Văn mẫu lớp 10: Phân tích bài thơ Hương Sơn phong cảnh (Dàn ý + 2 Mẫu) Hương Sơn phong cảnh của Chu Mạnh Trinh

Văn mẫu lớp 10: Phân tích bài thơ Hương Sơn phong cảnh của Chu Mạnh Trinh tuyển chọn dàn ý chi tiết kèm theo 2 mẫu cực hay, giúp cho các em học sinh lớp 10 tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng về văn phân tích đánh giá bài thơ ngày một tốt hơn.

Hương Sơn phong cảnh là tác phẩm rất hay, các em sẽ được học trong chương trình Ngữ văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống tập 1. TOP 2 mẫu phân tích Hương Sơn phong cảnh cực chất gồm cả bài làm ngắn gọn và đầy đủ để các bạn tham khảo, lựa chọn theo sức viết của mình, giúp các bạn học môn Ngữ văn dễ dàng và có sự chuẩn bị tốt hơn khi học. Ngoài ra các bạn xem thêm Đoạn văn cảm nhận về câu thơ hay một hình ảnh trong bài thơ Mùa xuân chín.

Dàn ý phân tích Hương sơn phong cảnh

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Chu Mạnh Trinh và bài thơ Bài ca phong cảnh Hương Sơn

- Dẫn dắt vào vấn đề

II. Thân bài

1. Những nét khái quát về bài thơ

- Hoàn cảnh sáng tác: Vốn là một người rất thích cảnh đẹp lại vừa là một vị quan mẫu mực của triều đình cho nên tác giả đã bắt tay vào trùng tu lại chùa Hương. Và chính thời gian này nhà thơ lấy cảm hứng từ cảnh đẹp của Hương sơn làm thành bài thơ này

- Thể loại: hát nói, hát ả đào với đặc điểm số câu chữ phóng khoáng không theo trật tự gò bó

- Bố cục: 3 phần

2. Phân tích bài thơ

* Bốn câu thơ đầu

- Bầu trời cảnh Bụt: bốn từ đã gợi cho người đọc cảm giác đến một nơi thần tiên thoát tục, không gian mênh mông thanh khiết.

- Hương Sơn đẹp còn bởi khung cảnh hùng vĩ của núi non trùng điệp. Nhịp 2/2 và điệp từ "non non", "nước nước", "mây mây", như bày ra một quần thể núi non sông nước hang động trập trùng, vốn là nét độc đáo của nơi này.

- Giọng điệu câu thơ thể hiện vẻ ngạc nhiên thích thú, niềm sung sướng thỏa mãn khi được đến một nơi nổi tiếng

- Câu hỏi và cách nhắc lại lời người xưa để khẳng định một lần nữa vẻ đẹp của Hương Sơn. (Thủ Hương Sơn ao ước bấy lâu nay./“Đệ nhất động” hỏi lờ đây có phải?)

- Chỉ với bốn câu thơ, tác giả đã mang đến cho người đọc niềm thú vị trước một nơi vừa thanh cao mang màu sắc tôn giáo, vừa là một thắng cảnh đẹp của đất nước. Người ngắm cảnh không chỉ là tín đồ hành hương mà còn là du khách yêu cảnh thiên nhiên, yêu đất nước, một thi nhân dào dạt cảm xúc. Bốn câu thơ đầu giới thiệu về cảnh và người vừa tự nhiên vừa khéo léo.

* Mười câu thơ giữa

- Chu Mạnh Trinh cảm nhận cảnh vật ở không khí thanh khiết không nhuốm bụi trần:

- Tang hải là từ vốn để chỉ sự đổi thay của cuộc đời, hoặc chỉ cõi đời trần tục biến đổi vô thường. Vì thế, nghe tiếng chày kình, khách tang hải giật mình trong giấc mộng có thể hiểu, người khách đến đây, trong không khí thần tiên thoát tục, bỗng thấy tâm hồn được thanh lọc, nhận ra cuộc đời đầy dâu bể đa đoan, nhận ra cuộc đời là một giấc mộng phù du. Cảnh đẹp Hương Sơn, vì thế càng giàu ý nghĩa.

- Càng vào sâu, càng lên cao khách càng ngạc nhiên trước vẻ đẹp hùng vĩ của cảnh:

  • Điệp từ "này", cách liệt kê các địa danh giúp người đọc hình dung ngay vẻ đẹp của một quần thể có cao thấp, có suối, chùa, hang, động, có thiên tạo lẫn nhân tạo. Nhà thơ không cần tả nhiều, chỉ tên gọi cũng đã tạo cho người đọc những tưởng tượng, liên tưởng phong phú, gợi cảm.
  • Riêng đối với hang động ở Hương Sơn, nhà thơ không chỉ nêu tên mà dừng lại tả cụ thể, tỉ mỉ trong bốn câu (Nhác trông lên ai khéo họa hình,/Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt/Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,/Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây)
  • Đại từ “ai” được dùng ở đây diễn tả sự kinh ngạc trước vẻ đẹp kì diệu của thiên nhiên. Theo dân gian, trong hang động có hai ngả, đường lên trời và đường xuống âm phủ. Câu thơ tả thực mà vẫn lãng mạn với màu sắc, đường nét, ánh sáng và cảm giác huyền ảo, bồng bềnh như tiên cảnh. Cách dùng từ láy long lanh, thăm thẳm, gập ghềnh; cách đảo ngữ thăm thẳm một hang, gập ghềnh mấy lối; hình ảnh so sánh lồng bóng nguyệt, uốn thang mây cho thấy tài nghệ điêu luyện của nhà thơ.

* Năm câu thơ cuối:

- Cảm xúc và suy nghĩ về đất nước (Chừng giang sơn còn đợi ai đây,/Hay tạo hóa khéo ra tay xếp đặt)

  • Giang sơn, trước hết là muốn nói đến cảnh Hương Sơn, là thiên nhiên tươi đẹp, sâu xa hơn là nói đến đất nước đang cần đến tấm lòng của con người. Câu thơ bày tỏ tình yêu nước thầm kín của nhà nho Chu Mạnh Trinh.
  • Với hệ thống từ ngữ của đạo Phật, kết thúc bài thơ tác giả đưa ta trở về không khí thần tiên thoát tục của cảnh Hương Sơn, mang lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc.

- Câu thơ cuối là tâm trạng của nhân vật trữ tình. Ở đây ta không chỉ tìm thấy một nhà thơ sống phóng khoáng lãng tử, thoát ly hiện thực mà còn là một kẻ sĩ nặng lòng với đất nước.

- Nghệ thuật:

  • Sử dụng từ ngữ giàu giá trị tạo hình
  • Giọng thơ nhẹ nhàng
  • Sử dụng nhiều kiểu câu khác nhau, ngữ điệu tự do, phù hợp với tư tưởng phóng khoáng

III. Kết bài

- Nêu nhận xét, những cảm nhận về bài thơ

- Mở rộng vấn đề bằng liên tưởng và suy nghĩ của cá nhân

Phân tích bài Hương Sơn phong cảnh - Mẫu 1

Chu Mạnh Trinh là một nhà nho tài tử sống ở giai đoạn cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, đây cũng là thời kì mà xã hội Việt Nam có rất nhiều biến loạn, tang thương. Mặt khác, ông thuộc dòng dõi có truyền thống về văn chương nên những chiêm nghiệm thực tiễn, những điều mắt thấy tai nghe cùng với tài năng văn chương thiên phú đã để lại trong thơ văn của Chu Mạnh Trinh nhiều dấu ấn mang đặc trưng, cá tính riêng biệt của nhà thơ. Chu Mạnh Trinh có rất nhiều sáng tác hay và độc đáo, nhưng do thất lạc nên số lượng thơ văn hiện thời còn lại rất ít. Trong số những tác phẩm thơ của Chu Mạnh Trinh không thể không kể đến bài thơ “Hương Sơn phong cảnh ca”, đây là một bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ của tác giả.

Bài thơ “Hương Sơn phong cảnh ca” là một trong những tác phẩm thơ tiêu biểu nhất của nhà thơ Chu Mạnh Trinh, bài thơ thể hiện được cảnh sắc tươi đẹp của một địa danh nổi tiếng - Hương Sơn, đây cũng là địa danh gắn liền với loại hình tôn giáo - Phật giáo. Vì vậy qua bài thơ này, nhà thơ vừa thể hiện được sự tự hào trước cảnh đẹp của non sông, gấm vóc mà còn thể hiện được một cảm xúc trào dâng khi có dịp đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng, tươi đẹp mà mình luôn muốn đến đấy.

“Bầu trời, cảnh bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non, nước nước, mây mây
Đệ nhất động hỏi là đây có phải?”

Ngay trong khổ thơ đầu tiên, nhà thơ Chu Mạnh Trinh đã vẽ ra một khung cảnh rộng lớn, tươi đẹp của địa danh Hương Sơn, đồng thời nhà thơ cũng thể hiện được sự choáng ngợp trong cảm giác và tâm trạng náo nức, hân hoan của mình khi đến được địa danh mà mình hằng ngưỡng mộ, mong muốn một lần có thể đặt chân đến. “Bầu trời, cảnh bụt”, câu thơ vô cùng ngắn gọn nhưng lại diễn đạt được cái dạt dào của cảm xúc. Khung cảnh Hương Sơn mở ra trước mắt, nhà thơ như nghẹn ngào, không nói lên lời mà chỉ thể hiện qua sự cảm thán, tuy nhiên qua sự cảm thán đó người đọc cũng bước đầu có những hình dung đầu tiên về địa danh này.

Bầu trời như cao, như rộng hơn làm tôn lên vẻ đẹp nên thơ của vùng đất Hương Sơn, điều đặc biệt là trong cảm nhận của nhà thơ thì nét lôi cuốn, hấp dẫn của địa danh này không chỉ ở cảnh sắc của đất trời mà còn ở sự thiêng liêng “cảnh bụt”, đây là địa danh nổi tiếng của Việt Nam với tín ngưỡng Phật giáo phát triển, nên đến với địa danh này là đến với mảnh đất của thần tiên, cảnh sắc của Hương Sơn cũng được nhà thơ liên tưởng đến tiên cảnh của thế giới thần thánh. Đây là địa danh mà nhà thơ luôn muốn một lần đặt chân đến, nên nó cũng là một mong muốn đầy tha thiết “Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay”, tức nguyện ước được đến Hương Sơn không phải là những mong ước nhất thời, cũng không phải là sự xúc động trước cảnh sắc mà nhà thơ đã nghe đến địa danh này và mong ước được đến từ rất lâu.

Trước cảnh sắc của Hương Sơn, Chu Mạnh Trinh dâng lên cảm xúc choáng ngợp, xúc động, nhà thơ xúc động trước cái đẹp của non sông, cái đẹp của tạo hóa đã ban tặng cho địa danh này “Kìa non non, nước nước, mây mây”, đó là khung cảnh rộng lớn của non nước, trời mây. Và trong cách đánh giá của nhà thơ thì Hương Sơn chính là “đệ nhất động”, Việt Nam là đất nước nhiều đồi núi nên những hang động đẹp không thiếu nhưng Hương Sơn là động đẹp nhất, sự cảm thán của nhà thơ đầy chân thành, tha thiết, đó chính là sự rung cảm trước cái đẹp, cảnh đẹp.

“Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lửng lơ khe yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng”

Từ cái nhìn bao quát, khách quan của nhà thơ về địa danh Hương Sơn thì đến những khổ thơ tiếp theo nhà thơ trình bày một cách cụ thể những cảnh sắc khiến cho nhà thơ xao xuyến, xúc động. Đó chính là không gian của rừng mai “Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái”, câu thơ vừa gợi ra hình ảnh, đối tượng cụ thể là rừng mai, chim mà còn gợi ra âm thanh phát ra từ khu rừng ấy, là tiếng chim thỏ thẻ. Từ “thỏ thẻ” này thật độc đáo, vừa gợi ra những âm thanh nhỏ nhẹ, như thì thầm bên tai của những tiếng chim rừng. Tuy nhỏ nhẹ, thì thầm nhưng trong không gian rộng lớn của núi rừng thì âm thanh ấy vẫn theo gió mà hòa vào không gian, tạo nên một bản nhạc nguyên sơ của núi rừng.

Ta có thể nhận thấy một điều, đó chính là nhà thơ Chu Mạnh Trinh sử dụng những động từ để làm cho bức tranh thơ thêm sinh động, nếu như những chú chim thỏ thẻ hót nơi rừng mai thì bên khe núi kia, sự xuất hiện của những chú cá nhỏ làm cho bức tranh ấy thêm cụ thể, màu sắc “Lửng lơ khe yến cá nghe kinh”, điều đặc biệt là những con cá nơi đây như bị hấp dẫn, như tò mò về những bài giảng kinh phát ra từ những ngôi chùa trên núi. Và trong không gian đầy màu sắc, âm thanh đó, tiếng chày kình vang lên làm ấp áp bức tranh thơ, bởi đó chính là hơi thở của cuộc sống, chính là âm thanh của cuộc sống sinh hoạt đầy bình dị “Thoảng bên tai một tiếng chày kinh”, dù âm thanh ấy chỉ thoảng qua thôi nhưng cũng khiến cho người du hành giật mình trong giấc mộng, giấc mộng ở đây là sự đắm say trước vẻ đẹp.

“Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng
Này am Phật Tích, này động Tuyết Quỳnh
Nhác trông lên, ai khéo vẽ hình
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt”

Từ những cảnh sắc của tự nhiên, đất trời, nhà thơ Chu Mạnh Trinh đã liệt kê những địa điểm nổi tiếng của địa danh Hương Sơn, đó chính là suối Giải Oan, chùa Cửa Võng, am Phật Tích, động Tuyết Quỳnh, đó đều là những địa điểm đẹp, hấp dẫn tạo nên nét đẹp của Hương Sơn. Nhà thơ đã điệp ngữ từ “này” vừa thể hiện được cảm xúc nồng nhiệt đồng thời cũng thể hiện được sự tự hào trước những địa điểm ấy. Trong các hang động, tạo hóa đã tạo cho Hương Sơn một vẻ đẹp hiếm thấy “Nhác trông lên, ai khéo vẽ hình”, đó là những hình thù độc đáo do bàn tay của tạo hóa chế tác lên, những viên đá thạch nhũ trong những hang động ấy cũng mang vẻ dẹp độc đáo, khác thường “Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt”.

“Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt
Chập chờn mấy lối uốn thang mây
Chừng giang sơn còn đợi ai đây
Hay tạo hóa khéo ra tay xếp đặt?

Hang đá Hương Sơn không chỉ đẹp bởi sự điểm xuyết của những viên đá ngũ sắc, không chỉ ở những hình thù độc đáo, kì dị mà còn có sự giao lưu với thế giới bên ngoài, tuy là hang nhưng sự thông thoáng của mặt hang còn làm cho ánh trăng chiếu rọi “Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt”, và dưới ánh trăng ấy, cảnh vật không tồn tại độc lập mà nó đan lồng với ánh trăng, tạo nên một vẻ đẹp độc đáo. Những lối vào, đường đi vào hang cũng không phải những con đường thẳng tắp mà là những lối đi uốn khúc, mà trong cảm nhận của nhà thơ thì nó như một lối uốn thang mây “Chập chờn mấy lối uốn thang mây”.

“Lần tràng hạt niệm Nam mô Phật
Cửa từ bi công đức biết là bao
Càng trông phong cảnh càng yêu”

Câu thơ đã chuyển đổi cảm nhận của nhà thơ từ sự cảm nhận vẻ đẹp của non sông gấm vóc sang sự chiêm nghiệm sự màu nghiệm của Phật Pháp “Lần tràng hạt niệm Nam mô Phật”, câu thơ gợi cho chúng ta liên tưởng về hình ảnh của chính nhà thơ khi thành tâm cầu khấn, với chuỗi hạt và miệng thì niệm Nam mô Phật đầy thành kính, gợi ra không khí thật linh thiêng. Và xuất hiện nơi đây không chỉ có nhà thơ, những con người đam mê với vẻ đẹp của non sông gấm vóc mà còn là những tín đồ của Phật giáo ở khắp nơi đổ về thể hiện lòng thành kính, thiện nguyện, cầu mong những điều kì diệu đến với cuộc sống của mình, vì vậy những từ bi, công đức không sao kể xiết “Cửa từ bi công đức biết là bao”. Vẻ đẹp của tự nhiên hòa quyện cùng với vẻ đẹp của văn hóa, tín ngưỡng đã làm cho Hương Sơn mang vẻ đẹp độc đáo, đặc trưng riêng biệt.

Như vậy, bài thơ “Hương Sơn phong cảnh ca” của nhà thơ Chu Mạnh Trinh đã phác họa ra một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp về địa danh Hương Sơn, bức tranh ấy không chỉ sống động về màu sắc mà còn chân thực về âm thanh, và điều đặc biệt nữa là tràn đầy cảm xúc thiết tha, say đắm của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đây là niềm đam mê đầy chất nghệ sĩ của một hồn thơ đa cảm. Và trong bức tranh này không chỉ có cảnh sắc mà còn thiêng liêng hơn nữa đó chính là văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng được duy trì từ bao đời nay trên địa danh này.

Phân tích Hương Sơn phong cảnh - Mẫu 2

Chu Mạnh Trinh sinh năm 1862, mất năm 1905. Tự là Cán Thần, hiệu là Trúc Vân, quê làng Phú Thị, huyện Mễ Sở, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu (nay là Mễ Sở, huyện Văn Giang) tỉnh Hưng Yên. Ông là người tài hoa, thạo đủ cầm, kì, thi, họa, lại giỏi cả nghệ thuật kiến trúc, và đặc biệt say mê cảnh đẹp. Chính cái lòng yêu cảnh đẹp kết hợp với tài hoa của tâm hồn thi sĩ đã kết tinh thành những áng thiên cổ kỳ bút mãi còn tỏa sắc hương nơi hậu thế. Một trong số đó là áng thơ “Hương Sơn phong cảnh”.

Hương Sơn phong cảnh là một trong ba bài thơ được Chu Mạnh Trinh viết vào dịp ông đứng trông coi việc trùng tu tôn tạo quần thể thắng cảnh Hương Sơn. Bài thơ viết theo thể hát nói. 19 câu thơ vẽ nên một bức tranh thiên nhiên xinh đẹp và nên thơ về phong cảnh Hương Sơn. Đây là một bài thơ vịnh cảnh và thể hiện tâm sự. Không chỉ vẽ cảnh đẹp, mà còn vẽ lòng người, đó là tâm sự yêu nước, tự hào với cảnh đẹp quê hương đất nước của nhà thơ.

Bốn câu thơ đầu giới thiệu bao quát toàn cảnh Hương Sơn và trực tiếp nêu cái thú ban đầu khi đến với Hương Sơn của tác giả:

“Bầu trời, cảnh bụt,
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non, nước nước, mây mây
Đệ nhất động hỏi là đây có phải?”

Qua 2 câu thơ đầu, Chu Mạnh Trinh đã khái quát cảnh sắc Hương Sơn bằng một nhận xét tinh tế: vừa là danh lam thắng cảnh do tạo hoá ban tặng vừa là công trình tôn giáo. Thể hát nói tạo nên tính nhạc du dương, cảnh đẹp thiên nhiên đượm mùi Thiền, được miêu tả và cảm nhận qua tâm hồn nghệ sĩ tài hoa là nét đặc sắc của bài thơ này. Phong cảnh Hương Sơn được tả từ xa trong tầm mắt của du khách. Giọng thơ trang trọng, từ điệu khoan thai thể hiện du khách vừa đi vừa đứng lại ngắm cảnh và suy ngẫm. Một thiên nhiên mênh mông chan hòa với màu sắc Phật giáo. Hương Sơn là thiên tạo nhưng cũng là cảnh Bụt đã và đang vẫy gọi người đời. Đi lễ hội chùa Hương là thú vui, là niềm ước ao bấy lâu nay của nhiều người.

Cảnh được dựng lên vừa mang nét bình dị, gần gũi,vừa thấm đượm không khí huyền diệu, linh thiêng. Đó là niềm “ao ước” không chỉ trong giây lát mà đã trở thành niềm khát khao “bấy lâu nay” của bao du khách. Câu thơ thứ ba có giá trị tạo hình đặc sắc nhờ cách kết hợp giữa hình thức điệp từ liệt kê và thủ pháp luyến láy “non non, nước nước, mây mây”… Vừa vẽ ra cảnh tượng hùng vĩ của non nước, mây trời Hương Sơn như một bức tranh thủy mặc cổ điển vừa tạo được âm điệu ngân nga, bâng khuâng man mác như cảm xúc của du khách trước vẻ huyền ảo chốn bồng lai tiên cảnh.

Ba khổ tiếp theo miêu tả cảnh đẹp cụ thể của Hương Sơn. Khổ thơ tiếp theo trong bài hát nói gọi là khổ giữa, nhà thơ nói về suối, rừng và tiếng chuông chùa. Ba chi tiết nghệ thuật này đều tô đậm nét đặc trưng của Hương Sơn. Rừng là rừng Mai với trái mơ đặc sản của chùa Hương. Tiếng chim hót thỏ thẻ – chậm rãi, nỉ non – gọi bầy tìm bạn, kết đôi. Bầy chim trời vừa hót vừa mổ trái mơ. Hình ảnh chim cùng trái là nét vẽ độc đáo, tài hoa. Bầy chim mổ trái mơ như khách hàng hương đứng dưới mái chùa cổ trong hang động đang khom lưng khấn vái trước mâm ngũ quả dâng trên bàn thờ Phật. Suối ở đây là suối Yến. Chơi chùa Hương ai cũng phải đi đò dọc bến Đục suối Yến? Đàn cá nơi suối Yến lững lờ bơi từ từ thong thả – như đang cùng du khách thưởng ngoạn cảnh trí.

“Cá nghe kinh” là một hình ảnh sáng tạo, đầy chất thơ. Cảnh sắc Hương Sơn mang màu sắc tôn giáo của Đạo Phật:

“Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái;
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng”

Cảnh vật nhuốm màu sắc của Phật giáo. Những loài chim cá dường như cũng hoà cùng không khí thần tiên. Cá bơi lững lờ như để nghe những bài thuyết pháp của đức Phật, ở đây, cảm hứng tôn giáo không mang màu sắc mê tín dị đoan mà là nhu cầu về mặt tinh thần mang tính tâm linh trong tâm hồn một thi sĩ tài hoa. Khách vãn cảnh Hương Sơn khi nghe tiếng chuông chùa cũng phải thảng thốt:

Vẳng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.

Khách hành hương như trút đi bao nỗi ưu phiền trong cuộc đời tang hải – bể dâu – đầy biến động, nhọc nhằn. Tiếng chuông như ru hồn khách tang hải, giật mình trong khoảnh khắc chìm sâu hơn vào giấc mộng diệu huyền: Thoảng bên tai một tiếng chày kình / Khách tang hải giật mình trong giấc mộng. Câu thơ cho ta nhiều thú vị về nhạc điệu du dương. Hai thanh bằng có K âm vang ngân nga, ngọt ngào vần với nhau: kình – mình tạo nên nhạc điệu, âm hưởng trầm bổng của vần thơ.Chỉ một tiếng chày kình êm ái trầm bổng nơi chùa Hương cũng đủ rửa sạch bụi trần làm thanh thản, thảnh thơi tâm hồn khách tang hải. Chu Mạnh Trinh không chỉ tạo nên những vần thơ có nhạc có họa khi tả chim, tả cá, tả tiếng chuông chùa mà còn thể hiện sự kì diệu của hồn cảnh vật Hương Sơn Nam thiên đệ nhất động.

Hai khổ thơ 3 và 4 tiếp theo là hai khổ đầu của bài hát nói. Hương Sơn có biết bao cảnh đẹp nên thi sĩ phải sử dụng khổ dôi để diễn tả cảm xúc và miêu tả cảnh vật. Du khách như đi dần vào thế giới Hương Sơn, nơi bầu trời cảnh Bụt. Chu Mạnh Trinh dùng biện pháp tu từ liệt kê và điệp từ để tả, để vẽ, để tạo nên nhạc điệu trầm bổng của vần thơ. Hai cặp song hành với bức tranh tứ bình nối tiếp hiện ra. Bốn chữ này vang lên như bốn nốt nhấn của khúc ca:

“Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng
Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh”

Cách phối thanh bằng, trắc trong hai câu thơ này cũng cho thấy bút pháp điêu luyện, tài hoa của tác giả để làm nổi bật tính nhạc của bài hát nói. Hương Sơn có rất nhiều di tích thắng cảnh nhưng Chu Mạnh Trinh chỉ giới thiệu bốn cảnh điển hình, chỉ gợi ra mà không tả. Suối Giải Oan, chùa Cửa Võng, am Phật Tích, động Tuyết Quynh mỗi di tích mỗi thắng cảnh đều đem đến cho ta nhiều liên tưởng và hướng thiện lòng người hành hương. Ai cũng cảm thấy mình đang cùng nhà thơ chan hòa vào cảnh Bụt, được sống lại giây phút mà chỉ có bầu trời, cảnh Bụt nơi Hương Sơn mới ban phát cho mình. Cảm hứng tín ngưỡng về đạo Phật được thể hiện qua những vần thơ nói về suối, chùa, am, động như mời gọi du khách, lắng nghe tiếng chuông chùa xa đưa lại mà ngạc nhiên, mà ngỡ ngàng…

Tả hang động, Chu Mạnh Trinh dùng những từ ngữ đầy màu sắc, giàu tính tượng hình. Cảnh sắc hang động ấy được tạo dựng nên bởi hóa công và tài trí của con người:

“Nhác trông lên ai khéo vẽ hình
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt”

Những liên tưởng so sánh về nhũ đá trong các hang động biểu lộ niềm tự hào của nhà thơ về đất nước và con người Việt Nam: yêu đời, yêu tạo vật, biết đem bàn tay khéo léo tô điểm cảnh trí non sông. Hương Sơn có đường lên trời có hang xuống âm ti địa ngục dẫn khách hành hương du nhập vào thế giới siêu thoát. Cảnh được tả từ xa tới gần, từ khái quát đến cụ thể, từ cao xuống thấp, từ thấp lên cao, huyền ảo.

“Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt.
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây”.

Tiếp theo là những câu thơ giàu chất họa, chất nhạc với các từ láy gợi hình long lanh, thăm thẳm, gập ghềnh vẽ ra vẻ đẹp mộng ảo, thần tiên huyền bí của “Nam thiên đệ nhất động". Các từ láy: thăm thẳm, gập ghềnh gợi tả độ sâu, nét lượn cheo leo, khúc khuỷu của sườn non, hang động mà du khách lần bước vượt qua để hòa nhập với thiên nhiên, để chiếm lĩnh cái hồn của cảnh bụt. Phép đảo ngữ đã làm nổi bật cái độ sâu thăm thẳm của hang động, cái nét gập ghềnh của những sườn non, những thang mây cao vút. Có hang sâu thăm thẳm, lại có lối uốn gập ghềnh, có bóng nguyệt lồng hang, lại có thang mây uốn lối… Câu thơ mềm mại uyển chuyển, mỗi một chi tiết nghệ thuật là một nét vẽ, nét khắc tài hoa. Cảnh đẹp mang tình người và hồn người, đáng yêu và đáng nhớ.

Chừng giang sơn còn đợi ai đây,
Hãy tạo vật khéo ra tay xếp đặt”.

Con người đã tìm thấy niềm vui trong thiên nhiên, thiên nhiên cũng như hòa quyện vào con người, con người lại càng góp phần điểm tô cho thiên nhiên, cảnh sắc. Vậy mới nói vậy thật mà ảo mộng như cõi tiên, tuy đẹp như chốn bồng lai mà lại chân thực, bình dị đến từng lá cây, ngọn cỏ!. Bởi thế mới nhớ, mới lại càng yêu. Tình yêu thiên nhiên cũng là tình yêu quê hương đất nước. Trong những câu thơ trên, tác giả đã viết: ai khéo vẽ hình, đến đây lại nói: hay tạo hóa khéo ra tay xếp đặt. Phải tìm hiểu lịch sử, phải biết Chu Mạnh Trinh là người từng đem tiền của, công sức, tài năng ra trùng tu chùa Thiên Trù, tạc tượng đúc chuông… mới cảm nhận được một chữ” ai” đáng tự hào kín đáo đã hai lần xuất hiện trong bài thơ này.

Ba câu cuối gọi là khổ xếp của bài hát nói. Câu cuối chỉ có sáu từ gọi là câu keo. Luật thơ đã qui định chặt chẽ như vậy. Không gian nghệ thuật được miêu tả theo bước chân xa dần của khách tang hải. Khách tang hải vừa chậm rãi đi vừa ngắm cảnh, tay lần tràng hạt miệng nam mô, lưu luyến chẳng muốn rời, đến mức phải thốt lên: “càng trông phong cảnh càng yêu!” Cách nói mới hồn nhiên làm sao, mới chân thật làm sao! giản dị nhưng giàu chất biểu cảm:

“Lần tràng hạt niệm nam mô Phật
Cửa từ bi công đức biết là bao!
Càng trông phong cảnh càng yêu”

Không khí thành kính trang nghiêm phủ lên hai câu thơ trước, khiến người đọc càng thấy chân thật như đang thấy được hình ảnh một đoàn khách thập phương vừa đi vừa niệm nam mo, tay lần tràng hạt, tĩnh tâm theo tiếng chuông chùa, nổi bật giữa bạt ngàn hương sắc Hương Sơn huyền ảo. Câu thơ cuối như một tiếng thổ lộ, lại vừa giống một tiếng reo cảm thán. Qua đó không chỉ nâng cao vẻ đẹp hoàn mỹ của phong cảnh Hương Sơn, mà còn bộc lộ được tình yêu, niềm tự hào dân tộc của “con rồng cháu tiên” với non sông gấm vóc.

“Hương Sơn phong cảnh” là một trong những tác phẩm hay nhất viết về đề tài cảnh sắc thiên nhiên. Đặc biệt, ở bài thơ này, không những chỉ vẽ lên bức tranh danh lam thắng cảnh đẹp tựa chốn bồng lai bao người mơ ước, mà còn khéo léo thể hiện lòng yêu thiên nhiên, yêu non sông đất nước, tự hào, tự tôn dân tộc của Chu Mạnh Trinh. Cảnh thiên nhiên đẹp hài hòa khi kết hợp với bàn tay của con người, sự xuất hiện của con người. Con người đứng giữa thiên nhiên đẹp kỳ vĩ mà vẫn không hề thấy xa lạ, choáng ngợp. Hơn nữa còn qua đó mà càng thêm yêu, càng thêm muốn cống hiến, muốn giữ gìn. Quả là một bài thơ vừa đẹp, lại vừa hay!

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 146
  • Lượt xem: 46.841
  • Dung lượng: 223,5 KB
Sắp xếp theo