Soạn bài Quang Trung đại phá quân Thanh Kết nối tri thức Ngữ văn lớp 8 trang 17 sách Kết nối tri thức tập 1
Văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh trích trong Hoàng Lê nhất thống chí. Download.vn giới thiệu về tài liệu Soạn văn 8: Quang Trung đại phá quân Thanh.
Các bạn học sinh lớp 8 có thể tham khảo để nắm được những nội dung về tác giả, tác phẩm của văn bản này.
Soạn văn 8: Quang Trung đại phá quân Thanh
1. Sơ đồ tư duy Quang Trung đại phá quân Thanh
1.1 Tìm hiểu chung
1.2 Đọc hiểu văn bản
2. Soạn bài Quang Trung đại phá quân Thanh
2.1 Trước khi đọc
Câu 1. Hãy kể tên một số nhân vật lịch sử mà em biết. Em thích nhất nhân vật nào? Vì sao?
Hướng dẫn giải:
- Một số nhân vật lịch sử như: Đinh Bộ Lĩnh, Ngô Quyền, Lí Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn…
- Nhân vật yêu thích nhất là Trần Quốc Tuấn, vì đây là một vị tướng tài ba, đã giúp nhà Trần ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông.
Câu 2. Chia sẻ những hiểu biết của em về người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Hướng dẫn giải:
Quang Trung (Nguyễn Huệ) là vua của vương triều Tây Sơn. Ông cùng với hai người anh trai (Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ) đã dựng cờ khởi nghĩa để chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh. Sau khi lên ngôi vua, ông đã có những chính sách giúp đất nước phát triển thịnh vượng. Không chỉ vậy, ông còn lãnh đạo nhân dân ta đánh bại quân Thanh xâm lược. Vua Quang Trung là một con người trí tuệ sáng suốt, có tầm nhìn xa trông rộng. Ông được nhân dân yêu mến gọi là “Anh hùng áo vải”.
2.2 Đọc văn bản
Câu 1. Theo em, kết quả trận đánh giữa quân Tây Sơn và quân Thanh sẽ như thế nào? Dựa vào đâu em dự đoán như vậy?
Hướng dẫn giải:
- Theo em, quân Tây Sơn sẽ chiến thắng, còn quân Thanh sẽ thất bại.
- Dựa vào tài cầm quân cũng như sự tự tin của vua Quang Trung.
Câu 2. Em có đoán đúng kết quả trận đánh không?
Hướng dẫn giải:
Dựa theo dự đoán, trả lời câu hỏi đúng/không đúng.
2.3 Sau khi đọc
Trả lời câu hỏi
Câu 1. Đoạn trích có thể chia thành mấy phần? Nội dung chính của từng phần.
Hướng dẫn giải:
- Đoạn trích có thể chia làm 3 phần.
- Nội dung chính của từng phần:
- Phần 1: Từ đầu đến “vào ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788)". Quân Thanh chiếm thành Thăng Long, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế đem quân đi đánh quân Thanh.
- Phần 2: Tiếp theo đến “vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành”. Cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng vang dội của Quang Trung.
- Phần 3: Còn lại. Sự đại bại của quân Thanh và sự thảm hại của vua tôi Lê. Chiêu Thống.
Câu 2. Em hãy liệt kê những nhân vật và sự kiện lịch sử được tác giả đề cập trong văn bản.
Hướng dẫn giải:
- Nhân vật:
- Ta: Quang Trung, Nguyễn Thiếp, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết, Hám Hổ Hầu, Ngô Thì Nhậm, Lê Chiêu Thống.
- Địch: Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống
- Sự kiện:
- Tháng 11/1788: Quân Thanh sang xâm lược nước ta
- Ngày 25 tháng Chạp năm 1788, Bắc Bình Vương lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung.
- Tối 30 tháng Chạp lập tức lên đường, hẹn đến ngày mồng 7 năm mới thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng.
- Nửa đêm ngày mồng 3 tháng Giêng năm Kỉ Dậu 1789, vua Quang Trung tới làng Hà Hồi, lặng lẽ vây kín làng.
- Mờ sáng ngày mồng 5 tiến sát, hạ đồn Ngọc Hồi, quân Thanh thất bại thảm hại, Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống tháo chạy.
Câu 3. Tìm những chi tiết tiêu biểu miêu tả thái độ, lời nói và hành động của Bắc Bình Vương khi nghe tin báo quân Thanh xâm lược nước ta. Những chi tiết đó cho thấy đặc điểm tính cách gì của nhân vật?
Hướng dẫn giải:
- Bắc Bình Vương tiếp nhận tin báo, giận lắm, liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay.
- Tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế và đổi niên hiệu là Quang Trung.
- Sau khi lên ngôi hoàng đế, ngay lập tức tự mình đốc suất đại bình, cả thủy lẫn bộ cùng tiến quân ra Bắc.
- Gặp Nguyễn Thiếp để hỏi cơ mưu.
- Cho tuyển mộ quân lính ở Nghệ An, mở cuộc duyệt binh lớn và tổ chức lại hàng ngũ đội quân.
- Đích thân cưỡi voi ra doanh yên ủi quân lính,...
=> Con người hành động mạnh mẽ, quyết liệt
Câu 4. Nêu cảm nhận của em về nhân vật vua Quang Trung được khắc họa trong đoạn trích, qua đó nhận xét cảm hứng của tác giả đối với vị anh hùng dân tộc này.
Hướng dẫn giải:
- Hình ảnh Quang Trung hiện lên trong đoạn trích là một vị anh hùng dũng cảm, mưu lược cũng như biết thu phục lòng người và trở thành linh hồn của trận chiến.
- Nguồn cảm hứng chi phối tác giả: tinh thần yêu nước cũng như sự tôn thờ, ngưỡng mộ của người viết dành cho vua Quang Trung.
Câu 5. Nhân vật Lê Chiêu Thống được khắc họa rõ nét qua những chi tiết tiêu biểu nào? Phân tích một chi tiết đặc sắc, thể hiện rõ bản chất của nhân vật Lê Chiêu Thống, qua đó thấy được thái độ của tác giả đối với nhân vật này.
Hướng dẫn giải:
- Hình ảnh vua Lê Chiêu Thống được khắc họa qua chi tiết tiêu biểu:
- “Vua Lê ở trong điện nghe tin có biến vội vã cùng bọn Lê Quýnh, Trịnh Hiến đưa thái hậu ra ngoài…”
- Chạy đến bến sông thì thấy cầu phao đã đứt, thuyền bè cũng không, bèn gấp rút chạy đến Nghi Tàm, thình lình gặp được chiếc thuyền đánh cá, vội cướp lấy rồi chèo sang bờ bắc
- V ua Lê và những người tuỳ tòng luôn mấy ngày không ăn, ai nấy đều đã mệt lử.
- Khi vua Lê nghe thấy tin quân Tây Sơn đã đuổi theo đến nơi, vua vội vã đi theo lối tắt đến cửa ải, kịp chỗ nghỉ ngơi của Tôn Sĩ Nghị.
- Đặc biệt là cuộc gặp gỡ của vua Lê và chủ tướng quân Thanh - Tôn Sĩ Nghị: “cùng nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt’.
=> Tình cảnh khốn cùng của kẻ bán nước.
- Thái độ của tác giả: khinh thường, căm giận kẻ bán nước.
Câu 6. Sự đối lập giữa hai nhân vật Quang Trung và Lê Chiêu Thống, giữa quân Tây Sơn và quân Thanh có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện chủ đề của đoạn trích? Hãy khái quát chủ đề đó.
Hướng dẫn giải:
- Hình ảnh vua Quang Trung oai phong, mạnh mẽ; giàu lòng tự tôn dân tộc; xông pha trận mạc làm nức lòng binh sĩ; đối lập với vua Lê Chiếu Thống hèn nhát, vì sự sống bán nước. Hình ảnh đội quân Tây Sơn dũng mãnh, trên dưới một lòng, chiến đấu xả thân vì đất nước; còn quân Thanh nhục nhã, thảm bại, giẫm đạp lên nhau chạy trốn.
- Chủ đề: Ca ngợi người anh hùng Nguyễn Huệ, với chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, đồng thời tố cáo, phê phán những kẻ bán nước, cướp nước.
Câu 7. Ở đoạn trích này, những yếu tố đặc trưng nào của truyện lịch sử đã được tác giả sử dụng? Hãy nhận xét về nghệ thuật kể chuyện lịch sử của tác giả.
Hướng dẫn giải:
- Bối cảnh: tái hiện những sự kiện, nhân vật có thật ở một thời kì, một giai đoạn lịch sử cụ thể như chiến thắng mùa xuân năm Kỉ Dậu (1789), Quang Trung đánh tan 29 vạn quân Thanh
- Nhân vật: khá phong phú, tập trung khắc họa những nhân vật nổi tiếng như vua chúa, anh hùng, các vị tướng cầm quân – những con người có vai trò quan trọng đối với đời sống của cộng đồng, dân tộc, trong đó, Quang Trung, Lê Chiêu Thống là những nhân vật tiêu biểu.
- Cốt truyện: được xây dựng trên cơ sở các sự kiện từng xảy ra; tuy nhiên, các tác giả đã tái tạo, hư cấu, sắp xếp theo dụng ý nghệ thuật của mình nhằm thể hiện chủ đề tư tưởng.
- Ngôn ngữ: được miêu tả khá thành công, phù hợp với đặc điểm của thời đại, vị thế xã hội và tính cách của từng nhân vật.
Viết kết nối với đọc
Viết đoạn văn (khoảng 7 - 9 câu) nêu cảm nhận về một chi tiết trong văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất.
Hướng dẫn giải:
Mẫu số 1
Trong đoạn trích Quang Trung đại phá quân Thanh, tôi ấn tượng với chi tiết miêu tả cuộc chạy trốn của vua tôi Lê Chiếu Thống. Khi nghe tin quân Thanh đại bại, vua Lê Chiêu Thống cùng bầy tôi đã tìm cách chạy trốn - đây là hành động thông thường của một kẻ bán nước. Tác giả miêu tả: “Vua Lê ở trong điện, nghe tin có việc biến ấy, vội vã cùng bọn Lê Quýnh, Trịnh Hiến đưa thái hậu ra ngoài. Cả bọn chạy đến bến sông thì thấy cầu phao đã đứt, thuyền bè cũng không, bèn gấp rút chạy đến Nghi Tàm, thình lình gặp được chiếc thuyền đánh cá, vội cướp lấy rồi chèo sang bờ bắc”. Đường đường là vua của một đất nước, nhưng giờ đây, vua Lê lại phải chạy trốn, thậm chí còn phải cướp thuyền của ngư dân để chạy trốn, dường như đã mất hết tôn nghiêm, quyền lực. Tình cảnh của vua Lê càng lúc càng thảm hại: “vua Lê và những người tuỳ tòng luôn mấy ngày không ăn, ai nấy đều đã mệt lử”, sau phải nương nhờ một người thổ hào, cúi mình xin giúp đỡ. Ở đoạn này, t ác giả đã miêu tả khá dài với âm hưởng âm hưởng chậm rãi, nhẹ nhàng hơn nhằm thể hiện sự chua xót, ngậm ngùi. Qua đó, tác giả muốn thể hiện tấm lòng tôn kính với một vương triều mình từng phụng thờ.
Mẫu số 2
Khi đọc văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh, tôi cảm thấy ấn tượng nhất với chi tiết Tôn Sĩ Nghị tháo chạy sau khi quan Thanh thất bại. Chi tiết này nằm ở cuối văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh. Khi biết tin quân Tây Sơn sắp tiến đến: “Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo, dẫn bọn lính kị mã của mình chuồn trước”. Tác giả đã khắc họa hình ảnh Tôn Sĩ Nghị tháo chạy bằng việc sử dụng biện pháp tu từ phóng đại. Từ đó. chúng ta thấy được hình ảnh một tên tướng giặc hèn nhát. Thân là tướng, nhưng khi quân đội thua trận, đáng ra phải ở lại trấn an các binh sĩ, thì Tôn Sĩ Nghị lại tìm cách tháo chạy thật nhanh. Bởi vậy mà lúc này, quân Thanh như rắn mất đầu, tình cảnh càng thảm hại hơn, tất cả đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu bắc sông, xô đẩy nhau đến nỗi rơi xuống sông mà chết. Như vậy, chi tiết trên đã góp phần khắc họa được tình cảnh thảm hại của quân Thanh lúc thua trận.