Bộ đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn 11 năm 2024 - 2025 sách Kết nối tri thức với cuộc sống 5 Đề kiểm tra giữa kì 1 Văn 11 (Có đáp án)

Đề thi giữa kì 1 Văn 11 Kết nối tri thức năm 2024 - 2025 tổng hợp 5 đề khác nhau có đáp án giải chi tiết kèm theo. Qua tài liệu này giúp các bạn học sinh ôn luyện củng cố kiến thức để biết cách ôn tập đạt kết quả cao.

TOP 5 Đề thi giữa kì 1 Văn 11 Kết nối tri thức được biên soạn với phần ngữ liệu ngoài chương trình SGK gồm có 1 đề theo cấu trúc đề minh họa từ năm 2025 và 4 đề có cấu trúc trắc nghiệm kết hợp tự luận. Hi vọng qua đề kiểm tra giữa kì 1 Ngữ văn 11 Kết nối tri thức sẽ giúp các em học sinh lớp 11 dễ dàng ôn tập, hệ thống kiến thức, luyện giải đề, rồi so sánh kết quả thuận tiện hơn. Đồng thời đây cũng là tài liệu hữu ích giúp giáo viên ra đề ôn luyện cho các em học sinh của mình. Vậy sau đây là trọn bộ 5 đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 11 Kết nối tri thức năm 2024 - 2025 mời các bạn cùng theo dõi.

Đề thi giữa kì 1 Văn 11 Kết nối tri thức năm 2024 - 2025

Đề thi giữa kì 1 Văn 11 Kết nối tri thức

SỞ GD & ĐT …

TRƯỜNG THPT ………

--------------------

ĐỀ CHÍNH THỨC

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ 1

Năm học: 2024 – 2025

Môn thi: NGỮ VĂN. Khối 11

Thời gian làm bài: 90 phút

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:(Lược đoạn đầu: Tân là một chàng trai trẻ sống ở làng quê nghèo. Từ nhỏ, cha mẹ đã gửi Tân ở nhà ông chú trên Hà nội với mong muốn Tân đi học để trở thành thầy thông hay thầy kí. Mười tám tuổi Tân đã thực hiện được điều mà anh và gia đình mong muốn. Anh ở lại Hà Nội làm việc. Khi có nạn kinh tế, Tân mất việc. Cha anh buồn rầu từ trần, anh sống cuộc đời vất vưởng của người thất nghiệp ở Hà Nội mấy tháng trời. Cuối cùng anh quyết định về quê sống.)

Thế là hôm sau, Tân xách khăn gói về. Rồi từ đấy chàng hoàn toàn là một người nhà quê dễ dãi. Mới đầu Tân cũng thấy nhiều sự thiếu thốn khổ sở. Nhưng dần dần chàng nghiệm ra rằng những cái thiếu thốn đó không phải là những cái cần dùng cho cuộc đời, mà là những cái thừa. Sự cần dùng là ăn với mặc, chàng đã có đủ. Dần dần chàng mới thấy cái đời chàng sống trước ở tỉnh thành là một cuộc đời phức tạp và vô vị, không có nghĩa lý gì. Chỉ việc có ăn ở theo mọi người, nghĩ ngợi theo mọi người, và đi tìm cái vui chốc lát trong những cuộc hành lạc để mua lấy cái chán nản về sau.

Tân tiếc hồi thuở nhở không sống ở thôn quê để được gần gũi với cảnh vật. Chàng thích sống bên cạnh những người nhà quê chất phác và mộc mạc. Bấy giờ chàng mới biết đến trời đất, đến thời tiết, đến sự thay đổi của mùa nọ sang mùa kia. Một cơn gió hay một cái mầm cỏ non, đối với chàng đều có ý nghĩa riêng.

Tân không dửng dưng như trước với những cái chung quanh mình. Tâm hồn chàng có liên lạc và rung động cùng với cảnh vật. Chàng có cái cảm giác rằng mình sống…

Buổi chiều, thửa ruộng của Tân đã gặt xong. Cả một cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ. Bọn thợ gặt đều thu xếp liềm hái để trở về. Trên con đường vào làng, các lực điền gánh những gánh lúa vàng nặng trĩu. Mặt trời đã xế phía bên kia đồi. Ở dưới thung lũng, sương mù lạnh trắng xóa lan ra lẫn với làn khói tỏa ở xung quanh các làng. Cỏ bên đường đi đã ướt. Về phía xa, có ngọn lửa của ai đốt trên sườn rặng núi mờ ở chân trời. Tân với bọn thợ bước đều trở về nhà, ai nấy yên lặng không nói gì, như cùng kính trọng cái thời khắc của một ngày tàn. Trong cái thời khắc này, Tân như thấy cảnh vật đều có một tâm hồn, mà lớp sương mù kia là tâm hồn của đất màu, đã nuôi hạt thóc cho sự sống của loài người.

Khi vào đến con đường khuất trong làng, trời nhá nhem tối. Qua hàng rào cây, Tân thấy lấp lánh đèn ở sân các nhà, tiếng néo đập lúa trên cồi đá, tiếng hạt thóc bắn vào nia cót như mưa rào. Đâu đâu cũng thấy tiếng cười nói vui vẻ, cảnh đêm trong làng thôn quê vẫn yên lặng âm thầm thì chiều nay hoạt động vô cùng. Mùi lúa thơm vương lại trong các bụi cây hòa lẫn với mùi đầm ấm của phân cỏ, bốc lên khắp cả.

Về đến sân nhà, mọi người ăn xong lại bắt đầu làm việc. Đàn bà vừa đập lúa vừa hát, còn bọn thợ hái ngồi quây quần bên chiếc đèn con nói chuyện. Ai cũng cười đùa tự nhiên. Họ đã tận tâm làm việc suốt ngày. Những lượm lúa vàng sẫm đem đến cho họ cái vui của ngày được mùa, cái hình ảnh của sự no ấm trong đời.

Tân thấy mình cũng sung sướng như họ, chàng thấy tấm lòng mình rộng rãi ra, tâm hồn thân thiết, và yêu mến với cả mọi người.

Sau khi hẹn thưởng cho bọn thợ nồi cơm nếp mới, Tân bước ra ngõ, nhìn xuống dưới đồi. Trên trời, ngàn sao lấp lánh. Gió dưới ruộng đưa lên mùi rạ ướt và hơi sương lạnh. Cả một vùng đêm rộng rãi và bình tĩnh trên cánh đồng yên lặng.

Tân chợt thấy ở chân trời phía xa, cái khoảng ánh sáng mờ của tỉnh thành Hà Nội.

Chàng sung sướng nghĩ đến những ngày đầy đủ của mình ở chốn quê này. Một cuộc đời mới đang chờ đợi chàng.

(Những ngày mới, Thạch Lam, Dẫn theo Tuyển tập Thạch Lam)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Xác định ngôi kể của người kể chuyện.

Câu 2. Theo đoạn trích, sau khi trở thành một “người nhà quê dễ dãi”, Tân đã nhận ra cuộc sống trước kia ở thành thị là cuộc sống như thế nào?

Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp liệt kê trong câu sau: Tân thấy mình cũng sung sướng như họ, chàng thấy tấm lòng mình rộng rãi ra, tâm hồn thân thiết, và yêu mến với cả mọi người.

Câu 4. Xác định chủ đề của đoạn trích trên.

Câu 5. Bạn rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc văn bản trên?

II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) đánh giá chủ đề và nhân vật trong đoạn trích trên.

Câu 2. (4,0 điểm) Đồng cảm và sẻ chia là một nếp sống đẹp trong xã hội hiện nay. Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) bàn về nếp sống ấy.

Đáp án đề thi giữa kì 1 Văn 11

C1: Xác định ngôi kể: Người kể chuyện ngôi thứ 3

C2: Sau khi trở thành một “người nhà quê dễ dãi”, Tân đã nhận ra cuộc sống trước kia ở thành thị là cuộc sống: phức tạp và vô vị, không có nghĩa lý gì. Chỉ có ăn ở theo mọi người, nghĩ ngợi theo mọi người, và đi tìm cái vui chốc lát trong những cuộc hành lạc để mua lấy cái chán nản về sau.

C3: Tác dụng của biện pháp liệt kê được sử dụng trong câu: Tân thấy mình cũng sung sướng như họ, chàng thấy tấm lòng mình rộng rãi ra, tâm hồn thân thiết, và yêu mến với cả mọi người.

Tác dụng:

+ Liệt kê hàng loạt những trạng thái tâm hồn của Tân nhằm nhấn mạnh niềm sung sướng, rộng mở của Tân khi đã thích nghi với cuộc sống mới ở nơi thôn quê.

+ Thể hiện cảm xúc, thái độ, cái nhìn của tác giả.

C4: Chủ đề của đoạn trích: Đoạn trích kể về cuộc sống của con người trong thời kì đầu đổi mới đất nước.

Đó là cuộc sống thôn quê tuy lam lũ nhưng thuần hậu, ân tình. Qua đó, tác giả thể hiện sự trân trọng cuộc sống và con người nơi thôn quê. Đồng thời nhắc nhở con người dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn hướng tới tương lai tươi sáng hơn.

C5: Bài học:- Cần có thái độ sống lạc quan

- Lựa chọn cách sống có ý nghĩa: Sống chậm.

- Tránh lối sống hời hợt, vô vị.

- Muốn có một tương lai tươi sáng, cần biết thay đổi và nỗ lực không ngừng.

II. Viết

C1: c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

+ Giới thiệu được tác giả, tác phẩm/đoạn trích.

+ Nêu chủ đề của đoạn trích: Đoạn trích kể về cuộc sống của con người trong thời kì đầu đổi mới đất nước. Đó là cuộc sống thôn quê tuy lam lũ nhưng thuần hậu, ân tình. Qua đó, tác giả thể hiện sự trân trọng cuộc sống và con người nơi thôn quê. Đồng thời nhắc nhở con người dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn hướng tới tương lai tươi sáng hơn.

+ Truyện được kể dưới góc nhìn của Tân, nhân vật chính của truyện. Tân là một chàng trai trẻ sống ở làng quê nghèo nhưng từ nhỏ đã luôn có khát vọng có cuộc sống thành công và được trải nghiệm những tiến bộ ở thành thị, và ước mơ của anh cũng là ước mơ của cha mẹ anh. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế khó khăn trong giai đoạn đổi mới Tân phải đối mặt với mất việc làm. Cha anh qua đời và anh quyết định về quê sống một cuộc sống giản dị. Cuộc sống của Tân và những người thôn quê tuy khó khăn, chật vật nhưng họ vẫn luôn tươi vui, yêu thương lẫn nhau, hăng say lao động, biết trân trọng những gì mình có cũng như luôn hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn;

- Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.

C2: c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

- Xác định được các ý chính của bài viết

- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài nghị luận:* Giới thiệu vấn đề NL và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

- Giải thích vấn đề NL:

+ Đồng cảm và sẻ chia: Là biết rung cảm, hiểu, cảm thông chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ người khác,…- Nguyên nhân: Lối sống đồng cảm, sẻ chia bắt nguồn từ truyền thống nhân ái, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách,… của dân tộc ta.

-Ý nghĩa của đồng cảm và sẻ chia:+ Làm cho mọi người gắn kết, yêu thương.

+ Đồng cảm và sẻ chia giúp tinh thần chúng ta luôn vui vẻ, hạnh phúc; giúp những người có hoàn cảnh khó khăn có thêm sức mạnh, niềm tin, làm vơi bớt nỗi khổ đau của họ.

+ Giúp ta hoàn thiện nhân cách, xây dựng một xã hội văn minh, nhân ái.

+ Đồng cảm và sẻ chia giúp lan tỏa, nhân rộng những điều tích cực đến với mọi người, giúp xã hội tốt đẹp hơn.

- Giải pháp phát huy: Phải biết sống đồng cảm, sẻ chia không chỉ trong suy nghĩ, tình cảm mà phải qua hành động thực tế; có tinh thần giúp đỡ, hi sinh cho những người xung quanh mình.

- Phê phán lối sống ích kỷ, vô cảm do bị cuốn theo những tham vọng vật chất của nhiều người trong xã hội hiện nay.

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.

.............

Tải file tài liệu để xem thêm đề thi giữa kì 1 lớp 11 môn Ngữ văn

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm