Phân tích bài thơ Mùa thu và mẹ của Lương Đình Khoa Viết bài văn nghị luận về một tác phẩm thơ lớp 11

Phân tích bài thơ Mùa thu và mẹ của Lương Đình Khoa mang đến bài văn mẫu cực hay, ấn tượng nhất. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao kỹ năng viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ hay.

Mùa thu và mẹ là bài thơ rất hay giúp chúng ta cảm nhận được sự hy sinh lớn lao của người phụ nữ trong gia đình, đồng thời nhà thơ cũng muốn gửi gắm cho độc giả một thông điệp ý nghĩa về tình mẫu tử. Để hiểu rõ hơn về bài thơ mời các bạn cùng theo dõi bài văn mẫu phân tích Mùa thu và mẹ trong bài viết dưới đây. Ngoài ra các bạn xem thêm bài văn mẫu phân tích bài thơ Áo trắng, phân tích bài thơ Hoa cau.

Phân tích Mùa thu và mẹ của Lương Đình Khoa

Lương Đình Khoa là một nhà thơ trẻ tài năng của nền văn học Việt Nam. Từng câu thơ trong sáng tác của Lương Đình Khoa đểu ẩn chứa một tâm hồn trong sáng và tràn đầy yêu thương. Trong đó, có bài thơ “Mùa thu và mẹ” là một trong những tác phẩm mang lại cho độc giả nhiều suy ngẫm về tình mẫu tử thiêng liêng. Mùa thu là một mùa gợi cho ta nhiều cảm xúc và với Lương Đình Khoa, mùa thu còn gắn liền với hình ảnh người mẹ hiền dịu, tảo tần. Tác giả đã vẽ nên một bức tranh chân thực về mẹ với hình ảnh người mẹ tảo tần, giàu tình yêu thương và luôn hết lòng hy sinh cho các con và gia đình.

Mở đầu bài thơ, tác giả miêu tả về một không gian mùa thu yên bình. Tác giả nhớ về người mẹ yêu thương, người đã dành cả cuộc đời để chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái. Người mẹ được tác giả miêu tả như một người phụ nữ hiền lành, dịu dàng và đầy tình yêu thương con:

“Mẹ gom lại từng trái chín trong vườn
Rồi rong ruổi trên nẻo đường lặng lẽ
Ôi, những trái na, hồng, ổi, thị....
Có ngọt ngào năm tháng mẹ chắt chiu!”

Người mẹ gom lại những loại quả chín mùa thu rồi lặng lẽ gánh hàng “rong ruổi trên mọi nẻo đường” bán hàng để nuôi con, dù có vất vả, mẹ cũng chẳng phàn nàn tất cả chỉ vì con. Nhà thơ sử dựng biện pháp liệt kê “những trái na, hồng, ổi, thị…” để nhấn mạnh đó là những món quà quê hương được chắt chiu từ bàn tay mẹ qua bao tháng năm. Hình ảnh ẩn dụ “ngọt ngào năm tháng mẹ chắt chiu” là những tháng ngày vất vả của người mẹ, luôn dành dụm, lặng lẽ vun vén cho gia đình, cho các con. Vị “ngọt ngào” mà được tác giả cảm nhận tạo cũng chính là vị ngọt từ những loại quả được chăm sóc từ những giọt mồ hôi, từ bàn tay khéo léo và sự tảo tần, chắt chiu của người mẹ.

Khổ thơ thứ hai là sự đồng cảm, thấu hiểu của người con với những vất vả, sự hy sinh cao cả của người mẹ. Mẹ là người đã luôn thầm lặng dành dụm cho con tất cả mọi điều tốt đẹp nhất, từng giọt mồ hôi, từng tia nắng mẹ cũng đều gánh vác vì con:

“Con nghe mùa thu vọng về những thương yêu
Giọt mồ hôi rơi trong chiều của mẹ
Nắng mong manh đậu bên thật khẽ
Đôi vai gầy nghiêng nghiêng!”

Hình ảnh “giọt mồ hôi rơi trong chiều của mẹ”, “nắng mong manh đậu bên thật khẽ” là những hình ảnh ẩn dụ, so sánh đầy sáng tạo, nhấn mạnh sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của người mẹ dành cho con. Nắng chiều mùa thu vốn dịu dàng, mà sao trên trán mẹ vẫn lấm tấm mồ hôi, đôi vai gầy gò vì nặng gánh mà “nghiêng nghiêng”. Câu thơ cuối đã gợi lên trong lòng người đọc một niềm thương cảm sâu sắc, nỗi xót xa dành cho sự vất vả của người mẹ.

Khổ thơ cuối miêu tả cảnh đêm khuya khi mẹ ho thao thức. Mẹ lo toan, vất vả, nhưng chưa bao giờ mẹ than phiền với con. Nỗi lòng mẹ chỉ cất giấu trong những đêm dài thao thức, tiếng ho xen lẫn tiếng nấc nghẹn ngào:

“Heo may thổi xao xác trong đêm
Không gian lặng im…
Con chẳng thể chợp mắt
Mẹ trở mình trong tiếng ho thao thức
Sương vô tình đậu trên mắt rưng rưng!”

Những hình ảnh “heo may”, “không gian lặng im” gợi tả sự hiu quạnh, cô đơn và nỗi lo lắng của con khi thấy người mẹ ho thao thức suốt đêm. Hình ảnh “mẹ trở mình trong tiếng ho thao thức”, một lần nữa khẳng định sự hy sinh thầm lặng của người mẹ và tình yêu thương vô bờ bến của mẹ dành cho con. Ở câu thơ cuối dùng “sương vô tình đậu trên mắt rưng rưng” là sự xúc động, nghẹn ngào của con khi đã thấu hiểu được những vất vả mà người mẹ phải trải qua. Hạt "sương vô tình đậu trên mắt", là mồ hôi hay nước mắt, chẳng biết là của con hay của mẹ. Chỉ với vài dòng thơ, tác giả đã vẽ nên một bức tranh đầy xúc động về tình mẫu tử thiêng liêng. Qua đó, ta cảm nhận được sự hy sinh thầm lặng và tình yêu thương vô bờ bến của mẹ dành cho con, không chỉ vậy ta còn thấy được tình cảm của người con dành cho người mẹ.

Bài thơ “Mùa thu và mẹ” của Lương Đình Khoa là một tác phẩm đầy cảm xúc, sâu lắng và ý nghĩa về tình yêu thương và sự hi sinh của người mẹ dành cho người con. Bài thơ sử dụng nhiều ngôn ngữ giàu hình ảnh kết hợp với những hình ảnh ẩn dụ sáng tạo làm cho những câu thơ trở nên hấp dẫn, sinh động hơn, tăng sức gợi hình, gợi cảm.

Qua bài thơ này, tác giả đã cho ta thấy được sự hy sinh lớn lao của người phụ nữ trong gia đình, đồng thời nhà thơ cũng muốn gửi gắm cho độc giả một thông điệp ý nghĩa về tình mẫu tử, đó là sự trân trọng và biết ơn đối với người mẹ, vì người mẹ luôn là người chăm sóc, quan tâm tới con cái và luôn hy sinh thầm lặng vì gia đình vô điều kiện. Hình ảnh người mẹ gầy gò, vai nặng gánh, cùng “tiếng ho thao thức trong đêm” có lẽ sẽ mãi in sâu vào trong tâm trí của mỗi độc giả, đó như một lời nhắc nhở về công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của người mẹ.

Chia sẻ bởi: 👨 Tử Đinh Hương
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm