Đề cương ôn tập giữa học kì 1 môn Ngữ văn 11 sách Cánh diều Ôn tập giữa kì 1 Ngữ văn 11 năm 2024 - 2025 (Có đáp án)

Đề cương ôn tập giữa kì 1 Văn 11 Cánh diều năm 2024 - 2025 bao gồm phạm vi ôn tập kèm theo 2 đề thi minh họa. Qua đó giúp các em học sinh lớp 11 nắm được kiến thức mình đã học trong chương trình giữa kì 1, rèn luyện và ôn tập một cách hiệu quả.

Đề cương ôn tập giữa kì 1 Ngữ văn 11 Cánh diều còn giúp giáo viên khái quát được nội dung ôn tập và nâng cao được hiệu quả ôn tập cho học sinh, tránh được tình trạng ôn tập cục bộ hoặc tràn lan. Vậy sau đây là trọn bộ đề cương giữa kì 1 Ngữ văn 11 Cánh diều năm 2024 - 2025 mời các bạn theo dõi. Ngoài ra các bạn xem thêm đề cương ôn tập giữa kì 1 Toán 11 Cánh diều.

Đề cương ôn tập giữa kì 1 Ngữ văn 11 Cánh diều

TRƯỜNG THPT ……….

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP GIỮA HỌC KỲ I

Năm học 2024 – 2025

MÔN NGỮ VĂN 11

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

1. Kiến thức đọc hiểu chung

  • Các phương thức biểu đạt
  • Các thao tác lập luận
  • Các thể thơ thường gặp
  • Các biện pháp tu từ
  • Các phép liên kết
  • Phương thức xây dựng đoạn văn (cách thức trình bày đoạn văn)
  • Nhận diện các phong cách ngôn ngữ.
  • Xác định đề tài, chủ đề, nội dung chính của văn bản
  • Yêu cầu xác định từ ngữ, hình ảnh biểu đạt nội dung cụ thể trong văn bản
  • Tìm thông điệp có nghĩa trong văn bản.

2. Kĩ năng đọc hiểu văn bản

a. Thơ và truyện thơ

- Nhận biết và vận dụng những hiểu biết về thơ trữ tình (giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố như ngôn từ, hình thức bài thơ thể hiện trong văn bản; ý nghĩa, tác dụng của yếu tố tự sự trong thơ...) để đọc hiểu thơ dân gian, thơ văn học viết.

- Nhận biết và vận dụng những hiểu biết về đặc điểm của truyện thơ dân gian và truyện thơ Nôm (cốt truyện, nhân vật, người kể chuyện, độc thoại nội tâm, bút pháp, ngôn ngữ...) để đọc hiểu đoạn trích truyện thơ dân tộc thiểu số, truyện thơ Nôm.

b. Thơ văn Nguyễn Du

- Vận dụng được những hiểu biết về bối cảnh lịch sử, tác giả, truyện thơ Nôm, thể loại thơ Đường luật để đọc hiểu những đoạn trích tiêu biểu trong Truyện Kiều, thơ chữ Hán của Nguyễn Du; thấy được vẻ đẹp tâm hồn, tài năng cùng những đóng góp to lớn của đại thi hào đối với sự phát triển của văn học dân tộc.

II. PHẦN LÀM VĂN

Ôn tập và luyện kĩ năng:

- Viết bài nghị luận xã hội và trình bày ý kiến đánh giá, bình luận một tư tưởng, đạo lí.

- Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật và biết thuyết trình, giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật (điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, hội hoạ...).

II. Đề thi minh họa giữa kì 1 Ngữ văn 11

ĐỀ SỐ 1

I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân
Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

(Tổ quốc nhìn từ biển, Nguyễn Việt Chiến, dẫn nguồn thivien.net)

Chọn đáp án đúng nhất

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản là:

A. Tự sự
B. Miêu tả
C. Biểu cảm
D. Thuyết minh

Câu 2: Xác định thể thơ của đoạn trích trên?

A. Thơ tự do
B. Thơ tám chữ
C. Thơ tự sự
D. Thơ thất ngôn bát cú

Câu 3: Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ “thương” điều gì?

A. Đất nước
B. Đất nước ba ngàn hòn đảo.
C. Đất nước ba ngàn hòn đảo, suốt ngàn năm bóng giặc chập chờn
D. Tổ quốc nhìn từ bao mất mát, những chàng trai ra đảo quên mình.

Câu 4: Xác định nội dung chính của đoạn thơ trên?

A. Lòng căm thù giặc sâu sắc, mãnh liệt
B. Thương cảm với những con người nằm lại nơi biên cương Tổ quốc
C. Cảm phục những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ đảo và quần đảo của dân tộc
D. Tình yêu với biển đảo quê hương đất nước

Câu 5: Nghĩa của từ “sắc chỉ” là gì?

A. Vẻ đẹp của nơi nào đó cụ thể
B. Mệnh lệnh bằng văn bản của vua
C. Ý chỉ của nhà vua truyền bằng khẩu ngữ
D. Cả ba đáp án đều đúng

Câu 6: Những hình ảnh “máu đổ, sóng mặn vùi thân, máu xương” có ý nghĩa như thế nào?

A. Sự đồng cảm xót thương của tác giả với những người lính trẻ ngày ngày bảo vệ đảo và quần đảo của dân tộc.
B. Sự hi sinh mất mát của những con người ngã xuống vì Tổ quốc
C. Điều kiện khó khăn gian khổ của những con người ngày ngày bảo vệ biển đảo quê hương.
D. Cả ba đáp án trên

Câu 7: Qua đoạn thơ thấy được thái độ, tình cảm gì của nhân vật trữ tình?

A. Trân trọng biết ơn những con người, những thế hệ đi trước đã hi sinh vì sự bình yên của biển đảo quê hương
B. Tình yêu, niềm tự hào với vẻ đẹp của quê hương đất nước.
C. Gửi gắm lòng quyết tâm bảo vệ biển đảo quê hương
D. Cả 3 đáp án trên

Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu:

Câu 8: Anh/chị suy nghĩ như thế nào về hai câu thơ dưới đây?

Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

Câu 9: Theo anh/chị biển, đảo và quần đảo có ý nghĩa như thế nào với đất nước?

Câu 10: Từ đoạn trích anh/chị hãy cho biết bản thân có trách nhiệm và hành động như thế nào với biển đảo quê hương đất nước?

II. VIẾT: (4,0 điểm)

Phía làng đã khuất hẳn, nhưng tôi vẫn đăm đắm nhìn theo. Tôi đi đã nhiều nơi, đóng quân lại ở nhiều chỗ, phong cảnh đẹp đẽ hơn đây nhiều, nhân dân coi tôi như người làng và cũng có những người yêu tôi tha thiết nhưng sao sức quyến rũ, nhớ thương vẫn không mãnh liệt, day dứt bằng mảnh đất cội cằn này.

Làng mạc bị tàn phá nhưng mảnh đất quê hương vẫn đủ sức nuôi sống tôi như ngày xưa nếu tôi có ngày trở về. Ở miếng đất ấy tháng giêng tôi đi đốt bãi đào ổ chuột, tháng tám nước lên đánh dậm, úp cá, đơm tép, dấm cá rô, tháng chín, tháng mười đi móc con da dưới vệ sông. ở miếng đất ấy những ngày phiên chợ dì tôi lại mua cho vài cái bánh dợm, đêm nằm với chú, chú gác chân lên tôi mà lẩy Kiều, ngâm thơ, những tối liên hoan xã nghe cái Tỵ hát chèo và đôi lúc lại được ngồi nói chuyện với Cún con nhắc lại những kỷ niệm đẹp đẽ hồi thơ ấu.

Khung cảnh chung quanh tôi bắt đầu mờ dần rồi trắng xóa, sương xuống dày đặc đến không còn trông rõ cái gì nữa. Phảng phất trong không khí có thứ mùi quen thuộc, không hẳn là mùi nhang ngày Tết, cũng không phải là thứ mùi nào khác có thể gọi tên được, nó man mác, có lẽ đã lâu lắm tôi mới lại cảm thấy nó. Thôi, tôi nhớ ra rồi... đó là thứ mùi vị đặc biệt, mùi vị của quê hương...

(Ngày Tết về thăm quê, Nguyễn Khải)

Đoạn trích trên đề cập tới vấn đề gì? Anh/chị hãy viết bài luận (500 chữ) phân tích, cảm nhận về vấn đề được đề cập tới.

ĐÁP ÁN ĐỀ MINH HỌA

Đáp án

Phần I. ĐỌC HIỂU

Câu 1

(0.5đ)

Câu 2 (0.5đ)

Câu 3

(0.5đ)

Câu 4

(0.5đ)

Câu 5

(0.5đ)

Câu 6

(0.5đ)

Câu 7

(0.5đ)

C

A

C

D

B

B

D

II. VIẾT: (4,0 điểm)

Viết bài Nghị luận phân tích “ Tình cảm của tác giả đối với làng quê và mảnh đất quê hương”

Phần chính

Điểm

Nội dung cụ thể

Mở bài

0,5

- Dẫn dắt và nêu vấn đề cần bàn luận

Thân bài

2,5

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý:

Vẻ đẹp của quê hương trong lòng tác giả:

- Giản dị, gần gũi gắn liền với những kí ức tuổi thơ và in sâu trong tâm trí của tác giả.

- Dù bị chiến tranh tàn phá nhưng vẫn đủ sức bao bọc cho nhân vật tôi.

Tình cảm của tác giả:

- Yêu mến, trân trọng, tự hào về quê hương

- Quê hương luôn in sâu trong tâm trí của tác giả, dù đi nhiều nơi đối với anh quê hương vẫn là nới đẹp nhất.

- Gắn bó sâu nặng với quê hương, cảm nhận được hương vị riêng của quê hương này.

Đánh giá chung:

- Về nội dung: Khẳng định vẻ đẹp của quê hương và tấm lòng của nhà văn.

- Về nghệ thuật:

+ Ngôn ngữ hình ảnh giản dị, mộc mạc, gần gũi.

+ Giọng văn nhẹ nhàng sâu lắng.

Kết bài

0,5

- Khẳng định lại vấn đề

Yêu cầu khác

0,5

- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ, sáng tạo.

ĐỀ SỐ 2

I. Đọc hiểu (4đ)

Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi phía dưới:

VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG TA

Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều

Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn

Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa

Việt Nam đất nắng chan hoà
Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh
Mắt đen cô gái long lanh
Yêu ai yêu trọn tấm tình thuỷ chung.

( Trích Bài thơ Hắc Hải, tuyển thơ Nguyễn Đình Thi)

Lựa chọn đáp án đúng

Câu 1: Bài thơ trên được sáng tác theo thể thơ gì?

A. Thất ngôn bát cú Đường luật
B. Song thất lục bát
C. Lục bát
D. Tự do

Câu 2: Nội dung chính của bài thơ trên là gì?

A. Tình cảm yêu mến, gắn bó, tự hào của tác giả dành cho con người và quê hương
Việt Nam.
B. Tác giả hồi tưởng về một thời kì “vất vả in sâu” nhưng rất “anh hùng” của dân tộc Việt Nam.
C. Ngợi ca nền văn hóa ngàn năm của quê hương, ca vẻ đẹp giàu có của thiên nhiên, đất nước Việt Nam.
D. Ngợi ca vẻ đẹp giàu có của thiên nhiên, đất nước Việt Nam.

Câu 3: Bài thơ đã gợi cho em suy nghĩ gì về con người và cảnh sắc quê hương?

A. Tự hào với sự giàu có của thiên nhiên, với những nét đẹp về văn hóa và tinh thần được hun đúc qua nhiều thế hệ của dân tộc Việt Nam.
B. Có ý thức tiếp nhận văn hóa của các nước phát triển nhằm mở rộng văn hóa của
dân tộc.
C. Có ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc.
D. Yêu mến, tự hào đối với những con người đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ những vùng đất xa xôi của Tổ quốc.

Câu 4: Khi chọn hình ảnh "đỉnh Trường Sơn", tác giả muốn ca ngợi vẻ đẹp gì của thiên nhiên?

A. Vẻ đẹp dịu dàng, mộc mạc.
B. Vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ.
C. Vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng.
D. Vẻ đẹp cao sang, lộng lẫy.

Câu 5: Hình ảnh "biển lúa" sử dụng biện pháp tu từ nào?

A. So sánh.

B. Ẩn dụ.

C. Nhân hóa.

D. Hoán dụ.

Câu 6: Nội dung chính của đoạn thơ sau là gì?

"Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa."

A. Bức chân dung của con người Việt Nam chịu thương, chịu khó.
B. Bức chân dung của con người Việt Nam kiên cường, bất khuất.
C. Bức chân dung của con người Việt Nam nỗ lực, kiên trì.
D. Bức chân dung của con người Việt Nam thuỷ chung, bất khuất.

Câu 7. Hình ảnh "áo nâu" trong câu thơ "Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn" có ý nghĩa gì?

A. Chỉ những người thuộc lớp trẻ phải vất vả, chịu thương chịu khó.
B. Chỉ những người già yếu phải vất vả, chịu thương chịu khó.
C. Chỉ những người nông dân vất vả, chịu thương chịu khó.
D. Chỉ những người nông dân nghèo khổ.

Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu:

Câu 8: Tình cảm của tác giả đối với quê hương, đất nước được thể hiện như thế nào trong văn bản?

Câu 9: Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong câu sau và nêu tác dụng:

Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Câu 10: Từ nội dung gợi ra qua bài thơ “Việt Nam quê hương ta”, em thấy mình phải
làm gì để góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương Việt Nam mãi giàu đẹp? (Trả lời câu hỏi bằng một chuỗi câu từ 3-5 câu)

II. VIẾT (4,0 điểm)

Câu 1:

QUÊ MẸ

(Thanh Tịnh)

Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

(Ca dao)

Cô Thảo ra lấy chồng đã ba năm. Anh Vận chồng cô hiện làm hương thơ ở làng Mỹ Lý. Anh Vận trước kia có theo học chữ Quốc ngữ, nhưng đã hai năm thi yếu lược không đậu nên anh ta lại thôi. Qua năm sau dân trong xóm bầu anh ta lên làm hương thơ trong làng. Ngày nào anh ta cũng đi nhà này qua nhà khác phát thư, rồi chiều đến lại phải ra tận đình để lấy hòm thư đem lên huyện.

Công việc của anh tuy vất vả, nhưng lương tháng - hay nói cho đúng, lương năm - của anh trông ít quá. Làng chỉ trích cho anh ta ba mẫu ruộng và năm đồng bạc làm tiền lộ phí. Nhưng năm đồng ấy thì không bao giờ anh nhận được. Vì các viên chức đã khéo léo trừ với món tiền phải đóng sưu này thuế khác gần hết.

Nhưng ở vùng quê, được một chức nghiệp như thế, anh Vận cũng cho là danh giá lắm. Và bà Lại, mẹ anh Vận, lúc nói chuyện với những người quen, cũng không quên tự hào được một người con ra đảm đương việc làng việc nước.

Cô Thảo ra lấy chồng vốn liếng không có nên không đi buôn bán gì hết. Cả nhà chỉ trông vào một mẫu ruộng tranh và ba mẫu ruộng làng để sống năm này tháng khác.

(Gần đến ngày giỗ ông, cô Thảo muốn xin chồng về làng, lại không muốn nói thẳng.

Nhưng mãi đến chiều cũng không nghe chồng nói gì, nên cô phải mượn cây thanh trà để nhắc xa xôi cho chồng nhớ. Anh Vận xin mẹ cho vợ về làng ăn giỗ. Mẹ chồng bảo cô mang buồng chuối mật trong vườn về giỗ ông, lại cho cô một hào để đi đò. Anh Vận cũng chạy quanh xóm mượn chỗ này, chỗ khác cho cô Thảo thêm bốn hào nữa)

Tối hôm ấy cô Thảo không đi ngủ sớm. Cô đặt con ngủ yên bên chồng xong lại lật đật xách dao ra sau vườn chuối. Loay hoay một lúc lâu cô mới đem được buồng chuối mật vào nhà. Cô đem để vào một góc thật kín vì cô sợ nửa đêm chuột đến khới. Xong rồi cô mới qua bên nhà cô Thị mượn đôi hoa tai vàng và cái nón lá mới. Sắp đặt đâu đó xong xuôi cô mới lên giường nằm ngủ.

Trời tờ mờ sáng cô Thảo đã trở dậy sắm sửa đi về làng. Làng cô ở cách xa làng Mỹ Lý hơn mười lăm cây số. Vì vậy nên mỗi năm cô chỉ được về làng chừng hai ba lượt là nhiều. Xưa kia cô từng qua lại làng Mỹ Lý ngày một để bán gạo, nhưng sau lúc cô ra lấy chồng thì quê nhà đối với cô đã là nơi xa lạ.

Qua những con đường mòn chạy nấp theo bờ ruộng, cô lại nhớ đến quãng đời bán gạo của cô ngày trước. Trong trí cô hiện ra lần lần hình ảnh của cô Thu, cô Nguyệt, cô Hương, những cô bạn mà trước kia cô cho là thân nhất. Nhưng đời các cô ấy cũng như cô, nghĩa là cũng có chồng, có con và quãng đời làm dâu cũng vất vả, cũng phẳng lặng như nhau hết.

Đi chưa được bốn cây số cô Thảo đã thấy mỏi. Cô tự nhận thấy sức cô yếu hơn trước nhiều lắm. Cô muốn đi đò cho đỡ chân, nhưng sực nhớ đến những món quà cần phải cho em, cô lại gắng gượng đi nhanh hơn trước.

[…]

Về đến làng cô Thảo gặp ai cũng đón chào niềm nở. Lòng cô lúc ấy nhẹ nhàng và vui sướng lắm. Còn họ gặp cô đi đằng xa đã kêu réo om sòm như gặp được người sống lại. Họ hỏi thăm cô chuyện này chuyện khác, mục đích là để xem cô ăn mặc độ này có khá hơn trước không. Cô Thảo thấy người làng chào hỏi mình vồn vã nên đáp lại rất vui vẻ. Cô ta không quên lấy cái nón xuống, giả vờ quạt vào mình để mấy người đứng chung quanh được thấy đôi hoa tai vàng của cô.

Đến trưa hôm ấy thì cô về đến nhà. Mấy cậu em đua nhau ra níu áo chị. Cô Thảo xoa đầu đứa này đỡ cằm đứa khác, nụ cười trên môi cô không khi nào tắt. Trông thấy mẹ trong nhà đi ra cô mừng quá. Cô chạy lại đứng bên mẹ cảm động quá đến rưng rưng nước mắt. Một lúc sau cô đưa thằng Lụn cho mẹ ẵm rồi đi thẳng vào nhà để chào những người quen biết.

Bà Vạn cứ quấn quít bên cháu, bên con quên cả ngày giờ. Bà giới thiệu cô Thảo với người này người khác, bà nhắc đến chuyện cô Thảo lúc cô còn năm sáu tuổi. Bà kể đến đoạn nào bà cũng có ý khoe cô Thảo đức hạnh và khôn ngoan đủ thứ. Bà nói mãi mà không biết chung quanh bà không ai nghe bà hết.

Sung sướng nhất là cô con gái có chồng về nhà mẹ. Cô Thảo tuy về giỗ ông nhưng không làm gì hết. Cô vào phòng mẹ nằm ngủ cả buổi chiều, mãi đến lúc gần cúng cô mới chịu đi ra ngoài.

Lúc cô đứng lễ thì ông Vạn, thân sinh cô, vuốt râu cười nói:

- Con phải lễ thế phần chồng con nữa. Nó làm gì bên ấy mà không đến

Cô Thảo sau khi thụt lùi ra khỏi chiếu, mới khẽ đáp:

- Dạ, nhà con mắc việc quan.

Cô Khuê, chị em chú bác với cô Thảo, đứng gần đấy trề môi nói tiếp:

- Thứ đồ làm hương thơ mỗi năm ăn ba mẫu ruộng mà cũng gọi là việc quan.

- Ai nấy đều nghe thấy nhưng không ai cãi lại. Ông Vạn đứng cúi đầu xuống hơi ngượng. Còn cô Thảo gương mặt đỏ bừng, quay đầu nhìn xuống bếp. Nhưng ngay lúc ấy cô lại gặp cặp mắt của mẹ đang nhìn cô chòng chọc. Cô đau lòng quá đến để hai dòng lệ chảy dài trên má.

- Sáng hôm sau, cúng cơm sáng xong xuôi, cô Thảo lại sắm sửa đi qua làng Mỹ Lý. Cô gọi mấy đứa em đến gần rồi cho mỗi đứa năm xu. Trong nhà ai cũng khen cô rộng rãi và biết thương em, nên cô vui sướng lắm. Đang lúc cao hứng cô còn hứa sẽ gửi cho mẹ hai cặp quần áo mới để mặc Tết nữa. Nhưng chính cô cũng không biết sẽ lấy đâu ra hai cặp quần áo ấy. Chỉ trong nháy mắt cô Thảo đã phân phát tất cả số tiền cô đã dành dụm trong một năm.

- […]

- Về nhà chồng, cô Thảo lại làm việc từ mai đến chiều, tối tăm cả mày mặt. Lúc nào cô cũng nhớ đến mẹ nghèo, đến em thơ, nhưng nhớ thì lòng cô lại bùi ngùi, trí cô lại bận rộn. Rồi chiều chiều gặp những lúc nhàn rỗi, cô lại ra đứng cửa sau vơ vẩn nhìn về làng Quận Lão. Nhưng làng Quận Lão ẩn sau đám tre xanh đã kéo một gạch đen dài trên ven đồi xa thẳm.

-(Theo Tổng tập văn học Việt Nam, tập 33, NXB Khoa học xã hội, 2000,Tr.819-823)

Anh/chị hãy viết bài văn phân tích, đánh giá về đoạn trích trên.

-----Hết-----

- Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm