Văn mẫu lớp 6: Tả lại một tiết học Ngữ văn 2 Dàn ý & 14 bài văn hay lớp 6

Ngữ văn là môn học chính, được học trong trường. Vì vậy, Download.vn mời bạn đọc cùng tham khảo Bài văn mẫu lớp 6: Tả lại một tiết học Ngữ văn.

Tả lại tiết học Ngữ văn
Tả lại tiết học Ngữ văn

Tài liệu sẽ bao gồm 2 dàn ý chi tiết và 14 bài văn mẫu, dành cho học sinh lớp 6. Hãy cùng theo dõi nội dung chi tiết ngay sau đây.

Dàn ý tả lại tiết học Ngữ văn

Dàn ý số 1

1. Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu về tiết học Ngữ văn: Em rất yêu thích môn Ngữ văn. Môn học này đã mang lại cho em nhiều kiến thức bổ ích, không chỉ về văn học mà còn về cuộc sống nữa...

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh

- Thời gian: Thứ mấy? Tiết mấy?

- Không gian: Lớp học như thế nào?

b. Diễn biến của tiết học

- Trước khi vào tiết: Tiếng trò chuyện sôi nổi; Một số bạn ngồi ôn lại bài…

- Vào tiết học

  • Tiếng trống vang lên, cả lớp ổn định chỗ ngồi và giữ trật tự.
  • Cô giáo bước vào lớp, học sinh đứng dậy chào.
  • Phần kiểm tra bài cũ: Một số bạn được gọi lên trả lời, cô giáo cho điểm.
  • Giới thiệu bài mới: Tên bài học, Ấn tượng về nội dung bài học, lời giảng của cô giáo…
  • Học sinh chăm chú lắng nghe lời giảng của cô. Đôi lúc, cô cũng đưa ra những câu hỏi để chúng em có thể trao đổi. Nhiều bạn đã giơ tay phát biểu.

=> Tiết học diễn ra sôi nổi, hấp dẫn.

- Kết thúc tiết học: Cô giáo giao bài tập về nhà.

c. Cảm nhận về tiết học Ngữ văn

- Bổ ích, thú vị

- Học được thêm kiến thức mới

- Yêu thích môn Ngữ văn hơn…

3. Kết bài

Khẳng định ý nghĩa của tiết học Ngữ văn.

Dàn ý số 2

I. Mở bài

  • Giới thiệu về tiết học Văn: học bài gì, phần nào.
  • Cảm nhận thế nào về không khí buổi học: sôi nổi, trầm lắng…

II. Thân bài

1. Miêu tả lớp trước khi vào tiết học

  • Thầy cô giáo bước vào lớp.
  • Học sinh chào thầy cô.
  • Quá trình thầy cô giới thiệu bài học.

2. Miêu tả các hình ảnh trong khi học

  • Lớp học tập theo nhóm.
  • Các bạn học sinh thi đua học tập.
  • Thầy cô giảng vang vọng, ghi những dòng phấn trắng nắn nót.
  • Các học sinh liên tưởng đến hình ảnh được nhắc đến trong bài học.
  • Các hình ảnh khác trong lớp và ngoài sân.

3. Miêu tả hình ảnh kết thúc tiết học

  • Các bạn học sinh tổng kết nội dung bài qua sơ đồ tư duy.
  • Thầy cô tổ chức trò chơi rồi giao nhiệm vụ về nhà.

III. Kết bài

Nêu cảm nghĩ về tiết học.

Tả lại tiết học Ngữ văn ngắn gọn

Ngữ văn là môn học đã để lại cho em nhiều kiến thức bổ ích, không chỉ về văn học mà còn về cuộc sống nữa. Em vẫn còn nhớ đến tiết học môn Ngữ văn đầu tiên dưới mái trường cấp hai. Tiết học vào tiết hai, buổi sáng thứ hai. Tiếng trống báo hiệu vào lớp vang lên, cô giáo bước vào lớp. Chúng em đứng dậy chào cô, sau đó cô đã yêu cầu cả lớp ngồi xuống. Cô tự giới thiệu về bản thân, sau đó là phần giới thiệu của từng học sinh. Tiếp đến, cô giới thiệu cho cả lớp về môn học Ngữ văn. Bốn mươi lăm phút trôi qua thật nhanh. Sau giờ học, em đã hiểu hơn về môn học này. Tiết học Ngữ văn đầu tiên thật ý nghĩa, gợi cho em sự hào hứng về những tiết học trong tương lai.

Tả lại tiết học Ngữ văn - Mẫu 1

Môn học mà tôi thích nhất là Ngữ Văn. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi về tiết học môn Ngữ văn đầu tiên.

Sáng thứ hai, lớp của tôi có một tiết Ngữ văn vào tiết bốn. Khi tiếng trống vang lên, cô giáo nhanh chóng bước vào lớp. Đầu tiên, cô giới thiệu về bản thân. Tên của cô là Hà Phương. Sau đó, cô giới thiệu về môn học Ngữ văn. Nhờ vậy, chúng tôi đã hiểu hơn về môn học này.

Kết thúc phần giới thiệu, chúng tôi vào giờ học. Cô giáo viết trên bảng dòng chữ: “Bài học đường đời đầu tiên” và yêu cầu cả lớp đọc văn bản trong mười phút. Hết thời gian, cô tổ chức một trò chơi đố vui về bài học. Những câu hỏi được đặt ra có kèm theo phần quả cho câu trả lời đúng. Rất nhiều bạn đã nhận được phần thưởng. Kết thúc trò chơi, cô bắt đầu giảng bài.

Những kiến thức về tác giả, tác phẩm được cô giới thiệu một cách ngắn gọn. Từng lời giảng của cô khiến chúng tôi chăm chú lắng nghe. Cô vừa giảng, vừa đọc cho cả lớp chép những nội dung quan trọng. Cuối cùng, cô còn tổng kết lại giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản. Tiết học diễn ra rất vui vẻ, sôi nổi. Sau tiết học, tôi đã có thêm được kiến thức bổ ích.

Tiết học Ngữ Văn đầu tiên đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp. Không chỉ vậy, tôi cũng thêm yêu thích môn học này hơn.

Tả lại tiết học Ngữ văn - Mẫu 2

Em rất yêu thích môn Ngữ văn. Môn học này đã mang lại cho em nhiều kiến thức bổ ích, không chỉ về văn học mà còn về cuộc sống nữa.

Em vẫn còn nhớ đến tiết học môn Ngữ văn đầu tiên dưới mái trường cấp hai. Tiết học diễn ra vào buổi sáng thứ ba. Khi tiếng trống báo hiệu vào lớp vang lên, bạn lớp trưởng yêu cầu cả lớp ổn định chỗ ngồi và giữ trật tự. Khoảng năm phút sau, cô giáo bước vào lớp. Chúng em đứng dậy chào cô, sau đó cô đã yêu cầu cả lớp ngồi xuống. Cô tự giới thiệu về bản thân, sau đó là khái quát về chương trình của môn học Ngữ văn lớp 6. Xong xuôi, cô yêu cầu cả lớp mở sách để bắt đầu học bài. Tiết học đầu tiên sẽ học đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” của nhà văn Tô Hoài.

Mở đầu tiết học, cô giáo yêu cầu cả lớp đọc lại nội dung của đoạn trích trong sách giáo khoa. Thời gian đọc là mười lăm phút. Sau đó, cô đã tổ chức một trò chơi tập thể. Ba tổ sẽ được chia làm ba đội. Trong vòng ba phút, các đội sẽ thi tìm nhanh trong đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” các danh từ, động từ và tính từ. Đội nào tìm được nhiều từ nhất sẽ giành chiến thắng.

Kết thúc trò chơi, cô giáo bắt đầu giảng bài. Chúng em chăm chú lắng nghe lời giảng của cô. Thỉnh thoảng, cô còn đưa ra một số câu hỏi để học sinh trao đổi. Rất nhiều bạn đã giơ tay phát biểu. Tiết học diễn ra sôi nổi, hấp dẫn. Những câu trả lời tốt của chúng em còn được cô giáo khen tặng bằng những điểm tốt. Bốn mươi lăm phút trôi qua thật nhanh. Tiết học Ngữ văn đầu tiên đã để lại cho em sự yêu thích, hứng thú với môn học này.

Ngữ văn là môn học quan trọng trong chương trình học tập. Vì vậy, chúng ra cần tích cực học tập môn học này để tương lai trở nên tốt đẹp hon.

Tả lại tiết học Ngữ văn - Mẫu 3

Tình yêu đối với môn Ngữ Văn của em đến rất tình cờ. Em là một cô học trò nhỏ có niềm đam mê với ngoại ngữ. Khi lên đến cấp hai, niềm đam mê đấy vẫn rất mãnh liệt trong em, cho đến khi em được học bài “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” thì lòng nhiệt huyết của em lại cháy cho một môn học khác – môn Ngữ Văn.

Hôm đấy là một ngày nắng chói chang hiếm hoi của ngày cuối thu. Tiếng trống trường vang lên như thường lệ để báo hiệu tiết học mới bắt đầu. Như thường lệ, cô giáo vào lớp mang theo một nụ cười tươi tắn trên môi và bắt đầu kiểm tra bài cũ. Lớp chúng em là lớp chọn nên việc kiểm tra bài cũ luôn luôn làm cô mãn nguyện vì tinh thần học tập của các bạn trong lớp.

Sau khi kiểm tra bài cũ xong, cô giáo bắt đầu giảng bài mới. Bài học hôm đấy của lớp em là bài “Sự giàu đẹp của tiếng Việt”. Để bắt đầu tiết học, cô giáo đã truyền cảm hứng cho bọn em bằng câu mở đầu vô cùng xúc động: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ hội nhập, các em được tự do tìm hiểu hứng thú với nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau. Các em có thể dễ dàng học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức… và cảm thấy ngôn ngữ đấy mang đến cho các em niềm hưng phấn muốn chinh phục. Nhưng có ai nhớ rằng, tiếng Việt của chúng ta cũng rất giàu đẹp, để giữ được thứ ngôn ngữ ấy, cha ông ta đã phải trải qua hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đã đổ xuống mảnh đất này biết bao nhiêu máu và nước mắt. Tiếng Việt là ngôn ngữ thiêng liêng bởi nó mang trong mình dòng máu của các anh hùng, là ngôn ngữ cao đẹp vì nó đại diện cho lòng yêu nước của cả dân tộc, là ngôn ngữ cao quý bởi nó là kết tinh của cả một nền văn hóa hàng ngàn năm lịch sử mà cha ông ta đã đúc kết được và phát huy đến ngày nay”. Nghe cô giảng bài mà mắt em bỗng ươn ướt, đây là lời kết tội đanh thép nhất đối với con bé sính ngoại như em. Có lẽ cũng bị ảnh hưởng bởi những câu nói xúc động của cô giáo mà lớp học im phăng phắc. Em còn nhớ rất rõ, hôm đấy cô giáo cũng đặc biệt khác mọi ngày. Cô dường như say mê hơn, cô như đang hồi tưởng lại một trang quá khứ hào hùng của dân tộc để truyền hết mọi tình yêu tiếng Việt cho chúng em. Bài giảng ngày hôm đấy của cô giống như một tiết học về lòng yêu nước được thể hiện thông qua từng con chữ.

Niềm đam mê văn học của em có lẽ cũng được bắt nguồn từ tiết Ngữ Văn ngày hôm đấy. Sau này, mỗi lần đến giờ học môn Ngữ Văn là em lại cảm thấy tràn đầy nhiệt huyết và chờ mong. Em chờ mong sự đa dạng của ngôn ngữ tiếng Việt. Em khao khát tìm hiểu sự giàu đẹp trong từng con chữ, và em say mê tìm hiểu về lịch sử của nó. Có lẽ em phải đặc biệt cảm ơn nhà văn Đặng Thai Mai và cô giáo của em đã mang đến cho em một niềm say mê lớn như vậy. Cho đến bây giờ niềm say mê ấy đối với từng con chữ vẫn đang cháy bỏng.

Tả lại tiết học Ngữ văn - Mẫu 4

Đầu năm tôi học lớp sáu, chúng tôi được nhà trường báo là sẽ có cô giáo mới đến dạy môn Ngữ văn. Vào tiết học đầu tiên, cả lớp đã cảm thấy vô cùng ấn tượng về cô.

Đầu tiên, cô giáo giới thiệu cho chúng tôi về cô. Cô tên là Phương, giáo viên dạy môn Văn. Đồng thời, cô cũng sẽ là giáo viên chủ nhiệm của chúng tôi nữa. Sau khi giới thiệu xong, cô đã đưa ra một bài kiểm tra cho cả lớp. Chúng tôi cảm thấy khá lo vì chưa có sự chuẩn bị trước. Nhưng cô đã động viên rằng đây chỉ là một bài kiểm tra năng lực, sẽ không tính vào điểm chính. Khoảng mười phút sau, cô giáo yêu cầu thu bài.

Kết thúc kiểm tra, cô bắt đầu dạy bài học mới. Cô Phương nắn nót ghi lên bảng những dòng chữ thật đẹp về bài học hôm nay đó là bài thơ “Lượm”. Đây là bài thơ chúng tôi đã được nghe các anh các chị đọc cho nghe nhưng chúng tôi mới chỉ biết đến bài thơ nhưng chưa hiểu về nội dung bài thơ.

Đầu tiên cô giới thiệu cho chúng tôi về hoàn cảnh ra đời về bài thơ cũng như về tác giả Tố Hữu. Chúng tôi đứa nào đứa đấy lắng tai lên nghe từng câu nói truyền cảm của cô. Giọng cô ấm áp, trầm bỏng. Chúng tôi đứa nào đứa đấy hóng tai lên nghe như không muốn để sót một câu nói nào của cô cả. Lúc này tôi mới để ý lớp tôi hôm nay rất im lặng im lặng một cách khác thường so với những tiết Văn trước. Chúng tôi không phải lớp chuyên văn thế nhưng khi cô dạy bài chúng tôi lại thấy những câu văn lời thơ không còn nhàm chán đối với chúng tôi nữa mà dường như nó đã được thổi hồn vào khiến cho chúng tôi cảm nhận được nó một cách sâu sắc hơn. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi được xem máy chiếu trong tiết học văn. Cô giáo chiếu những hình ảnh rất sinh động về hình ảnh cậu bé Kim Đồng khiến chúng tôi đứa nào đứa nấy đều cảm thấy vô cùng thích thú. Từng khổ thơ cô cho chúng tôi xem một hình ảnh một cậu bé liên lạc khiến chúng tôi thấy rất hứng thú. Khổ đầu tiên là hình ảnh chú bé liên lạc trên đường đi làm nhiệm vụ. Cùng với đó là hình ảnh chú bé như đang được bước ra khỏi câu thơ đó là một hình ảnh chú bé trẻ trung vui tươi khiến những câu thơ dường như dần dần đi vào trong trí nhớ của chúng tôi chứ không cần phải học thuộc lòng như trước đây nữa.

Mỗi đoạn cô đều hướng dẫn cho chúng tôi cách đọc sao cho có cảm xúc,đầu tiên cô đọc cho chúng tôi nghe trước sau đó mới gọi chúng tôi đọc lại một lần nữa cho nhớ thơ. Giong cô đọc lúc cao trào lúc lại nén lòng xuống khi chú bé liên lạc hi sinh, giọng cô khiến chúng tôi cảm nhận được sự hi sinh của đồng chí nhỏ tuổi khi đang làm nhiệm vụ. Cô đã khiến chúng tôi hiểu được sự hy sinh cao cả của đồng chí. Chắc hồi đó đồng chí cũng chỉ bằng tuổi chúng tôi cũng chỉ nhỏ như chúng tôi bây giờ nhưng ở chú bé có một lòng dũng cảm mà chúng tôi không thể có được. Nhìn tấm gương chú chúng tôi càng cảm thấy mình cần phải học thật giỏi để có thể xứng đáng với sự hy sinh cao cả mà chú đã dành cho chúng tôi có được cuộc sống ấm no như ngày hôm nay.

Từng câu hỏi từng lời gợi ý của cô dành cho chúng tôi được đưa ra để chúng tôi có thể hiểu bài một cách sâu sắc hơn. Những câu hỏi của cô chúng tôi đều thấy rất thích thú chả thế mà cả lớp chúng tôi đều giơ tay để trả lời các câu hỏi của cô. Ở những câu hỏi khó cô gợi ý và cô còn cho điểm nếu ai trả lời được nên càng khiến không khí của lớp tôi sôi động hẳn lên. Cô để cho chúng tôi thảo luận về câu hỏi một cách thoải mái khiến chúng tôi cảm thấy giờ học rất thú vị.

Hai tiết học trôi qua thật nhanh chẳng thế mà đã vào môn học khác. Buổi học hôm nay rất đặc biệt đối với chúng tôi ,chúng tôi đã có một cảm nhận rất khác đối với chúng tôi,chúng tôi không còn cảm thấy sợ môn văn nữa mà chúng tôi đã dần cảm nhận được nó một cách sâu sắc hơn chứ không còn học thuộc như trước đây nữa.

Tả lại tiết học Ngữ văn - Mẫu 5

Hằng ngày em được học nhiều tiết học hay và lý thú. Nhưng tiết học Văn của ngày thứ năm vừa qua đã để lại cho em nhiều điều thích thú hơn cả.

Hôm ấy là một ngày đẹp trời. Chúng em đang ngồi tranh luận với nhau về những hài học cũ, tiếng trống vào lớp vang lên. Các bạn nhanh chóng mở sách chuẩn bị cho bài học mới, cô giáo bước vào lớp với nụ tươi tắn trên môi. Sau khi ổn định tổ chức lớp, cô hỏi:

- Các em đã chuẩn bị bài chưa?

Cả lớp đồng thanh đáp:

-Thưa cô rồi ạ!

Cô kiểm tra bài cũ, bạn nào cũng trả lời trôi chảy và đạt điểm cao. Cô rất hài lòng, khen cả lớp có tinh thần học tập. Rồi cô nhắc chúng em mở sách học bài mới, lời giới thiệu vào bài mới của cô được bắt đầu thật ấn tượng:

- Các em ạ, trong mỗi chúng ta ai cũng có một quê hương. Nơi ấy chính là nơi sinh ra và nuôi lớn tâm hồn mỗi con người. Để tìm được tình yêu thương đất nước được bắt nguồn từ đâu, từ những gì chúng ta sẽ được tìm hiểu trong bài “Lòng yêu nước”.

Cả lớp tôi như trầm xuống và nuốt lấy từng lời cô giảng. Trên nền bảng đen, từng dòng phấn trắng dần dần hiện ra. Sau phần giới thiệu tác giả, tác phẩm, cô hướng dẫn cách đọc và đọc câu. Giọng cô đọc nhẹ nhàng, đầm ấm và truyền cảm. Cô gọi bạn Lan đọc bài. Bạn đọc to rõ ràng. Sang phần phân tích tác phẩm, mọi người trở nên linh hoạt hơn. Những cánh tay xinh xắn giơ lên đều tăm tắp trước những câu hỏi của cô. Bạn nào cũng muốn được cô giáo gọi. Tất cả dường như ai cũng bị cuốn hút vào giờ học. Không ai còn lơ đãng và đều quên đi cái không gian âm thanh ngoài cửa lớp như chim ngừng hót, cây lá ngừng rung. Mọi vật đều im nghe lời cô giảng. Em được cô giáo gọi. Do chuẩn bị bài tốt nên em đã trả lời đúng:

- Lòng yêu nước được bắt nguồn từ việc yêu những thứ tầm thường nhất, quen thuộc nhất: yêu nhà, yêu quê hương tức là yêu đất nước của mình, yêu người thân.

Cô khen em có nhiều tiến bộ. Em sung sướng vô cùng và đã tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng nhiều hơn. Qua lời cô giảng, trên khuôn mặt các bạn ai đều có niềm vui tự hào và lòng yêu đất nước. Dường như tất cả đều muốn vươn lên trong học tập. Giờ học diễn ra say sưa sôi nổi. Tiếng trống báo hiệu hết giờ. Giọng cô vẫn vang vọng trong đầu.

Bài học đã kết thúc nhưng lời cô còn in đậm trong tâm trí em. Em mong sao lớp em có được nhiều giờ học hay như thế.

Tả lại tiết học Ngữ văn - Mẫu 6

Mỗi ngày đến trường là thêm một ngày vui và nhiều điều bổ ích. Những giờ học toán, học lý hay học hóa đều khiến đầu óc căng thẳng, tập trung suy nghĩ và tư duy rất nhiều. Nhưng xen vào trong những tiết học căng thẳng đó luôn là những tiết học bổ ích, nhẹ nhàng mà lại sâu lắng. Đó là tiết học môn ngữ văn. Tiết học mà em luôn mong đợi vì nó có thật nhiều điều thú vị. Tiết văn hôm nay, chúng em được học bài thơ “ Đêm nay Bác không ngủ”.

Mà mọi thứ không như em vẫn mong đợi. Đầu giờ, cô giáo cho chúng em làm một bài kiểm tra mười lăm phút. Cái tin ấy gây nên sự xôn xao khe khẽ. Những bạn học bài thì vui mừng, mong có cơ hội tìm kiếm được những điểm cao, bổ sung cho bảng điểm đang còn nghèo nàn. Còn những kẻ chưa học bài thì lo lắng và sợ sệt. Chúng em sột soạt lấy giấy ra làm bài. Mười lăm phút kiểm tra khiên lớp học trở nên im lìm, không tiếng động, chỉ có tiếng ngòi bút đưa trên giấy. Hết giờ, cô thu bài, lớp học lại rộ lên bàn tán, hỏi han vì bài kiểm tra. Cô phải giữ trật tự. Cô bảo chúng em mở vở ra ghi bài. Cô nắn nót ghi tên bài Đêm nay Bác không ngủ thật to và đậm bằng phấn màu. Sau đó, cô cho chúng em xem ảnh Bác trong chiến dịch Biên giới – là thời điểm khi tác giả viết bài thơ này. Cả lớp ồ lên thích thú.

Cô đọc mẫu cho cả lớp nghe một đoạn. Cô hướng dẫn chúng em đọc đúng và diễn cảm rồi cô gọi các bạn trong lớp đứng lên đọc tiếp bài. Bài thơ được đọc lên từ rất nhiều người, nhiều giọng nói khác nhau. Nhưng tất cả các bạn trong lớp đều cảm nhận được sự vĩ đại của Bác Hồ kính yêu – vị lãnh tụ của dân tộc. Bài thơ kết thúc. Cô tiếp tục dẫn dắt bài, gợi ý cho chúng em tìm hiểu về bài thơ, để có thể cảm nhận hết được ý thơ.

Những câu hỏi gợi ý và cách dẫn dắt của cô giúp chúng em hiểu bài rất nhanh. Cả lớp hăng hái giơ tay phát biểu xây dựng bài. Những câu hỏi khó thì cô gợi ý, chia ra làm nhiều nhóm cho chúng em thảo luận. Những câu hỏi đơn giản như tìm từ ngữ, miêu tả hình dáng qua đó bộc lộ được phẩm chất của Bác thì ai cũng xung phong, ai cũng muốn được trả lời, để được cô khen. Sau mỗi ý, bao giờ cô cũng chốt lại nội dung cơ bản cho chúng em ghi. Giờ học trôi qua thật nhanh, chẳng ai mong hết tiết mà chỉ muốn kéo dài thêm giờ học. Không khí học tập của lớp sôi nổi hẳn lên. Cách ghi bảng của cô khiến chúng em nắm ngay được những ý cơ bản.

Tiếng trống trường vang lên. Cũng là lúc cô kết thúc bài giảng của mình. Cô vui vì tinh thần học tập và sự hăng say xây dựng bài của chúng em. Còn chúng em vui vì qua tiết học chúng em được trả qua nhiều cung bậc cảm xúc và bản thân mỗi người thấy yêu cuộc sống hơn, thấy tự hào, có động lực để chúng em phấn đấu. Cả lớp ai cũng chờ đến tiết văn tiếp theo

Tả lại tiết học Ngữ văn - Mẫu 7

Hàng ngày em được học rất nhiều môn học vô cùng thú vị và hấp dẫn. Những tiết học của giờ Văn ngày thứ sáu vừa qua thật sự để lại cho em nhiều điều vô cùng thích thú. Nó mãi mãi là một kỷ niệm không thể nào quên trong lòng em. Nó trở thành một kỷ niệm thiêng liêng vô cùng quan trọng trái tim của em, là hành trang theo em tới suốt cuộc đời của mình.

Nó bồi dưỡng cho em rất nhiều kiến thức, cho em hướng tới ước mơ tương lai của mình, biết yêu quê hương đất nước nhiều hơn. Đó chính là những tiết học của giờ Văn do cô Nhung giảng dạy.

Ngày hôm ấy trời vô cùng trong xanh trên những cành cây cao có những chú chim hót líu lo, tạo nên một bản tình ca hấp dẫn cho một ngày mới. Khi tiếng trống vào lớp vang lên chúng em nhanh chóng ổn định chỗ ngồi của mình. Khi cô tới cửa lớp bạn lớp trưởng khẽ hô "Các bạn đứng" chúng em vội vàng đứng lên chào cô, thể hiện hành động tôn sư trọng đạo của mình với thầy cô giáo.

Cô Nhung bước vào, các bạn nhanh chóng mở sách chuẩn bị cho giờ học mới. Cô nhìn cả lớp nở một nụ cười thân thiện trên môi, sau khi ổn định chỗ ngồi cô hỏi cả lớp "Các em đã làm bài cũ chưa?" Cả lớp ngoan ngoãn đồng thanh đáp lại lời cô "Dạ thưa cô rồi ạ!" Rồi cô bước về bục giảng chuẩn bị kiểm tra bài cũ.

Cô gọi bạn Trang, bạn Tùng lên bảng trả lời miệng, bạn nào cũng thuộc bài trả lời lưu loát những gì cô hỏi nên đạt điểm cao. Hôm đó, cô Nhung mặc một chiếc áo dài màu thiên thanh vô cùng tinh tế, từng đường kim mũi chỉ rất vừa vặn làm cho thân hình cô trong thanh tao, trang nhã. Cô buông mái tóc đen dài mượt tới ngang lưng của mình khiến cho tụi học trò nữ chúng tôi nhìn cô vô cùng ngưỡng mộ, xuýt xoa khen cô đẹp quá!

Cô giáo rất vui, hài lòng khen cả lớp có tinh thần học tập bài cũ. Rồi cô nhắc cả lớp mở vở ghi bài mới, cô mời bài bằng những lời giới thiệu vô cùng hấp dẫn, ấn tượng.

Cô nói về đề tài quê hương "Trong mỗi chúng ta ai cũng có một miền quê, nơi chôn rau cắt rốn. Nơi sinh ra nuôi dưỡng chúng thanh thành người. Cũng nhưng những câu thơ mà nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết:

“Quê hương mỗi người chỉ một
Nhưng là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”

Để tìm được tình yêu quê hương, đất nước bắt nguồn từ nơi nào thì chúng ta cần phải tìm hiểu trong bài học sau đây "Lòng yêu nước. Cả lớp lắng nghe từng lời cô giảng như uống từng giọt mật ngọt.

Sau đó cô giáo giới thiệu về tác giả, rồi tới nội dung tác phẩm. Cô hướng dẫn cách đọc mẫu như thế nào cho đúng cách, giọng của cô vô cùng nhẹ nhàng trầm ấm, truyền cảm khiến cho chúng em vô cùng thích thú.

Cô gọi ban Mai đọc lại bài của mình, giọng đọc của bạn vô cùng rõ ràng rành mạch, khiến cho các bạn trong lớp vô cùng ngưỡng mộ. Sang phần phân tích cô diễn tả vô cùng linh hoạt, tinh tế, khiến chúng tôi vô cùng dễ hiểu và cảm thấy yêu bài học hơn bao giờ hết.

Cô giáo đặt những câu hỏi, các bạn giơ cánh tay giơ lên đều thẳng tăm tắp. Bạn nào cũng muốn cô sẽ để ý tới mình, muốn được cô gọi để có thể trả lời. Không ai còn lơ là, mà rất tập trung, không còn ai mơ màng ở ngoài cửa lớp, dù bên ngoài những tiếng chim vô cùng líu lo, ríu rít.

Lòng yêu nước bắt nguồn từ những việc vô cùng nhỏ bé như yêu quê hương, yêu người thân, bạn bè, người thân của mình.Bài học đã kết thúc những lời in đậm trong tâm thức của chúng em. Em mong sao mình sẽ được học nhiều giờ học bổ ích, hiệu quả như thế.

Tả lại tiết học Ngữ văn - Mẫu 8

Em không yêu thích môn văn như nhiều bạn trong lớp, và em thường say mê với các môn tự nhiên hơn. Các tiết học về môn văn không làm em thích thú, thậm chí còn làm em thấy chán nản. Khi chúng em được học văn bản “Lòng yêu nước” của I-li-a Ê-ren-bua và tình yêu đối với môn văn trong em bắt đầu từ hôm đó.

Tiếng trống vào lớp đã vang lên, các bạn đã vào hết lớp học của mình và ổn định chỗ ngồi. Nhiều bạn đã nhanh chóng mở sách chuẩn bị cho bài học mới, cô giáo bước vào lớp với nụ nước tươi tắn trên môi. Sau khi ổn định tổ chức lớp, cô hỏi: “Các em đã chuẩn bị bài chưa?”. Cả lớp đồng thanh đáp: “Thưa cô rồi ạ!”. Cô kiểm tra bài cũ, bạn nào cũng trả lời trôi chảy và đạt điểm cao. Cô rất hài lòng, khen cả lớp có tinh thần học tập.

Tiếp đến, cô nhắc chúng em mở sách học bài mới, lời giới thiệu vào bài mới của cô được bắt đầu thật ấn tượng: "Các em ạ, trong mỗi chúng ta ai cũng có một quê hương. Nơi ấy chính là nơi sinh ra và nuôi lớn tâm hồn mỗi con người Để tìm được tình yêu thương đất nước được bắt nguồn từ đâu, từ những gì chúng ta sẽ được tìm hiểu trong bài: Lòng yêu nước". Em thấy vô cùng xúc động trước lời giới thiệu của cô. Cả lớp ai cũng chăm chú nghe và ghi lại lời cô giảng. Trên bảng đen, từng dòng phấn trắng dần dần hiện lên. Sau phần giới thiệu tác giả, tác phẩm, cô hướng dẫn chúng em cách đọc và đọc mẫu. Giọng cô đọc nhẹ nhàng, đầm ấm và truyền cảm. Cô hỏi có ai xung phong đọc mẫu cho cả lớp không? Rất nhiều cánh tay giơ lên, em rất muốn đọc bài nhưng em biết giọng mình không hay. Hơn nữa trước đến giờ em là người không hào hứng với môn văn, nhưng hôm nay em thấy háo hức vô cùng. Cánh tay của em run rẩy dơ lên. Cô nhìn thấy điều đó, nhưng vẫn gọi em lên đọc. Những từ đầu tiên vang lên trôi chảy và em đọc sôi nổi, liền mạch như quên hết mọi thứ xung quanh Những dòng văn làm em xúc động vô cùng: "Người vùng Bắc nghĩ đến cánh rừng bên dòng sông Vi-na hay miền Xu-cô-nô, những đêm tháng sáu sáng hồng người xứ U-crai-na nhớ bóng thùy dương tư lự bên đường, cái bằng lặng của trưa hè vàng ánh Người xứ Gru-di-a ca tụng khí trời của núi cao, nỗi vui bất chợt, những lời thân ái giảm dị, những tiếng cuối cùng của câu tạm biệt người ở thành Lê-nin-grát nhớ dòng sông Nê-va rộng và đường bệ như nước Nga đường bệ, những tượng bằng đồng tạc những con chiến mã lồng lên, phố phường mà mỗi căn nhà là một trang lịch sử". Bài đọc đã hết, con tim em như nhảy nhót trong lồng ngực vừa vì xúc động, vừa hồi hộp không biết mình đọc bài ra sao. Cô giáo cùng cả lớp vỗ tay! Cô bảo rằng chưa khi nào em đọc bài mà nay lại đọc diễn cảm đến vậy, cô rất khen ngợi em. Em xúc động lắm và coi đó là động lực để em yêu thích học môn văn hơn.

Sau phần đọc của em là phần phân tích tác phẩm. Không biết có phải nhờ lời khen ngợi của cô mà em có cách nhìn khác, hay lớp học hôm nay khác mà em thấy lớp học rất sôi nổi. Khi cô đặt câu hỏi, những cánh tay nhỏ xinh xắn giơ lên đều tăm tắp. Bạn nào cũng muốn được cô giáo gọi trả lời. Tất cả dường như ai cũng bị cuốn hút vào giờ học. Không ai còn lơ đãng và quên đi cái không gian, âm thanh ngoài cửa lớp, tưởng như chim ngừng hót, cây lá ngừng rung. Mọi vật đều đứng nghe cô giảng bài: "Lòng yêu nước được bắt nguồn từ những vật tầm thường nhất, quen thuộc nhất: yêu nhà, yêu quê hương tức là yêu đất nước của mình, yêu người thân". Em còn được cô gọi lên phát biểu một vài lần nữa, cô khen em có tiến bộ. Em sung sướng vô cùng và đã tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng nhiều hơn. Qua lời cô giảng, trên khuôn mặt các bạn ai cũng chứa đựng một niềm vui tự hào và lòng yêu đất nước. Dường như tất cả đều muốn vươn lên trong học tập. Giờ học diễn ra say sưa và sôi nổi. Khi tiếng trống cất lên cũng là lúc bài giảng đã hết.

Giờ học đã kết thúc nhưng từng lời giảng của cô vẫn còn nguyên trong tâm trí em. Em nhận thấy môn văn thật thú vị, nó có sự thú vị khác với những môn học khác chứ không nhàm chán như trước đây tôi vẫn nghĩ. Sau buổi học đó tôi chăm chỉ học môn văn hơn và giờ đây tôi đã trở thành một học sinh giỏi văn của trường. Tôi sẽ nhớ tiết học ý nghĩa ấy trong suốt cuộc đời mình.

Tả lại tiết học Ngữ văn - Mẫu 9

“Bỗng lòe chớp đỏ,
Thôi rồi, Lượm ơi!
Chú đồng chí nhỏ,
Một dòng máu tươi!”

Cho đến bây giờ, những lời thơ đau xót ấy vẫn còn vang vọng trong tâm trí tôi. Tuần vừa qua, lớp tôi đều vô cùng ấn tượng với tiết Ngữ văn "Lượm" của cô giáo chủ nhiệm. Tiết học như tái hiện những khoảnh khắc vừa trong trẻo vừa bi hùng của thời kì kháng chiến của dân tộc.

Như mọi ngày, cô Nga bước vào lớp với ánh mắt nghiêm nghị. Chúng tôi đứng nghiêm chào cô sau khi Hoàng lớp trưởng hô lớn. Cô giáo tôi nhìn một vòng chung quanh lớp, ánh mắt cô dừng lại ở Chung "mập". Lớp lặng im phăng phắc nhưng chúng tôi ai nấy đều lén nhìn xuống chỗ cậu bạn. Thì ra cậu ta còn đang vội đưa vạt áo vào trong quần để đóng thùng. Cô tôi phì cười, chào lớp rồi cho chúng tôi ngồi. Mỗi tiết học, cô giáo lớp tôi đều có những phần khởi động hấp dẫn. Hôm ấy, cô Nga cho chúng tôi chơi "Vượt chướng ngại vật" như trong chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" theo nhóm. Chúng tôi đua nhau trả lời các câu hỏi hàng ngang là những người trẻ tuổi tài giỏi thời xưa hay các đồng chí thiếu niên dũng cảm thời chiến. Cuối cùng, nhóm tôi đã giải được từ khóa cần tìm là "Tuổi trẻ tài cao". Từ cụm từ ấy, cô Nga đã dẫn chúng tôi đến với bài thơ "Lượm" của nhà thơ Tố Hữu.

Đang trong không khí thi đua khốc liệt, lớp tôi tiếp tục tìm hiểu bài thơ theo nhóm. Chúng tôi được cô hướng dẫn tìm hiểu về tác giả Tố Hữu qua các gợi ý. Chúng tôi nhanh chóng có những ghi chú cho những gợi ý ấy. Khi cô chốt lại những hiểu biết chung về tác giả, lớp tôi im lặng nghe. Cô đã đọc những vần thơ cách mạng rất hào hùng mà không kém phần tha thiết "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lí chói qua tim..." Có lẽ, lớp tôi sẽ nhớ mãi giờ đọc thơ ngày hôm đó. Lan Anh của nhóm 1 giả giọng chú bé Lượm "Cháu đi liên lạc/ Vui lắm chú à..." Chúng tôi bật cười vì bạn ấy đọc với giọng rất "thảo mai". Cô Nga lập tức nhận xét Lan Anh đọc tốt vì thể hiện được vẻ tinh nghịch, hồn nhiên của lời nói nhân vật.

Bước vào phần tìm hiểu nội dung bài thơ, chúng tôi hăng say nghe cô giảng. Qua lời giảng của cô, tôi liên tưởng đến những chú bé mảnh khảnh với gương mặt hài hước nhưng nhanh nhẹn, tháo vát trong mấy bộ phim đen trắng thời xưa. Cô cất giọng trầm ấm kể về công việc của những chú bé liên lạc, về sự hiểm nguy của công việc ấy. Từng dòng phấn trắng cứ thế hiện ra và lấp đầy chiếc bảng xanh. Những gương mặt hào hứng của chúng tôi chỉ hướng về một phía - cô Nga. Mấy chiếc quạt trần cứ đua nhau quay vòng, khẽ phát ra những tiếng vù vù. Thanh âm ấy chẳng thấm vào đâu so với tiếng giảng của cô và tiếng thảo luận của trò lớp tôi. Ngoài trời, dường như gió và chim cũng lặng im nghe chúng tôi học.

Cuối tiết học, cô giáo cho chúng tôi tự tổng kết các nội dung đã học bài hôm đó qua sơ đồ. Các nhóm lại đua nhau "tăng tốc" với 10 câu hỏi nhanh của cô như mọi hôm. Tiết học Lượm ngày hôm đó đã giúp nhóm 2 của tôi vươn lên huy hiệu kim cương. Cô tôi còn giao nhiệm vụ cho ba nhóm là vẽ ba bức tranh khác nhau tương ứng với ba phần của bài thơ. Lớp tôi lại nhao nhao tranh nhau đưa ra ý tưởng về bức tranh mà quên mất phải chào cô.

Tiết học "Lượm" là tiết học hào hứng, sôi nổi và cũng có nhiều phút giây xúc động, xót thương. Cô giáo của tôi bảo "tuổi trẻ tài cao", dù ở lứa tuổi nào chúng ta vẫn có thể làm những việc có ích cho chính mình và cho xã hội. Chúng tôi sẽ mãi ghi nhớ lời cô dạy và nhớ mãi hình ảnh chú bé Lượm tung tăng vượt qua cánh đồng.

Tả lại tiết học Ngữ văn - Mẫu 10

Ngữ văn là môn học mà em yêu thích nhất. Bởi môn học này đã đem đến cho em những kiến thức vô cùng bổ ích không chỉ về lĩnh vực văn học mà còn là những bài học đạo đức làm người.

Trong những tiết học Ngữ Văn từ đầu năm học đến nay, em cảm thấy ấn tượng nhất với tiết kiểm tra vào thứ sáu tuần trước - cũng là tiết kiểm tra đầu tiên của em tại mái trường cấp hai thân yêu. Trước khi cô giáo đến lớp các bạn trong lớp đều tranh thủ ngồi xem lại tài liệu để có thể đạt được kết quả cao. Đến khi tiếng trống báo hiệu vào lớp vang lên, khoảng tầm năm phút sau thì cô Lan - cô giáo dạy môn Ngữ văn của tôi đã bước vào, viết lên bảng đề văn. Đúng là một trong bốn đề mà cô đã yêu cầu chúng tôi ôn tập. Cô nói:

- Các em đã chuẩn bị xong chưa? Chúng ta bắt đầu tính giờ làm bài nhé. Thời gian làm bài là 90 phút.

Cô giáo yêu cầu chúng em cất sách vở, vở tài liệu. Không gian trong lớp học trở nên yên tĩnh lạ thường. Đa phần các bạn đều nghiêm túc làm bài. Tuy là đề mà cô giáo đã cho ôn tập nhưng vẫn có một số bạn cứ ngồi loay hoay mãi. Còn riêng em, do đã chuẩn bị cẩn thận nên có thể nhanh chóng bắt đầu viết bài của mình. Trước hết là gạch ra giấy nháp những ý chính. Sau đó dựa vào dàn ý đó để viết thành bài văn hoàn chỉnh. Hai phần ba thời gian trôi qua, không khí lớp học yên lặng đến kì lạ. Các bạn đều đang chăm chú vào bài viết của mình. Cô giáo ngồi phía trên bàn giáo viên vẫn chăm chú quan sát cả lớp. Không một tiếng động lạ.

Tiết thứ nhất đã trôi qua và bây giờ đã sang tiết thứ hai. Em đã hoàn thiện được một nửa bài viết của mình. Thời gian trôi qua thật nhanh, khoảng mười lăm phút nữa là hết giờ. Các bạn trong lớp sắp hoàn thành xong bài viết của mình. Tiếng xôn xao bắt đầu nổi lên. Nhiều bạn đã đứng lên nộp bài. Cô giáo yêu cầu các bạn đã nộp bài nhanh chóng ổn định lại trật tự để không làm ảnh hưởng đến những bạn vẫn còn đang làm bài. Tiếng trống báo hiệu đã hết tiết vang lên. Bạn lớp trưởng được cô yêu cầu đi thu lại bài của toàn bộ các bạn trong lớp. Sau đó cô giành khoảng mười lăm phút để chữa lại các đề bài. Nhờ đó mà cả lớp đã biết được mình đã có và thiếu những ý gì trong bài viết của mình, cần phải rút kinh nghiệm ở phần nào… Em cũng học hỏi được thêm kĩ năng viết văn cho mình.
Đối với em, mỗi tiết học Ngữ Văn đều đem đến những kiến thức bổ ích. Em hy vọng có thể học thêm nhiều bài học thú vị hơn nữa.

Tả lại tiết học Ngữ văn - Mẫu 11

Khi bước chân vào mái trường Trung học, em đã được làm quen với rấtnhiều môn học mới. Trong đó, Ngữ Văn là môn mà em cảm thấy yêu thích nhất.

Trong những tiết học Ngữ Văn từ đầu năm học đến nay, em cảm thấy thích nhất với tiết học tuần trước. Chúng em được học bài “Gió lạnh đầu mùa” của nhà văn Thạch Lam. Trước khi vào tiết học, cô giáo yêu cầu chúng em ôn lại bài. Sau đó, cô đã tổ chức một trò chơi tập thể để cả lớp ôn lại bài cũ. Cả lớp sẽ được chia thành bốn nhóm, các nhóm sẽ thi tìm nhanh các cụm danh từ trong văn bản “Cô bé bán diêm”. Nhóm tìm được nhiều nhất và nhanh nhất sẽ chiến thắng. Chúng em đã có những giây phút vừa ôn tập vừa thư giãn rất thú vị, bổ ích và vui vẻ.

Sau đó, cả lớp bắt đầu với bài học chính. Đầu tiên, một bạn thay mặt cả lớp đứng lên đọc văn bản. Sau đó, cô giáo bắt đầu giảng bài. Giọng nói của cô dịu dàng, trầm ấm. Cả lớp giữ trật tự để nghe lời cô giảng. Chúng em được tìm hiểu lần lượt về tác giả Thạch Lam, đôi nét “Gió lạnh đầu mùa” cũng các nhân vật trong truyện. Cách giảng của cô giáo dễ hiểu khiến cho cả lớp tiếp thu bài một cách nhanh chóng, dễ dàng. Em đã hiểu thêm về nhà văn Thạch Lam. Truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa cho thấy sự khác biệt giữa những đứa trẻ sống trong gia đình khá giả và nghèo khó. Đồng thời, truyện còn ca ngợi tình yêu thương, tấm lòng nhân ái của con người. Em cảm thấy ấn tượng nhất với nhân vật bé Sơn - một cậu bé có tấm lòng nhân hậu, giàu tình yêu thương. Đó chính là đức tính mà mỗi người cần có được trong cuộc sống hôm nay.

Đối với em, mỗi tiết học Ngữ Văn đều đem đến những kiến thức bổ ích. Em hy vọng có thể học thêm nhiều bài học thú vị hơn dưới mái trường Trung học cơ sở này.

Tả lại tiết học Ngữ văn - Mẫu 12

Môn học mà em cảm thấy yêu thích nhất chính là Ngữ văn. Bởi môn học này đã cung cấp cho em những kiến thức vô cùng bổ ích, thú vị. Cho đến bây giờ, em vẫn còn nhớ mãi tiết học Ngữ văn đầu tiên dưới mái trường Trung học cơ sở.

Hôm đó là sáng thứ ba, lớp em có tiết Ngữ văn vào tiết đầu tiên. Cô giáo dạy chúng em môn học này cũng chính là cô chủ nhiệm. Cô vào lớp từ rất sớm. Sau khi giới thiệu khái quát về chương trình của môn học Ngữ văn lớp 6, cô đã bắt đầu bài giảng của mình. Tiết học đầu tiên, chúng em sẽ được học bài “Thánh Gióng” - một truyền thuyết nổi tiếng trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam.

Đầu tiên, cô giáo cho chúng em mười lăm phút để đọc toàn bộ tác phẩm. Sau đó, cô đã tổ chức một trò chơi tập thể. Mỗi tổ sẽ là một đội. Cả lớp sẽ có bốn tổ thi đấu với nhau. Trong thời gian năm phút, lần lượt các thành viên sẽ viết tên các truyện truyền thuyết mà mình biết. Tổ nào viết được nhiều hơn sẽ dành được chiến thắng. Chúng tôi tham gia trò chơi của cô vô cùng hào hứng, sôi nổi. Sau năm phút, các tổ đều viết rất nhiều truyền thuyết khác nhau. Cuối cùng tổ bốn - tổ của tôi đã chiến thắng khi chỉ hơn các đội bạn một đáp án.

Sau khi kết thúc trò chơi, cô giáo bắt đầu giảng bài. Chúng em chăm chú lắng nghe lời giảng của cô. Đôi lúc, cô cũng đưa ra những câu hỏi để chúng em có thể trao đổi. Rất nhiều bạn đã giơ tay phát biểu. Tiết học diễn ra sôi nổi, hấp dẫn. Những câu trả lời tốt của chúng em còn được cô giáo khen tặng bằng những điểm tốt. Bốn mươi lăm phút trôi qua thật nhanh. Tiết học Ngữ văn đầu tiên đã để lại cho em sự yêu thích, hứng thú với môn học này.

Em mong sẽ có thêm nhiều tiết học Ngữ văn thú vị, bổ ích hơn nữa dưới mái trường Trung học cơ sở này.

Tả lại tiết học Ngữ văn - Mẫu 13

Trong các môn học, em thích nhất là môn Ngữ văn. Bởi vậy, em vẫn còn nhớ mãi tiết học đầu tiên dưới mái trường Trung học cơ sở.

Hôm đó là sáng thứ tư, lớp em có một tiết Ngữ văn vào buổi sáng. Khi tiếng trống vang lên, cô giáo nhanh chóng bước vào lớp. Đầu tiên, cô giới thiệu về bản thân. Tên của cô là Thư. Sự thân thiện, nhiệt tình của cô khiến chúng em cảm thấy rất mong đợi. Chắc hẳn, cô sẽ khơi gợi cho chúng em niềm yêu thích môn học này.

Tiết học đầu tiên, chúng em sẽ được học văn bản “Bài học đường đời đầu tiên” (trích trong Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài). Cô Thư cho cả lớp mười lăm phút để đọc toàn bộ văn bản. Sau đó, cô đã tổ chức một trò chơi. Chúng em sẽ phải giải các ô chữ để tìm ra từ khóa. Có tám ô chữ với tám câu hỏi khác nhau. Mỗi câu trả lời đúng sẽ nhận được một chiếc bút bi. Người giải được từ khóa sẽ nhận được một điểm mười vào điểm kiểm tra miệng. Cả lớp tham gia rất nhiệt tình. Cuối cùng, bạn Thu Hà là người giải được ô chữ.

Sau khi trò chơi kết thúc, cô giáo bắt đầu giảng bài. Những kiến thức về tác giả, tác phẩm được cô giới thiệu một cách ngắn gọn. Sau đó, cô hướng dẫn cách phân tích văn bản theo từng nhân vật. Cuối cùng, cô còn tổng kết lại giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản. Thỉnh thoảng, cô cũng đưa ra những câu hỏi để chúng em có thể trao đổi. Nhiều bạn đã giơ tay phát biểu, được cô khen ngợi. Tiết học diễn ra rất sôi nổi. Chúng em say sưa lắng nghe mà quên mất cả thời gian. Với riêng em, sau tiết học, em đã nắm được toàn bộ kiến thức về văn bản “Bài học đường đời đầu tiên”.

Tiết học Ngữ Văn đầu tiên đã để lại cho em nhiều ấn tượng tốt đẹp. Nhờ vậy, em thêm yêu thích và say mê môn học này.

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Hy
470
  • Lượt tải: 346
  • Lượt xem: 221.930
  • Dung lượng: 328,1 KB
Tìm thêm: Văn mẫu lớp 6
6 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Lê Công văn
    Lê Công văn

    10 điểm nắm chắc trong tay

    Thích Phản hồi 10:02 12/07
    • Khoa Vuvan
      Khoa Vuvan

      😍






      Thích Phản hồi 08:03 15/05
      • Khoa Vuvan
        Khoa Vuvan

        10 điểm này 

        Thích Phản hồi 08:02 15/05
        • Tung Bach
          Tung Bach

          Đề quá là vip pro

          Thích Phản hồi 20:51 09/05
          • doan “mu gaming” vinh
            doan “mu gaming” vinh

            oooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooo hay quá


            Thích Phản hồi 23/04/23
            • Nguyễn Phi Long
              Nguyễn Phi Long

              hay quá !

              Thích Phản hồi 09/04/23