII, chính quyền phong kiến Đàng Ngoài đã

A. hình thành và bước đầu phát triển.
B. phát triển đến đỉnh cao.
C. rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
D. sụp đổ hoàn toàn.

Câu 5. Năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa ở vùng

A. núi Chí Linh (Hải Dương).
B. Tây Sơn hạ đạo (Tây Sơn, Bình Định).
C. núi Tam Điệp (Ninh Bình).
D. Tây Sơn thượng đạo (An Khê, Gia Lai).

Câu 6. Trong khoảng 30 năm cuối thế kỉ XIX, ở các nước tư bản Âu - Mĩ đã bắt đầu xuất hiện các

A. tổ chức phường hội.
B. tổ chức thương hội.
C. công trường thủ công.
D. công ty độc quyền.

Câu 7. Sau khi chính quyền Na-pô-lê-ông III bị lật đổ, một chính phủ mới của giai cấp tư sản được thành lập, mang tên là

A. Chính phủ Vệ quốc.
B. Chính phủ quốc dân.
C. Chính phủ lâm thời tư sản.
D. Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp.

Câu 8. Tình cảnh giai cấp công nhân Anh là tác phẩm do ai biên soạn?

A. C. Mác.
B. Ph. Ăng-ghen.
C. V. I. Lê-nin.
D. G. Rút-xô.

Câu 9. Vị trí địa lí làm cho thiên nhiên nước ta mang tính chất

A. cận nhiệt đới trên núi.
B. cận xích đạo gió mùa.
C. nhiệt đới khô trên núi.
D. nhiệt đới ẩm gió mùa.

Câu 10. Ở nước ta, địa hình đồi núi chiếm

A. 2/3 diện tích đất liền.
B. 1/2 diện tích đất liền.
C. 3/4 diện tích đất liền.
D. 1/4 diện tích đất liền.

Câu 11. Tính nhiệt đới của thiên nhiên nước ta được bảo toàn trên phần lớn diện tích lãnh thổ do địa hình nước ta chủ yếu là

A. đồi núi cao.
B. đồi núi thấp.
C. đồng bằng.
D. cao nguyên.

Câu 12. Than phân bố chủ yếu ở khu vực nào dưới đây?

A. Đông Bắc.
B. Đông Nam Bộ.
C. Tây Bắc.
D. Tây Nguyên.

Câu 13. Hằng năm, nước ta có lượng mưa trung bình khoảng

A. 1500 - 2000mm/năm.
B. 1200 - 1800mm/năm.
C. 1300 - 2000mm/năm.
D. 1400 - 2200mm/năm.

Câu 14. Đặc điểm thời tiết vào mùa đông của miền khí hậu miền Bắc nước ta là

A. nóng, khô và phân thành hai mùa rõ rệt.
B. đầu mùa tương đối khô, cuối mùa ẩm ướt.
C. nóng ẩm và mưa nhiều diễn ra quanh năm.
D. thời tiết lạnh buốt và khô ráo, nhiều mây.

Câu 15. Phần lớn sông ngòi nước ta chảy theo hướng nào dưới đây?

A. Tây bắc - đông nam và vòng cung.
B. Vòng cung và đông bắc - tây nam.
C. Tây - đông hoặc gần bắc - nam.
D. Tây bắc - đông nam và tây - đông.

Câu 16. Đoạn sông Hồng chảy trên lãnh thổ nước ta có chiều dài là

A. 126km.
B. 300km.
C. 205km.
D. 556km.

II. Tự luận (6,0 điểm)

Câu 1. (1,0 điểm)

Em hãy nêu ý nghĩa lịch sử và nguyên nhân thắng lợi của phong trào Tây Sơn?

Câu 2. (2,0 điểm) Em hãy:

- Nêu các hoạt động nổi bật của phong trào công nhân cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.

- Sự ra đời của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848) có giá trị gì đối với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân?

Câu 3. (3,0 điểm)

Em hãy phân tích vai trò của hồ, đầm đối với sản xuất và sinh hoạt.

ĐÁP ÁN ĐỀ THI MINH HỌA

1. Trắc nghiệm(4,0 điểm)

Mỗi câu trả lời đúng được 0,25 điểm

Câu

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

D

A

D

C

D

D

A

B

D

C

B

A

A

B

A

D

2. Tự luận (6,0 điểm)

Câu

Nội dung

Điểm

1

a) Nguyên nhân thắng lợi:

- Ý chí đấu tranh chống áp bức bóc lột, tinh thần yêu nước, đoàn kết và hi sinh cao cả của nhân dân ta.

- Sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của vua Quang Trung và bộ chỉ huy nghĩa quân.

b) Ý nghĩa lịch sử:

- Lật đổ thành công chính quyền phong kiến thối nát Nguyễn - Trịnh - Lê, xoá bỏ ranh giới chia cắt đất nước, đặt nền tảng cho việc thống nhất quốc gia.

- Giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, đập tan tham vọng xâm lược nước ta của nhà Thanh và quân Xiêm.

0,25 điểm

0,25 điểm

0,25 điểm

0,25 điểm

2

a) Các hoạt động nổi bật của phong trào công nhân cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.

- Tháng 6 - 1848, công nhân Pa-ri đứng lên khởi nghĩa đòi tăng lương, giảm giờ làm, thực hiện cải cách dân chủ.

- Sau cách mạng 1848, phong trào đấu tranh của công nhân chống lại giai cấp tư sản nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới: Bỉ, Đức, Anh, Mỹ,..

- 28/9/1864, Hội Liên hiệp lao động quốc tế (Quốc tế thứ nhất) được thành lập, đóng vai trò truyền bá học thuyết Mác và là trung tâm thúc đẩy sự phát triển của phong trào công nhân quốc tế.

- Sự ra đời của các đảng công nhân: Đảng Xã hội Đức (1875), Đảng Công nhân Pháp (1879), nhóm Giải phóng lao động Nga (1883).

- Sự thành lập và hoạt động của Quốc tế thứ hai (1889-1914) thay thế cho quốc tế thứ nhất.

b)

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, giải phóng loài người vĩnh viễn thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột giai cấp, bảo đảm cho loài người được thực sự sống trong hòa bình, tự do và hạnh phúc.

0,25 điểm

0,25 điểm

0,25 điểm

0,25 điểm

0,25 điểm

0,75 điểm

3

a) Đối với sản xuất:

- Nông nghiệp: Các hồ, đầm nước ngọt là nguồn cung cấp nước cho trồng trọt và chăn nuôi. Hồ, đầm là mặt nước tự nhiên để nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản nước ngọt, nước lợ và nước mặn như đấm phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế), đầm Thị Nại (Bình Định), hồ thuỷ điện Hoà Bình,...

- Công nghiệp: Các hồ thuỷ điện (Hoà Bình, Sơn La, laly,...) là nơi trữ nước cho nhà máy thuỷ điện. Hồ cung cấp nước cho các ngành công nghiệp như: chế biến lương thực - thực phẩm, khai khoáng,...

- Dịch vụ: Một số hồ, đám thông với các sông, biến có giá trị về giao thông. Nhiều hồ, đầm có cảnh quan đẹp, hệ sinh thái với tính đa dạng sinh học cao, khí hậu trong lành được khai thác để phát triển du lịch, như hồ Tơ Nưng (Gia Lai), hồ Ba Bế (Bắc Kạn),...

b) Đối với sinh hoạt:

- Phục vụ nhu cầu nước trong sinh hoạt, là nguồn dự trữ nước ngọt lớn.

- Đóng vai trò đảm bảo an ninh nguồn nước, nhất là ở các khu vực có mùa khô sâu sắc.

- Giúp điều hòa khí hậu địa phương, là môi trường sống của nhiều sinh vật dưới nước, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học.

0,5 điểm

0,5 điểm

0,5 điểm

0,5 điểm

0,5 điểm

0,5 điểm

..................

Tải file tài liệu để xem thêm Đề cương ôn tập cuối kì 1 Lịch sử Địa lí 8 Chân trời sáng tạo

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Lương
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

1 Bình luận
Sắp xếp theo
👨
  • Lâm Bùi Hữu
    Lâm Bùi Hữu Vải 
    Thích Phản hồi 28/12/22
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm