Đề cương ôn tập học kì 1 môn Tiếng Việt 4 sách Kết nối tri thức với cuộc sống Ôn thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 4 năm 2024 - 2025
Đề cương học kì 1 môn Tiếng Việt 4 sách Kết nối tri thức năm 2024 - 2025 mang tới các câu hỏi ôn tập học kì 1, giúp thầy cô tham khảo để giao đề cương ôn thi học kì 1 cho học sinh của mình.
Bộ đề cương ôn thi học kì 1 môn Tiếng Việt 4 KNTT, hệ thống lại những câu hỏi lý thuyết trọng tâm, cùng các dạng bài tập, giúp các em nắm chắc kiến thức môn Tiếng Việt lớp 4, để ôn thi học kì 1 năm 2024 - 2025 hiệu quả. Ngoài ra, có thể tham khảo thêm đề cương môn Toán, Công nghệ, Lịch sử - Địa lí, Khoa học. Vậy mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Đề cương học kì 1 môn Tiếng Việt 4 sách Kết nối tri thức
Nội dung ôn tập học kì 1 môn Tiếng Việt 4 KNTT
1) Tập đọc: Đọc, TLCH và nêu nội dung các bài tập đọc sau:
- Con chim chiền chiện
- Vẽ màu
- Thanh âm của núi
- Bét- tô – ven và bản xô- nát Ánh Trăng.
- Người tìm đường lên các vì sao
2) Luyện từ và câu:
- Ôn danh từ, động từ, tính từ;
- Ôn về biện pháp nhân hóa trong văn, thơ;
- Ôn tập về dấu gạch ngang
3) Viết:
- Ôn viết đoạn văn tưởng tượng
- Ôn văn tả con vật
Đề ôn tập học kì 1 môn Tiếng Việt 4 sách Kết nối tri thức
Đề 1
I. ĐỌC – HIỂU (5 điểm): Đọc văn bản
CHIẾC ÁO MỚI NGÀY XUÂN
Tôi nhớ mãi lần mẹ mua cho tôi chiếc áo mới vào ngày Tết, chiếc áo vải dầy nhưng sờ vào rất mát. Những bông hoa vàng nhụy đỏ làm niềm vui của tôi trong năm mới râm ran.
Cả đêm đó, dù không phải thức canh nồi bánh chưng nhưng tôi vẫn cố canh cho mình đừng ngủ. Tôi chỉ sợ nếu nhắm mắt vào thì chiếc áo mới đó sẽ bị ai đó lấy mất, hoặc rất có thể nó sẽ không cánh mà bay.
Tết năm ấy với tôi cái gì cũng đẹp hơn, vui hơn gấp trăm lần. Từ 27 Tết, tôi cứ chạy khắp căn nhà nhỏ bé của mình hát véo von đủ các bài, làm đủ mọi việc linh tinh mà không phụng phịu, dỗi hờn như mọi năm. Thi thoảng lại liếc mắt nhìn chiếc áo mới được mẹ móc gọn gàng phơi trên dây. Vui như thể cái áo cũng đang mỉm cười với mình, đang hát với mình…
Đêm Giao thừa mẹ bảo mặc áo mới trước giờ bố thắp hương. Tôi cầm cáo áo trên tay hít hà mùi vải mới, vừa muốn mặc lên người mà vừa không nỡ. Cứ tần ngần, bố phải nhắc đến lần thứ ba. Dù chiều đã đun nước hương bưởi để tắm gội tất niên nhưng từ khi mặc áo mới tôi chỉ ngửi thấy trên cơ thể mình một mùi thơm rất lạ. Có lẽ đó là mùi của niềm vui trong trẻo thuở lên mười.
Sau này khi cuộc sống đã bớt khó khăn, Tết nào mẹ cũng sắm cho ba anh em tôi quần áo mới. Tuy nhiên, dù giá những bộ quần áo đó có cao hơn, chất vải tốt hơn tôi vẫn yêu chiếc áo mới thời khó, năm nào.
Vũ Thị Huyền Trang
Dựa vào nội dung bài đọc, khoanh vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1. Câu văn sau đây vừa tả chiếc áo vừa nói lên niềm vui của bạn nhỏ?
A. Chiếc áo có những bông hoa vàng nhụy đỏ làm lòng tôi cứ rộn lên.
B. Tết năm ấy với tôi cái gì cũng đẹp hơn, vui hơn gấp trăm lần.
C. Sau này khi cuộc sống đã bớt khó khăn, Tết nào mẹ cũng sắm cho ba anh em tôi quần áo mới.
Câu 2. Đêm hôm có chiếc áo mới ấy, nhân vật “ tôi” đã thế nào?
A. Phải thức để canh nồi bánh chưng.
B. Chạy khắp căn nhà nhỏ bé của mình, hát véo von đủ các bài.
C. Canh cho mình đừng ngủ.
Câu 3. Cụm từ “ mùi thơm rất lạ” trong bài chỉ ý gì?
A. Mùi vải mới từ cái áo.
B. Mùi vải mới quyện với hương bưởi từ nước tắm gội.
C. Mùi của niềm vui trong trẻo thuở lên mười.
Câu 4. Vì sao bạn nhỏ thấy Tết năm ấy đẹp hơn, vui hơn những năm trước?
A. Vì bạn có chiếc áo mới rất đẹp.
B. Vì bạn làm được nhiều việc giúp bố mẹ.
C. Vì mọi người đều thấy vui trong ngày Tết.
Câu 5. Vì sao sau này, khi đã có những bộ quần áo đẹp hơn, giá trị hơn mà nhân vật “tôi” vẫn yêu chiếc áo thời khó khăn năm xưa?
Câu 6. Xác định từ loại của các từ gạch chân trong câu văn sau.
Tôi nhớ mãi lần mẹ mua cho tôi chiếc áo mới vào ngày Tết, chiếc áo vải dầy nhưng sờ vào rất mát.
Câu 7. Gạch chân rồi viết lại cho đúng các tên riêng bị viết sai trong đoạn văn sau:
Hà Nội nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử. Đến với Thủ đô Hà Nội bạn sẽ được chiêm ngưỡng nét kiến trúc cổ độc đáo của chùa một cột, chùa trấn quốc, được thăm văn miếu – quốc tử giám, được dạo quanh những hồ đẹp: hồ gươm, hồ tây, hồ bảy mẫu.
Câu 8. Đặt câu với thành ngữ sau: Có mới nới cũ
II. VIẾT BÀI VĂN: (5 điểm)
Đề bài: Em hãy viết một bài văn miêu tả một con vật nuôi (trong nhà em hoặc nhà hàng xóm mà em có dịp quan sát).
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU VÀ LÀM BÀI TẬP: 5 điểm
Câu 1 (0,5 điểm). A
Câu 2 (0,5 điểm). B
Câu 3 (0,5 điểm). C.
Câu 4 (0,5 điểm). A
Câu 5 (1,0 điểm). Vì chiếc áo đó là kỉ niệm mà nhân vật tôi luôn nhớ.
Câu 6 (0,5 điểm).
Tôi nhớ (ĐT) mãi lần mẹ mua (ĐT) cho tôi chiếc áo (DT) mới (TT) vào ngày Tết, chiếc áo vải dầy nhưng sờ vào rất mát (TT).
Câu 7 (0,5 điểm).
Đến với Thủ đô Hà Nội bạn sẽ được chiêm ngưỡng nét kiến trúc cổ độc đáo của chùa Một Cột, chùa T rấn Quốc, được thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, được dạo quanh những hồ đẹp: H ồ Gươm, Hồ Tây, Hồ B ảy Mẫu.
Câu 8 (1 điểm). Bạn Lan là người có mới nới cũ
II. VIẾT BÀI VĂN: (5 điểm)
- Trình bày dưới dạng một bài văn ngắn, có số lượng câu khoảng 15 câu.
- Phần miêu tả tập trung vào 2 mảng chính là ngoại hình và hoạt động, ích lợi của con vật nuôi. Câu văn có sử dụng hình ảnh nhân hoá, so sánh phù hợp, sinh động, gần gũi, thân thuộc với cuộc sống hàng ngày.
- Câu văn viết đủ ý, trình bày bài sạch đẹp, bố cục đầy đủ, rõ ràng.
- Mở bài(0,75đ), Thân bài(3,5đ), Kết bài(0,75đ)
- Tùy từng mức độ bài viết trừ dần điểm nếu bài viết không đủ ý, trình bài xấu, không đúng nội dung yêu cầu.
Đề 2
I. Đọc hiểu:
Đọc thầm bài văn sau và trả lời câu hỏi:
Mùa xuân về bản
Tôi gặp mùa xuân trên bản Vua Bà vào một buổi sớm. Trời vẫn còn lạnh lắm và những cây vẫn còn run rẩy. Nhưng đã có một con chim vàng anh bay đến. Vàng anh cất tiếng hót. Ngắn thôi, nhưng réo rắt. Rồi nó vù bay, vội vã chợt đi như chợt đến. Riêng tiếng hót thì ở lại, âm thanh mãi trong lòng. Tôi ngẩn ngơ luyến tiếc con vàng anh mãi. Tiếng hót đó đã đánh thức tôi đang co ro chìm đóng trong rét mướt của mùa đông giật mình chạy lại với mùa xuân.
Có lẽ con vàng anh đã đánh thức cây đào như đánh thức tôi dậy. Mà không phải chỉ cây đào, nó đánh thức cả đại ngàn, cả không gian và mặt đất. Vừa mới hôm trước đại ngàn còn rên rỉ gió bấc, mặt trời còn trắng bệch ẩn sau những tầng mây ngổn ngang như ẩn sau những tấm chăn bông ủ ấm, vậy mà ngày một ngày hai, trời đã trong dần. Những bụi mưa hoa long lanh không rơi xuống đất được mà cứ bay lửng lơ. Những chuỗi cườm nhỏ xíu, lõi bằng mạng nhện, hạt bằng các giọt mưa ngũ sắc ở đâu thả xuống đầy ngọn cỏ, lá cây.
Mùa xuân ở bản Vua Bà thật là vui. Tiếng khèn bè, tiếng tiêu chuốt trong long những ống trúc quý dìu dặt suốt đêm. Bóng đêm mùa xuân thật đen óng ánh ảo huyền, và càng khuya càng ngào ngạt mùi thơm của hương lá, hương cây. Đêm xuân, những con chim hót đến khiếp. Chúng ngây ngất cái gì. Không chịu ngủ, cứ hót thâu đêm suốt sáng. Có những con chim mái, sau mùa xuân người rạc đi chỉ còn cái xác ve, lúc bấy giờ mới chịu lui lủi, lặng lẽ đi kiếm ăn cùng chồng con…
Theo Nguyễn Phan Hách
Khoanh tròn vào câu trả lời đúng:
Câu 1: Hình ảnh nào cho thấy tiếng hót của chim vàng anh báo hiệu mùa xuân đến? (0,5đ)
A. Con chim vàng anh bay đến, cất tiếng hót ngắn thôi nhưng réo rắt.
B. Tiếng hót đó đã đánh thức tôi đang co ro chìm đắm trong rét mướt của mùa đông giật mình chạy lại với mùa xuân.
C. Tiếng hót của chim vàng anh ở lại, âm vang mãi trong lòng làm cho tôi ngẩn ngơ luyến tiếc.
D. Chim vàng anh vù bay, vội vã chợt đi như chợt đến.
Câu 2: Con chim vàng anh đã đánh thức những gì? (0,5đ)
A. Tác giả, cây đào, đại ngàn, không gian, mặt đất.
B. Tác giả, cây đào, đám mây, hạt mưa và mặt đất.
C. Tác giả, đại ngàn, hạt mưa, bầu trời và mặt đất.
D. Tác giả, đại ngàn, hạt mưa, bụi cây và mặt đất.
Câu 3: Những bụi mưa xuân được miêu tả như thế nào? (0,5đ)
A. Những hạt mưa xuân long lanh rơi từng giọt, từng giọt trên cành cây, ngọn cỏ.
B. Những làn mưa bụi rơi lất phất như những tấm mạng nhện giăng.
C. Những bụi mưa xuân long lanh không rơi xuống đất được mà cứ bay lửng lơ.
D. Những giọt mưa xuân đang chìm đắm trong hương thơm của những cành đào.
Câu 4: Mùa xuân ở bản Vua Bà có những âm thanh, mùi hương nào? (0,5)
A. Tiếng khèn bè, tiếng tiêu, tiếng chim vỗ cánh, hương hoa lan tỏa.
B. Tiếng chim vỗ cánh, tiếng chim hót, hương cây, hoa lan tỏa.
C. Tiếng tiêu, tiếng chim hót, tiếng hát, tiếng khèn bè.
D. Tiếng khèn bè, tiếng tiêu, tiếng chim hót, mùi hương của cây, lá
Câu 5: Theo em, nội dung của bài học trên là gì? (1đ)
……………………………………………………………………………………………………………
Câu 6: Em hãy gạch chân dưới danh từ chung trong đoạn văn sau: (1đ)
Về đêm, trăng khi thì như chiếc thuyền vàng trôi trong mây trên bầu trời ngoài cửa sổ, lúc thì như chiếc đèn lồng thả ánh sáng xuống đầy sân.
(Trích “ Bầu trời ngoài cửa sổ” – Nguyễn Quỳnh)
Câu 7: Hãy viết một câu có sử dụng hình ảnh nhân hóa trong hai trường hợp sau: (1,5đ)
a. Câu nêu đặc điểm của chim công:
…………………………………………………………………………………………………………...
b. Câu nêu hoạt động của chim công:
……………………………………………………………………………………………………………
Câu 8: Tìm và sắp xếp các tính từ trong đoạn văn vào nhóm phù hợp: (1,5)
Hoa khế mặc áo phơn phớn tím, hoa bưởi khoe chiếc áo trắng muốt với hương thơm nồng nàn, hoa mướp mặc áo vàng óng, hoa hồng mặc áo đỏ tươi, …Tất thẩy đều sửa soạn sẵn thứ mật ngọt dịu để đón khách.
(Trích “Ngọt ngào tình bạn” – Truyện tư duy hình ảnh cho bé)
- Chỉ mùi vị: ………………………………………………………………………………
- Chỉ mùi hương: ………………………………………………………………………………
- Chỉ màu sắc: ………………………………………………………………………......................
II. Tập làm văn:
Em hãy tả một con vật mà em yêu thích nhất
Đáp án
Khoanh tròn vào đáp án đúng, đúng mỗi câu 0,5đ
Câu 1: B
Câu 2: A
Câu 3: C
Câu 4: D
Câu 5: viết đúng nội dung bài học 1đ
Ca ngợi cảnh đẹp kì diệu, nên thơ, sinh động của mùa xuân ở bản Vua Bà.
Câu 6: gạch đúng danh từ đủ các danh từ 1đ
Đêm, trăng, chiếc thuyền, mây, bầu trời, cửa sổ, chiếc đèn lồng, ánh sáng, sân
Sai hai từ trừ 0,25đ
Câu 7: viết được câu có sử dụng hình ảnh nhân hóa mỗi câu 0,75đ
a. Ví dụ: Chú chim công được khoác lên mình bộ lông rất đẹp
b. Ví dụ: Những chú chim công đang khiêu vũ rất điêu luyện
Câu 8: đúng mỗi nhóm 0,5đ
Chỉ mùi vị: ngọt
Chỉ mùi hương: thơm nồng nàn.
Chỉ màu sắc: tím, trắng muốt, vàng óng, đỏ tươi.