Soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận Soạn văn 12 tập 1 tuần 13 (trang 158)

Bài Soạn văn 12: Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận, là tài liệu tham khảo sẽ được Download.vn giới thiệu.

Soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận
Soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận

Nội dung chi tiết được đăng tải sẽ vô cùng hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 12 trong quá trình chuẩn bị cho bài học. Mời tham khảo ngay sau đây.

Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt - Mẫu 1

I. Luyện tập trên lớp

Câu 1. Vận dụng các kiến thức đã học từ lớp 8, anh chị hãy trả lời các câu hỏi sau:

a. Trong một bài văn nghị luận, cần vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả và biểu cảm:

- Yếu tố tự sự, miêu tả giúp cho việc trình bày luận cứ trong bài văn được rõ ràng, cụ thể, sinh động hơn.

- Yếu tố biểu cảm giúp cho văn nghị luận có hiệu quả thuyết phục lớn hơn, vì nó tác động mạnh mẽ tới tình cảm của người đọc (người nghe).

b. Để việc vận dụng các phương thức biểu đạt có tác dụng nâng cao hiệu quả sử dụng, cần chú ý:

- Các yếu tố tự sự và miêu tả phải phục vụ cho việc làm rõ luận điểm, không được phá vỡ mạch nghị luận của bài văn.

- Để bài văn nghị luận có sức biểu cảm cao, người làm văn phải thật sự có cảm xúc trước những điều mình viết (nói) và phải biết diễn đạt cảm xúc đó bằng những từ ngữ, câu văn có sức truyền cảm.

- Ví dụ: Với bài văn nghị luận về thói ích kỉ, khi viết có thể kết hợp kể những câu chuyện về thói ích kỉ, miêu tả đặc điểm của người sống ích kỉ và bày tỏ thái độ về người sống ích kỉ.

Câu 2. Biết vận dụng kết hợp phương thức tự sự, miêu tả và biểu cảm là cần nhưng chưa đủ. Trong rất nhiều trường hợp, để bài (đoạn) văn nghị luận có sức thuyết phục mạnh mẽ thì người viết (người nói) cần biết vận dụng phương thức biểu đạt thuyết minh. Nói như vậy có đúng không? Vì sao?

- Ý kiến: Đúng.

- Nguyên nhân: Phương thức biểu đạt thuyết minh giúp cung cấp những thông tin cụ thể, chính xác hơn về vấn đề được bàn luận.

- Trong đoạn trích, người viết muốn khẳng định về sự cần thiết của chỉ tiêu GNP (bên cạnh GDP).

- Người viết đã sử dụng phương pháp thuyết minh khi đưa ra những chỉ số GDP và GNP ở Việt Nam chính xác, rõ ràng để bài viết trở nên thuyết phục hơn.

Câu 3. Viết một bài văn nghị luận ngắn để phát biểu ý kiến trong buổi trao đổi về chủ đề: “Nhà văn tôi hâm mộ” do Câu lạc bộ Văn học của nhà trường tổ chức.

Gợi ý:

a. Chủ đề: nhà văn tôi hâm mộ

b. Luận điểm cần thiết

  • Giới thiệu chung về nhà văn: tiểu sử, cuộc đời, các hoạt động trong văn học, thành tựu đạt được,…
  • Nguyên nhân hâm mộ nhà văn: phong cách sáng tác, giá trị của các tác phẩm…
  • Mong muốn với nhà văn mà mình ngưỡng mộ

c. Phương thức biểu đạt cần sử dụng: có thể kết hợp với nhiều phương thức biểu đạt khác (miêu tả, biểu cảm, thuyết minh).

d.

Nam Cao sinh năm 1917 mất năm 1951, tên khai sinh là Trần Hữu Tri, sinh ra trong một gia đình nông dân. Quê ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam. Ông là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc nhất của văn học Việt Nam.

Con người Nam Cao nhìn bề ngoài có vẻ lạnh lùng, vụng về, ít nói, nhưng đời sống nội tâm lại rất phong phú. Ông là người có tấm lòng đôn hậu, chan chứa yêu thương, gắn bó sâu nặng giàu ân tình với quê hương, những người nghèo khổ bị áp bức, khinh miệt trong xã hội cũ.

Trong suốt cuộc đời cầm bút, Nam Cao luôn suy nghĩ về vấn đề “sống và viết”, rất có ý thức về quan điểm nghệ thuật của mình. Khi mới cầm bút, Nam Cao còn chịu ảnh hưởng của văn học lãng mạn đương thời. Nhưng ông dần nhận ra thứ văn chương đó rất xa lạ với đời sống lầm than của nhân dân lao động, ông quyết định đoạn tuyệt với nó để tìm đến con đường nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa.

Tổng kết:

- Trong văn nghị luận, phương thức biểu đạt nghị luận luôn giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, người làm văn nghị luận vẫn có thể và nên vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh... Việc vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong văn nghị luận phải xuất phát từ yêu cầu và mục đích nghị luận.

- Nếu được sử dụng hợp lí và khéo léo, các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh có thể làm cho bài (đoạn) văn nghị luận trở nên đặc sắc, có sức thuyết phục, hấp dẫn; từ đó hiệu quả nghị luận được nâng cao.

II. Luyện tập ở nhà

Câu 1.

  • Hai nhận định a và b đều sai.
  • Nguyên nhân: Cái hay của một đoạn/bài văn nghị luận không phụ thuộc vào việc sử dụng nhiều hay ít các phương thức biểu đạt. Quan trọng là việc kết hợp cần đúng chỗ, đúng lúc và phục vụ hiệu quả cho mục đích nghị luận.

Câu 2.

Gợi ý:

(1) Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: chủ quyền quốc gia dân tộc

(2). Thân bài

a. Giải thích

- Chủ quyền dân tộc là quyền làm chủ tuyệt đối của một quốc gia trên lãnh thổ của mình. Mỗi nước có toàn quyền quyết định về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội…

- Bảo vệ chủ quyền dân tộc là bảo vệ quyền làm chủ độc lập của dân tộc. Đây là nhiệm vụ thiêng liêng mà ông cha ta đã không tiếc máu xương của mình để giữ gìn từ bao đời nay.

b. Bình luận và chứng minh

- Chủ quyền dân tộc luôn là khát vọng ngàn đời của nhân loại và của dân tộc ta.

- Chủ quyền dân tộc là niềm tự hào về lịch sử dân tộc, khát vọng về một nền hòa bình vĩnh viễn.

- Dân tộc Việt Nam là một dân tộc luôn luôn khát vọng về tự chủ tự cường.

- Dẫn chứng: Thế hệ cha ông đến thế hệ hiện tại.

c. Bài học nhận thức

- Chủ quyền dân tộc là vấn đề thiêng liêng cao quý, là khát vọng ngàn đời của cha ông mà mỗi con người phải có trách nhiệm giữ gìn.

- Luôn nêu cao ý thức trách nhiệm lòng tự hào dân tộc.

- Liên hệ bản thân: Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi luôn ý thức tu dưỡng phẩm chất đạo đức, tích lũy tri thức để đóng góp cả vật chất và tinh thần cho công cuộc giữ vững chủ quyền dân tộc.

(3). Kết bài

Chủ quyền dân tộc chính là điều bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia, dân tộc.

Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt - Mẫu 2

I. Luyện tập trên lớp

Câu 1. Vận dụng các kiến thức đã học từ lớp 8, anh chị hãy trả lời các câu hỏi sau:

a. Trong một bài văn nghị luận, cần vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả và biểu cảm vì:

- Việc kết hợp các phương thức biểu đạt giúp cho nội dung của bài viết rõ ràng, sinh động hơn.

- Yếu tố biểu cảm giúp cho văn nghị luận có hiệu quả thuyết phục lớn hơn, vì nó tác động mạnh mẽ tới tình cảm của người đọc (người nghe).

b. Để việc vận dụng các phương thức biểu đạt có tác dụng nâng cao hiệu quả sử dụng, cần chú ý:

- Các yếu tố tự sự và miêu tả phải phục vụ cho việc làm rõ luận điểm, không được phá vỡ mạch nghị luận của bài văn.

- Người làm phải thật sự có cảm xúc trước những điều mình viết (nói) và phải biết diễn đạt cảm xúc đó bằng những từ ngữ, câu văn có sức truyền cảm.

- Ví dụ: Nghị luận về lòng nhân ái (Lòng nhân ái là gì? Biểu hiện cụ thể của lòng nhân ái?).

Câu 2. Biết vận dụng kết hợp phương thức tự sự, miêu tả và biểu cảm là cần nhưng chưa đủ. Trong rất nhiều trường hợp, để bài (đoạn) văn nghị luận có sức thuyết phục mạnh mẽ thì người viết (người nói) cần biết vận dụng phương thức biểu đạt thuyết minh. Nói như vậy có đúng không? Vì sao?

- Để bài (đoạn) văn nghị luận có sức thuyết phục mạnh mẽ thì người viết (người nói) cần biết vận dụng phương thức biểu đạt thuyết minh. Ý kiến này là đúng.

- Vì tuyết minh sẽ cung cấp những thông tin cụ thể, chính xác hơn về vấn đề được bàn luận.

Câu 3. Viết một bài văn nghị luận ngắn để phát biểu ý kiến trong buổi trao đổi về chủ đề: “Nhà văn tôi hâm mộ” do Câu lạc bộ Văn học của nhà trường tổ chức.

Gợi ý:

Nguyễn Tuân (1910 - 1987), sinh ra trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã tàn. Quê của ông ở làng Mọc, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khi còn nhỏ, Nguyễn Tuân đã theo gia đình sống ở nhiều tỉnh thuộc miền Trung. Ông học đến cuối bậc Thành chung (tương đương với cấp THCS hiện nay) ở Nam Đinh. Học xong, ông về Hà Nội viết văn, làm báo. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân đến với cách mạng, tự nguyện dùng ngòi bút phục vụ hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Từ 1948 đến 1958, ông là Tổng thư ký Hội văn nghệ Việt Nam. Nguyễn Tuân có những đóng góp không nhỏ đối với nền văn học Việt Nam hiện đại đó là thúc đẩy thể tùy bút, bút kí đạt tới trình độ nghệ thuật cao, góp phần làm phong phú cho ngôn ngữ văn học của dân tộc. Năm 1996, Nguyễn Tuân được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

II. Luyện tập ở nhà

Câu 1.

  • Hai nhận định a và b đều sai.
  • Nguyên nhân: Cái hay của một đoạn/bài văn nghị luận không phụ thuộc vào việc sử dụng nhiều hay ít các phương thức biểu đạt. Quan trọng là việc kết hợp cần đúng chỗ, đúng lúc và phục vụ hiệu quả cho mục đích nghị luận.

Câu 2.

Trong cuộc sống hiện đại của khoa học - công nghệ, con người đôi khi đã đánh mất đi những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đó là những giá trị làm nên bản sắc của dân tộc, được gọi cụ thể là bản sắc văn hóa dân tộc. Đó có thể là những truyền thống tốt đẹp như truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học, truyền thống thủy chung nghĩa tình. Tất cả thể hiện đạo lí sống tốt đẹp của con người Việt Nam. Chính vì vậy, chúng ta cần phải giữ gìn, sau đó là phát huy những giá trị tốt đẹp đó. Mỗi người trẻ cần thấy được ý nghĩa to lớn của nền văn hoá dân tộc - đó là những giá trị được đúc kết từ ngàn đời đã và đang ăn sâu trong máu thịt của mỗi người dân Việt Nam. Những giá trị đó đã giúp con người Việt luôn giữ gìn được lối sống tốt đẹp, vượt qua những thăng trầm trong lịch sử dựng và giữ nước. Tiếp đến mỗi gia đình hãy cùng với xã hội cũng phải chung sức, chung lòng để tô đậm thêm nữa những giá trị văn hoá đó trong sự trà trộn phức tạp của những luồng văn hoá khác. Mặt khác, cũng cần phải thấy rằng, giữ gìn ở đây không có nghĩa là bảo thủ, giữ nguyên những giá trị đã có. Chúng ta cũng cần phải kế thừa phát huy nhưng đồng thời cũng phải phát triển nó lên bằng cách kết hợp có lựa chọn với những yếu tố văn hoá mới tích cực. Từ đó hình thành một nền văn hoá Việt Nam vừa truyền thống, vừa hiện đại, đa dạng, vừa thống nhất, đảm bảo được yêu cầu “hoà nhập nhưng không hoà tan” trong một thời đại mới. Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa trong cuộc sống hiện đại hôm nay, thế hệ trẻ chính là đối tượng đóng vai trò quan trọng. Mỗi học sinh, sinh viên hãy tích cực học tập, rèn luyện để góp phần xây dựng đất nước phát triển.

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Hy
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 17
  • Lượt xem: 12.651
  • Dung lượng: 173,8 KB
Sắp xếp theo