Đề cương ôn tập giữa học kì 1 môn Sinh học 10 sách Kết nối tri thức với cuộc sống Ôn tập giữa kì 1 môn Sinh học 10
Đề cương ôn tập giữa kì 1 Sinh học 10 Kết nối tri thức năm 2024 - 2025 là tài liệu rất hữu ích, bao gồm một số câu hỏi trắc nghiệm kèm theo tự luận. Tài liệu được biên tập một cách logic và khoa học có đáp án kèm theo. Qua đó giúp các em học sinh lớp 10 nắm được kiến thức mình đã học trong chương trình giữa kì 1, rèn luyện và ôn tập một cách hiệu quả.
Đề cương ôn tập giữa kì 1 Sinh học 10 Kết nối tri thức còn giúp giáo viên khái quát được nội dung ôn tập và nâng cao được hiệu quả ôn tập cho học sinh, tránh được tình trạng ôn tập cục bộ hoặc tràn lan. Bên cạnh đó các bạn tham khảo đề cương ôn tập giữa kì 1 Toán 10 Kết nối tri thức, đề cương ôn tập giữa kì 1 môn Hóa học 10 Kết nối tri thức, Đề cương ôn tập giữa kì 1 Vật lí 10 Kết nối tri thức.
Đề cương ôn tập giữa kì 1 Sinh học 10 Kết nối tri thức
TRƯỜNG THPT …………. BỘ MÔN: SINH HỌC | ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP GIỮA HỌC KỲ I |
I. NỘI DUNG ÔN TẬP
A. TỰ LUẬN
Câu 1. Hãy nêu các lĩnh vực nghiên cứu sinh học và các ngành nghề liên quan đến sinh học? Trình bày vai trò của sinh học trong phát triển bền vững môi trường sống?
Câu 2. Trình bày các phương pháp nghiên cứu sinh học? Nêu trình tự các bước trong tiến trình nghiên cứu khoa học?
Câu 3. Nêu khái niệm cấp độ tổ chức sống? Vì sao tế bào là cấp tổ chức cơ bản nhất của thế giới sống? Phân biệt được các cấp độ tổ chức sống ? Trình bày các đặc điểm chung của thế giới sống?
Câu 4. Kể tên các nguyên tố hoá học chính trong tế bào? Phân biệt nguyên tố đa lượng và vi lượng? Tại sao Carbon được coi là nguyên tố chủ yếu nhất trong tế bào?
Câu 5. Cấu tạo, tính chất và vai trò của phân tử nước trong tế bào? Tại sao hằng ngày chúng ta cần phải uống đủ nước?
Câu 6. Nêu cấu tạo và vai trò của các loại Carbohydrat ? Kể tên các loại thực phẩm cung cấp nhiều carbohydrat? Tại sao cần ăn nhiều loại rau xanh khác nhau trong khi thành phần chính của rau là cellulose- chất mà con người không thể tiêu hóa được?
Câu 7. Nêu cấu tạo và vai trò của các loại Lipid? Kể tên các loại thực phẩm cung cấp nhiều Lipid? Tại sao người già không nên ăn nhiều mỡ động vật?
Câu 8. Nêu cấu tạo và vai trò của Protein? Kể tên các loại thực phẩm cung cấp nhiều Protein. Tại sao thịt lợn, thịt bò cùng là Protein nhưng có nhiều đặc điểm khác nhau? Tại sao chúng ta nên bổ sung Protein cho cơ thể từ nhiều loại thức ăn khác nhau mà không nên chỉ ăn một vài loại thức ăn dù những loại đó rất bổ dưỡng?
Câu 9. Nêu cấu tạo và vai trò của các loại Nucleic acid? Kể tên các loại thực phẩm cung cấp nhiều Nucleic acid ? Tại sao dựa vào kết quả xét nghiệm DNA, người ta có thể xác định được hai người thất lạc nhiều năm có quan hệ huyết thống với nhau, cũng như có thể tìm ra hung thủ chỉ từ một mẫu mô rất nhỏ có ở hiện trường?
Câu 10. Mô tả kích thước, cấu tạo và chức năng các thành phần của tế bào nhân sơ.
B. TRẮC NGHIỆM
Câu 1: Sinh học nghiên cứu về
A. sự sống.
B. con người.
C. động vật.
D. thực vật.
Câu 2: Phát biểu nào sau đây thể hiện vai trò của sinh học trong sự phát triển bền vững?
A. Sinh học là cơ sở đưa ra biện pháp học tập và làm việc hiệu quả.
B. Sinh học là cơ sở đưa ra biện pháp phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc.
C. Sinh học là cơ sở đưa ra biện pháp nâng cao tuổi thọ và sức khỏe của con người.
D. Sinh học là cơ sở đưa ra biện pháp sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên.
Câu 3: Cấp độ tổ chức sống là
A. cấp độ tổ chức của vật chất có biểu hiện đầy đủ đặc tính của sự sống.
B. cấp độ tổ chức của tế bào có biểu hiện đầy đủ đặc tính của sự sống.
C. cấp độ tổ chức của cơ thể có biểu hiện đầy đủ đặc tính của sự sống.
D. cấp độ tổ chức của quần thể có biểu hiện đầy đủ đặc tính của sự sống.
Câu 4: Liên kết hóa học được hình thành trong phân tử nước là
A. liên kết cộng hóa trị.
B. liên kết hidro.
C. liên kết ion.
D. liên kết photphodieste.
Câu 5: Điểm chung giữa các phân tử sinh học là
A. đều được cấu tạo theo nguyên tắc đa phân.
B. đều có thành phần hóa học chủ yếu là carbon và hydrogen.
C. đều có hàm lượng giống nhau ở trong tế bào.
D. đều có cùng số nguyên tử carbon ở trong cấu trúc.
Câu 6: Dựa theo số lượng đơn phân, người ta chia carbohydrate thành bao nhiêu loại?
A. 5.
B. 4.
C. 3.
D. 1.
Câu 7: Trong thí nghiệm nhận biết lipid bằng phép thử nhũ tương, nếu sử dụng dầu ăn để thử thì huyền phù tạo ra sẽ có màu
A. đỏ gạch.
B. vàng nhạt.
C. xanh nhạt.
D. trắng sữa.
Câu 8: Ti thể được xem là "nhà máy điện" của tế bào vì
A. ti thể có màng kép với màng ngoài trơn nhẵn và màng trong gấp nếp hình răng lược tạo nhiều mào.
B. ti thể là nơi diễn ra quá trình phân giải carbohydrate giải phóng năng lượng cung cấp cho mọi hoạt động sống.
C. hình dạng, kích thước và số lượng của ti thể phụ thuộc vào loại tế bào, một tế bào có thể có tới hàng nghìn ti thể.
D. ti thể có khả năng sinh ra điện sinh học giúp cơ thể thực hiện được các hoạt động sống như sinh trưởng, phát triển, sinh sản,...
Câu 9: Bào quan nào sau đây chỉ có ở tế bào động vật mà không có ở tế bào thực vật?
A. Lục lạp.
B. Không bào trung tâm.
C. Ti thể.
D. Trung thể.
Câu 10: Cho các cấp độ tổ chức cơ bản của thế giới sống: (1) cơ thể, (2) tế bào, (3) quần thể, (4) quần xã, (5) hệ sinh thái. Các cấp độ tổ chức sống cơ bản trên được sắp xếp theo đúng nguyên tắc thứ bậc là
A. 2 → 1 → 3 → 4 → 5.
B. 1 → 2 → 3 → 4 → 5.
C. 5 → 4 → 3 → 2 → 1.
D. 2 → 3 → 4 → 5 → 1.
Câu 11: Học thuyết tế bào không có nội dung nào sau đây?
A. Tất cả mọi sinh vật đều được cấu tạo từ nhiều tế bào.
B. Tế bào là đơn vị nhỏ nhất, đơn vị cấu trúc và đơn vị chức năng cấu tạo nên mọi cơ thể sinh vật.
C. Tế bào chỉ được sinh ra từ sự phân chia các tế bào có trước.
D. Sự sống được tiếp diễn do có sự chuyển hóa và di truyền xảy ra bên trong các tế bào.
Câu 12: Cho các loại tế bào sau:
(1) Tế bào cơ
(2) Tế bào hồng cầu
(3) Tế bào bạch cầu
(4) Tế bào thần kinh
Loại tế bàocó nhiều lysosome nhất là
A. (1).
B. (2).
C. (3).
D. (4).
Câu 13: Tế bào là đơn vị cấu trúc của mọi cơ thể sinh vật vì
A. mọi cơ thể sinh vật đều được cấu tạo từ một hoặc nhiều tế bào.
B. mọi cơ thể sinh vật đều được cấu tạo từ nhiều tế bào.
C. các hoạt động sống cơ bản đều được thực hiện ở tế bào, hoạt động sống ở cấp độ tế bào là nền tảng cho hoạt động sống ở cấp độ cơ thể.
D. các hoạt động sống cơ bản đều được thực hiện ở tế bào, hoạt động sống ở cấp độ cơ thể là nền tảng cho hoạt động sống ở cấp độ tế bào.
Câu 14: Cho các phát biểu sau:
(1) Có khoảng 25 nguyên tố hóa học thiết yếu.
(2) Có 2 loại nguyên tố thiết yếu: nguyến tố đa lượng và nguyên tố vi lượng.
(3) Carbon là nguyên tố có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tế bào.
(4) Các nguyên tố hóa học chỉ tham gia cấu tạo nên các đại phân tử sinh học.
Số phát biểu đúng khi nói về nguyên tố hóa học trong tế bào là
A. 1.
B. 2.
C. 3.
D. 4.
Câu 15: Mối quan hữu cơ giữa các cấp độ tổ chức dựa trên
A. hoạt động sống ở cấp độ tế bào; sự truyền năng lượng và vật chất giữa các cấp độ.
B. hoạt động sống ở cấp độ cơ thể; sự truyền năng lượng và vật chất giữa các cấp độ.
C. hoạt động sống ở cấp độ quần thể; sự truyền năng lượng và vật chất giữa các cấp độ.
D. hoạt động sống ở cấp độ quần xã; sự truyền năng lượng và vật chất giữa các cấp độ.
Câu 16: Nguyên tố vi lượng trong cơ thể sống không có đặc điểm nào sau đây?
A. Chiếm tỉ lệ nhỏ hơn 0,01% khối lượng chất sống của cơ thể.
B. Chỉ cần cho thực vật ở giai đoạn sinh trưởng.
C. Thường tham gia cấu tạo nên enzyme trong tế bào.
D. Là nguyên tố mà sinh vật chỉ cần một lượng rất nhỏ.
Câu 17: Thực vật không có bộ xương mà vẫn đứng vững được là nhờ tế bào thực vật có
A. thành tế bào.
B. không bào trung tâm.
C. lục lạp.
D. ti thể.
Câu 18: "Đàn cá chép sống ở hồ Tây" thuộc cấp độ tổ chức sống là
A. cá thể.
B. hệ sinh thái.
C. quần xã.
D. quần thể.
Câu 19: Những bộ phậncủa tế bào nhân thực tham gia tổng hợp và vận chuyển một protein xuất bào là
A. lưới nội chất hạt, bộ máy Golgi, túi tiết, màng tế bào.
B. lưới nội chất trơn, bộ máy Golgi, túi tiết, màng tế bào.
C. lưới nội chất trơn, bộ máy Golgi, không bào, màng tế bào.
D. lưới nội chất hạt, bộ máy Golgi, lysosome, màng tế bào.
Câu 20: Yếu tố quan trọng nhất quyết định tính đa dạng và đặc thù của protein là
A. số lượng các amino acid.
B. thành phần các amino acid.
C. trình tự sắp xếp các amino acid.
D.bậc cấu trúc không gian.
II. HÌNH THỨC KIỂM TRA
- Thời gian: 45 phút
- Trắc nghiệm 30% + Tự luận 70%