Đề cương ôn thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 3 năm 2024 - 2025 (Sách mới) Ôn tập học kì 1 lớp 3 môn Tiếng Việt sách KNTT, CTST, Cánh diều
Đề cương học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 3 năm 2024 - 2025 mang tới các câu hỏi ôn tập sách Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạo, Cánh diều, giúp thầy cô tham khảo để giao đề cương ôn thi học kì 1 cho học sinh của mình.
Bộ đề cương ôn thi học kì 1 môn Tiếng Việt 3, hệ thống lại những câu hỏi lý thuyết trọng tâm, cùng các dạng bài tập, giúp các em nắm chắc kiến thức môn Tiếng Việt lớp 3, để ôn thi học kì 1 năm 2024 - 2025 hiệu quả. Vậy mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Đề cương ôn thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 3 năm 2024 - 2025
1. Đề cương học kì 1 môn Tiếng Việt 3 sách Kết nối tri thức
1.1. Nội dung ôn tập học kì 1 môn Tiếng Việt 3
1. Đọc thành tiếng.
Đọc tiếng các bài đọc hoặc học thuộc lòng từ tuần 1 đến hết tuần 16 (phát âm rõ, tốc độ đọc tối thiểu 70 tiếng/ phút, biết ngừng nghỉ sau các dấu câu, giữa các cụm từ; trả lời được 1 đến 2 câu hỏi liên quan đến nội dung bài đọc)
2. Đọc hiểu.
Đọc thầm một văn bản đọc và trả lời các câu hỏi liên quan đến nội dung trong bài đọc (Trả lời câu hỏi xoay quanh nội dung của văn bản đọc.)
BT LTVC (Lồng ghép)
- Từ loại: tìm từ chỉ sự vật, từ chỉ đặc điểm, từ chỉ hoạt động.
- Câu giới thiệu, câu nêu hoạt động, câu nêu đặc điểm (đặt câu với một từ cho trước, xác định các kiểu câu)
- Câu cảm, câu khiến: phát hiện câu cảm (hoặc câu khiến), viết câu cảm (hoặc câu khiến) từ câu kể.
- Biện pháp tu từ so sánh: tìm các sự vật được so sánh với nhau, tìm câu so sánh, điền bộ phận còn thiếu để hoàn chỉnh câu có hình ảnh so sánh.
- Dấu câu: điền dấu chấm, dấu phẩy, hỏi chấm, chấm than, hai chấm vào chỗ thích hợp.
3. Chính tả: (Viết đoạn văn xuôi khoảng 4-5 câu hoặc đoạn thơ từ 3-4 khổ thơ)
4. Tập làm văn:
- Đề 1: Viết đoạn văn ngắn (khoảng 4 – 5 câu) tả một đồ vật em yêu thích.
- Đề 2: Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 4 – 5 câu) kể về một người mà em yêu quý.
- Đề 3: Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 4 – 5) kể về các bước nấu một món ăn mà em thích.
- Đề 4: Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 4 – 5) kể về ngôi nhà thân yêu của em.
1.2. Đề ôn tập học kì 1 môn Tiếng Việt 3
A. ĐỌC HIỂU
I. Đọc thầm bài văn sau:
MÀU HOA
Mùa xuân, cô bé đi vào trong vườn, hoa đào đang nở rợp một màu hồng. Cô gọi:
- Đào ơi, sao bạn mang sắc màu đẹp thế?
- Tôi cũng giống như màu đôi môi của bạn ấy mà. Đấy, bạn soi gương xem, giống như đúc phải không?
Đôi môi thường cất lên những tiếng hát líu lo. Đôi môi ấm rực và nở những nụ cười tươi. Mỗi nụ cười tỏa những tia sáng diệu kì làm ấm lòng người. Đấy, tôi cũng mang màu đôi môi của bạn. Và mùa xuân đến, tôi cũng nở những nụ cười. Tôi với bạn là một mà thôi.
Cô bé âu yếm áp nụ cười của mình lên những nụ hoa đào, thầm thì:
- Ừ, hai chúng mình là một.
Đi tiếp vào trong vườn, cô bé lại gặp không biết bao nhiêu là hoa khác nữa.
Cô bé ơi! Tôi là hoa hồng đỏ đây. - Bông hồng nói. - Tôi là màu của mặt trời sau làn sương sớm. Màu ngọn lửa ấm áp trong nắng mùa đông. Màu của lá cờ phấp phới. Màu những giọt máu chảy trong thân thể bạn.... Mặt trời chẳng bao giờ mất. Ngọn lửa chẳng bao giờ tắt. Dòng máu chẳng bao giờ ngừng.... Cô bé ơi, đó là tôi đấy !
Cô bé áp bông hồng vào ngực, một ánh sáng từ đó tỏa bừng trên gương mặt cô.
Cô bé đi tiếp vào khu vườn và ngập chìm trong tiếng nói ríu rít của mọi loài hoa.
(Nguyễn Phan Hách, Tâm hồn hoa)
II. Khoanh vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng:
Câu 1. Hình ảnh nào tả vẻ đáng yêu của hoa đào và cô bé?
a. Hoa đào đang nở rợp một màu hồng.
b. Cô bé với hoa đào là một mà thôi.
c. Hoa đào và đôi môi cô bé đều ấm rực và nở những nụ cười, mỗi nụ cười tỏa ra những tia sáng diệu kì làm ấm lòng người.
Câu 2. Những hình ảnh nào nói lên vẻ đẹp của hoa hồng?
a. Có màu của mặt trời sau làn sương sớm chẳng bao giờ mất.
b. Có màu của ngọn lửa ấm áp trong nắng mùa đông chẳng bao giờ tắt.
c. Ngập chìm trong tiếng nói ríu rít của mọi loài hoa.
d. Có màu của dòng máu chảy trong thân thể chẳng bao giờ ngừng.
Câu 3. Câu văn nào cho thấy tình yêu của cô bé với vẻ đẹp của hoa?
a. Cô bé âu yếm áp nụ cười của mình lên những nụ hoa đào.
b. Cô bé áp bông hồng vào ngực, một ánh sáng từ đó tỏa bừng trên gương mặt cô.
c. Cô bé đi vào trong vườn hoa.
Câu 4. Bài văn nói lên điều gì?
a. Vẻ đẹp của các mùa trong năm.
b. Vẻ đẹp của cô bé trong vườn hoa.
c. Vẻ đẹp muôn màu của các loài hoa.
Câu 5. Điền tiếp vào chỗ trống để có hình ảnh so sánh.
a. Màu của hoa đào như.......................................................................................
b. Hoa đào nở như .................................................................................................
c. Màu của hoa hồng như ......................................................................................
Câu 6. Câu Cô bé áp bông hồng vào ngực thuộc kiểu câu gì?
a. Ai thế nào?
b. Ai làm gì?
c. Ai thế nào?
Câu 7. Bộ phận được in đậm trong câu Mùa xuân, cô bé đi vào trong vườn trả lời cho câu hỏi nào ?
a, Ở đâu?
b. Khi nào?
c. Vì sao?
Câu 8. Điền dấu phẩy, dấu chấm thích hợp vào ô trống.
Mùa thu ☐ cô bé gặp bao sắc vàng kì diệu: những bông cúc vàng tươi rực rỡ☐ những cánh bướm vàng dập dờn trong nắng ☐ những tia nắng thu vàng như những sợi tơ tằm đang thêu lên tất cả đất trời ☐cây cỏ ☐ Mùa thu thật là đẹp!
B. KIỂM TRA VIẾT
I. Chính tả: Nghe – viết
HÃY CAN ĐẢM LÊN
Tôi say sưa với cảnh đồi núi mãi đến tận trưa mới chịu về. Đang trên đà xuống
dốc thì phanh xe bỗng nhiên bị hỏng. Chiếc xe lao đi vùn vụt như một mũi tên. … Cố gắng cầm ghi đông thật chặt, tôi tập trung chú ý vào đoạn đường mình sẽ qua. Cuối cùng xe cũng vượt qua được đoạn dốc một cách an toàn. Tôi thở phào nhẹ nhõm!
II. Tập làm văn: Viết đoạn văn tả một đồ vật mà em yêu thích.
2. Đề cương học kì 1 môn Tiếng Việt 3 sách Chân trời sáng tạo
UBND QUẬN……
TRƯỜNG TIỂU HỌC…….
NỘI DUNG ÔN TẬP CUỐI HỌC KỲ I MÔN TIẾNG VIỆT
KHỐI 3 – NĂM HỌC 2024 – 2025
1. Đọc
a. Đọc thành tiếng: Đọc và trả lời câu hỏi các bài tập đọc đã học từ tuần 1 đến tuần 17.
(Lưu ý đọc thành tiếng văn bản ngoài các bài đã học trong sách giáo khoa Chân trời sáng tạo. Học sinh đọc trôi chảy, rành mạch – khoảng 70-75 tiếng trong 1 phút, ngắt nghỉ dấu câu hợp lí và trả lời được các câu hỏi trong bài đọc)
b. Đọc hiểu: Độ dài của văn bản truyện khoảng 200 – 230 chữ, bài miêu tả khoảng 180 – 190 chữ, thơ khoảng 80 – 90 chữ, văn bản thông tin khoảng 120 -125 chữ. Hiểu ý chính của đoạn văn của bài, trả lời được câu hỏi về nội dung bài.
(Lưu ý đọc hiểu văn bản ngoài các bài đã học trong sách giáo khoa Chân trời sáng tạo.)
2. Viết
Nghe viết đúng bài chính tả khoảng 60 – 65 chữ trong thời gian 15 phút, trình bày đúng hình thức văn xuôi hoặc bài thơ.
(Lưu ý đoạn viết chính tả không nằm trong các bài tập đọc đã học trong sách giáo khoa Chân trời sáng tạo.)
3. Luyện từ và câu
- Nhận biết được biện pháp so sánh trong bài đọc.
- Điền đúng các dấu câu: dấu chấm, dấu hỏi chấm, dấu gạch ngang.
- Từ ngữ chỉ sự vật, đặc điểm, hoạt động.
- Tìm được những từ ngữ thuộc các chủ đề đã học.
- Đặt được câu với các từ ngữ cho trước.
- Nhận biết được từ có nghĩa giống nhau, từ có nghĩa trái ngược nhau.
4. Viết sáng tạo
- Viết đoạn văn (từ 6 đến 8 câu) tả một đồ học tập của em.
- Viết đoạn văn (từ 6 đến 8 câu) kể tình cảm của em đối với thầy cô.
- Viết được bức thư ngắn cho người thân hay bạn bè.
Đề ôn tập học kì 1 môn Tiếng Việt 3
A. PHẦN KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)
I. Đọc thành tiếng: (4 điểm)
- GV cho học sinh bắt thăm đọc một đoạn văn bản trong các phiếu đọc. Đảm bảo đọc đúng tốc độ, thời gian 3 – 5 phút/ HS.
- Dựa vào nội dung bài đọc, GV đặt câu hỏi để học sinh trả lời.
II. Đọc thầm và làm bài tập: (6 điểm)
Đọc đoạn văn sau:
AI ĐÁNG KHEN NHIỀU HƠN?
Ngày nghỉ, thỏ Mẹ bảo hai con:
- Thỏ Anh lên rừng kiếm cho mẹ mười chiếc nấm hương, Thỏ Em ra đồng cỏ hái giúp mẹ mười bông hoa thật đẹp!
Thỏ Em chạy tới đồng cỏ, hái được mười bông hoa đẹp về khoe với mẹ. Thỏ Mẹ nhìn con âu yếm, hỏi:
- Trên đường đi, con có gặp ai không?
- Con thấy bé Sóc đứng khóc bên gốc ổi, mẹ ạ.
- Con có hỏi vì sao Sóc khóc không?
- Không ạ. Con vội về vì sợ mẹ mong.
Lát sau, Thỏ Anh về, giỏ đầy nấm hương. Thỏ Mẹ hỏi vì sao đi lâu thế, Thỏ Anh thưa:
- Con giúp cô Gà Mơ tìm Gà Nhép bị lạc nên về muộn, mẹ ạ.
Thỏ Mẹ mỉm cười, nói:
- Các con đều đáng khen vì biết vâng lời mẹ. Thỏ Em nghĩ đến mẹ là đúng, song Thỏ Anh còn biết nghĩ đến người khác nên đáng khen nhiều hơn!
(Theo Phong Thu)
Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng:
Câu 1: Ngày nghỉ, Thỏ Mẹ bảo hai con làm việc gì giúp mẹ ? (0,5 điểm)
A. Thỏ Anh lên rừng hái hoa; Thỏ Em ra đồng kiếm nấm hương
B. Thỏ Em kiếm mười chiếc nấm hương; Thỏ Anh hái mười bông hoa.
C. Thỏ Anh kiếm mười chiếc nấm hương; Thỏ Em hái mười bông hoa.
Câu 2: Thỏ em làm gì khi đến đồng cỏ? (0,5 điểm)
A. Chạy nhảy tung tăng trên đồng cỏ.
B. Hái những bông hoa đẹp nhất.
C. Hái được mười bông hoa đẹp nhất.
Câu 3: Vì Sao Thỏ Anh đi hái nấm về muộn hơn Thỏ em? (0,5 điểm)
A. Vì Thỏ Anh đi đường xa hơn.
B. Vì Thỏ Anh bị lạc đường.
C. Vì Thỏ Anh giúp cô Gà Mơ tìm Gà Nhép bị lạc.
Câu 4: Vì sao Thỏ Mẹ nói Thỏ Anh đáng khen nhiều hơn? (0,5 điểm)
A. Vì Thỏ Anh biết vâng lời mẹ.
B. Vì Thỏ Anh biết vâng lời mẹ và còn biết nghĩ đến người khác.
C. Vì Thỏ Anh hái được nhiều nấm hương.
Câu 5: Theo em, nếu Thỏ Em làm thêm việc gì nữa thì cũng sẽ được khen như Thỏ Anh? (1 điểm)
Theo em, nếu Thỏ Em làm thêm việc..................................................
..................................................................................................................
..................................................................................................................
Câu 6: Nhập vai Thỏ Anh: Em hãy viết lời cảm ơn gửi đến Thỏ mẹ sau lời khen về việc làm của mình. (1 điểm)
..................................................................................................................
..................................................................................................................
Câu 7: Dấu gạch ngang ở các câu trong đoạn văn được dùng để làm gì? (0.5điểm)
Công dụng dấu gạch ngang:..................................................................
...................................................................................................................
Câu 8: Điền từ ngữ chỉ đặc điểm thích hợp với các hình ảnh trong bài sau: (0,5 điểm)
Giọt mưa: .................................................................................................
Bầu trời: ...................................................................................................
Câu 9: Đặt một câu có sử dụng từ ngữ ở câu 8. (1 điểm)
..................................................................................................................
B. PHẦN KIỂM TRA VIẾT : (10 điểm)
1. Nghe – viết (4 điểm)
Cánh rừng trong nắng
Khi nắng đã nhạt màu trên những vòm cây, chúng tôi ra về trong tiếc nuối. Trên đường, ông kể về những cánh rừng thuở xưa. Biết bao cảnh sắc hiện ra trước mắt chúng tôi: bày vượn tinh nghịch đánh đu trên cành cao, đàn hươu nai xinh đẹp và hiền lành rủ nhau ra suối, những vạt cỏ đẫm sương long lanh trong nắng.
(Vũ Hùng)
2. Luyện tập (6 điểm)
Viết đoạn văn ngắn nêu tình cảm của em với thầy cô giáo hoặc một người bạn
Đáp án:
A. PHẦN KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)
Câu 1: (0,5 điểm)
C. Thỏ Anh kiếm mười chiếc nấm hương; Thỏ Em hái mười bông hoa.
Câu 2: (0,5 điểm)
C. Hai được mười bông hoa đẹp nhất.
Câu 3: (0,5 điểm)
C. Vì Thỏ Anh giúp cô Gà Mơ tìm Gà Nhép bị lạc.
Câu 4: (0,5 điểm)
B. Vì Thỏ Anh biết vâng lời mẹ và còn biết nghĩ đến người khác.
Câu 5: (1 điểm)
Theo em, nếu Thỏ Em làm thêm việc: hỏi bé Sóc vì sao lại khóc để có thể giúp đỡ được cho Sóc thì cũng sẽ được khen như Thỏ Anh.
Câu 6: (1 điểm)
Ví dụ: Con cảm ơn mẹ ạ, con sẽ tiếp tục phát huy ạ!, Con cảm ơn mẹ đã dành lời khen cho con ạ!,...
Câu 7: (0.5 điểm)
Công dụng dấu gạch ngang: đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật.
Câu 8: (0.5 điểm)
Câu 9: (1 điểm)
Ví dụ: Mẹ đi làm từ sáng sớm, Bạn Lan thật xinh đẹp và dịu dàng,...
B. KIỂM TRA VIẾT : (10 điểm)
1. Chính tả (4 điểm)
- Viết đúng kiểu chữ thường, cỡ nhỏ (0,5 điểm):
● 0,5 điểm: viết đúng kiểu chữ thường và cỡ nhỏ.
● 0,25 điểm: viết chưa đúng kiểu chữ hoặc không đúng cỡ chữ nhỏ.
- Viết đúng chính tả các từ ngữ, dấu câu (3 điểm):
● Viết đúng chính tả, đủ, đúng dấu: 3 điểm
● 2 điểm: nếu có 0 - 4 lỗi;
● Tùy từng mức độ sai để trừ dần điểm.
- Trình bày (0,5 điểm):
● 0,5 điểm: nếu trình bày đúng theo mẫu, chữ viết sạch và rõ ràng.
● 0,25 điểm: nếu trình bày không theo mẫu hoặc chữ viết không rõ nét, bài tẩy xóa vài chỗ.
2. Luyện tập (6 điểm)
Cô giáo đã dạy em năm lớp 2 là cô Thảo. Cô có mái tóc dài ngang lưng và khuôn mặt rất xinh đẹp. Cô luôn ân cần, dịu dàng và quan tâm đến chúng em. Trong mỗi giờ học, em luôn cảm thấy thích thú bởi lời giảng của cô. Có một lần bố mẹ em chưa kịp đến đón khi tan học, cô Thảo đã chở em về nhà. Mặc dù đã không học cô nữa nhưng em vẫn rất yêu quý cô Thảo. Em sẽ luôn nhớ đến người cô giáo đón em vào lớp 2.
3. Đề cương học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 3 sách Cánh diều
3.1. Nội dung ôn tập học kì 1 môn Tiếng Việt 3
1. Đọc: đọc trôi chảy các bài tập đọc đã học từ tuần 1 đến tuần 17 và trả lời được các câu hỏi trong SGK.
2. Chính tả: Viết đúng chính tả một đoạn văn khoảng 60 - 65 chữ trong thời gian 15 phút. Chữ viết đúng cỡ chữ, đúng độ cao, khoảng cách, không sai lỗi chính tả
3. Luyện từ và câu:
- Biết tìm từ chỉ sự vật, hoạt động, đặc điểm.
- Biết xác định được các mẫu câu đã học và phân biệt được câu cảm, câu kể, câu hỏi, câu khiến. Biết đặt câu theo mẫu câu cho trước.
- Biết viết và tìm một câu văn có hình ảnh so sánh.
- Biết tìm từ trái nghĩa và đặt câu với từ vừa tìm được.
- Biết phân biệt và nêu tác dụng của dấu hai chấm.
- Điền đúng các dấu câu đã học vào một câu văn hay một đoạn văn cho sẵn.
- Làm được các bài tập của phép so sánh đã học.
4. Tập làm văn: Ôn lại các bài văn sau:
5. Đề 1. Viết một đoạn văn nêu tình cảm và cảm xúc của em với một người mà em yêu quý. ( Lưu ý trọng tâm là nêu tình cảm và cảm xúc của em với người đó.)
Đề 2. Viết một đoạn văn tả đồ vật mà em thích nhất.
3.2. Đề ôn thi học kì 1 môn Tiếng Việt 3
A. PHẦN KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)
I. Đọc thành tiếng: (4 điểm)
- GV cho học sinh bắt thăm đọc một đoạn văn bản trong các phiếu đọc. Đảm bảo đọc đúng tốc độ, thời gian 3 – 5 phút/ HS.
- Dựa vào nội dung bài đọc, GV đặt câu hỏi để học sinh trả lời.
II. Đọc thầm và làm bài tập: (6 điểm)
Đọc đoạn văn sau:
KHỈ CON BIẾT VÂNG LỜI
Một buổi sáng, Khỉ mẹ dặn Khỉ con xuống núi đi hái trái cây. Khỉ con mang giỏ trên lưng, rong chơi trên đường đi và quên mất lời mẹ dặn. Khỉ con thấy Thỏ con đang đuổi bắt Chuồn Chuồn. Khỉ con cũng muốn rong chơi nên cùng Thỏ chạy đuổi theo Chuồn Chuồn. Đến chiều về tới nhà, Khỉ con không mang được trái cây nào về nhà cho mẹ cả. Mẹ buồn lắm, mẹ nói với Khỉ con:
– Mẹ thấy buồn khi con không nghe lời mẹ dặn. Bây giờ trong nhà không có cái gì ăn cả là tại vì con mải chơi, không đi tìm trái cây.
Khỉ con biết lỗi, cúi đầu xin lỗi mẹ. Mẹ cõng Khỉ con trên lưng đi tìm trái cây ăn cho bữa tối. Một hôm, mẹ bị trượt chân ngã, đau quá không đi kiếm ăn được. Mẹ nói với Khỉ con:
– Mẹ bị đau chân, đi không được. Con tự mình đi kiếm trái cây để ăn nhé!
Khỉ con nghe lời mẹ dặn, mang giỏ trên lưng và chạy xuống núi đi tìm trái cây. Trên đường đi, Khỉ con thấy bắp bèn bẻ bắp, thấy chuối bèn bẻ chuối và khi thấy Thỏ con đang đuổi bắt Chuồn Chuồn, Khỉ bèn tự nhủ: “Mình không nên ham chơi, về nhà kẻo mẹ mong”.
Và thế là Khỉ con đi về nhà. Mẹ thấy Khỉ con về với thật nhiều trái cây thì mừng lắm. Mẹ khen:
– Khỉ con biết nghe lời mẹ, thật là đáng yêu!
(Vân Nhi)
Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng:
Câu 1: Khỉ mẹ dặn Khỉ con xuống núi làm công việc gì? (0,5 điểm)
A. Đi hái trái cây.
B. Đi học cùng Thỏ con.
C. Đi săn bắt.
Câu 2: Sắp xếp thứ tự câu theo trình tự nội dung bài đọc: (0,5 điểm)
1. Khi con cùng Thỏ chạy đuổi bắt Chuồn Chuồn.
2. Khỉ con biết lỗi, cúi đầu xin lỗi mẹ.
3. Khi con khiến mẹ buồn vì không mang được trái cây nào về nhà.
A. 3 – 1 – 2.
B. 1 – 3 – 2.
C. 2 – 1 – 3.
Câu 3: Vì sao Khỉ con phải tự mình đi kiếm trái cây? (0,5 điểm)
A. Vì Khỉ con muốn chuộc lỗi với mẹ.
B. Vì Khỉ mẹ muốn Khỉ con nhận ra lỗi lầm của mình.
C. Vì Khỉ mẹ đau chân vì bị trượt chân ngã.
Câu 4: Điều gì khiến Khỉ con được mẹ khen? (0,5 điểm)
A. Vì Khỉ con đã biết vâng lời mẹ, hái được giỏ đầy trái cây.
B. Vì Khỉ con đã không bị ngã khi đi hái trái cây.
C. Vì Khỉ con đã biết giúp đỡ người khác trên đường đi hái trái cây.
Câu 5: Qua câu chuyện, em rút ra được bài học gì cho bản thân? (1 điểm)
...................................................................................................................
...................................................................................................................
...................................................................................................................
Câu 6: Viết 2 – 3 câu kể về một lần em mắc lỗi với người thân. (1 điểm)
...................................................................................................................
...................................................................................................................
...................................................................................................................
Câu 7: Tìm một câu cảm được sử dụng trong đoạn văn trên. (0,5 điểm)
...................................................................................................................
...................................................................................................................
Câu 8: Ghép đúng để được các cặp từ có nghĩa trái ngược nhau: (0,5 điểm)
a) chăm chỉ 1) xui xẻo
b) hèn nhát 2) dũng cảm
c) tiết kiệm 3) lười biếng
d) may mắn 4) lãng phí
Câu 9: Đặt một câu trả lời cho câu hỏi: Ai thế nào? (1 điểm)
...................................................................................................................
...................................................................................................................
B. PHẦN KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm)
1. Nghe – viết (4 điểm)
Lá bàng
Mùa xuân, lá bàng mới nảy trông như những ngọn lửa xanh. Sang hè, lá lên thật dày, ánh sáng xuyên qua chỉ còn là màu ngọc bích. Khi lá bàng ngả sang màu lục, ấy là mùa thu. Đến những ngày cuối đông, mùa của lá rụng, nó lại có vẻ đẹp riêng. Lá bàng mùa đông đỏ như đồng, tôi có thể nhìn cả ngày không chán. Năm nào tôi cũng chọn mấy lá thật đẹp về phủ một lớp dầu mỏng, bày lên bàn viết.
(Đoàn Giỏi)
2. Luyện tập (6 điểm)
Viết đoạn văn ngắn (5 – 7 câu) kể về một món đồ chơi mà em được tặng .
Gợi ý:
- Em được tặng đồ chơi gì? Ai đã tặng cho em?
- Đặc điểm của món đồ chơi đó. (hình dạng, màu sắc, kích thước,..)
- Em thường chơi đồ chơi đó vào những lúc nào?
- Tình cảm của em đối với món đồ chơi đó.
ĐÁP ÁN
A. PHẦN KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)
Câu 1: (0,5 điểm)
A. Đi hái trái cây.
Câu 2: (0,5 điểm)
B. 1 – 3 – 2.
Câu 3: (0,5 điểm)
C. Vì Khỉ mẹ đau chân vì bị trượt chân ngã.
Câu 4: (0,5 điểm)
A. Vì Khỉ con đã biết vâng lời mẹ, hái được giỏ đầy trái cây.
Câu 5: (1 điểm)
Bài học: chúng ta nên ngoan ngoãn vâng lời bố mẹ dặn, không mải chơi vì như vậy sẽ khiến bố mẹ của chúng ta buồn.
Câu 6: (1 điểm)
HS liên hệ bản thân kể về lần mắc lỗi của mình với người thân.
Câu 7: (0.5 điểm)
Câu cảm: Khỉ con biết nghe lời mẹ, thật là đáng yêu!
Câu 8: (0.5 điểm)
a – 3; b – 2; c – 4; d – 1
Câu 9: (1 điểm)
Ví dụ: Bác nông dân cần cù cày thửa ruộng của mình.
B. KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm)
1. Chính tả (4 điểm)
- Viết đúng kiểu chữ thường, cỡ nhỏ (0,5 điểm):
- 0,5 điểm: viết đúng kiểu chữ thường và cỡ nhỏ.
- 0,25 điểm: viết chưa đúng kiểu chữ hoặc không đúng cỡ chữ nhỏ.
- Viết đúng chính tả các từ ngữ, dấu câu (3 điểm):
- Viết đúng chính tả, đủ, đúng dấu: 3 điểm
- 2 điểm: nếu có 0 - 4 lỗi;
- Tùy từng mức độ sai để trừ dần điểm.
- Trình bày (0,5 điểm):
- 0,5 điểm: nếu trình bày đúng theo mẫu, chữ viết sạch và rõ ràng.
- 0,25 điểm: nếu trình bày không theo mẫu hoặc chữ viết không rõ nét, bài tẩy xóa vài chỗ.
2. Luyện tập (6 điểm)
- Trình bày dưới dạng một đoạn văn từ 5 câu trở lên, kể về một món đồ chơi mà em được tặng, câu văn viết đủ ý, trình bày bài sạch đẹp, rõ ràng: 6 điểm.
- Tùy từng mức độ bài viết trừ dần điểm nếu bài viết không đủ ý, trình bài xấu, không đúng nội dung yêu cầu.
...
>> Tải file để tham khảo trọn bộ đề cương!