Văn mẫu lớp 10: Phân tích vẻ đẹp của phong cảnh Hương Sơn Hương Sơn phong cảnh của Chu Mạnh Trinh

Văn mẫu lớp 10: Phân tích vẻ đẹp của phong cảnh Hương Sơn trong bài Hương Sơn phong cảnh của Chu Mạnh Trinh mang đến dàn ý và bài văn mẫu hay, ấn tượng nhất.

Phân tích vẻ đẹp của phong cảnh Hương Sơn chúng ta càng cảm thấy yêu mến, tự hào trước những cảnh sắc tuyệt đỉnh của quê hương, đất nước. Để hiểu hơn về vẻ đẹp ấy, mời các bạn cùng theo dõi dàn ý và bài văn mẫu dưới đây nhé. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài văn mẫu phân tích Hương Sơn phong cảnh.

Dàn ý phân tích vẻ đẹp của phong cảnh Hương Sơn

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả và tác phẩm.

- Nêu vấn đề cần phân tích: vẻ đẹp của phong cảnh Hương Sơn.

2. Thân bài:

* Phân tích vẻ đẹp của phong cảnh thiên nhiên Hương Sơn:

- Vẻ đẹp thoát tục của Hương Sơn:

  • "Bầu trời cảnh bụt": cảnh tượng thực thực ảo ảo huyền diệu như cảnh Bụt.
  • Khung cảnh hài hòa của núi non hùng vĩ cùng mây trời nên thơ.

- Vẻ đẹp trong lành, tươi mát nơi ngưỡng cửa nhà Phật:

  • Không gian rừng núi: "rừng mai", "khe Yến".
  • Sự phong phú, muôn màu muôn vẻ của cảnh sắc tự nhiên và nhân tạo: "suối Giải Oan", "hang Phật Tích", "động Tuyết Quynh", "chùa Cửa Võng".
  • Vẻ đẹp vừa kĩ vĩ, vừa thơ mộng của các hang, động.

=> Tử cảnh sắc tuyệt diệu của Hương Sơn, tác giả bộc lộ tình cảm yêu mến, tự hào của mình với quê hương, đất nước.

* Nhận xét về hình thức nghệ thuật - yếu tố quan trọng góp phần khắc họa thành công phong cảnh Hương Sơn:

- Sáng tạo các hình ảnh thơ "mấy lối uốn thang mây", "đá ngũ sắc long lanh",...

- Sử dụng các từ ngữ giàu sức gợi tả "lững lờ", "thăm thẳm", "uốn", "lồng",...

- Sử dụng các biện pháp tu từ: điệp từ "này", nhân hóa "cá nghe kinh",...

3. Kết bài:

- Nêu cảm nhận của bản thân về vẻ đẹp phong cảnh Hương Sơn.

Phân tích vẻ đẹp của phong cảnh Hương Sơn

Có lẽ danh lam thắng cảnh nào cũng sẵn sàng ban tặng cho con người muôn vàn tứ thơ. Có biết bao cảnh trí thần tiên chẳng cần đợi thơ ca tôn vinh – tự nó đã là một bài thơ tuyệt mỹ. Nhưng cũng có những thắng cảnh vốn dĩ đã mỹ lệ, lại được soi mình vào thơ thì càng quyến rũ bội phần. Con người đến đây để thưởng ngoạn một danh lam nhưng cũng là một dịp để thanh lọc tâm hồn, thanh thản tâm linh. Và Hương Sơn phong cảnh ca của Trúc Vân Chu mạnh Trinh đã thu vào được từng lời thơ cái hồn riêng của cảnh.

Bài thơ mở đầu bằng câu thơ ngắn, bốn tiếng:

Bầu trời cảnh bụt.

Toàn bài đều viết bằng những câu dài. Chỉ có câu thơ mở đầu là ngắn đặc biệt. Câu thơ vẽ nên không gian nhưng vang lên như một vỡ lẽ kì thú của chốn nước non: Đây là thế giới của cảnh Bụt.

Ngòi bút của chu Mạnh trinh vừa làm sáng dậy nét thanh tú của của danh lam, vừa đem lại vị Thiền cho thắng cảnh. Với cái nhìn lướt, bao quát:

Kìa non non, nước nước, mây mây.

Chu Mạnh Trinh đã khiến cho cảnh non, nước, mây, trời có được vẻ đẹp quấn quýt và trải dài vô tận. Giọng điệu thơ có cái vẻ náo nức, ngất ngây của người được thỏa lòng ao ước, mà cũng lại rất nghiêm trang.

Nhưng Hương Sơn là cảnh Bụt, cho nên:
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lửng lơ khe yến cá nghe kinh
Vẳng bên tai một tiếng chày Kinh
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.

Tiếng chim thỏ thẻ, dáng cá lửng lơ và giờ đây là tiếng chày kình,… Những âm thanh, dáng điệu ấy tạo nên cái bầu không khí rất Hương Sơn. Chim cúng trái, cá nghe kinh, con người đi vào cảnh thảng thốt với tiếng chày kình.

Thi sĩ cứ say sưa thưởng ngoạn cảnh Hương Sơn như một tạo tác nguy nga, mỹ lệ của tạo hóa bày ra dưới trời Nam bằng lối kể điểm danh những địa danh nổi tiếng của chốn nước non bồng bềnh hư ảo này:

Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng
Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh

Những từ này liên tiếp gợi sự phong phú, gợi thế liên hoàn, lại gợi được cái cảm xúc thỏa thuê.

Chu Mạnh Trinh kết hợp cả lối tạo hình với những nét vẽ vừa mỹ lệ, vừa hư huyền, với những mảng màu vừa lộng lẫy, vừa cách điệu, với những mảnh cảnh vừa trầm tĩnh, vừa biến ảo. Qua đó, ta có thể thấy được con mắt tạo hình của thi sĩ lúc ngây ngất ngước lên, khi mải mê nhìn xuống, vừa nắm bắt được cái bóng nguyệt lồng trong thăm thẳm với những tháng mây lương cùng vách núi:

Nhác trông lên ai khéo họa hình
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây

Với những câu thơ này, du khách dường như đã đặt bước chân cuối cùng vào chốn Hương Sơn.

Nếu như tiếng chày kình không động tiếng chuông Hương Sơn thì người khách tang hải không bị đánh thức trong cái giấc mộng lớn của cuộc đời thì đến đây cuộc hành Hương chắc vẫn chưa kết thúc.

Lần tràng hạt niệm Nam mô Phật
Cửa từ bi công đức xiết là bao.

Kẻ vãn cảnh dường như đã cởi bỏ được bụi trần để tâm hồn chan hòa với chốn này. Vẻ đẹp của thắng cảnh, vị Thiền của danh lam đã hòa nhập vào người hành Hương trong trạng thái tâm linh thanh cao và yên tĩnh ấy. Đó chính là sức quyến rũ của Hương Sơn.

Yêu Hương Sơn đến độ say sưa của một tâm, hồn thi sĩ tài hoa, Chu Mạnh Trinh đã phát hiện và miêu tả được vẻ đẹp thanh thoát, độc đáo của thắng cảnh nổi tiếng này. Qua đó, nhà thơ cũng gửi chút tình cho Đất Nước, dù chưa thật đậm nét nhưng cũng độc đáo của mình.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 04
  • Lượt xem: 1.841
  • Dung lượng: 126,7 KB
Sắp xếp theo