Soạn bài Thần Trụ Trời - Chân trời sáng tạo 10 Ngữ văn lớp 10 trang 13 sách Chân trời sáng tạo tập 1
Truyện Thần Trụ Trời sẽ được hướng dẫn tìm hiểu trong chương trình học môn Ngữ văn.
Chính vì vậy, sau đây, chúng tôi xin giới thiệu tài liệu Soạn văn 10: Thần Trụ Trời, thuộc sách Chân trời sáng tạo, tập 1.
Soạn văn 10: Thần Trụ Trời
1. Tri thức Ngữ văn
- Thần thoại là một trong những thể loại truyện dân gian. Thần thoại kể về các vị thần, các nhân vật anh hùng, các nhân vật văn hóa; qua đó phản ánh quan niệm của con người thời cổ về nguồn gốc của thế giới và đời sống con người.
- Không gian trong thần thoại là không gian vũ trụ đang trong quá trình tạo lập, không được xác định nơi chốn cụ thể.
- Cốt truyện thần thoại thường l à chuỗi sự kiện xoay quanh quá trình sáng tạo nên thế giới, con người và văn hóa của các nhân vật siêu nhiên.
- Nhân vật trong thần thoại thường là thần, có sức mạnh phi thường để thực hiện các công việc sáng tạo thế giới hoặc sáng tạo văn hóa.
- Tính chỉnh thể của tác phẩm là sự thống nhất, toàn vẹn của tác phẩm.
- Lỗi về mạch lạc, liên kết trong đoạn văn : dấu hiệu nhận biết và cách chỉnh sửa.
- Thiếu mạch lạc: Các câu không tập trung vào một chủ đề (lỗi lạc chủ đề) hoặc nội dung nêu trong câu chủ đề không được triển khai đầy đủ trong đoạn văn (lỗi thiếu hụt chủ đề); Các câu trong đoạn văn không được sắp xếp hợp lí.
- Thiếu các phương tiện liên kết hoặc sử dụng các phương tiện liên kết chưa phù hợp.
2. Soạn bài Thần Trụ Trời chi tiết
2.1 Tác phẩm
a. Thể loại
- Thần thoại là thể loại ra đời sớm nhất trong lịch sử truyện kể dân gian của các dân tộc. Đó là những truyện có nội dung hoang đường, tưởng tượng về các vị thần, những nhân vật sáng tạo ra thế giới… phản ánh cách nhận thức, lí giải của con người nguyên thủy về các hiện tượng tự nhiên và xã hội.
- Không gian trong thần thoại là không gian vũ trụ nguyên sơ, có thể được chia làm ba cõi: cõi trời, cõi đất và cõi nước. Thời gian trong thần thoại là thời gian quá khứ, không được xác định cụ thể.
- Nhân vật thần trong thần thoại có ngoại hình và hành động phi thường, khả năng biến hóa khôn lường.
b. Tóm tắt
Thuở ấy chưa có vũ trụ, chưa có muôn vật và loài người. Trời chỉ là một đám hỗn độn, tối tăm và lạnh lẽo. Lúc đó, một ông thần có thân thể to lớn xuất hiện. Bỗng một lần thần đứng dậy; dùng đầu đội trời lên; tay đào đất, đá; đắp thành một cái cột vừa cao, vừa to để chống trời. Thần một mình cầy cục đắp, cột đá càng cao chót vót, càng đẩy trời lên. Từ đó, trời phân ra làm hai. Khi trời cao và đã khô, thần phá cột đi. Thần ném vung đá và đất khắp mọi nơi. Mỗi hòn đá văng đi tạo thành một hòn núi hay một hòn đảo. Đất tung tóe khắp nơi tạo thành cồn đồi, cao nguyên. Chỗ thần đào đất đắp cột tạo thành biển rộng. Cột đó không còn. Sau này, người hạ giới vẫn cho núi Thạch Môn bây giờ thuộc về Sơn Tây là di tích của cột đó. Người ta gọi nó là Cột chống. Sau thần Trụ trời còn có một số thần khác được phân công hoặc lên trời hoặc xuống đất để tiếp tục công việc kiến thiết thế giới: thần làm sao, thần đào sông, thần tát biển, thần nghiền cát…
2.2 Đọc hiểu
- Bối cảnh không gian, thời gian:
- Không gian: Chưa có vũ trụ, chưa có muôn vật và loài người; Trời đất chỉ là một đám hỗn độn, tối tăm và lạnh lẽo.
- Thời gian: Không xác định.
- Nhân vật: một vị thần khổng lồ xuất hiện
- Hành động:
- Bỗng một ngày, thần Trụ Trời đứng dậy, ngẩng đầu đội trời lên, đào đất, đập đá, đắp thành một cái cột vừa cao, vừa to để chống trời.
- Hễ cột được đắp cao lên chừng nào, thì trời như một tấm màn rộng mênh mông được nâng dần lên chừng ấy.
- Thần hì hục vừa đào vừa đắp, chẳng bao lâu, cột cứ cao dần, cao dần và đẩy vòm trời lên phía mây xanh mù mịt. Từ đó, trời đất mới phân đôi.
- Khi trời cao và đã khô, thần phá cột đi, lấy đất đá ném lung tung khắp nơi. Mỗi hòn đá văng đi tạo thành một hòn núi hay một hòn đảo, đất tung tóe khắp nơi tạo thành gò, đống, dải đồi cao. Chỗ thần đào đất đắp cột tạo thành biển rộng.
=> Giải thích sự hình thành của các sự vật tự nhiên: trời, đất, núi non, biển cả…
2.3 Nội dung
Truyện kể về quá trình thần Trụ Trời tạo ra trời và đất và các sự vật khác.
2.4 Nghệ thuật
Chi tiết kì ảo, nhân vật phi thường, không gian và thời gian kì ảo,...
3. Soạn bài Thần Trụ Trời ngắn gọn
3.1 Trước khi đọc
Bạn biết những truyện thần thoại nào? Hãy chia sẻ với các bạn trong nhóm về những truyện thần thoại ấy?
Hướng dẫn giải:
- Một số thần thoại như:
- Nước ngoài: Thần thoại Hy Lạp, Thần thoại Bắc Âu…
- Việt Nam: Thần Trụ Trời, Thần Sét…
- Học sinh tự chia sẻ về một số thần thoại đã đọc.
3.2 Đọc văn bản
Câu 1. Bạn hình dung như thế nào về vị thần Trụ Trời?
Hướng dẫn giải:
- Ngoại hình: Vóc dáng khổng lồ, chân dài không kể xiết.
- Hành động: Ngẩng đầu đội trời lên, đào đất, đập đá, đắp thành một cái cột vừa cao, vừa to để chống trời.
=> Thần Trụ Trời có ngoại hình và hành động phi thường.
Câu 2. Trời và đất thay đổi như thế nào sau khi có cột chống trời?
Hướng dẫn giải:
Trời đất phân đôi. Đất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp, chỗ trời đất giáp nhau gọi là chân trời.
Câu 3. Bạn có nhận xét gì về cách kết thúc truyện?
Hướng dẫn giải:
Truyện được kết thúc bằng một bài vè, kể về các vị thần. Cách kết thúc độc đáo, mới mẻ. Thần Trụ Trời được nhắc đến cuối cùng như muốn khẳng định công lao to lớn của vị thần này.
3.3 Sau khi đọc
Câu 1. Chỉ ra các yếu tố về không gian, thời gian của câu chuyện.
Hướng dẫn giải:
- Không gian: Chưa có thế gian, chưa có muôn vật và loài người. Trời đất chỉ là một vùng hỗn độn, tối tăm và lạnh lẽo.
- Thời gian: Không có thời gian cụ thể.
Câu 2. Những dấu hiệu nào giúp bạn nhận ra Thần Trụ Trời là một truyện thần thoại?
Hướng dẫn giải:
Những dấu hiệu giúp nhận ra Thần Trụ Trời là một truyện thần thoại:
- Nhân vật chính: Thần Trụ Trời
- Không gian vũ trụ: “Chưa có thế gian, chưa có muôn vật và loài người. Trời đất chỉ là một vùng hỗn độn, tối tăm và lạnh lẽo”; Thời gian: Không được xác định cụ thể.
- Cốt truyện: Xoay quanh việc thần Trụ Trời tạo ra trời và đất.
Câu 3. Tóm tắt quá trình tạo lập nên trời và đất của nhân vật thần Trụ Trời. Từ đó, hãy nhận xét về đặc điểm của nhân vật này.
Hướng dẫn giải:
- Quá trình tạo lập nên trời và đất của nhân vật thần Trụ Trời:
- Bỗng một ngày, thần Trụ Trời đứng dậy, ngẩng đầu đội trời lên, đào đất, đập đá, đắp thành một cái cột vừa cao, vừa to để chống trời.
- Hễ cột được đắp cao lên chừng nào, thì trời như một tấm màn rộng mênh mông được nâng dần lên chừng ấy.
- Thần hì hục vừa đào vừa đắp, chẳng bao lâu, cột cứ cao dần, cao dần và đẩy vòm trời lên phía mây xanh mù mịt. Từ đó, trời đất mới phân đôi.
- Khi trời cao và đã khô, thần phá cột đi, lấy đất đá ném lung tung khắp nơi. Mỗi hòn đá văng đi tạo thành một hòn núi hay một hòn đảo, đất tung tóe khắp nơi tạo thành gò, đống, dải đồi cao. Chỗ thần đào đất đắp cột tạo thành biển rộng.
- Nhận xét về đặc điểm của nhân vật này: Thần Trụ Trời là người có sức mạnh phi thường, có công tạo ra trời và đất.
Câu 4. Nêu nội dung bao quát của truyện Thần Trụ Trời.
Hướng dẫn giải:
Nội dung bao quát: Truyện kể về quá trình thần Trụ Trời tạo ra trời và đất và các sự vật khác.
Câu 5. Nhận xét về cách giải thích quá trình tạo lập thế giới của tác giả dân gian. Ngày nay, cách giải thích ấy có còn phù hợp không? Vì sao?
Hướng dẫn giải:
- Cách giải thích quá trình tạo lập thế giới của tác giả dân gian được xây dựng dựa trên trí tưởng tượng, cũng như cái nhìn trực quan, chưa có đầy đủ chứng cứ xác thực.
- Ngày nay cách giải thích đó không còn phù hợp. Với sự phát triển của khoa học, con người đã lí giải được quá trình tạo lập thế giới một cách khoa học, chính xác.
Câu 6. Cách hình dung và miêu tả đất, trời trong câu “đất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp, ...” trong truyện Thần Trụ Trời gợi cho bạn nhớ đến truyền thuyết nào của người Việt Nam? Hãy tóm tắt truyền thuyết ấy và chỉ ra điểm tương đồng giữa hai tác phẩm.
Hướng dẫn giải:
- Truyền thuyết: Bánh chưng bánh giầy.
- Tóm tắt: Hùng Vương thứ sáu muốn truyền ngôi cho một trong số những người con trai nên đã đưa ra điều kiện: “Không nhất định phải là con trưởng, chỉ cần làm vừa ý vua trong lễ Tiên vương sẽ được truyền ngôi cho”. Các hoàng tử thi nhau chuẩn bị mọi của ngon vật lạ đem lên dâng vua, riêng Lang Liêu chỉ quen với việc “chăm lo đồng áng, trồng khoai trồng lúa” nên không biết phải chuẩn bị lễ vật gì. Một đêm nọ, Lang Liêu nằm mơ được thần báo mộng: “Trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo”. Chàng bèn lấy thứ gạo nếp vốn quen thuộc, làm ra hai loại bánh hình vuông hình tròn để dâng lên vua cha. Bánh hình vuông tượng trưng cho Trời đặt tên là bánh chưng, còn bánh hình tròn tượng trưng cho Đất đặt tên là bánh giầy. Vua rất vừa ý và quyết định truyền ngôi cho Lang Liêu. Ngày nay, bánh chưng bánh giầy là hai món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
- Điểm giống nhau:
- Cả hai tác phẩm đều có yếu tố tưởng tượng, kì ảo.
- Có sự xuất hiện của thần linh.
- Biểu tượng hình vuông - đất, hình tròn - trời.