Bộ đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 năm 2023 - 2024 (Sách mới) 19 Đề thi học kì 2 Ngữ văn 10 (Ma trận, đáp án)

Bộ đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 10 năm 2023 - 2024 mang đến 19 đề kiểm tra có đáp án giải chi tiết kèm theo bảng ma trận.

TOP 19 Đề kiểm tra cuối kì 2 Văn 10 gồm sách Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức và Cánh diều được xây dựng với cấu trúc đề rất đa dạng, bám sát nội dung chương trình học trong sách giáo khoa lớp 10 tập 2. Thông qua 19 đề kiểm tra cuối kì 2 Ngữ văn 10 sẽ giúp các em rèn luyện những kĩ năng cần thiết và bổ sung những kiến thức chưa nắm vững để chuẩn bị kiến thức thật tốt. Với 19 đề kiểm tra cuối kì 2 Ngữ văn 10 có đáp án kèm theo sẽ giúp các bạn so sánh được kết quả sau khi hoàn thành bài tập.

TOP 19 Đề thi học kì 2 Văn 10 năm 2023 - 2024

1. Đề thi học kì 2 Ngữ văn 10 Kết nối tri thức

1.1 Đề thi học kì 2 Ngữ văn 10

SỞ GD&ĐT…………

TRƯỜNG………………….

(Đề thi gồm có … trang)

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC II

Môn: NGỮ VĂN 10

(Thời gian làm bài: 90 phút)

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Sẽ là thảm họa nếu nước Mỹ coi nhẹ vấn đề cấp bách này. Mùa hè oi bức của những người dân da đen bất mãn sẽ không qua đi, cho tới khi làn gió thu của tự do và bình đẳng tới. 1963 sẽ không phải là năm kết thúc, mà là năm bắt đầu. Với những ai đang hy vọng viển vông rằng người da đen chỉ đang xả bớt sự bực bội và rồi sẽ trở nên hài lòng, thì xin thưa, nếu nước Mỹ phớt lờ chúng tôi để trở lại với công việc kinh doanh thường nhật, thì người da đen sẽ khiến họ phải giật mình tỉnh giấc. Nước Mỹ sẽ không bình yên cho tới khi người da đen nhận được quyền công dân của mình. Những cơn lốc của các cuộc nổi dậy sẽ làm rung chuyển nền móng của nước Mỹ chừng nào công lý chưa soi sáng nơi đây.

Nhưng có một điều mà tôi phải nói với những con người đang đứng trước ngưỡng cửa của lâu đài công lý, rằng trong quá trình lấy lại địa vị đáng có của chúng ta, chúng ta không được phép để bản thân phạm phải tội lỗi. Đừng thỏa mãn cơn khát tự do của chúng ta bằng cách uống chén hận thù và cay đắng. Chúng ta vĩnh viễn phải cư xử dựa trên nền tảng phẩm cách và nguyên tắc cao. Chúng ta không được cho phép cuộc kháng nghị sáng tạo của chúng ta trở nên bạo lực. Xin được nhắc lại rằng chúng ta phải nâng bản thân lên tới tầm cao mà sức mạnh vật chất có thể gặp được sức mạnh tâm hồn.

Tinh thần chiến đấu mới đang sục sôi bên trong cộng đồng người da đen không được phép dẫn chúng ta tới việc ngờ vực toàn bộ tất cả người da trắng, bởi vì rất nhiều người anh em da trắng, những người có mặt ở đây ngày hôm nay, đã nhận ra rằng vận mệnh của tất cả chúng ta gắn liền với nhau, rằng tự do của tất cả chúng ta là không thể tách rời.

Chúng ta không thể bước đi đơn độc.

Chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta đang đồng hành cùng nhau.

Chúng ta không thể quay lưng.

Sẽ có những người hỏi, “Chừng nào thì các bạn mới hài lòng?” Chúng tôi sẽ không bao giờ hài lòng khi người da đen vẫn còn là nạn nhân của những hành động hung ác ghê tởm của cảnh sát. Chúng tôi sẽ không hài lòng, khi tấm thân mệt mỏi sau một quãng đường dài vẫn không thể tìm được nơi nghỉ ngơi trong các nhà nghỉ bên đường hay khách sạn trong thành phố. Chúng tôi sẽ không hài lòng khi những người da đen còn phải di chuyển từ khu tập trung da đen nhỏ tới khu tập trung da đen lớn hơn. Chúng tôi sẽ không hài lòng khi những đứa trẻ da đen bị tước đoạt nhân phẩm và tự trọng bởi những tấm biển “Chỉ dành cho người da trắng”. Chúng tôi sẽ không hài lòng khi một người da đen ở Mississippi không được bầu cử, khi một người da đen ở New York tin rằng anh chẳng có gì để bầu. Không, không, chúng tôi không hài lòng, và chúng tôi sẽ không hài lòng cho đến khi mưa công lý tuôn rơi cùng với dòng sông của chính nghĩa.

Tôi hiểu rằng để các bạn tới được đây, có những người đã phải vượt qua nhiều gian nan và thử thách lớn. Có những người chỉ vừa mới bước ra khỏi xà lim. Có những người đến từ khu vực mà hành trình kiếm tìm tự do khiến bạn phải đối diện với giông bão bức hại cùng những cơn gió dữ bạo hành từ cảnh sát. Các bạn đã trở thành những con người khổ đau nhưng sáng tạo. Hãy tiếp tục với niềm tin rằng khổ đau rồi sẽ có ngày hồi báo. Hãy quay trở lại Mississippi, trở lại Alabama, trở lại Nam Carolina, trở lại Georgia, trở lại Louisiana, trở lại những khu ổ chuột và khu tập trung của người da đen tại các thành phố phía Nam, và mang trong mình niềm tin rằng bằng cách này hay cách khác, tình thế có thể và sẽ thay đổi.

Đừng đắm chìm trong tuyệt vọng, tôi xin được chia sẻ với mọi người ở đây hôm nay, các bạn của tôi.

(Trích Tôi có một giấc mơ – Diễn văn chính trị của Martin Luther King năm 1963, Dẫn theo http://trithucvn.org)

Lựa chọn đáp án đúng nhất:

Câu 1. Văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt nào là chính?

A. Nghị luận
B. Thuyết minh
C. Miêu tả
D. Biểu cảm

Câu 2. Văn bản sử dụng thao tác lập luận nào là chính?

A. Bác bỏ
B. Bình luận
C. Phân tích
D. So sánh

Câu 3. Văn bản đề cập tới vấn đề nào?

A. Nạn phân biệt chủng tộc
B. Ảnh hưởng bạo lực
C. Tác động của công lí
D. Tác động của vật chất

Câu 4. Theo tác giả, điều gì “Sẽ là thảm họa nếu nước Mỹ coi nhẹ vấn đề cấp bách này’?

A. Cơn gió dữ bạo hành từ cảnh sát
B. Sự đối xử thiếu bình đẳng
C. Sự bất mãn của người da đen
D. Hành động hung ác ghê tởm của cảnh sát

Câu 5. Mục đích của văn bản là gì ?

A. Đòi quyền tự do, dân chủ, xoá bỏ chính sách phân biệt chủng tộc, đòi quyền được đối xử bình đẳng của người da đen
B. Thảm cảnh của người da đen dưới chính sách phân biệt chủng tộc của người Mĩ, đòi quền bình đẳng, tự do dân chủ
C. Khẳng định quyền bình đẳng của người da đen và kêu gọi sự đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người da đen
D. Lên án cuộc chiến tranh phân biệt chủng tộc, đối xử thiếu bình đẳng của chính quyền Mĩ đối với người da đen

Câu 6. Quan điểm của tác giả trong bài viết là gì?

A. Người da đen cần phải được bố trí việc làm đầy đủ
B. Người da đen phải được tự do như người da trắng
C. Kêu gọi sự đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người da đen.
D. Người da đen phải được đối xử bình đẳng với người da trắng

Câu 7. Ý nào khái quát được nội dung của đoạn trích

A. Bài viết đưa ra thực trạng người da đen đang phải chịu đó là sự bất bình đẳng, vì thế người da đen đã đang và sẽ đấu tranh đòi quyền bình đẳng của mình. Chừng nào người da đen được bình đẳng thì cuộc đấu tranh mới dừng lại
B. Cảnh báo thực trạng nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ đang gia tăng, người da đen đang tổ chức biểu tình, làn sóng biểu tình đang dâng cao, điều ấy gây bất ổn cho cục diện chính trị nước Mỹ.
C. Cảnh báo những nguy cơ của tình trạng phân biệt chủng tộc ở Mỹ đang diễn ra vào mùa hè, làm sóng đấu trang của người da đen đang bùng phát mạnh mẽ, và nó chỉ dừng lại khi người Mỹ đối xủa công bằng với họ.
D. Những tác hại tiềm ẩn của tình trạng phân biệt chủng tộc ở Mỹ, người da đen bị đối xử bất công, điều ấy sẽ gây ra tình trạng bất ổn về chính trị ở nước Mỹ trong thời gian sắp tới, và chỉ dừng lại khi người da đen được đối xủa công bằng

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu:

Câu 8. Tác dụng của biện pháp tu từ điệp cấu trúc “chúng ta không thể…” trong phần cuối đoạn trích?

Câu 9. Nhận xét về cách sắp xếp các luận điểm trong văn bản.

Câu 10. Anh/chị có suy nghĩ như thế nào về nạn phân biệt chủng tộc?

II. VIẾT (4,0 điểm)

Hãy viết bài văn nghị luận bàn về hành trình theo đuổi ước mơ của mỗi người.

---------------- Hết ----------------

1.2 Đáp án đề thi học kì 2 Ngữ văn 10

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

6,0

1

A

0.5

2

B

0.5

3

A

0.5

4

C

0.5

5

C

0.5

6

D

0.5

7

A

0.5

8

Cái nhìn thể hiện sự tin tưởng vào tương lai những triển vọng trong tương lai mà đại dịch mang lại, quan điểm khoa học, cụ thể

0.5

9

Nhận xét về cách sắp xếp các luận điểm trong văn bản: Các luận điểm được trình bày, sắp xếp theo trình tự nhất định của một quá trình đấu tranh. Chúng ta không thể đảo luận điểm ước mơ của người da đen lên trước luận điểm người da đen bị đối xử bất công, bởi phải chỉ ra người da đen bị đối xử bất công thì mới dẫn đến ước mơ.

1,0

10

- Phân biệt chủng tộc là một vấn đề nam giải của toàn nhân loại

- Hiểu đơn giản, phân biệt chủng tộc là phân biệt đối xử giữa các nhóm người dựa trên đặc điểm màu da, nguồn gốc dân tộc

- Nạn phân biệt chủng tộc sẽ khiến chia rẽ dân tộc, có thể trở thành căn nguyên của bạo loạn, nội chiến, gây tổn hại nghiê trọng đến nền kinh tế và sự phát triển của xã hội

- Cuộc chiến chống nạn phân biệt chủng tộc chưa khi nào chấm dứt và cần sự chung tay của những lương tri công bằng và nhân ái

1,0

II

VIẾT

4,0

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học

0,25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận.

Hãy viết bài văn nghị luận bàn về hành trình theo đuổi ước mơ của mỗi người.

0,5

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HV có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục.

Sau đây là một hướng gợi ý:

– Đảm bảo hình thức, cấu trúc của bài văn nghị luận.

– Xác định đúng vấn đề: hành trình theo đuổi ước mơ của mỗi người.

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Nghị luận về ước mơ

2. Thân bài

a. Giải thích

Ước mơ: khao khát, ý muốn của con người muốn đạt được một điều gì đó, được làm nghề gì đó hoặc trở thành người như nào đó. Khi mỗi người có ước mơ họ trở nên tốt đẹp hơn, đề cao tầm quan trọng của ước mơ trong cuộc sống con người.

b. Phân tích

- Biểu hiện của người sống có ước mơ:

Chăm chỉ làm việc, khi gặp khó khăn không nản, luôn kiên trì, bền bỉ với việc mình đang làm.

Nỗ lực học tập, không bỏ qua bắt cứ cơ hội học tập nào, trau dồi, rèn luyện để hoàn thiện bản thân mình.

Biết đặt ra mục tiêu phấn đấu vì mục tiêu đó.

- Ý nghĩa của việc sống có ước mơ:

Người có ước mơ là người có lí tưởng sống, có ý chí vươn lên, sẽ học hỏi được nhiều điều hay lẽ phải để hoàn thiện bản thân.

Khi ta vấp ngã, biết đứng lên tiếp tục theo đuổi ước mơ, ta sẽ có thêm nhiều bài học quý giá mà không phải ai cũng có được.

Việc xây dựng ước mơ không chỉ khiến cho bản thân tốt đẹp hơn mà còn đóng góp cho xã hôi, cho đất nước phát triển.

c. Chứng minh

Học sinh lấy dẫn chứng về những con người sống có ước mơ nổi bật, tiêu biểu mà được nhiều người biết đến.

d. Phản đề

Trong xã hội vẫn còn nhiều người sống không có ước mơ, hoài bão, vô cảm, phó mặc cho cuộc đời. Lại có người sống có ước mơ nhưng không cố gắng thực hiện mà chỉ hão huyền, viển vông về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

3. Kết bài

Khái quát lại tầm quan trọng của ước mơ và rút ra bài học cho bản thân.

- Diễn đạt rõ ràng, dùng từ đặt câu đúng nghĩa, đúng ngữ pháp, đúng chính tả.

– Có những sáng tạo về ý tưởng hoặc có sự độc đáo về diễn đạt.

2.5

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25

e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy.

0,5

Tổng điểm

10.0

2. Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn 10 Cánh diều

2.1 Đề thi học kì 2 Ngữ văn 10

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Bà Hảo bị mù cả hai mắt từ khi tôi chưa ra đời. Tôi và cháu nội bà - cái Hoa- cùng sinh một năm. Bà Hảo đón cái Hoa về nuôi mà không chịu ra thị trấn ở với bố mẹ nó. Thế là cái Hoa trở thành bạn thân thuở bé của tôi. Chúng tôi quấn quýt với nhau như hai anh em ruột. Hàng ngày tôi đều sang với cái Hoa và hai đứa thường bí mật bày ra đủ trò tinh quái. Bà Hảo ngồi ở bờ hiên và bà luôn luôn tìm được việc gì đó vừa làm vừa canh chừng chúng tôi. Bà biết khi nào chúng tôi đang ở gần bờ ao, gióng lên một câu thật nghiêm:

- Cả hai đứa quay vào! Cấm chỉ ra bờ ao.

Tôi và cái Hoa chỉ còn biết lấm lét nhìn nhau phục tài bà. Có lần chúng tôi vờ im lặng đến cạnh bà. Đang yên trí là bà Hảo không biế thì tiếng bà thản nhiên cất lên:

- Giận gì nhau mà im như thóc thế?

Chúng tôi phá lê cười. Bà Hảo mắng yêu:

- A, gớm cái quân này, định trêu bà phỏng. Chúng mày có độn thổ bà vẫn biết moi lên như moi khoai ấy.

Chúng tôi bèn mỗi đứa một bên áp vào ngực bà:

- Làm sao bà trông thấy chúng cháu?

- Lớn lên khắc biết – bà Hảo chớp chớp cặp mắt – người ta chẳng ai chỉ toàn gặp rủi đâu.

Chúng tôi chỉ cảm nhận từ lời nói của bà một điều gì đó mơ hồ mà thiêng liêng. Điều chắc chắn là bà Hảo không thể nhìn thấy chúng tôi nếu bà không yêu chúng tôi như những báu vật.

Lớn lên, đứa trước, đứa sau cả tôi và cái Hoa cùng ra thị trấn, cách làng đúng một ngày xe ngựa.

Thời gian đầu chưa quen môi trường mới, cả hai đứa thường xin bố mẹ về làng thăm bà. Khi bác xà ích vui tính và tốt bụng ghìm con ngựa để tôi và cái Hoa nhảy xuống, đã thấy bà Hảo chống gậy chờ sẵn ở đó. Chúng tôi, mỗi đứa một bên dìu bà về nhà. Bà Hảo bào bà đã nghe thấy tiếng lọc cọc, lọc cọc của chiếc xe gõ từ trong giấc mơ của bà những đêm trước. Sau này tôi mới biết, chiều nào bà cũng đợi chúng tôi tại nơi chiếc xe ngựa dừng trả khách ở điểm cuối cùng.

Những chuyến thăm bà Hảo của chúng tôi thưa dần. Cả tôi và cái Hoa đều có lũ bạn và con đường về làng, vẫn chỉ có một ngày xe ngựa, trở nên xa mù mịt. Thảng hoặc có giỗ, tết...chỉ mình cái Hoa theo bố mẹ về. Nhưng nó lại đi ngay. Nó bảo bà Hảo rất nhớ tôi và mong tôi học hành cẩn thận. Ban đầu tôi đón nhận điều đó với một chút ân hận vì không về thăm bà. Nhưng rồi tôi quên dần nhiều thứ trong đó có cái làng hẻo lánh của mình, nơi bà Hảo vẫn ngày đêm nghe tiếng lọc cọc của xe ngựa...

(Lược một đoạn: Sau đó nhân vật tôi cùng Hoa đỗ đại học và ra thành phố. Tôi dần lãng quên làng nhỏ tuổi thơ. Nhưng rồi một ngày, sau những vấp ngã trên đường đời, tôi đã tìm về làng nhỏ năm xưa. Tôi đi trên chiếc xe ngựa thân quen năm nào của bác xà ích và bao kỉ niệm chợt ùa về)

Tôi lại dỏng tai đón nhận thứ âm thanh giống như dao động tắt dần của quả lắc đồng hồ. Lát sau thì bà Hảo hiện ra ở lối rẽ. Bà dò đường một cách chật vật, toàn bộ tinh lực hướng về bến xe ngựa. Không cầm được, tôi lao như tên bắn về phía bà:

- Bà! Tôi nghẹn ngào- cháu bị người ta phản bội rồi...

Bà Hảo lần lần từ đầu đến vai tôi như thể xem bà có đang mơ không rồi cười một cách mãn nguyện:

- Bố mày, lớn thế còn khóc như con nít ấy. Dễ thường suôn sẻ cả có khi nó chả thèm biết bà sống hay chết.

- Làm sao bà biết điều đó? – Tôi hỏi bà bằng nỗi sợ hãi.

- Lớn lên khắc biết – bà Hảo vẫn trả lời tôi như từng trả lời hồi tôi còn bé.

Tôi có cảm giác bà Hảo cũng thuộc số người quyết sống chỉ để làm việc không thể bỏ dở. Bởi vì ngay sau đó bà bảo tôi:

- Từ ngày mai bà có thể chết mà không luyến tiếc điều gì.

Tôi đứng chết lặng, cảm thấy vang lên trong lồng ngực tiếng gõ da diết và tàn nhẫn của thời gian. Trước mắt tôi giờ đây là những bến thời gian trắng xóa mà tôi sẽ phải một mình vượt qua.

(Trích Bến thời gian, Tạ Duy Anh, Truyện ngắn chọn lọc – Tạ Duy Anh, NXB Hội nhà văn)

Khoanh tròn vào chữ cái đứng trước phương án trả lời đúng cho các câu hỏi từ 1 đến 8:

Lựa chọn đáp án đúng nhất:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?

A. Biểu cảm
B. Nghị luận
C. Tự sự
D. Miêu tả

Câu 2. Chỉ ra ngôi kể được dùng trong văn bản trên?

A. Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ ba
C. Ngôi thứ hai
D. Vừa ngôi thứ nhất, vừa ngôi thứ ba

Câu 3. Mỗi chiều, bà Hảo thường đứng ở nơi nào để đợi Hoa và nhân vật tôi?

A. Nơi chiếc xe ngựa bắt đầu đón khách ở điểm đầu tiên
B. Nơi đầu làng
C. Nơi chiếc xe ngựa dừng trả khách ở điểm cuối cùng.
D. Nơi bờ hiên đầy kỉ niệm

Câu 4. Sự việc không xuất hiện trong văn bản?

A. Bà Hảo bị mù cả hai mắt từ khi tôi chưa ra đời.
B. Bà Hảo đón cái Hoa về nuôi mà không chịu ra thị trấn ở với bố mẹ nó
C. Lát sau thì bà Hảo hiện ra ở lối rẽ. Bà dò đường một cách chật vật.
D. Tôi về cùng cái Hoa, bà Hảo vui vẻ ra đón hai đứa ngoài cổng làng.

Câu 5. Cảm hứng chủ đạo của văn bản là gì?

A. Tự hào, yêu thương
B. Nhớ thương, day dứt
C. Đau xót, hối hận
D. Day dứt, tiếc nuối

Câu 6. Từ ngữ nào thể hiện tâm trạng của nhân vật tôi khi gặp lại bà Hảo sau bao năm xa cách?

A. Khóc nấc, ôm lấy bà Hảo
B. Không cầm được, nghẹn ngào
C. Đau xót, hối hận
D. Day dứt, tiếc nuối

Câu 7. Câu văn nào sau đây sử dụng biện pháp chêm xen?

A. Tôi và cháu nội bà - cái Hoa - cùng sinh một năm
B. Lớn lên, đứa trước, đứa sau cả tôi và cái Hoa cùng ra thị trấn
C. Thời gian đầu chưa quen môi trường mới, cả hai đứa thường xin bố mẹ về làng thăm bà
D. Từ ngày mai bà có thể chết mà không luyến tiếc điều gì.

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu:

Câu 8. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói của nhân vật bà Hảo: “Từ ngày mai bà có thể chết mà không luyến tiếc điều gì”?

Câu 9. Thông điệp có ý nghĩa nhất với anh/chị qua văn bản.

Câu 10. Từ cảm xúc và suy ngẫm của nhân vật tôi trước thời gian, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về tầm quan trọng của việc sử dụng thời gian hợp lý với mỗi người trong cuộc sống ( trình bày 5-7 dòng)

PHẦN II. VIẾT (4.0 điểm)

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và nhân vật trong đoạn trích phần đọc hiểu.

2.2 Đáp án đề thi học kì 2 Văn 10

PhầnCâuNội dungĐiểm
I ĐỌC HIỂU6,0
1C0.5
2A0.5
3C0.5
4D0.5
5D0.5
6B0.5
7A0.5

8

- Lòng mãn nguyện vì đã đợi chờ được và chứng kiến sự trưởng thành của nhân vật tôi.

- Niềm hạnh phúc, vui mừng vì được gặp lại nhân vật tôi sau bao ngày xa cách.

0.5

9

Thông điệp:

- Cần biết quý trọng thời gian.

- Quý trọng tình cảm

- Sử dụng thời gian hợp lí

- Trân trọng giá trị cuộc sống……

1,0

10

- Cảm xúc và suy ngẫm của nhân vật tôi trước thời gian: bàng hoàng nhận ra sự chảy trôi tàn nhẫn của thời gian; lo lắng, băn khoăn về việc sẽ phải đối diện một mình với cuộc đời mênh mông phía trước

- Tầm quan trọng của việc sử dụng thời gian hợp lý: nâng cao năng suất, hiệu quả công việc; tiết kiệm được tiền bạc, công sức; cuộc sống có ích hơn...

1,0

II

VIẾT

4,0

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học

0,25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và nhân vật trong đoạn trích phần đọc hiểu.

0,5

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HV có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục.

Sau đây là một hướng gợi ý:

– Đảm bảo hình thức, cấu trúc của bài văn nghị luận.

– Xác định đúng vấn đề: phân tích, đánh giá chủ đề và nhân vật trong đoạn trích phần đọc hiểu.

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận

2. Thân bài

Lần lượt trình bày các luận điểm. Sử dụng lí lẽ và dẫn chứng để làm rõ luận điểm:

a. Khái quát chủ đề

- Ngợi ca tình người, đó như một điểm tựa nâng đỡ mỗi người, đặc biệt khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

- Cảm thức ám ảnh, tiếc nuối trước sự chảy trôi vô tận của thời gian.

b. Phân tích các nhân vật và mối liên hệ giữa các nhân vật

* Nhân vật tôi:

- Lai lịch: một đứa trẻ ở vùng quê xa xôi, sau rời lên thị trấn và dần trưởng thành, hiện là sinh viên ở một thành phố lớn

-Tâm trạng, nhận thức:

+ Lúc đầu khi rời làng vẫn vui vẻ, háo hức trở về làng thăm bà Hảo.

+ Về sau dần lãng quên nơi làng quê cũ cùng người bà thân yêu dù có chút ân hận .

+ Sau những vấp ngã gặp phải trên đường đời, nhân vật tôi trở về ngôi làng nhỏ năm xưa với mong muốn có một hành trình tìm lại chính mình. Bao nhiêu xúc động, nghẹn ngào xen lẫn nuối tiếc chợt ùa về khi anh gặp lại bà Hảo.

+ Nhận thức được qui luật nghiệt ngã của thời gian và đời người

* Nhân vật bà Hảo:

- Lai lịch: bà nội của Hoa- người bạn thân của nhân vật tôi

- Ngoại hình: đôi mắt không còn nhìn thấy, dáng vẻ chậm chạp theo thời gian

- Phẩm chất: nhân hậu với lòng quan tâm, yêu mến không chỉ dành cho Hoa mà còn cả với nhân vật tôi, thấu trải lẽ đời

- Hai nhân vật có mối liên hệ mật thiết, góp phần làm sáng tỏ chủ đề truyện.

c. Phân tích vai trò của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề và sự chi phối của chủ đề đối với đặc điểm nhân vật

- Lời thoại của các nhân vật mang đậm dấu ấn sự chi phối của chủ đề: từ lời nghẹn ngào, thảng thốt của nhân vật tôi cho đến những lời chân thành mà sâu sắc của nhân vật bà hảo.

- Trạng thái chết lặng cùng cảm xúc trăn trở của nhân vật tôi trước vòng xoáy của thời gian và cuộc đời là chi tiết đắt giá, làm nổi bật chủ đề của tác phẩm

3. Kết bài

- Bằng cách kể chuyện chân thật; lời kể tự nhiên, giàu cảm xúc; ngôn ngữ bình dị, tác phẩm đã đem đến cho người đọc câu chuyện cảm động về những tình cảm ấm áp trong cuộc sống

- Bài học với cuộc sống: rộng lòng yêu thương, bao dung độ lượng, biết quí trọng thời gian...

- Diễn đạt rõ ràng, dùng từ đặt câu đúng nghĩa, đúng ngữ pháp, đúng chính tả.

– Có những sáng tạo về ý tưởng hoặc có sự độc đáo về diễn đạt.

2.5

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25

e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy.

0,5

Tổng điểm

10.0

3. Đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

3.1 Đề kiểm tra học kì 2 Ngữ văn 10

SỞ GD&ĐT…………

TRƯỜNG………………….

(Đề thi gồm có … trang)

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC II

Môn: NGỮ VĂN 10

(Thời gian làm bài: 90 phút)

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

[…]

Dần dần Tân cũng quen với đứa trẻ lặng lẽ sống bên mình. Mỗi lần đi về, Tân lại đến cạnh cái nôi, vén tấm màn trắng lên và nhìn một lát đứa bé nằm trong đó vẫn hai tay cọ quậy và con mắt lờ đờ nhìn mọi vật. Tuy vậy, Tân không nhận thấy rõ rệt cái liên lạc gì với đứa trẻ. Vả lại chàng cũng không nghĩ sâu xa gì về sự đó, chỉ thoáng qua trong trí mà thôi.

Một lần, chàng đang ngồi làm việc ở bàn giấy thì nghe tiếng vợ tắm cho đứa bé ở trong buồng. Vợ chàng gọi:

- Cậu vào đây hộ tôi một tý.

Tân quay mặt vào phía buồng, đáp:

- Con sen đâu, sao không gọi nó?

- Nó còn bận giặt ngoài kia. Thì cậu vào hộ tôi một tí có làm sao. Giữ hộ tôi cái đầu để tôi tắm cho nó thôi mà.

Tân ngần ngại bỏ dở công việc:

- Nào thì vào!

Rồi chàng vào trong buồng ngồi xuống bên cái chậu, hai tay giữ lấy đầu đứa bé. Vợ chàng nói lấy lòng:

- Cậu chỉ cầm một tý thôi. Tôi tắm cho nó xong ngay bây giờ đây.

Tân nhìn đứa bé, không thích một chút nào. Cái thân hình ngắn ngủi và chân tay khẳng khiu của nó làm chàng khó chịu không muốn để ý đến. Chàng càu nhàu mắng đứa bé:

- Nằm im! Mày cứ cọ quậy bắn cả nước lên tao đây này.

Cái đầu đứa bé đầy xà phòng nên càng trơn khó giữ. Tân đã thấy mỏi tay. Chàng bảo vợ:

- Thôi, giữ lấy nó, tôi mỏi tay lắm rồi.

Vợ chàng hơi gắt:

- Hãy giữ một chút nữa. Mới có một tí thế đã kêu mỏi!

Cái giọng nói ấy làm cho Tân không bằng lòng. Chàng buông đứa trẻ, đứng dậy trả lời xẵng:

- Không phải công việc của tôi. Với lại tôi trông nó khó chịu lắm.

Tân không nhận thấy nét mặt ngạc nhiên và buồn rầu của vợ, bước ra ngoài. Một chút hối hận, đến cửa, làm chàng quay mặt lại: vợ chàng đang ôm đầu đứa bé trong lòng khóc nức nở.

Ra ngoài, Tân mới nhận thấy cái cử chỉ vô lý của mình. Một tình thương nảy nở trong lòng chàng. Tân muốn trở vào an ủi vợ, xin lỗi nàng vì đã làm nàng phải buồn rầu. Chàng đứng lại, định quay vào, nhưng không biết cái gì vẫn giữ chàng lại. Tân đến ngồi bên bàn, nghĩ ngợi.

Từ khi hai vợ chồng lấy nhau, những cuộc cãi cọ nhỏ mọn, không có nghĩa lý gì, vẫn thường xảy ra luôn. Vì một câu nói, vì một cớ không đâu, hai vợ chồng lại giận nhau. Mà cũng như lần này, Tân cảm thấy chàng chỉ nói một lời dịu ngọt, êm ái, là đủ cho hai bên hòa hợp lại như cũ. Nhưng những câu ấy tan đi trên miệng trước khi nói ra lời. Một ý xấu khiến chàng yên lặng, và xui chàng giận dữ thêm lên để lấy phần phải về mình.

Khi Tân trở lại phòng, chàng thấy vợ đang ngồi cho con bú. Đứa bé tắm rửa sạch sẽ trông hồng hào như đánh phấn. Cái bàn tay mập mạp xinh xắn của nó nắm chặt lấy tay mẹ như để cầu sự âu yếm và che chở. Thỉnh thỏang nó ầm ừ trong miệng có vẻ rất bằng lòng.

Tân lại gần cúi nhìn đứa bé. Chàng thấy trong lòng một mối cảm động êm đềm và phiền phức. Nhìn đứa trẻ ngây thơ nằm trong lòng mẹ, Tân cảm thấy lần đầu cái thiêng liêng sâu xa của sự sống, và nhận thấy chính cái bé nhỏ, hèn mọn hàng ngày phá hoại cuộc đời.

Từ đấy, đứa con như cái dây giữ sự hòa hợp trong hai vợ chồng. Tân và vợ chàng không cãi nhau nữa. Mà nếu có xảy ra cuộc hờn giận, hai người chỉ cùng trông đứa trẻ mũm mỉm là lại hòa hợp như cũ.

Thỉnh thỏang vợ chồng bồng con đưa đến trước mặt Tân, chỉ cho chàng biết những cái thay đổi trong đứa bé.

- Này cậu trông, cái thóp bây giờ đã nhỏ đi rồi đấy.

Tân cũng chăm chú xem, rồi nói chuyện với con. Lúc chàng ngẩng lên nhìn, chàng thấy vợ ngượng nghịu muốn giấu sự vui mừng làm ửng hồng đôi gò má. Tân cũng thấy trong tâm can một sự vui vẻ khác thường.

Buổi sáng nay, vừa bước chân vào trong nhà, Tân đã hỏi vợ:

- Em đâu?

- Nó ngủ, cái gì thế?

- Tôi có cái này hay lắm.

Tân giơ lên cho vợ xem một đôi bít tất len trắng xinh đẹp. Chàng bước lại bên cạnh cái nôi rủ màn trắng sạch sẽ.

Vợ chàng vội nói:

- Ấy, khẽ chứ cậu, để nó ngủ. Tôi vừa mới đặt xong.

Tân rón rén, khe khẽ giở tấm màn tuyn, nhìn thấy đứa trẻ nằm gọn trong vải trắng. Chàng cúi mình xuống, yên lặng đợi trên cặp môi nhỏ bé một nụ cười.

Và Tân thấy trong lòng rung động khẽ như cánh bướm non, một tình cảm sâu xa và mới mẻ chàng chưa từng thấy.

(Trích Đứa con đầu lòng, Thạch Lam, Tuyển tập Thạch Lam, NXB Thời đại, tr.10-12)

Lựa chọn đáp án đúng nhất:

Câu 1. Xác định ngôi kể của truyện.

A. Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ hai
C. Ngôi thứ ba
D. Kết hợp ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba

Câu 2. Tác giả chọn điểm nhìn nào?

A. Từ nhân vật Tân
B. Từ vợ Tân
C. Từ người vú em
D. Từ tác giả

Câu 3. Đoạn trích viết về đề tài gì?

A. Tình yêu quê hương
B. Cuộc sống gia đình
C. Tình cha con
D. Tình vợ chồng

Câu 4. Không gian của đoạn trích diễn ra ở đâu?

A. Căn phòng hộ sinh
B. Căn phòng trọ
C. Nhà mẹ Tân
D. Căn nhà của vợ chồng Tân

Câu 5. Đoạn trích viết về chủ đề gì?

A. Tình cảm vợ chồng thắm thiết, thuỷ chung
B. Sự nảy nở kì diệu, thiêng liêng của tình mẫu tử.
C. Sự nảy nở kì diệu, thiêng liêng của tình phụ tử.
D. Tình cảm gia đình thiêng liêng, cao quý.

Câu 6. Khi được vợ nhờ giữ đứa con mới sinh để tắm cho con, thái độ của Tân thế nào?

A. Khó chịu, càu nhàu
B. Vui vẻ, nhiệt tình
C. Bực tức, khó chịu
D. Thờ ơ, lạnh nhạt

Câu 7. Dòng nào nêu đúng nội dung khái quát của đoạn trích?

A. Nỗi buồn của Tân khi đứa con đầu lòng chào đời
B. Những rung động của Tân khi vợ sinh con đầu lòng
C. Những cảm giác của Tân khi đón đứa con đầu lòng chào đời.
D. Trạng thái, cảm xúc của Tân khi ngắm con đầu lòng

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu:

Câu 8. Nêu đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích?

Câu 9. Thông điệp nhà văn gửi gắm đến độc giả qua đoạn trích?

Câu 10. Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) nêu suy nghĩ của anh/chị về tình phụ tử

PHẦN II. VIẾT (4,0 điểm)

Viết bài văn nghị luận phân tích và đánh giá nhân vật Tân trong đoạn trích truyện “Đứa con đầu lòng” - Thạch Lam

3.2 Đáp án đề thi học kì 2 Ngữ văn 10

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

6,0

1

C

0.5

2

A

0.5

3

B

0.5

4

D

0.5

5

C

0.5

6

A

0.5

7

C

0.5

8

Đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích:

- Cốt truyện đơn giản, không phức tạp

- Đi sâu vào khai thác thế giới nội tâm của nhân vật

- Ngôn ngữ trong sáng, giàu tình cảm, giàu chất thơ

0.5

9

Thông điệp:

- Sự ấm áp của tình yêu thương

- Trân trọng, nâng niu tình cảm gia đình

- Trân trọng vẻ đẹp giản dị của cuộc sống thường nhật

1,0

10

HS bày tỏ suy nghĩ về tình phụ tử bằng đoạn văn 5 – 7 câu:

- Tình phụ tử - những tình cảm mà người cha giành cho người con của mình

- Vai trò: Tình phụ tử sẽ giúp chúng ta bước qua sóng gió cuộc đời, nó cũng như tình mẹ vậy, vô cùng mãnh liệt, vô cùng vững bền. Cha cũng như mẹ, luôn lo lắng cho ta, luôn bao dung cho ta mọi lỗi lầm cùng như sai trái. Nếu như mẹ ân cần khuyên bảo, nhẹ nhàng răn dạy chúng ta để chúng ta đi đúng con đường đời thì cha lại khác.

1,0

II

VIẾT

4,0

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học

0,25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận.

Viết bài văn nghị luận phân tích và đánh giá nhân vật Tân trong đoạn trích truyện “Đứa con đầu lòng” - Thạch Lam

0,5

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HV có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục.

Sau đây là một hướng gợi ý:

– Đảm bảo hình thức, cấu trúc của bài văn nghị luận.

– Xác định đúng vấn đề: Phân tích và đánh giá nhân vật Tân trong đoạn trích.

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về nhân vật và vấn đề phân tích.

2. Thân bài

Lần lượt trình bày các luận điểm. Sử dụng lí lẽ và dẫn chứng để làm rõ luận điểm:

- Những cảm giác của Tân khi đón đứa con đầu lòng chào đời (từ lúc ở phòng hộ sinh, khi về nhà, từ chôc thấy xa lạ, thậm chí khó chịu, đến khi nhận ra một tình cảm sâu xa và mới mẻ chàng chưa từng thấy)

- Câu chuyện chỉ giản đơn xoay quanh Tân và sự chào đời của đứa con đầu lòng của vợ chồng chàng. Không làm độc giả thót tim với những tình tiết gay cấn hay lấy nước mắt bao anh chàng, cô nàng bằng những câu chuyện tình trắc trở, những tình tiết và suy nghĩ của nhân vật gắn chặt với cuộc sống, rất chân thật. Truyện vẫn nối tiếp phong cách văn chương của Thạch Lam khi là một dòng chảy của suy cảm, mênh mang bao cảm xúc của nhân vật Tân.

- Những suy nghĩ ấy có thể phân chia làm ba giai đoạn:

+ Trong lúc vợ sinh con, mâu thuẫn trong lần tắm cho em bé và sau cùng là những thay đổi tích cực trong tâm tưởng chàng. Những đối thoại giữa các nhân vật với nhau rất thưa thớt và kiệm lời, thay vào đó là dòng suy nghĩ miên man.

+ Nhìn ngắm đứa con vừa mới lọt lòng, chàng “ thấy một cảm tưởng lạ, không rõ rệt, nẩy nở trong lòng. Nhưng cái rúm thịt động đậy, cái mầm sống nhỏ mọn và yếu ớt kia hình như không có một chút liên lạc gì với chàng cả. Tân không thấy cảm động như chàng tưởng, và cũng không thấy có một cảm tình gì đối với đứa con mới đẻ ”. Rồi chàng làm quen với việc có thêm một thành viên đặc biệt trong gia đình, song với chàng “ Tân không nhận thấy rõ rệt cái liên lạc gì với đứa trẻ. Vả lại chàng cũng không nghĩ sâu xa gì về sự đó, chỉ thoáng qua trong trí mà thôi ”. Những ý nghĩ lạ lùng này khiến người đọc băn khoăn và quyết tâm theo dõi đến cùng câu chuyện.

+ Đỉnh điểm của chuỗi cảm xúc này là việc Tân khó chịu khi phải giúp vợ tắm cho con. Với Tân, đó là lần chàng làm vợ buồn vì hờ hững, thậm chí bực dọc khi giúp vợ tắm cho con. Những suy nghĩ hỗn loạn, người ta biết mình sai nhưng không có đủ can đảm để sửa chữa: “Ra ngoài, Tân mới nhận thấy cái cử chỉ vô lý của mình. Một tình thương nảy nở trong lòng chàng. Tân muốn trở vào an ủi vợ, xin lỗi nàng vì đã làm nàng phải buồn rầu. Chàng đứng lại, định quay vào, nhưng không biết cái gì vẫn giữ chàng lại. Tân đến ngồi bên bàn, nghĩ ngợi”.

Phải có đủ thời gian và đủ thử thách, cuối cùng Tân mới nhận ra với chàng, với cuộc sống bình thường trước kia, đứa bé thật sự là một điều kì diệu. Chàng kịp nhận ra vẻ đẹp đáng nâng niu của con chàng: “Đứa bé tắm rửa sạch sẽ trông hồng hào như đánh phấn. Cái bàn tay mập mạp xinh xắn của nó nắm chặt lấy tay mẹ như để cầu sự âu yếm và che chở”. Và từ đây, nó trở thành một phần không thể bức lìa trong cuộc sống của chàng, là mối dây ràng buộc chàng với gia đình

Tân lại gần cúi nhìn đứa bé. Chàng thấy trong lòng một mối cảm động êm đềm và phiền phức. Nhìn đứa trẻ ngây thơ nằm trong lòng mẹ, Tân cảm thấy lần đầu cái thiêng liêng sâu xa của sự sống, và nhận thấy chính cái bé nhỏ, hèn mọn hàng ngày đang phá hoại cuộc đời”. Và cuối truyện, khi mọi chuyện được giải quyết, trong Tân một dòng suy nghĩ khác lại ngự trị “Tân thấy trong lòng rung động khẽ như cánh bướm non, một tình cảm sâu xa và mới mẻ chàng chưa từng thấy”. Một câu chuyện, bao cảm xúc, quắn quện nhiều khi đến đạm đặc, nhưng rất người, rất thật, làm rung động sâu xa trong lòng người

3. Kết bài

- Nêu nhận xét, đánh giá về nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả

- Nêu cảm nhận, suy nghĩ của em về nhân vật Tân

- Diễn đạt rõ ràng, dùng từ đặt câu đúng nghĩa, đúng ngữ pháp, đúng chính tả.

– Có những sáng tạo về ý tưởng hoặc có sự độc đáo về diễn đạt.

2,5

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25

e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy.

0,5

Tổng điểm

10.0

,.............

Tải file tài liệu để xem thêm Đề kiểm tra cuối kì 2 Ngữ văn 10 

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 15.080
  • Lượt xem: 177.811
  • Dung lượng: 406,4 KB
Sắp xếp theo