Đọc: Ngôi sao sân cỏ - Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức tập 1 Bài 6
Soạn bài Ngôi sao sân cỏ giúp các em học sinh lớp 5 tham khảo, hiểu rõ ý nghĩa bài tập đọc tuần 3, nhanh chóng trả lời toàn bộ câu hỏi SGK Tiếng Việt 5 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống trang 31, 32.
Qua đó, giúp các em thấy rõ tầm quan trọng của việc hợp tác và hỗ trợ đồng đội, sự đoàn kết sẽ dẫn tới thành công nhanh chóng hơn. Mời các em cùng tham khảo bài viết dưới đây để chuẩn bị thật tốt cho tiết Tập đọc Ngôi sao sân cỏ - Chủ đề Thế giới tuổi thơ.
Soạn bài Ngôi sao sân cỏ Kết nối tri thức với cuộc sống
Soạn Tiếng Việt 5 tập 1 Kết nối tri thức trang 31, 32
Khởi động
Chơi trò chơi: Kể nhanh tên các môn thể thao cá nhân và các môn thể thao đồng đội.
Trả lời:
- Tên các môn thể thao cá nhân:
+ Bơi lội
+ Chạy bộ
+ Đua xe đạp
+ Leo núi
+….
- Tên các môn thể thao đồng đội:
+ Bóng đá
+ Bóng rổ
+ Bóng chuyền
+ Bóng bầu dục
+ Quần vợt đôi
+ Bóng chày
+ Cầu lông đôi
+ Bóng ném
+….
Bài đọc
NGÔI SAO SÂN CỎ
Tôi được bạn bè khu phố công nhận là cầu thủ xuất sắc. Thế mà đợi mãi tôi mới có dịp ra mắt “giới hâm mộ bóng đá trường nhà” trong trận đấu với lớp 5C sáng nay.
Trận đấu gay cấn từ những phút đầu. Mạnh lăn xả cướp bóng rồi chuyền cho tôi dẫn xuống vòng cấm địa. Hậu vệ lớp C xô lên chặn. Mạnh và Chiến đã lên kịp. Nhưng tôi vẫn cố hất bóng qua hậu vệ lớp C vì không muốn nhường ai cơ hội ghi bàn. Chậm rồi, thủ môn đã lao lên bắt bóng. Cả sân vỡ oà vì tiếc.
Sốt ruột lắm nhưng đến giữa hiệp tôi mới ghi bàn. Tiếng vỗ tay dội lên, tôi sung sướng chạy như một ngôi sao sân cỏ. Từ lúc đó, lớp C kèm tôi như hình với bóng. Tôi dắt bóng một quãng là mất, lại chẳng chuyền cho ai. Lớp C được thế tấn công và ghi liền hai bàn.
Giữa hai hiệp, chúng tôi hội ý. Mạnh thở hồng hộc:
- Tại Việt cứ một mình ôm bóng, tụi nó phá mất.
Vĩnh đanh mặt:
- Hiệp sau đừng ích kỉ thế.
Tôi hầm hầm:
- Tớ không đá nữa, xem các cậu làm được gì.
Không ai đáp lại, chỉ lặng lẽ dãn ra cho tôi đi.
Tôi ngồi khuất một góc xem hiệp hai. Có một tích tắc Vĩnh chậm nhịp, không kịp chuyền cho Chiến làm lỡ cơ hội ghi bàn. Tôi làu bàu: “Giữ bo bo thế làm gì chẳng lỡ". Nói xong, bất giác tôi nóng bừng mặt.
Lớp tôi càng đá càng hay. Bộ ba Long, Chiến, Mạnh chuyền bóng rất ăn ý. Hậu vệ lớp C không sao chặn nổi đường bóng ấy. Rồi Mạnh ung dung đội đầu, tạt bóng gọn vào lưới.
Cả sản vô tay vang dội. Bàn thắng đẹp quá! Nếu tôi là một trong ba đứa, bàn thắng có đẹp thế không? Tôi bần thần nghĩ, không biết Vĩnh chạy đến: “Vào đi Việt, Chiến đau chân.”. Tôi ngẩn ra giây lát rồi tức tốc chạy theo Vĩnh, cứ như vừa đón được một đường bóng đồng đội chuyền đến cho tôi.
(Theo Lê Khắc Hoan)
Trả lời câu hỏi
Câu 1: Tìm các thông tin về câu chuyện theo gợi ý.
- Thời gian
- Địa điểm
- Các nhân vật
- Nhân vật chính
Trả lời:
- Thời gian: sáng nay
- Địa điểm: trường học
- Các nhân vật: Việt, Mạnh, Chiến, Vĩnh, Long và đội hình lớp C.
- Nhân vật chính: Việt
Câu 2: Việt được giới thiệu như thế nào ở đầu câu chuyện?
Trả lời:
Việt được giới thiệu là một cầu thủ xuất sắc được công nhận bởi bạn bè khu phố. Việt chờ đợi để có cơ hội ra mắt "giới hâm mộ bóng đá trường nhà" trong trận đấu với lớp 5C.
Câu 3: Ở đầu trận bóng, hành động của Mạnh và Việt khác nhau ra sao? Những hành động đó cho biết điều gì về hai bạn?
Trả lời:
Ở đầu trận bóng, hành động của Mạnh là cướp bóng và chuyền cho Việt dẫn xuống vòng cấm địa. Trong khi đó, Việt vẫn cố hất bóng qua hậu vệ lớp C vì không muốn cho ai cơ hội ghi bàn mặc cho việc thủ môn đã lao lên bắt bóng.
Hành động này cho thấy Mạnh chơi đồng đội và hợp tác, trong khi Việt có phần ích kỷ và muốn ghi bàn mặc cho cơ hội của đồng đội.
Câu 4: Vì sao Việt không đá hiệp hai nữa? Theo em, Việt đã nhận ra được điều gì khi xem hiệp đấu thứ hai không có mình?
Trả lời:
Việt không đá hiệp hai nữa vì Việt giận dỗi và nghĩ rằng không có mình sẽ không ai làm được gì khi bị đồng đội nhắc nhở đừng ích kỉ.
Việt nhận ra rằng việc khi không có mình, đồng đội chơi rất tốt, tự ý giữ bóng không phải lúc nào cũng tốt cho đội bóng và quan trọng hơn là đồng đội cần được tôn trọng và hợp tác.
Câu 5: Em hiểu như thế nào về câu cuối cùng trong bài đọc?
Trả lời:
Đoạn cuối cùng của bài đọc miêu tả cảm xúc và hành động của nhân vật chính, Việt. Sau khi thấy đồng đội ghi bàn và nhận được sự khích lệ từ đội hình, Việt ngẩn ra giây lát rồi tức tốc chạy theo Vĩnh, như thể vừa nhận được một đường bóng đồng đội. Đoạn này có thể thể hiện sự nhận thức và sự nhận ra của Việt về tầm quan trọng của việc hợp tác và hỗ trợ đồng đội, cũng như sự hài lòng và sự hào hứng khi đội bóng của mình ghi bàn.
Luyện tập theo văn bản đọc
Câu 1: Những từ ngữ nào trong đoạn dưới đây chỉ sự vật, hoạt động trong một trận đấu bóng đá?
Mạnh lăn xả cướp bóng rồi chuyền cho tôi dẫn xuống vòng cấm địa. Hậu vệ lớp C xô lên chặn. Mạnh và Chiến đã lên kịp, nhưng tôi vẫn cố hắt bóng qua hậu vệ lớp C vì không muốn nhường ai cơ hội ghi bàn. Chậm rồi, thủ môn đã lao lên bắt bóng.
Trả lời:
- Từ chỉ sự vật: bóng, vòng cấm địa, hậu vệ, cơ hội ghi bàn, thủ môn.
- Từ chỉ hoạt động: lăn xả, cướp, chuyền, dẫn, xô, chặn, hắt, ghi bàn, lao lên, bắt.
Câu 2: Tìm thêm từ ngữ chỉ sự vật, hoạt động trong một trận đấu bóng đá.
Trả lời:
Từ ngữ chỉ sự vật trong một trận đấu bóng đá:
- Bàn thắng
- Hậu vệ
- Khung thành
- Tiền đạo
- Hiệp
- Sân
-….
Từ ngữ chỉ hoạt động trong trận đấu bóng đá:
- Sút
- Kèm
- Tạt
- Phạt
- Bù giờ
- ….
Câu 3: Đặt câu nối tiếp câu cho trước, trong đó có sử dụng đại từ thay thế cho phần in đậm.
M: Mạnh lăn xả cướp bóng.
→ Mạnh lăn xả cướp bóng. Hậu vệ lớp C cũng vậy.
a. Bộ ba Long, Chiến, Mạnh chuyền bóng rất ăn ý.
b. Lớp tôi càng đá càng hay.
Trả lời:
a. Bộ ba Long, Chiến, Mạnh chuyền bóng rất ăn ý. Họ ghi rất nhiều bàn thắng.
b. Lớp tôi càng đá càng hay. Lớp 5C cũng vậy.