Đề cương ôn tập học kì 1 môn Ngữ văn 11 năm 2023 - 2024 (Sách mới) Ôn tập học kì 1 Văn 11 sách KNTT, CTST, Cánh diều

Đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn 11 năm 2023 - 2024 gồm 3 sách Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạo và Cánh diều.

Đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn 11 năm 2023 giới hạn nội dung ôn thi, tóm tắt kiến thức trọng tâm kèm đề thi minh họa. Qua đó giúp các bạn lớp 11 làm quen với các dạng bài tập, nâng cao kỹ năng làm bài và không bị bỡ ngỡ khi bước vào kì thi học kì 1 lớp 11 sắp tới. Vậy sau đây đề cương ôn thi học kì 1 Văn 11 năm 2023 mời các bạn cùng tải tại đây. Bên cạnh đó các bạn tham khảo thêm: đề cương thi học kì 1 Địa lí 11, đề cương ôn tập học kì 1 Tiếng Anh 11.

1. Đề cương ôn tập cuối kì 1 Văn 11 Chân trời sáng tạo

TRƯỜNG THPT………

BỘ MÔN: NGỮ VĂN

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP CUỐI HỌC KỲ I

NĂM HỌC 2023 – 2024

MÔN: VĂN; KHỐI 11 CHÂN TRỜI SÁNG TẠO

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

Bài 3: Khát khao đoàn tụ (Truyện thơ)

1. Đọc

Đọc hiểu văn bản chú ý đặc trưng của thể loại truyện thơ

+ Yếu tố về nội dung: đề tài, chủ đề chính, chủ đề phụ, tư tưởng, các giá trị văn hoá, triết lí nhân sinh…

+ Yếu tố về hình thức: câu chuyện, sự kiện, nhân vật, chi tiết quan trọng, không gian, thời gian, người kể chuyện toàn tri, sự thay đổi điểm nhìn…

2. Thực hành tiếng Việt

Lấy ví dụ và chỉ ra những dấu hiệu nhận biết ngôn ngữ nói trong các trường hợp đó.

3. Viết

Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (truyện thơ) hoặc một tác phẩm nghệ thuật (bài hát)

4. Nói và nghe

Giới thiệu một truyện thơ hoặc một bài hát theo lựa chọn cá nhân

Bài 4: Nét đẹp văn hóa và cảnh quan (Văn bản thông tin)

1. Đọc

Đọc hiểu văn bản chú ý đặc trưng của thể loại văn bản thông tin

+ Đề tài, thông tin cơ bản của văn bản, cách đặt nhan đề của tác giả.

+ Nhận biết được thái độ và quan điểm của người viết.

+ Các yếu tố hình thức: bố cục, mạch lạc của văn bản, cách trình bày dữ liệu, thông tin…

2. Thực hành tiếng Việt

a. Xác định loại phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng trong các văn bản trên.

b. Cách trình bày các phương tiện ấy trong văn bản có gì đáng lưu ý?

c. Chỉ ra tác dụng của từng loại phương tiện trong mỗi văn bản.

3. Viết

Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội

4. Nói và nghe

Trình bày kết quả nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội

B. ĐỀ THI MINH HỌA CUỐI KÌ 1 NGỮ VĂN 11

Đọc đoạn văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Trên bãi cát những người lính đảo
Ngồi ghép nhau bao nỗi nhớ nhà
Chiều áo rộng vài vạt mây hờ hững
Họ cứ ngồi như chum vại hứng mưa

Đảo tái cát
Khóc oan hồn trôi dạt
Tao loạn thời bình
Gió thắt ngang cây.

Đất hãy nhận những đứa con về cội
Trong bao dung bóng mát của người
Cay hãy gọi bàn tay về hái quả
Võng gọi về nghe lại tiếng à ơi…
À ơi tình cũ nghẹn lời

Tham vàng bỏ ngãi kiếp người mong manh.

(Lời sóng 4, trích Trường ca Biển, Hữu Thỉnh, NXB Quân đội nhân dân, 1994)

Câu 1: Xác định thể thơ của đoạn thơ trên.

Câu 2: Cuộc sống của người lính đảo được nhà thơ tái hiện qua những chi tiết, hình ảnh nào?

Câu 3: Theo anh/chị, ý nghĩa của hai câu thơ

Chiều áo rộng vài vạt mây hờ hững – Họ cứ ngồi như chum vại hứng mưa là gì?

Câu 4: Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong câu thơ

Đảo tái cát – Khóc oan hồn trôi dạt – Tao loạn thời bình – Gió thắt ngang cây.

Hình ảnh người lính đảo hiện lên hào hùng và cả bi tráng trong thơ Hữu Thỉnh

Câu nghị luận xã hội tích hợp (2,0 điểm): Hình ảnh người lính đảo và thông điệp “kiếp người mong manh” mà nhà thơ gửi gắm ở câu thơ cuối gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về giá trị của cuộc sống. Hãy thể hiện suy nghĩ bằng một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ).

II. LÀM VĂN

Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (truyện thơ) hoặc một tác phẩm nghệ thuật (bài hát)

HƯỚNG DẪN CHẤM

Câu 1 (0,5 điểm): Thể thơ tự do.

Câu 2 (0,5 điểm):

Cuộc sống của những người lính đảo được nhà thơ tái hiện qua những chi tiết, hình ảnh (Học sinh kể được tối thiểu ba chi tiết, hình ảnh): bãi cát, nỗi nhớ nhà, đảo tái cát, oan hồn trôi dạt, tao loạn thời bình…

Câu 3

Ý nghĩa của hai câu thơ:

– Gợi hình ảnh những người lính đảo: ngồi quây quần bên nhau trong sự tĩnh lặng, sự sẻ chia, trong nỗi nhớ quê hương vời vợi, sự gian khổ, vất vả.

– Thể hiện tâm hồn nhạy cảm, giàu yêu thương, tinh thần kiên cường, bền bỉ của họ.

Câu 4 (1,0 điểm):

Hiệu quả:

– Tăng tính hàm súc và gợi tả cho câu thơ.

– Gợi nỗi đau, những mất mát lớn lao trước sự hi sinh của người lính, nỗi đau lan tỏa cả đất trời và gợi lên những nghịch lí oan trái mà người lính thời bình phải chịu. Đó là sự hi sinh thầm lặng để mang lại cuộc sống hòa bình cho Tổ quốc.

Câu nghị luận xã hội tích hợp

– Người lính đảo có cuộc sống rất khó khăn nhưng đó là cuộc sống đầy ý nghĩa. “Kiếp người mong manh” nói về thời gian sống của mỗi cá nhân rất ngắn ngủi, hữu hạn. Bởi vậy, mỗi người đều cần biết tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi đó để tạo nên giá trị cuộc sống.

– Giá trị cuộc sống gồm cả những giá trị vật chất như sức khỏe, tiền bạc… cũng gồm cả những giá trị tinh thần như tri thức, phẩm chất, tâm hồn, sự cống hiến, hi sinh, quan hệ xã hội… Con người cần tạo ra và tích lũy những giá trị đó, đồng thời biết cân bằng và hài hòa giữa các giá trị. Có như vậy mới có được cuộc sống có ý nghĩa và góp phần phát triển xã hội.

– Phê phán những con người chọn lối sống ích kỷ, thực dụng, sống hoài, sống phí.

– Liên hệ bản thân: bản thân là người trẻ tuổi đã sử dụng thời gian như thế nào để sống có ích nhất, đóng góp được nhiều nhất cho xã hội.

II. LÀM VĂN

Xem thêm các bài văn mẫu tại đây

2. Đề cương ôn tập cuối kì 1 Văn 11 Cánh diều

TRƯỜNG THPT………

BỘ MÔN: NGỮ VĂN

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP CUỐI HỌC KỲ I

NĂM HỌC 2023 – 2024

MÔN: VĂN; KHỐI 11 CÁNH DIỀU

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

Bài 3: Truyện

1. Đọc

Đọc hiểu văn bản chú ý đặc trưng của thể loại truyện:

+ Yếu tố về nội dung: đề tài, chủ đề chính, chủ đề phụ, tư tưởng, các giá trị văn hoá, triết lí nhân sinh…

+ Yếu tố về hình thức: câu chuyện, sự kiện, nhân vật, chi tiết quan trọng, không gian, thời gian, người kể chuyện toàn tri, sự thay đổi điểm nhìn…

2. Thực hành tiếng Việt

Trật tự từ trong tiếng Việt

3. Viết

Viết báo cáo kết quả nghiên cứu một vấn đề

4. Nói và nghe

Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề

Bài 4: Văn bản thông tin

1. Đọc

Đọc hiểu văn bản chú ý đặc trưng của thể loại văn bản thông tin

+ Đề tài, thông tin cơ bản của văn bản, cách đặt nhan đề của tác giả.

+ Nhận biết được thái độ và quan điểm của người viết.

+ Các yếu tố hình thức: bố cục, mạch lạc của văn bản, cách trình bày dữ liệu, thông tin…

2. Thực hành tiếng Việt

Lỗi về thành phần câu và cách sửa

3. Viết

Viết bài thuyết minh tổng hợp

4. Nói và nghe

Nghe bài thuyết minh tổng hợp

B. CẤU TRÚC ĐỀ THI

I. Đọc hiểu: 5.0 điểm

- Hình thức: trắc nghiệm kết hợp trả lời dạng câu hỏi ngắn (6 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, 3 câu hỏi tự luận ngắn)

- Nội dung:

+ Văn bản ngoài SGK

+ Văn bản thuộc thể loại truyện, văn bản thông tin

+ Kiến thức đọc hiểu văn bản: phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ, ý nghĩa hình ảnh, từ ngữ, chi tiết đặc sắc…

+ Kiến thức về các đặc trưng của thể loại truyện, văn bản thông tin.

II. Viết: 5.0 điểm Hình thức tự luận Nội dung:

+ Viết bài nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học.

+ Viết bài nghị luận về một tác phẩm văn học (phân tích nhân vật/ đoạn trích/ cảnh tượng đặc sắc…).

+ Viết bài thuyết minh tổng hợp.

C. ĐỀ MINH HỌA

I. ĐỌC HIỂU (5,0 điểm) Đọc văn bản:

ĐỀ 1

(Tóm tắt: Chuyện được kể bằng lời của nhân vật “tôi”, đứa cháu nuôi của dì Hảo. “Tôi” vẫn thường ăn bánh đúc nhà bà xã Vận, mẹ đẻ của dì Hảo và biết được cuộc đời của dì. Bà xã Vận goá chồng, túng thiếu vì phải nuôi con nhỏ nên quyết định để dì Hảo đi ở nuôi nhà bà họ của nhân vật tôi. Ban đầu về nhà mới dì khóc rất nhiều, nhưng sau dì quen dần với môi trường sống mới, trở thành một đứa con ngoan đạo, được gia đình nhà mẹ nuôi vô cùng yêu quý. Dì lấy chồng, một người đàn ông không yêu dì, xa lánh dì và có phần ghét bỏ dì. Đã thế đứa con đầu lại chết yểu càng khiến mối quan hệ của chồng và dì thêm xa cách. Dì lại lâm bệnh, đau yếu không làm ra tiền, chồng sinh ra cờ bạc, rượu chè, chửi bới thậm chí đánh đập dì. May thay dì khỏi bệnh rồi lại đi làm, kiếm ra tiền và tha thứ cho người chồng vũ phu. Chồng về ở với dì được ít bữa rồi lại bỏ đi biệt xứ, để dì trong nỗi đau khổ.)

Đứa con chết, mà dì thì tê liệt. Mỗi ngày ngồi là một ngày không có hai hào. Người chồng muốn đó là cái lỗi của người vợ vô phúc ấy.

Nhưng mới đầu hắn chỉ nghĩ thế thôi. Là vì nhờ ít tiền dành dụm, người ta vẫn có thể đủ cả cơm lẫn rượu. Nhưng rồi rượu phải bớt đi. Đến cả cơm cũng thế. Đến lúc ấy thì hắn không nhịn được nữa. Hắn chửi bâng quơ. Hắn chửi những nhà giàu, hắn chửi số kiếp hắn, và sau cùng thì chửi vợ. Ô! Hắn chửi nhiều lắm lắm, một bữa đói rượu rồi tình cờ có một bữa rượu say.

Dì Hảo chẳng nói năng gì. Dì nghiến chặt răng để cho khỏi khóc nhưng mà dì cứ khóc. Chao ôi! Dì Hảo khóc. Dì khóc nức nở, khóc nấc lên, khóc như người ta thổ. Dì thổ ra nước mắt. Nhưng đã vội phí nước mắt làm gì nhiều đến thế. Vì dì còn phải khóc hơn thế nhiều, khi hắn chán chửi, bỏ nhà mà đi, bỏ dì bơ vơ, đau ốm, để tìm cơm rượu. Trách làm gì hắn, cái con người bắt buộc phải tàn nhẫn ấy? Hắn phải ăn, phải uống, phải vui thú, đó là đời của hắn. Không, dì có trách chi con người tàn nhẫn ấy. Cũng như dì đã không trách bà tôi đã làm ngơ không cấp đỡ cho dì. Bà tôi có còn giàu như trước nữa đâu? Người đã già, đã ốm yếu, và khổ cực thay! Đã nghèo như lúc còn hăm hai. Cái cơ nghiệp người gây dựng thầy tôi buôn bán thua lỗ, chúng tôi học hành tổn phí nhiều, đã tan tác đi theo gió bốn phương. Người chỉ có thể đem đến cho dì Hảo mỗi ngày một xu quà và rất nhiều nước mắt. Và rất nhiều lời than thở.

(Trích Dì Hảo –Tuyển tập truyện ngắn Đôi mắt, Nam Cao, NXB VH, 2017, tr. 208)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1: Xác định thể loại của văn bản trên

A. Tiểu thuyết
B. Kịch
C. Truyện ngắn
D. Truyện truyền kì

Câu 2: Phương thức biểu đạt sử dụng trong văn bản trên là

A. Nghị luận, tự sự
B. Nghị luận, miêu tả
C. Tự sự, biểu cảm
D. Miêu tả, thuyết minh

Câu 3: Hoàn cảnh đáng thương của dì Hảo được miêu tả qua những chi tiết nào?

A. Đứa con chết, mà dì thì què liệt
B. Con chết, dì bị què liệt, chồng mắng chửi, bỏ dì bơ vơ
C. Con chết, dì bị què liệt và buôn bán thua lỗ
D. Cơ nghiệp của dì tan tác theo gió bốn phương

Câu 4: Tác dụng của phép điệp trong văn bản là gì?

A. Nhấn mạnh nỗi cô đơn của dì Hảo
B. Nhấn mạnh vào tiếng khóc của dì Hảo
C. Nhấn mạnh nỗi bất hạnh của dì Hảo
D. Nhấn mạnh hoàn cảnh nghèo khó của dì Hảo

Câu 5: Đoạn văn: “Cũng như dì đã không trách và khổ cực thay!” sử dụng những kiểu câu nào?

A. Câu trần thuật, câu nghi vấn
B. Câu trần thuật, câu cảm thán
C. Câu nghi vấn, câu cảm thán
D. Câu trần thuật, câu cảm thán, câu hỏi tu từ

Câu 6: Bi kịch của người phụ nữ được phản ánh trong đoạn trích là gì?

A. Họ bị áp bức, bóc lột tàn nhẫn
B. Họ bị tha hóa cả về nhân hình, nhân tính
C. Họ phải sống cuộc sống mất tự do, bị cầm tù về thể xác và tinh thần
D. Họ không chỉ chỉ nghèo khổ về vật chất, họ còn bị đối xử bất công, bị tra tấn về tinh thần

Trả lời các câu hỏi:

Câu 7: Anh/chị hiểu như thế nào về câu văn “Người chỉ có thể đem đến cho dì Hảo mỗi ngày một xu quà, và rất nhiều nước mắt. Và rất nhiều lời than thở” trong đoạn trích?

Câu 8: Qua đoạn trích trên, anh/chị hãy nêu nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của Nam Cao.

Câu 9: Tình cảnh của dì Hảo giúp anh/chị hiểu gì về thân phận người nông dân trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng? Hãy trình bày trong đoạn văn khoảng 7 – 10 dòng.

II. LÀM VĂN (5,0 điểm)

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá nhân vật dì Hảo trong đoạn trích phần I Đọc hiểu.

3. Đề cương ôn tập học kì 1 Văn 11 Kết nối tri thức

I. PHẦN ĐỌC HIỂU:

1. Kiến thức đọc hiểu chung

- Các phương thức biểu đạt

- Các thao tác lập luận

- Các thể thơ thường gặp

- Các biện pháp tu từ

- Các phép liên kết

- Phương thức xây dựng đoạn văn (cách thức trình bày đoạn văn)

- Nhận diện các phong cách ngôn ngữ.

- Xác địnhđề tài, chủ đề, nội dung chính của văn bản

- Yêu cầu xác định từ ngữ, hình ảnh biểu đạt nội dung cụ thể trong văn bản

- Tìm thông điệp có nghĩa trong văn bản.

2. Kĩ năng đọc hiểu văn bản

Yêu cầu: Nắm chắc kiến thức ngữ văn để vận dụng đọc hiểu được văn bản truyện và văn bản thông tin theo đúng đặc trưng thể loại

a. Tự sự trong truyện thơ dân gian và trong thơ trữ tình

- Nhận biết, phân tích và đánh giá được một số yếu tố về nội dung (đề tài, chủ đề chính và chủ đề phụ, tư tưởng, các giá trị văn hoá, triết lí nhân sinh,...) và hình thức (cốt truyện, sự kiện, nhân vật, chi tiết quan trọng, không gian, thời gian, người kể chuyện toàn tri, sự thay đổi điểm nhìn) của các văn bản truyện; Nêu được ý nghĩa, tác động của văn bản văn học trong việc làm thay đổi suy nghĩ, tình cảm, cách nhìn và

cách đánh giá của cá nhân đối với văn học và cuộc sống.

b. Nhân vật và xung đột trong bi kịch

- Nêu nội dung chính của văn bản trên?

- Nhân vật chính trong văn bản trên là ai? Anh/chị cảm nhận như thế nào về nhân vật đó?

-Tìm và phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ bất kì được tác giả sử dụng trong văn bản trên.

II. PHẦN LÀM VĂN

Ôn tập và luyện kĩ năng viết bài văn nghị luận đối với 2 kiểu bài sau:

1. Viết bài NLXH về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học

2. Viết bài văn nghị luận xã hội

III. ĐỀ THI MINH HỌA

ĐỀ SỐ 1

PHẦN ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

Nhà mẹ Lê là một gia đình một người mẹ với mười một người con. Bác Lê là một người đàn bà nhà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay răn reo như một quả trám khô. Khi bác mới đến phố, ai ai cũng chú ý đến đám con của bác: mười một đứa, mà đứa nhớn mới có mười bảy tuổi! Đứa bé nhất hãy còn bế trên tay.

Mẹ con bác ta ở một căn nhà cuối phố, cái nhà cũng lụp xụp như những căn nhà khác. Chừng ấy người chen chúc trong một khoảng rộng độ bằng hai chiếc chiếu, có mỗi một chiếc giường nan đã gãy nát. Mùa rét thì giải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc. Đối với những người nghèo như bác, một chỗ ở như thế cũng tươm tất lắm rồi. Nhưng còn cách kiếm ăn? Bác Lê chật vật, khó khăn suốt ngày cũng không đủ nuôi chừng ấy đứa con. Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người có ruộng trong làng. Những ngày có người mướn ấy, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà. Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai mướn bác làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói. Mấy đứa nhỏ nhất, con Tý, con Phún, thằng Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét, như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm ấp lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó.

(Trích Nhà mẹ Lê – Thạch Lam)

Câu 1 (1 điểm): Văn bản trên có sự kết hợp giữa các phương thức biểu đạt nào? Tác dụng của việc kết hợp đó là gì?

Câu 2 (1 điểm): Nêu nội dung chính của văn bản trên?

Câu 3 (1 điểm): Nhân vật chính trong văn bản trên là ai? Anh/chị cảm nhận như thế nào về nhân vật đó?

Câu 4 (2 điểm): Tìm và phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ bất kì được tác giả sử dụng trong văn bản trên.

PHẦN VIẾT (5.0 điểm)

Câu 1 (5.0 điểm): Kết thúc tác phẩm “ Chí Phèo” của Nam Cao là chi tiết:

...“ Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua...”

Suy nghĩ của anh/ chị về chi tiết kết thúc trên?

..........

Tải file tài liệu để xem thêm Đề cương ôn thi cuối học kì 1 Văn 11 

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 2.326
  • Lượt xem: 65.712
  • Dung lượng: 31,2 KB
Tìm thêm: Ngữ văn 11
Sắp xếp theo