Văn mẫu lớp 11: Đoạn văn về mối liên hệ giữa các chi tiết, hình ảnh đã làm nên thế giới cảm xúc nhớ đồng Những bài văn hay lớp 11
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) làm sáng tỏ mối liên hệ giữa các chi tiết, hình ảnh đã làm nên thế giới cảm xúc “nhớ đồng” trong bài thơ tổng hợp 5 đoạn văn mẫu siêu hay, ngắn gọn. Qua đó giúp các bạn lớp 11 có thêm nhiều gợi ý tham khảo, củng cố kiến thức để biết cách viết đoạn văn hay.
TOP 5 đoạn văn về mối liên hệ giữa các chi tiết, hình ảnh trong bài Nhớ đồng được viết rất hay, rõ dàng dễ hiểu, giúp các em biết cách trả lời trả lời câu hỏi phần Kết nối đọc viết sách Ngữ văn 11 sách Kết nối tri thức với cuộc sống tập 1. Đồng thời hiểu được ý nghĩa mối liên hệ giữa các chi tiết hình ảnh trong bài Nhớ đồng. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài văn Phân tích Nhớ đồng và rất nhiều tài liệu khác tại chuyên mục Văn 11 Kết nối tri thức.
Viết đoạn văn về mối liên hệ giữa các chi tiết, hình ảnh trong bài Nhớ đồng
Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) làm sáng tỏ mối liên hệ giữa các chi tiết, hình ảnh đã làm nên thế giới cảm xúc “nhớ đồng” trong bài thơ.
Đoạn văn mẫu 1
Bài thơ Nhớ đồng là lời người chiến sĩ cộng sản trong những năm tháng ngục tù. Một tiếng hò vang vọng đã đánh thức và khơi dậy nỗi niềm nhớ thương về hình ảnh cánh đồng, hay cũng chính là quê hương. Bức tranh thiên nhiên hiện lên trong tâm tưởng của người tù với những chi tiết, hình ảnh quen thuộc. Không chỉ là cảnh đồng lúa, khóm tre, nương rẫy hay những mái nhà tranh, mà còn có những người nông dân cơ cực, bóng dáng người mẹ già. Từng lời thơ vang lên bộc lộ nỗi niềm nhớ thương da diết, đầy cảm xúc và chân thành. Điệp ngữ “gì sâu bằng…” muốn nói về nỗi nhớ sâu thẳm trong cõi lòng của nhân vật trữ tình. Còn điệp ngữ “đâu những…” gợi ra nỗi day dứt tìm kiếm trở về với cuộc sống khi xưa, tìm kiếm sự yên bình nơi quê hương trong sự ngậm ngùi, chua xót. Tất cả đã làm nên thế giới cảm xúc trong “nhớ đồng” trong bài thơ.
Đoạn văn mẫu 2
Bài thơ "Nhớ đồng" thể hiện nỗi nhớ thương da diết của tác giả về quê hương. Các hình ảnh, chi tiết trong bài thơ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, cùng nhau góp phần làm nổi bật tâm trạng của người tù cách mạng. Những cảnh sắc như "xóm nhà chìm lặng", "con đường mòn mỏi theo năm tháng" đều in hằn trong tâm trí thi nhân. Không chỉ nhớ về những cảnh vật quê hương mà nhà thơ còn nhớ về người mẹ chịu thương, chịu khó. Đặc biệt, hình ảnh "Cánh chim buồn nhớ gió mây" gợi cho người đọc nhiều suy ngẫm. Tác giả cũng giống như cánh chim kia, đều ước ao được tự do. Qua đây, ta có thể thấy được tinh thần của Tố Hữu. Nhà tù thực dân Pháp có thể giam cầm được thân xác của người chiến sĩ nhưng không thể giam cầm được một tâm hồn yêu quê hương, yêu nước của người chiến sĩ trẻ.
Đoạn văn mẫu 3
"Nhớ đồng" là bài thơ được ra đời trong hoàn cảnh Tố Hữu đang bị bắt giam. Vậy nên những hình ảnh trong tác phẩm cũng gợi nhiều đến nỗi nhớ nhung da diết của nhà thơ về cuộc sống bên ngoài nhà tù. "Ruồng tre", "ô mạ xanh mơn mởn", "nương khoai ngọt sắn bùi" đều là những chi tiết thân quen nhất của quê hương, gắn với tâm trí của Tố Hữu. Tác giả còn nhớ "tiếng hò" - âm thanh thân thương. Trong hoàn cảnh lao tù, nhà thơ không ngừng nghĩ về "những bóng lưng cong xuống luống cày". Đó là bóng dáng của người mẹ với sự nhọc nhằn vất vả cả cuộc đời. Tất cả những hình ảnh, chi tiết trong bài thơ đều đều nhằm bộc lộ nỗi nhớ quê tràn ngập trong lòng thi nhân. Đằng sau nỗi nhớ thương ấy là tình yêu yêu cuộc sống thiết tha và khao khát được tự do của người chiến sĩ cách mạng.
Đoạn văn mẫu 4
Tố Hữu đã bộc lộ cảm xúc “nhớ đồng” của mình bằng hệ thống các hình ảnh rất gần gũi và thân quen. Các hình ảnh ấy có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, cùng nhau làm nổi bật tâm trạng của người tù cách mạng. Đồng quê hiện lên rất đậm nét qua nỗi nhớ của tác giả. Đó là những cảnh sắc như đồng ruộng với những cồn thơm, ô mạ xanh mơn mởn, nương khoai sắn ngọt bùi; xóm nhà chìm lặng, con đường mòn mỏi theo năm tháng. Tất cả đều là những cảnh sắc đơn sơ quen thuộc mà rất đỗi thân thương. Từ nỗi nhớ đồng quê, nhà thơ nhớ về những người nông dân cần lao và nhớ về người mẹ hồn hậu của mình. Những nỗi nhớ và thực tại tù hãm đã thôi thúc tâm trí nhà thơ nhớ về những ngày tháng gian nan đi tìm chân lí cuộc đời và sự hạnh phúc đến vô cùng khi ông được giác ngộ lí tưởng Cách mạng. Cả bài thơ thấm đượm nỗi nhớ thương da diết, khôn nguôi; khiến độc giả thêm cảm phục hình ảnh người chiến sĩ cách mạng - nhà thơ Tố Hữu.
Đoạn văn mẫu 5
Bài thơ “Nhớ đồng” là một sự tổng hòa giữa tâm trạng, cảm xúc lẫn lý tưởng của tác giả - một người thanh niên trẻ đang chịu cảnh tù đày. Bài thơ được đi theo một tuần tự hợp lý, từ hình ảnh quê hương hiện lên đến việc tìm ra chân lý, lý tưởng cách mạng của tác giả. Từ đó, ta có thể hiểu nhờ vào tình yêu quê hương, yêu từ những thứ nhỏ bé, bình dị nhất đã giúp tác giả tìm ra triết lý sống cho mình. Những tình cảm nhỏ bé đã vun đắp cho tâm hồn của người thanh niên, đưa anh đến gần với lý tưởng cách mạng. Nó như một điều kiện cần, căn bản cần có của một người chiến sĩ cách mạng đó là tình yêu quê hương, đất nước. Bởi vậy, những hình ảnh đó trong bài thơ đã góp một phần quan trọng giúp ta hiểu được tâm tư, tình cảm của tác giả, nỗi nhớ cùng niềm khát khao cháy bỏng của một người thanh niên trẻ yêu nước da diết.