Đề cương ôn tập học kì 2 môn Ngữ văn 10 sách Kết nối tri thức với cuộc sống Ôn tập Ngữ văn lớp 10 học kì 2 (Có đáp án)

Đề cương ôn tập cuối học kì 2 Ngữ văn 10 Kết nối tri thức năm 2023 - 2024 là tài liệu rất hay dành cho các bạn học sinh tham khảo. Tài liệu bao gồm cấu trúc, trọng tâm kiến thức và 2 đề thi minh họa có đáp án giải chi tiết.

Đề cương ôn tập học kì 2 Ngữ văn 10 Kết nối tri thức giúp các bạn làm quen với các dạng bài tập, nâng cao kỹ năng làm bài và rút kinh nghiệm cho bài thi cuối học kì 2 lớp 10. Từ đó có định hướng, phương pháp học tập để đạt kết quả cao trong các bài kiểm tra. Vậy sau đây là trọn bộ đề cương học kì 2 Ngữ văn 10 Kết nối tri thức năm 2023 - 2024 mời các bạn theo dõi. Ngoài ra các bạn xem thêm đề cương ôn tập học kì 2 Vật lí 10 Kết nối tri thức.

I. Về cấu trúc bài kiểm tra

Đề kiểm tra bao gồm 2 phần

- Phần I. Đọc hiểu văn bản ngoài SGK (6,0 điểm)

+ TNKQ: (3,5 đ) gồm 7 câu hỏi.

+ Tự luận: (1,5 đ) gồm 3 câu hỏi.

- Phần II. Làm văn (4,0 điểm)

+ Kiểu bài nghị luận về một tác phẩm thơ

II. Về thời gian làm bài

Thời gian làm bài là 90 phút

III. Trọng tâm kiến thức ôn tập để kiểm tra

- Đọc hiểu được văn bản nghị luận (văn học và xã hội)

+ Nhận biết được nội dung, mối quan hệ, cách sắp xếp của luận đề, luận điểm, lí lẽ, dẫn chứng tiêu biểu và vai trò của các yếu tố biểu cảm trong văn bản nghị luận. Xác định được mục đích, quan điểm của người viết và ý nghĩa, tác động của văn bản đối với bản thân.

+ Nhận biết và phân tích đặc tính mạch lạc, tính liên kết của đoạn văn và văn bản. Từ đó nhận biết và sửa lỗi về mạch lạc, liên kết trong đoạn văn và văn bản

+ Viết được văn bản nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn học.

- Nắm chắc những đặc điểm về hình thức thể loại của thể thơ tự do

+ Biết vận dụng những kiến thức về bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội, tác giả, thể loại, những kiến thức về tiếng Việt, các biện pháp tu từ vv… đã được học để cảm nhận, đánh giá một văn bản thơ

+ Nhận biết, đánh giá được giá trị thẩm mĩ của các yếu tố hình thức( nhân vật trữ tình, hình ảnh, từ ngữ, vần, nhịp…) và nội dung( cảm hứng chủ đạo, chủ đề…) trong bài thơ trữ tình( thể thơ tự do)

+ Biết lập dàn ý và viết bài văn nghị luận phân tích, cảm nhận, đánh giá về một tác phẩm thơ thông qua các yếu tố hình thức và nội dung trong bài thơ trữ tình( thể thơ tự do) viết về đề tài quê hương, đất nước.

- Biết quý trọng giá trị của cuộc sống, cảm nhận được những tình cảm tốt đẹp. Biết rút ra được những thông điệp, bài học bổ ích cho bản thân và xã hội: Yêu quý, tự hào, có trách nhiệm với quê hương, đất nước; trân trọng, biết ơn các thế hệ đi trước.

- Giữ gìn và phát huy những giá trị nhân văn cao đẹp (yêu thương, chia sẻ, cảm thông…) trân trọng và yêu thích khám phá vẻ đẹp của tác phẩm văn học.

IV. Đề thi minh họa cuối kì 2 Văn 10

ĐỀ SỐ 1

Phần 1: Đọc hiểu (6 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

...Tôi vội vàng nhét vào trong chiếc túi cấp dưỡng nhọ nhem của chị một chiếc phong bì niêm rất cẩn thận. Suốt buổi trưa, tôi đã mượn giấy bút biên cho Nguyệt lá thư đầu tiên.

Ra đến rừng săng lẻ, tôi chưa về chỗ giấu xe vội mà men ra bờ sông ngoài cầu. Con sông miền Tây in đầy bóng núi xanh thẫm, hai bên bờ cỏ lau chen với hố bom. Chiếc cầu bị cắt làm đôi như một nhát rìu phang rất ngọt. Ba nhịp phía bên này đổ sập xuống, những phiến đá xanh lớn rơi ngổn ngang dưới lòng sông, chỉ còn hai hàng trụ đứng trơ vơ giữa trời. Tôi đứng bên bờ sông, giữa cảnh một chiếc cầu đổ và lại tự hỏi: Qua bấy nhiêu năm tháng sống giữa bom đạn và cảnh tàn phá những cái quý giá do chính bàn tay mình xây dựng nên, vậy mà Nguyệt vẫn không quên tôi sao? Trong tâm hồn người con gái nhỏ bé, tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn giội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nổi ư?

(Trích Mảnh trăng cuối rừng , Nguyễn Minh Châu - Truyện ngắn, NXB Văn học, Hà Nội, 2003, tr. 62)

Câu 1 (1,0 điểm): Xác định ngôi kể và phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.

Câu 2 (1,0 điểm): Trong đoạn trích, tác giả đã chọn những chi tiết nào để tả về cầu?

Câu 3 (1,0 điểm): Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Trong tâm hồn người con gái nhỏ bé, tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn giội xuống cũng không hề đút, không thể nào tán phá nổi ư?”

Câu 4 (1,0 điểm): Tư tưởng của nhà văn thể hiện qua đoạn trích trên là gì?

Câu 5 (2,0 điểm): Anh/chị hãy viết đoạn văn ngắn nhận xét quan niệm về con người của tác giả qua đoạn trích trên.

Phần 2: Viết (4 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận xã hội về cách ứng xử trên không gian mạng.

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần 1: Đọc hiểu (6 điểm)

Câu

Đáp án

Điểm

Câu 1

- Ngôi kể: ngôi thứ nhất.

- Phương thức biểu đạt: tự sự

1,0 điểm

Câu 2

Trong đoạn trích, tác giả đã chọn những chi tiết để tả cây cầu: “Chiếc cầu bị cắt làm đôi như một nhát rìu phang rất ngọt. Ba nhịp phía bên này đổ sập xuống, những phiến đá xanh lớn rơi ngổn ngang dưới lòng sông, chỉ còn hai hàng trụ đứng trơ vơ giữa trời.”, “cảnh một chiếc cầu đổ”.

1,0 điểm

Câu 3

- Biện pháp tu từ ẩn dụ.

- Tác dụng: thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, sức mạnh tình yêu, niềm tin vào cuộc sống của người con gái. Tác giả sử dụng biện pháp này nhằm tăng sức gợi hình gợi cảm giúp câu văn thêm sinh động, hấp dẫn và lôi cuốn người đọc.

1,0 điểm

Câu 4

Tư tưởng của nhà văn thể hiện qua đoạn trích: ca ngợi, đề cao vẻ đẹp tâm hồn của người con gái, sức mạnh ý chí, nghị lực, niềm tin vào sự sống bất diệt.

1,0 điểm

Câu 5

HS nhận xét quan niệm về con người của tác giả qua đoạn trích.

+ Đảm bảo yêu cầu hình thức: đoạn văn.

+ Đảm bảo yêu cầu nội dung.

Gợi ý: quan niệm nghệ thuật về con người trong đoạn trích: con người thời chiến mang theo vẻ đẹp anh hùng. Vẻ đẹp của họ là vẻ đẹp lãng mạn, là sự hòa nhập giữa cái tôi với cái ta cộng đồng. Cái tôi riêng chung ấy chính là quan niệm nghệ thuật của con người thời chiến.

2,0 điểm

Phần 2: Viết (4 điểm)

Câu

Đáp án

Điểm

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

0,25 điểm

0,25 điểm

2,5 điểm

0,5 điểm

0,5 điểm

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Cách ứng xử trên không gian mạng.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới:

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: ứng xử trên mạng xã hội

2. Thân bài

- Khái niệm: Mạng xã hội là một nền tảng trực tuyến với nhiều chức năng khác nhau, mọi người có thể dễ dàng kết nối tại bất kỳ nơi nào bằng phương tiện điện tử như điện thoại, máy tính.

- Thực trạng:

+ Theo làn sóng công nghệ 4.0, mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ và phổ biến với tất cả mọi người.

+ Tại Việt Nam, hầu hết mọi người đều sử dụng ít nhất 1 mạng xã hội, ví dụ Facebook, Zalo, Instagram, ...

+ Trên mạng xã hội, mỗi người lại có cách nhìn, cách cư xử khác nhau, có thể là lịch sự, có thể khiếm nhã thậm chí khiếm nhã. Nghiêm trọng hơn, hiện tượng bạo lực trên mạng xã hội xuất hiện và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

- Nguyên nhân

+ Chủ quan: Do ý thức của một bộ phận chưa tốt, suy nghĩ nông cạn, thường xuyên công kích, nói xấu người khác trên mạng xã hội.

+ Khách quan: do sự kiểm duyệt chưa thật sự chặt chẽ của nhà mạng, công ty chịu trách nhiệm với mạng xã hội, hành lang pháp lý còn thiếu sót, giáo dục chưa thật sự hiệu quả,...

- Hậu quả: Xung đột, cãi vã, các hậu quả nghiêm trọng khôn lường như: tự tử, xung đột ngoài đời thật...

- Dẫn chứng: Tự tử vì bạo lực mạng

- Giải pháp: Tuyển truyền, giáo dục, kiểm soát chặt chẽ mạng xã hội,...

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: ứng xử trên mạng xã hội là vấn đề cần được quan tâm.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

e. Sáng tạo

- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

ĐỀ SỐ 2

I. PHẦN ĐỌC - HIỂU (6 điểm)

Chợ họp giữa phố đã vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía. Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này. Một vài người bán hàng về muộn đang thu xếp hàng hóa, đòn gánh đã xỏ sẵn vào quang rồi, họ còn đứng nói chuyện với nhau ít câu nữa.

Mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre, hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng để lại. Liên trông thấy động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó.

Trời nhá nhem tối, bây giờ chị em Liên mới thấy thằng cu bé xách điếu đóm và khiêng hai cái ghế trên lưng ở trong ngơ đi ra; chị Tí, mẹ nó, theo sau, đội cái chỏng trên đầu và tay mang không biết bao nhiêu là đồ đạc: tất cả cái cửa hàng của chị.

(Trích "Hai đứa trẻ", Thạch Lam)

Câu 1: Xác định ngôi kể của đoạn trích và nêu tác dụng.

Câu 2: Nhận xét về giọng điệu của tác giả trong đoạn trích. Giọng điệu có góp phần thể hiện phong cách nhà văn không?

Câu 3: Chi tiết “Liên trông thấy động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó.” hé lộ điều gì về hoàn cảnh và tính cách của nhân vật Liên?

Câu 4: Biện pháp tu từ điệp ngữ trong câu “Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này” có tác dụng gì?

Câu 5: Trong đoạn trích, nhà văn bày tỏ niềm cảm thông, thương xót đối với những người có số phận như thế nào?

Câu 6: Viết đoạn văn ngắn phân tích về bức tranh phố huyện trong đoạn trích.

II. PHẦN LÀM VĂN: (4.0 điểm)

Viết bài văn trình bày suy nghĩ của anh/chị về văn hóa đọc hiện nay

HƯỚNG DẪN CHẤM

I. PHẦN ĐỌC - HIỂU (6 điểm)

Câu

Đáp án

Điểm

Câu 1

- Ngôi kể: ngôi thứ ba - người kể chuyện toàn tri.

- Tác dụng: giúp lời kể khách quan, chân thực, tạo sự tin tưởng ở người đọc; tạo điều kiện cho nhà văn đi sâu khai thác tâm lí nhân vật và linh hoạt trong điểm nhìn.

0,5 điểm

Câu 2

- Giọng điệu: nhẹ nhàng, sâu lắng, thiết tha, đậm chất trữ tĩnh.

- Giọng điệu là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện phong cách nhà văn.

0,5 điểm

Câu 3

- Hoàn cảnh: Liên cũng như bao con người ở phố huyện có số phận nghèo khổ, tăm tối, quẩn quanh.

- Tâm hồn: nhân hậu, tinh tế, nhạy cảm, dễ rung động trước nỗi khổ của người khác.

1,0 điểm

Câu 4

Tác dụng của biện pháp tu từ: nhấn mạnh, gây ấn tượng sâu sắc với người đọc về đặc điểm của phố huyện nghèo. Cái mùi “âm ẩm”, “hơi nóng của ban ngày” cùng với “mùi cát bụi” dường thấm sâu vào lòng đất, khiến con người quá quen thuộc tới nỗi cảm thấy nó trở thành mùi riêng của phố huyện. Mùi đất cát ấy gợi lên cái nghèo khó, tù túng của mảnh đất và cả con người nơi đây.

1,0 điểm

Câu 5

Nhà văn bày tỏ niềm cảm thông trước những số phận bị lãng quên trong đói nghèo, cơ cực, sống trong vòng quay u tối, tàn tạ, chán chường. Họ không phải là những người bị dồn ép tới mức cùng đường tuyệt lộ nhưng đã bị quên lãng, không có lấy một niềm vui hay hy vọng đổi đời nào.

1,0 điểm

Câu 6

* Bức tranh phố huyện trong đoạn trích:

- Khung cảnh vắng vẻ, hiu quạnh, không giống một khu chợ bình thường

+ Chợ họp giữa phố đã vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất.

+ Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía. Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc

- Con người đáng thương, khổ sở:

+ Một vài người bán hàng về muộn đang thu xếp hàng hóa, đòn gánh đã xỏ sẵn vào quang rồi

+Mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre, hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng để lại. => những đứa trẻ tội nghiệp, cố tìm kiếm hy vọng khiến Liên động lòng thương.

+ thằng cu bé xách điếu đóm và khiêng hai cái ghế trên lưng ở trong ngơ đi ra; chị Tí, mẹ nó, theo sau, đội cái chỏng trên đầu và tay mang không biết bao nhiêu là đồ đạc: tất cả cái cửa hàng của chị => hình ảnh con người đi ra từ bóng tối mang theo sự nghèo khổ, cũ kĩ.

=> Khung cảnh phố huyện đìu hiu, quạnh quẽ, có xuất hiện con người nhưng vẫn tù túng, lạnh lẽo, không có hơi ấm

* Chốt lại những đặc sắc nghệ thuật: ngôi kể thứ ba, giọng điệu nhẹ nhàng, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật,…

II. PHẦN VIẾT (4 điểm)

II

VIẾT

4,0

a. Đảm bảo hình thức bài văn.

0,25

b. Xác định đúng yêu cầu của đề.

Trình bày suy nghĩ về văn hóa đọc.

0,25

c.Triển khai vấn đề cần nghị luận

2.5

Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng lập luận thuyết phục, diễn đạt nhiều cách hợp lí. Dưới đây là một số gợi ý:

- Giải thích được khái niệm văn hóa đọc.

- Nêu lên thực trạng văn hóa đọc hiện nay:

VD

+ Tích cực: chất lượng và số lượng sách được giới thiệu đến độc giả tăng cao, các hội sách được mở, độc giả nhiều lứa tuổi,…

+ Tiêu cực: sách báo truyền thống bị lãng quên, mạng xã hội chiếm ưu thế,…

- Nêu nguyên nhân dẫn đến sự tích cực/tiêu cực ấy:

VD: kinh tế và công nghệ phát triển kéo theo nhiều hệ quả.

- Đề xuất giải pháp để phát triển văn hóa đọc.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,5

e. Sáng tạo: Có cách phân tích và diễn đạt mới mẻ, sâu sắc.

0,5

Chia sẻ bởi: 👨 Đỗ Duyên
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 292
  • Lượt xem: 4.730
  • Dung lượng: 180,5 KB
Sắp xếp theo