Đề cương ôn tập giữa học kì 1 môn Ngữ văn 11 sách Chân trời sáng tạo Ôn tập giữa kì 1 Ngữ văn 11 năm 2024 - 2035 (Có đáp án)
Đề cương ôn tập giữa kì 1 Văn 11 Chân trời sáng tạo năm 2024 - 2025 là tài liệu rất hữu ích bao gồm nội dung kiến thức lý thuyết kèm theo 2 đề thi minh họa. Qua đó giúp các em học sinh lớp 11 nắm được kiến thức mình đã học trong chương trình giữa kì 1, rèn luyện và ôn tập một cách hiệu quả.
Đề cương ôn tập giữa kì 1 Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo còn giúp giáo viên khái quát được nội dung ôn tập và nâng cao được hiệu quả ôn tập cho học sinh, tránh được tình trạng ôn tập cục bộ hoặc tràn lan. Vậy sau đây là trọn bộ đề cương giữa kì 1 Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo năm 2024 - 2025 mời các bạn theo dõi. Bên cạnh đó các bạn tham khảo bộ đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo.
Đề cương giữa kì 1 Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo (Có đáp án)
TRƯỜNG THPT ……….
| ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP GIỮA HỌC KỲ I Năm học 2024 – 2025 MÔN NGỮ VĂN 11 |
I. Kiến thức ôn thi giữa kì 1 Ngữ văn 11
A. Phần văn bản
Bài 1: Ai đã đặt tên cho dòng sông
- Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường
- Thể loại: Tùy bút
- Nội dung: Bức tranh dòng sông Hương thơ mộng trữ tình đầy chất thơ khi chảy từ thượng nguồn về cố đô Huế. Mỗi một khúc sông Hương lại mang một vẻ đẹp khac nhau giúp ta cảm nhận được tình yêu quê hương, niềm tự hào của tác giả về con sông đặc trưng cho xứ Huế.
- Nghệ thuật: Sử dụng từ ngữ phong phú, diễn đạt tinh tế về dòng sông Hương dựa trên hiểu biết về nhiều khía cạnh của tác giả.
Bài 2: Cõi lá
- Tác giả: Đỗ Phấn
- Thể loại: Tản văn
- Nội dung: Tác phẩm làm nổi bật nét quyến rũ, vòng đời của các loài cây trong phố cổ cùng cảnh sắc của Hà Nội. Đồng thời cho ta thấy được tình yêu của tác giả dành cho thủ đô thơ mộng khiến trái tim người đọc phải xao xuyến.
- Nghệ thuật: Bút pháp nghệ thuật tài hoa khắc họa hình ảnh đời sống người dân thủ đô Hà Nội cùng màu sắc cây cối Hà Nội.
Bài 3: Chiều xuân
- Tác giả: Anh Thơ
- Thể loại: thơ lục bát
- Nội dung: Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước khi mùa xuân về. Chính tình yêu quê hương đất nước đã bao trùm lên cả vẻ đẹp của bức tranh quê hương trong buổi chiều xuân đó.
- Nghệ thuật: Sử dụng nhiều hình ảnh tiêu biểu cho mùa xuân với từ ngữ gợi tình, gợi âm thanh. Miêu tả cái động để nói về cái tĩnh.
Bài 4: Một cây bút và một quyển sách có thể thay đổi thế giới
- Tác giả: Ma- la- la Diu- sa- phdai
- Thể loại: Nghị luận xã hội
- Nội dung: Qua tác phẩm chúng ta có thêm hiểu biết về Ma- la- la Diu- sa- phdai - một nhà đấu tranh vì quyền giáo dục cho phụ nữ nổi tiếng ở Pakistan. Đồng thời tác phẩm còn kêu gọi mọi người hãy dũng cảm đứng lên đấu tranh đòi lại công bằng cho phụ nữ và trẻ em.
- Nghệ thuật: Sử dụng luận điểm ngắn gọn, được sắp xếp hợp lý. Hệ thống luận cứ toàn diện, sâu sắc, phong phú và xác thực. Sử dụng kết hợp phương pháp nghị luận chứng minh với giải thích, nêu vấn đề và lật lại vấn đề.
Bài 5: Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI
- Tác giả: Đỗ Thị Ngọc Quyên, Nguyễn Đức Dũng.
- Thể loại: Nghị luận xã hội
- Nội dung: Bài viết nghị luận về những hành trang người trẻ cần có để bước vào thế kỉ 21 đó là tri thức, kĩ năng và thái độ.
- Nghệ thuật: Sử dụng hệ thống luận điểm luận cứ rõ ràng, dẫn chứng phong phú, thuyết phục người đọc.
Bài 6: Công nghệ AI của hiện tại và tương lai
- Xuất xứ: trích từ trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ
- Thể loại: Văn bản nghị luận
- Nội dung: Văn bản đề cập đến giá trị và vai trò của Ai trong đời sống hiện tại và tương lai.
- Nghệ thuật: Sử dụng vốn từ sâu rộng, hệ thống luận điểm, luận cứ, lí lẽ thuyết phục cao.
B. Phần Tiếng Việt
Giải thích nghĩa của từ
- Nghĩa của từ là nội dung mà từ đó biểu thị, được nhận diện thông qua nhận thức và sự hiểu biết của mỗi người.
- Giải thích nghĩa của từ:
- Thông qua phân tích nội dung từ, nêu phạm vi sử dụng, khả năng kết hợp của từ
- Dùng một hoặc nhiều từ đồng nghĩa, trái nghĩa để giải thích
- Giải thích nghĩa từ ghép bằng cách giải thích từng thành tố cấu tạo nên từ
- Giải thích từ cần chú ý đến từ gốc và nghĩa chuyển
C. Phần Làm văn
a. Viết văn bản thuyết minh
- Viết văn bản thuyết minh lồng ghép các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm là kiểu bài tổng hợp thông tin kết hợp các yếu tố lồng ghép để làm rõ đặc điểm của đối tượng để người đọc hiểu rõ về đối tượng thuyết minh.
- Lập dàn ý:
+ Mở bài: Nêu vấn đề cần thuyết minh
+ Thân bài: Thuyết minh về các đặc điểm của đối tượng có lồng ghép các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm để làm rõ vấn đề cần thuyết minh.
+ Kết bài: Khẳng định vai trò của đối tượng thuyết minh
b. Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội
- Viết bài văn nghị luận xã hội về một một hiện tượng trong xã hội là dùng những lí lẽ bằng chứng để làm sáng tỏ một vấn đề xã hội
- Lập dàn ý:
+ Mở bài: Đưa ra vấn đề cần nghị luận
+ Thân bài: Đưa ra định nghĩa, cách hiểu về vấn đề cần nghị luận, phân tích biểu hiện, đưa ra các bằng chứng chứng minh để làm sáng tỏ vấn đề đó, viết phản biện các ý kiến trái chiều liên quan đến vấn đề nghị luận.
+ Kết bài: Tổng hợp lại vấn đề, liên hệ với bản thân và đưa ra giải pháp.
II. Đề thi minh họa giữa kì 1 môn Ngữ Văn 11
ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU (5,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân. Mà tháng Giêng là tháng đầu của mùa xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân.
Tôi yêu sông xanh, núi tím; tôi yêu đôi mày ai như trăng mới in ngần và tôi cũng xây mộng ước mơ, nhưng yêu nhất mùa xuân không phải là vì thế.
Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội – là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng...
Người yêu cảnh, vào những lúc trời đất mang mang như vậy, khoác một cái áo lông, ngậm một ống điếu mở cửa đi ra ngoài tự nhiên thấy một cái thú giang hồ êm ái như nhung và không cần uống rượu mạnh cũng như lòng mình say sưa một cái gì đó – có lẽ là sự sống!
Ấy đấy, cái mùa xuân thần thánh của tôi làm cho người ta muốn phát điên lên như thế ấy. Ngồi yên không chịu được. Nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trồi ra thành những cái lá nhỏ li ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh.
Cùng với mùa xuân trở lại, tim người ta dường như cũng trẻ hơn ra, và đập mạnh hơn trong những ngày đông tháng giá. Lúc ấy, đường sá không còn lầy lội nữa mà là cái rét ngọt ngào, chớ không còn tê buốt căm căm nữa.
Y như những con vật nằm thu hình một nơi trốn rét thấy nắng ấm trở về thì lại bò ra để nhảy nhót kiếm ăn, anh cũng “sống” lại và thèm khát yêu thương thực sự. Ra ngoài trời, thấy ai cũng muốn yêu thương, về đến nhà lại cũng thấy yêu thương nữa.
Nhang trầm, đèn nến, và nhất là bầu không khí gia đình đoàn tụ êm đềm, trên kính dưới nhường, trước những bàn thờ Phật, bàn thờ Thánh, bàn thờ tổ tiên làm cho lòng anh ấm lạ ấm lùng, tuy miệng chẳng nói ra nhưng trong lòng thì cảm như có không biết bao nhiêu là hoa mới nở, bướm ra ràng mở hội liên hoan.
Đẹp quá đi, mùa xuân ơi - mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến. Nhưng tôi yêu mùa xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng giêng, Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhuỵ vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu giêng, nhưng trái lại, lại nức một mùi hương man mác.
Thường thường, vào khoảng đó trời đã hết nồm, mưa xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê mờ. Sáng dậy, nằm dài nhìn ra cửa sổ thấy những vệt xanh tươi hiện ra ở trên trời, mình cảm thấy rạo rực một niềm vui sáng sủa. Trên giàn hoa lí, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa. Chỉ độ tám chín giờ sáng, trên nền trời trong trong có những làn sáng hồng hồng rung động như cánh con ve mới lột.
Ấy là lúc thịt mỡ dưa hành đã hết, người ta bắt đầu trở về bữa cơm giản dị có cà om với thịt thăn điểm những lá tía tô thái nhỏ hay bát canh trứng cua vắt chanh ăn mát như quạt vào lòng. Cánh màn điều treo ở đầu bàn thờ ông vải đã hạ xuống từ hôm “hoá vàng” và các trò vui ngày Tết cũng tạm thời kết thúc để nhường chỗ cho cuộc sống êm đềm thường nhật.
Trích Thương nhớ mười hai, Vũ Bằng, NXB Văn học, Hà Nội, 1993
Câu 1: Đoạn trích trên thuộc thể loại nào?
A. Tùy bút
B. Tản văn
C. Tiểu thuyết
D. Văn miêu tả
Câu 2: Biện pháp tu từ được nhà văn sử dụng trong câu sau là gì? “Y như những con vật nằm thu hình một nơi trốn rét thấy nắng ấm trở về thì lại bò ra để nhảy nhót kiếm ăn, anh cũng “sống” lại và thèm khát yêu thương thực sự. Ra ngoài trời, thấy ai cũng muốn yêu thương, về đến nhà lại cũng thấy yêu thương nữa”.
A. So sánh và ẩn dụ
B. So sánh và điệp từ
C. So sánh và nhân hóa
D. So sánh và liệt kê
Câu 3: Đọc văn bản và chỉ ra khoảng thời gian mà tác giả cảm thấy “yêu mùa xuân nhất”
A. Đầu xuân
B. Tết nguyên Đán
C. Sau rằm tháng giêng
D. Cuối mùa xuân
Câu 4: Tác giả thể hiện cảm xúc gì trong đoạn văn?
A. Bày tỏ nỗi nhớ về Hà Nội
B. Bày tỏ cảm xúc yêu mến mùa xuân của đất nước
C. Bày tỏ nỗi nhớ nhung, kỉ niệm khó quên về tết Hà Nội
D. Bày tỏ cảm xúc yêu mến với mùa xuân của Hà Nội, mùa xuân của Bắc Việt
Câu 5: Biện pháp lặp cấu trúc được sử dụng trong đoạn sau có tác dụng gì? “Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân. Mà tháng Giêng là tháng đầu của mùa xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân”.
A. Khẳng định vẻ đẹp của mùa xuân
B. Khẳng định mùa xuân là mùa của yêu thương và tình yêu
C. Khẳng định ai cũng chuộng mùa xuân và không bao giờ có người hết yêu mùa xuân
D. Khẳng định tình cảm của nhà văn với mùa xuân đất trời
Câu 6: Cảm xúc chủ đạo của văn bản trên là:
A. Niềm hoài niệm trước những vẻ đẹp truyền thống xưa cũ
B. Tình yêu và nỗi nhớ với mùa xuân của Hà Nội
C. Tình yêu và nỗi nhớ với những điều bình dị nhất của mùa xuân đất nước
D. Tình yêu và nỗi nhớ với những điều bình dị nhất của mùa xuân của Bắc Việt
Câu 7: Chỉ ra một câu văn thể hiện yếu tố trữ tình trong văn bản và nêu tác dụng của yếu tố trữ tình đó?
Câu 8: Những giá trị văn hóa hay triết lí nhân sinh nào trong tản văn khiến em tâm đắc nhất? Từ đó, chia sẻ suy nghĩ của bản thân về tác động của văn học đối với cách nhìn, cách cảm con người và cuộc sống.
II. VIẾT (5.0 điểm)
Học sinh lựa chọn một trong hai đề văn dưới đây để làm bài:
Đề 1: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội mà bạn quan tâm.
Đề 2: Viết bài thuyết minh về một quy trình hoạt động hoặc một đối tượng mà bạn quan tâm. Bài viết có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.
Đáp án đề thi minh họa giữa kì 1
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 5,0 | |
1 | B | 0,5 | |
2 | A | 0,5 | |
3 | C | 0,5 | |
4 | D | 0,5 | |
5 | C | 0,5 | |
6 | D | 0,5 | |
7 | HS chỉ ra đúng câu văn chứa yếu tố trữ tình và nêu tác dụng. Gợi ý: - Về yếu tố trữ tình: Cảm xúc của nhà văn về mùa xuân Hà Nội và Bắc Việt, bày tỏ niềm yêu thương, nhớ nhung về những điều bình dị nhất. (Cảm xúc yêu, mến được nhắc lại nhiều lần trong văn bản) | 1,0 | |
8 | HS lựa chọn một giá trị văn hóa và lập luận giải thích, chứng minh tác động đối với cách nhìn, cách cảm về cuộc sống. Gợi ý: - Giá trị văn hóa: đặc trưng của mùa xuân vùng miền; niềm trân trọng, tự hào về mùa xuân của dân tộc, nét văn hóa với Tết cổ truyền của Việt Nam,.. - Triết lí nhân sinh: Con người gắn kết với nhau thông qua những giá trị văn hóa: đoàn tụ gia đình ấm áp, thờ cúng tổ tiên,... tạo nên bản sắc dân tộc. | 1,0 | |
II | VIẾT | 5,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận hoặc thuyết minh. | 0,5 | ||
b. Xác định đúng yêu cầu của đề. - Nghị luận về một vấn đề xã hội. - Thuyết minh về một quy trình hoạt động hoặc một đối tượng. Bài viết có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận. | 0,5 | ||
c. Học sinh có thể triển khai bài viết theo nhiều cách. Đảm bảo các yêu cầu sau đây: | |||
Đề 1: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội mà bạn quan tâm. Mở bài: - Giới thiệu được vấn đề cần bàn luận. - Nêu khái quát quan điểm của người viết về vấn đề cần bàn luận. Thân bài: - Giải thích được vấn đề cần bàn luận. - Trình bày được hệ thống luận điểm thể hiện quan điểm của người viết. - Nêu được lí lẽ thuyết phục, đa dạng để làm sáng tỏ luận điểm. - Nêu được bằng chứng đầy đủ, phù hợp, xác đáng để làm sáng tỏ lí lẽ. - Trao đổi với ý kiến trái chiều một cách hợp lí. Kết bài: - Khẳng định lại quan điểm của bản thân. - Đề xuất giải pháp, bài học phù hợp. Đề 2: Thuyết minh về một quy trình hoạt động hoặc một đối tượng mà bạn quan tâm. Bài viết có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận. Mở bài: - Giới thiệu đối tượng/ quy trình thuyết minh. Thân bài: - Miêu tả bao quát đối tượng/ quy trình. - Trình bày từng phương diện của đối tượng/ quy trình thuyết minh theo một trình tự hợp lí (trước – sau; trên – dưới; trong – ngoài; khái quát – cụ thể;...). - Tập trung giới thiệu một vài điểm xuất sắc nhất của đối tượng/ quy trình. - Làm rõ vai trò, giá trị, ý nghĩa của đối tượng/ quy trình. Kết bài: - Đánh giá chung và nêu cảm nhận về đối tượng/ quy trình thuyết minh. | 3,5 | ||
d. Kĩ năng trình bày, diễn đạt Đề 1: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội mà bạn quan tâm. - Có mở bài, kết thúc gây ấn tượng. - Sắp xếp luận điểm, lí lẽ, bằng chứng hợp lí. - Diễn đạt rõ ràng, rành mạch, không mắc lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp. Đề 2: Thuyết minh về một quy trình hoạt động hoặc một đối tượng mà bạn quan tâm. Bài viết có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận. - Trình bày các ý mạch lạc, hệ thống. - Sử dụng lồng ghép các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận để làm tăng hiệu quả thuyết minh. - Sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ để hỗ trợ nội dung thuyết minh. - Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu, liên kết câu/ đoạn. | 0,5 |
ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU
Học sinh đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi phía dưới
(…)Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người trong làng. Những ngày có người mướn ấy, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà.
Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ, dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai mướn bác làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói, mấy đứa nhỏ nhất: con Tý, con Phún, thằng Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó. (…)
Cuộc đời của gia đình bác Lê cứ như thế mà lặng lẽ qua, ngày no rồi lại ngày đói. Tuy vậy, cũng có những ngày vui vẻ. Những ngày nắng ấm trong năm, hay những buổi chiều mùa hạ, mẹ con bác Lê cùng nhau ngồi chơi ở trước cửa nhà. Các người hàng xóm cũng làm như thế. Các bà mẹ ngồi rủ rỉ với nhau những câu chuyện kín đáo, các trẻ con nô đùa dưới quán chợ, còn các bà già thì ngồi rũ tóc tìm chấy ngoài bóng nắng. Bác Lê đem thằng Hi, con Phún ra gọt tóc cho chúng nó bằng một cái mảnh chai sắc. Thằng cả ngồi đan lại cái lờ, còn những đứa khác chơi quanh gần đấy. Trong ngày hè nóng nực, con bác Lê đứa nào cũng lở đầu - bác ta bảo là một cái bệnh gia truyền từ đời ông tam đại - nên bác lấy phẩm xanh bôi cho chúng nó. Trông mẹ con bác lại giống mẹ con đàn gà, mà những con gà con người ta bôi xanh lên đầu cho khỏi lẫn. Người phố chợ vẫn thường nói đùa bác Lê về đàn con đông đúc ấy. Bác Đối, kéo xe, người vui tính nhất xóm, không lần nào đi qua nhà bác Lê mà không bảo:
- Bác phải nhớ thỉnh thoảng đếm lại con không quên mất.
Bác Lê bao giờ cũng trả lời một câu:
- Mất bớt đi cho nó đỡ tội!
Nhưng mọi người biết bác Lê quí con lắm. Tuy bác hết sức công bằng, người ta cũng thấy bác yêu thằng Hi hơn cả, nó là con thứ chín, và ốm yếu xanh xao nhất nhà. Bác thường bế nó lên lòng, hôn hít, rồi khoe với hàng xóm: nội cả nhà chỉ có nó là giống thầy cháu như đúc. Rồi bác ôm con ngồi lặng yên một lát, như để nhớ lại chuyện gì đã lâu lắm.
(Thạch Lam – Trích Nhà mẹ Lê - Truyện ngắn Thạch Lam – NXB Hội Nhà văn 2008)
Lựa chọn đáp án đúng :
Câu 1: Văn bản trên thuộc thể loại nào?
A.Truyện vừa
B.Truyện ngắn
C.Tiểu thuyết
D.Truyện dài
Câu 2: Một số phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn bản là:
A.Tự sự, miêu tả
B.Tự sự, nghị luận
C.Miêu tả, biểu cảm
D.Nghị luận, miêu tả
Câu 3: Truyện được kể theo ngôi
A.Thứ nhất
B.Thứ hai
C.Thứ ba
D.Không có ngôi kể
Câu 4: Đề tài của văn bản là gì?
A.Số phận người nông dẫn
B.Hủ tục xã hội
C.Tình yêu thiên nhiên
D.Cuộc sống của người trí thức
Câu 5: Đoạn văn bản “ Người phố chợ vẫn thường nói đùa bác Lê về đàn con đông đúc ấy. Bác Đối, kéo xe, người vui tính nhất xóm, không lần nào đi qua nhà bác Lê mà không bảo: “Bác phải nhớ thỉnh thoảng đếm lại con không quên mất.”” cho anh/chị hiểu gì về những con người lao động phố chợ:
A.Họ thích buôn chuyện và có nhiều thời gian rảnh rỗi.
B.Họ có cuộc sống nghèo khổ, đói rách.
C.Họ sống lạc quan, quan tâm tới những người xung quanh.
D.Họ sống chật chội, chen chúc ở phố chợ.
Câu 6: Từ “gia truyền” được hiểu là
A.Truyền nhiều đời trong một nhà/một họ.
B.Truyền từ nhà này sang nhà kia.
C. Lưu truyền trong một gia đình nhất định.
D. Bí quyết được truyền qua nhiều đời.
Câu 7: Ý nào không nói lên đặc sắc về nghệ thuật của đoạn văn bản trên?
A. Truyện không có cốt truyện
B. Ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, giàu chất thơ.
C. Có những hình ảnh so sánh độc đáo
D. Sử dụng nghệ thuật biếm họa, khoa trương
Trả lời câu hỏi/ thực hiện các yêu cầu:
Câu 8: Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong câu văn sau: “Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét như thịt con trâu chết”.
Câu 9: Cảm nhận về nhân vật bác Lê trong đoạn văn bản (trình bày bằng một đoạn văn ngắn khoảng 5-6 câu).
Câu 10: Thông điệp sâu sắc nhất anh/chị rút ra được từ đoạn văn trên là gì? Vì sao?
II. VIẾT (4 điểm)
Viết một bài luận (khoảng 500 chữ) phân tích đánh giá nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Thời gian (Văn Cao)
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.