Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về vấn đề khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên phục vụ sản xuất Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết lớp 9 KNTT
Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về vấn đề khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên phục vụ sản xuất hay nhất, kèm theo dàn ý chi tiết, giúp các em học sinh thấy rõ thực trạng của việc khai thác tài nguyên hiện nay.
Qua đó, các em nhiều ý tưởng mới để hoàn thiện tiết Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (con người trong mối quan hệ với tự nhiên) - Bài 1: Thế giới kì ảo SGK Ngữ văn 9 Kết nối tri thức tập 1 trang 27. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Nghị luận về vấn đề khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên phục vụ sản xuất
Dàn ý nghị luận về khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản
I. Mở bài
- Giới thiệu vấn đề: khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản
- Khoáng sản là nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người.
- Cần khai thác khoáng sản một cách hợp lí để duy trì, bảo vệ nguồn tài nguyên này
II. Thân bài
1. Luận điểm 1: Giải thích hiện tượng (tài nguyên khoáng sản là gì, thế nào là khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản?)
- Tài nguyên khoáng sản là tích tụ vật chất dưới dạng hợp chất hoặc đơn chất trong vỏ Trái Đất, mà ở điều kiện hiện tại, con người có đủ khả năng lấy ra các nguyên tố có ích hoặc sử dụng trực tiếp chúng trong đời sống hằng ngày.
Tài nguyên khoáng sản thường tồn tại trong các mỏ khoáng sản, đa dạng về chủng loại. Khoáng sản thường được chia làm 4 loại: khoáng sản năng lượng, kim loại, khoáng sản xây dựng và khoáng sản công nghiệp.
Khoáng sản, khoáng chất có ích được tích tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất. Ví dụ: thạch anh, đất hiếm, sắt, đồng, than, dầu.,...
- Khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản là hành động tác động của con người đến nguồn tài nguyên này nhằm phục vụ cho đời sống bản thân, phát triển xã hội.
2. Luận điểm 2: Ảnh hưởng tích cực, vai trò, lợi ích của tài nguyên khoáng sản đối với đời sống con người
- Ảnh hưởng 1: Tài nguyên khoáng sản có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của con người
+ Các loại tài nguyên khoáng sản có sẵn trong tự nhiên rất đa dạng, quý giá và phân bố không đều. Những đất nước có nguồn khoáng sản phong phú sẽ có lợi thế trong việc khai thác, buôn bán để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
+ Các nguồn tài nguyên khoáng sản đều có giá trị kinh tế cao: dầu, than, đồng, bauxit…
Dẫn chứng: Các quốc gia đều khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản để phục vụ phát triển kinh tế. Năm 2022, ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam đóng góp vào GDP 2,93%, năm 2023 đóng góp vào GDP 2,48%
- Ảnh hưởng 2: Tài nguyên khoáng sản là nguồn vật liệu để tạo nên các dạng vật chất có ích và của cải cho con người
+ Trong cuộc sống hàng ngày của con người luôn có sự hiện diện của các loại tài nguyên khoáng sản: xăng, dầu; các vật dụng dùng trong gia đình như bát đĩa, kem đánh răng, cốc chén….
+ Các ngành công nghiệp sản xuất đều hoạt động khi có sự góp mặt, đóng góp của khoáng sản. Đây là yếu tố gần như không thể thay thế được.
Dẫn chứng: các khoáng sản như than, đồng, thiếc… góp phần vào ngành công nghiệp xây dựng, sản xuất: sắt dùng trong ngành luyện kim, đá vôi dùng để sản xuất xi măng và nhiều vật liệu xây dựng khác…
- Ảnh hưởng 3: Khoáng sản là nguồn tài nguyên quan trọng giúp các quốc gia có vị thế quan trọng về chính trị
+ Những quốc gia giàu có về tài nguyên khoáng sản sẽ có ưu thế trong việc khai thác, buôn bán loại tài nguyên này hơn các quốc gia không có tài nguyên.
+ Khoáng sản giúp các quốc gia có tiếng nói trên chính trường, có quyền quyết định trong một số ngành liên quan như công nghiệp năng lượng, xuất nhập khẩu
Dẫn chứng: Các quốc gia giàu khoáng sản có vị thế, tiếng nói nhất định và ngược lại, quốc gia nghèo hoặc không có khoáng sản phải phụ thuộc vào nguồn cung của các quốc gia ưu thế về tài nguyên này.
3. Luận điểm 3: Ảnh hưởng tiêu cực, thực trạng của việc khai thác tài nguyên khoáng sản hiện nay
- Ảnh hưởng 1: Khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản làm tàn phá môi trường sống hiện tại.
+ Quá trình khai thác tài nguyên khoáng sản sẽ cần dùng đến các loại máy móc chuyên nghiệp, đặc thù. Điều này khiến những chất thải ra môi trường (khí độc, bụi, chất thải xấu…) nhiều hơn, dễ gây ô nhiễm môi trường.
+ Khai thác khoáng sản sẽ ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái vốn dĩ đã tồn tại từ xưa đến nay, dễ gây mất cân bằng, giảm đa dạng sinh học
Dẫn chứng: Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam): muốn sản xuất 1 tấn alumina, phải khai thác ít nhất 2 tấn quặng bauxite và thải ra đến 1,5 tấn bùn đỏ. Đây là gánh nặng cho môi trường tự nhiên.
- Ảnh hưởng 2: Khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản làm cạn kiệt khoáng sản trong tương lai
+ Khoáng sản phân bố không đều ở các quốc gia, các địa phương nhưng có điểm chung là không thay đổi về số lượng, không thể sinh ra mỏ khoáng sản mới.
+ Mỗi lần khai thác, số lượng khoáng sản sẽ ít dần đi mà không thể bổ sung được, ngày càng giảm bớt, dẫn đến thiếu thốn và cạn kiệt trong tương lai.
+ Khi khai thác, có những trường hợp không tuân thủ kĩ thuật hoặc khai thác trái phép càng làm đẩy nhanh quá trình cạn kiệt của loại tài nguyên này.
Dẫn chứng: số lượng mỏ khoáng sản qua các năm ít dần đi. Chỉ tính riêng quặng sắt sẽ có thể cạn kiệt vào năm 2062 – theo dự báo của ông Lester Brown - nhà phân tích môi trường, sáng lập Viện Chính sách Trái đất của Mỹ.
- Ảnh hưởng 3: Khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản tác động đến đời sống dân cư, tình hình an ninh trật tự của những khu vực có hoạt động này
+ Để khai thác khoáng sản, cần huy động lượng lớn máy móc hiện đại và nhân lực lao động.
+ Việc tập trung đông dân cư hoặc các hoạt động khai thác sẽ gây ra những xáo trộn đối với địa phương tiến hành khai thác: sự khác biệt về văn hóa, lối sống, quan điểm… tập trung đông dân cư gây mất trật tự an ninh
Dẫn chứng: nguồn lao động tới những khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản đông, kéo theo những sự thay đổi về văn hóa, giá cả thị trường, các loại hình dịch vụ…
4. Luận điểm 4: Ý kiến trái chiều và phản bác
- Ý kiến: Khoáng sản là nguồn tài nguyên tự nhiên, được thiên nhiên ban tặng nên có thể tự do khai thác để phục vụ lợi ích bản thân.
- Phản bác: Khoáng sản là nguồn tài nguyên thuộc sự quản lí của nhà nước, khi khai thác cần phải được cấp phép và đảm bảo đủ các tiêu chuẩn về kĩ thuật, môi trường… Tất cả các hành động khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản khi chưa được cấp phép, không đảm bảo các yêu cầu đều là trái pháp luật và sẽ bị trừng trị thích đáng.
5. Luận điểm 5: Giải pháp có tính khả thi để khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản
- Tập trung nghiên cứu, đầu tư các công nghệ khai thác khoáng sản tiên tiến, hiện đại để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên này.
- Khai thác hợp lí, có kế hoạch, lộ trình để đảm bảo không bị cạn kiệt nguồn tài nguyên quý giá này và giảm thiểu những tác động đối với môi trường và hệ sinh thái.
- Có chính sách quản lí, giám sát việc khai thác một cách chặt chẽ để tránh tình trạng khai thác trái phép, lén lút, gây hậu quả nghiêm trọng.
- Tăng cường khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo để giảm thiểu tác hại của việc khai thác khoáng sản với môi trường, giữ gìn nguồn tài nguyên quý giá này.
- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để có thể bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản một cách hiệu quả nhất.
III. Kết bài
- Khẳng định vấn đề: Tài nguyên khoáng sản là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, cần phải khai thác hợp lí và bảo vệ nguồn tài nguyên này.
- Liên hệ: Mỗi người hãy chung tay để thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ tài nguyên khoáng sản.
Nghị luận về vấn đề cần giải quyết khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản
Thiên nhiên ban tặng cho con người những món quà vô giá: nguồn không khí trong lành, thảm thực vật phong phú, động vật đa dạng, đất đai màu mỡ, rừng vàng biển bạc… Khoáng sản cũng là một trong những tài nguyên quý giá mà con người được thiên nhiên ban tặng. Vậy, với những nguồn tài nguyên thiên nhiên nói chung, đặc biệt với tài nguyên khoáng sản nói riêng thì chúng ta nên có cách ứng xử, khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên này như thế nào?
Trước hết, chúng ta cần hiểu được tài nguyên khoáng sản là gì và thế nào là khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản? Có thể hiểu một cách chung nhất rằng, tài nguyên khoáng sản là tích tụ vật chất dưới dạng hợp chất hoặc đơn chất trong vỏ Trái Đất, mà ở điều kiện hiện tại, con người có đủ khả năng lấy ra các nguyên tố có ích hoặc sử dụng trực tiếp chúng trong đời sống hằng ngày. Tài nguyên khoáng sản thường tồn tại trong các mỏ khoáng sản, đa dạng về chủng loại. Khoáng sản thường được chia làm 4 loại: khoáng sản năng lượng, kim loại, khoáng sản xây dựng và khoáng sản công nghiệp. Khoáng sản, khoáng chất có ích được tích tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất. Ví dụ: thạch anh, đất hiếm, sắt, đồng, than, dầu.,... Những tài nguyên khoáng sản này là món quà quý giá mà con người được nhận từ thiên nhiên. Việc khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản là hành động tác động của con người đến nguồn tài nguyên này nhằm phục vụ cho đời sống bản thân, phát triển xã hội.
Tài nguyên khoáng sản có ảnh hưởng tích cực và có vai trò, lợi ích, tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống của con người. Con người sinh sống trong vòng tay của thiên nhiên, được thiên nhiên cung cấp những điều kiện thuận lợi, những món quà quý giá. Nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú sẽ giúp ích cho con người rất nhiều trong cuộc sống, từ phương diện phát triển kinh tế đến chính trị, xã hội.
Về mặt kinh tế, nguồn tài nguyên này có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của con người nói chung, của các quốc gia nói riêng. Các loại tài nguyên khoáng sản có sẵn trong tự nhiên rất đa dạng, quý giá và phân bố không đều. Hầu hết các nguồn tài nguyên khoáng sản đều có giá trị kinh tế cao: dầu, than, đồng, bauxit… Các quốc gia đều khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản để phục vụ phát triển kinh tế. Những quốc gia có tài nguyên khoáng sản phong phú sẽ có lợi thế hơn so với những nơi không được ưu ái về nguồn tài nguyên này. Những quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú sẽ có tiềm lực khai thác, buôn bán, xuất khẩu… và đóng góp vào nền kinh tế chung của đất nước. Tại Việt Nam chúng ta - đất nước được đánh giá là “rừng vàng biển bạc”, có nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, nguồn khoáng sản khá phong phú thì ngành công nghiệp khai khoáng đã có đóng góp vào GDP chung của cả nước: năm 2022, ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam đóng góp vào GDP 2,93%, năm 2023 đóng góp vào GDP 2,48%.
Bên cạnh đó, tài nguyên khoáng sản còn là nguồn vật liệu để tạo nên các dạng vật chất có ích và của cải cho con người. Trong cuộc sống hàng ngày của con người luôn có sự hiện diện của các loại tài nguyên khoáng sản: xăng, dầu; các vật dụng dùng trong gia đình như bát đĩa, kem đánh răng, cốc chén…. Các ngành công nghiệp sản xuất đều hoạt động khi có sự góp mặt, đóng góp của khoáng sản. Đây là yếu tố gần như không thể thay thế được. Ta thấy, các khoáng sản như than, đồng, thiếc… góp phần vào ngành công nghiệp xây dựng, sản xuất; sắt dùng trong ngành luyện kim, đá vôi dùng để sản xuất xi măng và nhiều vật liệu xây dựng khác… Than đá là nguồn nhiên liệu được sử dụng rất nhiều trong ngành công nghiệp xây dựng và trong đời sống con người.
Không những thế, khoáng sản còn là nguồn tài nguyên quan trọng giúp các quốc gia có vị thế quan trọng về chính trị. Các quốc gia giàu khoáng sản có vị thế, tiếng nói nhất định và ngược lại, quốc gia nghèo hoặc không có khoáng sản phải phụ thuộc vào nguồn cung của các quốc gia ưu thế về tài nguyên này. Hiện nay, trên thế giới, trên ba phần tư trữ lượng dầu và khí tập trung ở 08 quốc gia; 75% trữ lượng than đã qua thăm dò tập trung tại các nước Mỹ, Trung Quốc, Úc, Nga, Ấn Độ, Đức và Nam Phi; trên 75% trữ lượng mangan tập trung tại Nam Phi và Ucraina… Những quốc gia giàu có về tài nguyên khoáng sản sẽ có tiếng nói nhất định trên chính trường, vì họ có ưu thế rõ rệt về việc khai thác, buôn bán, xuất khẩu… loại tài nguyên này.
Chính vì những tác động, ảnh hưởng tích cực của tài nguyên khoáng sản đối với đời sống con người, nên con người đã khai thác tài nguyên khoáng sản để phục vụ cho cuộc sống của mình. Tuy nhiên, việc khai thác nguồn tài nguyên này có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến mỗi con người, mỗi quốc gia.
Khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản làm tàn phá môi trường sống hiện tại. Có thể nói, các loại tài nguyên đều đảm bảo sự cân bằng của hệ sinh thái, tài nguyên khoáng sản cũng vậy. Vì thế, khi khai thác nguồn tài nguyên này phần nào đã làm mất cân bằng hệ sinh thái. Bụi, khí độc, nước thải… của ngành công nghiệp khai thác khoáng sản là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường sống. Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) thì muốn sản xuất 1 tấn alumina, phải khai thác ít nhất 2 tấn quặng bauxite và thải ra đến 1,5 tấn bùn đỏ. Như vậy, nếu khai thác các loại khoáng sản khác thì việc thải ra môi trường các chất thải, khí thải độc hại sẽ làm ảnh hưởng, tàn phá môi trường sống của chúng ta.
Việc khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản làm cạn kiệt khoáng sản trong tương lai. Có thể thấy, nguồn tài nguyên khoáng sản được sinh ra, tồn tại và không thay đổi. Khi con người khai thác nhằm phục vụ cho cuộc sống, sản xuất và sinh hoạt thì nguồn tài nguyên này (đồng, vàng, apatit, than, dầu khí… ) ngày càng giảm bớt, dẫn đến thiếu thốn và cạn kiệt trong tương lai. Đặc biệt, nếu việc khai thác không được định hướng đúng mức thì càng dẫn đến nguy cơ cạn kiệt và thiếu thốn tài nguyên này. Ông Lester Brown - nhà phân tích môi trường, sáng lập Viện Chính sách Trái đất của Mỹ - đã đưa ra tuyên bố rằng quặng sắt trên thế giới có thể cạn kiệt vào năm 2062, và rất nhiều loại khoáng sản khác cũng đang nằm trong nguy cơ cạn kiệt.
Hơn thế nữa, việc khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản còn có những tác động không nhỏ đến đời sống dân cư, tình hình an ninh trật tự của những khu vực có hoạt động này. Khoáng sản thường tồn tại ở các mỏ, khi tổ chức khai thác sẽ phải huy động máy móc, nhân công. Khi đó, nguồn lao động tới những khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản đông, kéo theo những sự thay đổi về văn hóa, giá cả thị trường…. Mặt tốt có thể dẫn đến kích cầu về mặt kinh tế, tuy nhiên cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy về môi trường, về đời sống xã hội, văn hóa…
Hiện nay, có người cho rằng, khoáng sản là nguồn tài nguyên tự nhiên, có thể tự do khai thác để phục vụ lợi ích con người, không cần quan tâm đến những yếu tố khác. Quan điểm này là hoàn toàn sai lầm; vì khoáng sản đúng là nguồn tài nguyên được thiên nhiên cung cấp, nhưng nếu khai thác một cách tự do, tùy tiện thì sẽ dẫn đến cạn kiệt tài nguyên này, kéo theo rất nhiều hệ lụy về mặt môi trường, kinh tế, xã hội. Khi đó thì môi trường sẽ bị tàn phá, kinh tế xã hội bị ảnh hưởng, tài nguyên cạn kiệt; cuộc sống của tất cả mọi người trên thế giới này đều sẽ bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau.
Như vậy, có thể thấy khoáng sản là nguồn tài nguyên quý giá, có tác động rất lớn đến con người, cả tích cực và tiêu cực. Chính vì thế, chúng ta phải có những giải pháp có tính khả thi để khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản một cách hợp lí và hiệu quả nhất. Mỗi quốc gia có nguồn tài nguyên này nên tập trung nghiên cứu, đầu tư các công nghệ khai thác khoáng sản tiên tiến, hiện đại để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên này và giảm thiểu tác hại đối với môi trường. Đồng thời, việc khai thác phải hợp lí, có kế hoạch, lộ trình để đảm bảo không bị cạn kiệt nguồn tài nguyên quý giá này và giảm thiểu những tác động đối với môi trường và hệ sinh thái. Có chính sách quản lí, giám sát việc khai thác một cách chặt chẽ để tránh tình trạng khai thác trái phép, lén lút, gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, cần chú trọng tăng cường khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo để giảm thiểu tác hại của việc khai thác khoáng sản với môi trường, giữ gìn nguồn tài nguyên quý giá này.
Có thể nói, tài nguyên khoáng sản là một trong những loại tài nguyên quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Tài nguyên này có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người, vị thế và sự phát triển của đất nước. Chính vì thế, chúng ta cần phải khai thác hợp lí và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.