Soạn bài Nghe và thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học Cánh diều Ngữ văn lớp 8 trang 126 sách Cánh diều tập 1
Download.vn mời bạn đọc tham khảo tài liệu Soạn văn 8: Nghe và thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học.
Mong rằng tài liệu này có thể giúp học sinh lớp 8 chuẩn bị bài nhanh chóng và đầy đủ. Mời tham khảo dưới đây.
Soạn văn 8: Nghe và thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học
Nghe và thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học
1. Định hướng
- Chú ý lắng nghe kĩ nội dung thuyết trình về một vấn đề mà người nói đã trình bày.
- Ghi lại các ý chính theo hệ thống: ý lớn, ý nhỏ, các bằng chứng và ví dụ minh họa.
- Tùy yêu cầu của việc tóm tắt để lựa chọn và ghi lại các nội dung chính.
- Trình bày bản tóm tắt nội dung chính theo từng mức độ.
2. Thực hành
Nghe và ghi lại nội dung chính của cuộc thảo luận, trao đổi vấn đề: Từ các tác phẩm văn học, hãy phát biểu suy nghĩ của em về những biểu hiện của tình yêu Tổ quốc.
a. Chuẩn bị
- Xem lại dàn ý nghị luận về một vấn đề của đời sống đã làm trong phần Viết.
- Chú ý các hướng dẫn trong mục 1. Định hướng để nắm được cách tóm tắt nội dung chính khi nghe.
b. Nói và nghe
- Thực hành nghe và ghi lại các ý chính của bài thuyết trình.
- Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 1, phần Nói và nghe, mục c.
c. Kiểm tra và chỉnh sửa
Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 1, phần Nói và nghe, mục d.
Hướng dẫn giải:
Mẫu 1
- Mở đầu: Kính chào thầy cô và các bạn, tôi là…, học sinh lớp… . Sau đây, tôi sẽ trình bày về…
- Nội dung chính:
Trong số những tác giả theo đuổi khuynh hướng văn học hiện thực, Nam Cao được biết đến là một cây bút xuất sắc. Trước Cách mạng, tác phẩm của ông chủ yếu viết về hai mảng đề tài là người nông dân và trí thức. Trong đó, mảng đề tài về người nông dân với truyện ngắn Lão Hạc đã rất nổi tiếng.
Về hoàn cảnh sáng tác, truyện ngắn Lão Hạc được đăng báo lần đầu năm 1943. Nhân vật chính trong truyện là lão Hạc - một người nông dân nghèo khổ. Vợ lão mất sớm, lão có một đứa con trai nhưng vì nhà nghèo, không có tiền lấy vợ nên đã bỏ đi đồn điền cao su. Cả gia tài của lão chỉ có mảnh vườn vốn là của hồi môn của con trai và con chó Vàng sống cùng để bầu bạn. Sau trận ốm thập tử nhất sinh, lão không còn đủ sức để đi làm thuê. Dần dần, của cải trong nhà cũng tiêu tốn hết. Lão đành phải bán con Vàng đi. Sau khi bán con Vàng, lão Hạc vô cùng buồn bã và đau đớn. Số tiền bán chó và bán mảnh vườn, lão đem gửi ông giáo và nhờ khi nào anh con trai về sẽ trao lại cho anh. Còn bản thân thì đến xin Binh Tư một ít bả chó, nói dối là để đánh bả con chó nhưng thực ra là để tự tử.
Truyện xoay quanh việc bán con chó Vàng của lão Hạc nhưng thực chất nhà văn muốn gửi gắm thông điệp sâu sắc. Trước Cách mạng, người nông dân có số phận bất hạnh, là nạn nhân của đói nghèo. Rõ ràng, vì cái nghèo, lão Hạc không có tiền lo cho con trai cứu vợ, dẫn đến việc anh con trai bỏ nhà đi đồn điền cao su. Khi lão Hạc bị bệnh, lão cũng chẳng dám ăn tiêu, phải bán đi con chó Vàng - người bạn tâm giao của lão. Sau khi bán chó, lão Hạc vô cùng đau đớn, day dứt vì mình đã trót lừa một con chó, lừa chính người bạn của mình. Lão nhất quyết không nhận sự giúp đỡ của ông giáo vì biết hoàn cảnh của ông giáo cũng chẳng khá hơn. Đỉnh điểm, lão Hạc còn lựa chọn cái chết để không phải tiêu đến số tiền, mảnh vườn để lại cho anh con trai. Ở lão Hạc nổi bật lên tình yêu thương, một người giàu lòng tự trọng.
Một nhân vật khác cũng khá nổi bật trong truyện là ông giáo. Ông giáo xuất hiện với vai trò người kể chuyện, xưng “tôi”. Ông giáo là hàng xóm của lão Hạc, cũng là người bạn tâm giao của lão Hạc. Ông giáo là người được lão Hạc tin tưởng, kể cho nghe mọi chuyện. Lão kể cho ông giáo nghe về việc bán con chó Vàng, lão nhờ ông giáo giữ hô số tiền bán mảnh vườn và con chó để khi con trai của lão trở về sẽ giao lại. Nhân vật ông giáo được Nam Cao cũng gửi gắm một số triết lí về cuộc sống, tư tưởng sâu sắc.
Truyện ngắn “Lão Hạc” gây ấn tượng với người đọc bởi nghệ thuật xây dựng và khắc họa nhân vật vô cùng tiêu biểu, đậm nét. Tiếp đến nhà văn rất thành công trong việc miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật, kết hợp giữa phương thức tự sự và trữ tình cũng tạo nên sự đa chiều của câu chuyện.
Truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao tiêu biểu khi viết về số phận người nông dân trước Cách mạng. Truyện không chỉ thành công bởi những giá trị về nội dung mà còn cả bởi giá trị về nghệ thuật.
- Kết thúc: Trên đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến từ thầy cô và các bạn.
Mẫu 2
- Mở đầu: Kính chào thầy cô và các bạn, tôi là…, học sinh lớp… . Sau đây, tôi sẽ trình bày về…
- Nội dung chính:
Tình yêu Tổ quốc đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trong mỗi hoàn cảnh khác nhau thì tình yêu Tổ quốc lại được biểu hiện khác nhau.
Đầu tiên, tình yêu Tổ quốc trước hết là sự gắn bó, yêu mến và tự hào của con người với Tổ quốc, đất nước của mình. Tình cảm đó luôn thường trực trong trái tim mỗi con người, dù có cách xa về không gian hay trải qua biết bao năm tháng. Bởi quê hương, đất nước là nơi chúng ta sinh ra, lớn lên và trải qua thật nhiều kỉ niệm.
Ở mỗi giai đoạn khác nhau, tình yêu Tổ quốc lại được biểu hiện theo cách khác nhau. Trong quá khứ, biết bao thế hệ đã dâng hiến tuổi thanh xuân, hi sinh tính mạng để chống lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ độc lập cho đất nước, lấy lại tự do cho nhân dân. Ở hiện tại, chúng ta thể hiện tình yêu đó qua cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành một người có ích, trở về xây dựng quê hương đất nước phát triển. Hay như việc tiếp thu văn minh hiện đại của nước ngoài dựa trên nguyên tắc “hòa nhập chứ không hòa tan”- giữ gìn những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc…
Tình yêu quê hương thật đáng trân trọng, vậy mà có nhiều người trẻ lại sẵn sàng chạy theo lối sống thực dụng, sa ngã vào tệ nạn xã hội hay trở nên vô ơn. Họ quên đi nguồn cội của mình, rời bỏ quê hương hoặc thậm chí là có những hành vi chống phá đất nước.
Chúng ta cần góp một phần nhỏ bé trong công tác bảo vệ, giữ gìn và phát triển đất nước ngày một cường thịnh. Mỗi cá nhân hãy biết bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước và có những hành động cụ thể để bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày một phát triển. Đồng thời cũng cần lên án và tránh xa những hành vi gây hại đến quê hương, đất nước.
Một học sinh như tôi luôn ý thức được trách nhiệm với đất nước. Tôi sẽ cố gắng học tập để tương lai đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước phát triển. Đồng thời, tôi ý thức được cần có sự tỉnh táo, kiên quyết trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dân tộc. Hay việc tiếp thu văn hóa nước ngoài một cách chọn lọc, cần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Tình yêu Tổ quốc là một tình cảm quý giá. Mỗi người cần phải giữ gìn và phát huy để xây dựng một đất nước phát triển, giàu đẹp và vững mạnh hơn.
- Kết thúc: Trên đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến từ thầy cô và các bạn.