Văn mẫu lớp 7: Nghị luận về một vấn đề trong đời sống ngắn gọn (22 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 7

Download.vn sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Nghị luận về một vấn đề trong đời sống ngắn gọn.

Nghị luận về một vấn đề trong đời sống ngắn gọn
Nghị luận về một vấn đề trong đời sống ngắn gọn

Tài liệu được chúng tôi giới thiệu sẽ bao gồm 22 mẫu nghị luận về một vấn đề trong đời sống ngắn gọn.

Mẫu tham khảo số 1

Học tập mang lại cho con người nhiều kiến thức bổ ích, bởi vậy mà V.Lê-nin đã khẳng định rằng: “Học, học nữa, học mãi”. Về khái niệm “học” có thể hiểu đơn giản là sự tiếp thu kiến thức từ người khác truyền lại, rèn luyện thành kỹ năng, nhận thức của bản thân. Câu nói sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ, từ “học” được nhắc lại tới ba lần kết hợp với các từ “nữa, mãi” nhằm mở rộng về “thời gian” cho động từ “học” đã chứa đựng ý nghĩa to lớn. Với “học nữa” có nghĩa là tiếp tục học, còn “học mãi” học tập không ngừng, kéo dài đến hết đời. Đây là một lời răn dạy đúng đắn, bởi việc học rất cần thiết đối với con người. Kiến thức giống như một đại dương vô tận, còn hiểu biết của chúng ta chỉ như một giọt nước. Dù là những nhà bác am hiểu sâu rộng, vẫn luôn nỗ lực học tập, tìm hiểu. Chúng ta cần hiểu được học tập là một quá trình, không phải chỉ là một giai đoạn. Thành công chỉ đến với những người luôn cố gắng.

Mẫu tham khảo số 2

Có ai đó đã từng nói rằng: “Lời nói dối không có chân, nhưng tai tiếng thì có cánh”. Quả thật, lời nói dối đã gây ra những tác hại vô cùng to lớn đến con người.

Đầu tiên, cần phải hiểu được rằng nói dối là nói sai sự thật. Con người nói đối thường nhằm mục đích che đậy một điều gì đó để bảo vệ lợi ích cá nhân. Những lời nói dối đa phần đều xuất phát từ mục đích không tốt đẹp. Nó sẽ gây ảnh hướng đến những người xung quanh, cũng như chính bản thân người nói dối.

Chắc chắn, trong cuộc sống, mỗi người đều từng một lần nói dối. Nhưng nếu nhiều lần tái phạm sẽ tạo thành một thói quen không tốt. Lời nói dối một đôi lần có thể trở nên vô hại, song nhiều lần như thế sẽ trở thành một căn bệnh gây nguy hiểm khó lường.

Không có lời nói dối nào mà không bị phát hiện. Một lời nói dối đôi khi sẽ khiến chúng ta vĩnh viễn đánh mất niềm tin nơi người khác. Có đôi khi, những lời nói dối còn gây hại cho người khác.

Chính vì vậy, chúng ta luyện tập cho mình được những thói quen tốt. Cần cố gắng khắc phục điểm yếu của mình, biết đối mặt và tôn trọng sự thật để rút ra những bài học quý giá.

Nói dối có hại cho bản thân - đó là một lời khuyên quý giá cho tất cả mọi người. Hãy sống thật với mình, với người và với đời. Đừng để con rắn gian dối len lỏi vào tâm hồn chúng ta, chúng ngày ngày sẽ gặm nhấm nhân cách con người, đẩy chúng ta tách biệt riêng với đồng loại.

Mẫu tham khảo số 3

Câu “Học thầy không tày học bạn” đã đem đến cho mỗi người một bài học giá trị. Dụng ý của câu tục ngữ muốn nhắc nhở về cách học, phương pháp học tập. Hiểu rất đơn giản là việc học thầy không bằng việc học bạn, ở đây từ “tày” đồng nghĩa với từ “bằng”. Thầy cô chỉ dạy ở trên lớp học. Còn phần lớn thời gian, chúng ta học tập và vui chơi cùng bạn bè. Vì vậy, chúng ta có thể trao đổi về bài học, hay học tập được cách ứng xử của bạn để hoàn thiện bản thân. Liên hệ mở rộng, câu tục ngữ nói đến việc học kiến thức trong nhà trường không bằng với việc chúng ta học hỏi những kiến thức bên ngoài, những kĩ năng trong cuộc sống. Dù vậy, câu tục ngữ không có mục đích để hạ thấp vai trò của người thầy, mà muốn nhắc nhở con người cần chú trọng đến cách học tập. Học từ thầy cô, bạn bè đều có những ưu nhược điểm riêng. Và mỗi người hãy nên biết tự lựa chọn cách học cho bản thân thật đúng đắn. Lựa chọn cách học thầy, học bạn sao cho tích cực, phù hợp sẽ tạo điều kiện cho bản thân phát triển. Như vậy, câu tục ngữ “Học thầy không tày học bạn” có giá trị nhất định trong hành trang của mỗi con người trong cuộc sống này.

Mẫu tham khảo số 4

Hiểu được giá trị của tình yêu thương trong cuộc sống, ông cha ta đã gửi gắm lời khuyên qua câu “Thương người như thể thương thân”. Câu tục ngữ tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng bài học sâu sắc. “Thương người” có nghĩa là tình cảm quý mến, sự chia sẻ hay giúp đỡ với những người xung quanh. Còn “thương thân” có nghĩa là tự yêu thương, chăm sóc và trân trọng chính mình. Cách so sánh “thương người như thể thương thân” nhằm nhắn nhủ mỗi người rằng hãy yêu thương, trân trọng người khác như yêu thương và trân trọng bản thân. Chúng ta sinh ra không có ai là hoàn hảo. Mỗi người sống trong một hoàn cảnh riêng. Có người sung sướng, đủ đầy. Cũng sẽ có người khổ cực, thiếu thốn. Sự chia sẻ, yêu thương sẽ giúp cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Đồng thời, người biết đồng cảm, yêu thương sẽ nhận lại sự trân trọng từ những người xung quanh. Bên cạnh đó, vẫn có người sống ích kỉ, vô cảm. Họ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, coi thường những người nghèo khổ. Đó là lối sống đáng lên án và phê phán và chúng ta cần phải tránh xa. Tóm lại, câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” là một lời răn dạy quý giá của ông cha ta để lại.

Mẫu tham khảo số 5

Trong cuộc sống, thứ tình cảm cao quý nhất chính là tình mẫu tử. Tình mẫu tử là tình cảm mẹ con ruột thịt, là tình thân bền chặt. Người mẹ suốt chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, đợi chờ đứa con cất lên tiếng khóc chào đời. Mẹ dành trọn cuộc đời để cưu mang, dạy dỗ và nuôi nấng con nên người. Dù phải chịu bao sự vất vả, gian lao, nhọc nhằn cũng không làm mẹ mệt mỏi khi nghĩ về những đứa con yêu. Người mẹ dành trọn sự hy sinh thầm lặng cho con. Những nếp nhăn hằn sâu trên trán, những đôi tay chai sần… là bao nhiêu vất vả mà mẹ đã trải qua vì những người con. Tình mẫu tử ấy còn là tình cảm của những người con dành cho mẹ mình, đó là sự kính trọng, quan tâm, lo lắng khi mẹ ốm đau bệnh tật. Đó là sự yêu thương, chăm sóc mẹ khi về già, là sự nỗ lực phấn đấu từng ngày mang lại thành quả để mẹ có thể mỉm cười, an lòng, mãn nguyện. Mỗi chúng ta hãy ý thức được tầm quan trọng của thứ tình cảm thiêng liêng - tình mẫu tử trong cuộc sống. Hãy biết trân trọng và bảo vệ nó như những điều đáng quý nhất trong cuộc đời.

Mẫu tham khảo số 6

Môi trường là tất cả những điều kiện vật chất bao quanh sự sống của con người bao gồm đất, nước, không khí… Đó là nơi để con người có thể sinh sống và phát triển. Đó cũng là nơi cung cấp những điều kiện vật chất cho cuộc sống con người như không khí để thở, nước để uống, cây xanh cung cấp oxy. Môi trường có trong lành ngăn cản sự phát triển của các vi sinh vật có hại (không khí sạch ngăn cản vi khuẩn, virus, nước sạch ngăn cản của bọ gậy, muỗi...). Khi môi trường bị ô nhiễm con người sẽ phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề như biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh. Bởi vậy, chúng ta cần bảo vệ môi trường, để bảo vệ chính cuộc sống của mình. Những việc làm tưởng chừng như đơn giản nhưng sẽ đem lại kết quả tích cực như: không xả rác bừa bãi, bảo vệ rừng, trồng nhiều cây xanh, hạn chế sử dụng bao bì ni-lông... Hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường!

Mẫu tham khảo số 7

Bài ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” là một lời răn dạy sâu sắc. Việc sử dụng hình ảnh “bầu” và “bí” đã gợi cho người đọc liên tưởng đến con người dù không cùng một mẹ sinh ra, nhưng vẫn chung sống trong một đất nước, có cùng một nguồn cội. Bởi vậy mà mỗi người cần có tình yêu thương, sự chia sẻ với những người xung quanh. Trong quá khứ, con người Việt Nam luôn sống chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau. Chắc hẳn chúng ta không thể quên được hình ảnh về một nạn đói khủng khiếp năm 1945 với hậu quả là hơn hai triệu người dân bị chết đối. Nhưng chính trong khó khăn, tinh thần tương thân tương thái mới sáng ngời. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Hũ gạo cứu đói” đã được hưởng ứng nhiệt tình đã thể hiện tấm lòng biết san sẻ của nhân dân. Ngày hôm nay, chúng ta vẫn phát huy được truyền thống tốt đẹp đó. Đồng bào miền Trung đã phải hứng chịu liên tiếp những đợt lũ khiến cho của cái, mùa màng mất trắng. Nhưng với tinh thần không ai bị bỏ lại, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời, nhiều chiến sĩ bộ đội đã phải hy sinh tính mạng trên đường đi giải cứu cho người dân, sự đóng góp của các mạnh thường quân… Tất cả đã thể hiện một tinh thần yêu thương, đùm bọc quý giá của người dân Việt Nam. Còn với học sinh thì có những hành động như giúp đỡ bạn bè trong học tập; quyên góp ủng hộ sách vở cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Bài ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng” thực sự có giá trị đến muôn đời.

Mẫu tham khảo số 8

Tục ngữ là những câu nói chứa đựng bài học quý giá của ông cha ta. Trong số đó là câu “Đói cho sạch, rách cho thơm” - một lời khuyên quý giá về cách sống.

Câu tục ngữ gồm hai vế, đối xứng nhau “đói cho sạch” - “rách cho thơm”. “Đói” và “rách” là tượng trưng cho hoàn cảnh sống khó khăn, thiếu thốn, cùng cực của con người, một đời sống vất vả, không được ấm no, hạnh phúc. Trong hoàn cảnh ấy, câu tục ngữ đã khuyên nhủ mỗi người cần phải giữ cho mình được “sạch” và “thơm”, không chỉ nói đến hình thức bên ngoài mà còn là tâm hồn bên trong. Cần biết giữ cho mình lòng tự trọng, không để tâm hồn bị vẩn đục, có những suy nghĩ xấu xa để khắc phục hoàn cảnh sống, luôn sống ngay thẳng, trong sạch.

Trong cuộc sống, con người sẽ có lúc gặp khó khăn. Những thiên tai, dịch bệnh… là những hiểm họa khó lường. Khi đứng trước những gấp khúc cuộc đời, dân gian có lời khuyên chí lí: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Nghèo đói mà sống trong sạch, khó khăn thiếu thốn mà giữ được phẩm cách, danh dự. Đó là điều không đơn giản, không phải ai cũng làm được. Nhưng đó là điều cần thiết để khiến bản thân ngày càng tốt đẹp hơn.

Chính vì vậy, chúng ta cần phải biết tu dưỡng đạo đức, giữ cho tâm hồn trong sáng. Con người có biết lao động cần cù, sống giản dị, tiết kiệm thì mới có thể biến câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” thành hiện thực. Đối với một học sinh, việc giữ gìn phẩm chất trong sạch được thể hiện ở những hành động nhỏ hàng ngày. Ví dụ như không gian lận trong thi cử, cố gắng học tập dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, sống giản dị không đua đòi…

Tóm lại, đây câu tục ngữ ấy đã trở thành bài học luân lý. Và cho đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Mẫu tham khảo số 9

Ông cha ta đã gửi gắm bài học ý nghĩa qua câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Câu tục ngữ đã mượn hình ảnh có trong thực tế, từ những khối sắt to lớn và thô sơ, họ đã rèn rũa sẽ trở thành một chiếc kim nhỏ bé nhưng sắc nhọn. Từ đó, lời khuyên nhủ con người nếu có lòng kiên trì, nghị lực vượt qua những khó khăn nhất định sẽ đạt được thành công. Lời khuyên nhủ trên là hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta có thể bắt gặp nhiều tấm gương trên thế giới như vợ chồng nhà bác học người Pháp: Pi-e Quy-ri và Ma-ri Quy-ri, họ đã kỳ công trong bốn năm trời lọc đi lọc lại tám lần bã quặng để tìm được một phần mười gam chất phóng xạ Radium. Hoặc như ca sĩ Ô-pê-ra nổi tiếng En-ri-cô Ca-xu-rô từng bị thầy giáo chê là thiếu chất giọng và không thể nào hát được. Nhưng không vì vậy mà ông từ bỏ đam mê của mình, chỉ có sự kiên trì tập luyện, nỗ lực không ngừng mới đem đến thành quả cho En-ri-cô Ca-xu-rô. Và cũng có rất nhiều con người nhỏ bé ngoài kia, họ vẫn luôn kiên trì với mục tiêu, ước mơ của bản thân để có được thành công, trở thành những con người có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, vẫn có một số người không có lòng kiên trì, nghị lực. Họ ngại đối mặt với khó khăn trong cuộc sống, luôn lo lắng và sợ hãi thất bại. Khi gặp phải thử thách, họ sợ hãi không dám bước tiếp, quyết định từ bỏ. Những con người như vậy sẽ mãi sống trong thất bại. Còn với mỗi học sinh cần phải cố gắng học tập, không ngại đương đầu với thử thách, kiên trì với ước mơ của bản thân. Tóm lại, câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim” đã để lại một bài học ý nghĩa.

Mẫu tham khảo số 10

Những hành trình sẽ giúp con người tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm, bởi vậy mà ông cha ta đã có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là lời răn dạy giàu giá trị. Câu tục ngữ bao gồm hai vế câu “đi một ngày đàng” và “học một sàng khôn”. Ở vế câu đầu tiên, “đi” là hành động, sử dụng đôi chân để di chuyển từ nơi này sang nơi khác; “đàng” có nghĩa là con đường, được tạo ra để thuận tiện cho việc di chuyển. Hiểu sâu xa hơn thì “đi một ngày đàng” có nghĩa là đi ra bên ngoài học hỏi, khám phá. Đến vế thứ hai, “học” có nghĩa là học hỏi, thu nhận kiến thức rèn luyện kĩ năng; “sàng” là dụng cụ làm gạo của người nông dân xưa có hình tròn, đan bằng tre. “Học một sàng khôn” có nghĩa là học hỏi thêm được nhiều kiến thức. Như vậy, câu tục ngữ trên muốn nói rằng những chuyến đi sẽ giúp con người học hỏi thêm được nhiều kiến thức, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Đồng thời, thế hệ đi trước cũng muốn động viên, khích lệ tinh thần học hỏi, khám phá của mỗi người để mở mang kiến thức, học hỏi thêm nhiều điều bổ ích. Bên cạnh đó vẫn có những người sống thụ động, hèn nhát. Họ không dám tiến bước về phía trước, thoát khỏi vùng an toàn của mình để chinh phục mục tiêu của bản thân. Có thể khẳng định rằng câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” đã đem đến một lời khuyên quý giá cho con người.

Mẫu tham khảo số 11

Thuốc lá đang gây ra những vấn đề nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của con người. Đầu tiên, thuốc lá tàn phá sức khỏe của người sử dụng, thậm chí gây ra bệnh ung thư. Người không hút thuốc lá, nhưng hít phải khói vẫn bị nhiễm độc khói thuốc. Không chỉ vậy, thuốc lá còn gây ra nhiều tác hại như ảnh hưởng đến lối sống, đạo đức của con người. Người lớn hút thuốc sẽ khiến trẻ em học theo. Nhiều bạn trẻ thích hút thuốc để thể hiện bản thân. Khi cần tiền để mua thuốc, nhiều bạn trẻ còn trộm cắp. Tàn thuốc bị vứt không đúng nơi quy định còn dẫn đến các vụ cháy nổ. Chính vì vậy, cần nghiêm cấm hút thuốc nơi công cộng, xử phạt những người vi phạm, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, nâng cao ý thức của mỗi người,... Hút thuốc lá thực sự có hại cho sức khỏe. Mỗi người cần phải hạn chế việc hút thuốc lá vì sức khỏe của chính bản thân cũng như mọi người xung quanh.

Mẫu tham khảo số 12

Truyền thống đoàn kết vô cùng tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đã được gửi gắm qua câu tục ngữ “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Điều này đã được chứng minh qua lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Chúng ta đã trải qua hàng nghìn năm tháng đấu tranh để bảo vệ đất nước. Từ các triều đại phong kiến phương Bắc đến thực dân Pháp hay đế quốc Mĩ. Dù kẻ thù có mạnh mẽ đến đâu, vũ khĩ có hiện đại thế nào thì với sự đồng lòng và quyết tâm, nhân dân Việt Nam vẫn đánh bại được mọi kẻ thù. Hiện tại, nhân dân Việt Nam đã được sống trong hòa bình, độc lập. Tinh thần đoàn kết vẫn được thể hiện ở mọi mặt của đời sống. Vừa qua, đội tuyển Việt Nam đã lần đầu tiên góp mặt tại vòng loại cuối cùng để giành tấm vé tham dự World Cup 2022 của khu vực châu Á. Khi phải đối đầu với các đội bóng hàng đầu như Nhật Bản, Australia, Trung Quốc…thì tinh thần đoàn kết một lòng lại được phát huy. Có lẽ khoảng cách về trình độ là quá lớn để lấp đầy, nhưng tinh thần và ý chí của các cầu thủ, cũng như sự đồng lòng của họ đã làm nên một tập thể gắn kết, nhiệt huyết tạo ra màn trình diễn đẹp mắt khiến cho người hâm mộ cảm thấy tự hào. Tuy nhiên, vẫn có những người có lối sống cá nhân. Họ luôn xa rời với lợi ích của tập thể, sống vị kỉ và không có tinh thần đoàn kết. Chúng ta cần phải lên án, tránh xa những hành động như vậy. Với học sinh, chúng tôi cần biết đoàn kết với bạn bè, giúp đỡ nhau tạo nên một tập thể lớp học vững mạnh. Quả thật, câu tục ngữ đã mang đến một lời răn dạy sâu sắc, giá trị cho mỗi người.

Mẫu tham khảo số 13

Ông cha ta đã có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” gửi gắm đến một bài học ý nghĩa trong cuộc sống. Câu tục ngữ cũng có hai nét nghĩa. Về nghĩa đen, “mực” là loại chất lỏng có màu, sử dụng cùng với bút để viết được chữ; còn “đèn” là một đồ vật dùng để thắp sáng. Về nghĩa bóng, “mực” chỉ những điều xấu xa; còn “đèn” chỉ những điều tốt đẹp. Như vậy, ý nghĩa của câu tục ngữ là một người khi thường xuyên tiếp xúc với người xấu thì ta sẽ bị nhiễm thói hư tật xấu, còn nếu tiếp xúc với những người tốt ta sẽ học hỏi và học được nhiều điều hay từ họ. Qua đó, câu tục ngữ muốn khuyên nhủ thế hệ sau phải biết học hỏi những điều tốt đẹp, đúng đắn và tránh xa những cái xấu xa, không lành mạnh. Một số tấm gương sáng có thể kể đến như Chủ tịch Hồ Chí Minh, những ngày tháng sống trong hoàn cảnh ngục tù, Bác vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh. Họ có lối sống lệch lạc, sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Bởi vậy, chúng ta cần rèn luyện bản lĩnh để không bị ảnh hưởng bởi những điều xấu xa. Thời gian có trôi qua nhưng câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.

Mẫu tham khảo số 14

Trong cuộc sống, chúng ta đã biết đến câu tục ngữ “Ở hiền gặp lành”. Có thể hiểu đơn giản rằng “ở hiền” là sống hiền lành, lương thiện. Chúng ta biết chia sẻ, yêu thương và thấu hiểu cho mọi người. Đồng thời, người “ở hiền” sẽ không làm việc sai trái hay làm hại đến người khác. Về “gặp lành” chính là kết quả của việc “ở hiền” - ở hiền nên gặp lành, nhận được điều may mắn, tốt đẹp và lòng biết ơn, cảm phục của người khác. Câu tục ngữ là nhắc nhở con người cần phải sống lương thiện, biết yêu thương và giúp đỡ mọi người xung quanh. Trái ngược với đó, “ác giả ác báo” có nghĩa người sống độc ác, làm điều xấu xa sẽ phải nhận lấy hậu quả. Với câu tục ngữ trên, mỗi người đã có được nhận thức đúng đắn về cách sống của bản thân.

Mẫu tham khảo số 15

Thành công không đến một cách dễ dàng. Đôi khi, chúng ta gặp phải thất bại, nhưng “Thất bại là mẹ thành công”. Đây là một lời răn dạy ngắn gọn nhưng giàu giá trị. Đầu tiên “thành công” và “thất bại” là hai khái niệm đối lập nhau. Nếu “thất bại” là không đạt được kết quả như mong muốn mà mỗi người đã đặt ra. Thì “thành công” là khi chúng ta đạt được những điều mình mong muốn, hoàn thành tốt những mục tiêu đã đề ra. Còn “mẹ” chính là người phụ nữ đã sinh chúng ta ra đời, nuôi nấng và dạy dỗ cho chúng ta những nhiều bài học. Câu tục ngữ mượn cách nói biểu tượng “thất bại là mẹ thành công” nhằm khẳng định rằng mỗi thất bại trong cuộc đời con người sẽ trở thành một bài học bổ ích để chúng ta tiến đến thành công. Có thành công nào không phải trả giá bằng muôn vàn những khó khăn, thất bại. Nhưng không phải ai cũng có thể vượt qua được những thử thách đó. Những tấm gương như Chủ tịch Hồ Chí Minh, thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí… vẫn còn đó để mỗi người học tập. Tóm lại, chúng ta cần phải nỗ lực không ngừng nghỉ nhưng cũng không đánh mất đi những giá trị tốt đẹp. Ranh giới giữa thành công và thất bại vô cùng mong manh. Hãy ghi nhớ câu nói “Thất bại là mẹ thành công” như một bài học quý giá.

Mẫu tham khảo số 16

Câu “Có công mài sắt, có ngày nên kim” đã gửi gắm đến mỗi người bài học về sự kiên trì. Về nghĩa đen, câu tục ngữ gợi ra hình ảnh về công việc của người thợ rèn. Từ những khối sắt to lớn, thô sơ qua quá trình rèn rũa có thể trở thành chiếc kim nhỏ bé, sắc nhọn và sáng bóng. Về nghĩa bóng, câu tục ngữ đã mượn hình ảnh trên để khuyên nhủ con người khi trải qua khó khăn, thử thách cần có lòng kiên trì, không chịu từ bỏ mới đạt được thành công mà bản thân mong muốn cũng như ngày càng trưởng thành hơn. Cuộc sống luôn có những khó khăn và thử thách. Nếu vội vàng bỏ cuộc thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ đạt được kết quả như mình mong đợi. Nhiều người thiếu đi lòng kiên trì, nghị lực. Họ ngại đối mặt với khó khăn trong cuộc sống, luôn lo lắng và sợ hãi thất bại. Khi gặp phải thử thách, họ sợ hãi không dám bước tiếp, quyết định từ bỏ để rồi cuối cùng rơi vào thất bại kéo dài. Đó là những con người đáng phê phán. Mỗi người cần ghi nhớ câu tục ngữ trên như một phương châm trong cuộc sống.

Mẫu tham khảo số 17

Việc học tập có vai trò quan trọng với con người, bởi vậy có rất nhiều câu tục ngữ nói về vấn đề này, trong đó có “Học thầy không tày học bạn”. Ý nghĩa của câu tục ngữ nhằm nhấn mạnh ý học hỏi bạn bè, nhưng không có ý hạ thấp vai trò của người thầy. Bởi rõ ràng, thầy cô là những người đã truyền đạt kiến thức, cũng như giáo dục đạo đức, có vai trò định hướng cho học sinh. Tuy nhiên, thầy cô chỉ dạy trên trường lớp, còn phần lớn thời gian chúng ta học tập, vui chơi với bạn bè. Không chỉ học bạn kiến thức, mà còn học cách ứng xử, lối sống tốt đẹp. Chúng ta có thể trao đổi thêm với bạn bè để nắm vững thêm điều thầy dạy trên lớp mà mình chưa hiểu hết. Bạn tốt giúp đỡ nhau tận tình thì cũng có vai trò quan trọng trong sự tiến bộ của mỗi người học sinh trong học tập, đời sống. Như vậy, câu tục ngữ đã đề cao vai trò của việc học tập bạn bè.

Mẫu tham khảo số 18

Câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” ngắn gọn nhưng để lại bài học sâu sắc. Xét về lớp nghĩa đen, chúng ta có thể hiểu “gỗ” là phần rắn nằm dưới vỏ của thân và cành một số cây, dùng làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu làm giấy… Còn “nước sơn” chính là lớp sơn được phủ bên ngoài để tránh mối mọt và trang trí cho gỗ thêm thẩm mỹ. Khi lựa chọn một sản phẩm làm từ gỗ, chúng ta cần chú trọng đến chất lượng của gỗ hơn là hình thức của sản phẩm. Còn xét về nghĩa bóng, “gỗ” muốn nói tới phẩm chất, nhân cách của con người; “nước sơn” ý chỉ hình thức của con người. Tính từ “tốt” được điệp lại hai lần nhằm nhấn mạnh vào đặc điểm, tính chất của “gỗ” và “nước sơn”. Hai hình ảnh “gỗ” và “nước sơn” được so sánh không ngang bằng “hơn” để gửi gắm thông điệp chúng ra nên coi trọng bản chất bên trong hơn là bề ngoài bóng bẩy. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rộng ra lời khuyên từ câu tục ngữ là nên coi trọng bản chất, nhân cách của con người chứ không chỉ nhìn nhận, đánh giá qua hình thức bên ngoài. Hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ, chúng ta cần tích cực rèn luyện để ngày càng hoàn thiện bản thân.

Mẫu tham khảo số 19

Câu tục ngữ “Một mặt người bằng mười mặt của” đã đề cao giá trị của con người. Đầu tiên, “một mặt người” là hình ảnh hoán dụ (lấy bộ phận để chỉ toàn thể), ở đây là chỉ con người. Còn “của” có nghĩa là của cải, thuộc về giá trị vật chất. Cách nói “mười mặt của” dùng để chỉ số nhiều, ý nghĩa là có nhiều của cải vật chất. Ông cha ta đã dùng cách so sánh “bằng” kết hợp với sự đối lập giữa đơn vị chỉ số lượng - ít và nhiều (một với mười) để khẳng định sự quý giá của con người, so với của cải vật chất. Của cải rất đáng quý, nhưng bản thân con người còn đáng quý hơn. Câu tục ngữ không chỉ đề cao giá trị của con người mà còn muốn khuyên nhủ chúng ta cần biết cố gắng rèn luyện bản thân để khẳng định được giá trị của chính mình. Ngoài ra, ông cha ta cũng muốn phê phán những con người chỉ biết ăn chơi, hưởng lạc. Cuộc sống của những người ấy chắc chắn sẽ chỉ chìm đắm trong những thú vui vô bổ. Như vậy, câu tục ngữ đã gửi gắm đến mỗi người bài học ý nghĩa.

Mẫu tham khảo số 20

Câu tục ngữ “Tấc đất, tấc vàng” đã đề cao được giá trị của đất đai trong cuộc sống. Xét về nghĩa đen, thì “tấc” là một đơn vị đo lường, “đất” hiểu đơn giản là chất rắn làm thành lớp trên cùng của bề mặt Trái Đất, tạo thành khoảng không gian có thể dùng để con người sinh sống hoặc sản xuất. Còn “vàng” chính một kim loại quý, có giá trị cao. Người ta thường nói rằng “vàng” thì không bao giờ mất giá. Việc so sánh giữa “tấc đất” với “tấc vàng” nhằm khẳng định sự quý giá của “đất” cũng giống như “vàng” vậy. Xét về nghĩa bóng, câu tục ngữ muốn gửi khuyên con cháu đời sau rằng đất đai là một tài nguyên quan trọng và quý giá. Chính vì vậy, chúng ta cần phải biết bảo vệ, sử dụng đất đai sao cho đúng cách để đạt được hiệu quả tốt mà không gây hại tới đất đai. Quả thật, đây là một câu tục ngữ vô cùng đúng đắn, nhất là đối với một đất nước thiên về phát triển nông nghiệp như Việt Nam. Có thể khẳng định rằng câu tục ngữ “tấc đất tấc vàng” là lời dạy sâu sắc, ý nghĩa nhất cho muôn đời sau.

Mẫu tham khảo số 21

Trò chơi điện tử ra đời đã hấp dẫn, thu hút nhiều người chơi, nhưng trò chơi dân gian vẫn có những ưu điểm riêng để có thể cạnh tranh với nó. Trước hết, chúng ta có thể kể đến một số trò chơi dân gian phổ biến như bịt mắt bắt dê, cướp cờ, nhảy bao bố, ném lon, ô ăn quan, rồng rắn lên mây… Những trò chơi này thường được chơi với số lượng người chơi lớn, tạo ra không khí vui vẻ, nhộn nhịp. Trò chơi dân gian thường có luật chơi đơn giản, không giới hạn độ tuổi tham gia nên ai cũng có thể chơi, từ đó tạo sự gắn kết giữa người chơi, nêu cao tinh thần đồng đội. Một số trò chơi còn giúp rèn luyện sức khỏe, trí tuệ cho người chơi. Nhiều trò chơi được đưa vào các lễ hội truyền thống, trở thành một nét đẹp trong văn hóa dân tộc. Đây là điều mà các trò chơi điện tử trên các nền tảng công nghệ hiện đại không thể có được. Như vậy, chúng ta cần tích cực giữ gìn các trò chơi dân gian.

Mẫu tham khảo số 22

Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe của con người, thậm chí là ảnh hưởng đến cả tính mạng. Bởi khói thuốc lá có nhiều chất độc khi thấm vào cơ thể sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Ví dụ như lông rung của những tế bào niêm mạc ở ở vòm họng, phế quản, nang phổi bị chất hắc ín trong khói thuốc lá làm tê liệt, gây ra ho hen, sau nhiều năm có thể gây viêm phế quản; chất hắc ín thấm vào tế bào gây ra ung thư. Các chất ô-xít các-bon bám chặt vào máu, hồng cầu không có chúng tiếp cận với ôxi. Chất ni-cô-tin trong khói thuốc lá làm cho các động mạch co thắt lại, gây ra các bệnh huyết áp cao, tắc động mạch, nhồi máu cơ tim. Không chỉ bản thân người hút, mà khói thuốc lá còn đầu độc những người xung quanh cũng bị nhiễm độc, viêm phế quản, ung thư, gây nguy hiểm cho phụ nữ đang mang thai, ảnh hưởng đến thai nhi. Bên cạnh đó, việc người lớn hút thuốc, sẽ khiến cho người trẻ em học theo thói xấu. Tỉ lệ hút thuốc lá ở thanh niên hiện nay đang ngày càng gia tăng. Điều đó gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Nhiều bạn trẻ ăn trộm hoặc nói đối để lấy tiền của cha mẹ để đi mua thuốc lá. Từ những tác hại trên, chúng ta cần phải tích có những biện pháp phòng chống hút thuốc lá.

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Thu
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Tìm thêm: Văn mẫu lớp 7
3 Bình luận
Sắp xếp theo
👨
  • Tuấn Anh Lươn
    Tuấn Anh Lươn

    Thế không chia ra đâu là mở bài 

    ,thân bài,kết bài ạ

    Thích Phản hồi 26/03/23
    • Đỗ Vân
      Đỗ Vân

      ngắn gọn để b tham khảo mà

      Thích Phản hồi 27/03/23
    • Tiểu Thu
      Tiểu Thu

      Có những mẫu là đoạn văn nhé bạn!

      Thích Phản hồi 07:41 29/03
  • ???phat???
    ???phat???

    bài văn rất hay, ngắn gọn và súc tích

    Thích Phản hồi 31/03/23
    • Khoa Nguyễn
      Khoa Nguyễn

      không chia ra thân bài kết mơ bài sao mà biết

      Thích Phản hồi 19:25 28/03
      Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm