Đề cương ôn tập học kì 1 môn Ngữ văn 11 sách Cánh diều Ôn tập cuối kì 1 Ngữ văn 11

Đề cương ôn tập học kì 1 Văn 11 Cánh diều năm 2024 - 2025 hệ thống kiến thức cần nắm ma trận đề kiểm tra kèm theo đề thi minh họa.

Đề cương ôn tập cuối kì 1 Ngữ văn 11 Cánh diều bao gồm 16 trang giúp học sinh tự ôn luyện củng cố lại kiến thức, tránh cảm giác hoang mang trước khối lượng kiến thức khổng lồ. Đồng thời một đề cương ôn thi Ngữ văn 11 cuối kì 1 rõ ràng, dễ hiểu giúp các em tự tin hơn trong kì thi học kì 1 sắp tới. Vậy sau đây đề cương ôn thi học kì 1 Ngữ văn 11 Cánh diều, mời các bạn cùng tải tại đây.

Đề cương ôn tập cuối kì 1 Văn 11 Cánh diều

TRƯỜNG THPT………

BỘ MÔN: NGỮ VĂN

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP CUỐI HỌC KỲ I

NĂM HỌC 2024 – 2025

MÔN: VĂN; KHỐI 11 CÁNH DIỀU

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

Phần 1: Nội dung kiến thức cần ôn tập

Văn bản:

- Nhận biết và vận dụng hiểu biết về thơ trữ tình (giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố ngôn từ, hình thức bài thơ thể hiện trong văn bản; ý nghĩa, tác dụng của yếu tố tự sự trong thơ;...) và đặc điểm của truyện thơ dân gian, truyện thơ Nôm (cốt truyện, nhân vật, người kể chuyện, độc thoại nội tâm, bút pháp, ngôn ngữ,...) để đọc hiểu các bài thơ và đoạn trích truyện thơ.

- Vận dụng những hiểu biết về bối cảnh lịch sử, tác giả, truyện thơ Nôm, thể loại thơ Đường luật để đọc hiểu những đoạn trích tiê-u biểu trong truyện Kiều, thơ chữ Hán của Nguyễn Du.

- Nhận biết, phân tích và đánh giá một số yếu tố về nội dung (đề tài, chủ đề chính, phụ, tư tưởng, các giá trị văn hóa, triết lí nhân sinh,...) và hình thức (câu chuyện, sự kiện, nhân vật, chi tiết quan trọng, không gian, thời gian, người kể chuyện toàn tri, sự thay đổi điểm nhìn) của các văn bản truyện.

- Phân tích và đánh giá được đề tài, thông tin cơ bản của văn bản, cách đặt nhan đề của tác giả; nhận biết được thái độ và quan điểm của người viết;...; tác dụng của các yếu tố hình thức như bố cục, mạch lạc của văn bản, cách trình bày dữ liệu, thông tin,...

Truyện thơ dân gian và truyện thơ Nôm

Nội dung

Truyện thơ dân gian

Truyện thơ Nôm

1. Khái niệm

Truyện thơ dân gian là truyện do dân gian kể lại bằng hình thức thơ và phương thức truyền miệng.

Truyện thơ Nôm là truyện thơ được viết bằng chữ Nôm, phần lớn theo thể thơ lục bát.

2. Đặc điểm

- Sáng tác tập thể.

- Phương thức lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng.

- Mang tính nguyên hợp.

- Sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình.

- Phản ánh cuộc sống qua một cốt truyện với hệ thống nhân vật, sự kiện, vừa bộc lộc thái độ, cảm xúc, tâm trạng của nhân vật, của tác giả.

3. Phân loại

- Căn cứ vào cơ sở sự kết hợp giữa tự sự (và trữ tình, có thể chia truyện thơ dân gian thành 2 nhóm: nhóm tự sự - trữ tình (yếu tố tự sự nổi trội hơn), nhóm trữ tình – tư sự (yếu tố trữ tình nổi trội hơn).

- Căn cứ vào đề tài, chủ đề, có thể chia truyện dân gian thành ba nhóm chính: tình yêu lứa đôi; những người nghèo khổ, bất hạnh; ước mơ công lí, chính nghĩa.

Căn cứ vào nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, có thể chia truyện thơ Nôm thành hai nhóm một cách tương đối: truyện thơ Nôm bình dân và truyện thơ Nôm bác học.

+ Thơ Nôm bình dân: thường khuyết tên tác giả; thường lấy đề tài, cốt truyện từ truyện dân gian như cổ tích; ngôn ngữ nôm na, mộc mạc.

+ Thơ Nôm bác học: phần lớn có tên tác giả, hay lấy đề tài, cốt truyện từ những tác phẩm cổ của Trung Quốc nhưng được người viết sáng tạo lại một cách độc đáo.

4. Cốt truyện

Gồm ba phần: Gặp gỡ - Thử thách (hoặc Tai biến) – Đoàn tụ.

5. Nhân vật

Thường được phân theo loại (tốt – xấu, thiện – ác), được miêu tả qua những biểu hiện bên ngoài (diện mạo, hành động, lời nói) và qua tâm trạng.

- Thường được phân theo loại chính diện và phản diện, tương ứng với chính - tà, thiện - ác, tốt - xấu.

- Phần nhiều được miêu tả với những biểu hiện bên ngoài (diện mạo, hành động, ngôn ngữ đối thoại) hơn là với đời sống nội tâm (cảm xúc, suy tư, ngôn ngữ độc thoại) hơn là con người với đời sống nội tâm (cảm xúc, suy tư, ngôn ngữ, độc thoại). Tính cách nhân vật thường tĩnh tại, ít có sự vận động và phát triển, những tác động của hoàn cảnh có tác dụng làm rõ hơn tính cách đã được định hình.

6. Ngôn ngữ

Đậm chất dân ca, giàu cảm xúc, giàu hình ảnh và các biện pháp tu từ.

Trong ba hình thức ngôn ngữ tự sự là ngôn ngữ gián tiếp (lời tác giả), ngôn ngữ trực tiếp (lời nhân vật), ngôn ngữ nửa trực tiếp (lời tác giả nhưng thể hiện cảm xúc, suy tư, giọng điệu nhân vật; lời tác giả và lời nhân vật đan xen vào nhau, khó lòng tách bạch), truyện thơ Nôm hay sử dụng ngôn ngữ gián tiếp. Người kể chuyện thường ở ngôi thứ ba.

Bối cảnh lịch sử , môi trường gia đình, cuộc đời tác giả với việc đọc hiểu thơ văn

Nội dung

Kiến thức

Khái niệm

- Bối cảnh lịch sử, môi trường gia đình là những yếu tố khách quan có ảnh hưởng tới cuộc đời, con người và sáng tác của tác giả.

- Cuộc đời, con người nhà văn là yếu tố chủ quan tác động trực tiếp tới sáng tác văn chương.

- Tác phẩm là “tấm gương phản chiếu” tác giả và thời đại.

Nghệ thuật Truyện Kiều

Nội dung

Kiến thức

1. Thể loại

Truyện thơ Nôm, kết hợp được thế mạnh của cả tự sự và trữ tình.

2. Cốt truyện

- Nguyễn Du tiếp thu cốt truyện từ cuốn tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Thâm tài nhân (Trung Quốc).

- Cốt truyện của Truyện Kiều giống nhiều truyện thơ Nôm với kết cấu ba phần Gặp gỡ - Thử thách – Đoàn tụ, kết thúc có hậu – người tốt được đền bù, kẻ xấu bị trừng phạt. Tuy nhiên, điểm khác biệt của Truyện Kiều so với truyện thơ Nôm ở kết thúc tác phẩm: về hình thức là có hậu song thực chất là bi kịch.

3. Nhân vật

- Nhân vật phân chia theo loại (nhân vật tốt, thiện như Kim Trọng, Từ Hải, nhân vật xấu, ác như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh,…).

- Nhân vật không thể phân chia theo loại (nhân vật có sự đan xen tốt – xấu như Thúc Sinh). Tính cách nhân vật được khắc họa với cả dáng vẻ bên ngoài và đời sống nội tâm, có sự phát triển bởi tác động của hoàn cảnh (Thúy Kiều).

4. Nội tâm nhân vật được thể hiện qua các mặt

- Lời người kể chuyện.

- Bút pháp tả cảnh ngụ tình.

- Lời độc thoại nội tâm.

5. Người kể chuyện

Người kể chuyện ở truyện thơ Nôm chủ yếu là ngôi thứ ba, là người kể chuyện toàn tri. Do người kể chuyện ở ngôi thứ ba nên điểm nhìn trần thuật từ bên ngoài câu chuyện. Trong Truyện Kiều, điểm nhìn trần thuật có sự thay đổi, từ người đứng ngoài câu chuyện thành người trong cuộc, kết hợp người kể chuyện toàn tri và người kể chuyện hạn tri, kết hợp kể với biểu đạt tình cảm.

6. Nghệ thuật miêu tả

- Thiên nhiên có khi là đối tượng thẩm mĩ, được miêu tả chân thực, sinh động, có khi là phương tiện thể hiện tình cảm với nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình”.

- Nhân vật chính diện thường được Nguyễn Du miêu tả bằng bút pháp ước lệ, lí tưởng hóa, nhân vật phản diện thường được miêu tả bằng bút pháp tả thực.

7. Ngôn ngữ

- Ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ văn học dân gian (ca dao, tục ngữ) và ngôn ngữ bác học kết tinh từ sách vở.

- Ngôn ngữ tác phẩm vừa bình dị, vừa mang vẻ đẹp cổ điển.

B. CẤU TRÚC ĐỀ THI

I. Đọc hiểu: 5.0 điểm

- Hình thức: trắc nghiệm kết hợp trả lời dạng câu hỏi ngắn (6 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, 3 câu hỏi tự luận ngắn)

- Nội dung:

+ Văn bản ngoài SGK

+ Văn bản thuộc thể loại truyện, văn bản thông tin

+ Kiến thức đọc hiểu văn bản: phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ, ý nghĩa hình ảnh, từ ngữ, chi tiết đặc sắc…

+ Kiến thức về các đặc trưng của thể loại truyện, văn bản thông tin.

II. Viết: 5.0 điểm Hình thức tự luận Nội dung:

+ Viết bài nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học.

+ Viết bài nghị luận về một tác phẩm văn học (phân tích nhân vật/ đoạn trích/ cảnh tượng đặc sắc…).

+ Viết bài thuyết minh tổng hợp.

C. ĐỀ MINH HỌA

I. ĐỌC HIỂU (5,0 điểm) Đọc văn bản:

ĐỀ 1

(Tóm tắt: Chuyện được kể bằng lời của nhân vật “tôi”, đứa cháu nuôi của dì Hảo. “Tôi” vẫn thường ăn bánh đúc nhà bà xã Vận, mẹ đẻ của dì Hảo và biết được cuộc đời của dì. Bà xã Vận goá chồng, túng thiếu vì phải nuôi con nhỏ nên quyết định để dì Hảo đi ở nuôi nhà bà họ của nhân vật tôi. Ban đầu về nhà mới dì khóc rất nhiều, nhưng sau dì quen dần với môi trường sống mới, trở thành một đứa con ngoan đạo, được gia đình nhà mẹ nuôi vô cùng yêu quý. Dì lấy chồng, một người đàn ông không yêu dì, xa lánh dì và có phần ghét bỏ dì. Đã thế đứa con đầu lại chết yểu càng khiến mối quan hệ của chồng và dì thêm xa cách. Dì lại lâm bệnh, đau yếu không làm ra tiền, chồng sinh ra cờ bạc, rượu chè, chửi bới thậm chí đánh đập dì. May thay dì khỏi bệnh rồi lại đi làm, kiếm ra tiền và tha thứ cho người chồng vũ phu. Chồng về ở với dì được ít bữa rồi lại bỏ đi biệt xứ, để dì trong nỗi đau khổ.)

Đứa con chết, mà dì thì tê liệt. Mỗi ngày ngồi là một ngày không có hai hào. Người chồng muốn đó là cái lỗi của người vợ vô phúc ấy.

Nhưng mới đầu hắn chỉ nghĩ thế thôi. Là vì nhờ ít tiền dành dụm, người ta vẫn có thể đủ cả cơm lẫn rượu. Nhưng rồi rượu phải bớt đi. Đến cả cơm cũng thế. Đến lúc ấy thì hắn không nhịn được nữa. Hắn chửi bâng quơ. Hắn chửi những nhà giàu, hắn chửi số kiếp hắn, và sau cùng thì chửi vợ. Ô! Hắn chửi nhiều lắm lắm, một bữa đói rượu rồi tình cờ có một bữa rượu say.

Dì Hảo chẳng nói năng gì. Dì nghiến chặt răng để cho khỏi khóc nhưng mà dì cứ khóc. Chao ôi! Dì Hảo khóc. Dì khóc nức nở, khóc nấc lên, khóc như người ta thổ. Dì thổ ra nước mắt. Nhưng đã vội phí nước mắt làm gì nhiều đến thế. Vì dì còn phải khóc hơn thế nhiều, khi hắn chán chửi, bỏ nhà mà đi, bỏ dì bơ vơ, đau ốm, để tìm cơm rượu. Trách làm gì hắn, cái con người bắt buộc phải tàn nhẫn ấy? Hắn phải ăn, phải uống, phải vui thú, đó là đời của hắn. Không, dì có trách chi con người tàn nhẫn ấy. Cũng như dì đã không trách bà tôi đã làm ngơ không cấp đỡ cho dì. Bà tôi có còn giàu như trước nữa đâu? Người đã già, đã ốm yếu, và khổ cực thay! Đã nghèo như lúc còn hăm hai. Cái cơ nghiệp người gây dựng thầy tôi buôn bán thua lỗ, chúng tôi học hành tổn phí nhiều, đã tan tác đi theo gió bốn phương. Người chỉ có thể đem đến cho dì Hảo mỗi ngày một xu quà và rất nhiều nước mắt. Và rất nhiều lời than thở.

(Trích Dì Hảo –Tuyển tập truyện ngắn Đôi mắt, Nam Cao, NXB VH, 2017, tr. 208)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1: Xác định thể loại của văn bản trên

A. Tiểu thuyết
B. Kịch
C. Truyện ngắn
D. Truyện truyền kì

Câu 2: Phương thức biểu đạt sử dụng trong văn bản trên là

A. Nghị luận, tự sự
B. Nghị luận, miêu tả
C. Tự sự, biểu cảm
D. Miêu tả, thuyết minh

Câu 3: Hoàn cảnh đáng thương của dì Hảo được miêu tả qua những chi tiết nào?

A. Đứa con chết, mà dì thì què liệt
B. Con chết, dì bị què liệt, chồng mắng chửi, bỏ dì bơ vơ
C. Con chết, dì bị què liệt và buôn bán thua lỗ
D. Cơ nghiệp của dì tan tác theo gió bốn phương

Câu 4: Tác dụng của phép điệp trong văn bản là gì?

A. Nhấn mạnh nỗi cô đơn của dì Hảo
B. Nhấn mạnh vào tiếng khóc của dì Hảo
C. Nhấn mạnh nỗi bất hạnh của dì Hảo
D. Nhấn mạnh hoàn cảnh nghèo khó của dì Hảo

Câu 5: Đoạn văn: “Cũng như dì đã không trách và khổ cực thay!” sử dụng những kiểu câu nào?

A. Câu trần thuật, câu nghi vấn
B. Câu trần thuật, câu cảm thán
C. Câu nghi vấn, câu cảm thán
D. Câu trần thuật, câu cảm thán, câu hỏi tu từ

Câu 6: Bi kịch của người phụ nữ được phản ánh trong đoạn trích là gì?

A. Họ bị áp bức, bóc lột tàn nhẫn
B. Họ bị tha hóa cả về nhân hình, nhân tính
C. Họ phải sống cuộc sống mất tự do, bị cầm tù về thể xác và tinh thần
D. Họ không chỉ chỉ nghèo khổ về vật chất, họ còn bị đối xử bất công, bị tra tấn về tinh thần

Trả lời các câu hỏi:

Câu 7: Anh/chị hiểu như thế nào về câu văn “Người chỉ có thể đem đến cho dì Hảo mỗi ngày một xu quà, và rất nhiều nước mắt. Và rất nhiều lời than thở” trong đoạn trích?

Câu 8: Qua đoạn trích trên, anh/chị hãy nêu nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của Nam Cao.

Câu 9: Tình cảnh của dì Hảo giúp anh/chị hiểu gì về thân phận người nông dân trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng? Hãy trình bày trong đoạn văn khoảng 7 – 10 dòng.

II. LÀM VĂN (5,0 điểm)

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá nhân vật dì Hảo trong đoạn trích phần I Đọc hiểu.

..........

Tải file tài liệu để xem thêm Đề cương ôn thi cuối học kì 1 Văn 11 Cánh diều 

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm