Văn mẫu lớp 9: Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học Dàn ý & 2 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất

Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học gồm 2 mẫu hay nhất, giúp các em có thêm nhiều ý tưởng mới cho bài văn nghị luận về bài thơ Lá đỏ, truyện ngắn Bí ẩn làn nước thật hay.

Nghị luận

Nhờ đó, các em dễ dàng trả lời câu hỏi tiết Viết - Bài 2: Giá trị của văn chương (Văn bản nghị luận)  SGK Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo tập 1 trang 46. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn, viết bài văn nghị luận tác phẩm văn học thật hay.

Đề bài: Câu lạc bộ Văn học trường em phát động cuộc thi viết “Tác phẩm văn học trong tôi”. Em hãy chọn một tác phẩm văn học mình yêu thích (thơ hoặc truyện) để viết bài nghị luận và gửi cho ban tổ chức cuộc thi.

Dàn ý Nghị luận một tác phẩm văn học mình yêu thích

a. Mở bài

  • Giới thiệu về tác giả Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003) quê ở Hà Nội, là một nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học, nhạc sĩ.
  • Giới thiệu về bài thơ Lá đỏ.

b. Thân bài

Phân tích theo bố cục của bài thơ (3 phần)

- Phần 1: 2 câu thơ đầu tiên: không gian nơi hai người gặp nhau

  • Trên cao.
  • Lộng gió
  • Rừng lá đỏ.

- Phần 2: 4 câu thơ tiếp theo: hình ảnh con đường Trường Sơn.

Em đứng bên đường.

  • Quàng Súng.
  • Đoàn quân vội vã.
  • Bụi Trường Sơn.

- Phần 3: 2 câu thơ cuối: lời hứa hẹn của hai người khi phải chia tay.

  • Lời chào với em gái tiền phương.
  • Lời hứa hẹn gặp giữa Sài Gòn.

- Nghệ thuật sử dụng bài thơ: thể thơ tự do, bút pháp so sánh, ngôn ngữ thơ chân thực, gần gũi với người đọc.

c. Kết bài

- Khái quát cảm nhận chung về bài thơ.

Nghị luận về bài thơ Lá đỏ

Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ lớn, một tài năng toàn diện đặc biệt bởi năng lực sáng tạo và thành công trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Ông viết tiểu tuyết, truyện ngắn, tiểu luận, phê bình văn học, viết kịch, soạn nhạc và sáng tác thơ, ở thể loại nào cũng tạo được dấu ấn đặc sắc. Trong bài thơ Lá đỏ, ông đã cho thấy những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật. “Lá đỏ” là một trong số những bài thơ như thế được viết trước khi những đoàn quân Việt Nam bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam nhưng đã tiên cảm được thắng lợi tất yếu của dân tộc.

Chỉ với 8 câu thơ mà Nguyễn Đình Thi đã tái hiện cả một cuộc hành quân vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc - cuộc hành quân trên đường Trường Sơn, tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bài thơ là một bức tranh đẹp, là một bản nhạc trầm hùng trong lòng người ra trận. Ba hình ảnh chủ đạo của bài thơ: lá đỏ, em gái tiền phương và đoàn quân là sự đặc tả có sức khái quát cao về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. Đặc biệt, hình ảnh lá đỏ tạo cảm giác mạnh, mang ý nghĩa biểu trưng cho những dự cảm, dự báo về thắng lợi tất yếu của dân tộc.

Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ

“Trên cao” trong câu thơ không chỉ nói về vị thế địa lý (dốc cao, đèo cao) mà còn hàm ý về vị thế trong tư tưởng, trong tình cảm. “Cao” ở đây còn là cao quý, cao cả.

Từ Trường Sơn ông đã nhận thức rõ mình và cũng chính là nhận thức được sức mạnh của nhân dân của dân tộc Việt Nam. Và hiển hiện trước mắt chính là một vẻ đẹp lạ lùng với ào ào lá đỏ. Và cũng chính là bao nhiêu lá đỏ cũng là bao nhiêu tâm tình. Chính những chiếc lá đỏ trên nền trời xanh ất đã chạm vào trái tim của nhà thơ. Nó làm nên trận mưa lá đỏ đổ xuống như chính sức sống của người Trường Sơn.

Câu tiếp theo “Rừng lạ, ào ào lá đỏ”. Từ “lạ” trong câu thơ đã gây ấn tượng mạnh, bởi lạ là vì mới gặp, lần đầu tiên thấy sắc đỏ rực lủa trong mùa Thu Tây Nguyên chăng? “Lạ” là một cảm giác rất đúng, rất chân thật”. “Lạ” vì giữa nơi chiến trường dữ dội như vậy lại xuất hiện những người em gái trẻ trung, mảnh mai nhưng rất đỗi kiên cường khi ngày đêm phải đối mặt với hiểm nguy dẫn đường cho xe băng qua những quãng đường khó và cái cảm giác lạ đó bỗng biến mất khi nhà thơ nhận ra hình của em thật gần gũi, thân thương bởi đó là em của quê hương, của nơi chốn ta quay về. Thêm nữa, hai từ “lộng gió” như lòng người rộng mở, niềm tin phơi phới chào đón những luồng gió cách mạng.

Nhân vật trữ tình đã đứng ở trên cao của dải Trường Sơn, nơi có thể nhìn được bao quát cả dãy Trường Sơn hùng vĩ và cảm nhận được sức mạnh của dân tộc Việt Nam: Rừng lạ ào ào lá đỏ. Ở đây có sự liên tưởng giữa lá đỏ và đoàn quân. Lá đỏ hay chính những trái tim rực lửa căm thù đang ào ào ra trận? Trường Sơn đại ngàn giữa mùa trở gió. Gió ào ạt thổi, trút lá đỏ rực trời. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn cuối, bước chân hành quân thần tốc của quân ta hối hả ra trận, bước chân đi mạnh mẽ, rung chuyển cả núi đồi, bụi đỏ bay mờ mịt nhòa trời lửa. Đoàn quân và lá đỏ hòa lẫn trong nhau, nhòa trong khói lửa Trường Sơn, đó là hình ảnh được khắc họa có tính mỹ thuật rất cao, thể hiện sự tài hoa của nhà thơ. Với ngôn ngữ chân thực và nhịp thơ mạnh mẽ, những câu thơ giản dị của Nguyễn Đình Thi đã khắc họa một quang cảnh, một không khí thật hào hùng, kỳ vĩ, mang màu sắc sử thi.

Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa

Con đường ấy đầy gian khổ, khắc nghiệt. “Đoàn quân vẫn đi vội vã” với muôn bước chân mạnh mẽ điệp trùng, hối hả, nối dài như rung chuyển núi rừng, làm “nhoà trời lửa”, đạp bằng khó khăn, vượt lên nắng nôi, lửa đạn để tiến lên phía trước. Câu thơ diễn tả quang cảnh cuộc hành quân hào hùng thần tốc, gợi lên một không khí sử thi ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chuẩn bị Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt giải phóng hoàn toàn miền Nam.Trong bối cảnh chung đó hiện lên một hình ảnh đẹp, một biểu tượng về cuộc chiến tranh nhân dân –“em gái tiền phương”, nữ chiến sĩ giao liên hay cô gái thanh niên xung phong. Sự có mặt của cô gái trên đỉnh Trường Sơn nơi tuyến đầu Tổ quốc đã nhắc với mai sau về cuộc chiến đấu toàn dân tham gia, trong đó có những người con gái trẻ trung xinh đẹp mảnh mai, mà lẽ ra họ sinh ra để được sống yên bình.

Trong không khí của cuộc cách mạng sục sôi và dưới ánh sáng của lý tưởng mới, hơn bao giờ hết hình ảnh người phụ nữ hiện lên với vẻ đẹp mới - vẻ đẹp của những con người đã được giải phóng, được tháo ra khỏi vòng cương tỏa của lễ giáo phong kiến, để hòa mình vào công cuộc chung của đất nước. Đó là những cô thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn: “Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường”. Hình ảnh “vai áo bạc” đã gợi ra biết bao tháng ngày mưa dầm nắng lửa ở núi rừng. Thế nhưng, những người con gái mảnh mai ấy vẫn vượt qua tất cả để có mặt chính tại đây, với súng trường quàng trên vai.

Nhưng đoàn quân nối dài vô tận không ngừng nghỉ, nhà thơ – người chiến sĩ chỉ kịp ghi nhận cái hình dáng quê hương rồi gửi lời chào và hẹn gặp:

Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn

Người đứng lại bên đường như cột mốc, như điểm tựa và đoàn quân ra đi mang theo niềm vui phơi phới, niềm tin tất thắng. Sài Gòn, cái đích của cuộc tiến công đã rất gần, con đường đi đến chiến thắng chẳng còn bao xa. Sài Gòn, điểm hẹn của bao thế hệ Việt Nam. Lời chào, lời hẹn ấy chứa đựng nhiệt huyết của tuổi trẻ, của lý tưởng độc lập tự do, của niềm lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.

Những cuộc kháng chiến đã qua đi, thời gian cũng dần phủ bụi nhưng kí ức về những năm tháng ấy có lẽ không bao giờ có thể xóa nhòa. Nhiều năm sau, độc giả vẫn sẽ nhớ về những năm tháng ấy, nhớ về tuyến đường Trường Sơn “ào ào lá đỏ”, nhớ hình ảnh những cô gái tiền phương, những chàng trai chiến sĩ với những bước đi rung chuyển đất trời. Có lẽ vì vậy mà Balzac đã từng nói những người nghệ sĩ làm văn, viết thơ là “thư kí trung thành của thời đại”.

Nghị luận truyện ngắn Bí ẩn của làn nước

Giống như những nhà thơ, nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, Bảo Ninh cũng viết về đề tài chiến tranh. Nhưng chiến tranh dưới góc nhìn của Bảo Ninh rất chân thực và khác biệt. Nó không mang màu sắc sử thi, hào hùng, thi vị, trái lại nó lại mang theo những nỗi buồn. Những nỗi buồn ấy là sản phẩm của chiến tranh, nó ăn sâu vào trong tâm hồn người để dần dà âm ỉ mà lan rộng ra, khiến con người ta đau đớn đến cùng cực. Có lẽ chính vì vậy mà các tác phẩm của Bảo Ninh luôn tác động mạnh mẽ đến người đọc, khiến bạn đọc cảm nhận được rõ nét cái nỗi đau ẩn sâu trong lòng nhân vật. Và nỗi đau ấy đã được Bảo Ninh khắc họa rất sâu sắc trong truyện ngắn Bí ẩn của làn nước.

Cũng xuất phát từ đề tài chiến tranh như truyện ngắn Giang hay tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, trong Bí ẩn của làn nước, Bảo Ninh tiếp tục nhìn chiến tranh dưới lăng kính của nỗi buồn. Ở đây, nhà văn không thể hiện nỗi đau của người lính khi phải chịu đựng những nỗi ám ảnh, kinh hoàng trên chiến trường, nỗi đau mất đi bạn bè, người thân, người yêu trong chiến tranh mà ông lựa chọn khắc họa nỗi đau của những người nông dân trong chiến tranh.

Chiến tranh là những cuộc biến thiên của lịch sử và đi kèm với nó luôn là những mất mát, đau thương. Trong Bí ẩn của làn nước, chiến tranh đã đem đến một ám ảnh kinh hoàng đối với người dân nơi hậu phương: “Năm ấy, nhằm trúng đỉnh lũ đêm Rằm tháng Bảy, một loạt bom Mỹ phá tan vệt canh giữ đằng trước làng tôi. Dứt dây nổ của bom và tiếng gầm ghê rợn của máy bay cường kích là chuỗi ầm ầm long lỡ của dòng sông phá bung đê tràn ngang vào đồng ruộng”. Bom đạn đã phá vỡ đê điều, nhấn chìm làng mạc, đồng ruộng của những người nông dân, đẩy họ vào cảnh khốn cùng: “Nước đã ngập làng. Tôi về, kịp dìu vợ leo lên mái thì vừa đợt dâng nước thứ hai. Mái nhà tranh của vợ chồng tôi bị lôi đi trong đêm. Đến khi mái rạ sắp rã tan ra thì ơn trời nó vương vào thân đa trước đình làng. Đã cả một đám đông bám trên các cành… Vợ tôi ôm khư khư đứa con mới sinh, nhất định không để tôi bế đỡ.” Không dừng lại ở đó, những người dân giờ đây lại càng rơi vào bế tắc hơn khi nhiều giờ trôi qua mà mưa vẫn tiếp tục tuôn, gió tiếp tục thổi, dòng nước ngày một xiết hơn. Dòng nước xiết ấy không chỉ nhấn chìm làng mạc, cuốn trôi mọi tài sản của người nông dân mà còn cướp đi số mệnh của những người xấu số như những người phụ nữ yếu ớt, những đứa bé non nớt: “Vợ tôi “ối” kêu một tiếng thảng thốt, và “ùm”, con trai tôi, đứa con sơ sinh tôi chưa được nhìn thấy mặt, tuột khỏi bọc ni lông trên tay mẹ nó, san xuống làn nước tối tăm.

- Trời ơi! Con tôi...! - Vợ tôi hét rú lên và lao ngay lập tức xuống hòng chụp lấy con.

Tôi phóng mình theo. Nước lạnh, ngầu bùn, sâu hút và cuốn mạnh. Tôi vớ kịp thằng con, nhao vội lên, trao nó cho những bàn tay đang chìa xuống, rồi lại lặn tiếp ngay để cứu vợ.” Chiến tranh đã cướp mất đi tài sản, người vợ và cả đứa con trai mà nhân vật “tôi” còn chưa kịp nhìn mặt. Thời gian và làn nước năm ấy vẫn cứ mang theo cái bí mật mà anh chôn vùi, giấu kín trong lòng: “Từ bấy tới nay, thời gian trôi qua và triền nước trôi đi, tôi đã có tuổi và con gái tôi đã thành một thiếu nữ đẹp nhất làng. Nó là đứa con của làn nước, mọi người đều nói thế bởi vì chuyện nó sa xuống dòng nước lụt rồi được cha nó cứu lên thì cả làng ai cũng biết. Nhưng điều bí mật kia thì không ai hay, kể cả con gái tôi nó cũng không thể biết. Chỉ có dòng sông biết.” Nỗi đau đớn, ám ảnh năm ấy đã trở thành ẩn ức và nỗi buồn cứ âm ỉ cháy trong lòng của anh. Nỗi đau mất vợ và mất con trong cái đêm vỡ đê ấy sẽ đeo bám anh đến hết đời mà chẳng có cách nào chối bỏ: “Có ngày nào mà tôi không ra đê ngắm làn nước trôi. Vợ tôi, con trai tôi và người đàn bà vô danh nhìn tôi từ đáy nước. Thời gian, năm tháng cứ trôi, dòng sông và lịch sử tất thảy đều đổi thay nhưng mà niềm đau của đời tôi thì khôn nguôi bởi vì ấy là một niềm đau không thể nói nên lời.” Như vậy, chỉ trong thời gian một đêm mà biết bao sự kiện, bao nỗi đau đớn đã túa ra, ngập tràn cả trên trang sách.

Bên cạnh thời gian nghệ thuật, cốt truyện biên niên và nhân vật, Bảo Ninh đã rất thành công khi tạo dựng nên một không gian nghệ thuật chứa đựng nhiều nỗi kinh hoàng, hoảng sợ, đau đớn. Và trong không gian đó, con người bị đẩy đến bi kịch thê thảm nhất, tồi tệ nhất. Trong đêm tối, lồng trong tiếng nổ của bom đạn và máy bay cường kích là “chuỗi ầm ầm long lở của dòng sông phá bung đê tràn ngang vào đồng ruộng.”. Trong khung cảnh hỗn loạn, dòng nước nhấn chìm hết nhà cửa, làng mạc, ruộng đồng, người dân chỉ còn cách bám trụ trên các cành đa trước đình làng. Và trong làn nước ngày một xiết, cảnh những người xấu số bị dòng nước nuốt chửng bắt đầu hiện ra. Như vậy, chiến tranh là một nỗi khiếp sợ, nó đem đến những tai ương, những nỗi đau khủng khiếp cho con người. Trong truyện ngắn này, thông qua lăng kính của nhân vật “tôi”, chúng ta thấy được một hiện thực nghiệt ngã rằng những người nông dân không chỉ mất hết nhà cửa, tài sản mà còn mất đi vợ con, những người mà họ yêu thương, trân quý nhất. Không gian đau thương này kết hợp với thời gian ngắn ngủi càng nhấn mạnh hơn số phận mỏng manh của con người trong thời chiến. Con người bị đẩy đến những nỗi đau thương, mất mát tận cùng mà chẳng thể nào cứu vãn hay chữa lành được. Những nỗi đau ấy dần dần trở thành những điều bí ẩn mà con người chôn chặt trong lòng giống như cái điều bí ẩn trong đời của người đàn ông kia, hay của đứa bé gái luôn nằm sâu trong làn nước, vẫn cứ chảy trôi theo thời gian mà chẳng mất đi.

“Các dòng sông trôi đi như thời gian, và cũng như thời gian, trên mặt nước các triền sông biết bao nhiêu là chuyện đời đã diễn ra.”. Thật vậy, chiến tranh dù đã đi qua nhưng những nỗi đau, những mất mát mà nó để lại trong tâm hồn, trong cuộc đời của mỗi người vẫn còn đó. Đặc biệt trong truyện ngắn Bí ẩn của làn nước, ta có thể thấy được Bảo Ninh không chỉ tiếp cận đề tài chiến tranh thông qua nỗi đau thương, mất mát của những người lính mà còn qua nỗi đau đớn trong tâm hồn của những người nông dân. Qua đó, ông không chỉ thể hiện tinh thần phê phán, tố cáo chiến tranh mà còn thể hiện sự đồng cảm đối với những con người phải chịu đựng sự giày vò của chiến tranh.

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨