Văn mẫu lớp 10: Phân tích 2 câu kết bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương Dàn ý + 5 bài văn mẫu lớp 10 hay nhất

Phân tích 2 câu kết bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương mang đến dàn ý chi tiết kèm theo 5 mẫu cực hay, giúp cho các em học sinh tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng về văn phân tích đánh giá đoạn thơ ngày một tốt hơn.

Phân tích 2 câu thơ cuối bài Tự tình chúng những cảm nhận thật xót xa, cay đắng về thân phận nhỏ bé, đau khổ của người phụ nữ trong xã hội xưa. Họ là những người có vẻ đẹp nhân cách, có khát khao hạnh phúc bình dị nhưng lại là nạn nhân của số phận, hoàn cảnh nên tình duyên mãi hẩm hiu, dang dở. Bên cạnh đó các bạn xem thêm phân tích bài thơ Tự tình, cảm nhận bài thơ Tự tình.

Dàn ý phân tích 2 câu kết bài Tự tình 2

1. Mở bài

Giới thiệu về bài thơ Tự tình và khái quát nội dung chính 2 câu thơ kết của bài

2. Thân bài

"Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại"

- "Ngán" là tâm trạng chán nản, ngao ngán trước cuộc đời ngang trái.

- "Xuân" ở đây không chỉ là mùa xuân của đất trời mà còn là tuổi xuân của người con gái. Từ "lại" chỉ sự tuần hoàn, lặp đi lặp lại.

→ Câu thơ nhấn mạnh đến sự chán chường, đau khổ của người phụ nữ khi nhìn thời gian chảy trôi vô tình mà tuổi xuân của con người một khi mất đi thì chẳng thể lấy lại.

"Mảnh tình san sẻ tí con con"

- "Mảnh tình" gợi sự nhỏ bé của tình cảm, sự mong manh của duyên phận. Mảnh tình vốn đã nhỏ bé, không trọn vẹn lại phải san sẻ cho người khác nên càng trở nên nhỏ bé, chẳng còn là bao "tí con con".

- Nghệ thuật tăng tiến cùng số từ chỉ sự ít ỏi "mảnh", "tí" làm cho hoàn cảnh của người phụ nữ càng trở nên đáng thương, tội nghiệp.

=> Hai câu thơ cuối không chỉ thể hiện tình cảnh trớ trêu mà còn thể hiện khát vọng sâu kín của những người phụ nữ trong xã hội xưa: họ khát khao một tình yêu nhỏ bé, một hạnh phúc bình dị.

3. Kết bài

Cảm nhận chung về 2 câu kết bài thơ Tự tình

Phân tích 2 câu kết Tự tình 2

Trong xã hội phong kiến xưa, người phụ nữ vốn không được coi trọng, họ có thân phận nhỏ bé và thường phải chịu rất nhiều những bất công. Đã có rất nhiều nhà thơ, nhà văn viết về thân phận lẽ mọn của người phụ nữ, một trong những gương mặt nổi bật nhất có thể kế đến là "bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương. Hồ Xuân Hương là nhà thơ nữ viết thân phận những người phụ nữ. Bà không chỉ ca ngợi vẻ đáng trân trọng, đồng cảm với số phận hẩm hiu, trớ trêu mà còn trân trọng những khát khao thầm kín bên trong tâm hồn họ. Điều này được thể hiện rõ trong chùm thơ Tự tình, đặc biệt là 2 câu thơ cuối trong bài thơ.

Nếu như những câu thơ đầu nhà thơ Hồ Xuân Hương tái hiện tâm trạng cô đơn, bẽ bàng của người phụ nữ trong đêm khuya vắng lặng, thì ở hai câu thơ cuối, nhà thơ lại tập trung khắc họa nỗi chán ngán, bi thương của họ khi nhìn về duyên trắc trở, số phận trêu ngươi của mình:

"Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con"

"Ngán" là tâm trạng chán nản, ngao ngán trước cuộc đời ngang trái. "Xuân" ở đây không chỉ là mùa xuân của đất trời mà còn là tuổi xuân của người con gái. Từ "lại" chỉ sự tuần hoàn, lặp đi lặp lại. Câu thơ nhấn mạnh đến sự chán chường, đau khổ của người phụ nữ khi nhìn thời gian chảy trôi vô tình mà tuổi xuân của con người một khi mất đi thì chẳng thể lấy lại.

"Mảnh tình san sẻ tí con con"

Câu thơ cuối tô đậm bi kịch tình duyên của người phụ nữ. Khi tuổi xuân dần qua đi thì tình duyên vẫn dang dở, khát khao hạnh phúc nhỏ bé nhưng lại chẳng thể nào trở thành hiện thực. "Mảnh tình" gợi sự nhỏ bé của tình cảm, sự mong manh của duyên phận. Mảnh tình vốn đã nhỏ bé, không trọn vẹn lại phải san sẻ cho người khác nên càng trở nên nhỏ bé, chẳng còn là bao "tí con con". Trong xã hội xưa, đàn ông tam thê tứ thiếp, người phụ nữ vốn không được coi trọng lại phải chịu cảnh "chung chồng" nên rất khó có được hạnh phúc trọn vẹn.

Nhà thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật tăng tiến cùng số từ chỉ sự ít ỏi "mảnh", "tí" làm cho hoàn cảnh của người phụ nữ càng trở nên đáng thương, tội nghiệp hơn. Hai câu thơ cuối không chỉ thể hiện tình cảnh trớ trêu mà còn thể hiện khát vọng sâu kín của những người phụ nữ trong xã hội xưa: họ khát khao một tình yêu nhỏ bé, một hạnh phúc bình dị. Thế nhưng, sự nghiệt ngã của số phận và sự bất công của xã hội đã làm cho những khát khao nhỏ bé ấy chẳng thể nào trở thành sự thật.

Hai câu thơ kết của bài thơ Tự tình đã mang đến những cảm nhận thật xót xa, cay đắng về thân phận nhỏ bé, đau khổ của người phụ nữ trong xã hội xưa. Họ là những người có vẻ đẹp nhân cách, có khát khao hạnh phúc bình dị nhưng lại là nạn nhân của số phận, hoàn cảnh nên tình duyên mãi hẩm hiu, dang dở. Hai câu thơ còn là lời lên án mạnh mẽ xã hội phong kiến bất công đã kìm kẹp, tước đoạt đi hạnh phúc chính đáng của con người.

Phân tích 2 câu kết bài Tự tình 2 ngắn gọn

Bài văn mẫu 1

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con

Muốn đập phá vẫy vùng nhưng kết quả là gì? Xã hội phong kiến độc ác nào có để tâm tới thân phận bèo bọt, con ong, cái kiến của người phụ nữ! Rốt cuộc Hồ Xuân Hương phải buông tiếng thở dài đến não ruột trong sự buồn chán, cam chịu theo ngày tháng trôi đi. Thời gian, quy luật của tự nhiên bốn mùa xuân hạ thu đông cứ theo vòng luân chuyển: "xuân đi xuân lại lại”. Mùa xuân trở lại với đất trời. Nhưng quy luật của đời người thì thật nghiệt ngã. "Cái già xồng xộc theo sau”. Lại sống trong cảnh lẽ mọn, người phụ nữ bị chia sẻ hạnh phúc. Mảnh tình ít ỏi bị san sẻ. Thật tội nghiệp. Tác giả đã sử dụng những từ: mảnh, tí, con con trong cùng một câu thơ. "mảnh” đã ít, lại nhỏ, "tí" cũng là ít, "con con" ít ỏi đến vô cùng không thể chia được nữa.

Hai câu thơ cuối như một lời than thân, trách phận của người phụ nữ phải làm lẽ trong xã hội phong kiến bạc ác. Tuy nhiên nó là tiếng nói đồng cảm với tất cả những ai cùng cảnh ngộ, cũng là tiếng nói bóc trần, kết tội xã hội tàn ác đã đè nặng lên kiếp sống người ta. Trong đầm đìa nước mắt vẫn pha một nụ cười giễu cợt, càng chua chát hơn.

Bài văn mẫu 2

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!”

"Ngán" là chán ngán, là ngán ngẩm. Xuân Hương ngán nỗi đời éo le, bạc bẽo bởi xuân đi rồi xuân lại lại, tạo hoá đang chơi một vòng quay nhàm chán như chính chuyện duyên tình của con người. Từ xuân vừa chỉ mùa xuân, vừa được dùng với nghĩa chỉ tuổi xuân. Với thiên nhiên, xuân đi rồi xuân lại nhưng với con người thì tuổi xuân đã qua không bao giờ trở lại. Hai từ "lại" trong cụm từ "xuân đi xuân lại lại" cũng mang hai nghĩa khác nhau. Từ "lại" thứ nhất là thêm một lần nữa, trong khi đó, từ "lại" thứ hai nghĩa là trở lại. Mùa xuân trở lại nhưng tuổi xuân lại qua đi, đó là cái gốc sâu xa của sự chán ngán.

Trong câu thơ cuối, nghệ thuật tăng tiến làm cho nghịch cảnh của nhân vật trữ tình càng éo le hơn: mảnh tình - san sẻ - tí - con con. Mảnh tình - vốn đã ít, đã bé, đã không trọn vẹn lại còn phải "san sẻ" thành ra gần như chẳng còn gì nên càng xót xa, tội nghiệp. Câu thơ nói lên cả nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội xưa, khi cảnh chồng chung vợ chạ đối với họ không phải là xa lạ.

Phân tích 2 câu kết bài Tự tình 2 đầy đủ

Bài làm mẫu 1

"Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con..."

Những khát khao, vùng vẫy, nổi loạn cuối cùng cũng đã bị dập tắt trong sự chán chường, bất lực. Hồ Xuân Hương đã không thể vượt khỏi thân phận mình, vị thế nhỏ nhoi cô độc của mình trong xã hội. Kết thúc bài thơ là một sự cam chịu được thốt lên trong một tiếng thở dài ngao ngán. Bà đã phát ngán, đã chán lắm rồi cái vòng xoáy luẩn quẩn của số phận. Càng cố bao nhiêu thì càng thất bại bấy nhiêu, hi vọng càng nhiều thì thất vọng càng lớn, càng chua xót. Thế thì còn cố gắng để làm gì nữa? “Xuân”, hình ảnh nổi bật trong câu thơ có thể là mùa xuân, cũng có thể là tuổi xuân của tác giả.

Những mùa xuân cứ đến và đi, dòng thời gian cứ chầm chậm chảy, cũng có nghĩa là tuổi xuân của bà đang tuột mất từng ngày. Và nỗi đau của bà lại càng được nhân lên gấp bội. Hai chữ “lại” đứng ở cuối câu chứa đựng biết bao sự ngán ngẩm nặng nề của bà khi cảm nhận tuổi xuân đang trôi đi từng ít một. Bà chán ghét số phận hẩm hiu của mình, chán ghét vòng tình duyên ngang trái lun đeo đẳng, chán ghét hạnh phúc ít ỏi đến nỗi gần như không tồn tại.

“Mảnh tình”, một cụm từ mang nặng nỗi trớ trêu của số phận. Tình yêu vốn là một điều gì đó thật cao cả thiên nhiên, nhưng tình yêu của Hồ Xuân Hương lại như một mảnh vỡ nhỏ bé được xẻ ra từ hạnh phúc của người khác. Tình yêu của bà rẻ mạt như một sự bố thí, như một thứ đồ vật đã qua sử dụng người ta vứt lại cho bà. Đau xót biết mấy, khi “mảnh tình” lại là một thứ được chia năm sẻ bảy mà bà chỉ được nhận duy nhất một mảnh “tí con con”.

Hạnh phúc của bà chẳng những không trọn vẹn mà còn nhỏ bé, ít ỏi đến mức tội nghiệp. Tình duyên như thế thì có để làm gì, chỉ càng thêm tủi nhục đắng cay. Cách dùng từ giản đơn mà vẫn vô cùng độc đáo đã cực tả nỗi niềm của tác giả. Hồ Xuân Hương ngang tàng thách thức đầy nổi loạn ở trên là thế, nhưng cuối cùng, tất cả vẫn chìm vào vô vọng trong sự bất lực tột cùng và chán chường mệt mỏi. Những cố gắng vùng vẫy của bà chỉ là vô ích, bởi số phận của bà vốn đã là một bi kịch và mãi mãi chỉ là một bi kịch mà thôi. Có lẽ trong giờ phút ấy, bà đã muốn buông xuôi, muốn bỏ mặc tất cả cho số phận đưa đẩy, bà đã mất hết hy vọng...

Giọt nước mắt em... âm thầm buông rơi, đêm sầu đơn côi... trong tim em ôm trọn một nỗi sầu bơ vơ... đành khóc vậy thôi... Liệu Hồ Xuân Hương có thể vượt qua tất cả để có thể trở lại là một người phụ nữ yêu đời mạnh mẽ không sợ gì cả như ngày nào? Đó vẫn là một câu hỏi còn dở dang của những thân phận phụ nữ đem thân đi làm lẽ, phận người mà hạnh phúc không bao giờ trọn vẹn mà chỉ nhỏ nhoi như một mảnh vỡ... Câu thơ đã diễn tả được đỉnh điểm bi kịch của Hồ Xuân Hương và cũng là của những người phụ nữ thời bấy giờ...

Bài làm mẫu 2

Hồ Xuân Hương là một trong những nữ thi sĩ xuất sắc của Việt Nam, số lượng tác phẩm bà để lại khá nhiều, và phong cách sáng tác thơ chủ yếu của bà là tả cảnh ngụ tình. Bà còn được biết đến với hình ảnh của một nữ nhà thơ viết nhiều về thân phận người phụ nữ, là người dũng cảm đề cao vẻ đẹp, sự hi sinh và đức hạnh của người phụ nữ, đồng thời lên tiếng bênh vực cho họ và phê phán lên án gay gắt chế độ xã hội cũ. Tự tình 2 là một trong những bài thơ hay, đặc biệt được thể hiện rất rõ qua 2 câu thơ cuối bài.

Hai câu thơ cuối bài là sự cảm nhận sâu sắc về thời gian kéo theo nỗi đau về thân phận, đọng lại ở 2 câu thơ này là nỗi đau ngao ngán, chán chường bi thương trước duyên phận éo le của số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ.

Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con.

Trong câu thơ có hai chữ “xuân” xuất hiện, chữ “xuân” thứ nhất là tuổi xuân của con người, “xuân” thứ hai là mùa xuân của vạn vật. Hai chữ xuân này kết hợp với từ “lại” đã nhấn mạnh tuổi xuân của con người một đi không trở lại, trái ngược với mùa xuân của thiên nhiên đất trời, mỗi khi xuân của đất trời quay lại đồng nghĩa với tuổi xuân của con người ngày một rút ngắn, nỗi chán ngán lại càng gia tăng. Thủ pháp nghệ thuật tăng tiến, nhấn mạnh vào sự nhỏ bé dần, làm cho hoàn cảnh càng trở nên éo le hơn: “Mảnh tình san sẻ tí con con”. Mảnh tình vốn đã bé, đã nhỏ nay lại phải san sẻ lại càng trở nên ít ỏi, eo hẹp hơn. Tình cảnh đó thật xót xa, tội nghiệp. Hai câu thơ kết thể hiện nỗi lòng sâu kín của người phụ nữ trong xã hội cũ: với họ tình yêu, hạnh phúc thật mong manh, bé nhỏ.

Hồ Xuân Hương là bậc thầy trong sử dụng ngôn ngữ, thông qua khả năng diễn đạt tư tưởng, tình cảm của nhân vật trữ tình: tả âm thanh (văng vẳng), tả cảm giác (trơ, say, lại tỉnh, ngán), tả động thái (xiên ngang, đâm toạc),… Nghệ thuật đảo ngữ tài tình (xiên ngang, đâm toạc). Giọng điệu thơ phẫn uất, tủi hờn. Tất cả đã hòa quyện với nhau để diễn tả sự cô đơn, thân phận bé nhỏ của người phụ nữ trong xã hội cũ.

Qua phân tích 2 câu thơ cuối bài Tự tình ta thấy ngôn ngữ giản dị, giàu sức gợi cảm, sử dụng thành công phép đối, tác phẩm vừa nói lên số phận rẻ rúng, bi kịch người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Đồng thời còn cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương nói riêng và của người phụ nữ trong xã hội cũ nói chung.

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 37
  • Lượt xem: 49.069
  • Dung lượng: 188,2 KB
Sắp xếp theo