Phân tích bài thơ Lời ru của mẹ Xuân Quỳnh (4 Mẫu) Những bài văn hay lớp 11

Phân tích bài thơ Lời ru của mẹ Xuân Quỳnh bao gồm 4 mẫu khác nhau cực hay ấn tượng nhất. Qua đó giúp các bạn học sinh có thêm nhiều gợi ý tham khảo, trau dồi kiến thức hiểu được giá trị nội dung của bài thơ và thông điệp mà nhà văn muốn gửi đến bạn đọc.

Lời ru của mẹ là một tác phẩm rất nổi tiếng của Xuân Quỳnh đã khắc dạ vào lòng người đọc tình yêu thương vô bến bờ của mẹ dành cho qua qua khúc hát ru ngọt ngào quen thuộc. Vậy sau đây là 4 bài văn mẫu phân tích bài thơ Lời ru của mẹ mời các bạn theo dõi. Ngoài ra các bạn xem thêm phân tích bài thơ Mùa hạ.

Phân tích bài thơ Lời ru của mẹ ngắn gọn

Lê Quý Đôn đã từng chiêm nghiệm "Thơ phát khởi từ lòng người ta". Những thi phẩm thơ không chỉ phản ánh hiện thực cuộc sống mà đó còn những những rung cảm sâu sắc nơi con tim của nhà thơ. Nhà thơ sẽ không viết một chữ nào nếu toàn thân không rung động. Quả thực sắc hương của cuộc đời tỏa vào những trang thơ lại lặng thầm tàng ẩn lắng sâu những dư vị ngọt ngào và những cảm xúc sáng ngời nơi trái tim người cầm bút. Và tác phẩm "lời ru của mẹ" của nhà thơ Xuân Quỳnh đã khắc dạ vào lòng người đọc tình yêu thương vô bến bờ của mẹ dành cho qua qua khúc hát ru ngọt ngào quen thuộc.

Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Với phong cách sáng tác mang âm điệu nhẹ nhàng, sâu lắng thể hiện tình cảm thiêng liêng, gần gũi thơ của thi nhân đã có một vị thế vững chắc trong trái tim mỗi người thưởng thức. Bài thơ "Lời ru của mẹ" là một tác phẩm hay và xúc động thể hiện rõ nét ngòi bút trữ tình dạt dào yêu thương của tình mẫu tử thiêng liêng cao quý.

Bài thơ mở đầu bằng những câu hỏi tu từ:

"Lời ru ẩn nơi nào
Giữa mênh mang trời đất
Khi con vừa ra đời
Lời ru về mẹ hát"

Ngay từ mở đầu tác giả đã sử dụng câu hỏi tu từ "Lời ru ẩn nơi nào" để gợi nhiều suy tư và sự thiêng liêng bí ẩn của lời ru. Lời ru mà con vẫn hay nghe, lời ru êm đềm đưa con vào giấc ngủ hồng ấy đã có tự bao giờ. Trong thế giới rộng lớn và bao la "mênh mang giữa đất trời" thì tình yêu của mẹ vẫn luôn hiện hữu qua lời ru, lời ru ấy ngân vang giữa đất trời. Hình ảnh "mênh mang- lời ru" tạo sự đối lập giữa một bên là vũ trụ bao la, một bên là lời ru nhỏ bé nhưng chúng lại có sức mạnh to lớn. Tưởng chừng nhỏ bé mà lại là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Câu khẳng định chắc nịch lời ru đã có từ "khi con vừa ra đời" đã có tiếng hát ầu ơ của mẹ ở tiếp bước cùng con trên chặng hành trình của cuộc đời.

Trong kí ức của mỗi người, có lẽ lời ru đã trở thành một âm thanh quen thuộc là người bạn đồng hành thuở thơ ấu với biết bao cảm xúc và kỉ niệm:

"Và khi con đến lớp
Lời ru ở cổng trường
Lời ru thành ngọn cỏ
Đón bước bàn chân con"

Lời ru của mẹ không chỉ bên con trong giấc ngủ hồng mà khi con lớn lên lời ru đã hiện hữu trong cuộc sống thường ngày. Hình ảnh "lời ru ở cổng trường" mang ý nghĩa biểu tượng. Lời ru theo con tới trường hay đó chính là sự dõi theo, lo lắng của người mẹ kho con bước vào môi trường mới. Trong mọi cột mốc trưởng thành con con luôn có mẹ dõi theo. với việc sử dụng biện pháp ẩn dụ "lời ru thành ngọn cỏ" đã thể hiện một hình ảnh đẹp. Những cây cỏ dại dẫu có nhỏ bé, tầm thường nhưng sức sống của nó thì bền bỉ. Trước mọi hoàn cảnh điều kiện ngọn cỏ đều vươn lên khỏi mặt đất cằn cỗi để xanh tốt. Tình yêu của mẹ dành cho con cũng giống như những cây cỏ, đó là một tình cảm dịu dàng, gần gũi và bền bỉ yêu thương. Đằng sau mỗi bước con đi luôn có hình bóng mẹ âm thầm bảo vệ và nâng đỡ. Tình cảm ấy lớn lao và tỏa bóng mát cho cuộc đời con. Mẹ ơi! Mẹ thật cao cả và thiêng liêng!

Trên hành trình cuộc đời, lời ru của mẹ sẽ là chỗ dựa tinh thần vững chắc để con tự tin bước đến chinh phục ước mơ mà con luôn ấp ủ:

"Mai rồi con lớn khôn
Trên đường xa nắng gắt
Lời ru thành bóng mát"

Con lớn lên trong những câu chuyện kể của bà trong lời ru êm dịu của mẹ. Hình ảnh "nắng gắt" là biểu tượng cho những khó khăn, vất vả và thách thức mà con phải đối mặt trên đường đời. Nhưng giữa cái khắc nghiệt ấy, lời ru chính là "bóng mát" xoa dịu tâm hồn con tiếp thêm cho con sức mạnh và động lực để dũng cảm vượt qua. Lời ru đã trở thành điểm tựa tinh thần cho những đứa con. Việc của con là bay xa còn mẹ sẽ là bệ đỡ là người luôn chở che cho con. Nhịp thơ chậm rãi tạo cảm xúc suy tư khiến người đọc liên tưởng đến những tháng ngày gian khó, bấp bênh nhưng vẫn luôn có mẹ ở bên. Chẳng có khó khăn nào có thể thắng được lòng mẹ, chẳng có thử thách nào mà con không thể vượt qua khi đồng hành bên con là sự chở che của những lời ru thuở nào.

"Lúc con lên núi thẳm
lời ru cũng gập ghềnh
Khi con ra biển rộng
Lời ru thành mênh mông"

Thi nhân đã sử dụng các hình ảnh ẩn dụ "núi thẳm" để tượng trưng cho những khó khăn thách thức và "biển rộng" là biểu tượng cho những chân trời mới mà con sẽ khám phá. Đó là hành trình vươn lên khám phá cuộc đời và tìm kiếm cho mình những giá trị sống đích thực. Và trên chặng đường ấy con sẽ không cô đơn mà luôn có mẹ và những lời ru vỗ về trong câu ca của mẹ đồng hành cùng con khi con bước vào cuộc đời rộng lớn. Lời ru của mẹ không chỉ có trong những ngày bình yên mà còn chia sẻ cả những gian nan mà con phải trải qua . Tác giả đã nhân hóa "Lời ru cũng gập ghềnh" khiến cho lời ru trở nên sinh động và có sự đồng cảm thay đổi theo cung đường con đi. Điệp ngữ "lời ru" xuất hiện liên tục tạo nhịp điệu nhẹ nhàng êm ái như một bài hát ngân vang trong tâm trí và chất chứa tình yêu của mẹ. Tình mẹ bao la và lời ru sẽ mở rộng biên độ như đại dương rộng lớn luôn dõi theo và bảo vệ con. Lời ru có sức mạnh lớn lao và vĩ đại như thế. Bởi lẽ trong từng câu ca chính là nỗi lòng, tình cảm là lời dạy bảo mà mẹ đã gửi gắm vào đó.

"Nội dung của một tác phẩm trở nhiều ít mặc sức nhưng nếu không có những bơi chèo nghệ thuật thì con thuyền nội dung ấy sẽ trở nên bất động". Bài thơ đã khắc họa tình mẫu tử thiêng liêng trong đó lời ru đã trở thành biểu tượng của tình yêu và sự chở che của mẹ dành cho con. Lời ru ấy chính là lòng mẹ là hành trang vững chắc theo con suốt cả cuộc đời. Với việc sử dụng các biện pháp tu từ nghệ thuật như ẩn dụ, nhân hóa, điệp ngữ đã giúp cho bài thơ giàu chất gợi và nhấn mạnh được sự cao quý của tình mẫu tử. Giọng thơ nhẹ nhàng trầm lắng, nhịp thơ uyển chuyển đã bộc lộ được những cảm xúc và vai trò của lời ru.

Gấp những trang sách lại nhưng hình ảnh người mẹ qua những câu hát vẫn in đậm và ngân vang trong tâm trí người đọc. Qua lời ru tác giả đã gửi gắm những triết lý của tình yêu thương. Lời ru trong câu ca của mẹ như người bạn đồng hành trên cung đường thanh xuân qua bao mùa trái. Để rồi mỗi người thêm trân trọng tình mẫu tử thiêng liêng. Những câu hát ru đồng vọng yêu thương "ầu ơ, ví dầu, cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi đường học mẹ đi đường đời"

Phân tích bài Lời ru của mẹ

Có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của mẹ? Có lời ru nào ngọt ngào, tha thiết hơn lời mẹ ru con? Trải qua ngàn năm thi ca thành văn nước Việt, thơ viết về mẹ và lời ru có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bài. “Lời ru của mẹ” do nữ sĩ Xuân Quỳnh sáng tác nằm trong mạch nguồn cảm xúc chung ấy, xong đã để lại một dấu ấn khó quên trong lòng bạn đọc suốt mấy chục năm qua nhờ vào cảm xúc tự nhiên, chân thành bằng một tứ thơ thật độc đáo.

Chính điều ấy đã góp phần làm nên đặc điểm tươi tắn, hồn nhiên và trong sáng, thu hút sự chú ý của người đọc. Ðọc “Lời ru của mẹ”, chúng ta được trở về sống lại tuổi thơ như trong truyện cổ tích thần kỳ, giàu biến hóa, tất cả khởi nguồn từ tình thương yêu bao la của mẹ.

Quả thật, bao trùm suốt cuộc đời con không lúc nào vắng lời ru của mẹ. Từ khi con sinh ra đời là lúc lời ru ẩn giữa đất trời bay về trú ngụ. Chính cảm xúc tự nhiên này mà thơ Xuân Quỳnh hấp dẫn, lôi cuốn từ người lớn đến trẻ em. Ðoạn thơ mở đầu có được vẻ đẹp hồn nhiên cũng nhờ phẩm chất đáng yêu ấy: “Lời ru ẩn nơi nào/ Giữa mênh mang trời đất/ Khi con vừa ra đời/ Lời ru về mẹ hát”.

Có lời ru mẹ hát là bởi có con sinh ra đời. Hóa ra lời ru mà tạo hóa ban cho con người là để nâng niu, vỗ về con trẻ. Ðọc khổ thơ trên, chúng ta không thể quên đoạn thơ trong thi phẩm “Chuyện cổ tích về loài người” nổi tiếng của chính tác giả: “Nhưng còn cần cho trẻ/ Tình yêu và lời ru/ Cho nên mẹ sinh ra/ Ðể bế bồng chăm sóc”. Quả lời ru thật diệu kỳ, như có phép thần tiên, điều đó đã được nhà thơ triển khai trong suốt toàn bộ thi phẩm.

Trước hết, lời ru yêu thương gắn với tuổi hồng, tuổi nụ. Tuổi hồng thơ dại, lời ru càng tha thiết, mê say. Lời ru vốn không biết ở nơi nào giữa đất trời cao rộng, bất chợt một ngày khi con sinh ra, lời ru đã có mặt trên đời. Từ đó, lời ru của mẹ theo mãi bên con. Khi con nằm ấm áp trong vòng tay, lời ru hóa thành tấm chăn mềm mại. Lúc con đang say ngủ, lời ru hóa giấc mộng lành: “Lúc con nằm ấm áp/ Lời ru là tấm chăn/ Trong giấc ngủ êm đềm/ Lời ru thành giấc mộng”.

Ý vị nhất là khổ thứ ba bởi sự bất ngờ trong cảm xúc tác giả. Lâu nay, thơ ca viết về lời ru của bà, của mẹ thường gắn với giấc ngủ trẻ thơ: “Cái ngủ mày ngủ cho lâu/ Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về…”; hay “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh chầy thức đủ vừa năm”. Ðến Xuân Quỳnh, lời ru còn biết “đi chơi” khi con thức giấc, thậm chí biết xuống ruộng khoai hay “ra bờ ao rau muống”.

Lời ru ở đây được nhân hóa một cách tài tình, gắn với hình ảnh người mẹ lam lũ, khó nhọc sau lũy tre xanh. Nhờ đó, người mẹ hiện lên vừa giàu lòng yêu thương, nhân hậu, vừa mang vẻ đẹp chất phác của người lao động nghèo khổ: “Khi con vừa tỉnh giấc/ Thì lời ru đi chơi/ Lời ru xuống ruộng khoai/ Ra bờ ao rau muống”.

Không những bên con trong giấc ngủ say nồng, biết vắng mặt làm lụng khi con đùa vui, chạy nhảy, lời ru của mẹ còn theo con đến lớp mỗi ngày. Tuổi thơ của con có lúc nào vắng lời ru bên cạnh. Buổi con tan học về, có mẹ đón đưa, lúc ấy lời ru cũng ngân nga qua từng lời nói yêu thương, từng cử chỉ dịu dàng. Lời ru hóa thành vòng tay, thành ngọn cỏ đón bước chân con lon ton sau giờ tan học: “Và khi con đến lớp/ Lời ru ở cổng trường/ Lời ru thành ngọn cỏ/ Ðón bước bàn chân con”.

Tuổi thơ hồn nhiên của con khép lại với lời ru của mẹ dịu dàng, chở che ấm áp. Mai này lớn khôn, đời con rồi sẽ ra sao? Khổ thơ cuối bài được tác giả dùng đến sáu dòng thơ để biểu đạt với tất cả những tình ý, cảm xúc đầy trải nghiệm. Giọng thơ, hơi thơ ở đây cũng trải dài ra, khi trục trặc với nhiều thanh trắc được gieo ở các vần “gắt”, “mát”, “thẳm” để rồi kết thúc là câu thơ toàn thanh bằng đi liền nhau: “Lời ru thành mênh mông” như chính cuộc đời mỗi người qua hết gian truân sẽ được thành danh, hiển đạt.

Con lớn khôn, lời ru của mẹ vẫn không xa vắng, vẫn ở bên con chia sẻ ngọt bùi. Lời ru hóa thành bóng râm dịu mát trên đường xa nắng gắt lúc con qua. Lời ru cũng đồng hành cùng con lúc gập ghềnh dâu bể. Lời ru hóa thành mênh mông khi con được hiển vinh, vươn ra biển lớn với người đời. Ôi lời ru của mẹ thật diệu kỳ, nhân hậu biết bao: “Mai rồi con lớn khôn/ Trên đường xa nắng gắt/ Lời ru là bóng mát/ Lúc con lên núi thẳm/ Lời ru cũng gập ghềnh/ Khi con ra biển rộng/ Lời ru thành mênh mông”.

“Lời ru của mẹ” khai thác đề tài muôn thuở trong tình cảm con người. Lời thơ tự nhiên, cảm xúc thơ chân thành, đặc biệt nữ sĩ Xuân Quỳnh đã tạo được tứ thơ đặc sắc nên thi phẩm đằm sâu nơi trái tim người đọc. Quả vậy lời ru ngọt ngào từ tấm lòng người mẹ vẫn theo mãi trọn đời con, từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, dù phải qua nắng nôi, ghềnh thác. Thật đúng như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết về lời ru và tình mẹ bao la: “Dẫu con đi trọn cuộc đời/ Vẫn không đi hết những lời mẹ ru” (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa).

Phân tích bài thơ Lời ru của mẹ

Ai cũng có một quê hương để từ đó ta lớn thành người. Quê nội và quê ngoại của Xuân Quỳnh nằm ở hai bên bờ sông Nhuệ hiền hòa, một vùng đất nổi tiếng với nghề ươm tơ, dệt lụa. Đấy là một làng quê cổ truyền với những vườn cây, sân gạch, những mái chùa cong cong, cổ kính, những con đường lát gạch nghiêng nghiêng bên những bờ ao và những lũy tre già bao bọc.

Cũng như bao đứa trẻ, Xuân Quỳnh lớn lên trong những tiếng ru hời nhưng không phải tiếng ru hời của mẹ, mà đó là tiếng ru được tạo ra bởi tiếng lách cách thoi đưa, bởi tiếng hát của những người thợ dệt và những tiếng dế đêm như những khúc dương cầm, … “và chúng đã in mãi trong tâm hồn Xuân Quỳnh như một bản nhạc dạo đầu của những ngày thơ ấu”.

Tất cả những không gian ấy, như nhuốm mùi phây phẩy của những nong tằm, mùi khăm khẳm của phân trâu và cả những cây rơm khô cháy muộn. Cái vùng đất ấy, dù quê mùa lam lũ, nhưng cũng vô cùng đầm ấm đã che chở cho tâm hồn ngây thơ, trong trẻo và bất hạnh của Quỳnh từ thuở nhỏ.

Thật vậy, người mẹ là kì quan đẹp nhất trong cuộc đời này, mẹ đã vực dậy những yêu thương trìu mến mang đem đến cho con bao nhiêu hạnh phúc. Ngay tiếng ru hời kia, sẽ mãi mãi không bao giờ xuất hiện nếu không có mẹ, và nó sẽ im lặng khi con không cất tiếng giữa cuộc đời – của mẹ…

Lời ru ẩn nơi nào
Giữa mênh mang trời đất
Khi con vừa ra đời
Lời ru về mẹ hát
Lúc con nằm ấm áp
/…/
Khi con ra biển rộng
Lời ru thành mênh mông.

Tiếng ru là sự mềm mại, là một thức mùi vi diệu mà tạo hóa đã để mẹ ban tặng cho con. Giữa cái mênh mang đến vô tận vô cùng của vũ trụ, khi con trở về – như một sự hồi sinh trong mẹ, con đến với mẹ – và lời ru cũng văng vẳng chao nghiêng theo cánh võng nhịp nhàng, yên ả.

Với trẻ thơ, gần gũi nhất và thân thiết nhất là người mẹ. Mẹ là nơi chúng ta trở về sau một ngày thơ thẩn, vui chơi, là nguồn kiến thức vô tận, thỏa mãn những điều chúng thắc mắc…Xuân Quỳnh yêu trẻ bằng tình yêu của một người mẹ và hiểu trẻ thơ bằng tâm lí của người nghệ sĩ. Với sự thúc giục của trái tim phụ nữ, chị truyền vào tâm hồn các em tình mẫu tử thiêng liêng bằng ý thơ qua sự so sánh rất sáng tạo.

Phân tích Lời ru của mẹ

Xuân Quỳnh (1942-1988), quê ở làng La Khê, xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, Hà Nội), là một nhà thơ nữ Việt Nam. Bà được xem là nữ thi sĩ nổi tiếng với nhiều bài thơ được nhiều người biết đến như Thuyền và Biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa… Bà được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh vì những thành tựu cho nền văn học nước nhà.

”Lời ru ẩn nơi nào
Giữa mênh mang trời đất
/…/
Lời ru thành mênh mông”

Hai khổ thơ đã thể hiện tình yêu thương con tha thiết của người mẹ qua lời ru ngọt ngào, trìu mến. Lời ru ngọt ngào ấy nuôi dưỡng con từ thuở con còn nằm trong nôi cùng với sự ấp ủ, che chở của mẹ và lời ru ấy đã vỗ về, nâng giấc con trong những năm tháng tuổi thơ. Lời ru của mẹ theo con suốt của đời, ở mọi nơi, mọi lúc, đi cùng con khi con trưởng thành: làm dịu mát tâm hồn con trong những ngày hè, nâng đỡ con khi con lên núi cao, ra biển rộng.

Hình ảnh so sánh và điệp ngữ “lời ru” góp phần khẳng định: lời ru ấy chính là tình yêu thương tha thiết mẹ dành cho con trong suốt cuộc đời, là khát vọng mong ước con khôn lớn, có thể vượt mọi khó khăn để hướng tới tương lai rộng mở.

Cùng với thể thơ năm chữ, ngôn ngữ bình dị, nhịp điệu thiết tha, trìu mến. Hai khổ thơ đã bày tỏ khát vọng của một người mẹ mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con. Lời ru ấy làm đẹp thêm tình cảm gia đình, tình mẹ con, làm đẹp thêm tình cảm thiêng liêng nhưng cũng rất thân thuộc và gần gũi ấy.

Chia sẻ bởi: 👨 Songotenks
Liên kết tải về

Chọn file cần tải:

Tìm thêm: Văn mẫu lớp 11
Xác thực tài khoản!

Theo Nghị định 147/2024/ND-CP, bạn cần xác thực tài khoản trước khi sử dụng tính năng này. Chúng tôi sẽ gửi mã xác thực qua SMS hoặc Zalo tới số điện thoại mà bạn nhập dưới đây:

Số điện thoại chưa đúng định dạng!
Số điện thoại này đã được xác thực!
Bạn có thể dùng Sđt này đăng nhập tại đây!
Lỗi gửi SMS, liên hệ Admin
Sắp xếp theo
👨
Đóng
Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm
Chia sẻ
Chia sẻ FacebookChia sẻ Twitter
Đóng