Văn mẫu lớp 9: Viết bài văn nghị luận về vấn đề khai thác và bảo vệ rừng hiện nay Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết lớp 9 KNTT

Văn mẫu lớp 9: Viết bài văn nghị luận về vấn đề khai thác và bảo vệ rừng hiện nay gồm 2 mẫu hay nhất, kèm theo dàn ý chi tiết, giúp các em học sinh thấy rõ thực trạng của vấn đề khai thác, bảo vệ rừng hiện nay ở nước ta.

Nghị luận về vấn đề khai thác và bảo vệ rừng hiện nay

Qua đó, các em nhiều ý tưởng mới để hoàn thiện tiết Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (con người trong mối quan hệ với tự nhiên) - Bài 1: Thế giới kì ảo SGK Ngữ văn 9 Kết nối tri thức tập 1 trang 27. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:

Dàn ý Nghị luận về khai thác và bảo vệ rừng hiện nay

I. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề: vấn đề khai thác rừng quá mức và ảnh hưởng của vấn đề này với đời sống con người hiện nay

  • Tài nguyên rừng là tài nguyên thiên nhiên quý giá nhưng đang đứng trước nguy cơ do bị khai thác quá mức.
  • Ảnh hưởng rất lớn cả mặt tích cực và tiêu cực đến đời sống con người

II. Thân bài

1. Luận điểm 1: Giải thích hiện tượng

- Luật Lâm nghiệp 2017 định nghĩa “Rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liên vùng từ 0,3 ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên.”

Hiểu đơn giản, rừng là một quần thể bao gồm các loài động thực vật sinh sống trong một phạm vi nhất định. Đây là tài nguyên sinh thái quan trọng của bất kì quốc gia nào trên thế giới.

Rừng được phân loại theo mục đích sử dụng, nguồn gốc hình thành, điều kiện sinh trưởng, loại cây sinh sống trong rừng, trữ lượng rừng…

- Khai thác rừng quá mức là hiện tượng con người tác động quá tiêu chuẩn với động thực vật sinh sống trong rừng, ví dụ như chặt phá gỗ trái phép, săn bắt các loại động vật quý hiếm… làm giảm diện tích rừng, gây tác hại đến rừng.

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, mỗi năm chúng ta mất đi khoảng gần 2,5 triệu ha rừng tự nhiên, nguyên nhân chính là do việc khai phá rừng quá mức đặc biệt là ở duyên hải miền Trung và Tây Nguyên

2. Luận điểm 2: Ảnh hưởng tích cực của rừng tới đời sống con người

- Rừng được mệnh danh là “lá phổi xanh” của Trái đất, cung cấp nguồn oxi cho nhân loại. Rừng con là tường thành, lá chắn tự nhiên che chở con người khỏi thiên tai, hiểm họa. Rừng đóng vai trò rất to lớn trong việc ngăn lũ, chống xói mòn, sạt lở đất. điều hòa nguồn nước, giảm thiểu các tác động bất lợi do biến đổi khí hậu và thiên tai do nước gây ra. Rừng cung cấp các loại thực vật, động vật cho con người…

- Dẫn chứng: Rừng ở Việt Nam năm 2022 là khoảng 14,8 triệu ha, trong đó bao gồm cả rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng trồng chưa khép tán. Các khu rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh như ở Cúc Phương, Ninh Bình đã góp phần bảo tồn các loài động vật quý hiếm trong sách đỏ, mang lại môi trường trong lành cho con người.

3. Luận điểm 3: Ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề khai thác rừng quá mức tới đời sống con người

- Ảnh hưởng 1: Khai thác rừng quá mức dẫn đến biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến con người

+ Diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị phá gây ra mất khả năng điều tiết nước khi xảy ra mưa lớn, khiến cho mưa lũ, lũ lụt nghiêm trọng hơn.

+ Độ che phủ rừng bị giảm dẫn đến việc tổng hợp khí oxi không tốt, khiến khí thải trong môi trường nhiều, nhiệt độ Trái đất nóng lên, dễ gây biến đổi khí hậu

Dẫn chứng: Các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất, xói mòn đất… ngày càng tăng trong thời gian gần đây. Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, năm 2022 Việt Nam có đến 310 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho con người.

- Ảnh hưởng 2: Khai thác rừng quá mức làm mất đi diện tích rừng, suy giảm các loài động thực vật, giảm đa dạng sinh học

+ Rừng là môi trường sống của các loài động thực vật, tạo thành hệ sinh thái phát triển ổn định.

+ Khi rừng bị mất do các nguyên nhân tự nhiên và xã hội, đặc biệt do hành động khai thác rừng quá mức của con người thì sẽ mất đi môi trường sinh sống của các loài động thực vật này, dẫn đến suy giảm, thậm chí mất đi các loài sinh vật.

Dẫn chứng: Hiện nay, trong rừng tự nhiên, thậm chí trong một số khu bảo tồn thiên nhiên còn khó tìm thấy các loài động vật quý hiếm như hươu xạ, hạc cổ trắng, gà lôi lam mào trắng, Gà lôi lam mào đen…Các khu rừng chứa 60.000 loài cây khác nhau nhưng mỗi năm có khoảng 10 triệu ha rừng bị mất kéo theo nhiều loài thực vật bị suy giảm.

- Ảnh hưởng 3: Khai thác rừng quá mức tác động trực tiếp đến đời sống con người, làm suy giảm chất lượng cuộc sống và gây ra các vấn đề xã hội khác

+ Hàng triệu người trên khắp thế giới có cuộc sống phụ thuộc trực tiếp vào rừng: canh tác, trồng cây, săn bắt, hái lượm vật liệu… Rừng cung cấp gỗ, nguồn thức ăn, nguồn thuốc, nước sạch, không khí trong lành và cảnh quan tươi đẹp.

+ Phá rừng, khai thác rừng quá mức khiến diện tích rừng giảm, giảm năng suất cây trồng và sản xuất, làm gián đoạn và ảnh hưởng đến cuộc sống của con người.

+ Chặt phá, khai thác rừng có thể gây ra xung đột xã hội, dẫn đến tình trạng dân di cư và kéo theo các vấn đề khác.

Dẫn chứng: Người sống gần rừng sẽ mất nguồn thu nhập từ gỗ, sản vật rừng. Người sống ở đô thị sẽ đối mặt với ô nhiễm không khí, thiếu nước sạch và không gian xanh

4. Luận điểm 4: Ý kiến trái chiều và phản bác

- Ý kiến: chặt phá rừng làm nương rẫy chính là để mở rộng, thêm đất canh tác, phục vụ cuộc sống con người.

- Phản bác: Chặt phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy là một hành động vi phạm pháp luật, phá hoại rừng, cần lên án. Nhiều người dân có trình độ nhận thức chưa cao, thường ở các bản làng gần rừng, chưa ý thức được việc bảo vệ rừng và những nguy cơ do việc chặt phá rừng bừa bãi mang lại, chỉ nhìn được lợi ích trước mắt của bản thân.

5. Luận điểm 5: Giải pháp có tính khả thi để khai thác và bảo vệ rừng hiệu quả hiện nay

- Có các biện pháp răn đe, ngăn chặn, xử lí các hành vi khai thác rừng quá mức (chặt phá gỗ, săn bắt các loài động thực vật quý hiếm…)

- Tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về tác hại của việc khai thác rừng quá mức; nâng cao ý thức, bảo vệ rừng chính là bảo vệ “lá phổi” của Trái Đất, bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.

- Khuyến khích các hoạt động bảo vệ và tái tạo rừng như khuyến khích người dân nhận đất trồng cây, mở rộng độ che phủ của rừng, khai thác kinh tế trên khoảng đất rừng được cấp.

- Có các chính sách hợp lí, hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân sống trong rừng, gần rừng đảm bảo cuộc sống, phát triển kinh tế bền vững.

- Tham gia các dự án trồng cây xanh, trồng rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường, thể hiện thái độ yêu quý với tài nguyên rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh…

III. Kết bài

- Khẳng định vấn đề: khai thác rừng quá mức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của con người. Cần phải khai thác và sử dụng rừng hợp lí.

- Liên hệ: Mỗi người cần chung tay để ngăn chặn tình trạng khai thác rừng quá mức, bảo vệ rừng, bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

Nghị luận vấn đề khai thác và bảo vệ rừng hiện nay

Việt Nam chúng ta được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều nguồn tài nguyên phong phú; trong đó có “rừng vàng, biển bạc”. Tài nguyên rừng là một trong những loại tài nguyên thiên nhiên quý giá, nhưng hiện đang đứng trước nhiều nguy cơ do bị khai thác quá mức trong những năm gần đây. Việc khai thác rừng quá mức sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống con người và chúng ta cần phải hành động ra sao trước tình hình này?

Luật Lâm nghiệp 2017 định nghĩa “Rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liên vùng từ 0,3 ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên.” Hiểu một cách đơn giản thì rừng là một quần thể bao gồm các loài động thực vật sinh sống trong một phạm vi nhất định, đảm bảo các tiêu chí về chủng loại, số lượng và độ che phủ... Đây là tài nguyên sinh thái quan trọng của bất kì quốc gia nào trên thế giới. Rừng được phân loại theo mục đích sử dụng, nguồn gốc hình thành, điều kiện sinh trưởng, loại cây sinh sống trong rừng, trữ lượng rừng… Khai thác rừng quá mức là hiện tượng con người tác động quá tiêu chuẩn với động thực vật sinh sống trong rừng, ví dụ như chặt phá gỗ trái phép, săn bắt các loại động vật quý hiếm… làm giảm diện tích rừng, gây hại đến rừng. Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, mỗi năm chúng ta mất đi khoảng gần 2,5 triệu ha rừng tự nhiên, nguyên nhân chính là do việc khai phá rừng quá mức đặc biệt là ở duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Đây là một con số đáng báo động trước tình hình khai thác rừng hiện nay.

Rừng có vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng tích cực đến đời sống con người. Rừng được mệnh danh là “lá phổi xanh” của Trái đất, cung cấp nguồn oxi cho nhân loại. Rừng còn là tường thành, lá chắn tự nhiên che chở con người khỏi thiên tai, hiểm họa. Rừng đóng vai trò rất to lớn trong việc ngăn lũ, chống xói mòn, sạt lở đất. điều hòa nguồn nước, giảm thiểu các tác động bất lợi do biến đổi khí hậu và thiên tai do nước gây ra. Rừng cung cấp các loại thực vật, động vật cho con người… Và còn rất nhiều vai trò hữu ích khác mà rừng mang lại cho chúng ta. Rừng ở Việt Nam năm 2022 là khoảng 14,8 triệu ha, trong đó bao gồm cả rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng trồng chưa khép tán. Các khu rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh như ở Cúc Phương, Ninh Bình đã góp phần bảo tồn các loài động vật quý hiếm trong sách đỏ, mang lại môi trường trong lành cho con người.

Rừng có nhiều vai trò, tác động tích cực với đời sống con người nên cần được bảo vệ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này đang bị khai phá quá mức. Điều này dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người.

Trước hết, việc khai thác rừng quá mức dẫn đến biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến con người. Rừng có tác dụng ngăn gió, ngăn mưa tác động trực tiếp vào đất đai, chống xói mòn và sạt lở đất. Khi diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị phá gây ra mất khả năng điều tiết nước khi xảy ra mưa lớn, khiến cho mưa lũ, lũ lụt nghiêm trọng hơn. Độ che phủ rừng bị giảm dẫn đến việc tổng hợp khí oxi không tốt, khiến khí thải trong môi trường nhiều, điều này khiến nhiệt độ Trái đất nóng lên, không điều tiết được kéo theo chuỗi ảnh hưởng khác, dễ gây biến đổi khí hậu

Các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất, xói mòn đất… ngày càng tăng trong thời gian gần đây. Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, năm 2022 Việt Nam có đến 310 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho con người. Nguyên nhân không nhỏ trong việc xảy ra tình trạng này chính là do diện tích rừng bị giảm do khai phá quá mức.

Bên cạnh đó, khai thác rừng quá mức làm mất đi diện tích rừng, suy giảm các loài động thực vật, giảm đa dạng sinh học. Rừng là môi trường sống của các loài động thực vật, tạo thành hệ sinh thái phát triển ổn định. Khi rừng bị mất do các nguyên nhân tự nhiên và xã hội, đặc biệt do hành động khai thác rừng quá mức của con người thì sẽ mất đi môi trường sinh sống của các loài động thực vật này, dẫn đến suy giảm, thậm chí mất đi các loài sinh vật. Hiện nay, trong rừng tự nhiên, thậm chí trong một số khu bảo tồn thiên nhiên còn khó tìm thấy các loài động vật quý hiếm như hươu xạ, hạc cổ trắng, gà lôi lam mào trắng, Gà lôi lam mào đen… Theo thống kê, các khu rừng chứa 60.000 loài cây khác nhau nhưng mỗi năm có khoảng 10 triệu ha rừng bị mất kéo theo nhiều loài thực vật bị suy giảm. Đây là thực trạng đáng buồn, là nguyên nhân chính dẫn đến giảm đa dạng sinh học.

Việc khai thác rừng quá mức tác động trực tiếp đến đời sống con người, làm suy giảm chất lượng cuộc sống và gây ra các vấn đề xã hội khác. Hàng triệu người trên khắp thế giới có cuộc sống phụ thuộc trực tiếp vào rừng: canh tác, trồng cây, săn bắt, hái lượm vật liệu… Rừng cung cấp gỗ, nguồn thức ăn, nguồn thuốc, nước sạch, không khí trong lành và cảnh quan tươi đẹp cho con người. Phá rừng, khai thác rừng quá mức khiến diện tích rừng giảm, giảm năng suất cây trồng và sản xuất, làm gián đoạn và ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Thậm chí, việc chặt phá, khai thác rừng có thể gây ra xung đột xã hội, dẫn đến tình trạng dân di cư và kéo theo các vấn đề khác. Người sống gần rừng sẽ mất nguồn thu nhập từ gỗ, sản vật rừng, từ các sản phẩm trồng cây từ đất rừng. Người sống ở đô thị sẽ đối mặt với ô nhiễm không khí, thiếu nước sạch và không gian xanh…

Có ý kiến cho rằng việc chặt phá rừng làm nương rẫy chính là để mở rộng, thêm đất canh tác, phục vụ cuộc sống con người; rừng là bạn của con người nên con người có thể tùy ý khai phá. Rõ ràng việc chặt phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy là một hành động vi phạm pháp luật, phá hoại rừng, cần lên án. Hành động này thường thấy ở những người dân sống gần rừng, có trình độ nhận thức chưa cao, chưa ý thức được việc bảo vệ rừng và những nguy cơ do việc chặt phá rừng bừa bãi mang lại, chỉ nhìn được lợi ích trước mắt của bản thân hoặc do tham lam mà bất chấp để chặt phá rừng, săn bắt các động vật quý hiếm trong rừng.

Rừng có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người nhưng lại đang bị khai phá quá mức, gây hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, cần có những giải pháp mang tính khả thi để có thể khai thác và bảo vệ rừng hiệu quả. Cần có các biện pháp răn đe, ngăn chặn, xử lí các hành vi khai thác rừng quá mức, bất chấp như việc chặt phá gỗ lâu năm, phá rừng tùy tiện, săn bắt các loài động thực vật quý hiếm… Cần có chế tài xử lí thật nghiêm khắc để răn đe những hành động sai trái này. Bên cạnh đó, cần không ngừng tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về tác hại của việc khai thác rừng quá mức; nâng cao ý thức, bảo vệ rừng chính là bảo vệ “lá phổi” của Trái Đất, bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta. Khuyến khích các hoạt động bảo vệ và tái tạo rừng như khuyến khích người dân nhận đất trồng cây, mở rộng độ che phủ của rừng, khai thác kinh tế trên khoảng đất rừng được cấp… Đồng thời, có các chính sách hợp lí, hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân sống trong rừng, gần rừng đảm bảo cuộc sống, phát triển kinh tế bền vững. Có như thế thì mới có thể giữ được rừng một cách nguyên vẹn, khai thác hợp lí. Với những người không sống cần rừng thì hãy tích cực tham gia các dự án trồng cây xanh, trồng rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường, thể hiện thái độ yêu quý với tài nguyên rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh… để góp phần vào việc ngăn chặn nạn khai thác rừng quá mức, góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.

Tóm lại, rừng có vai trò vô cùng quan trọng đối với hệ sinh thái, với môi trường và đặc biệt là với cuộc sống của con người. Tuy thế, thực trạng việc khai phá rừng hiện nay đang khiến con người phải trăn trở, suy ngẫm. Nếu cứ tiếp tục khai thác rừng bừa bãi như hiện nay, thì chúng ta sẽ ngày càng phải gánh chịu những “cơn thịnh nộ” của thiên nhiên, khí hậu, thiên tai và những hậu quả nặng nề khác. Mỗi người hãy chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ chính sự sống của chúng ta.

Nghị luận Tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng

Có thể nói mẹ thiên nhiên rất ưu ái con người khi ban tặng cho chúng ta rất nhiều nguồn tài nguyên quý giá phục vụ cho cuộc sống, một trong số những nguồn tài nguyên ấy là tài nguyên rừng. Rất may mắn cho Việt Nam ta khi sở hữu một diện tích rừng lớn và mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích. Nhưng cũng thật đáng buồn thay khi nguồn tài nguyên quý giá ấy không được trân trọng mà đang bị tàn phá nghiêm trọng, không chỉ phá huỷ cảnh quan rừng tự nhiên mà còn gây ra nhiều hậu quả cho cuộc sống con người.

Rừng có vai trò tác dụng trong hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống. Về kinh tế, rừng mang lại cho con người một nguồn thu nhập tương đối lớn. Rừng cung cấp gỗ cho con người khai thác để xuất khẩu hay sản xuất đồ gia dụng như bàn ghế, giường tủ,… hay thậm chí là làm nhà . Nhờ việc khai thác gỗ rừng ấy mà rất nhiều người đã giàu lên nhanh chóng và đóng góp một phần không nhỏ vào GDP nước nhà. Rừng còn nơi trú ngụ của nhiều loại động vật mà con người có thể chế biến thành các món ngon, đặc sản như thịt hươu nai và nhiều loại thú rừng khác. Chưa dừng lại ở đó, rừng còn là nơi sản xuất ra nhiều loại thuốc quý, chữa trị được nhiều loại bệnh từ thông thường đến nan y cho con người. Chẳng phải ngẫu nhiên mà dù hiện nay tây y khá phát triển và du nhập vào nước ta nhưng vẫn còn rất nhiều người tìm đến đông y vì tác dụng nhanh chóng và không gây tác dụng phụ cho cơ thể như thuốc tây y của các loài thảo dược tự nhiên

Tiếp theo, rừng còn có vai trò quan trọng trong việc điều hoà sinh thái, giúp con người vượt qua thiên tai. Chắc hẳn ai cũng biết rằng cây xanh có khả năng quang hợp hút khí cacbonic độc hại và nhả ra khí oxi giúp chúng ta hít thở, hô hấp, do đó cây xanh đóng một phần rất quan trọng vào cuộc sống của con người, mà trong khi đó rừng là một quần thể cây cối khổng lồ, điều này đã đủ để nói lên rừng có vai trò quan trọng như thế nào với cuộc sống của chúng ta. Thảm thực vật dày đặc của những cánh rừng còn giúp tránh bức xạ từ mặt trời chiếu thẳng xuống làm khô cằn đất đai và tránh xói mòn đất khi mùa mưa lũ về.

Không chỉ dừng lại ở đó, rừng còn là người bạn đồng hành đáng mến góp phần công lao không nhỏ vào hai chiến thắng chống Pháp và Mỹ lừng lẫy của dân tộc ta. Rừng không chỉ là nơi trú ẩn của bộ đội, cung cấp thức ăn cho các anh mà còn là trận địa giúp ta đánh giặc. “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” cũng từ hiện thực ấy mà được viết nên.

Rừng quan trọng là vậy nhưng thật đáng buồn làm sao khi hiện nay, xã hội phát triển, dân số bùng nổ nhanh chóng và do đó nhu cầu về sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ rừng cũng nhanh chóng tăng cao. Dân số tăng làm nhu cầu về chỗ ở và các dịch vụ xã hội tăng, do đó rừng bị con người chặt phá để lấy đất làm nhà, xây trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại,… Nguồn lợi nhuận mà rừng mang lại là vô cùng lớn, do đó rất nhiều người bất chấp mà khai thác gỗ rừng và các loại động thực vật khác một cách tràn lan và thậm chí là trái phép. Bên cạnh đó, những cư dân sống gần rừng thường là bà con dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn hạn chế nên chưa nhận thức được tầm quan trọng mà còn thường xuyên phá rừng làm nương rẫy, sau nhiều mùa vụ không canh tác nữa thì bỏ không, tạo thành những khoảng đất trống đồi trọc, không chỉ là phá hoại rừng mà còn gây nguy cơ xói mòn, sạt lở đất mỗi khi có mưa lũ. Tất cả những nguyên nhân ấy làm diện tích đất rừng giảm đáng kể và là một sự phá huỷ không nhỏ đối với môi trường tự nhiên.

Phải mất một quãng thời gian rất lâu, có khi bằng với cuộc đời một con người thì những cánh rừng bị tàn phá mới có thể tự khôi phục được. Vậy trong suốt thời gian ấy, con người chúng ta vẫn cần sống, cần sinh hoạt, thiên tai vẫn cứ diễn ra nhưng rừng không còn nữa, chúng ta phải làm như thế nào? Do đó bảo vệ rừng khỏi bị tàn phá rất quan trọng. Các cơ quan chức năng cần tuyên truyền đến bà con miền núi về vai trò của rừng và tác hại của việc phá rừng làm nương rẫy, phát động các phong trào trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc và quản lí, xử phạt nghiêm các hành vi khai thác rừng cũng như các loài động thực vật rừng trái phép. Bên cạnh đó, mọi người cần có ý thức không sử dụng các chế phẩm từ rừng mà nghi ngờ là do khai thác trái phép để các đối tượng không có nơi tiêu thụ, buộc phải dừng hành vi đó lại để góp phần hạn chế việc rừng bị tàn phá như hiện nay.

Tài nguyên rừng đem lại nguồn thu lớn nhưng nó cũng chỉ như cái lợi trước mắt, nếu không quan tâm, có kế hoạch bảo vệ và phát triển thì rồi cũng sẽ có ngày tài nguyên ấy cạn kiệt. Do đó bản thân chúng ta cần hành động để bảo vệ tài nguyên rừng khỏi bị tàn phá và cũng là để đảm bảo cho tương lai chúng ta được tươi đẹp như những cánh rừng xanh bao la kia.

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt xem: 02
  • Dung lượng: 222,8 KB
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨