Phân tích bài thơ Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi lớp 8 (4 mẫu) Văn mẫu lớp 8
Bài ca Côn Sơn là một trong những tác phẩm hay của Nguyễn Trãi. Download.vn muốn giới thiệu tài liệu Bài văn mẫu lớp 8: Phân tích bài thơ Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi.
Tài liệu dành cho các bạn học sinh lớp 8 tham khảo để có thêm ý tưởng bài viết. Nội dung ngay sau đây.
Phân tích bài thơ Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi
Dàn ý phân tích bài thơ Bài ca Côn Sơn
1. Mở bài
Giới thiệu về tác giả Nguyễn Trãi, tác phẩm Bài ca Côn Sơn.
2. Thân bài
a. Bức tranh thiên nhiên ở Côn Sơn
- Hình ảnh thiên nhiên Côn Sơn được nhà thơ khắc họa bằng những hình ảnh tiêu biểu nhất:
- Tiếng suối chảy rì rầm
- Đá rêu phơi
- Thông mọc như nêm
- Trong rừng có trúc bóng râm
=> Cảnh sắc thiên nhiên rộng lớn, hoang sơ chưa có dấu chân của con người.
- So sánh thiên nhiên với:
- Tiếng suối - tiếng đàn cầm: du dương, trầm bổng và có hồn
- Đá rêu phơi - chiếu êm
- Thông mọc như nêm: những câu thông mọc dày như được bàn tay của con người đan dệt.
- Trúc bóng râm
=> Trong con mắt của nhà thơ, thiên nhiên hoang sơ nhưng lại đầy lý thú.
b. Sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên
- Đại từ “ta” được điệp lại nhiều lần. Khẳng định sự hiện diện của con người giữa thiên nhiên rộng lớn.
- “Ta” tuy nhỏ bé nhưng lại có mối liên kết với thiên nhiên:
- “Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”: lắng nghe tiếng suối mà cảm nhận được như tiếng đàn.
- “Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm”: ngồi lên đá rêu phơi mà tưởng như đang ngồi chiếu êm.
- “Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm”: hưởng thụ không gian mát mẻ, sự nhàn hạ của “ta”
- “Trong màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn”: không chỉ hưởng thụ cuộc sống mà “ta” còn có thể thỏa mãn được thú vui “ngâm thơ” cho thấy một tâm hồn thư thái.
=> Nhân vật trữ tình đã hòa mình cùng với thiên nhiên, tận hưởng sự yên bình và thanh thản mà thiên nhiên đem lại. Chỉ có thiên nhiên mới là người bạn tri kỉ với con người lúc này.
3. Kết bài
Khẳng định giá trị nội dung của bài thơ Bài ca Côn Sơn.
Phân tích bài thơ Bài ca Côn Sơn ngắn gọn
Bài ca Côn Sơn là một trong những tác phẩm hay của Nguyễn Trãi. Hình ảnh thiên nhiên Côn Sơn được nhà thơ khắc họa bằng những hình ảnh tiêu biểu nhất như “tiếng suối chảy rì rầm”, “đá rêu phơi”, “thông mọc như nêm”, “trong rừng có trúc bóng râm”. Có thể thấy, cảnh sắc thiên nhiên rộng lớn, hoang sơ chưa có dấu chân của con người. Đặc biệt, tác giả thể hiện sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên. Đại từ “ta” được điệp lại nhiều lần. Khẳng định sự hiện diện của con người giữa thiên nhiên rộng lớn. “Ta” tuy nhỏ bé nhưng lại có mối liên kết với thiên nhiên. Nhân vật trữ tình đã hòa mình cùng với thiên nhiên, tận hưởng sự yên bình và thanh thản mà thiên nhiên đem lại. Chỉ có thiên nhiên mới là người bạn tri kỉ với con người lúc này. Bài ca Côn Sơn đã mang đậm phong cách sáng tác của Nguyễn Trãi.
Phân tích bài thơ Bài ca Côn Sơn - Mẫu 1
Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi đã cho thấy khung cảnh thiên nhiên ở Côn Sơn nên thơ hấp dẫn cũng như sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên được bắt nguồn từ tâm hồn thi sĩ của Nguyễn Trãi.
“Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.”
Nguyễn Trãi đã khắc họa vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên ở Côn Sơn qua những hình ảnh sinh động. Nhân vật trữ tình trong bài thơ đang đứng giữa thiên nhiên Côn Sơn để lắng nghe thấy “tiếng suối chảy rì rầm”, nhìn thấy vẻ đẹp của núi non với “đá rêu phơi”, “thông mọc như nêm” hay“trong rừng có trúc bóng râm”. Thiên nhiên hiện lên mang vẻ hoang sơ, nhưng cũng đầy thơ mộng. Đặc biệt, nhà thơ đã có cách ví von thật độc đáo. “Tiếng suối chảy rì rầm” được ví von với “tiếng đàn cầm” còn “đá rêu phơi” được ví von với “chiếu êm”. Hai cách ví von trên giúp ta cảm nhận nhân vật “ta” là một người sống chan hòa với thiên nhiên, đó là một con người giàu trí tưởng tượng cũng như một tinh thần lạc quan, yêu đời khi sống giữa thiên nhiên Côn Sơn.
Trong vẻ đẹp thiên nhiên đó, con người đã có mối giao cảm đặc biệt. Giữa con người và thiên nhiên có sự giao hòa. Đại từ “ta” được điệp lại nhiều lần. Khẳng định sự hiện diện của con người giữa thiên nhiên rộng lớn. “Ta” tuy nhỏ bé nhưng lại có mối liên kết với thiên nhiên. Nhân vật trữ tình đã hòa mình cùng với thiên nhiên, tận hưởng sự yên bình và thanh thản mà thiên nhiên đem lại. Chỉ có thiên nhiên mới là người bạn tri kỉ với con người lúc này. Hình ảnh “Trong màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn” không chỉ hưởng thụ cuộc sống mà nhân vật “ta” còn có thể thỏa mãn được thú vui “ngâm thơ”. Tác giả sử dụng biện pháp tu từ điệp từ “ta” là 5 lần; 2 lần từ “Côn Sơn” làm nổi bật sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Đồng thời giúp cho bài thơ có giọng điệu du dương, khi đọc lên giống như âm thanh của tiếng đàn.
Có thể thấy, nhân vật trữ tình hiện trong bài thơ hiện lên như những bậc hiền nhân đời trước sống một cuộc đời ẩn dật, không tính toàn thị phi.
Bài ca Côn Sơn giàu giá trị về nội dung và nghệ thuật. Bài thơ còn đã mang đậm phong cách sáng tác của Nguyễn Trãi.
Phân tích bài thơ Bài ca Côn Sơn - Mẫu 2
Từ xưa đến nay, đề tài thiên nhiên trong thơ ca cổ thường rất phong phú. Các nhà thơ Việt Nam thời trung đại đã viết nhiều áng thơ hay về vẻ đẹp của quê hương, trong đó có Nguyễn Trãi, nhà thơ tài hoa, cũng là vị anh hùng xuất sắc của dân tộc ta, đã sáng tác "Bài Ca Côn Sơn" trong những ngày ông về ở ẩn nơi quê nhà. Bài thơ vừa khắc họa cảnh thiên nhiên yên tĩnh, trong lành, vừa bộc lộ những cảm xúc đẹp của thi sĩ khi ngắm nhìn rừng núi quê hương:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
...
Trong màu xanh ngát ta ngâm thơ nhàn”
Bài thơ vốn được viết bằng chữ Hán nhưng đã được dịch ra tiếng Việt với thể thơ lục bát du dương, uyển chuyển. Bản dịch được đánh giá là hay, thể hiện đầy đủ xúc cảm của nguyên tác. Mở đầu bức tranh Côn Sơn là một âm thanh êm đềm:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”
Nhà thơ cảm nhận thiên nhiên trước hết bằng thị giác, và từ đó, đối tượng trữ tình là phong cảnh Côn Sơn hiện ra rất tao nhã, yên tĩnh. Âm thanh tiếng suối của thiên nhiên được so sánh với "tiếng đàn cầm bên tai". Tiếng đàn thánh thót thường thể hiện cảm xúc và tâm trạng của người nghệ sĩ. Còn tiếng suối kia, phải chăng là tiếng của núi rừng êm êm tâm tình cùng người thi sĩ? Tả tiếng suối bằng tiếng đàn là một cách miêu tả thật độc đáo, ta có cảm giác như nhân vật trữ tình đang say sưa thưởng thức âm thanh đó như thưởng thức nghệ thuật tuyệt đỉnh của mẹ thiên nhiên. Về sau này, nhà thơ Hồ Chí Minh cũng có lần tả "Tiếng suối trong như tiếng hát xa", cũng là so sánh một âm thanh của tự nhiên với một âm thanh du dương do con người tạo ra. Hai nhà thơ ở hai thời đại khác nhau đều gặp gỡ ở tình yêu thiên nhiên tha thiết, nhưng tiếng suối - đàn cầm của Nguyễn Trãi thì đẹp một cách cổ điển, còn tiếng suối - tiếng hát của Hồ Chí Minh thì đẹp hiện đại, lấp lánh trẻ trung...
Thế đấy, nhà thơ tả tiếng suối để khắc họa không gian yên tĩnh, đây là nghệ thuật lấy động tả tĩnh. Và giữa không gian ấy là hình ảnh:
“Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm”
Nhà thơ tả "đá" mới thật độc đáo làm sao: Ông cảm nhận đá qua màu rêu đã phơi nắng phơi mưa qua bao ngày bao tháng. Hình ảnh ấy khiến người đọc có cảm giác rằng đá Côn Sơn đã bao lâu "trơ gan cùng tuế nguyệt". Có lẽ nó mang trong mình chiều dài năm tháng và bề dày của những trang lịch sử, là hình ảnh của một thiên nhiên lâu đời, nguyên thủy mà nhà thơ mến yêu và gắn bó. Chính vì vậy, Nguyễn Trãi "ngồi trên đá như ngồi chiếu êm". Lại là nghệ thuật so sánh rất đặc sắc, đưa thiên nhiên trở nên gần gũi vô cùng. Côn Sơn như ngôi nhà lớn, mà thảm rêu phơi kia đã trở thành chiếu êm của con người, giúp cho nhân vật trữ tình thảnh thơi ngồi nghỉ, để viết lên những vần thơ hay, êm êm như cảnh Côn Sơn.
Côn Sơn còn có những rừng thông tươi xanh bốn mùa, để nhà thơ hòa mình sảng khoái:
“Trong rừng thông mọc như nêm
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm”
Người xưa thường yêu thông, vì nó là loài cây không sợ sương tuyết, cứ xanh tươi và mọc thẳng bất chấp phong ba. Hình ảnh rừng thông khiến cho cảnh Côn Sơn trở nên hùng tráng, với cách so sánh giản dị "thông mọc như nêm". Cánh rừng thông ấy không bao giờ gục ngã trong bão gió, đây là nét đẹp của sức sống, của niềm tin. Phải chăng ẩn ý của nhà thơ là như vậy? Rồi, con người xuất hiện dưới bóng mát rừng thông, trong một hành động thể hiện tâm thế thoải mái, thân thuộc là "ta lên ta nằm". Rừng và thi nhân hài hòa trong một mối gắn bó mật thiết, bóng thông mát rượi che cho nhà thơ say giấc nồng ban trưa. Người đọc như cảm nhận được một tâm hồn dạt dào thi hứng và yêu mến thiên nhiên quê hương của Nguyễn Trãi.
Côn Sơn không phải chỉ có thông reo, mà còn có rừng trúc tươi đẹp, hiền hòa, làm say đắm cả lòng người:
“Trong rừng có bóng trúc râm
Trong màu xanh mát, ta ngâm thơ nhàn”
Cây trúc là loài cây đặc trưng của nhiều vùng quê Việt Nam. Có lẽ ở Côn Sơn thì trúc mọc thành rừng, nên nhà thơ dùng những cụm từ gợi tả như: "trúc râm", "màu xanh mát" để vẽ lên cảnh đẹp. Trúc tượng trưng cho người quân tử trong thơ ca cổ, và cũng gợi lên những ý nghĩa tốt lành nhất. Nhà thơ Nguyễn Khuyến khi viết về quê ông, vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng điểm xuyết và hình bóng tương đẹp của trúc: "Ngõ trúc quanh co khách vắng teo". Trở về với Nguyễn Trãi, dưới bóng trúc, nhà thơ "ngâm thơ nhàn" thì thật là thú vui thanh cao, nguồn tưới tươi mát cho tâm hồn con người. Giọng ngâm thơ sang sảng khiến cho rừng trúc càng xanh, càng đẹp!
Bút pháp miêu tả bức tranh Côn Sơn của Nguyễn Trãi thật tài tình: hình ảnh thơ tươi đẹp, liên tưởng thú vị độc đáo, hình ảnh thiên nhiên và con người sóng đôi một cách tự nhiên... Từ đó, ta thấy được sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, và nhân cách thanh cao, ung dung của nhà thơ tòa sáng trên từng câu chữ. "Bài ca Côn Sơn" không phải chỉ là một bức tranh đẹp, nó quả thật còn là một bản nhạc về tình yêu thiên nhiên và niềm hạnh phúc khi được ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên quê hương của nhà thơ.
Phân tích bài thơ Bài ca Côn Sơn - Mẫu 3
Ngôi nhà thiên nhiên ấy thật đặc biệt: Suối là đàn, rêu là chiếu, bóng thông làm giường, bóng tre trúc là nơi ngâm vịnh thơ ca. Thật là tuyệt thú! Và trong ngôi nhà thiên nhiên ấy, ông để tâm hồn mình giao hoà với cảnh và vẽ lại nó bằng một ngọn bút tài hoa.
Bài ca Côn Sơn (Côn Sơn ca) là một bài thơ chữ Hán nổi tiếng. Có lẽ Nguyễn Trãi viết bài thơ này trong thời kì ông cáo quan về ở ẩn ở Côn Sơn để giữ cho tâm hồn được thanh cao, trong sạch.
Đối với Nguyễn Trãi, Côn Sơn là một miền đất có sức hút kì lạ. Chẳng thế mà hai lần cáo quan về ở ẩn, ông đều tìm về với Côn Sơn. Và núi rừng Côn Sơn thanh vắng đã trở thành một thế giới riêng đầy thân thương gắn bó với thi nhân. Tại Côn Sơn, Nguyễn Trãi được sống với chính mình. Dường như thiên nhiên đã trở thành cứu cánh cho tâm hồn ông- một tâm hồn đớn đau vì nhân tình thế thái. Tại Côn Sơn, mọi vật đối với ông trở nên có tình, có nghĩa, như bầu bạn, như tri âm:
“Núi láng giềng, chim bầu bạn
Mây khách khứa, nguyệt anh tam”
(Thuật hứng - Bài 19)
Cảnh trí Côn Sơn thanh tĩnh, rộng mở, để cho tâm hồn Nguyễn Trãi hoá thân tìm về, ùa vào đó mà quên đi mọi nỗi ưu phiền:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Trong màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.”
(Trích Côn Sơn ca)
Đoạn mở đầu bài Côn Sơn ca đem đến cho người đọc bao cảm nhận mới mẻ về tâm hồn thi sĩ của Ức Trai. Trong cảm xúc của ông, cảnh trí Côn Sơn hiện ra thật thơ mộng và lãng mạn: Có tiếng suối chảy rì rầm, có đá rêu phơi êm ái, có rừng thông mọc rậm, dày, có rừng trúc xanh mát..., vừa có cái hoang dã của thiên nhiên, vừa có hơi ấm của cuộc sống đầy ắp tình người. Hơn nữa, trong con mắt thi nhân, thiên nhiên không chỉ là cảnh, mà đã trở thành nhà. Ngôi nhà thiên nhiên ấy thật đặc biệt: Suối là đàn, rêu là chiếu, bóng thông làm giường, bóng tre trúc là nơi ngâm vịnh thơ ca. Thật là tuyệt thú! Và trong ngôi nhà thiên nhiên ấy, ông để tâm hồn mình giao hoà với cảnh và vẽ lại nó bằng một ngọn bút tài hoa.
Bức tranh thiên nhiên được chấm phá bằng âm thanh rì rầm của tiếng suối được cảm nhận như tiếng đàn:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.”
Một hình ảnh so sánh thật độc đáo và gợi cảm. Suối đang chảy hay thi nhân đã thả hồn mình vào tiếng suối, làm rung lên cung đàn diễn tả nỗi khát khao yêu cuộc sống?
Năm trăm năm sau, thi sĩ Hồ Chí Minh cũng có chung cảm nhận ấy:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa”
Sau những giây phút thả hồn mình cùng tiếng suối, thi nhân lặng đến ngồi bên những phiến đá mà thời gian đã rêu phong bao phủ. Ông ngồi chơi ngắm cảnh, hay ngồi đánh cờ một mình? Có lẽ là cả hai. Trên nhân gian này, không ít người đã từng ngồi trên đá, nhưng làm sao họ cảm nhận được như thi nhân?
“Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.”
Một hình ảnh so sánh liên tưởng đầy thú vị khiến ta không khỏi ngỡ ngàng. Nguyễn Trãi trở về Côn Sơn không phải là để ẩn dật theo đúng nghĩa của cách sống ẩn dật, mà ông trở về Côn Sơn với nỗi hân hoan đầy tự do của một con người trở về nhà mình (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Và trong ngôi nhà ấy, ông không những được tha hồ nghe nhạc rừng, ngồi trên đá đánh cờ, mà còn được nằm dưới bóng thông râm mát, được ngâm thơ nhàn dưới bóng trúc xanh. Một cuộc sống mà người và cảnh gắn bó với nhau, hoà nhập vào nhau. Lòng Ức Trai thanh thản đến lạ kì.
Nhân cách thanh cao và tâm hồn thi sĩ của nguyễn Trãi thực sự là tấm gương sáng để ta soi vào.