Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện) Văn mẫu lớp 9 Kết nối tri thức
Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện) gồm 3 mẫu hay nhất, giúp các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều ý tưởng cho bài văn phân tích Sơn Tinh Thủy Tinh, Chuyện người con gái Nam Xương, Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga.
Qua mỗi tác phẩm truyện chúng ta có thêm nhiều bài học bổ ích, giá trị, biết cách chắt lọc những ý hay để hoàn thiện bài văn của mình, nhanh chóng trả lời câu hỏi tiết Viết - Bài 4: Khám phá vẻ đẹp văn chương SGK Ngữ văn 9 Kết nối tri thức tập 1 trang 103.
Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện)
Viết bài văn nghị luận phân tích Sơn Tinh Thủy Tinh
Đa số những câu chuyện truyền thuyết của dân gian Việt Nam đều mang một ý nghĩa nhân văn về giá trị lịch sử hoặc những bài học tôn vinh tinh thần dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Trong kho tàng của văn học dân gian chất chứa trong đó không biết bao những tác phẩm đã hoàn toàn chinh phục trái tim độc giả. Nổi bật trong đó phải kể đến Sơn Tinh Thủy Tinh, chính từ phần nhan đề của câu chuyện đã được coi là một đặc sắc, vì thế không kể đến giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật - một linh hồn tạo nên thành công của tác phẩm. Hơn thế nữa, bởi Sơn Tinh Thủy Tinh mang tính chất là thể loại truyền thuyết thế nên những đặc sắc về hình thức nghệ thuật được coi là một trong số yếu tố cốt lõi của tác phẩm.
Sơn Tinh Thủy Tinh kể về một vị Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái tên là Mị Nương, xinh đẹp như hoa, tính nết hiền dịu. Vua Hùng đã tổ chức một buổi kén rể với mong muốn tìm cho con gái một người chồng xứng đáng. Ngày nọ có hai chàng trai đến cầu hôn. Một người ở vùng núi Tản Viên – chúa miền non cao tên Sơn Tinh. Một người trị vì biển Đông – chúa miền nước thẳm. Hai người đều có tài năng, và đang thống trị nơi mà họ đang sống. Vì thế vua ra điều kiện, một trong hai ai mang sính lễ đến trước, vua sẽ gả con gái cho. Sơn Tinh đến trước và rước được Mị Nương về, Thủy Tinh đến sau đùng đùng nổi giận, giao tranh với Sơn Tinh. Sơn Tinh thắng, Thủy Tinh đành rút quân. Nhưng cũng vì lí do đó mà hàng năm Thủy Tinh vẫn dâng nước đánh Sơn Tinh.
Qua câu chuyện trên ta thấy, Sơn Tinh Thủy Tinh không chỉ giải thích cho hiện tượng lũ báo hàng năm của nhân dân ta, đó còn nói lên khát khao chiến thắng được thiên tai bão lũ của người dân đất Việt thời bấy giờ. Không những thế sự ra đời của tác phẩm còn thay cho những niềm tự hào, niềm kiêu hãnh trước thành tựu trị thủy của nhân dân. Bởi vậy có thể nói Sơn Tinh Thủy Tinh như một tượng đài bất hủ trong thể loại truyền thuyết nói chung và văn học dân gian nói riêng.
L.Ton-xtoi độc giả nổi tiếng nói: “Chỉ có tác phẩm nghệ thuật nào truyền đạt cho mọi người những tình cảm mới mà họ chưa từng thể nghiệm thì mới là tác phẩm nghệ thuật đích thực”. Đúng vậy! Sơn Tinh Thủy Tinh đã ghi dấu giá trị qua từng nội dung từng nghệ thuật hấp dẫn. Nội dung thì nhân văn mà thực tế, nghệ thuật thì sẽ không thể bàn cãi được vì tính phong phú quá đỗi khác biệt. Tác giả dân gian đã không hạn chế sử dụng nghệ thuật, có lẽ Sơn Tinh Thủy Tinh là truyền thuyết lí tưởng để những tác giả ấy gửi gắm một loạt những nghệ thuật đặc sắc vào trong truyền thuyết này.
Đầu tiên chúng ta phải kể đến nghệ thuật xây dựng tình huống truyện đặc sắc, đặc sắc ở đây bởi cốt truyện có nhiều yếu tố kì ảo và li kì, không những thế đó còn nổi bật với tính cấp thiết và sự tò mò về kết quả của cuộc kén rể Vua Hùng đặt ra. Một tác phẩm, một câu chuyện mà không có sự tồn tại và xuất hiện của nhân vật thì có lẽ sẽ không để lại ấn tượng với người đọc, Sơn Tinh Thủy Tinh đã đi cùng chiều với sự thực đó, truyền thuyết là sự tồn tại của các nhân vật chính như Vua Hùng, Mị Nương, Sơn Tinh, Thủy Tinh - đó được coi như bốn điểm nhìn để độc giả hướng đến và cảm nhận. Ngoài ra đó còn là nghệ thuật xây dựng nhân vật mang dáng dấp thần linh với nhiều chi tiết tưởng tượng, kì ảo hai vị thần với nhiều phép lạ, những món sính lễ quý hiếm không thể gặp được ở cuộc sống bình thường.
Cách kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn, được ví như nhịp cầu kết nối người đọc với truyền thuyết này, đó là những từ ngữ chứa đầy tính tò mò bí ẩn, từ ngữ chứa hàm ý khiến người đọc phải tư duy và chiêm nghiệm để hoàn toàn thấu hiểu được nội dung. Không những thế Sơn Tinh Thủy Tinh còn là truyền thuyết mang đậm chất dân gian khi liên tục giải mã và lí giải những hiện tượng của đời sống. Bởi vậy những nghệ thuật trên đã góp phần tạo nên tính hấp dẫn và thu hút các thế hệ bạn đọc. Đặc biệt nghệ thuật trong Sơn Tinh Thủy Tinh sẽ là cơ sở để tạo nên sự phong phú trong cách sử dụng nghệ thuật đối với nhiều tác phẩm khác. Bởi nghệ thuật của truyền thuyết này thể như sự tiên phong về điểm nhìn mới mẻ trong thể loại truyền thuyết văn học dân gian.
Một tác câu chuyện hay là một câu chuyện nổi bật bởi những ấn tượng. Cho đến hiện tại ta có thể công nhận rằng Sơn Tinh Thủy Tinh là một câu chuyện hay. Bởi chất chứa trong tác phẩm là sự xuất hiện và tồn tại ấn tượng của nội dung và nghệ thuật. Đặc biệt điểm nhìn được chú ý nhất ở đây là đặc sắc về hình thức nghệ thuật. Bởi những nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật độc đáo, dàn dựng tình huống truyện đặc sắc,… những sự kết hợp đó đã tạo nên những thành công nhất định nhất cho tác phẩm.
Viết bài văn nghị luận phân tích Chuyện người con gái Nam Xương
Nguyễn Dữ là một trong những tác giả nổi tiếng về truyện truyền kỳ. Trong những tác phẩm của ông, có lẽ “Chuyện người con gái Nam Xương” là câu chuyện đặc sắc nhất. Tác phẩm viết về số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, ca ngợi phẩm chất cao đẹp của học. Đồng thời, qua đó ta thấy được sự đồng cảm sâu sắc của tác giả với hoàn cảnh của họ.
Vũ Nương là người con gái “tính tình thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”. Chồng nàng là Trương Sinh, một người đa nghi và hay ghen. Mặc dù vậy, với tính cách dung hòa của mình, “nàng luôn giữ gìn khuôn phép”, cuộc sống gia đình của hai người luôn ổn định, không hề xảy ra bất hòa. Khi Trương Sinh phải sung binh, nàng lại là người vợ chung thủy, một lòng một dạ với chồng, chỉ mong chàng lên đường bình an trở về, không mong đeo được ấn phong hầu. Tình yêu và ước mơ của nàng thật giản dị và ý nghĩa. Chồng đi xa, nàng sinh con và chăm sóc mẹ chồng một cách chu đáo. Khi mẹ ốm, “nàng hết sức thuốc thang, lễ Phật cầu thần”, câu nói “Sau này trời giúp người lành, ban cho phúc trạch, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, mong ông xanh kia chẳng phụ con cũng như con đã chẳng nỡ phụ mẹ.” của mẹ chồng nàng đã cho ta thấy Vũ Nương là một người vợ chu đáo, một người con hiếu thảo biết chừng nào. Khi mẹ chồng mất, nàng đau xót, lo liệu ma chay như với cha mẹ đẻ của mình.
Tuy nhiên, người phụ nữ đức hạnh ấy lại phải chịu đựng một nỗi oan và dẫn đến cái chết thương tâm của nàng. Trong thời gian chồng đi tòng quân, nàng thường hay đùa với con bằng cách trỏ vào bóng mình trên tường và nói đó là cha Đản. Khi bị Trương Sinh nghi ngờ, nàng vẫn cố gắng hỏi rõ sự tình và thanh minh với chàng: “Thiếp vốn nhà nghèo, được vào cửa tía. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm, giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn, từng đã nguội lòng, ngõ liễu đường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói.” Tuy nhiên, khi Trương Sinh một mực không tin, nàng đã gieo mình xuống bến Hoàng Giang mà chết. Chi tiết này đã nói lên nét đẹp con người Vũ Nương, nàng sẵn sàng lấy cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình. Hành động mà Vũ Nương nhờ Phan Lang về nói với Trương Sinh yêu cầu của nàng cũng một lần nữa nói nên tấm lòng chung thủy, một lòng son sắt của nàng. Khi hiểu ra sự tình, Trương Sinh đã vô cùng ân hận, đàn giải oan đã khiến cho Vũ Nương được trả lại sự trong sạch, yên lòng, nàng đã được đức Linh Phi cho hiện về, dẫu không thể trở lại cõi trần được nữa.
Tác phẩm của Nguyễn Dữ, một tác phẩm truyền kỳ có sử dụng những yếu tố hoang đường kỳ ảo. Nhưng từ đó lại thấy được cái nhìn, sự trân trọng và cảm thông của tác giả đối với số phận người phụ nữ xưa, ca ngợi phẩm chất cao đẹp của họ.
Viết bài văn nghị luận phân tích Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga
Truyện thơ Nôm được coi là một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của nhân dân ta. Nhắc đến truyện thơ Nôm - một thể loại gắn bó sâu sắc với những người dân lao động bình dị - thì thật thiếu sót khi không kể đến tác phẩm Lục Vân Tiên của thi nhân Nguyễn Đình Chiểu. Đặc biệt, đoạn trích Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga, người đọc vô cùng ấn tượng, cảm phục trước đức tính, tài năng của Lục Vân Tiên qua ngòi bút tài hoa của nhà thơ:
Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhắm làng xô vô.
Kêu rằng: “Bớ đàng hung đồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”.
…
Nay đà rõ đặng nguồn cơn,
Nào ai tính thiệt hơn so làm gì.
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.
Lục Vân Tiên là tác phẩm truyện thơ Nôm được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác vào những năm 50 của thế kỉ 19. Đây được coi là áng thơ đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong sự phát triển của thể loại truyện thơ Nôm. Tác phẩm viết về cuộc đời nhiều bất trắc của người anh hùng Lục Vân Tiên, từ đó làm nổi bật những tấm gương tốt, khuyên con người nên học hỏi những phẩm chất, đức tính của những người như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga. Đoạn trích Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga thuộc phần đầu của tác phẩm, từ câu 123 đến câu 180, kể lại sự việc Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga khỏi bọn cướp và thể hiện sự dũng cảm, không màng danh lợi của chàng.
Mở đầu đoạn trích, nhà thơ đã kể lại cuộc đụng độ giữa Lục Vân Tiên và toán cướp.
Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô.
…
Phong Lai chẳng kịp trở tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.
Đây là trận đấu không cân bằng về số lượng, bởi một bên chỉ có Lục Vân Tiên, bên còn lại là mấy mươi tên cướp hung hãn; cũng không cân bằng về vũ khí, bởi chàng chỉ có trên tay cành cây nhỏ “Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô”, còn bọn cướp lại gươm giáo đầy đủ. Nguyễn Đình Chiểu xây dựng hoàn cảnh đặc biệt, vừa để Lục Vân Tiên rơi vào thế khó, nhưng cũng để chàng tự bộc lộ sự gan dạ của mình.
Bằng bút pháp xây dựng hình tượng nhân vật điêu luyện, thi nhân đã xây dựng hai hình tượng vô cùng đối lập: Lục Vân Tiên và tướng cướp Phong Lai. Phong Lai được miêu tả có ngoại hình “mặt đỏ phừng phừng”, lời nói thì hàm hồ, hống hách, thách thức, như muốn “ăn tươi nuốt sống” Lục Vân Tiên: “Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây”. Trong khi đó, Lục Vân Tiên lại rất bình tĩnh bẻ cành cây làm gậy, khuyên bọn cướp không nên làm điều ác “Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”. Chàng thật sự không muốn gây chiến với bọn cướp, nhưng nếu gặp điều không hay, chàng sẵn sàng diệt trừ cái ác.
Điều làm nên sự thu hút trong đoạn thơ này là trận chiến ác liệt, không cân sức giữa Lục Vân Tiên và bọn cướp. Nguyễn Đình Chiểu tập trung miêu tả những cú đánh tài nghệ, sự dũng mãnh của Lục Vân Tiên. Chàng “tả đột hữu xông”, “khác nào Triệt Tử phá vòng Đương Dang”. Chàng tấn công mạnh mẽ, tung hoành bốn phương, như một người anh hùng đang phá vòng vây của ngàn kẻ địch. Những đòn tấn công nhanh, mạnh của chàng khiến cho Phong Lai và thuộc hạ của hắn chịu đau đớn, mất mát, thất bại thảm hại “Lâ la bốn phía vỡ tan”, “quăng gươm giáp”, “tìm đàng chạy ngay”. “Phong Lai chẳng kịp trở tay”, “Bị Tiên một gậy thác rày thân vong”. Phong Lai ban đầu hùng hổ, huênh hoang thế, nhưng cuối cùng, chỉ bị duy nhất một đòn của của Lục Vân Tiên, mà cũng chết không kịp nhắm mắt. Bọn cướp còn lại như rắn mất đầu, sợ hãi bỏ chạy tứ phía, tìm đường thoát thân. Lục Vân Tiên quả thật quá tài giỏi, binh pháp hơn người! Chỉ với một cành cây bẻ vội bên đường mà chàng đã dọn được ngay bọn cướp hung hãn, mà trong mắt chàng lại chỉ là “lũ kiến chòm ong”.
Sau trận chiến ác liệt, Lục Vân Tiên gặp người mình đã cứu - Kiều Nguyệt Nga. Khi này, Kiều Nguyệt Nga bày tỏ sự cảm kích và mong muốn được báo ơn chàng:
Dẹp rồi lũ kiến chòm ong,
Hỏi:”Ai than khóc ở trong xe nầy?”
…
Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi.
Trước hết, Kiều Nguyệt Nga xưng danh, nêu lên những lí do khiến mình bị đẩy vào tình thế nguy cấp, gặp bọn tàn ác này
Thưa rằng: “Tôi Kiều Nguyệt Nga,
Con nầy tì tất tên là Kim Liên.
…
Chẳng qua là sự bất bình,
Hay vầy cũng chẳng đăng trình làm chi.
Qua lời giới thiệu, ta có thể thấy Kiều Nguyệt Nga là cô tiểu thư danh giá, có bố làm chức quan tri phủ. Lần này nàng gặp nạn, cũng bởi do không muốn làm sai lời cha, sang miền Hà Tây để “định bề nghi gia”. Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng hình tượng một Kiều Nguyệt Nga vô cùng ngoan ngoãn, hiếu thảo, lại ăn nói tế nhị, lịch sự, dịu dàng, âu cũng để khuyên dạy con người cũng nên có những phẩm chất đó.
Gặp được ân nhân, Kiều Nguyệt Nga nóng lòng muốn đèn báo ơn, bởi với nàng, đây là điều theo lẽ tự nhiên.
Trước xe quân tử tạm ngồi,
Xin chi tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.
…
Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”.
Nàng vốn là một cô tiểu thư, có địa vị cao trong xã hội, nhưng lại xưng “tiện thiếp”, gọi Lục Vân Tiên - một người dân bình thường- là “quân tử”. Nàng đã hạ thấp mình xuống, như một cách để cảm kích, trân trọng ân nhân của mình. Không những thế, Kiều Nguyệt Nga còn “lạy” và “thưa” với người anh hùng kia. Nhà thơ đã sử dụng từ ngữ rất khéo léo trong việc miêu tả cách xưng hô và hành động của Kiều Nguyệt Nga, như để bày tỏ đậm nét hơn sự mang ơn của nàng.
Kiều Nguyệt Nga mong muốn Lục Vân Tiên theo mình đến Hà Khê, để có thể lấy của cải, vật chất trả ơn cho chàng. Nàng cho rằng mình nên báo đáp ân nhân như thế, bởi thân nàng “liễu yếu đào tơ”, không giúp gì được chàng, mà đang trên đường đi, “của tiền chẳng có bạc vàng cũng không”. Không những chỉ muốn lấy vàng bạc để trả ơn, nàng lại thấy công ơn của Lục Vân Tiên quá to lớn, không có cái gì hơn để “phỉ tấm lòng cùng ngươi”. Nàng đau đáu, sợ ân nhân sẽ thiệt, biết ơn sâu sắc đến người đã cứu giúp mình lúc hoạn nạn. Nhân vật Kiều Nguyệt Nga như một biểu hiện của đạo lý “báo đức thù công” - một quan niệm mà Nguyễn Đình Chiểu tâm đắc và tuân theo đến cùng.
Đáp lại sự báo đáp của Kiều Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên lại không nhận, cho rằng cứu người là việc đương nhiên:
Vân Tiên nghe nói liền cười
Làm ơn há dễ trông người trả ơn
…
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.
Lục Vân Tiên quan niệm rằng, trách nhiệm của người anh hùng là trừng trị cái xấu, cái ác, không nên soi xét đến hơn thiệt. Đây là quan niệm rất đúng đắn và nhân văn, bởi khi đã cứu người thì tâm người đó phải sáng, không bao giờ màng đến danh lợi. Người nào mà giúp người với tâm thế muốn được trả ơn, thế là “phi anh hùng”. Quan niệm về người anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu đã phần nào có sự tiến bộ hơn so với các nhà Nho xưa, không chỉ dừng lại ở “Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài” hay không cần có “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” như nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, mà còn cần có tấm lòng rộng mở, không đòi hỏi sự mang ơn của người khác, sẵn sàng xả thân vì cái tốt.
Như vậy, đoạn trích trở nên hấp dẫn không chỉ nhờ những đức tính tốt đẹp của Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, mà nó còn thu hút người đọc bởi nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo, sự kết hợp khéo léo giữa ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ đối thoại, ngôn từ sắc bén, tinh tế. Ngoài ra, chính thể thơ lục bát cùng nhịp thơ nhẹ nhàng đã làm đoạn trích nói riêng và cả tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên nói riêng trở nên dễ nhớ, dễ thuộc và đi sâu vào tâm trí người đọc.
Tóm lại, đoạn trích Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga đã làm sáng rõ hơn những tấm gương tốt, với những phẩm chất như anh dũng mạnh mẽ, biết mang ơn người ân nhân của mình. Tác phẩm như một cuốn sách đạo làm người của Nho giáo, hướng con người đến cái thiện, tránh xa cái ác. Và những quan niệm ấy vẫn thật cần thiết cho đến tận ngày nay.