Đề cương ôn tập giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 năm 2023 - 2024 Ôn tập môn Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạo

Đề cương ôn tập giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 năm 2023 - 2024 mang tới những dạng câu hỏi luyện từ và câu, đọc hiểu, tập làm văn sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo giúp thầy cô giao đề cương ôn tập cho học sinh của mình.

Đồng thời, cũng giúp các em học sinh lớp 4 làm quen với các dạng bài tập, ôn thi giữa kì 2 năm 2023 - 2024 hiệu quả. Ngoài ra, có thể tham khảo thêm đề cương ôn tập môn Toán. Vậy mời thầy cô và các em học sinh cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:

1. Đề cương ôn thi giữa kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 sách Kết nối tri thức

1.1. Nội dung ôn tập giữa kì 2 môn Tiếng Việt 4

1) Tập đọc:

Đọc, trả lời câu hỏi và nêu nội dung các bài tập đọc sau:

  • Hải Thượng Lãn Ông.
  • Quả ngọt cuối mùa.
  • Tiếng ru.
  • Con muốn làm một cái cây.
  • Vườn của ông tôi.

2) Luyện từ và câu:

  • Ôn danh từ, động từ, tính từ;
  • Hai thành phần chính của câu.
  • Trạng ngữ.

3) Viết:

Đề bài 1: Em hãy viết đoạn văn (10 -15 câu) nêu tình cảm, cảm xúc của em về một người thân mà em yêu quý (bố, mẹ, …..)

Đề bài 2: Viết bài văn kể lại câu chuyện về một nhân vật lịch sử mà em đã dọc, đã nghe.

1.2. Đề ôn thi giữa kì 2 môn Tiếng Việt 4 KNTT

A. TIẾNG VIỆT (6,0 điểm)

1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi trắc nghiệm:

THẢ DIỀU

Cánh diều no gió
Sáo nó thổi vang
Sao trời trôi qua
Diều thành trăng vàng.

Cánh diều no gió
Tiếng nó trong ngần
Diều hay chiếc thuyền
Trôi trên sông Ngân.

Cánh diều no gió
Tiếng nó chơi vơi
Diều là hạt cau
Phơi trên nong trời.

Trời như cánh đồng
Xong mùa gặt hái
Diều em – lưỡi liềm
Ai quên bỏ lại.

Cánh diều no gió
Nhạc trời reo vang
Tiếng diều xanh lúa
Uốn cong tre làng.

Ơi chú hành quân
Cô lái máy cày
Có nghe phơi phới
Tiếng diều lượn bay?

Trần Đăng Khoa

Câu 1 (0,5 điểm). Cánh diều được so sánh với những hình ảnh nào?

A. Trăng vàng, chiếc thuyền, sông Ngân, lưỡi liềm.
B. Trăng vàng, chiếc thuyền, hạt cau, lưỡi liềm.
C. Trăng vàng, hạt cau, sông Ngân, lưỡi liềm.

Câu 2 (0,5 điểm). Từ nào dưới đây không phải từ miêu tả âm thanh tiếng diều?

A. No gió.
B. Chơi vơi.
C. Trong ngần.

Câu 3 (0,5 điểm). Hai câu thơ Tiếng diều xanh lúa/ Uốn cong tre làng có ý nghĩa gì?

A. Tiếng sáo diều nhuộm xanh cả đồng lúa và uốn cong lũy tre làng.
B. Tiếng sáo diều làm lúa xanh hơn, cây tre làng uốn cong hơn.
C. Tiếng sáo diều hay đến mức khiến đồng lúa, lũy tre trở nên đẹp hơn.

Câu 4 (0,5 điểm). Bài thơ thể hiện nội dung chính là gì?

A. Vẻ đẹp của cánh diều trên bầu trời quê hương gắn với những sự vật thân thuộc, giản dị, gần gũi nơi làng quê.
B. Vẻ đẹp của ánh trăng vàng quê hương.
C. Vẻ đẹp của những người nông dân lao động trên cánh đồng quê hương.

2. Luyện từ và câu (4,0 điểm)

Câu 5 (2,0 điểm). Tìm các danh từ trong khổ thơ sau:

Ơi chú hành quân
Cô lái máy cày
Có nghe phơi phới
Tiếng diều lượn bay?

Câu 6 (2,0 điểm).

a. (1,0 điểm) Lựa chọn các động từ phù hợp để điền vào chỗ trống.

(1) Bạn Tú ………. (hát/học) rất hay.

(2) Cậu ấy đang ………. (đứng/chạy) ở cổng trường chờ mẹ đến đón.

b. (1,0 điểm) Đặt câu theo yêu cầu:

- Đặt câu chứa một động từ chỉ hoạt động của học sinh khi ở trường.

- Đặt câu chứa một động từ chỉ hoạt động của con vật.

B. TẬP LÀM VĂN ( 4,0 điểm)

Câu 7. Nghe – viết (1,5 điểm)

Cây chuối mẹ

Ngày mai, các em có quyền mơ tưởng một cuộc sống tươi đẹp vô cùng. Mươi mười lăm năm nữa thôi, các em sẽ thấy cũng dưới ánh trăng này, dòng thác nước đổ xuống làm chạy máy phát điện; ở giữa biển rộng, cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên những con tàu lớn. Trăng của các em sẽ soi sáng những ống khói nhà máy chi chít, cao thẳm rải trên đồng lúa bát ngát vàng thơm, cùng với nông trường to lớn, vui tươi.

Theo Thép Mới

Câu 8. Viết bài văn (2,5 điểm)

Đề bài: Viết bài văn kể lại câu chuyện về một nhân vật lịch sử mà em đã đọc, đã nghe.

2. Đề cương giữa học kì 2 môn Tiếng Việt 4 sách Chân trời sáng tạo

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP GIỮA HỌC KÌ 2
Môn: Tiếng Việt lớp 4

A. PHẦN KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)

I. Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- Giáo viên cho học sinh bốc thăm đọc 1 đoạn văn trong các bài đọc từ tuần 19 đến tuần 26. Học sinh đọc đảm bảo đúng tốc độ khoảng 85 - 90 tiếng/ phút.

- Học sinh trả lời 1 câu hỏi theo yêu cầu của giáo viên.

II. Đọc thầm và làm bài tập: (8 điểm)

Đọc đoạn văn sau:

Sự tích bánh chưng, bánh giầy

Sau khi dẹp được giặc Ân, Hùng Vương thứ sáu có ý định truyền ngôi cho con.

Nhân dịp đầu xuân, vua cho họp các hoàng tử lại và bảo:

– Trong các con, ai tìm được món ăn ngon nhất, có ý nghĩa nhất để dâng cúng Trời Đất, tổ tiên, thì ta sẽ truyền ngôi cho.

Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên vua cha. Riêng người con trai thứ mười tám của Hùng Vương là Lang Liêu, vì mẹ mất sớm, không có người chỉ dạy nên rất lo lắng, không biết chọn món gì. Một hôm, Lang Liêu nằm mơ gặp được một vị thần. Thần nói với chàng:

– Trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Rồi lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình cha mẹ sinh thành.

Tỉnh dậy, Lang Liêu vô cùng mừng rỡ. Chàng chọn gạo nếp thật ngon làm bánh vuông để tượng hình Đất, lấy lá xanh bọc ở ngoài và đặt nhân ở trong ruột bánh. Sau đó, chàng đem nấu chín và đặt tên là bánh chưng. Chàng lại giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là bánh giầy.

Đến ngày hẹn, các hoàng tử nô nức đem món ngon đến. Riêng Lang Liêu chỉ có bánh chưng và bánh giầy. Sau khi đi một vòng, vua cha dừng lại rất lâu trước mâm bánh của Lang Liêu, nghe chàng kể lại chuyện thần báo mộng và giải thích ý nghĩa của hai món bánh. Vua nếm thử, thấy bánh ngon, lại có ý nghĩa nên quyết định truyền ngôi lại cho Lang Liêu.

Kể từ đó, mỗi khi đến tết Nguyên đán, người dân đều làm bánh chưng và bánh giầy để dâng cúng Trời Đất, tổ tiên.

Theo Kho tàng truyện dân gian Việt Nam

* Em hãy khoanh vào chữ cái đặt trước đáp án đúng hoặc làm theo yêu cầu:

Câu 1: Cha của Lang Liêu là vua Hùng Vương thứ mấy?

A. Vua Hùng Vương thứ sáu.
B. Vua Hùng Vương thứ bảy.
C. Vua Hùng Vương thứ tám.
D. Vua Hùng Vương thứ chín.

Câu 2: Vua Hùng ra điều kiện sẽ truyền ngôi cho người như thế nào?

A. Ai tìm được món ăn ngon nhất sẽ được truyền ngôi.
B. Ai tìm được món ăn quý hiếm sẽ được truyền ngôi.
C. Ai tìm được nhiều món ăn ngon sẽ được truyền ngôi.
D. Ai tìm được món ăn ngon nhất, có ý nghĩa nhất sẽ được truyền ngôi.

Câu 3. Theo em, vì sao các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên vua cha?

A. Để chứng tỏ mình là người tài giỏi.
B. Để nhà vua hài lòng và truyền ngôi cho mình.
C. Để bày tỏ lòng hiếu thảo đối với vua cha.
D. Để được nhà vua thưởng vàng bạc, châu báu.

Câu 4. Ai là người đã chỉ cho Lang Liêu làm những thức bánh kì lạ?

A. Một vị thần.
B. Vua cha.
C. Mẹ ruột của chàng.
D. Vợ chàng.

Câu 5. Lang Liêu đã làm bánh có hình thù gì?

A. Bánh hình tròn và bánh hình thoi.
B. Bánh tam giác và bánh hình vuông.
C. Bánh hình vuông và bánh hình tròn.
D. Bánh hình vuông và hình tam giác.

Câu 6. Vì sao vua quyết định truyền ngôi cho Lang Liêu?

A. Vì bánh Lang Liêu làm rất ngon.
B. Vì Lang Liêu làm rất nhiều bánh.
C. Vì bánh Lang Liêu làm có nhiều màu sắc rất đẹp.
D. Vì bánh Lang Liêu làm ngon, lại có ý nghĩa.

Câu 7. Truyện nhằm giải thích điều gì?

A. Truyện nhằm giải thích các đời vua Hùng.
B. Truyện nhằm giải thích nguồn gốc của bánh chưng, bánh giầy.
C. Truyện nhằm giải thích tinh thần đoàn kết anh em.
D. Truyện nhằm giải thích tình yêu quê hương đất nước.

Câu 8. Xác định chủ ngủ và vị ngữ trong câu: “Sau khi dẹp được giặc Ân, Hùng Vương thứ sáu có ý định truyền ngôi cho con.”

- Chủ ngữ: .........................................................................

- Vị ngữ: ............................................................................

Câu 9. Tìm câu chủ đề trong đoạn văn sau:

Trên nương, mỗi người một việc. Người lớn thì đánh trâu ra cày. Các cụ già nhặt cỏ, đốt lá. Mấy chú bé đi tìm chỗ ven suối để bắc bếp thổi cơm. Chẳng mấy chốc, khói bếp đã um lên. Các bà mẹ cúi lom khom tra ngô. Được mẹ địu ấm, có khi em bé vẫn ngủ khì trên lưng mẹ.

- Câu chủ đề: ......................................................................

Câu 10. Dấu gạch ngang trong đoạn dưới đây có công dụng gì?

Để tiết kiệm nước, em cần ghi nhớ:

- Mở vòi nước vừa phải;

- Lấy nước vừa đủ dùng;

- Khoá vòi ngay sau khi sử dụng xong;

- Tái sử dụng nước hợp lí;

- Kêu gọi mọi người cùng thực hiện.

Công dụng của dấu gạch ngang là: ..........................................

B. KIỂM TRA VIẾT:

1. Chính tả (Nghe – viết):

Trong ánh bình minh
(Trích)

Ánh nắng mới lên nhuộm hồng làn sương vương trên những ngọn cây. Sau một đêm ngủ bình yên, bầy chim tỉnh dậy hót vang lừng. Một vài con nai rời bến nước, lững thững tìm về nơi ở khuất đâu đó dưới lùm cây. Bình minh diễn ra chỉ trong khoảnh khắc.

Vũ Hùng

2. Tập làm văn:

Đề bài: Viết bài văn tả một cây bóng mát được trồng ở trường hoặc nơi em ở.

Đáp án

A. Kiểm tra đọc:

II. Phần đọc - hiểu:

- Câu 1: A

- Câu 2: D

- Câu 3: B

- Câu 4: A

- Câu 5: C

- Câu 6: D

- Câu 7: B

- Câu 8:

+ Chủ ngữ: Hùng Vương thứ sáu

+ Vị ngữ: có ý định truyền ngôi cho con

- Câu 9: Câu chủ đề: Trên nương, mỗi người một việc.

- Câu 10: Công dụng của dấu gạch ngang là: Đánh dấu các ý liệt kê.

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 1.313
  • Lượt xem: 13.808
  • Dung lượng: 35,9 KB
Sắp xếp theo